Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

Trần Thị Kim Anh: TRAO ĐỔI TIẾP VỀ CỘT ĐÁ CHÙA DẠM

.
Trao đổi tiếp về cột đá chùa Dạm
Trần Thị Kim Anh

Lời dẫn của T- Blog: Bài viết này, tác giả Trần Thị Kim Anh nhằm trao đổi với một độc giả có ý kiến bình luận dưới đây, đăng trên Tễu Blog:

Chị Kim Anh nữ sĩ thân yêu của em. Em tra mãi các từ điển mà chưa ra cái chữ "Phật tràng", chỉ gặp cái chữ là "Kinh tràng / chàng" hoặc "thạch tràng / chàng" mà thôi. Kinh tràng có nghĩa như sau:Nhà Phật viết kinh vào lá cờ dùng làm nghi vệ thì gọi là kinh tràng, khắc vào cột đá thì gọi là thạch tràng. Cũng có khi người ta chú giải: Kinh chàng, cũng được gọi là thạch chàng. Cây cột đá có khắc văn kinh. Thông thường là cột đá hình bát giác khắc kinh Phật đính tôn thắng đà la ni. Phong tục này thịnh hành ở Trung quốc từ khoảng giữa đời Đường đến đời Ngũ đại Liêu Kim. Về sau truyền đến Triều Tiên, Nhật bản. Hiện nay rất nhiều di tích Kinh chàng còn được tìm thấy ở miền Bắc Trung quốc. Đọc "tràng" hay "chàng" thì cũng một chữ mà thôi.

Như vậy, cái khái niệm "Phật tràng" mà chị nói có thể là cách nói tắt "Phật kinh tràng" rồi bỏ chữ "kinh" đi chăng? Hoặc nó là một tạp ngữ / tục ngữ nên từ điển không đưa vào. Bởivậy, ta nên cứ nói là Thạch tràng hoặc Kinh tràng cho nó ổn. Ngày trước, khi thầy Hà Văn Tấn viết bài về mấy Kinh tràng Hoa Lư chúng em cũng đã dị nghị một số điều cần sửa rồi. Hai cái "kinh tràng" tiêu biểu, gần như cùng thời, ở ta là: 1 ở Nhất trụ tự (Hoa lư), 1 ở thôn Cầu Tự (vốn là Cựu tự) ở xã Ngọc xá huyện Quế võ, Bắc ninh. Bao giờ chị em mình lên đó chơi.

Còn cái chuyện cái cột đá chùa Dạm là gì, em mách chị gõ lên mạng mấy chữ Hán " Đăng Tháp - Đồng Tử Tự " thì thấy rõ Lý Nhân Tông đã "kiến Quảng chiếu chi đăng đài, hướng đoan môn chi đình thượng" ở Lãm Sơn như thế nào. Nó cũng là cái Đăng đài quảng chiếu như cái Đăng đài chùa Đồng tử đời Bắc Tề (dựng năm 556, cao 4m có 6 góc) bên Trung quốc thôi. Có điều cái của mình cao đẹp hơn 1 ít. Ông Nguyễn Hùng Vĩ ngày xưa nói trúng rồi đấy. Kính.


1. Cột đá chùa Dạm có phải là Nhiên đăng đài không?

Gần đây, ở bài viết Cột đá chùa Dạm là một Phật chàng đăng trên Blog Nguyễn Xuân Diện, tôi đã cho rằng cột đá này có thể là một Phật chàng - Kinh chàng. Về Phật chàng, một độc giả có ý kiến rằng không biết tại sao lại gọi kinh chàng là Phật chàng?, cũng xin được nói luôn, đây là từ gọi tắt kinh chàng Phật giáo, bởi có cả kinh chàng Đạo giáo khắc Đạo đức kinh. Từ này các nhà nghiên cứu văn hóa Phật giáo TQ có dùng, không có gì lạ.
 
Vừa rồi nhân được đọc bài Về cây cột đá chùa Dạm của Tạ Chí Đại Trường ở trang vietsuky.wordpress.com (Bài nguyên được đăng trên Tạp chí Xưa & Nay số 400, tháng 3/2012), thấy ở phần ý kiến, ông Nguyễn Hùng Vĩ đã viết rất khẳng định và dứt khoát rằng Cột đá chùa Dạm là đăng đài tương tự đăng đài chùa Đồng Tử ở Trung Quốc: “Cũng chân tháp 1 cột, cũng song long hiến châu, cũng đến tòa sen, cũng đến công trình kiến trúc 6 góc để đốt đèn, cũng là công trình bằng đá, cũng cao gần tương tự (cao hơn 4 m).Cái may là ở bên đó chưa phế tích bằng bên ta nên nom còn rõ lắm”.

Trăm nghe không bằng một thấy, để xem cột đá chùa Dạm có phải là đăng đài không tôi đã mò mẫm đi tìm, và xin độc giả cùng xem ảnh dưới:

 Nhiên đăng tháp chùa Đồng Tử khi chưa phục chế.

Nhiên đăng tháp chùa Đồng Tử như trong ảnh giúp ta hiểu, người ta đốt đèn ở bên trong để ảnh sáng tỏa ra từ các cửa, không có treo đèn xung quanh như Nguyễn Hùng Vĩ cho biết. Nếu thu nhỏ cây đèn này lại, ta thấy nó tương tự những cây đèn đá được lắp đặt trang trí trong các vườn cảnh Nhật Bản.

So sánh hai phế tích có thể thấy cột đá chùa Dạm có quy mô khác hẳn, tuy chỉ còn phần cột ở dưới nhưng rõ ràng quy mô của nó đem lại cho người chiêm ngưỡng một cảm giác thiêng liêng tôn kính, không thể đơn thuần chỉ là một cây đèn. Xin xem thêm một nhiên đăng tháp thời Đường nữa để so sánh:

Nhiên đăng tháp (Bột Hải quốc thời Đường - tỉnh Sơn Tây TQ)

Cột đá chùa Dạm không thể là một kiến trúc đơn giản như thế này.

Theo tôi, cột đá chùa Dạm với tầm vóc kiến trúc cùng điêu khắc rồng tinh tế và những lỗ mộng lớn còn lại cho phép người ta hình dung trên đỉnh cột phải là một kiến trúc bề thế uy nghiêm. Đồng thời căn cứ ý kiến (cũng tức là ý tưởng kiến trúc ban đầu của chùa Một Cột) của một vị sư khuyên vua Lý nên dựng cột đá trên đặt đài sen và tượng Phật mà Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi lại; ngoài ra tham khảo thêm ý kiến về Liên hoa đài chùa Một Cột của TS Trần Trọng Dương trong bài Chùa Một Cột không phải là chùa (báo Tia Sáng), tôi vẫn giữ ý kiến về mặt kiến trúc, cột đá chùa Dạm nguyên là một kiến trúc kết hợp gỗ đá, bên trên cột đá là đài sen lớn cùng tượng Phật được làm bằng gỗ sơn son thếp vàng; còn về mặt biểu tượng, xin rút lại ý kiến đây là một Phật chàng mà nghiêng về ý kiến đây là một Liên hoa đài, tương tự Liên hoa đài chùa Diên Hựu (theo ý kiến về Liên hoa đài của TS Trần Trọng Dương).

2. Cột đá chùa Dạm có phải là phế tích của Đăng đài Quảng Chiếu không?

Sau khi khẳng định cột đá chùa Dạm là đăng đài, Nguyễn Hùng Vĩ khẳng định thêm rằng đây là phế tích của Đăng đài Quảng Chiếu được ghi lại trong bia Sùng Thiện Diên Linh. Về điều này, ông viết: “Theo tôi, cuối cùng cột đá chùa Dạm vẫn là phế tích còn lại của Đăng Đài Quảng Chiếu mà Lí Nhân Tông đã dựng lên và mở hội đèn Quảng chiếu ở đó để hoằng dương phật pháp như bia Sùng Thiện Diên linh đã ghi”.

Ở đây tôi không hiểu lắm ý của Nguyễn Hùng Vĩ, bởi đăng đài Quảng chiếu vốn được dựng trước cửa Đoan Môn của Hoàng thành Thăng Long, không phải ở chùa Dạm, sao có thể coi cột đá chùa Dạm là phế tích của đăng đài Quảng Chiếu, hay tác giả có ý nói cột đá chùa Dạm nguyên có kiến trúc tương tự đăng đài Quảng Chiếu ở Thăng Long?.  

Lại nữa, ở trên Nguyễn Hùng Vĩ đã cho rằng cột đá chùa Dạm tương tự đăng đài chùa Đồng Tử, ở dưới lại nói nó là phế tích của đăng đài Quảng Chiếu, Đã là phế tích của đăng đài Quảng chiếu thì sao không dựng lại nó theo hình mẫu đăng đài Quảng Chiếu được miêu tả rất kỹ trong văn bia Sùng Thiện Diên Linh mà lại đi so sánh nó với đăng đài chùa Đồng Tử, vậy thì theo Nguyễn Hùng Vĩ đăng đài Quảng Chiếu cũng giống đăng đài chùa Đồng Tử sao?.

Nếu so với cột đá chùa Dạm thì đăng đài Quảng Chiếu có kiến trúc khác hẳn, bởi đây là một kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ, có thể xoay tròn như kiến trúc Cửu phẩm liên hoa ở thời Lê sau này (điều này chính Nguyễn Hùng Vĩ cũng đã nói tới trong bài viết Tiếp tục quan sát cột đá chùa Dạm đăng trên trang Khoa Văn học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội). Kiến trúc đăng đài Quảng Chiếu qua miêu tả của văn bia Sùng Thiện Diên Linh có thể dựng lại đại để như sau: Đèn được đặt trên đài, là một cây cột lớn được gắn bảy tầng đèn, mỗi tầng đèn gồm những tay đỡ hình rồng uốn cung chìa ra. Mỗi hình rồng đỡ một đóa sen thếp vàng, giữa đóa sen đặt một ngọn đèn lớn, mỗi ngọn đèn được che bằng một chiếc lồng may bằng nhiễu, dưới đài giấu một trục bánh xe để giúp cây đèn lớn này xoay tròn, tỏa ánh sáng rực rỡ như mặt trời.

Với cây đèn này, vào ngày lễ, sư tăng đi vòng quanh vừa tụng kinh vừa đẩy cho đèn xoay tròn tương tự như cách hành lễ ở Cửu phẩm liên hoa. Vậy làm sao cột đá chùa Dạm lại có thể là phế tích của Đăng đài Quảng Chiếu được?

T.T.K.A

2 nhận xét :

  1. Khâm phục tính chân tình, thẳng thắn và đầy thiện cảm của Chị Trần thị Kim Anh !

    Trả lờiXóa
  2. Nếu bảo Liên Hoa Đài thì OK (tôi cũng đồng ý vậy), nhưng bảo đó là mô phỏng của Núi Tu Di như TS Trần Trọng Dương thì tôi cho hơi quá đà.

    Trả lờiXóa