Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018

BAO GIỜ GIÁO DỤC VN SÁNH ĐƯỢC VỚI GIÁO DỤC THỜI VNCH?

Giáo dục: từ mối yêu thương gia đình 
đến tinh thần "Tổ quốc trên hết"

Phạm Đạt Nhân  
Đăng Bởi -



Cha dạy con trong Quốc văn giáo khoa thư - Ảnh: TL

Miền Nam trước 75 đã chọn triết lý giáo dục là Dân tộc - Nhân bản - Khai phóng. Vì đề cao tinh thần dân tộc mà trong giờ địa lý, học sinh nào vẽ bản đồ Việt Nam mà thiếu hai quần đảo Trường Sa và Hoàng sa sẽ bị phạt nặng; ở phòng học nào cũng có treo câu khẩu hiệu: "Tổ quốc trên hết"...

Sách giáo khoa và kinh điển nói chung là cái hồn cái hạnh của giáo dục. Một công dân đã từng cắp sách đến trường đều có mang trong huyết quản cái hồn cái hạnh từ những trang sách giáo khoa - nghĩa là đã hấp thu trong tâm hồn một nền giáo dục chân chính. Tình yêu gia đình, nghĩa gia tộc, tình yêu quê hương đất nước đã từng được di dưỡng tưới tẩm từ thuở học trò. 

Nhà thơ Giang Nam có mấy câu thơ nói lên tầm ảnh hưởng của sách giáo khoa đối với tình yêu quê hương:

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường   
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ   
Ai bảo chăn trâu là khổ   
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao 
 
Những "trang sách nhỏ" đã hun đúc tình yêu quê hương của nhà thơ chính là bộ "Quốc văn giáo khoa thư" do học giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn. Bộ sách nầy được chính thức giảng dạy ở các trường Tiểu học vào những thập niên tiền bán thế kỷ XX. Nhà văn Sơn Nam trong cuốn Hương rừng Cà Mau có kể câu chuyện "tình nghĩa giáo khoa thư" thật cảm động . 

Chuyện kể một ông phái viên nhà báo được tòa soạn cử đi đòi nợ một độc giả mua báo dài hạn ở tận vùng xa xôi hẻo lánh. Nhà báo và độc giả qua một đêm tâm tình tương đắc và đồng cảm những bài học trong sách "Quốc văn giáo khoa thư" mà cả hai đã thuộc nằm lòng từ thuở nhỏ đã khiến sáng hôm sau nhà báo lên đường trở về tỉnh thành mà không hề đề cập đến chuyện tiền nong với anh độc giả nghèo yêu sách báo. Nhưng anh độc giả nọ đã chủ động nhắc món tiền nợ báo và xin được trả nợ bằng những sản vật hiện có trong nhà. Đọc "Tình nghĩa giáo khoa thư" người đọc cảm thấy hạnh phúc khi tìm lại chính mình qua từng trang sách nhỏ. Bộ "Quốc văn giáo khoa thư" gồm có ba quyển:

- Quốc văn giáo khoa thư lớp sơ đẳng 
-Quốc văn giáo khoa thư lớp dự bị 
-Luân lý giáo khoa thư lớp đồng ấu 
 .
Riêng luân lý giáo khoa thư chuyên đề dạy về phong hóa, lễ giáo cho học sinh từ thuở còn thơ. Đây là quyển sách giáo khoa lớp khai tâm dạy làm người. Đây cũng là nền tảng văn hóa Việt và đây cũng là trường hợp giáo dục đã làm tốt nhiệm vụ kép: vừa xây dựng cơ sở văn hóa cho ngày mai thụ hưởng; vừa vun bồi tưới tẩm truyền thống tốt đẹp của ngày hôm qua. Tôi xin được dẫn ra đây một số bài học luân lý trong quyển giáo khoa nầy: Thương yêu kính trọng ông bà cha mẹ, thương yêu nhường nhịn anh chị em; thờ cúng tổ tiên; giúp đỡ người trong họ, thương yêu tôi tớ trong nhà; yêu thương thầy dạy, tôn kính thầy dạy...

Những bài học trên đây có thể ngày nay nhiều người cho rằng không còn hợp thời nữa. Nhưng có những việc "biết rồi khổ lắm nói mãi”. Nói mãi hóa nhàm mà làm mãi vẫn chưa xong. Ngay đến những người lớn tuổi cả những kẻ thành đạt trong cuộc sống, nếu một ngày tự soi sẽ thấy mình còn vô vàn thiếu sót. 
.
Một trong tám chữ học làm người (hiếu, để, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sĩ) chữ ‘hiếu’ đứng hàng đầu, chữ ‘để’ đứng hàng thứ hai. Hiếu là bổn phận đối với ông bà cha mẹ. ‘Để’ là trên kính dưới nhường - anh chị em trong nhà phải hòa hợp, nhường nhịn, thuận thảo cùng nhau. Quan điểm của các soạn giả "Quốc văn giáo khoa thư " là làm sao thể hiện được nét văn hóa đặc thù của Người Việt: lấy gia đình làm nền tảng cho xã hội, quốc gia, dân tộc. Một đứa trẻ không biết yêu thương ông bà cha mẹ, anh chị em trong nhà thì lấy gì bảo đảm rằng khi lớn lên nó biết yêu quê hương, đất nước, đồng bào, đồng loại? Gia đình, gia tộc là cái nôi của tình yêu thương và cũng là nơi trú ẩn an toàn nhất khi gặp phong ba bão tố trong cuộc đời. 

Xưa, có một bức tranh vẽ cảnh gia đình một nhà sum họp có tựa đề "Buổi tối trong gia đình": cha ngồi đọc báo, mẹ ngồi khâu vá, con học bài, bà kể chuyện cổ tích cho cháu. Trong bài thơ "Lượm" có câu thơ "Ở đồn Mang Cá / Thích hơn ở nhà" của Tố Hữu ca ngợi những đứa trẻ thoát ly gia đình... chỉ thích hợp với giai đoạn lịch sử lúc bấy giờ!

Thời bây giờ tuổi trẻ ít gần gũi gắn bó với gia đình, không coi trọng các mối quan hệ trong thân tộc là do sách giáo khoa khai tâm thiếu những bài học đề cao tinh thần gia đình! Thậm chí đêm giao thừa là thời điểm thiêng liêng nhất để gia đình sum họp tiễn năm cũ, đón năm mới mà cũng không còn giữ được nếp xưa. Ngày nay, đêm giao thừa ta thấy thanh niên thiếu nữ tập trung ở các lễ hội (hội nhiều hơn lễ). Lễ lại chỉ là cái cớ để tụ họp vui chơi múa hát. Nếu giao thừa mà cả nhà ăn mặc tươm tất, sửa soạn bàn thờ ông bà, chuẩn bị cúng tổ tiên rồi sau đó là mừng tuổi chúc tết lẫn nhau ... thì theo người viết, thế mới gọi là đậm đà bản sắc dân tộc.  

Vậy phải chăng nói đến văn hóa là phải đề cập đến nhiệm vụ kép của giáo dục: nhiệm vụ xây dựng cơ sở văn hóa cho thế hệ mai hậu thụ hưởng, đồng thời bảo tồn di sản văn hóa của tiền nhân để lại?...

Phạm Đạt Nhân

15 nhận xét :

  1. Ông Phạm Đạt Nhân viết bài nầy, nhắc lại những chuyện trên 40 năm đã qua, xem ra quá trễ hay không ? Ngoài các sách giáo khoa, ở miền Nam còn có tủ sách : Học làm người do ông Nguyễn Hiến Lê, Thu Giang thực hiện ...... tiếc thay ! ! !

    Trả lờiXóa
  2. Khi nào ư? đến ngày 30 tháng 2!

    Trả lờiXóa
  3. Tôi xa xứ đi làm ăn, nhưng vẫn giữ nếp xưa vẫn gìn giữ bữa cơm gia đình. Con cái tôi vẫn thưa mời cha mẹ dùng cơm giống như hồi xưa cha mẹ tôi vẫn dạy cho Anh chị em tôi vậy. Lễ tết, gia đình tôi dành dụm tiền để về quê, cả nhà chờ cúng giao thừa, nhìn thấy cha mẹ mạnh khỏe mà trong dạ vui. Nói giáo dục trước đây nhân bản quả là đúng thật.

    Trả lờiXóa
  4. Sách ngày xưa hay lắm chứ anh. Em cũng đọc qua nhiều cuốn rồi. Đa phần đọc trong trường hợp không có đồ nghề đem theo nên không thể sao lại được.

    Trả lờiXóa
  5. Tiếc thay cho một khúc giao thời! Ngày nay nếu về những miền quê xa xôi, may ra còn giữ lại được nét văn hóa hiếm hoi này. Giáo dục ngay chính trong gia đình mình trước, thì xã hội mới bình trị, mới phát triển được. Khi mà con người ta biết sống cho ngày mai nữa, thì cách hành xử người với người mới mong tốt lên được.

    Trả lờiXóa
  6. Chủ nghĩa cộng sản quá bình đẳng nên sinh hoạt đoàn,đảng ở trường thầy trò đều là đồng chí! Vai trò thầy cô bị xuống cấp nên đạo đức cũng nát bét! Giáo sư Đặng Phong sinh thời đã nhận xét khi ông vào tiếp quản giáo dục ở miền nam rằng học sinh miền nam lể phép hơn học sinh miền bắc. Thế mới biết nhân bản khai phóng dân tộc.

    Trả lờiXóa
  7. 5 điều dạy cho thiếu niên nhi đồng có điều nào dành cho ông bà cha mẹ đâu! Buồn thật!

    Trả lờiXóa
  8. Giáo dục ở miền Bắc chỉ cần tốt nghiệp trường NAQ là thành công(dù không thành nhân),không cần học quái gì cho phức tạp và tốn thời gian vì đã có phong trào"học tập và làm theo"rồi

    Trả lờiXóa
  9. Miền Nam đã đi 20 năm trên con đường giáo dục mà 60 năm Miền Bắc (cùng cả nước) loay hoay chưa biết giờ khởi hành.
    Đau lòng lắm !

    Trả lờiXóa
  10. Năm ngoái, vì cha mẹ bận công việc tôi được ủy quyên nuôi cháu, đưa cháu đén nhà trẻ, mới phát hiện một điều thú vị: Thời gian cháu làm quen với cô giáo, bạn bè thì ông phải vào lớp với cháu, rồi sau đó là ngồi bên ngoài lớp, cho đến lúc tan học đón cháu về. Mới ở lớp trẻ mà các cháu đã có phòng công nghiệp, nghĩa là ở đó có các dụng cu bằng nhựa như cưa, kìm, tuốc nơ vit, ốc vít để cac cháu tập vặn v.v... Ở lớp lớn hơn cũng có phòng cn có các chi tiết bằng gỗ để các cháu tự lắp ráp: hệ thống bánh xe răng truyền động, khá phức tạp, đòi hỏi các cháu phải kiên trì, có tư duy logik, người lớn chưa trải qua thì cũng ko thể làm được. Đến lúc năm tuổi thì các cháu tập lắp cac chi tiết phức tạp hơn, lắp ráp ô tô từ các mấu lego, bắt đầu đơn giản sau càng ngày càng phức tạp và nhiều chi tiết được cô giáo giúp đỡ ban đầu và sau thì tự làm hay ở nhà thì cha mẹ giúp.
    Mới đây xem bộ phim tài liệu về nhà máy sx ô tô vận tải Mec xê dec lớn nhất thế giới, mỗi phút ra một chiếc, mới hiểu rằng sự tôi luyện kỹ năng ấy từ lúc trẻ còn nhỏ thật quý giá...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mới đọc, tôi cứ ngờ ngợ. Hóa ra đây là giáo dục ở Đức.

      Xóa
  11. Ngày trước không bao giờ dùng từ xách mé <> THI ĐUA DẠY TỐT HỌC TỐT hóa ra cả thầy lẫn trò cùng một lũ. Ngày trước ông Tại chức, ông học thấp không được phát biểu, chỉ thị,huấn thị khi tham dự lể khai giảng cho dù ông ta là Tỉnh trưởng hay Quận trưởng.Ngày trước không thấy thầy cô ăn nhậu,karaoke,hút thuốc, cafe trước mặt học sinh, ngày trước được thầy cô la mắng, phạt quỳ cha mẹ biết cám ơn thầy cô, ngày trước cuốn sách NHỮNG TÂM HỒN CAO THƯỢNG là sách gối đầu giường của học sinh...ôi ngày ấy nay còn đâu

    Trả lờiXóa
  12. Tôi học 12 năm phổ thông ở miền Nam, 4 năm ĐH sau 1975 và đã 36 năm dạy học từ THPT đến ĐH nên có thể khẳng định là nền giáo dục VNCH có nhiều điểm ưu việt hơn giáo dục XHCN.Giờ hơn 60 tuổi rồi mà nhiều bài học thuộc lòng hồi TH vẫn còn nhớ và những sách như Tâm hồn cao thượng, Tình nghĩa giáo khoa thư... vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc.

    Trả lờiXóa
  13. Nếu dạy con cái phải biết hiếu thảo, thì làm sao có thể xúi dục chúng đứng ra đấu tố ông bà cha mẹ, như trong cải cách ruộng đất năm xưa cho được ?

    Trả lờiXóa
  14. Thật buồn và đau cho Đất nước. Vấn đề là dạy trẻ làm người, chứ không phải làm máy...!...

    Trả lờiXóa