Truyện ngắn của Tạ Duy Anh
Lời tác giả: Nếu ai đọc truyện ngắn này đều sẽ nghĩ tác giả của nó lấy cảm hứng sát sạt từ câu nói đang rất nổi tiếng của Tổng bí thư khi ông phát biểu trước cử tri về chống tham nhũng: “Đánh con chuột đừng để vỡ bình”. Nhưng hóa ra tác giả viết nó từ năm 2007, in lần đầu trên Báo Nông nghiệp số Tết Mậu Tý với đầu đề: Cha tôi, tôi và con trai, in lại trong tập truyện Lãng Du-Nhà xuất bản Thời đại 2011-và được Giải thưởng văn học Thủ đô 2012.
Lúc cha tôi còn sống ông không cho bất cứ ai tự tiện bước vào căn phòng làm việc của ông, trừ mẹ tôi nhưng với điều kiện rõ ràng là bà không được thay đổi trật tự đồ đạc do cha tôi thiết lập. Một vài lần tôi vô tình vi phạm và phải trả giá đắt cho dù tôi là đứa con trai duy nhất trong nhà, trước sau gì thì cũng kế thừa những thứ cha tôi để lại. Cha tôi chắc chắn là biết rất rõ điều đó. Nhưng có thể ông nghĩ bao giờ đến cái ngày đó hẵng hay. Khi ông còn trên trần gian này thì không ai trong chúng tôi được làm trái lời ông. Cuối cùng thì tôi cũng quen với những nguyên tắc của cha tôi và tránh xa căn phòng làm việc của ông.
Cho
đến khi cha tôi qua đời.
Đương
nhiên trong những thứ mà tôi được thừa kế, có cả căn phòng làm việc của cha.
Tại đó mẹ đặt ảnh cha và thêm vào một vài kỷ
vật của người. Những ngày đầu ngồi trên chiếc ghế cha tôi từng ngồi,
viết trên chiếc bàn cha tôi từng viết, tôi cứ cố hình dung lại xem khi suy nghĩ
thì cha tôi nhìn vào vật gì. Bởi vì cả trăm lần đều giống nhau, hễ cứ bước từ
phòng làm việc ra là cha tôi cáu ầm lên. Mặt ông những khi đó giống như mặt của
người bị căn bệnh đau tức. Chả may cho tôi nếu lúc ấy láng cháng chơi gần đó.
Thể nào ông cũng tìm cách quát tháo một hồi, không cần biết mặt tôi ngơ ngác, tội nghiệp ra sao. Dường như phải có ai đó
hứng chịu cơn cáu giận của ông. Không tôi thì sẽ là người khác. Cũng
phải mãi về sau, qua những lời an ủi của mẹ, tôi mới phát hiện ra điều đó. Vì
thế không ít lần mẹ tôi chủ động là kẻ chịu trận. Thay vì tức giận, bà lặng lẽ
vào phòng cha và nhặt đám đầu mẩu thuốc cuốn bị cha vứt bừa bãi xuống đất. Tôi
đã từng thấy chúng xếp lại như một bông hoa và không thể đếm được.
.
.
Những
cơn cáu giận vô cớ của cha vẫn luôn là nỗi ám ảnh tôi không phải vì nỗi oan ức
mà chúng tôi phải cắn răng chịu, mà vì một câu hỏi: tại sao cha lại cáu giận mỗi khi bước từ trong phòng làm việc
ra? Điều gì khiến thần kinh cha tôi bị ức chế? Chuyện gì thường khiến
ông bỏ dở công việc viết lách, là thứ công việc mà ông đam mê, bước ào ra
ngoài, hai tay ôm thái dương trong khi
miệng thì tru tréo lên nguyền rủa lung tung? Đôi khi tôi thất kinh đến
mức ngồi nép xuống không hẳn chỉ vì sợ cha chụp tóc xoay ngược mặt ra phía sau
như nhiều lần ông làm thế, mà do tôi không dám nhìn vào mặt cha tôi lúc đó. Nó
y hệt như khuôn mặt của người bị con vật có nọc độc đốt vào chỗ hiểm. Nói như
mẹ tôi, một khuôn mặt nát vụn bởi hàng nghìn vết vằm.
Phải
thường xuyên chịu đựng cái gì khủng khiếp lắm người ta mới bị như vậy? Nhưng
tôi tìm khắp cũng không phát hiện ra bất cứ điều gì ngoài một bức tường mầu xám
của ngôi nhà cổ kề sát với gia đình chúng tôi. Những con vật đắp bằng vữa trong
mười hai con giáp dùng làm họa tiết trang
trí đều không còn nguyên lành nhưng cũng không đến nỗi tiêu điều quá.
Thậm chí nó còn gây nên sự thích thú bởi những bộ mặt có cá tính do tài hoa của
nhà nghệ nhân nào đó. Cha tôi chắc chắn không thể vì lũ vật đáng yêu ấy mà bị
đè nén cảm xúc đến mức phát hoả ra như vậy. Không có căn cứ khoa học cho kết
luận ấy, kể cả về mặt tâm lý cũng như bệnh lý. Nhưng công việc không cho tôi
tiếp tục làm tiếp cái thí nghiệm ngẫu hứng ấy. Vả lại điều đó - tôi muốn nói
đến những cơn cáu giận vô cớ của cha tôi -
giờ đây - khi cha tôi đã thành người thiên cổ - cũng không còn là ấn
tượng nặng nề nữa. Chả ai trách một người thân đã chết vì những việc họ làm lúc
còn sống khiến mình buồn bực. Thậm chí với tôi đó thực sự là những kỷ niệm để
tôi luôn nhớ về cha mình, một người cha nghiêm khắc với bản thân, tự đặt ra
những nguyên tắc làm khổ mình và tôn trọng quá
khứ một cách thái quá.
Dần dần tôi nhận ra, được làm việc trong căn phòng cha
từng làm việc, dùng những đồ vật cha từng
dùng, thấy tấm hình cha trang nghiêm treo trước mặt... là một điều vô
cùng hạnh phúc. Nó cho tôi cảm giác luôn có cha bên cạnh và được cha che chở
trong bất cứ hoàn cảnh nào. Mà công việc của tôi thì luôn cần một sự trợ lực về
tinh thần. Tôi chỉ chuyển thêm một vài thứ cần thiết, như chiếc kệ tài liệu,
bàn vi tính... còn lại giữ nguyên những thứ cha để lại, kể cả chai rưọu cha tôi
uống còn một chút đặt ngay trước mặt tôi. Trật tự của những đồ vật ấy có chỗ không
hợp với tôi, chẳng hạn tôi thấy chúng khá lộn xộn, nhưng tôi cũng không định
thay đổi. Trong cái đám lộn xộn ấy phải kể đến đầu tiên là những chiếc bình
gốm.
Chúng
gồm đủ kích cỡ nhưng có một điểm chung là giống hệt nhau về kiểu dáng. Bầu rất
to trong khi miệng lại thu nhỏ đến mức ngay
cả có muốn khoắng thử xem bên trong đựng cái gì cũng không thể được. Một
lần tò mò tôi ghé mắt sát miệng bình và một cảm giác rờn rờn lập tức chạy dọc
sống lưng. Mẹ kiếp, chả may một con rắn hay con bọ cạp thời tiền sử vẫn còn
sống thì chỉ trong tích tắc là mình đi đời! Sự thực thì tôi không nhìn thấy cái
gì phía bên trong. Điều chắc chắn là những
chiếc bình ấy được làm hàng loạt và người tạo ra chúng khá cẩu thả hay
dễ dãi về thẩm mỹ.
Nhưng
chả ai nói như vậy về cổ vật, nhất lại là những cổ vật gắn với cha mình. Hẳn
chúng phải có một giá trị gì đó nên cha tôi mới dành cho chúng tới non nửa căn phòng rộng chừng 25 mét vuông, được kê trên những
chiếc kệ bằng gỗ, cao thấp khác nhau, nhiều cái chân đã bị mục tạo ra hẳn một
quần thể hang động thu nhỏ với hàng chục hang hốc tối om. Năm tháng in dấu rõ
nét nhất ở những chiếc mạng nhện tầng tầng lớp lớp phía bên trên.
Những
ngày đầu tiếp quản căn phòng làm việc của cha, tôi không mấy để ý đến chúng
ngoại trừ một câu hỏi thỉnh thoảng vẩn lên: Chúng từ đâu tới và nằm ở đấy từ
bao giờ nhỉ? Nhưng câu hỏi đó chỉ càng làm tôi nhớ rằng chúng là những đồ vật
cha tôi để lại, những kỷ niệm của cha, trật
tự thế giới của cha v.v và v.v. Tôi muốn chúng mãi mãi là những vật quý
giá, như cha tôi cả đời đã coi chúng là những vật quý giá đến nỗi không dám ra tay sắp xếp lại? Ồ mà không, hình như chúng
cũng có một trật tự nào đó, thứ trật tự thuộc về những di sản cổ kính mà
kẻ hậu thế như tôi không thể hiểu được.
Tôi quyết định sẽ không động đến chúng.
Nhưng
mọi chuyện mà tôi đang kể, lại bắt đầu từ những cái bình ấy. Hoá ra đó là nơi
trú ngụ của hàng chục, thậm chí vào mùa sinh nở là hàng trăm con chuột. Những
hang hốc tạo ra bởi đám kệ mục nát cho chúng một nơi chui rúc vô cùng lý tưởng.
Chúng gồm đủ loại, từ già mốc đầu, toàn thân nổi những cục u, đi lại lệt bệt,
toả ra mùi hôi hám; đến đám nhơ nhỡ cậy trẻ, mặt mũi hãnh tiến và trơ trẽn. Ngoài
ra còn là lúc nhúc những con chuột đỏ hon hỏn, nguồn dự trữ của một tương lai
thảm khốc, chỉ nom thấy đã phải rùng mình. Những con vật ấy mà lớn lên thì mọi thứ nát bét. Nhưng điều kinh ngạc
nhất của tôi không phải là phát hiện ra lũ chuột, mà ở chỗ chúng dạn dĩ đến mức
có cảm tưởng chúng mới thực sự là chủ nhân của căn phòng này.
Ngay cả giữa ban ngày ban mặt chúng cũng thản nhiên len
lách đi lại giữa đám bình, chí choé cắn nhau, tí tởn làm tình, tè ra một bãi
rồi phởn phơ dùng hai chân trước vuốt râu. Thỉnh thoảng mắt tôi vô tình chạm
mắt một con chuột nào đó thì chính tôi phải lảng đi trước. Không những con
chuột không hề sợ sệt mà còn chứng tỏ cho tôi thấy muốn yên thân thì đừng có
dại dột động vào chúng. Sau đó lũ chuột dường như không thèm đếm xỉa đến sự có
mặt của tôi. Chúng ngang nhiên đi lại, tha thức ăn ở đâu về rồi đùa rỡn nhau
làm phát ra những tiếng động lanh canh rất khó chịu. Đến lượt tôi muốn ói ngược
vì tức và tôi bỗng nhớ đến những cơn cau có của cha tôi mỗi khi đẩy ào cửa bước
ra ngoài. Giờ đây thì tôi đã hiểu ra nguyên cớ của những cơn cáu giận đó. Bởi
vì tôi đang rơi đúng vào hoàn cảnh của cha.
Chỉ qua vài buổi làm việc, chính tôi đã phải ôm đầu đứng
dậy vì không sao tập trung vào bất cứ điều gì được. Trong khi đó lũ chuột có vẻ
như càng lấy thế làm khoái trá, thi nhau gây lên những âm thanh rất dễ khiến
người ta điên tiết. Rõ ràng chúng đã ở trong căn phòng này từ rất lâu và coi
thường mọi phép tắc. Tôi chỉ không hiểu là tại sao một người nghiêm khắc như
cha lại cho phép những con vật bẩn thỉu và ranh ma kia làm tổ ngay trong phòng
làm việc của mình? Hơn thế, chúng còn làm bẩn cả những vật mà cha tôi coi là di
sản của tổ tiên. Hình như có một lần, lâu lắm rồi, khi tôi nghe tiếng đổ vỡ
chát chúa và chạy lên thì thấy cha tôi đang ngồi thừ ra trước một chiếc bình
gốm bị vỡ. Tôi thấy dưới sàn nhà là những mảnh vỡ chả hơn gì những mảnh sành. Vậy
mà cha tôi tỏ ra đau khổ và ân hận, thêm vào đó nỗi tiếc nuối khiến chưa bao
giờ tôi thấy cha trong trạng thái thảm hại như vậy. Tôi không dám ho he hỏi cha
bất cứ điều gì. Mà hình như cha không đợi ở tôi câu hỏi vì sao chiếc bình lại
bị vỡ. Cha không muốn tâm hồn cha vỡ thêm một lần nữa. Cha lặng lẽ nhặt những
mảnh gốm mà cha tin là nó vô cùng quý giá (cha làm cho tất cả chúng tôi tin là
quý giá), run run lau từng mảnh rồi cố gắng dùng keo ghép chúng lại. Cuối cùng
thì cái bình trước khi bị vỡ cũng hiện lên dưới tay cha, dị dạng và xấu xí. Bấy
giờ cha mới quay sang tôi, bảo ngồi xuống bên cạnh ông.
-
Con nhìn đi, khi một chiếc bình quý đã bị vỡ thì liệu có còn liền lại được như
cũ không?
Tôi
lí nhí đáp: “Không ạ.”
- Không bao giờ. Cha muốn con nhớ là không bao giờ có thể liền
được. Không bao giờ, không bao giờ... - Cha nói như mê sảng - vậy mà chỉ vì một
cơn cáu giận những kẻ quấy rối bẩn thỉu cha đã làm vỡ một trong những chiếc
bình quý ấy. Tiện đây cha muốn con nhập tâm điều này: Không được vì bất cứ lý
do gì mà làm tan vỡ những thứ quý giá.
Tôi cũng lờ mờ hiểu được ý cha. Tuy nhiên những kẻ quấy rối mà
cha nhắc đến là ai thì tôi không được giải thích. Quả nhiên sau đó không bao
giờ tôi thấy cha tôi làm vỡ thêm một cái bình nào nữa mặc dù cha vẫn đẩy cửa
rầm rầm bước ra ngoài trong trạng thái của người bị chọc tức.
Bỗng
giờ đây tất cả những điều đó cùng ập đến để
tôi khám phá ra rằng, nguyên nhân của những cơn cáu giận ấy ở cha tôi
đều do lũ chuột. Cha đã thử đuổi chúng đi nhưng hành động đó đã khiến một chiếc
bình quý bị vỡ. Cuối cùng cha đành chấp nhận hy sinh sự yên tĩnh ngàn vàng, hy
sinh tự do, hy sinh phẩm giá để gìn giữ những thứ mà cha tin còn quý cả hơn
vàng.
Bây
giờ đến lượt tôi, kẻ thừa kế những chiếc bình của cha đồng thời thừa kế luôn cả
nỗi khổ tâm mà khi cha còn sống tôi đã không biết. Bỗng dưng tôi nhìn lũ chuột
một cách căm thù. Chính chúng mày đã hành
hạ cha tao cho đến tận khi chết. Có thể cha tao chết sớm cũng vì lũ chúng mày.
Nhưng tao thì khác. Tao sẽ quét sạch lũ gặm nhấm bẩn thỉu. Loại văn dốt võ dát,
chỉ giỏi xu nịnh để đục khoét rồi reo rắc bệnh tật, reo rắc lòng nghi kị như lũ
chuột chúng mày thì được chết toàn thây đã là may mắn rồi. Tao sẽ hun khói, sẽ
lùa chúng mày ra chỗ quang đãng rồi chẹt cổ, bóp mắt, dùng đá đập nát bét từng
con một - Những ý nghĩ căm hận thi nhau tuôn ra trong đầu tôi. Mà cần gì phải
lý lẽ dài dòng, tốn sức, tao sẽ cho chúng mày biết tay ngay bây giờ. Hình
như thái độ nhơn nhơn, đắc chí của lũ chuột kích động mạnh lên não bộ khiến tôi
quyết định hành động tức khắc. Tôi vớ một chiếc chặn giấy bằng gỗ và nhắm vào
giữa đầu con chuột già nhất. Mày đáng chết trước tiên vì mày sống và làm tội
người khác quá lâu rồi. Mày sống như một tai họa cho muôn dân lương thiện. Gọi
tên cụ tổ nhà mày đi...
Cứ
tưởng tên lão thử ăn tàn phá hại sẽ phải
run lên rồi chạy trốn, đằng này con vật kinh tởm thản nhiên nhìn tôi, một mắt
còn hơi nheo lại như muốn hỏi: “Thằng oắt con định làm gì ông mày, còn lâu mới
động được vào người ông. Chúng ông trùng trùng điệp điệp như bóng tối. Mày có
thể giết hết được chúng ông không”. Như để chứng tỏ sự thách thức, con chuột dùng một chân trước gãi gãi vào chiếc
bụng lưa thưa lông của nó. “Đừng bắt tao phải băm xác mày khi mày đã
chầu trời” - Tôi mím môi lại để khỏi hoa mắt. Toàn thân nhũn nhùn của nó tiếp
tục phơi ra, nhưng hai chân trước của nó đã kịp ôm lấy cổ một chiếc bình nhỏ.
Bỗng tôi nhớ đến chiếc bình bị vỡ và vẻ mặt của cha tôi. Có cảm tưởng thà mặt
cha bị vỡ có lẽ cha đỡ đau đớn hơn. Hẳn cha cũng đã ném một con chuột nào đó và
gây nên cho cha tai họa ấy. Ngay lập tức lời cha dặn vọng về: “Không được vì
bất cứ lý do gì mà làm tan vỡ những thứ quý giá”, khiến toàn thân tôi chùng xuống,
viên chặn giấy, thay vì ném vào con chuột, rơi ngay cạnh bàn chân tôi. Con
chuột nhìn thấy hết. Mặt nó càng đắc thắng. Nó tiếp tục chờ tôi thêm một lát
nữa mới khệnh khạng chui tọt vào phía trong với đồng bọn đang chia nhau những
thứ ăn cắp được. Tôi ngồi thừ ra, lòng ngổn ngang những ý nghĩ ấm ức.
Bọn
chuột tiếp tục tận dụng lợi thế tuyệt đối nhờ vào những chiếc bình cha tôi để
lại. Chúng hiểu rằng tôi càng không dám động đến chúng. Vì thế, giống như cha,
tôi chỉ còn cách, hoặc là nhường lại căn phòng cho lũ chuột, hoặc phải tập thói
quen làm việc trong điều kiện chung đụng. Đương nhiên là tôi chọn cách thứ hai.
Tôi cố gắng không quan tâm đến chúng, cố gắng tập trung vào công việc, cố gắng
nghĩ đến những chuyện khác quan trọng hơn việc cáu giận với những con vật hôi
hám. Nghĩ đến chúng có mà nghĩ năm này sang năm khác bởi ở đâu chúng chả nhung
nhúc - tôi tự nhắc nhở mình. Và đúng như ai đó đã nói, mọi thứ đều có thể thích
nghi, ngay cả khi ngủ chung với quỷ sứ.
Chỉ
có điều, tôi mắc lại căn bệnh của cha tôi, đó là căn bệnh mất ngủ. Đêm nào tôi
cũng nằm mơ thấy những con chuột thành tinh, thân hình cao lớn, đầu bóng mượt,
cổ nần nẫn những mỡ là mỡ, con nào cũng giống nhau ở vẻ mặt lì lợm, trâng tráo
vì đầy quyền lực. Chúng khệnh khạng đi lại, hoa chân múa tay diễn thuyết, ăn
nhậu, đục khoét, cắn nát, bôi bẩn, nghĩ ra đủ thứ trò tai quái để làm tình làm
tội mọi người. Chúng nối đuôi nhau, kéo bè kéo đảng thành những đội hình rất quái gở. Có đêm, khi đã ngồi
phắt dậy, mồ hôi túa ra đầm đìa, tôi vẫn không tin mình vừa thoát nanh
vuốt một con chuột khổng lồ. Tôi vẫn có cảm giác cơ thể nhũn nhùn của nó vừa đè
cho tôi bẹp gí ngay cả khi đèn điện bật sáng. Những giấc mơ ấy tôi giấu nhẹm,
không nói với ai. Vì thế đến lượt con trai tôi, mỗi khi thấy tôi bước ra khỏi
căn phòng trước kia ông nội nó từng làm việc, nhìn tôi y như tôi nhìn cha mình
ngày trước. Nó cũng không hiểu điều gì lại khiến tôi lúc nào cũng như bị lên
cơn đau, y như câu tôi tự hỏi trước kia mỗi khi gặp cha thoát ra khỏi căn
phòng.
Nhưng
nếu tôi bị ám ảnh liên miên về vẻ mặt của cha, thì con trai tôi dường như luôn
có mối quan tâm khác quan trọng hơn. Nó có năng khiếu hội hoạ nhưng lại mê môn
khảo cổ học. Từ bé nó đã muốn khám phá bất cứ thứ gì ẩn chứa trong đó những
thông điệp của quá khứ và từng làm tôi lo lắng. Tôi lo nó bỏ quên tương lai, là
thứ quan trọng với nó hơn bất cứ thứ gì.
Nhưng tôi không hình dung nổi sự lo lắng mơ hồ của tôi lại hiện hình ở
hướng mà tôi không lường trước.
Một
hôm, sau chuyến du lịch dài ngày từ nước ngoài trở về, tôi gần như chết lặng khi bước vào căn phòng làm việc của mình.
Toàn bộ những chiếc bình cha tôi để lại đã bị dọn sạch, thay vào đó là
một chiếc kệ nhỏ. Trên mặt chiếc kệ là tấm
hình lồng trong khung kính cảnh cả nhà tôi, chụp đã khá lâu. Con trai tôi lúc đó còn bé và mắt nó ngước lên nhìn cha tôi, tức ông nội nó. Dường như nó
muốn nói: Ông ơi, ông vui lên một chút có được không?
Có
chuyện động trời rồi đây. Thật tình cảm giác của tôi khi đó là vừa thoát khỏi
một cuộc rượt đuổi tàn nhẫn vẫn bám riết tôi. Đúng hơn, có ai vừa cất khỏi vai
tôi một vật vô hình có sức nặng kinh khủng. Tôi thấy căn phòng rộng hẳn ra cùng
một làn gió nhẹ và thơm tràn vào. Đáng lẽ tôi sẽ phải hít một hơi thật sâu để tận hưởng niềm khoan khoái có thật. Nhưng ý
thức về bổn phận khiến tôi nghĩ ngay đến phải trừng phạt thằng con hỗn láo và
vô nguyên tắc. Ai cho phép nó thay đổi những thứ ông nội nó để lại? Thật là hồ
đồ và tuỳ tiện. Không, phải gọi thẳng đây là hành động báng bổ, ngu xuẩn, vô
ơn. Tuy vậy, chả hiểu sao tôi lại không thể nổi giận như logic của tình cảm
phải thế. Thay vào đó, tôi đứng yên lặng, cố thử không nghĩ gì. Vì thế tôi
không để ý con trai tôi đã đứng phía sau. Nó
không muốn phá tan khoảnh khắc thư thái hiếm hoi của tôi.
- Ai cho phép con làm chuyện này? - Không ngoảnh lại, tôi nghiêm
khắc hỏi nó.
-
Thú thực là con chỉ định tò mò thôi…
- Có những thứ không được thử, không được nghi ngờ… - tôi cắt
ngang lời nó.
-
Khoan đã, con muốn biết cảm giác của cha? Sao cha không nói thật là cha thấy
rất nhẹ nhõm, như vừa ra khỏi cơn ác mộng bởi ít ra là từ nay cha thoát khỏi
bàn tay lũ chuột.
-
Nhưng tại sao con không hỏi ta lý do ta chấp nhận điều ngược lại? Sao con không
hỏi ta những chiếc bình ấy là gì với ta và với cả con?
-
Với cha thì con không biết, còn với con, và cũng mới đây thôi, chúng chỉ là
những đồ rởm.
-
Chỉ riêng thời gian nó nằm tại căn phòng này cũng không ít hơn 50 năm... - Tôi
vẫn không thể nổi cáu với con trai tôi.
-
Con cũng đoán thế. Nhưng cha ạ, đáng lẽ nó không nên nằm ở đó. Con đã chôn
chúng xuống gốc khế nhà mình rồi. Có thể vài trăm năm sau nó sẽ có giá thật
đấy. Cha cứ để yên con nói hết đã. Nguyên những chiếc hũ này được sản xuất ra
để đựng mắm tép. Với cha con ta thì nó quý giá, nhưng với dân làng chài bên
cạnh thì nó chỉ là đồ đựng mắm tép thôi. Con còn biết cả tên ông chủ của lò mắm
tép đồng thời là chủ của những chiếc bình
này... Ông ta là kẻ lừa lọc mạt hạng. Một thời mắm tép của ông ta bỗng
dưng rất nổi tiếng. Về sau nhiều người nghi ông ta trộn cả thịt chuột, thậm chí
thịt người chết đói vào mắm. Trong một lần ông ấy chở mắm tép qua đây thì gặp
trận lụt năm... (về trận lụt thì tôi công nhận) khiến cả thuyền hàng của ông ta
bị đắm và những chiếc bình này chìm đúng vào vị trí sân nhà mình. Nó chẳng có
tí huyền thoại nào ngoài việc là vật chứng cho một thời đáng phải quên đi. Còn
việc vì sao nó có mặt trong căn phòng ông nội thì con không biết. Con xin lỗi
cha, đáng lẽ con không nên theo nghề khảo cổ...
-
Nói láo! - Lần này thì tôi gầm lên - Ai cho phép anh bịa ra một câu chuyện bậy
bạ như vậy.
-
Chính ông nội và cha đã tin quá lâu vào những câu chuyện bịa, bởi những kẻ
thiếu thiếu lương tâm, rồi lại tự bịa chuyện để huyền thoại hoá câu chuyện bịa đó. Con chỉ muốn về già cha
không bị những cơn co rút cơ mặt hành hạ như ông nội...
- Ra khỏi đây ngay! - Tôi tiếp tục chứng tỏ cho con trai tôi thấy
còn lâu tôi mới chấp nhận lý lẽ của nó - Ngày mai hãy đem trả lại cho tôi những
gì anh đã mang đi, kể cả chúng chỉ là những
chiếc bình đựng cứt…
Con trai tôi lặng lẽ bỏ đi còn tôi ngồi phịch xuống chiếc ghế hàng
ngày. Qua ô cửa sổ rêu phong, sẫm mầu thời gian, mảnh trời lọt vào lại cứ xanh
dìu dịu. Đầu óc tôi lộn xộn như những sợi dây rối nhằng rối nhịt. Không gian
thanh bình một cách đáng ngờ. Nhưng tôi biết chắc chắn chỉ điều đó là sự thật
vào lúc này. Thêm vào đó là tiếng bước chân xuống cầu thang của con trai tôi và
chả hiểu sao nó khiến tôi thấy sờ sợ. Tôi sợ những điều nó nói và sợ nó không
quay lại. Nhưng tôi không thể làm gì hơn là ngồi ôm lấy đầu, nghe bước chân của
con trai tôi xa dần, như một sự trừng phạt nghiêm khắc, cố gắng thoát ra khỏi
một cái gì đó. Và cứ nguyên ở tư thế ấy tôi thiếp đi rất nhanh.
Trong
mơ tôi thấy mình quỳ xuống trước mặt thằng con hỗn láo…
Hà
Nội 2007
------------------------------------------
Tác giả gửi Quê Choa
Ôi chúa ơi! chỉ một tác phẩm truyện ngắn không thôi! mà sao nó đầy đủ sắc thái gam màu nội tại của xã hội quá vậy!?
Trả lờiXóaTất cả những chi tiết, nhân vật chỉ gói ghém trong một căn phòng ẩm thấp, cũ kỹ nhưng lại đặc tả hết được bộ mặt...xã hội bây chừ!? quá tuyệt!!!
Tôi...không dám bình nữa! chỉ đọc và...cảm nhận thôi.
Những con chuột đã rất khôn ngoan đã tạo ra người bảo vệ những chiếc bình trước khi chúng chui vào làm tổ trong những chiếc bình ấy
Trả lờiXóaBây giờ chỉ còn cách cho thốc chuột vào bình rồi đem HỎA TÁNG THÀNH TRO BỤI
Trả lờiXóaÔi bác ơi !Con đọc mà nước mắt con tuôn rơi vì nhớ bác,bác ơi ! Ôi 1 đời vì nước vì non.
Trả lờiXóaxuất sắc , tuyệt vời.
Trả lờiXóatôi, TS một trường ĐH nước mắt tuôn rơi vì trong đó có Cha mình!\
Trả lờiXóaGiàng ơi !!! Nước Nam ta có Bà Hậu Khảo Cổ là bạn vong niên của Chú Tễu nhà mình.
Trả lờiXóaChú Tễu ui !!! Thỉnh Bà Hậu Khảo Cổ ra cứu nước Nam nhà ta đê !!!
Thế mà tôi đã nghĩ ở Việt nam mấy chục năm qua chẳng có tác phẩm văn học nào đáng để đọc.
Trả lờiXóaCám ơn Tạ Duy Anh
Câu chuyện này mà được xuất bản vào thời điểm hiện nay chắc sẽ cùng chung số phận với"Mối chúa"
Trả lờiXóaƠn Trời!
Trả lờiXóaHồi xưa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có truyện ngắn "Sang sông" cũng dùng cái bình làm hình tượng ẩn dụ. Câu chuyện mang tính văn học nhiều hơn, chứ không bạo liệt và 'trực tiếp' như truyện này. Cái khác lớn là ở chỗ TDA nhận ra sự ngu dốt của chính mình nên mơi 'bị lừa'.
Trả lờiXóaGiá như bài này do một văn sỹ người Anh hay Mỹ, Nhật viết thì ít nhất tác gỉ của nó cũng được đề cử giải Nobel văn học.
Trả lờiXóaThiếu tình tiết con chuột già đầu đã bạc trắng nhìn sắc mặt nó như sắp chết đến nơi .Ta Duy Anh quả là nhà tiên tri mới lừng danh .Đúng phóc/
Trả lờiXóaTôi cũng vừa đọc lần đầu. Một tuyệt phẩm. Cám ơn nhà văn Tạ Duy Anh.
Trả lờiXóaPhải có kẻ chôn cái bình đó đi thì đám chuột mới hết, căn nhà mới sáng, mới thanh bình.
Trả lờiXóaNếu không làm được như vậy chúng sẽ còn tha đầy các thứ bẩn thỉu thối tha trong cái nhà ấy.
Đừng bao giờ nghĩ rằng đám chuột sẽ cải thành người được
Câu chuyện xuất sắc, lần đầu được đọc nhà văn Tạ Duy Anh tôi thật thán phục, mến và kính trọng ông. Tôi tự hỏi ai có lỗi hơn giữa lũ chuột và các ông thờ bình giả. Tôi nghĩ tác phẩm của nhà văn Tạ Duy Anh cần được dịch ra tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác trên thế giới.
Trả lờiXóaTưởng chuyện như đùa ! Mười năm sau nó xảy ra y chang ! Đố ai đoán được 10 năm sau nữa sẽ ra sao ?
Trả lờiXóaTôi cũng là dân Khảo cổ học, là trò của GS Trần Quốc Vượng từ khi học ĐH đến khi học NCS. Khi nhìn hình đại diện của Nguyễn Xuân Diện - TỄU - là tôi đã nhận ra gương mặt quen, thời cùng ăn ở cái bếp sinh viên của ông Nghề và ở KTX của ông Bạn, ông Tế.
Trả lờiXóaQuả nhiên, khi đọc truyện ngắn này của Tạ Duy Anh, bỏ qua kỹ thuật văn chương để lĩnh hội phần "hồn", phần "tư tưởng" của truyện thì thấy hiểu biết và trải nghiệm của mình về thời cuộc, nỗi đau của mình bị bầm dập, rớm máu là bởi có cái thực tại như trong chuyện mà Tạ Duy Anh đã viết. Nó sâu sắc và hiện thực nữa là ở cái "tứ" bên trong sâu thẳm của ngôn từ, lại được hiện thực sinh động của thời thế đương đại, đương diễn ra...đúng là như vậy. Hày đập vỡ và vứt đi những chiếc bình mà lão buôn mắm tép thổi vào một huyền thoại để đánh lừa cả mấy thế hệ người. Hãy cho con cái chúng ta thấy được sự thật và để nó làm những điều nó được học và được suy nghĩ... Còn chúng ta: hãy ngồi xuống và, lặng lẽ lắng nghe "những bứớc chân dịch chuyển vững chãi của con cái chúng ta đang đi xa...đo xa về PHÍA MẶT TRỜI". cẢM ƠN Xuân Diện và Tác giả.- THẠCH vĂN