Thứ Hai, 25 tháng 1, 2021

Tạ Quốc Tuấn: KHẢO CỨU VỀ TÁO QUÂN TRUNG QUỐC


TÁO-QUÂN TRUNG-QUỐC
Tạ - Quốc-Tuấn

9.2.2015
Kính thưa Lâm Khang chủ nhân,
Đọc bài Tết Ông Táo: Truyền Thuyết và Nghi Lễ đăng trên Blog Tễu thấy có nói tới Táo quân Trung-quốc, tôi mạo muội gửi hầu ông bài Táo-quân Trung-quốc của tôi để ông đọc cho vui.

Tôi xa Hà-nội 61 năm rồi (và xa Sài-gòn 49 năm) nên chẳng còn được hưởng những ngày lễ, ngày tết cổ truyền Việt-nam, chỉ còn biết đọc sách hay các bài trên các mạng điện tử để học hỏi hiểu biết thêm thôi. Đó cũng là lý do từ nhiều năm nay tôi hàng ngày vẫn đọc những bài trên mạng điện tử của ông.

Nhân dịp năm mới, kính chúc ông và bảo quyến một năm Ất-mùi an mạnh, hạnh phúc và vạn sự như ý.
Kính thư, 
Tuấn
Thưa Ông Tạ Quốc Tuấn,
Xin cảm ơn Ông đã gửi cho chúng tôi bài khảo cứu rất công phu của Ông về Táo Quân Trung Quốc. Tôi xin Ông cho phép được chia sẻ bài này tới đông đảo bạn đọc xa gần nhân dịp Tết cổ truyền Ất Mùi đang đến rất gần. 

Nhờ đọc bài khảo cứu công phu này, đối chiếu với các nghi thức và tư liệu về truyền thuyết và nghi lễ Táo Quân ở Việt Nam ta, tôi hiểu thêm nhiều điều, và thấy thật sự việc thờ Táo Quân giữa ta và người Trung Quốc là khác nhau lắm. Và tôi thấy truyền thuyết và nghi lễ thờ Táo Quân ở Việt Nam rất nhân văn, rất dung dị và hướng thiện.

Nhân năm mới sắp đến, kính chúc Ông và quý quyến năm mới An khang - cát tường như ý!
Thưa Ông, chúng tôi mong được đọc nhiều bài của Ông! 
Trân trọng
Hậu học Lâm Khang bái thư!
 .
Quyển Bát Dật 八佾 trong sách Luận Ngữ 論語 (q. 3, ch. 12, tiết 1) thuật chuyện Vương Tôn-giả 王孫賈, đại thần nước Vệ 衛(1), một hôm hỏi Khổng-tử 孔子 (550-479 TCN) là: "Tại sao lại bảo thà nịnh hót thần áo hơn là nịnh thần bếp?" (dữ kỳ mị ư áo, ninh mị ư táo, hà vị dã? 與其 媚於奧, 寧媚於竈, 何謂也)(2)  và Khổng-tử đã đáp rằng: "Không đâu, kẻ có tội với trời không còn có ai có thể cầu xin cho được." (Bất nhiên, hoạch tội ư thiên, vô sở đảo dã. 不然, 獲罪 於天, 無所禱也). Lúc đó họ Vương đang nắm quyền chính trong tay, nên tuy hỏi Khổng-tử ý nghĩa câu người ta thường nói với nhau, nhưng thực ra ông có ý muốn bảo Khổng-tử là tốt hơn hết nên xu mị ông ta thì hơn. Biết rõ thâm ý của họ Vương, Khổng-tử mượn câu chuyện thần bếp để răn đe Vương Tôn-giá.

Thần bếp nói ở đây chính là Táo-thần 灶神 (từ “táo” 灶 nguyên viết là 竈), mà người Trung-quốc bắt đầu thờ cúng từ năm 133 TCN đời vua Hán Vũ-đế Lưu-Triệt 漢武帝劉徹 (tại vị năm 140-86 TCN), người rất sùng Lão giáo 老教 (còn gọi là Đạo giáo 道教) và có liên quan đến thuật luyện kim đan để mong được trường sinh bất tử. Ngoài ra, vị thần này còn được gọi bằng nhiều tên khác nữa, như là: Táo-quân 灶 君, Táo-quân Bồ-tát 灶君菩薩, Táo-vương 灶王 hay Táo-vương-da 灶王爺, Hộ Trạch Thiên Tôn 護宅天尊, Nhất Gia Chi Chủ 一家之主, Cửu Thiên Tư Mệnh Định Phúc Táo-quân 九天司命定福 灶君 (gọi tắt là Tư Mệnh Táo Quân), Đông Trù Tư Mệnh Cửu Linh Nguyên Vương Định Phúc Chân Quân 東廚司命九靈元王定福真君 (gọi tắt là Đông Trù Tư Mệnh Chân Quân), v.v. 

I. Táo-quân Là Ai? 

Các tài liệu xưa không nhất trí về điểm ai là Táo-quân. Vì vậy có nhiều thuyết về Táo-quân.

Truyền thuyết cho rằng Táo-quân là con trai của Ngọc-hoàng đại đế 玉皇大帝 (tục gọi là Thiên lão da 天老爺), có nhiệm vụ chủ trì mọi sự bình an phúc lợi cho một gia đình cùng là giám sát hành vi thiện ác của mọi người trong gia đình.

Theo sách Châu Lễ 周禮 (nguyên tên là Châu Quan 周官, còn gọi là Châu Quan Kinh 周官經), tương truyền do Châu-công Ki-Đán 周公姬旦 (?-1105 TCN), em trai của Châu Vũ-vương Ki-Phát 周武王 姬發 (tại vị năm 1122-1115 TCN) biên soạn, thì “Thị tộc Chuyên-húc có một người con trai tên là Lê, là Thần Lửa, được thờ làm Táo-thần.” (Chuyên-húc thị hữu tử viết Lê, vi Chúc-dung, tự dĩ vi Táo-thần. 顓頊 氏有子曰犁, 為祝 融, 祀以為灶神).

Mặt khác, sách Hoài-nam-tử  淮南子 (tương truyền soạn giả là Hoài-nam vương Lưu-An 淮南王劉安, nhưng thực ra là do các môn khách của Vương biên soạn) khi phiếm luận về huấn tắc đã nói rằng “Viêm-đế thuộc hỏa, lúc chết thành Táo-[quân].” (Viêm-đế ư hỏa, tử nhi vi Táo 炎帝於火, 死而為灶). Sau có Cao-Dụ 高誘, người thời nhà Đông-Hán 東漢 (còn gọi là Hậu-Hán 後漢, 25-220), chú giải câu này nói là “Viêm-đế Thần-nông lấy hỏa đức mà được làm vua thiên hạ, thác làm Táo-thần.” (Viêm-đế Thần-nông, dĩ hỏa đức vương thiên hạ, tử thác tự vu Táo-thần. 炎帝 神農, 以火德 王天下, 死託祀于灶神)

Có thuyết lại cho rằng Táo-quân chính là Hoàng-đế Ki Hiên-viên 黃帝姬軒轅 (tại vị năm 2698-2598 TCN), vị vua (đúng ra phải gọi là cộng chủ 共主) đầu tiên của người Hán tộc và cũng là tổ tiên của Châu-công và Châu Vũ-vương nói trên, vì ông đã phát minh ra bếp lò để nấu nướng.

Trên đây là truyền thuyết rất xưa, biểu hiện cho việc người ta phát hiện ra lửa khiến không còn phải ăn thịt sống, cá sống, rau sống nữa. Người phát minh ra lửa đã được sùng bái, thần thánh hóa thành Táo-quân để tế tự. Tuy nhiên, về sau người ta lại đã nhân hóa Táo-quân.

Chẳng hạn sách Ngũ Kinh Thông Nghĩa 五經通義 của Hứa-Thận 許慎 (? - 121) chép rằng:

Táo-thần họ Tô, tên Cát-lợi. Hoặc nói họ Trương, tên Đan, tự  Tử-quách, vợ họ Vương, tên Bác-giáp, tự Khanh-kỵ.”

(Táo-thần tính Tô, danh Cát-lợi. Hoặc vân tính Trương, danh Đan, tự Tử-quách, kỳ qui (thê) tính Vương, danh Bác-giáp, tự Khanh-kỵ. 灶神姓蘇, 名吉利. 或云姓張, 名單, 字子郭, 其歸(妻)姓王, 名搏頰, 字卿忌)

Mặt khác, sách Tây-dương Tạp Trở 西陽雜俎 của Đoàn Thành-thức 段成式, người thời nhà Đường 唐 (618-907), nói rằng:

Táo-thần tên Ngỗi, dáng người như mỹ nữ. Lại nói họ Trương, tên Đan, tự Tử-quách. Vợ tên là Khanh-kỵ, có sáu con gái, tất cả đều tên Sát-trị, thường lên trời ngày cuối tháng tâu trình tội trạng người ta, lớn thì bị đoạt kỷ (ba trăm ngày), nhỏ thì bị đoạt toán (một trăm ngày), vì thế được làm đốc sứ của thiên đế xuống trần gian làm địa tinh.” 

(Táo-thần danh Ngỗi, trạng như mỹ nữ. Hựu vân tính Trương, danh Đan, tự Tử-quách. Phu nhân viết Khanh-kỵ, hữu lục nữ, giai danh Sát-trị, thường dĩ nguyệt hối nhật thướng thiên, bạch nhân tội trạng, đại giả đoạt kỷ [tam bách nhật], tiểu giả đoạt toán [nhất bách nhật], cố vi thiên đế đốc sứ hạ vi địa tinh. 灶神名隗, 狀如美女. 又云姓 張, 名單, 字子郭. 夫人曰卿忌, 有六女, 皆名察治, 常以月晦日上天, 白 人罪狀, 大者奪紀 [三百日], 小者奪算 [一百日], 故為天帝督使下為地 精.)

Ngoài ra, theo truyền thuyết, Táo-quân còn là tộc trưởng một tộc đa đinh, có tới 9 đời sống chung với nhau trong một khu nhà ở tỉnh Sơn-đông 山東. Ông quản lý gia đình và tộc họ rất khéo, khiến mọi người sống hòa thuận với nhau, ai nấy đều biết thích nghi đời sống riêng của mình với đời sống của mọi người khác, nên trong nhà ít khi có những cuộc tranh chấp, những vụ cãi lộn. Ngay cả nếu một người chưa kịp đến ăn thì tất cả những người khác đều chờ, chứ không chịu ăn ngay. Một hôm, nhà vua trong lúc đi tuần thú địa phương này nghe tiếng rất lấy làm hài lòng và đã ghé thăm gia đình họ Trương. Sau khi ông chết, nhà vua phong cho ông làm Táo-vương.

Sau hết, có một tác giả người Nhật-bản tên là Linh-mộc Thanh-nhất-lang 鈴木清一郎, viết trong tài liệu Đài-loan Cựu Quán Tập Tục Tín Ngưỡng 臺灣舊慣習俗信仰, mô tả Táo-quân một cách khác. Theo ông, phụ nữ Đài-loan chiều nào cũng dùng thùng tắm để tắm rửa mà ông cho là một thói quen vệ sinh rất tốt. Nguyên lai là nhà ở Đài-loan không có xây phòng tắm riêng, nên mỗi buổi chiều phụ nữ trong nhà đều đun một nồi nước nóng để ở bên cạnh bếp lò và đặt thùng tắm cũng ở bên cạnh bếp lò, rồi bước vào thùng nước đun sôi mà tắm. Trong khi đó, Táo-quân là một vị thần háo nữ sắc, thích ngắm đàn bà lõa thể. Ngọc-hoàng đại đế bổ nhiệm quan chức cho các thần đều căn cứ theo tài cán và hứng thú của các thần. Vì Táo-thần có thị hiếu ngắm cái đẹp lõa thể nên Ngọc-hoàng đại-đế mới cử ông làm Tư Mệnh Táo-quân để mỗi buổi chiều có thể tận tình thưởng ngoạn cái đẹp lõa thể.

Tuy nhiên, đây có lẽ chỉ là quan điểm riêng của một người Nhật háo sắc thôi, chứ không thấy một sách vở nào khác nói như vậy cả. 

II. Nơi Thờ Táo-quân 

Cho đến những thập niên gần đây trong nhà bất cứ một người Trung-quốc nào cũng có một bức tranh Táo-quân (gọi là Táo-quân thần mã  灶君神禡), thường sơn màu sặc sỡ, dán ở trên tường, trên một tấm gỗ có giá, hoặc ở trong một cái khám gỗ, hai bên có dán hai câu đối, một câu là “Thượng thiên ngôn hảo sự” 上天言好事 (trên trời nói sự tốt) và một câu là “Hạ giới bảo bình an” 下界保平安 (dưới đất giữ bình yên). Dù dán ở trên vật nào, điều quan trọng là bức tranh đó phải được dán hay treo ở bên trên hay bên cạnh bếp lò, bởi vì Táo-quân vốn là vua bếp. Bếp được coi là chỗ quan trọng nhất, là chỗ tối thiểu phải có của mỗi nhà. Gia đình không thể nào phát triển nếu mọi người trong nhà bụng trống rỗng, không có miếng ăn. Vì thế đối với người Trung-quốc ăn uống là việc quan trọng hàng đầu, "dĩ thực vi tiên" 以食為先.

Ngoài ra, ở Hoa-lục, Táo-quân còn được thờ trong miếu riêng (như ở trong Tập Quân Miếu 皀君廟 bên ngoài cửa Sùng-văn 崇文 門(3) tại thành phố Bắc-kinh 北京 thuộc tỉnh Hà-bắc 河北 ngày nay), hoặc thờ chung với các thần khác trong một số điện đường (thí dụ Thiên Chủ Đường 天主堂 và Phúc Tế Quan 福濟觀 ở thành phố Tô-châu 蘇州 thuộc tỉnh Giang-tô 江蘇 có Táo-quân Điện 灶君殿). 

III. Thần Vị Của Táo-quân 

Hình thức thần vị của Táo-quân bất nhất. Có cái chỉ là bức tranh Táo-quân, như đã nói bên trên, hai bên có dán đôi câu đối, một câu là "Táo nãi nhất gia chủ " 灶乃一家主 (Táo là chúa một nhà) và câu kia là “Thần vi ngũ tự tôn” 神為五祀尊 (Thần là một trong năm thần được thờ).

Xin mở một dấu ngoặc ở đây. Về tên 4 vị thần được thờ kia xin xem phần IV bên dưới.

Lại có cái chỉ là một tấm mộc bài trên mặt viết một hàng chữ "Đông Trù Tư Mệnh Định Phúc Táo Quân Chi Thần" 東廚司命定福灶 君之神, hai bên có dán đôi câu đối nói trên, chứ không dán tranh.

Tướng mạo của Táo-quân trong tranh cũng bất nhất, hình thức khác nhau. Có bức vẽ hình Táo-quân râu tóc đen và trên đầu có hào quang đỏ. Có bức vẽ một nam tử râu ria lởm chởm. Lại có bức tranh ngoài Táo-quân (tục gọi là Táo-vương-da 灶王爺 hay Táo-thần-da 灶 神爺) ra, còn có thêm hình một vị phu nhân nữa (tục gọi là Táo-vương nãi-nãi 灶王奶奶 hay Táo-thần nương-nương 灶神娘娘). Cũng có bức tranh ở bên cạnh hai ông bà còn vẽ thêm nhiều bộ thuộc, có người cầm nghiên bút, có người cầm sổ sách, v.v. Tuy nhiên không có hình hai ông một bà như thường thấy trong các bức tranh Táo-quân Việt-nam. 

IV. Nhiệm Vụ Của Táo-quân 

Táo-quân chiếm một địa vị quan trọng trong gia đình Trung-quốc. Thần được coi là người làm trung gian giữa thiên đình và nhân gian. Có thể nói Táo-quân chính là một quản gia, vừa cai quản vừa giám sát mọi chuyện trong gia đình được ủy thác.

Táo-quân có phận sự ghi chép những việc thiện ác trong gia đình. Trong các bộ thuộc hầu hạ bên cạnh Táo-quân, có hai thần, một người cầm "thiện quán" 善罐 (cái vò thiện) và một người cầm "ác quán" 惡罐 (cái vò ác). Hễ ai trong nhà làm việc tốt, Táo-quân bảo người cầm "thiện quán" bỏ một đồng tiền hay một tờ giấy ghi việc ấy vào cái vò thiện; còn nếu có người làm việc xấu thì Táo-quân bảo người cầm "ác quán" bỏ đồng tiền hay tờ giấy ghi việc xấu vào cái vò ác. Căn cứ vào số đồng tiền hay tờ giấy ghi điều thiện, điều ác này, cuối năm Táo-quân sẽ làm một bảng kết toán để tâu trình lên Ngọc-hoàng đại-đế.



 Truyện Hí Tì Thần Ký  戲婢神記 trong sách Nhật Ký Cố Sự 日 記故事 của Hùng Đại-mộc 熊大木 (người thời nhà Minh 明, 1368-1644) chép chuyện Táo-quân giám sát một thư sinh định cưỡng hiếp a hoàn. Chuyện kể rằng có một thư sinh (tác giả quên mất tên họ) học tập ở trong một thư xá. Đến canh ba có một a hoàn nhỏ tuổi mang trà tới. Chàng thư sinh động lòng tà, bèn nắm lấy tay a hoàn, định cưỡng dâm. May a hoàn chạy thoát được. Lúc đó vợ chàng thư sinh đã ngủ và mơ thấy Táo-quân cầm bút ghi chép việc thư sinh ghẹo a hoàn. Một bộ thuộc đứng bên cạnh hỏi Táo-quân là "Chúng ta nên cho nó tuyệt tự hay giảm thọ?" Táo-quân nói: "Phải chờ xem y sau này như thế nào đã." Người vợ giật mình tỉnh dậy, nói cho chồng hay. Chàng thư sinh cả sợ, mồ hôi toát ra đầm đìa như tắm, biết là lúc Táo-quân ghi chép sự việc đúng là lúc mình ghẹo a hoàn. Ngày hôm sau y bèn cưới ngay a hoàn làm thiếp. Từ đó y hết sức tự kiềm thúc mình, không dám động tà niệm nữa. Sau người vợ lại nằm mơ thấy Táo-quân bảo rằng: "Chồng ngươi đã biết sửa đổi lỗi lầm, lấy nữ tì như vậy là một việc âm đức, vì thế sẽ được sống lâu."

Táo-quân không phải chỉ là một vị quan giám sát mà còn là thần bảo hộ người trong nhà, bất kể lớn bé, già trẻ. Táo-quân cùng với bốn thần khác là Môn-thần 門神 (Thần Cửa), Tỉnh-thần 井神 (Thần Giếng), Xí-thần 廁神 (Thần Cầu Tiêu) và Trung-lựu-thần 中霤 神 (Thần Gian Nhà Chính), gọi chung là "Ngũ Tự" 五祀 (năm thần được thờ), tất cả phụ trách việc cai quản và giữ gìn sự an toàn cho mọi người trong nhà, không để cho tà thần dã quỉ quấy nhiễu.

Táo-quân lại có thể ban phúc cho người nhà nếu được họ cung kính thờ phụng.

Bộ sử Hậu-Hán Thư  後漢書 của Phạm-Diệp 范曄 (398-445), trong quyển Âm Thức Truyện 陰識傳 (q. 62), đã chép câu chuyện là trong đời Hán Tuyên-đế Lưu-Tuân 漢宣帝劉詢 (tại vị năm 73-48 TCN), có Âm Tử-phương 陰子方 sáng sớm ngày 8 tháng chạp âm lịch lúc thổi cơm thì thấy Táo-quân hiện hình, bèn đem con chó vàng duy nhất trong nhà giết để tế Táo-quân. Từ đó về sau, gia đình họ Âm càng ngày càng phát tích, ruộng nương có hơn 700 khoảnh 頃 (1 khoảnh = 100 mẫu 畝), ngựa xe, tôi tớ, sánh với vua một nước.

Câu chuyện này từ đó được lưu truyền và người đời sau cứ vào ngày 8 tháng chạp âm lịch lại giết chó vàng tế Táo-quân để mong được Táo-quân ban phúc. Chó vàng tế Táo-quân không gọi là “hoàng khuyển” 黃犬 theo thông lệ, mà là "hoàng dương" 黃羊 (dê vàng) hay "hoàng dương tự Táo" 黃羊祀灶 (dê vàng tế Táo).

Táo-quân lại còn có thể trừ tà. Trong hồi thứ 53 sách Kim Bình Mai Từ Thoại 金瓶梅詞話 của Lan-lăng Tiếu-tiếu sinh 蘭陵笑笑生 (người thời nhà Minh) có kể câu chuyện Tây-môn Quan-ca 西門官哥, con trai của Tây Môn-khánh 西門慶, bị bệnh nên vợ là Nguyệt-nương 月娘 sai gia đồng đi mời bà mụ họ Lưu (sách gọi là “Lưu bà tử ” 劉婆 子). Mụ Lưu bước thấp bước cao chạy te chạy tái lại. Vừa tới nhà bếp, bà mụ lấy tay sờ cửa bếp. Con a hoàn Nghênh-xuân 迎春 cười hỏi: "Lão bà, bà muốn lau sạch tà hả? Quan-ca ngã bệnh sao bà không xem, lại đi xuống bếp sờ cửa bếp làm gì?" Mụ Lưu bèn nói: "Tiểu nô tài, mày thì biết cái gì cơ chứ? Đừng có chẩu mỏ lên nói như vậy. Ta lão nhân gia, một năm cũng lớn hơn mày 360 ngày. Trên đường tới đây ta sợ có nhiều tà khí nên mới phải đi tới trước cửa bếp sờ cửa như vậy."

Chức chưởng của Táo-quân không phải chỉ có những gì kể ở bên trên. Nếu muốn biết trước vận số năm tới tốt xấu như thế nào người ta có thể đêm Trừ tịch tới trước mặt Táo-quân bói một quẻ, gọi là "chúc Táo" 祝灶 (cầu Táo).

Trong sách Quảng-đông Tân Ngữ 廣東新語 của Khuất Đại-quân 屈大均 (người đầu thời nhà Thanh 清, 1644-1911), quyển "Chúc Táo" (q. 9), có chép rằng đêm Trừ tịch năm Vĩnh-an 永安(4) đàn bà rắc muối và gạo lên trên bếp lò, lấy một cái bát đậy lại, rồi xem muối gạo tụ tán như thế nào mà bói được hay mất mùa, gọi là "chúc Táo". Còn đàn ông thì đặt một chõ nước ở bên cạnh, dán bốn chữ Đông 東, Tây 西, Nam 南, Bắc 北, rồi thả một miếng gỗ nhỏ trong nước, để xem miếng gỗ đó xoay về hướng nào mà thích ứng với phương đó, lại còn xét đoán thanh khí như thế nào để bói tốt xấu, gọi là "Táo quái " 灶卦 (quẻ Táo) hay "thính hưởng bốc" 聽響卜 (nghe tiếng vang mà bói).

Nếu trong nhà có người bị bệnh, khi mua thuốc ở tiệm thuốc về thì trước hết đốt hương khấu đầu trước tranh Táo-quân, bẩm báo mọi sự để xin Táo-quân phù hộ, rồi mới đem thuốc đi sắc cho con bệnh uống thì mới có linh nghiệm.

Sách Đắc Nhất Lục 得一錄 của Từ-Trị 徐治 (người thời nhà Thanh), trong quyển Dược Cục Lập Nguyện Ước 藥局立願約 (q. 4), nói trong điều thứ nhất rằng:

"Sách Bệnh Nhân Gia Thuộc Tướng dạy rằng khi mang thuốc về thì phải đốt hương khấu đầu trước Táo-quân, kiên trì lập lời thiện nguyện, sau đó mới cho bệnh nhân uống, chứng bệnh bên ngoài dán thuốc cao cũng được, trăm lần thử trăm lần hiệu nghiệm ."

(Bệnh Nhân Gia Thuộc Tướng dược vật phụng qui, tu hướng Táo-thần tiền phần hương khấu thủ, kiên lập thiện nguyện, nhiên hậu phục hạ, ngoại chứng thiếp cao diệc nhiên, bách thí bách hiệu hĩ. 病 人家屬將: 藥物奉歸, 須向灶神前焚香叩首, 堅立善願, 然後服下. 外症 貼膏亦然, 百試百效矣.)

Ngay cả đến trường hợp trong nhà lần đầu tiên mua lợn con, lúc mang lợn về tới cửa nhà thì cũng phải đốt hương khấu đầu trình báo với Táo-quân. Vạn nhất lợn có chạy đi mất thì cũng nhờ Táo-quân tìm kiếm hộ.

Sách Việt Nam Thần Thoại Nghiên Cứu 粵南神話研究 của Ngô Ngọc-thành 吳玉成 có một đoạn nói rằng:

"Nhà nông ở nam Việt chúng tôi đại đa số có nuôi lợn. Điều kỳ quái là lúc lợn về đến nhà, vừa vào cửa thì phải thắp hương nến, lấy tay ấn đầu con lợn cho lợn bái Táo-quân vài bái và chủ nhân còn phải đọc vài câu cầu nguyện. Rồi khi lợn lớn lên, đem bán đi, phải mua tam sinh để tế Táo-quân, gọi là ‘hoàn trư Táo’. Nếu chẳng may lợn bị thất lạc, không biết đi hướng nào tìm thì chủ nhân phải thắp hương nến vái Táo-quân để nhờ Táo-quân đi tìm hộ…"(5) 

(Ngã môn Việt nam nông dân đại đô quân dưỡng trước trư, ngận kỳ quái đích, phàm thủy sơ, trư hồi gia thời, phủ nhập môn, tựu tất yếu trang trước hương chúc, dĩ thủ thế sử trư triều hướng Táo-thần bái liễu kỷ bái, chủ nhân hoàn niệm niệm hữu từ. Cập trư trưởng đại, xuất thụ khứ liễu, hựu yếu mãi trước tam sinh lai tế Táo, danh khiếu ‘hoàn trư Táo’, hữu thời bất hạnh trư thất lạc bất tri khứ hướng, chủ nhân hựu hướng Táo-thần tiến hương chúc, ý vị thỉnh Táo-thần khứ đại tầm đích… 我們粵南農民大都均養著豬很奇怪的凡始初豬回家時 甫入門就必要裝著香燭以手勢使豬朝向灶神拜了幾拜主人還念念有詞及豬長大出售去了又要買著三牲來祭灶名叫還豬灶有時不幸豬失落不知去向主人又向灶神進香燭意謂請灶神去代尋的…)

Như vậy là Táo-quân cai quản chẳng những là nhân sự mà ngay cả lợn nữa. Chức quyền của Táo-quân thực không thẹn chút nào với phong hiệu "Nhất Gia Chi Chủ ". 

V. Tế Táo 

Việc tế Táo được cử hành vào ngày nào? Sách Bão-phác-tử 抱 朴子 của Cát-Hồng 葛洪 (hiệu là Bão-phác; người thời nhà Tấn 晉 265-420) nói rằng “Có thể cúng Táo vào tháng mạnh hạ.” (Mạnh hạ khả dĩ tự Táo. 孟夏可以祀灶). Tháng mạnh hạ là tháng 4 âm lịch.

Chuyện ông Trương được phong làm Táo-thần (đã nói ở phần I bên trên) còn cho chúng ta biết rằng ông sinh ngày mồng 3 tháng 8 âm lịch. Vì thế, trước thời Nhân dân Cộng hòa 人民共和 (trước năm 1949), vào ngày này người ta kéo nhau đến miếu thờ Táo-quân bên ngoài Sùng-văn-môn tại Bắc-kinh rất đông để cúng tế ông. Còn ở các nơi khác trong toàn quốc, đến ngày này nhà nào nhà ấy đều nấu một bát mì trường thọ 長壽麵 (nghĩa đen: mì sống lâu) đặc biệt để cúng ông. Người ta cho rằng dù là thần ông cũng phải ăn uống như người phàm trần, nên nếu người phàm trần ăn mì trường thọ vào sinh nhật của mình thì Táo-quân cũng vậy, cũng ăn mì trường thọ. Chỉ có điểm khác là mì cúng Táo-quân không nấu với thịt bò, xì dầu và giá sống như làm cho người phàm trần ăn mà phải nấu với đường. Chẳng hiểu đó là vì gia chủ muốn chứng tỏ cho Táo-quân biết là mình sống đời cần kiệm đạm bạc, hay vì cho rằng có cho Táo-quân ăn ngọt thì ông mới tâu những lời ngọt ngào về gia đình mình lên Ngọc-hoàng đại đế.

Tuy nhiên, lễ cúng Táo-quân vào ngày đản sinh của ông không được tổ chức linh đình như ngày “tống Táo” 送灶 (tiễn Táo), ngày 23 hay 24 tháng chạp âm lịch.

Theo sách Nhật Hạ Cựu Văn Khảo 日下舊聞考 của Vu Mẫn-trung 于敏中 (người thời nhà Thanh), người Bắc phương Trung-quốc tế Táo-quân ngày 23 tháng chạp âm lịch, còn người Nam phương tế ngày 24.

Đó là chưa kể trong dân gian có câu “quan tam, dân tứ, tao ngũ” 官三民四蚤五 (có tài liệu nói là “quân tam” 軍三), nghĩa là quan tế Táo ngày 23, dân tế ngày 24, còn những người sinh sống trên sông nước tế ngày 25.

Đó là ngày mỗi cuối năm Táo-quân phải làm một tờ tổng cáo về các sự việc xảy ra trong gia đình Táo-quân cai quản và các hành vi của từng người một trong gia đình rồi lên thiên đình bẩm cáo với Ngọc-hoàng đại đế.

Vì thế, đến ngày 23 tháng chạp âm lịch là ngày Táo-quân thăng thiên người ta cúng Táo-quân, gọi là "tế Táo" 祭灶 (tế Táo), hay "tự Táo" 祀灶 (cúng Táo), để "tống Táo" 送灶 (tiễn Táo) lên thiên đình. Lễ cúng được tổ chức một cách linh đình để mong Táo-quân sẽ "thượng thiên ngôn hảo sự, hạ giới bảo bình an" (đã nhắc tới ở phần II bên trên).

Việc cúng tế Táo-quân thì trên từ hoàng cung, vương phủ dưới xuống đến nhà thứ dân đều tế Táo vào ngày 23 tháng chạp (ngày này người Trung-quốc gọi là “tiểu niên” 小年, để đối với tháng giêng là “đại niên” 大 年).

Về đồ cúng tế, đại thể là đồ vừa ngọt vừa dính, nhất là kẹo mạch. Kẹo mạch được dùng để cúng Táo-quân chẳng qua chỉ là một thứ đút lót, để mong Táo-quân tránh không tâu trình những điều gì bất lợi cho gia đình, như là những vụ người nhà cãi cọ tranh giành nhau, những vụ tiêu pha phung phí, những việc xấu xa tồi bại, v.v. Muốn cho Táo-quân tâu ngọt trình bùi cho gia đình thì phải cho Táo-quân ăn kẹo, vì kẹo sẽ làm cho Táo-quân chỉ "hảo thoại truyền thướng thiên, hoại thoại đâu nhất biên" 好話傳上天, 壞 話丟一邊 (trình lên trời những chuyện hay, liệng một bên những chuyện xấu). Hơn nữa vì kẹo mạch dính nên khi lên tới thiên đình Táo-quân miệng dính khó mở ra tâu trình được, như vậy càng có lợi cho gia đình hơn.

Vì thế, trước hôm cúng Táo-quân nhiều ngày, chợ búa tràn ngập kẹo mạch. Lúa mạch được nấu đặc như keo (hồ) rồi trộn với mầm lúa tiểu mạch 小麥 (lúa mì). Chất tinh bột trong kẹo có phản ứng và trở thành một chất gọi là đường 糖. Kẹo làm bằng cách này là những thỏi hình chữ nhật, như những cục gạch, và màu trắng như ngà, gọi là Quan-đông đường 關東糖 (kẹo Quan-đông), có lẽ có ý chỉ kẹo này phát xuất từ phía đông, bên ngoài Sơn-hải-quan 山海關, và có thể cả ở Mãn-châu 滿洲 nữa. Từ những khối kẹo này, người ta mới cắt hay nặn thành nhiều hình khác nhau, như hình quả dưa, hình quả bầu, hình con vịt, v.v. Tuy nhiên chỉ có kẹo hình chữ nhật là được dùng vào việc cúng. Ngoài ra, còn có Nam đường 南糖 (kẹo Nam), một loại kẹo nho nhỏ, trộn với hạt vừng (mè), hạt dẻ, hạnh nhân hay đậu đen. Loại này được chuộng hơn vì ngon hơn kẹo mạch.

Mặt khác, phương thức và tế phẩm cúng Táo-quân mỗi thời, mỗi địa phương một khác, không nhất trí.

Sách Khách Tọa Chuế Ngữ 客座贅語 của Cố Khởi-nguyên 顧起 元 (người thời nhà Minh) trong quyển Ngũ Tự  五祀 (q. 4), nói rằng những người ở trong kinh đô (tức Nam-kinh 南京, nay là thành phố thuộc tỉnh Giang-tô 江蘇) từ sĩ đại phu đến thứ dân nhà nào cũng dùng kẹo, bánh, hoa quả, rượu tế Táo-quân vào đêm 24 tháng chạp âm lịch.

Còn người ở Bắc-kinh hơi khác. Trong quyển Xuân Trường  春 場 sách Đế Kinh Cảnh Vật Lược 帝京景物略 (q. 2) của Lưu-Đồng 劉 侗 (cũng người thời nhà Minh) có đoạn nói là vào ngày 24 tháng chạp âm lịch, người ta lấy đường tề bính 糖劑餅 (bánh trộn đường), thử cao 黍糕 (bánh bột lọc làm bằng gạo nếp), tảo lật 棗栗 (hạt dẻ), hồ đào 胡 桃, đậu rang 炒豆 tế Táo-quân; lấy tao thảo 糟草 (một thứ cỏ) cho ngựa Táo-quân ăn, nói là để sáng hôm sau Táo-quân lên thiên đình bẩm báo sự việc một năm trong gia đình. Họ mong Táo-quân "hảo đa thuyết, bất hảo thiểu thuyết" 好多說, 不好少說 (nói nhiều điều tốt, nói ít điều không tốt).

Trong thời nhà Thanh, người Bắc-kinh tế Táo-quân giống như thời nhà Minh. Sách Yên-kinh Tuế Thời Ký 燕京歲時記 của Phú-sát Đôn-sùng 富察敦崇 (người thời nhà Thanh) chép rằng ngày 23 tháng chạp âm lịch tế tập 皀 (gạo thơm), ngày xưa dùng hoàng dương (chó vàng), nhưng sau nghe nói trong triều đình còn dùng, ngoài dân gian không thấy dùng nữa. Dân gian tế thì dùng Nam đường, Quan-đông đường, đường bính 糖餅 (bánh đường), và nước trong 清水, thảo đậu 草豆. Đường (tức là kẹo) dùng tế Táo-quân, còn nước trong và thảo đậu dùng tế ngựa của Táo-quân. Sau khi tế xong thì hạ bức tranh thần xuống đem đốt đi cùng với thiên trương 千張 (tiền giấy), nguyên bảo 元寶(6). Tới đêm Trừ tịch lại cúng một lần nữa.

Người Giang-nam 江南 cũng có chút không giống. Lệ Dịch-trai 厲惕齋 (người thời nhà Thanh) viết trong sách Chân Châu Trúc Chi Từ Dẫn 真州竹枝詞引 về người huyện Nghi-trưng 儀徵 tỉnh Giang-tô tế Táo-quân như sau: ngày 24 tháng chạp, bốn ngày tiễn Táo-quân, quân nhân ba ngày và thường dân hai ngày, tục gọi là "quân tam dân tứ" 軍三民四 (quân ba dân bốn). Ngày tế Táo-quân người ta cúng cơm gạo nếp, gọi là "Táo phạn" 灶飯 (cơm Táo), kẹo đắp cao 9 tầng như tháp, gọi là "Táo đường" 灶糖 (kẹo Táo), "Táo cao" 灶糕 (bánh bột lọc Táo), lại còn có cả "Táo man" 灶饅 (bánh bò Táo), "Táo quả " 灶果 (trái cây Táo). Tất cả bày trên "Táo đài " 灶臺 (bàn thờ Táo). Gia chủ dẫn con em tế bái. Như vậy, so sánh với người Bắc-kinh, người Giang-nam tế Táo-quân phong phú hơn.

Các tỉnh vùng Lĩnh-nam 嶺南 và vùng duyên hải đông nam Trung-quốc tế Táo-quân cũng không như nhau.

Sách Phúc-châu Phong Vật Tinh Hoa 福州風物精華 của Trương Lập-trung 張立中 (người sống đầu thế kỷ thứ 20) mô tả cách người dân thành phố Phúc-châu 福州 thuộc tỉnh Phúc-kiến 福建 tế Táo-quân như sau:

Tế Táo-quân, tục gọi là “Tống Táo-quân thướng thiên” 送灶君 上天 (tiễn Táo-quân lên trời), kéo dài hai ngày 23 và 24 tháng chạp âm lịch. Ngày 23 sắm đồ ăn mặn, như: rau, thịt, cá, v.v., còn ngày 24 sắm đồ chay, như: kẹo, bánh, hoa quả, để cúng tế Đông Trù Tư Mệnh, và đồng thời thêm cả tổ tiên các đời của ngưòi cúng tế. Vì thế, ngày 23 gọi là "tế huân Táo" 祭葷灶 (tế Táo đồ mặn) và ngày 24 "tế thái Táo" 祭菜灶 (tế Táo rau) hay "tế tố Táo" 祭素灶 (tế Táo đồ chay). Tế đồ chay thì có rất nhiều loại kẹo; trái cây tươi thì có quất (phúc kết 福桔), mía (cam giá 甘蔗), củ mã thày (bột tễ 荸薺); trái cây khô thì có dưa (qua tử 瓜 子), củ lạc (lạc hoa sinh 落花生), nhãn (quế viên 桂 圓), hồ đào 胡桃, chà là đen (hắc tảo 黑棗), chà là đỏ (hồng tảo 紅 棗), hạt dẻ (lật tử 栗子), quả hồng (thị hoàn 柿丸), hạt sen đường (đường liên tử 糖蓮 子), kẹo, bánh, v.v., không dưới mười loại. Sau khi tế xong, các thứ này được hạ xuống chia cho trẻ con để chúng ăn dần, có khi ăn đến sau tiết Nguyên tiêu 元宵 (rằm tháng giêng âm lịch) mới hết.

Người huyện Hải-phong 海豐 tỉnh Quảng-đông 廣東 tế Táo-quân ngày 23 tháng chạp âm lịch. Nhà nào nhà nấy dùng bột canh mễ 粳米粉 (lúa canh: thứ lúa chín muộn và ít nhựa) làm vỏ, dùng thịt thái hạt lựu, tôm nõn, rau cần, v.v., làm nhân, rồi bao lại thành bánh dài lối 15 phân tây, hình bán nguyệt. Sau khi chưng chín xong, trước hết giữ lại hai điã để cúng Táo-quân, kỳ dư đem biếu hàng xóm, bạn bè, và cũng để cho người nhà ăn. Buổi tối, đến giờ tế Táo-quân, mọi người huyện Hải-phong trước hết đem bếp lò rửa sạch, rồi đem ngũ sinh 五牲(7), hoa quả, bánh trái bày trên bàn kê ở cạnh bếp lò. Tế Táo-quân xong thì đốt minh cưỡng 冥鏹, vân mã 雲馬, tấu sớ 奏 疏, v.v. Minh cưỡng là tiền mã, để cho Táo-quân tiêu dùng khi đi đường, nhất là để Táo-quân đút lót hối lộ cho các quan viên trên thiên đình hầu nói tốt cho gia đình do Táo-quân cai quản. Vân mã là con ngựa làm bằng lồng tre bên ngoài phất giấy, đem cúng để Táo-quân cưỡi lên thiên đình. Tấu sớ đại ý kính nhớ ân đức của Táo-quân, và hối lỗi cùng Táo-quân, cầu xin Táo-quân chỉ tâu trình lên Ngọc-hoàng đại-đế những điều tốt lành.

Nói tóm lại, tế phẩm cúng tế Táo-quân các địa phương đều bất nhất, càng đi về phía nam Trung-quốc thì việc cúng tế càng phong thịnh hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều người nghèo khó đến nỗi ngay cả Quan-đông đường cũng không có nổi, nên chỉ đành tế Táo-quân một bát nước trong.

Ở huyện Loan-bình 灤平 thuộc tỉnh Nhiệt-hà 熱河 (nay là một bộ phận huyện và thành phố Thừa-đức 承德 thuộc tỉnh Hà-bắc 河北) còn lưu truyền một bài dân dao 民謠 (ca dao), nhan đề Tiểu Tử Khổ 小子苦, như sau:
.
                   灶王爺本姓張,
                   一碗涼水三炷香.
                   今年小子混得苦,
                   明年再吃關東糖.
.
                   Táo-vương-da, bản tính Trương,
                    Nhất oản lương thủy, tam chú hương;
                    Kim niên tiểu tử hỗn đắc khổ,
                    Minh niên tái ngật Quan-đông đường.

                   (Táo-vương-da, vốn họ Trương,
                     Một bát nước trong, ba nén hương.
                     Năm nay tiểu tử cùng cực khổ,
                     Sang năm lại ăn Quan-đông đường.)
.
Được cái là Táo-quân không phải là con người tham lợi. Chỉ cần người ta kính cẩn, thành tâm kính Táo-quân, nhất tâm hướng thiện thì Táo-quân sẽ âm thầm che trở, phù hộ.

Lữ Mông-chính 呂蒙正, người thời nhà Tống 宋 (960-1280), khi còn niên thiếu hết sức nghèo khổ. Đến ngày 23 tháng chạp tế Táo-quân cũng muốn theo thông tục sắm sửa tam sinh để cúng Táo-quân, nhưng vì quá nghèo túng đến ba bữa ăn còn không có thì làm gì có tiền mà mua đồ cúng tế. Sau ông ta nhớ mình có một người bạn cố tri lúc đó đang coi sóc công việc sổ sách giấy tờ cho một hiệu bán thịt lợn, nên mới tới đó mua chịu thịt lợn. Đâu ngờ chủ hiệu sau khi biết được Lã Mông-chính mua chịu thịt bèn phái tên giúp việc đến nhà Mông-chính lấy lại thịt lợn được nấu chín trong nồi đem đi và còn nói là: "Cái tên nghèo kiết xác Lã Mông-chính kia, mi làm sao có ngày phất lên để trả được nợ hả?" Lã Mông-chính không còn cách nào khác hơn là đem củi đã dùng để nấu thịt tạm thay thế hương, trước mặt Táo-quân cầu xin:

                   一炷清香一縷煙,
                   灶君皇帝上青天.
                   玉皇若問人間事,
                   為道文章不值錢.
.
                    Nhất chú thanh hương, nhất lũ yên,
                    Táo-quân hoàng đế thướng thanh thiên.
                    Ngọc-hoàng nhược vấn nhân gian sự,
                    Vị đạo văn chương bất trị tiền. 

                    (Một nén hương thơm, khói một làn,
                    Táo Quân hoàng đế lên trời xanh.
                     Ngọc-hoàng nhược hỏi nhân gian sự,
                    Vì nói văn chương không đáng tiền.)

Sau khi Táo-quân cứ theo sự thực bẩm tấu Ngọc-hoàng đại đế, Ngọc-hoàng nhận thấy Lã Mông-chính là người có chân tài thực học, nên đã cho làm Tể tướng triều Bắc-Tống 北宋 (960-1127).

Giờ cúng Táo-quân luôn luôn định là 9 giờ tối. Cái khám bên trong có dán tranh Táo-quân được gỡ ra khỏi chỗ danh dự gần bếp lò và đặt trên một cái bàn kê ở trong bếp đằng trước chỗ trước đấy đã để cái khám. Tất cả các đồ cúng Táo-quân, như: kẹo, bánh, hoa quả, được đặt trên bàn. Theo truyền thuyết, Táo-quân cưỡi ngựa thần về thiên đình, có các bộ thuộc theo hầu, nên trên bàn còn bày một con ngựa mã để Táo-quân cưỡi và nhiều thỏi vàng, thỏi bạc làm bằng giấy thiếc để Táo-quân có tiền tiêu trong lúc đi đường. Ngoài ra còn bày cả một cái đĩa nhỏ đựng rơm và cỏ khô để cho ngựa ăn và một cái bánh tròn làm bằng lúa tiểu mạch cho các bộ thuộc của Táo-quân.

Tại một số địa phương người ta cho rằng việc tế Táo-quân là việc của đàn ông, không dính dáng gì đến đàn bà, cho nên ở những nơi đó chỉ có đàn ông con trai mới được phép dự lễ cúng Táo-quân thôi, còn đàn bà con gái không được tham dự.

Người gia chủ thắp hương, đốt nến và tất cả những người nam ở trong gia đình theo thứ tự lần lượt đến quì trước bàn thờ, khấu đầu lạy Táo-quân và khấn vái, cảm tạ Táo-quân đã gìn giữ cho gia đình, cho mình được bình an, hạnh phúc, may mắn trong năm qua, cùng sám hối về những việc làm xấu, và xin Táo-quân bẩm báo lên Ngọc-hoàng đại-đế bằng những lời hay, điều tốt cho gia đình. Để nhắc nhở khéo Táo-quân, người nhà còn viết đôi câu đối: "Thượng thiên tấu hảo sự, Hạ giới bảo bình an" để dán ở trên cái khám (đã nói ở phần II bên trên) nếu trước đây chưa có. Ngoài ra, người nhà còn đốt một bánh pháo vừa để tiễn đưa Táo-quân vừa để xua đuổi tà thần ác quỉ. Cúng tế xong, gia chủ gỡ bức tranh Táo-quân dán trong chiếc khám xuống mang đi đốt cùng với tiền mã, ngựa mã. Nếu người nhà có dâng “tấu sớ” 奏疏 hay "Táo thư" 灶書, tức là lá sớ cầu xin điều gì, việc gì cho gia đình, thì Táo thư cũng được đốt luôn.

Táo-quân đi vắng một tuần, cho tới đêm giao thừa mới trở lại nhân gian. Trong thời gian này, người trong nhà tha hồ muốn làm gì thì làm, không bị giám sát và không lo bị trừng phạt. Đúng là "vắng chúa nhà gà mọc đuôi tôm". 

VI. Lễ Tiếp Táo 

Đêm giao thừa, Táo-quân trở lại nhân gian. Trước đó người nhà đã mua một bức tranh Táo-quân mới. Tranh Táo-quân năm nào cũng giống nhau, chỉ có lịch năm mới in rất nhỏ trong bức tranh mỗi năm một khác thôi.

Để nghênh đón Táo-quân trở lại, người nhà làm một mâm cỗ chay toàn rau. Ngoài ra, còn có thêm bánh bột nhào để cúng. Vỏ bánh làm bằng bột gạo xay mịn. Nhân bánh không được làm bằng thịt vì sợ phạm tội sát sinh, mà chỉ làm bằng đậu phụ, mộc nhĩ, nấm hương, hoa huyên thảo khô(8), gần đây người ta thêm cả cà rốt, và  vài đồ gia vị, hương liệu. Bánh được nặn thành những thỏi bạc nhỏ, tượng trưng cho sự giàu có sắp tới trong năm mới. Bánh này được dùng để cúng Táo-quân thay cho kẹo mạch, không cần nữa vì Táo-quân không còn phải lên thiên đình tâu trình Ngọc-hoàng đại đế nên không cần cho Táo-quân ăn đồ ngọt.

Đúng 12 giờ đêm giao thừa đốt một bánh pháo để vừa nghênh đón Táo-quân (gọi là "tiếp Táo" 接灶) vừa để cầu xin Táo-quân ban ơn lành trong năm mới. Sau đó người ta dán bức tranh mới lên trên cái khám. 

Kết Luận 

Việc cúng tế Táo-quân là một hình thức biểu hiện tâm thái "kính thiên, úy tổ " 敬天畏祖 (kính trời, sợ tổ tiên). Hơn nữa, nó bắt nguồn từ sự tin tưởng rằng bất cứ một cử chỉ, một hành động, một lời nói của bất cứ người nào trên thế gian này đều có thần minh giám sát, ghi chép. Nó cũng còn phát sinh từ quan niệm "thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo" 善有善報, 惡有惡報. Trong khi đó, chính tâm thái này, tin tưởng này, quan niệm này lại là những sức mạnh ràng buộc và an định xã hội. Nó hướng dẫn và đồng thời kìm chế cử chỉ, hành động, ngôn ngữ của con người, nhất là những người không có ý chí bền vững, những người có nhiều ham muốn dục vọng, những người ưa đố kỵ. Thiếu nó, xã hội sẽ dễ bị tan rã, phân liệt. Tuy sự cúng tế Táo-quân có chiều hướng mê tín, nhưng sự mê tín này có thể chấp nhận được vì nó không có ý làm hại bất cứ ai; trái lại, nó còn theo đuổi mục đích tốt là khuyến khích người đời làm việc thiện tránh việc ác và phải biết tự kìm chế mình. Vì vậy, việc cúng tế Táo-quân cho tới hiện tại vẫn còn tồn tại trong dân gian, ít nhất là ở những nơi con người được tự do theo đuổi, thực hiện những tin tưởng, những quan niệm của mình. 

T.Q.T
________ 
.
Chú Thích 

(1) Lãnh thổ nước Vệ là địa khu ngày nay bao gồm các huyện Đại-danh 大名 ở cực nam bộ tỉnh Hà-bắc 河北 và 17 huyện Nam-lạc 南樂, Thanh-phong 清豐, Đông-minh 東明, Trường-viên 長垣, Cấp 汲, Hoạch-gia 獲嘉, Kỳ 淇, Diên-tân 延津, Tấn 濬, Hoạt 滑, Phong-khưu 封丘, Lan-khảo 蘭考, Tu-vũ 修武, Vũ-trắc 武 陟, Mạnh 孟, Ôn 溫, Nguyên-dương 原陽, cùng 5 thành phố Bộc-dương 濮陽, Tân-hương 新鄉, Huy-huyện 輝縣, Thấm-dương 沁陽, Tế-nguyên 濟源 ở bắc bộ tỉnh Hà-nam 河南.

(2) Áo: góc tây-nam nhà, nơi được coi là ấm cúng nhất và cũng là chỗ danh dự nhất. Ngày xưa thờ thần ở góc tây-nam nhà, gọi là thần áo.

(3) Cửa Sùng-văn là tên một cửa ở phía nam nội thành Bắc-kinh. Vốn là cửa Văn-minh 文明門 thời nhà Nguyên 元 (1280-1368); đến thời nhà Minh đổi gọi là cửa Sùng-văn, còn gọi là cửa Hải-đại 海岱門.

(4) Đáng tiếc là tác giả không nói rõ là năm thứ mấy niên hiệu Vĩnh-an và niên hiệu Vĩnh-an nào. Trong lịch sử Trung-quốc có ba niên hiệu Vĩnh-an: (a) niên hiệu của Ngô Cảnh-đế Tôn-Hưu 吳景帝孫休 (tại vị năm 258-264); (b) niên hiệu (302-304) của Tấn Huệ-đế Tư-mã Trung 晉惠帝司馬衷 (tại vị năm 290-307); và (c) niên hiệu (528-529) của Hiếu-trang-đế Nguyên Tử-du 孝莊帝元子攸 (tại vị năm 528-530) triều Bắc-Ngụy 北魏 (386-535). Hơn nữa, Vĩnh-an còn là niên hiệu của hai triều ngoại tộc là: (a) niên hiệu (401-412) của Trương-dịch công Tự (còn đọc là Thư) Cừ Mông Tốn 張掖公沮渠蒙粽 (tại vị năm 401-433) nước Bắc-Lương 北涼 (397-439); và (b) niên hiệu (1099-1101) của vua Sùng-tông 崇宗 (?-?) nước Tây-Hạ 西夏 (còn gọi là Đại-Hạ 大夏, 1032-1227).

(5) (a) Việt Nam: ở đây chỉ nam bộ tỉnh Quảng-đông, chứ không phải là tên nước Việt-nam. (b) Tam sinh: 三牲, ba con vật dùng vào việc cúng tế là bò, dê và lợn. (c) Hoàn trư Táo: 還豬灶 có nghĩa là trả lợn cho Táo-quân.

(6) Nguyên bảo: thỏi bạc, nặng chừng 50 lượng, đúc thời nhà Nguyên. Tên này cũng dùng chỉ thỏi bạc mã, làm bằng giấy thiếc để cúng.

(7) Ngũ sinh: năm con vật dùng vào việc cúng tế: bò, dê, lợn, gà và chó.

(8) Huyên thảo: 萱 (còn viết là 萲) 草 là một thứ cây lá nhỏ dài, hoa vàng, tên khoa học là hemerocallis flava. Hoa và cánh hoa được phơi khô làm đồ ăn gọi là kim châm thái 金針菜. Cây này còn gọi là “hữu vong ưu” 有忘憂, “nghi nam” 宜男, “liệu sầu” 療愁.


3 nhận xét :

  1. Xin tỏ lòng Kính Trọng tác giả, cảm ơn tác giả đã tôn trọng độc giả. Viết như thế này mới là viết.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn tác giả với bài viết rất tuyệt vời.

    Trả lờiXóa
  3. *(8) Huyên thảo tiếng việt là cây Hoa Hiên

    Trả lờiXóa