Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

BÁO DÂN TRÍ TƯỞNG NIỆM CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI THÁNG 2 NĂM 1979

Chiến tranh biên giới 17/2/1979:

Kỹ sư lấy thân mình che lựu đạn 

và những nữ liệt sĩ tuổi thanh xuân 


Phạm Ngọc Triển
17,02.2015
Ngày 17/2 hàng năm được coi là ngày giỗ trận của hàng ngàn liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc - ngày 17/2/1979.

Ở vùng biên giới tỉnh Lào Cai, các nghĩa trang liệt sĩ trong ngày 17/2 rất đông bà con các dân tộc địa phương và người thân của liệt sĩ tới tảo mộ và thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ đã dũng cảm ngã xuống vì lãnh thổ thiêng liêng của đất nước.

Ngày giỗ trận 17/2/2015 đúng vào ngày 29 Tết Ất Mùi, xin cùng tưởng nhớ một vài tấm gương liệt sĩ trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới đầu năm 1979 đã được ghi vào sử sách truyền thống Lào Cai.




Kỹ sư địa chất lấy thân mình che lựu đạn

Đó là kỹ sư - liệt sĩ Nguyễn Bá Lại, Trưởng phòng Kỹ thuật kiêm Trung đội trưởng tự vệ của Đoàn địa chất 305, Liên đoàn địa chất 3 trực thuộc Tổng cục Mỏ và địa chất Việt Nam, đã dũng cảm, mưu trí cùng đồng đội đẩy lùi nhiều đợt phản công của quân xâm lược bao vây khu mỏ đồng Sin Quyền nằm ở khu vực biên giới xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay thuộc tỉnh Lào Cai) ngày 17/2/1979.


Đặc biệt kỹ sư Nguyễn Bá Lại đã trực tiếp tiêu diệt 7 tên địch, thu 1 khẩu súng AK và lấy thân mình che quả lựu đạn đang xì khói sắp nổ mà địch ném vào trận địa của ta.

Kỹ sư Nguyễn Bá Lại đã anh dũng hy sinh tại chỗ nhưng hành động anh hùng của anh đã bảo vệ an toàn cho 6 đồng đội cùng trong chiến hào, đồng thời góp phần thiết thực cùng đồng đội đảm bảo cho hơn 300 người, phần lớn là người già và trẻ nhỏ, rút lui về hậu cứ an toàn cùng với toàn bộ tài liệu quý là những kết quả khảo sát, thăm dò mỏ đồng Sin Quyền.

Kết thúc chiến tranh bảo vệ biên giới đầu năm 1979, kỹ sư - liệt sĩ Nguyễn Bá Lại đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3. Ngày 29/1/1996, anh có vinh dự lớn lao hơn, được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Năm 1998, Cục Địa chất Việt Nam phối hợp với tỉnh Lào Cai và Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam xây dựng nhà bia tưởng niệm Anh hùng Nguyễn Bá Lại và 50 liệt sĩ là tự vệ của Đoàn địa chất 305 đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc và vùng mỏ đồng Sin Quyền ngày 17/2/1979.


Nhà bia tưởng niệm Anh hùng Nguyễn Bá Lại và các liệt sĩ địa chất Đoàn 305 hy sinh 
bảo vệ biên giới Tổ quốc ngày 17/2/1979 trên vùng mỏ đồng Sin Quyền. (Ảnh: TL)

Kỹ sư - liệt sĩ Nguyễn Bá Lại sinh năm 1949, quê quán ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Sau khi tốt nghiệp đại học ở nước ngoài, trở về nước công tác từ năm 1972 đến khi hy sinh vào ngày 17/2/1979, anh tự nguyện lên vùng biên giới Lào Cai thăm dò khoáng sản quý cho Tổ quốc ở mỏ đồng Sin Quyền, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Nhà báo chiến trường - Liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết

Nhà báo - nhà văn - liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết, phóng viên báo Hoàng Liên Sơn, là phóng viên duy nhất của cả nước đã anh dũng ngã xuống tại một điểm cao trên biên giới xã Tả Ngải Chồ ngày 17/2/1979 khi đang trực tiếp cầm súng cùng bộ đội địa phương huyện biên giới Mường Khương dũng cảm chặn đánh quân địch từ bên kia biên giới tràn sang.



Nhà báo- nhà văn - liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết (người cầm súng đứng trong ảnh) 
đang cùng bộ đội làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tổ quốc, hy sinh ngày 17/2/1979. 
(Ảnh tư liệu: Báo Lào Cai)

Nhà báo Vũ Văn Thụ, nguyên Tổng biên tập báo Hoàng Liên Sơn, nhiều lần kể lại rằng, cuối năm 1978 và đầu năm 1979, tình hình biên giới Việt Nam - Trung Quốc rất căng thẳng do phía bên kia biên giới gây ra. Nhà báo trẻ Bùi Nguyên Khiết khi ấy là biên tập viên của Tòa soạn báo Hoàng Liên Sơn có trụ sở ở thị xã Yên Bái đã nhiều lần xung phong lên biên giới Lào Cai tác nghiệp.

Nguyện vọng của nhà báo Bùi Nguyên Khiết đã được đáp ứng và anh đã ngã xuống ở mặt trận Mường Khương ngay trong ngày 17/2/1979 trên cương vị nhà báo chiến trường. Khi đó anh đang đi cơ sở viết bài, chụp ảnh một đơn vị chiến đấu ở tuyến tiền tiêu biên giới và đã phối hợp cùng bộ đội chặn đánh quân bành trướng.

Năm 2014, Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai đã quyết định đặt tên 3 đường phố của thành phố tỉnh lỵ Lào Cai 3 liệt sĩ tiêu biểu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tháng 2/1979 ở tuyến biên giới Lào Cai, trong đó có nhà báo - nhà văn - liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết.

Liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết sinh năm 1945 tại Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Trước khi trở thành phóng viên báo Hoàng Liên Sơn, liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết là giáo viên cấp 2 có nhiều năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng cao tỉnh Lào Cai.

Anh được kết nạp chính thức vào Hội Nhà văn Việt Nam sau khi hy sinh trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc ngày 17/2/1979. Trước đó anh là cộng tác viên thân thiết của Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Phụ nữ qua các bút ký báo chí, phóng sự văn học, truyện ngắn ... mang tính thời sự cao viết từ vùng biên giới Lào Cai.

Năm 2004, nhà văn Bùi Nguyên Khiết là tác giả đầu tiên được UBND tỉnh Lào Cai truy tặng đợt đầu Giải nhất Giải thưởng Phan Si Păng là Giải thưởng văn học - nghệ thuật cao nhất của tỉnh Lào Cai xét tặng 5 năm một lần.

Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2014, UBND thành phố Lào Cai tổ chức gắn biển đường phố mang tên nhà báo - nhà văn - liệt sĩ Bùi Nguyên Khiết.

Những nữ liệt sĩ tuổi thanh xuân


Một trong số hàng chục nữ liệt sĩ hy sinh ngày 17/2/1979 trên biên giới Lào Cai, 
được an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.

Một số nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Lào Cai có những bia mộ của các nữ liệt sĩ quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ hy sinh ngày 17/2/1979 khi tuổi đời của họ còn rất trẻ, 17 - 18 tuổi.

Người dân vùng biên giới Lào Cai còn nhớ những năm 1977 - 1978 thường xuyên có những chuyến tàu từ Hà Nội lên mạn ngược chở rất nhiều nam nữ thanh niên xung phong của tỉnh Hà Nam Ninh kết nghĩa với tỉnh Hoàng Liên Sơn làm nhiệm vụ phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ biên giới Tổ quốc.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới ngày 17/2/1979, hàng trăm nữ thanh niên xung phong cũng là những nữ chiến sĩ tự vệ đang làm việc ở các nông lâm trường nằm trên địa phận thị xã Lào Cai, các huyện biên giới Bảo Thắng, Bát Xát, Mường Khương ... đã phối hợp cùng bộ đội chủ lực chiến đấu dũng cảm bảo vệ biên giới đất nước.

Hàng chục nữ tự vệ trực tiếp cầm súng đánh quan xâm lược và nữ thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu đã ngã xuống trong ngày 17/2 và các ngày sau đó. Hầu hết mộ chí của các nữ liệt sĩ hy sinh ở mặt trận biên giới Lào Cai đều có ghi tên tuổi, quê quán, ngày và nơi hy sinh nhưng có những nữ liệt sĩ đến nay vẫn chưa tìm thấy tên tuổi.



Nghĩa trang liệt sĩ Nam Cường (thành phố Lào Cai) cũng như hàng chục 
nghĩa trang liệt sĩ khác trên địa bàn tỉnh biên giới Lào Cai, vào ngày 17/2 hàng năm 
luôn có người tới thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ.

Người viết bài này đã dành thời gian đi hết các nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh Lào Cai để tìm mộ chí của liệt sĩ Trần Thị Lụa, quê quán huyện Vụ Bản, tỉnh Hà Nam Ninh, hy sinh ngày 17/2/1979 tại lâm trường Bản Quẩn (Lào Cai) theo thông tin của gia đình nhờ tìm giúp từ nhiều năm nay nhưng vẫn không thấy.

Đây là nỗi buồn và cũng là món nợ của người đang sống đối với anh linh các liệt sĩ và gia đình của họ.

Niềm an ủi là có thông tin Chính phủ đang triển khai khẩn trương dự án tìm mộ liệt sĩ và xét nghiệm ADN để trả lại tên cho hàng vạn liệt sĩ chưa rõ tung tích, như trường hợp nữ liệt sĩ Trần Thị Lụa kể trên.

Phạm Ngọc Triển

3 nhận xét :

  1. Lâu nay đảng và nhà nước chỉ toàn nhắc tới cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ. Nhiều bộ phim cũng toàn dựng theo chủ đề này mà (cố tình) quên đi cuộc chiến tranh vô cùng hiển hách của đồng bào, chiến sĩ các dân tộc chống bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh 17.2 1979.
    Dù có "4 tốt", "16 chữ" đến đâu chăng nữa thì chúng ta cũng không bao giờ quên cuộc xâm lược man rợ này của bọn bá quyền phương Bắc!

    Trả lờiXóa
  2. Quên thì không quên nhưng sợ nên không dám nhắc tới do lo sợ vỡ bình

    Trả lờiXóa
  3. Tôi đã nói với Vietnamnet rằng :Hôm nay 17 tháng 2, Vietnamnet có biết là ngày gì không? Ngày mà hàng vạn người con đất Việt ngã xuống bảo vệ biên cương phía bắc trước cuộc tấn công của bọn Trung Quốc xâm lược. Vietnamnet một tờ báo mạng lớn, vậy mà có thể quên được ngày đau thương này sao? không đăng một bài nào nói về 17-2-1979, thật buồn cho một tờ báo lớn. Đừng vì miếng cơm manh áo, đừng vì cái gì đó mà cố tình cúi đầu quên đi trước lỗi đau của bao trái tim còn rớm máu, của những người mẹ, người cha, người con đã hy sinh trước bọn Tầu xâm lược 17-2-1979. Chúng ta viết lên không phải đào sâu hận thù VN-TQ, mà viết lên để những người đã hy sinh được tôn kính, viết lên để những người đang sống biết được về ngày 17-2 đau thương này.
    Thay cho Vietnamnet tôi xin thắp một nén hương, kính dâng một bó hoa cho đồng bào, chiến sỹ đã hy sinh bảo vệ tổ quốc trong sự kiện 17-2-1979

    Trả lờiXóa