Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

GIỚI THIỆU DI SẢN SÁCH TOÁN TRONG THƯ TỊCH HÁN NÔM


Thông báo Hán Nôm học năm 2013
 
 GIỚI THIỆU DI SẢN SÁCH TOÁN TRONG THƯ TỊCH HÁN NÔM
Nguyễn Xuân Diện (Viện nghiên cứu Hán Nôm)*
Tạ Duy Phượng (Viện Toán học)**
Dựa trên các tư liệu trong mảng sách toán Hán Nôm và các bài nghiên cứu về sách toán Hán Nôm, bài viết trình bày một số suy nghĩ về nghiên cứu mảng sách toán viết bằng chữ Hán và chữ Nôm của Việt Nam. 
1 Tổng quan về mảng sách toán Hán Nôm Việt Nam
Mục này sơ lược giới thiệu mảng sách toán Hán Nôm Việt Nam.
Theo tra cứu của chúng tôi, sách toán Hán Nôm (sách toán viết bằng chữ Hán và chữ Nôm) chủ yếu nằm trong Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, gồm 18 cuốn (xem [3], [2b]). Số sách này đã được thống kê trong [20]. Trong thư viện Quốc gia Việt Nam có bốn cuốn sách toán Hán Nôm, trong đó có ba cuốn đã được số hóa (xem [3]). Tổng số sách toán Hán Nôm trong hai thư viện nói trên, là 22 cuốn, trong đó có 13 cuốn viết bằng chữ Hán, 9 cuốn có cả chữ Hán và chữ Nôm (xem, [3], [2b]). 
Trong thư viện Paris cũng có một số sách Hán Nôm. Một số sách Hán Nôm đã được sao chép thành microphim và lưu trữ tại thư viện Paris và thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm (xem [20]).
Năm 1938, nhà nghiên cứu lịch sử toán học và khoa học tự nhiên người Trung Quốc Zhang Yong (1911-1939) đã phát hiện mảng sách toán Hán Nôm trong kho sách của Viện Viễn đông bác cổ. Tuy nhiên, Ông mất năm 1939 và không kịp để lại những nghiên cứu về các sách này, ngoại trừ một bài báo về lịch sử thiên văn Việt Nam ([25], 1940). Năm 1954, Li Yan [14] đã thống kê các sách toán Hán Nôm mang về từ Việt Nam bởi Zhang Yong. Số sách này (8 quyển) hiện đang được lưu trữ trong thư viện của Viện nghiên cứu lịch sử khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Zhang Yong đã mua những cuốn sách này hay chép lại từ các cuốn sách đã có trong kho sách của Viễn đông bác cổ (xem [3b]). Dựa trên tư liệu này, Han Qi [7] đã viết một bài báo về quan hệ giữa toán và thiên văn Việt Nam với toán và thiên văn Trung Hoa.
Có lẽ người đầu tiên quan tâm đến nghiên cứu và giảng dạy toán học ở Việt Nam là nhà toán học Nhật Bản Mikami Yoshio (1875-1950). Dựa trên cuốn Chỉ minh toán pháp do nhà dân tộc học Nobuhiro Matsumoto mang về từ Việt Nam năm 1933, Mikami Yoshio đã viết một bài báo tiếng Nhật ([16], 1934) với tiêu đề Về một tác phẩm toán của Annam, phân tích nội dung Chỉ minh toán pháp. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Chỉ minh toán pháp mà Mikami Yoshio nghiên cứu có đúng là cuốn Chỉ minh lập thành toán pháp của Phan Huy Khuông ([12], 1820) hay không (xem [1b]). Cuốn Chỉ minh toán pháp mà Mikami Yoshio nghiên cứu có lẽ vẫn còn được lưu giữ ở Nhật Bản.
Chúng tôi tin chắc chắn rằng, vẫn còn một số sách Hán Nôm trong thư viện Hoàng Xuân Hãn tại Paris mà chúng tôi chưa có điều kiện tìm hiểu. Chúng tôi cũng hi vọng còn một số tư liệu Hán Nôm hoặc tư liệu của người nước ngoài vào thế kỉ XVII-XX liên quan đến mảng sách toán Hán Nôm tại Việt Nam và ở nước ngoài vẫn còn chưa được biết đến và khai thác.
2 Một số tồn nghi về văn bản sách toán Hán Nôm
Các sử gia Việt Nam thường ít quan tâm ghi chép về các tác phẩm toán hoặc các kì thi toán, vì vậy tư liệu thường thiếu, sơ sài, nhiều khi mâu thuẫn và nhầm lẫn. Ngay cả những nghiên cứu gần đây cũng có nhiều điểm còn cần hiệu chỉnh thêm. Dưới đây là một số minh họa.
1)  Về bản dịch cuốn sách Un voyage au Tonkin en 1688 của W. Dampier.
W. Dampier có lẽ người nước ngoài đầu tiên nhắc tới toán học Việt Nam. Theo bản dịch của Trường Đại học Tổng hợp (xem [19]): “Người Annam rất giỏi số học, hình học và thiên văn học”. Gần đây, tác phẩm của W. Dampier đã được Hoàng Anh Tuấn dịch lại, theo chúng tôi là chính xác hơn: “Họ rất chú ý tới toán học, có vẻ có hiểu biết chút ít về hình học và số học và hiểu biết về thiên văn học nhiều hơn. Họ có lịch pháp riêng nhưng tôi không rõ là chúng được làm tại đàng ngoài hay được đưa từ Trung Quốc sang” ([2], trang 80-81).
2) Ai là tác giả của Toán pháp đại thành?
Theo Nam sử tập biên ([13], viết năm 1724) của Vũ Văn Lập thì Lương Thế Vinh đã soạn Cửu chương toán pháp, còn Vũ Hữu soạn Lập thành toán pháp. Theo Vũ Phương Đề trong Công dư tiệp chí ([5], viết năm 1755) thì Vũ Hữu đã soạn Đại thành toán pháp và sử dụng để dạy phép đo ruộng. Theo Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí ([1], Quyển 7) thì Vũ Quỳnh đã soạn định Đại thành toán pháp gồm hai quyển. Tuy nhiên, cả trong Công dư tiệp chí [5] và trong Mộ Trạch Vũ tộc bát phái phả [17] đều không nhắc tới việc Vũ Quỳnh biên soạn Đại thành toán pháp. Hơn nữa, cấu trúc của Toán pháp đại thành hiện có trong thư viện Hán Nôm [22] khó có thể chia làm hai quyển được. Vì vậy, Đại thành toán pháp của Vũ Quỳnh nếu có thì chắc chắn khác với Toán pháp đại thành [22] hiện có (xem [8b]).
Trong Thi toán đời xưa [8], Hoàng Xuân Hãn có nhắc tới cuốn Đại Thành Toán pháp của Lương Thế Vinh,  in thời Vĩnh Thịnh (1705-1719). Chưa rõ Ông đã khai thác tư liệu này từ đâu. Rất tiếc bản in này đến nay chắc đã mất (không có trong thư viện Hán Nôm).
Ngoài A. Volkov, nhiều tác giả trong và ngoài nước cũng đề cập tới nguồn gốc của Đại thành toán pháp (xem [6], [11], [15]).
A. Volkov [8b] có lẽ có lí khi viết: “One can conclude that the Dai thanh toan phap was written by Vu Huu and edited by Luong The Vinh”.
3) Về nghiên cứu ma phương của Nguyễn Hữu Thận.
Trong [9], Hoàng Xuân Hãn đã giới thiệu nhà thiên văn và nhà toán học Nguyễn Hữu Thận: ”Hữu Thận thật là một người nước ta, trước thời Pháp thuộc, có trình độ toán học khá cao. Ta biết vậy, qua không những áp dụng phép lịch Hiệp Kỷ, mà còn qua một toán thư của y để lại: Úc trai toán kinh. Chỉ tiếc rằng Nguyễn Hữu Thận đã không gây sự nghiệp truyền bá toán học ở nước ta như Từ Quang Khải ở Trung Quốc, tuy rằng phong thái và phẩm chất hai người ngang nhau.” Trong [10], Hoàng Xuân Hãn cũng viết về cách lập ma phương: “Ở nước ta, thời Nguyễn sơ cũng có ông Nguyễn-Hữu-Thận bàn tới”, “…tôi theo ông Nguyễn-Hữu-Thận (đời gia-long) vạch hai đường chéo góc;…”. Theo tìm hiểu sơ bộ của chúng tôi, Ý trai toán pháp nhất đắc lục [21] trong thư viện Hán Nôm không có nói đến ma phương. Trong các nghiên cứu của A. Volkov, xem, thí dụ [11b], khi trích dẫn Ý trai toán pháp nhất đắc lục, A. Volkov cũng không nhắc tới ma phương. Như vậy, Úc trai toán kinh mà học giả Hoàng Xuân Hãn giới thiệu là khác với cuốn Ý trai toán pháp nhất đắc lục [21] trong thư viện Hán Nôm. Tiếc rằng Úc trai toán kinh có lẽ đã bị thất lạc (không có trong thư viện Hán Nôm).
3 Sơ lược giới thiệu nội dung các sách toán Hán Nôm
Về nội dung toán học trong các sách Hán Nôm, có lẽ cần một bài viết riêng. Cách đây 40 năm, nhà nghiên cứu lịch sử Tạ Ngọc Liễn [19] đã phân tích mối quan hệ giữa toán học và đời sống. Nội dung toán học của sách Hán-Nôm cũng thể hiện mối quan hệ này và chủ yếu gồm các vấn đề sau (xem thêm [3], [20]):
1)  Con số và bốn phép toán số học (cộng, trừ, nhân, chia). Sử dụng bàn tính, phép cửu chương, cửu qui.
2)   Hình học và ứng dụng: Hình hộp, hình lập phương, khối đa giác, hình trụ; Định lí Pitago (câu cổ pháp) và ứng dụng; Tính chu vi và diện tích các hình phẳng (hình đa giác, hình tròn, hình bán nguyệt, hình sừng trâu,...) và diện tích các thửa ruộng; Đo chiều dài, chiều rộng, chiều cao của cây, mực nước và chiều sâu của sông hồ; Tính diện tích ruộng đất và sản lượng; Tính thể tích các vật (lập phương pháp): đống đất, kho thóc, đắp đê, đào sông; Đo và tính diện tích theo phương pháp trừ 9.
3)  Các bài toán đố: Các bài toán đố trong các sách Hán-Nôm thường được viết dưới dạng các bài ca nôm, cho dễ thuộc, dễ nhớ và hấp dẫn người học, người đọc hơn. Đây là một điểm đặc biệt của sách toán Việt Nam, có sự kết hợp hài hòa giữa toán học và văn học.
4) Phép bình phương; Phép lập phương; Phép khai phương; Sai phân pháp.
5) Các đơn vị cân, đo lường, đơn vị tiền tệ: Tính cân lạng và áp dụng trong pha chế vàng bạc; Tính khối lượng vật thể và đo tải trọng thuyền; Giới thiệu các đơn vị đo bằng thước, bộ (bước chân) từ thời Hoàng đế, Hạ Thương Chu đến Hán, Đường, Tống của Trung Quốc.
6) Toán học trong xây dựng: Cách lấy mẫu cột nhà, xà nhà, nóc nhà... Hình vẽ các loại mẫu nóc nhà, xà nhà; Tính thủy triều và thiên văn.
7) Sách luyện thi toán và giáo khoa toán cho trẻ em (cùng với các môn khác).
8) Các qui định của triều Nguyễn về cách tính thuế khóa, ruộng đất, thóc gạo, lương bổng.
4 Đôi điều suy nghĩ
1)  Sự cần thiết của nghiên cứu mảng sách toán Hán Nôm nói riêng, mảng sách khoa học công nghệ viết bằng chữ Hán và chữ Nôm nói chung, đã được nêu ra cách đây 40 năm (xem [19]), thậm chí 70 năm (xem [8], [9]). Những khó khăn khi nghiên cứu mảng sách này cũng đã được đề cập đến từ 70 năm trước trong [8], [9]. Tuy nhiên, sự thành công và thành danh của A. Volkov là điều đáng khích lệ trong hướng nghiên cứu này. Có thể nói, dưới góc độ của một nhà nghiên cứu lịch sử khoa học, toán học và giảng dạy toán học,  A. Volkov đã “càn quét” khá nhiều vấn đề cơ bản trong nghiên cứu mảng sách toán Hán Nôm. Ông đã được mời làm báo cáo mời ở nhiều Hội nghị Quốc tế và viết những bài tổng quan về toán truyền thống Việt Nam trong các sách từ điển toán và các sách chuyên khảo về lịch sử toán (xem [1b]-[11b] và [4]). Tạp chí Zentralblatt [24] đã đánh giá bài viết [8b] như sau: “This well-researched work of the author is a valuable addition to the history of mathematics”. Yukio Ãhashi [23] viết: “In 2002, Alexei Volkov published a paper on the Toan- phap dai- thanh. I think that this is a monumental paper on the history of mathematics in Vietnam”. Tuy nhiên, có thể nói, vẫn còn nhiều vấn đề hay (thơ Nôm trong sách toán, nguồn gốc các bài toán cổ,...) hoặc nhiều câu hỏi thú vị (tác giả Toán pháp đại thành, ma phương của Nguyễn Hữu Thận,...) cần được làm sáng tỏ.
2) Để nghiên cứu mảng sách toán Hán Nôm nói riêng và sách Hán Nôm về khoa học công nghệ nói chung, chắc chắn cần sự hợp tác chặt chẽ và tích cực giữa các nhà nghiên cứu Hán Nôm, các nhà toán học và các nhà khoa học, và các nhà nghiên cứu lịch sử. Hi vọng sự hợp tác nghiên cứu sẽ làm sáng tỏ nhiều câu hỏi trong lĩnh vực này.
3) Để hỗ trợ các nghiên cứu, có lẽ cần hợp tác hướng dẫn chung (giữa các nhà nghiên cứu toán học và các nhà nghiên cứu Hán Nôm) các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh.
4) Cần số hóa và dịch các quyển sách có giá trị về mặt toán học cũng như về mặt lịch sử sang tiếng Việt để mảng sách này được phổ biến rộng rãi và thu hút sự chú ý nghiên cứu hơn.
Một số vấn đề có lẽ nên được quan tâm trước mắt trong nghiên cứu mảng sách toán Hán Nôm:
Vấn đề 1) Sưu tầm và thống kê đầy đủ hơn mảng sách toán Hán Nôm Việt Nam. Thí dụ, tìm hai quyển Toán pháp đại thành in năm Vĩnh Thịnh và Úc trai toán kinh; so sánh nội dung 8 cuốn sách ở thư viện Viện nghiên cứu lịch sử khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc; các sách toán trong thư viện Paris và Chỉ minh toán pháp ở Nhật Bản với nội dung 22 cuốn sách Hán Nôm hiện có ở Việt Nam. 
P2) Nghiên cứu sâu hơn nội dung dạy, học và thi toán ở Việt Nam, tham chiếu với hệ thống thi toán Trung Quốc (tham chiếu với nghiên cứu của A. Volkov).
P3) Phương pháp giảng dạy toán học. Quan hệ giữa các sách toán Việt Nam và các sách toán Trung Quốc. Những sáng tạo của người Việt khi tiếp thu toán học Trung Quốc (tham chiếu với sách toán Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên)
P5) Công cụ tính toán: bàn tính “made in Vietnam”?
P6) Nghiên cứu và phát hiện các kiến thức toán học, khoa học và công nghệ của người Việt dựa trên những di sản văn hóa và công nghệ (trống đồng, đồ gốm, chế tạo vũ khí và tàu thuyền, thiên văn và lịch pháp,...). Đây chắc chắn là một hướng đi có nhiều khó khăn nhưng khá thú vị...
5. Tài liệu trích dẫn
A. Tài liệu chung
[1]  Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Nhà xuất bản Giáo dục, 2005.
[2] W. Dampier, “Un voyage au Tonkin en 1688”, Revue Indochinoise, No 9, Sept. 1909; Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688 (Người dịch: Hoàng Anh Tuấn), Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2005, 2007.
[3] Nguyễn Xuân Diện, Tạ Duy Phượng, “Sơ lược giới thiệu di sản sách toán trong thư tịch Hán Nôm”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Các chuyên đề toán chọn lọc theo xu hướng Hội nhập Quốc tế (Nguyễn Văn Mậu, Nguyễn Văn Tuấn chủ biên), Nam Định, 5-6 tháng 10, 2013, trang 96-117. 
[4] Nguyễn Xuân Diện, Tạ Duy Phượng, “Tổng quan những tài liệu giới thiệu và nghiên cứu sách toán Hán Nôm”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Các chuyên đề toán chọn lọc bồi dưỡng học sinh giỏi Trung học Cơ sở (Nguyễn Văn Mậu, Đỗ Văn Oai chủ biên), Hà Giang, 22-25 tháng 11, 2013, trang 46-52.  
[5] Vũ Phương Đề, Công dư tiệp kí, Nhà xuất bản Văn học (Đoàn Thăng dịch), Hà Nội, 2001.
[6] Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1990.
[7] Han Qi (韩琦), Trung Việt lịch sử thượng thiên văn học dữ số học đích giao lưu (中越历史上天文学与数学的交流), China Historical Material of Sciences and Technology (中国科技史料), số 2 năm 1991, trang 3-8.
[8] Hoàng Xuân Hãn “Thi Toán đời xưa”, Báo  Khoa- Học, số 13, 14  tháng 1, 2 năm 1943, trang 207- 215.
[9] Hoàng Xuân Hãn, Lịch và lịch Việt Nam, Tập san Khoa học Xã hội, Tập 9, 1982, Paris, 145 trang.
[10] Hoàng Xuân Hãn, Ma phương, Báo Khoa học, Số 16+17, tháng 4. 1943.
[11] Huard Pierre et Durand Maurice, “L’a science au Vietnam”, Bulletin de la Société des  é tudes indochinoises, 38 (1963), 531-558.
[12] Phan Huy Khuông, Chỉ minh lập thành toán pháp, Danh mục sách của thư viện Hán Nôm: 433, Mã hiệu thư viện Hán Nôm: VHv 1185.
[13] Vũ Văn Lập, Nam sử tập biên, Danh mục sách của thư viện Hán Nôm: 2282, Mã hiệu thư viện Hán Nôm: VHv 1588; A.12/1-3, PARIS. EFEO.MF.II/4/507.
[14] Li Yan “The heritage of Mr. Zhang Yong’s work on the restoration of the history of Chinese mathematics” in Li Yan Collected papers on the history of Chinese mathematics, vol.1, Taibei, 1954, 135-146.
[15] Martzloff, Jean-Claude, A history of Chinese mathematics, Springer, 1997.
[16] Mikami Yoshio, “On the mathematical book from Annam”, School mathematics, 14 (1934), 3-11.
[17] Mộ Trạch Vũ tộc bát phái phả, 譜, Danh mục sách của thư viện Hán Nôm: 2187, Mã hiệu thư viện Hán Nôm: A.660; MF.1607. 
[18] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư, Nhà xuất bản Thời đại, Hà Nội, 2011.
[19] Tạ Ngọc Liễn, “Vài nét về toán học ở nước ta thời xưa”, trong Tìm hiểu khoa học kỹ thuật trong lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1979, 289-314.
[20] Trần Nghĩa, Gros François (chủ biên), Di sản Hán Nôm Việt Nam – Thư mục đề yếu (3 tập), Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.
[21] Nguyễn Hữu Thận, Ý trai toán pháp nhất đắc lực 意齋算法一得錄,
Số thứ tự trong Danh mục sách của thư viện Hán Nôm: 4505.
[22] Lương Thế Vinh 梁世榮, Toán pháp đại thành 算法大成,
Số thứ tự trong Danh mục sách của thư viện Hán Nôm: 3792.                          
Mã hiệu thư viện Hán Nôm: A.2931; Vhv.1152.
[23] Yukio Ãhashi, “Astronomy in Mailand Southeast Asia”, in Encyclopaedia of the History of Non-Western Science: Natural Science, Technology and Medicine, 2nd Edition, Springer-Verlag,  Heidelberg, 2008.
[24] Zentralblatt MATH Database 1931-1913, Zbl 1030.01009.
[25] Zhang Yong, “Sur la concordance des dates néoméniques du calendrier annamite et du calendrier de 1759 à 1886”, Meridio-occidentale sinense, 1 (1940), 25-35.
B. Một số bài báo và báo cáo tại các Hội nghị khoa học của Alexei Volkov
[1b] “An Early Japanese Work on Chinese Mathematics in Vietnam: Mikami Yoshio’s Study of the Vietnamese Mathematical Treatise Chi minh toan phap 指明算法”. In Eberhard Knobloch, Hikosaburo Komatsu, Dun Liu (eds.), Seki, Founder of Modern Mathematics in Japan, A Commemoration on His Tercentenary, Springer Proceedings in Mathematics & Statistics, Vol. 39, Springer Japan, 2013, pp. 149-172.
[2b] “Argumentation for State Examinations: Demonstration in traditional Chinese and Vietnamese Mathematics”, in K Chemla editor, History and historiography of mathematical proof in ancient traditions, Cambridge University Press, 2012, pp. 509-551.
[3b] “Mathematics and Mathematics Education in Traditional Vietnam”,  Oxford Handbook of the History of Mathematics, edited by E.Robson and J.Stedall, Oxford University Press, 2009, pp. 153-176.
[4b] “Mathematics in Vietnam”. In H. Selin (ed.), Encyclopaedia of the History of Non-Western Science: Natural Science, Technology and Medicine, Heidelberg: Springer-Verlag, 2nd Edition, 2008, pp. 1425-1432.
[5b] “Traditional Vietnamese Astronomy in Accounts of Jesuit Missionaries”, in Luis Saraiva and Catherine Jami (eds.), History of mathematical sciences, Portugal and East Asia III: The Jesuits, the Padroado and East Asian Science (1552-1773), World Scientific, Singapore, 2008, pp. 161-185.
[6b] “State mathematics education in traditional China and Vietnam: formation of the “mathematical hagiography” of Luong The Vinh (1441-1496?)”, in Trinh Khac Manh and Phan Van Cac (eds.), Nho giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006,  trang 272-309.
[7b] “Traditional Vietnamese Mathematics: The case of  Lương Thế Vinh (1441-1496?) and his treatise Toan phap dai thanh (Great Compendium of Mathematical Methods)”, U Kyi Win (ed.), Traditions of Knowledge in Southeast AsiaYangon: Myanmar Historical Commission, 2005, part 3, pp. 156-177.
[8b] On the origins of  the Toan phap dai thanh (Great Compendium of  Mathematical Methods)”,  in Y. Dold-Samplonius, J.W. Dauben, M.Folkerts, B. van Dallen (eds.), From China to Paris: 2000 years transmission of mathematical ideas, Franz Steiner Verlag, Stuttgart, 2002, pp. 369-410.
[9b] “History of  ideas or history of textbooks: Mathematics and mathematics education in traditional China and Vietnam”. In Wann-Sheng Horng et al. (eds.), Proceedings of Asia-Pacific HPM 2004 Conference: History, culture, and mathematics education in the new technology era, May 24-28, 2004, Department of Mathematics Education, National Taichung Teachers College, Taichung, Taiwan, 2004, pp. 57-80. 
[10b] “Mémorisation ou raisonnement?”  [[Mathematics didactics in traditional China and Vietnam:] memorisation or reasoning?] Les genies de la science (special issue of the Pour la Science), November 2005, pp. 24-27.
[11b] “Scholarly treatises or school textbooks mathematical didactics in traditional China and Vietnam”, 12th  International Congress on Mathematical Education Program, 8 July – 15 July, 2012, COEX, Seoul, Korea, pp. 1-9.

 *TS. Nguyễn Xuân Diện (Viện nghiên cứu Hán Nôm) 
**PGS. TS Tạ Duy Phượng (Viện Toán học) 

4 nhận xét :

  1. Thích quá! Cám ơn bác Diện cách riêng và tất cả các nhà khoa học đã có công trình tham gia Hội nghị Thông báo Hán Nôm học 2013 này. Đây đúng là những viên đá nền mà các vị ngày qua ngày cần mẫn xây đắp, để rồi đây những thế hệ sinh viên, học giả tương lai sẽ có chỗ tựa vững chắc để mà vươn xa hơn nữa.

    Toán học nói riêng, cũng như mọi ngành nghệ thuật cũng như khoa học kỹ thuật khác, tôi nghĩ càng lui về thời điểm xa xưa thì chúng ta càng khó tách bạch được đâu là của người Việt, đâu là của người Tàu. Suốt trong thời Bắc thuộc thì nhiều thế hệ nhân tài của đất Việt (cũng như của các sắc dân bị trị khác) phải bị "triều cống" hay bị bắt qua Trung Hoa, phục vụ trong triều đình của họ. Cho nên nói văn minh Đông Á là văn minh chung của các quốc gia/dân tộc trong toàn vùng thì không sai. Dù khu vực này có rộng lớn đi nữa thì phương tiện đi lại giao lưu tương tác đều đã khá dễ dàng ngay từ trước Công nguyên.

    Tuy nhiên, chính trong cái gia tài Đông Á chung đó, nếu kiên nhẫn nghiên cứu thì tôi tin ngày nào đó chúng ta cũng sẽ tìm ra những gì là đặc sắc riêng của dân Việt, cái phần đóng góp độc đáo không dân nào có của người Việt. Và lần theo những đóng góp của cha ông ta vào kho tàng chung Đông Á đó, biết đâu chúng ta tìm lại được những gì là tinh túy nhất trong tâm hồn tiên tổ chúng ta, cái triết lý sống của đoàn dân Việt phương Nam chúng ta.

    Trả lờiXóa
  2. Cứ xem những hình trên mặt trống đồng Đông Sơn thì thấy người Việt cổ rất giỏi toán học. Xem cách luyện đồng, đúc đồng và những sản phẩm bằng đồng thì thấy trình độ vật lí học của người Việt cổ không thua các dân tộc khác trên thế giới . Từ thời vua Hùng , Lang Liêu đã biết làm bánh chưng hình vuông. Vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa, không giỏi toán học và vật lí học, thiên văn học làm sao có thể xây thành hình trôn ốc như thế . Và cái cây nỏ thần của Thục Phán cũng là sản phẩm của toán học và vật lí học . Cây nỏ thần có thể bắn ra một lúc hàng trăm mũi tên tẩm thuốc độc rất chính xác thì quân của Triệu Đà có đông mấy cũng không địch nổi.
    Các lãnh tụ kháng chiến chống quân Tầu đô hộ là những người rất giỏi dùng binh . Dùng binh phải biết điểm binh , biết sử dụng các quân binh chủng như người, ngựa, voi, thuyền và có khi cả không quân là những cánh diều cực lớn. Qua thời tự chủ , Đinh Tiên Hoàng lập kinh đô , xây thành đắp lũy, tổ chức quốc gia có luật pháp rồi những công trình văn hóa, tôn giáo chùa chiền miếu mạo rất qui củ. Thời Lý thì kha học kĩ thuật của Đại Việt khiến quân xâm lược khiếp sợ . các Vua Lý có những đội quân lớn có tổ chức tinh vi, có võ tướng tài, có văn quan giỏi . Vua Lý Thái Tổ khởi đầu công trình xây dựng kinh đô Thăng Long trên qui mô vượt ngoài thành Đại La . Đời Trần, các tướng văn võ toàn tài kể ra rất nhiều, nhất là Trần Hưng Đạo, thông thạo thiên văn địa lí, nắm được qui luật của thời tiết, mực nước lên xuống của các sông ngòi nhất là các sông lớn, đường vận chuyển của những chiến thuyền lớn cho nên ba lần thắng quân Nguyên Mông rất oanh liệt . Không những thế còn tiêu diệt các tướng tài của quân Nguyên Mông, phá tan mộng bá chủ của cha con Hốt tất Liệt . Trân Hưng Đạo là một nhà toán học đại tài, một đại sư phụ của hải quân . Đến cha con Hồ Quí Ly thì toán học VN tiến rất xa . Cha con Hồ Quí Ly đóng được những chiến thuyền lớn sử dụng hàng trăm mái chèo !
    Trong ngôn ngữ dân gian có số đếm từ một tới triệu, cách đo đạc có lí, đạc, thước, tấc , phân , li. Còn chữ số Á rập 1, 2, 3, v.v... thì cả thế giới phải học chứ không riêng gì VN . Cho nên khi chuyển từ chương trình tiếng Pháp sang tiếng Việt thì tiếng Việt đáp ứng được đa số những từ cần thiết trong khoa học kĩ thuật và khoa học xã hội nhân văn . GS Hoàng xuân Hãn có thể nói là người khởi đầu Việt hóa các từ khoa học .
    Tiếc rằng toán học VN chưa được hệ thống hóa, phát triển qui mô để thành một ngành khoa học phổ biến trong chương trình giáo dục quốc dân và trong các kì thi cử chọn nhân tài .

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn các anh.

    Viên.
    Montréal, Canada.

    Trả lờiXóa