Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: KIỆN DÂN BIỂU ĐƯỢC KHÔNG ?

Kiện dân biểu được không? 
TS Nguyễn Sĩ Dũng 
Lao Động 

ĐBQH Đỗ Văn Đương phải xin lỗi, nếu không ông sẽ bị kiện ra tòa. Đó là thông điệp thấm đẫm tinh thần thiện chí của giới luật sư trong nước. 

Các luật sư đã rất bức xúc với vị dân biểu nói trên vì nhận xét “Thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền” của ông. Công khai dọa kiện một vị dân biểu ở Quốc hội quả là chuyện xưa nay hiếm. Tuy nhiên, xưa nay hiếm, thì chắc gì nay mai cũng lại sẽ hiếm theo. 

Vấn đề đặt ra là giới luật sư có quyền kiện một vị dân biểu vì phát biểu của vị này không? Câu trả lời là: Trên thế giới thì không, nhưng ở Việt Nam thì có. Đơn giản là vì ở Việt Nam các vị dân biểu chỉ có quyền miễn trừ, mà không có đặc quyền. 

Quyền miễn trừ là quyền không bị truy tố vì các tội hình sự. Theo pháp luật Việt Nam, đây là một thứ quyền khá hạn chế vì với sự đồng ý của Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ QH thì việc truy tố vẫn có thể xảy ra. “Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội; trong trường hợp đại biểu Quốc hội phạm tội quả tang mà bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định” (Điều 81, Hiến pháp 2013). Đó là tất cả những gì Hiến pháp quy định về quyền miễn trừ. 

Đặc quyền thì lại khác. Đặc quyền là quyền của các vị dân biểu không phải chịu trách nhiệm về hình sự và dân sự vì phát biểu (cũng như biểu quyết) của mình tại Quốc hội. Đặc quyền là một thứ khá xa lạ với hệ thống pháp luật chịu ảnh hưởng của mô hình xôviết. Chính vì vậy, trong hệ thống pháp luật của nước ta, ngoại trừ trong Hiến pháp năm 1946, đặc quyền của các vị dân biểu đã không được ghi nhận. 

(Trong Hiến pháp năm 1946, đặc quyền của các vị dân biểu được ghi nhận như sau: “Nghị viên không bị truy tố vì lời nói hay biểu quyết trong Nghị viện”- Điều 40, Hiến pháp năm 1946). Không được ghi nhận, thì có nghĩa là các vị dân biểu phải chịu trách nhiệm về dân sự và hình sự về phát biểu của mình (thậm chí kể cả biểu quyết của mình). Chính vì vậy, các vị dân biểu ở Quốc hội, cũng như ở Hội đồng nhân dân hãy cẩn trọng khi phát biểu ý kiến! 

Trong quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992, một số chuyên gia đã đề nghị cần phải hiến định đặc quyền của các vị dân biểu. Rất tiếc, đề nghị này đã không được tiếp nhận. Tuy nhiên, cơ hội để khắc phục thiếu sót này vẫn còn. Quốc hội đang xem xét Dự Luật Tổ chức Quốc hội. Đặc quyền của các vị dân biểu có thể đưa được vào dự luật nói trên. 

Đặc quyền không phải chỉ là chuyện thêm quyền cho các vị dân biểu. Đặc quyền là điều kiện hết sức quan trọng để vận hành thể chế. Quốc hội sẽ rất khó vận hành trong một nền kinh tế thị trường nếu các vị dân biểu không có được đặc quyền.

Nguyễn Sĩ Dũng


3 nhận xét :

  1. Nếu ai hỏi tôi câu tiêu đề bài báo thì tôi sẽ trả lời không giống Ông Dũng: Cá nhân tôi thấy dân biểu đụng chạm mang tính phạm pháp hay xâm phạm quyền lợi, cá nhân tôi, thì tôi luôn có thể khiếu kiện. Liệu Tòa có thụ lý không lại là 1 chuyện khác. Tuy nhiên quyền miễn trừ ở Đức cũng có hạn chế của nó. Điều 46 khỏan 1 Hiến pháp Đức có đọan (trích dịch): "Không được truy cứu về mặt tòa án hay công vụ , bất kỳ lúc nào một nghị sỹ về sự bỏ phiếu, phát biểu trong Quốc hội hay trong ủy ban... họăc ngòai Quốc hội… Điều này không có giá trị cho việc xúc phạm mang tính vu khống ..“. Có nghĩa khi xác định 1 đại biểu đã xúc phạm lại mang tính vu khống (giả thiết xác định Ông Đương, Ông Hòang Hữu Phước vi phạm như vậy), thì Hiến pháp Đức sẽ không miễn trừ cho những người này, kể cả khi bị truy cứu hình sự!

    Trả lờiXóa
  2. QH với những ô nghị như nghị Dương, nghị Phước thì Dân hết tin tưởng nổi . Đấy là những tinh hoa do MTTQ chọn. Những nghị này lại hay chiếm nghị trường, phát biểu rất hung hăng , báo đài tường thuật rất hoành tráng . Lại cứ xem mỗi lần họp QH, ô Ct ngồi giữa, hai bà hai bên như cụ TBT nói dí dỏm thì trông thật là đẹp . Ô. CtQH hạnh phúc nhất trên đời !

    Trả lờiXóa
  3. Giới luật sư cũng cần thận trọng. Không vì quá tự ái mà đao to búa lớn. "no mất ngon, giận mất khôn". Kiện ông Đương cũng không thắng được đâu. Vì câu phát biểu của ông Đương có nửa đúng, có nửa sai. 50/50 thì huề. Có điều là đại biểu của dân thì ông Đương cũng nên học cách kìm nén cảm xúc. Nên khởi động bộ lọc của tư duy tước khi phát biểu thì sẽ tốt hơn.

    Trả lờiXóa