Những ước vọng của một người dân
Phạm Gia Minh
Là một trong số 72 nhân sĩ trí thức đã ký tên vào Bản kiến nghị về Sửa đổi Hiến Pháp 1992 mà sau đó “ được ” TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng đánh giá là “ suy thoái về chính trị, tư tưởng và đạo đức …"[1] nên hiện nay tôi không mấy tin tưởng vào thái độ thực sự cầu thị để lắng nghe ý kiến từ nhân dân của các vị lãnh đạo.
Trước tôi cũng đã có hàng trăm thậm chí hàng ngàn ý kiến tâm huyết của rất nhiều đảng viên lão thành, quần chúng yêu nước nhưng kết quả dường như rất nhỏ nhoi. Nhìn chung những người góp ý phản biện đều gặp thái độ ghẻ lạnh, thậm chí bị trù dập từ các cơ quan công quyền. Nhiều người còn bị chụp cho cái mũ “tự diễn biến”, “lợi dụng các quyền tự do dân chủ để tuyên truyền chống phá Nhà nước..” nên một số đã quyết định ra khỏi Đảng vì thấy niềm tin của mình vào Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập đã bị phản bội.[2]
Xét diễn biến tương quan một bên là nhà cầm quyền ngày một làm ngơ, thậm chi sẵn sàng dùng vũ lực và nhà tù, kể cả các biện pháp “phi truyền thống” như dùng xã hội đen trái pháp luật, dùng đội ngũ dư luận viên bôi nhọ, bóp méo, chụp mũ, đe dọa v.v… để đàn áp mọi ý kiến đóng góp mang tính chất ôn hòa và bất bạo động, bất kể là hợp với ý nguyện của nhiều tầng lớp dân cư và một bên kia là đại đa số quần chúng tuy ngoài mặt tỏ ra thụ động về chính trị, chỉ tập trung vào mưu sinh nhưng khi có dịp thì vẫn thể hiện tâm tư, tình cảm yêu nước và thái độ thật của mình (ví dụ như việc hàng triệu người tiếc thương tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp) thì khả năng bùng nổ xã hội ở Việt nam là một thực tế đang đến gần khi mà hoàn cảnh chính trị- xã hội và kinh tế lâm vào khủng hoảng.
Nếu là người yêu nước thì không ai muốn xã hội hỗn loạn, đổ máu và chia rẽ vì những khác biệt về chính trị, hệ tư tưởng và hoàn cảnh giàu nghèo quá chênh lệch.
Nếu là người biết lo xa và cầu thị thì phải vượt lên sự cám dỗ của quyền lực và cạm bẫy của quyền lợi vật chất trước mắt đối với bản thân và phe nhóm của mình để mưu tính một tương lai lâu dài cho sự thịnh vượng của đất nước và dân tộc.
E rằng những lực lượng tử tế trong ĐCS và nhân dân chưa liên kết được với nhau để ngăn chặn quá trình hoại tử đang gặm nhấm cơ thể dân tộc và đất nước chúng ta.
Tuy vậy vẫn cần có một thái độ tỉnh táo, dũng cảm và lạc quan đối với tiền đồ của dân tộc để tìm lối ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay.
Vậy lối ra ở đâu? Xin mạnh dạn trình bày quan điểm cá nhân của tôi về vấn đề này.
I. Phải tiến hành cải cách toàn diện thể chế chính trị
(a) Về mặt tư tưởng :Đảng cầm quyền hãy lấy tư tưởng và giá trị DÂN TỘC làm nền tảng chủ đạo của mình. Những giá trị nhân văn của CNXH mang hình thức cụ thể, dễ cảm nhận như chế độ an sinh xã hội, y tế, giáo dục, trợ giúp nhóm người thiệt thòi, dễ tổn thương v.v… vẫn cần được THỰC HÀNH một cách ưu tiên và có hệ thống qua các chủ trương, chính sách của Nhà nước nhưng không nên chỉ bằng cách hô khẩu hiệu rỗng tuếch về chủ nghĩa Mác- Lê nin, định hướng CNXH rất mơ hồ, chung chung và xa vời như hiện nay khiến quần chúng thấy nhàm chán, vô cảm thậm chí phản cảm. Xin nhớ rằng ở nhiều nước tư bản (đặc biệt là Bắc Âu, Úc) các chế độ an sinh ngày nay còn mang tính XHCN hơn ta nhiều lần ví dụ như trợ cấp thất nghiệp, sinh con, giáo dục miễn phí …
(b) Về nguyên tắc tổ chức của đảng cầm quyền : Nguyên tắc “ Tập trung, dân chủ “ có lẽ phù hợp với thời chiến hơn thời bình cần được điều chỉnh lại. Các xã hội văn minh hiện nay trong thời bình đều đi lên với nguyên tắc "Dân chủ, tập trung".[3] Điều này rất quan trọng vì nó liên quan trực tiếp tới quá trình tiến hóa của đảng và rộng ra là của cả xã hội.
(c) Về việc tinh giản bộ máy đảng và các cơ quan hành chính : Việt nam đã và đang hội nhập Quốc tế nên hàng hóa và dịch vụ của ta phải TỐT và RẺ thì mới thắng được trong cạnh tranh khốc liệt. Hiện nay chúng ta phải chi tiền ngân sách để duy trì đồng thời 03 bộ máy : các cơ quan Đảng, Chính quyền và các Tổ chức chính trị- xã hội là cánh tay nối dài của Đảng. Các nước quanh ta (trừ TQ, nhưng TQ có tiềm lực khác ta nhiều !) không có thực tiễn này nên nhìn chung hàng hóa của họ có chi phí thấp hơn. (Ví dụ như đường mía và nhiều mặt hàng tiêu dùng VN đắt hơn Thái Lan từ 10- 35% theo quan sát của cá nhân tôi). Trong bối cảnh năng suất lao động của VN thấp và trang bị công nghệ thua kém thì hiện trạng bội chi ngân sách sẽ dẫn đến kiệt quệ kinh tế và thua ngay trên sân nhà khi hội nhập.
Quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước nhất thiết phải đi đôi với việc tinh giản bộ máy ăn lương từ ngân sách và xã hội hóa một số dịch vụ công mà Nhà nước đang “ bao sân” hiện nay. Do Nhà nước “ôm” quá nhiều doanh nghiệp nên bộ máy hành chính có chức năng quản lý, điều hành và thực hiện các giao dịch thị trường cho khối doanh nghiệp đó càng ngày càng “ phình” ra theo sự phát triển kinh doanh và tính phức tạp của quá trình toàn cầu hóa. Ngoài ra cũng do Nhà nước đảm đương quá nhiều loại hình dịch vụ công nên cùng với sự phát triển của xã hội mà bộ máy hành chính vẫn tiếp tục “phì đại” mà vẫn quan liêu, không đi sát thực tiễn, hiệu năng thấp.
Trong nền kinh tế các nước phát triển thì khu vực giao dịch phục vụ thị trường tạo ra tới hơn 50% GDP và có hơn 40% lực lượng lao động làm việc ở đây. Chưa có số liệu chính xác nhưng ở VN cũng như Liên Xô trước đây lực lượng này chắc không vượt quá con số 10%.
Do vậy định hướng quan trọng phục vụ sự nghiệp cải cách thể chế là PHÁT TRIỂN KHU VỰC GIAO DỊCH PHỤC VỤ THỊ TRƯỜNG (có vai trò như một dạng HẠ TẦNG CƠ SỞ MỀM của nền kinh tế) theo những chuẩn mực và kinh nghiệm thành công của nhưng quốc gia đi trước[4] và điều chuyển một bộ phận nhân sự, là gánh nặng cho ngân sách từ các cơ quan Đảng, Chính quyền và Tổ chức chính trị- xã hội sang phát triển khu vực này. Như vậy nguồn sống của lực lượng nhân sự được điều chuyển (tất nhiên cần đào tạo lại phù hợp) vẫn được bảo đảm, thậm chí được cải thiện đáng kể, gánh nặng ngân sách được giảm nhẹ, hoạt động của thị trường được hỗ trợ tốt hơn khiến năng suất lao động xã hội tăng cao.
Nếu nhận thức được vấn đề này thì chúng ta sẽ vượt qua tâm lý e ngại cho rằng cải cách thể chế chính trị sẽ dẫn đến thất nghiệp (hay mất cuốn sổ hưu như lời một vị đại tá tuyên huấn đã phát biểu trước hàng ngàn cử tọa gần đây) hoặc kém thu nhập đối với bộ máy nhân sự trong các tổ chức Đảng, chính quyền và Tổ chức Chính trị- xã hội các cấp. Làm được như vậy Đảng sẽ kiện toàn tổ chức theo nguyên tắc tinh giản số lượng nhưng nâng cao hiệu năng lãnh đạo, tránh được căn bệnh trì trệ, quan liêu dẫn đến mất sức chiến đấu. ĐCS Liên Xô đã thất bại khi tiến hành công cuộc Cải tổ - Perestroika một phần vì đã không đánh giá đúng vai trò tối quan trọng của khu vực giao dịch phục vụ thị trường trong quá trình chuyển đổi và cải cách thể chế.[5]
Xét cho đến cùng thì quy luật muôn thưở “ hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc phải phát triển hài hòa “ là điều cần quan tâm đặc biệt hiện nay.
(d) Hòa hợp dân tộc : Đất nước chỉ có thể đi lên vững mạnh, đầy sinh lực và tự tin khi thực hiện được hòa giải và hòa hợp dân tộc. Một khi “ bên thắng cuộc” vẫn áp đặt toàn xã hội phải chấp nhận một chủ thuyết hay hệ tư tưởng,thậm chí một tổ chức chính trị duy nhất là chủ đạo thì không thể có được sự hòa hợp dân tộc.
Đành rằng sự lãnh đạo của một đảng chính trị là quan trọng để đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động mọi mặt xã hội nhưng uy tín của đảng lãnh đạo phải được khẳng định qua ý nguyện người dân một cách công khai, minh bạch và tự do. Chỉ khi đó mọi sự khác biệt về chính kiến, giai tầng xã hội v.v…mới không dẫn đến mâu thuẫn xung đột gây rạn nứt cộng đồng dân tộc. Phải biến sự đa dạng, khác biệt thành sức mạnh.
(e) Bảo đảm quyền tự do và dân chủ trong sự tôn trọng Luật pháp: Trước hết cần bắt đầu từ thực hiện dân chủ thực sự trong Đảng vì hiện Đảng là lực lượng lãnh đạo trong xã hội nên chưa có dân chủ trong Đảng thì đừng nói đến dân chủ trong xã hội. Cần đưa nguyên tắc “Dân chủ tập trung" vào thực tiễn sinh hoạt Đảng, đặc biệt là công tác nhân sự và đánh giá định kỳ uy tín cũng như kết quả hoạt động của các cấp lãnh đạo Đảng. Chức vụ TBT nên được bầu trực tiếp trên đại hội và có số dư các ứng viên vận động tranh cử công khai. Nên áp dụng thực tiễn thay đổi giữa nhiệm kỳ những ai không hoàn thành nhiệm vụ, uy tín thấp vào sinh hoạt Đảng.
Nên hạn chế tối đa tiến tới từ bỏ quy định về phân bổ theo vùng, miền các chức danh lãnh đạo cao cấp trong Đảng và hãy chọn người xứng đáng theo đúng phẩm chất và tài năng. Đây sẽ là một việc rất khó làm khi tư duy tiểu nông còn khá nặng hiện nay.
Hãy bắt đầu bằng việc thực hiện có giám sát và giải trình minh bạch tất cả những điều khoản về tự do chính trị và nhân quyền mà Việt nam đã ký kết với Quốc tế, đồng thời với việc thi hành nghiêm túc các điều khoản của Hiến pháp Việt nam bởi các cơ quan công quyền. Ở đây rõ ràng về mặt thể chế chúng ta còn thiếu Tòa Bảo Hiến và Luật về Đảng và các Tổ chức chính trị- xã hội.
Có ý kiến phản biện cho rằng Đảng đang ở trên Hiến pháp vì HP chỉ là cụ thể hóa Cương lĩnh của Đảng! Nếu thực vậy người dân sẽ không bao giờ tôn trọng HP vì HP chưa phải là cái cao nhất vì Đảng còn ở vị thế cao hơn.
Trong tâm thức và cách nhìn nhận của người dân thì Đảng đối với dân thường lại là những con người cụ thể bằng xương bằng thịt với cả ưu lẫn khuyết, thậm chí ở một bộ phận không nhỏ đảng viên biến chất thì khuyết còn nhiều hơn ưu như câu nói trong dân gian “anh /chị ấy tuy là đảng viên nhưng mà tốt !!!".
Khi thiếu tinh thần thượng tôn Pháp Luật thì rường cột Quốc gia không thể vững bền, mọi chính sách dù có hay mấy cũng khó được thực thi nghiêm túc, bền vững. Đó là cái họa lâu dài cho mọi thể chế chính trị.
(f) Xây dựng và củng cố xã hội dân sự - XHDS: Về bản chất XHDS là “khoảng đệm" hay không gian trung lập giữa Nhà nước và nhân dân nên chỉ khi nào phục vụ mục đích dân sinh và phi chính trị thì XHDS mới thực sự phát huy chức năng vốn có của nó.
Ở Việt Nam XHDS đang bị chính trị hóa bởi cả hai phía – Nhà nước thì quản lý chặt chẽ một hệ thống các Hội và Hiệp Hội nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị đề ra, trong khi đó phong trào tự phát trong dân thành lập các tổ chức như Diễn đàn XHDS, Hội các bloger, Hội Dân oan v.v… nhìn chung cũng mang nặng màu sắc chính trị và bầu không khí chung là nghi kỵ và đối đầu nhau một cách không đáng có.
Chính vì vậy cần một nhãn quan và cách hành xử đúng với bản chất vốn cần có của XHDS ở Việt nam. Và để được như vậy điều đầu tiên là phải thông qua Luật về Lập Hội và cơ chế đối thoại cởi mở giữa Nhà nước với các tổ chức XHDS để cùng chung sức giải tỏa những vấn đề DÂN SINH vốn đa dạng và gây nhiều bức xúc mà một mình Nhà nước không dễ gì đảm đương được chu đáo.
II. Phải định vị đúng vị trí của Việt Nam trong bối cảnh Quốc tế hiện nay
Một sự thật rõ như ban ngày là mọi quốc gia hay nhóm quốc gia khi tiến hành hợp tác, liên minh ngày nay đều đặt quyền lợi dân tộc lên hàng đầu, tức là cao hơn bất kỳ một hệ tư tưởng hay triết học nào. Ngay các quốc gia theo Hồi giáo cũng vậy, họ tuy tôn trọng những quy định về Đạo đức Hồi giáo nhưng quyền lợi của Quốc gia và Dân tộc là những phạm trù độc lập.
Trong một thế giới như vậy, với di sản lịch sử và vị trí địa lý hiện nay có lẽ thái độ khôn ngoan và mềm dẻo của Việt Nam là thực thi một chính sách quốc tế TRUNG LẬP trong một khối ASEAN TRUNG LẬP.
Luôn tuyên bố hùng hồn về nền móng tư tưởng Mác- Lê và đồng minh với Trung Quốc không giúp Việt Nam thoát khỏi sự xâm lấn kinh tế và thôn tính Biển Đông của “ người đ/c 4 tốt, 16 chữ vàng” Phương Bắc.
Nga là đồng minh cũ cũng lấy chủ nghĩa dân tộc Nga vĩ đại làm điểm tựa cho mọi cải cách hiện nay và Hoa Kỳ, Châu Âu cùng Nhật, Hàn v.v… đến với ta không phải vì ta có CNXH hay Mác- lê !
Chính vì nằm giữa những giao thoa
ảnh hưởng kinh tế, chính trị và quân sự của các siêu cường thế giới nên giữ
được vị thế TRUNG LẬP như một vùng đệm hòa bình là vị thế tốt nhất mà nước ta
cần hướng đến. Bài học gần đây của Ucraina cần được Việt Nam mổ xẻ kỹ lưỡng và
rút ra những kết luận thực tế.
Mâu thuẫn kinh tế, chính trị và quân sự giữa Hoa Kỳ- Nga- Trung Quốc- Nhật Bản sẽ gia tăng trong tương lai không xa khi mà vai trò của TQ và Nga ngày một gia tăng đòi hỏi phải vẽ lại bản đồ thế giới và sửa lại Luật chơi quốc tế. Việt Nam phải tránh những hiểm họa của những cú va chạm “ trâu bò húc nhau” này và cố gắng đóng vai trò trung lập của người kiến tạo hòa bình.
III. Phải dựa vào nhân dân yêu nước của mình mà làm cuộc Đổi mới 2 nhằm phục hưng dân tộc
Đã có nhiều ý kiến tâm huyết đầy trí tuệ của nhiều đảng viên và quần chúng đóng góp nhằm thúc đẩy dân chủ, xây dựng kinh tế, quốc phòng, văn hóa- xã hội trong thời kỳ mới. Tuy nhiên những tiếng nói đó dường như đang rơi vào hư không. Có ý kiến cho rằng trí tuệ và bản lĩnh chính trị của lãnh đạo ngày nay kém các thế hệ đàn anh, nhiều ý kiến lại cho rằng họ biết cả nhưng đều bị các nhóm lợi ích (đúng hơn là các nhóm trục lợi) chi phối nên chỉ làm theo chỉ đạo của nhóm lợi ích thôi.
Bên Trung Quốc cũng đang diễn ra tình trạng tương tự mà nhà nghiên cứu Lý Thành đã tổng kết thành 3 xu hướng chính :
- Đảng yếu nhưng các phe phái mạnh
- Chính phủ yếu nhưng các nhóm lợi ích mạnh
- Đảng yếu (một cách tương đối) nếu so với sự lớn mạnh về mọi mặt của đất nước và trình độ dân trí tăng cao.[6]
Từ đây có thể rút ra được kết luận
rằng vai trò của nhân dân trong một xã hội ngày một giàu có, phát triển và đòi
hỏi cao về dân chủ đang ngày một gia tăng. Do vậy, đường lối thông minh và nhìn
xa phải là phát triển dân chủ để động viên sức mạnh toàn dân, qua đó giữ được
ổn định xã hội, tạo phồn vinh và chiếm được lòng tin vào vai trò lãnh đạo của
đảng cầm quyền.
Có lẽ đó sẽ là tiền đề cho công cuộc Đổi mới 2.
Hành động ngược lại, e rằng hậu quả sẽ rất xấu.
Thăng long- HN 19/3/2014
Phạm Gia Minh
[1] http://www.tinmoi.vn/lienquan/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tham-va-lam-viec-tai-vinh-phuc-1221133.html
Rất chính xác: XH dân sự là bước đệm..........Trung lập là nền tảng của công cuộc cải cách chính trị không bạo lực. Thời cơ dân tộc đã điểm.
Trả lờiXóaCảm ơn tác giả bài viết tâm huyết! Tiếc thay-lại ném đá ao bèo mà thôi!
Trả lờiXóaĐọc hết bài viết, tôi cảm phục tấm lòng của tác giả đối với dân và nước.... Nhưng viết để mà viết, đọc để mà đọc. Xem các hình ảnh trên Blog Tễu cảnh người dân Dương Nội bị đàn áp dã man và công khai, nhưng nào có thấy một lãnh đạo cao cấp như TBT,CT Nước hay TT chẳng hạn lên tiếng.... thì làm sao mong ngày mai tươi sáng được hỡi ông Phạm Gia Minh.
Trả lờiXóaÔi ! Mơ ước tầm thường đơn giản nhất.
Mà ngày nay ! sao khó quá em ơi ? (thơ Giang Nam cũng xin gởi lại cho ông Giang Nam)
Tầng lớp chóp bu hiện tại đang lo chỗ ấm cho tầng lớp kế thừa để còn yên ổn hưởng thụ khi rút vào hậu trường. Ngoài ra những công việc khác chỉ là phụ và là thủ tục chờ ngày chuyển giao . Nguyện vọng của TS Phạm Gia Minh cũng là nguyện vọng của đa số NDVN , nhất là trí thức , nhưng lúc này chắc chẳng có trong lộ trình làm việc của BCT ĐCSVN !
Trả lờiXóaXin cám ơn TS P G Minh đã lên tiếng !
Bài viết rất sâu sắc và tâm huyết nhưng đàn gẩy tai trâu thôi bác Minh ạ.
Trả lờiXóaBài viết của bác Minh thật sâu sắc, chí tình, hướng về Dân, về nước. Nhưng buồn một nỗi: Đàn kia lại gảy tai trâu...Nếu các nhà lãnh đạo chóp bu biết đọc, biết suy ngẫm và hành động thì đã không có tiếng súng Đoàn văn Vươn, tiếng kêu Văn Giang, tiếng rên khỏa thân giữ đất Cần Thơ, tiếng thét Dương Nội...Ôi! Buồn thay, buồn thay...
Trả lờiXóaỞ khía cạnh khác, bác M đã thể hiện một chút lòng tin còn sót lại với niềm hy vọng mong manh... Xin bác hãy vững tin, nhưng với điều kiện hãy dành niềm tin ấy cho Dân và cho những người Thiện tri thức, những người không nằm trong nhóm lợi ích nào nhưng sẵn sàng dành hết tâm lực vì nước, vì dân.