Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

QUAN SÁT CỘT ĐÁ "CHÙA MỘT CỘT" Ở CHÙA DẠM

Nguyễn Hùng Vĩ 

Lời dẫn của tác giả: Bài báo này được tác giả viết cách nay 14 năm và đã in ở Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 10 (184) 1999 (từ trang 102 đến trang 106) với 5 ảnh chụp hiện trạng cột đá lúc đó. Ở chỗ chèn ảnh, bài viết đã bị mất một đoạn trích dẫn các ý kiến của các nhà nghiên cứu đi trước. Nay tác giả đánh máy lại nguyên văn bản in vừa để lưu giữ làm tư liệu cá nhân vừa cung cấp tư liệu cho những ai cần tham khảo. Đến nay, việc tiếp xúc với nhiều tài liệu hơn đã giúp tác giả tiếp tục khẳng định giả thiết về công trình kiến trúc trên cột đá này là hợp lí và đang tiến hành làm các bản vẽ kĩ thuật đối chứng các tài liệu mới.
.
Cột đá chùa Dạm là một di vật quen thuộc đối với giới nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và tôn giáo.. Nhờ giá trị chủ yếu mà từ tháng 1 năm 1964, chùa Dạm được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử-văn hóa của Quốc gia. Thác bản của nó được phục chế với tỉ lệ 1:1 đặt trước mặt Viện Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội. Tính chất hoành tráng nhưng tinh tế của nó đã chinh phục lòng chiêm ngưỡng của chúng ta.

Tất nhiên, cũng như nhiều di vật nổi tiếng, việc nghiên cứu nó để lại nhiều ý kiến khác nhau đặc biệt là về chức năng và tác dụng của ...[Đoạn bị chèn ảnh mất]… Mỹ thuật Lý-Trần, Mỹ thuật Phật giáo của Chu Quang Trứ, nhà nghiên cứu mỹ thuật có nhắc tới cột đá nổi tiếng này. Trong khoa học, ý kiến khác nhau là chuyện thường tình. Người viết bài này sở dĩ gọi nó một cách quyết đoán là “Cột đá chùa Một Cột” là vì sau khi đọc những trong cuốn sách đang có uy tín này của ông. PGS Chu Quang Trứ ở bài Trông về chùa Dạm viết: “Có người cho cột đá chùa Dạm phải đỡ một tấm kiến trúc ở trên đỉnh nó, như kiểu chùa Một Cột (Hà Nội). Nhưng quan sát kĩ, ta thấy những cái hốc quanh đầu cột rải ra không đều, chỗ thì quá mau, chỗ lại quá thưa, tất cả 6 lỗ mà có tới một phần ba vòng thân cột không có lỗ nào. Dầu cho có một trí tưởng tượng đến mức cao độ cũng khó có thể vẽ nên một kiểu nhà xây trên cột này được”.

Để bài viết nhanh đi đến kết thúc, tôi có thể nói ngay rằng ý kiến của PGS Chu Quang Trứ là hoàn toàn sai. Lí do của sự sai là do ông chưa quan sát kĩ mà thôi. Có lẽ ông ngắm trực tiếp cột đá, nhưng khi nghiên cứu ông chỉ dựa vào ảnh chụp và đặc biệt dựa vào thác bản ở Bảo tàng Mỹ thuật, mà theo tôi phần ngọn cột đá được các nhà phục chế làm rất chi là cẩu thả nên sai trầm trọng nhiều chi tiết.

1. Những số liệu đo được:

Ngày 23 tháng 9 năm 1999, được sự giúp đỡ của PGS Đặng Văn Lung (Viện Văn học) và hai sinh viên chuyên ngành Hán Nôm (Khoa Văn học, Trường Đại học KHXH &NV) tôi đã tiến hành khảo sát và đo đạc trực tiếp cột đã này. Dầu đã qua non ngàn năm gội nắng mưa sấm sét nhưng những gì còn lại là có thể đo được tương đối chính xác. Trụ đá vẫn đứng thẳng trơ gan cùng tuế nguyệt tuy có bị sứt gãy một số chỗ.

Trước hết là dáng thẳng đứng của cột vẫn hoàn toàn bảo đảm khi ngắm các góc băng dây dọi. ta dễ dàng nhận ra mặt tiền của công trình nhờ đôi rồng chầu mặt trời trên phần trụ tròn. Hướng mặt của trụ là hướng tây (hơi chếch nam 5-7 độ) và có thể gọi là chính tây.

Từ mặt nền trở lên, trụ đá được chia làm bốn phần tương đương.

Phần dưới cùng là một khối hộp vuông mỗi bên có cạnh ngang là 1m65 (165cm) và 1m55 (155cm). Hộp có chiều cao từ mặt nền là 1m07 (107cm).

Phần trên tiếp theo gồm hai giật cấp liên tục từ khối vuông sang khối tròn bằng cách chem. các cạnh vuông đứng. Phần giật cấp một cao gần 0,70m (70cm). Phần giật cấp hai, vát sâu hơn để tạo khối gần thành trụ tròn, cao khoảng 0,30m (30cm). (Vì khi chém vát, có độ nghiêng nên khá khó đo, tuy nhiên, chịu khó thì vẫn đo được). Tổng cộng chiều cao cả hai giật cấp là khoảng 1,01m (101cm).

Phần trụ tròn có trang trí đôi rồng chầu mặt trời, lượn thoăn thoắt quấn quanh cột và phần đuôi ngoắc vào nhau xoắn xuýt, uyên chuyển, có chiều cao 1m07 (107cm).

Hiện trạng, phần phù điêu này ở mặt bắc bị hư hại nặng, còn ở mặt nam vỡ một ít. Phần còn lại hầu như nguyên vẹn. Giới hạn trên cùng của phần này là hai đường chân chỉ nổi song song còn thấy được ở mặt sau trụ. Bằng nhiều lần đo phần tròn của chu vi, phần thu vào so với khối vuông, chúng tôi qua tính toán gần đúng và ước lượng phần trụ tròn này có đường kính hơn 1,30 (130cm) mội ít. Và sau này chúng ta sẽ biết, nó trong điều kiện tròn tuyệt đối sẽ có đường kính chính xác là 1,347m (134,7cm).

Phần mà chúng tôi đặc biệt quan tâm là phận ngọn của trụ đá, nơi bắt đầu xuất hiện các lỗ dầm để tạo kết cấu đỡ công trình chùa. Trong tình trạng hiện nay, phần ngọn bị hư hại khá nặng. Chúng ta có thể nhìn thấy những vết vỡ lớn mà theo nhân dân truyền lại là do sét đánh. Quan sát trực tiếp, chúng tôi cho rằng các vết vỡ thư nhất là do công trình bị sập trong một thời gian nào đó và đồng thời do con người có thể đập nó. Hầu như trên đó, không để lại dấu vết lạ nào chứng tỏ sét đánh trực tiếp vào đầu cột đá này (dấu vết nóng chảy của cát chẳng hạn). Đồng thời mặt ngoài của nó không có trang trí. Tuy bị hư hại nhưng dấu vết gia công con lại của con người trên đó còn để cho ta có thể nghiên cứu khá mạch lạc nó với tư cách là một trụ đỡ công trình chùa Một Cột.

Trước hết, các lỗ ngoàm chính (6 lỗ). Phải nói ngay rằng các lỗ ngoàm này hoàn toàn nằm trên một mặt phẳng song song với mặt phẳng nền. Không có cái cao cái thấp như ở bảng phục chế nói trên. Chúng tôi lần lượt đo số liệu các lỗ ngoàm này. Để tiện chúng tôi đánh số từ lỗ 1 đến lỗ 6 theo chiều ngược chiều kim đồng hồ và lấy lỗ bên phải mặt chính diện (mặt tây) nhìn từ tâm cột ra làm lỗ 1.

Lỗ 1: Mặt ngoài trụ còn nguyên dấu, cong khá đều, lỗ hầu như còn nguyên vẹn. Số đo được là: chiều ngang miệng lỗ 16,5cm; chiều cao lỗ 30cm, chiều sâu mặt lỗ ngoàm chịu lực: 30cm, góc mặt (cạnh huyền) tối thiểu 24 độ (nếu mặt dài thẳng đứng).

Lỗ 2: Mặt ngoài trụ có phần gia công và có phần tự nhiên (dựa theo mép trên lỗ cột ta thấy rõ điều đó), lỗ còn nguyên vẹn. Số đo được là: chiều ngang miệng lỗ 16,6cm, chiều sâu chịu lực mặt lỗ (mặt dưới): 14cm. Chiều cao tối đa 30cm. Vì mặt đá có lẹm không tính được góc nghiêng tối thiểu. (Nếu có đủ dụng cụ đo vẫn có thể tính được), lỗ 1 và lỗ 2 nằm ở mặt chính diện (mặt tây).

Lỗ 3: Nằm trên đường sinh chia đôi mặt phía nam trụ. Mặt trụ từ lỗ 2 đến lỗ 3 hơi gồ hình trán trâu, có thể bởi các lõi cát kết cứng, khó gia công. Mặt ngoàm dưới và mặt trụ xung quanh bị sứt mẻ. Ngắm cái cách sứt vỡ ở mặt này, đối chiếu với dấu vết hư hại một cách khéo léo của mặt đối xứng, chúng ta đoán chắc được chiều đổ sập của ngôi chùa dựng trên đó. Lỗ này vẫn cho ta các số đo: chiều ngang: 15,5cm, chiều sâu còn lại 4cm, chiều cao: 28cm.

Lỗ 4: Nằm ở bên phải mặt đông cũng là mặt sau của công trình. Lỗ còn nguyên vẹn nằm trên mặt trụ còn khá nguyên và còn dấu vết gia công mài phẳng. Các số đo như sau: rộng 16,0cm, sâu: 16,0cm, chiều cao 34cm, góc chéo (cạnh huyền) vào: tối thiểu 250 (giả thiết mặt trụ thẳng đứng).

Lỗ 5: Nằm ở bên trái mặt đông. Phần trên lỗ bị vát do sứt mẻ. Các số đo là: chiều rộng: 16,5cm, chiều sâu: 12cm, chiều cao: 30cm. Vì sứt mẻ nên không tính góc nghiêng.

Lỗ 6: Nằm trên đường sinh chia đôi mặt phía bắc trụ (đối xứng với 3). Phần mặt này bị hư hại nặng. Chúng tôi cho rằng đây là phía mà công trình đã sập xuống. Số đo còn lại như sau: chiều rộng 16cm, chiều sâu 17cm, chiều cao còn lại 17cm.

Đó là 6 lỗ ngoàm chính, phản ánh 6 dầm đỡ chéo công trình, đầu dưới cắm vào trụ, đầu trên đỡ các dầm ngang chịu lực như ta thấy ở phục chế chùa Một Cột hiện nay ở Hà Nội. Trên phần ngọn này của trụ ta còn gặp các loại lỗ khác hết sức thú vị (rất tiếc là ở bản phục chế, điều này được thể hiện một cách ví dụ mà thôi, nên vừa quá sót lại vừa sai).

Trước hết là trên toàn bộ phần ngọn, chúng tôi thấy có tất cả 8 lỗ nhỏ hình chữ nhật khá đồng dạng, với kích thước là 5cm và 6cm x 4cm. Lỗ sâu nhất là 8cm và lỗ cao nhất là 4cm. Mặc dù không phân bố đều trên tất cả các mặt nhưng trên mỗi mặt, vị trí lỗ (7/8) đều có một tương tác cân bằng nào đó với các lỗ dầm. Mặt chính (tây) có một lỗ cân giữa hai lỗ dầm và cùng cao độ mặt lỗ dầm chịu lực (mặt dưới). Giữa lỗ dầm 2 và lỗ dầm 3 không có lỗ nhỏ. Giữa lỗ dầm 3 và lỗ dầm 4 có một lỗ nhỏ khá cân. Giữa lỗ dầm 4 và lỗ dầm 5 (mặt đông) có 4 lỗ phân bố cân lực với lỗ dầm và một lỗ lệch. Giữa lỗ dầm 4 và lỗ dầm 5 không có lỗ nhỏ. Giữa lỗ dầm 6 và lỗ dầm 1 có một lỗ nhỏ cân lực với dầm. Như vậy ta thấy rằng hai phần không có lỗ nhỏ đối xứng với nhau. Theo chúng tôi, các lỗ nhỏ này không được tạo ra một lần cùng với công trình mà có thể qua một thời kỳ tu sửa nào đó, người ta đục thêm để chống hoặc níu cho công trình khỏi xộc xệch qua thời gian. Nếu chống, người ta rèn các cây sắt, rồi 2 đầu bẻ hình chữ Z lệch để một đầu cắm vào trụ đá, một đầu cắm (theo lỗ đục) vào dầm gỗ chịu lực. Nếu để níu, người ta đóng một đoạn gỗ tròn vào lỗ, đóng khuy kim loại vào giữa rồi dùng dây sắt níu đều công trình xuống. Chúng tôi cũng thoáng nghĩ đến đây là những lỗ treo đèn hoặc treo cờ trong các hội tắm Phật, cũng như trong Lãm Sơn dạ yến nhưng điều này khó xảy ra nếu công trình trên là gỗ (mà chắc là thế). Ngoài ra, khó nói gì hơn về tác dụng của các lỗ này nếu nghiên cứu phân bố của chúng.

Điều thú vị tiếp theo là chúng tôi khi trèo lên trụ đá để đo đạc đá phát hiện tiếp các lỗ ngoàm phụ, hình chữ nhật, có chiều rộng 10cm, chiều cao không xác định vì bị vỡ phía trên và chiều sâu còn lại 3-4cm. Qua phân bố rất hợp lý của chúng, không thể gọi tên nào đúng hơn đây chính là các lỗ ngoàm con sơn. Hai lỗ ở mặt chính diện nằm cao cách đáy 2 lỗ dầm chính là 78cm và đều dịch vào giữa một thân gỗ ngoàm. Đây chính là nơi lắp các con sơn trợ lực kiểu xỏ kèo lá, ép với dầm ngang chịu lực của công trình. Có điều là, quan sát kỹ các lỗ ngoàm con sơn này, chúng tôi thấy phong cách đục lỗ không thống nhất với phong cách lỗ ngoàm chính. Lỗ đục vụng, các lốt đục không đều, trông có vẻ vất vả, lực tác dụng vào cột ít và không đồng đều. Chúng tôi nghi các lỗ này cũng được làm trong quá trình tu bổ công trình chứ không được tạo tác từ đầu?

Điều phát hiện cuối cùng khiến chúng tôi vui thích là khi trèo lên và trông thấy rãnh dầm chịu lực chính còn để lại trên nóc cột. Đây chính là dầm cuối cùng của chùa. Rãnh dầm chia đôi nóc trụ, theo hướng bắc nam, song song với mặt tiền của trụ đá. Phần còn đo được như sau: chiều rộng 23,0cm, chiều dài còn đo được 7cm, gờ bên còn đo được 3cm. Rãnh dầm đáy bằng phẳng và còn hết sức vuông thành sắc cạnh. Rất tiếc là, các tác giả phục chế cột đá đã bỏ qua một cách đáng tiếc chi tiết này. Đến đây chúng ta đã có thể hình dung dầm ngang chịu lực đầu tiên của công trình là một phiến gỗ (hoặc đá?) hình hộp có gáy 23,0cm và dóng thẳng lên trên đó chính là đòn nóc của ngôi chùa. Mặt trên của dầm hộp gỗ này với những lý do sau này bạn sẽ hiểu, chúng tôi cho là 46cm (hơn hai gang tay). Chỉ với một hộp dầm này, chúng ta đã có thể tính được sức chịu lực uốn của nó có thể đỡ nặng bao nhiêu theo khẩu độ vượt tùy ý. Đến đây, các bạn có thể dựng được một bộ dầm đỡ công trình gồm: 3 hộp gỗ chéo hình chong chóng, tạo hệ thống dầm ngang chịu lực, 6 dầm chống từ cột lên dầm ngang tạo hình các đài sen và có thể là thêm các kết cấu phụ (?). Tôi xin cùng các bạn đi đến điều bất ngờ lý thú của phần 2 bài viết này.

2. Các số đo và tín ngưỡng:

Sau khi đã đo đạc với các số liệu trên, tôi trở về Hà Nội và trong hai ngày chạy tìm thước thợ. Những gì đọc được ở văn bia trong cuốn Thơ văn Lý Trần và đặc biệt là đoạn trích về cách chọn đất làm chùa mà cụ Nguyễn Bá Lăng dẫn trong cuốn sách tôi rất mực yêu mến (bởi những bức ảnh đen trắng thật tuyệt) là cuốn Kiến trúc Phật giáo Việt nam khiến tôi nghĩ về ý nghĩa tín ngưỡng của các số đo mà tôi thu thập được trên thực trạng di tích. Là một công trình kiến trúc, hơn nữa là kiến trúc đậm tính tôn giáo, chắc hẳn các số đo phải tuân thủ các quy định tín ngưỡng. Trong hai ngày, tôi nhặt được một lượng thông tin làm công vụ rất tối thiểu nhưng đạt đến hiệu quả không thể ngờ. PGS.TS sử học Vũ Minh Giang nhắn qua PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho tôi những thông tin sau:

Thước đo trong lịch sử Việt Nam có sự biến động so với mét của phương Tây. Ngay bây giờ chỉ có thể tạm nói những thông tin: Thời Nguyễn Gia Long 1 thước bằng 0,42m. Thời Tự Đức 1 thước bằng 0,46m. Thời Thành Thái 1 thước bằng 0,40m. Thời Lý chưa khảo được nhưng ước tính khoảng bằng 0,40m.

Qua GS Trần Quốc Vượng, tôi gọi điện hỏi PGS.TS Trịnh Sinh và được ông cho biết thời Hán chuẩn hóa số đo nhưng đến Vương Mãng có cải cách khá đồng bộ, còn thước đời Tống chưa tra được. Và ông giới thiệu cho tôi PGS Nguyễn Duy Hinh nhưng tôi chưa kịp gặp để học hỏi. 

PGS Hoàng Văn Khoán cung cấp cho tôi một phiên bản (chép lại với tỉ lệ 1:1) chiếc thước Lỗ Ban của đình Viềng với những lời giải thích trên đó cùng một phiên bản (ảnh chụp tỉ lệ 1:1) chiếc thước Minh Mạng cùng các cung và lời giải thích bằng thơ chữ Hán năm chữ. Tôi đem dịch cả hai thước và thú thật lần đầu tiên tôi tiếp xúc với cái gọi là thước Lỗ Ban và hiểu được đôi điều vỡ lòng về nó. Sau khi hiểu nguyên lý của thước, điều bất ngờ lại nằm trong ngăn bàn nhà mình, đó là chiếc thước Lỗ Ban tàu bán rất nhiều ở các cửa hàng tạp phẩm. Trên thước có ghi chữ Lỗ Ban xích và thể hiện tương ứng bốn loại thước khác nhau trong đó có 2 loại thước mà theo sự mách bảo của bản thảo thước Viềng, tôi cứ hiểu đại là Lỗ Ban bát bộLỗ Ban cửu phân thập tam thức. Đây là tôi tạm gọi thế để chỉ công cụ tri thức dùng nóng trong lúc này. Có gì sai sau này học thêm vậy. Chúng ta thử quy đổi theo hệ số chiều dài bằng m hiện nay, tiếp tục thử quy ra thước đời Đường và đời Tống là triều đại Trung Quốc trước và tương đương triều Lý. Các số đo thường đẹp một cách đáng quan tâm:

Đối tượng
m (±số lẻ tín ngưỡng)
Lỗ Ban hiện tại
Lỗ Ban quy ra Đường, Tống
-Chiều ngang phần khối vuông
-Mặt Tây: 165cm
-Mặt Nam: 155cm
Thiên đức, Hỉ sự, Tiến bảo, Nạp phúc (cung Vượng).
Tiến bảo, Tài đức (cung Tài).
Thiên Đức, Hỉ sự, Tiến bảo, Nạp phúc (cung Vượng.)
Tiến bảo, Tài đức, Phúc tinh, Cập đệ (giữa cung Tài và Đinh).
-Chiều cao phần khối vuông
107cm
Đăng Khoa, Quý tử, Thiêm Đinh (cung Hưng).
Đại cát, Tài vượng (cung Nghĩa).
-Chiều cao phần giật cấp
101cm
Hoành tài, Thuận khoa (cung Quan).
Thiên đức, Hỉ sự, Tiến bảo (cung Vượng).

-Chiều cao phần trụ tròn có hoa văn rồng
107cm
Đăng Khoa, Quý tử, Thiêm Đinh (cung Hưng).
Đại cát, Tài vượng (cung Nghĩa).
-Chiều cao lỗ ngoàm dầm chống (gáy dầm chống)
16,5cm
Đại cát, Tài vượng (cung Nghĩa).
Đại cát, Tài vượng (cung Nghĩa).
-Chiều rộng rãnh dầm ngang chịu lực (gáy dầm chịu lực)
23cm
Hoành tài, Thuận khoa (cung Quan).
Đăng Khoa, Quý tử (cung Hưng).
-Khoảng cách tâm 2 lỗ ngoàm dầm chống mặt tiền và mặt hậu còn đo được chính xác
70,5cm
Cô quả (cung Thất).
Thiên đức, Hỉ sự (cung Vượng).



Theo bảng đối chiếu trên, các nhà nghiên cứu lịch sử có thể có những suy nghĩ liên hệ nó với cuộc đời Ỷ Lan, Lý Nhân Tông cũng như mục đích xây dựng chùa Dạm. Có thể chính xác thế chăng khi đo trên mặt đá gồ ghề? Chả lẽ thước đời Lý lại là 2 loại Lỗ Ban mà một loại ứng với 39cm chẵn (0,39m) và một loại ứng với 43cm chẵn (0,43m)? Câu hỏi thứ nhất có thể trả lời bằng cách cầm thước đi đo cột đá, vì nó rất gần Hà Nội, nó đã còn 900 năm và nó đang còn. Câu hỏi thứ 2 thì trên thước nó đã cho những chỉ số hiển nhiên biết làm sao được. Riêng chúng tôi sắp tới sẽ đi đo tất cả những gì là kiến trúc mà nhà Lý còn để lại vì số đó quả không nhiều lắm. So sánh hai bản số liệu, chúng tôi nghiêng về phía cho rằng nhà Lý đã dùng thước đo Đường Tống. 

Bài viết hết phần 2 này, ở cả phía tín ngưỡng và các số liệu mô tả chỉ cho ta kết luận hiển nhiên rằng: những người tạo tác cột đá hành động theo tư duy kiến trúc thời đó và cột đá càng đích thị là cái chùa Một Cột còn đứng trơ gan khi chùa đã đổ sập về phía núi (phía Bắc). Nhưng vấn đề không dừng lại ở đây.

3. Suy luận đến đâu là vừa:

Tôi không chép lại đây những gì mà những văn bản khả tín trung đại đã ghi về Lãm Sơn. Để hiểu các văn bản đó một cách thông thường là không khó lắm (hiểu xuyên qua folklore mới khó) và ghi chép lại chỉ là chuyện công phu. Tôi cũng biết rằng, cho đến nay, sự kiện dựng chùa Một Cột, thậm chí dựng cột đá Lãm Sơn đi nữa  quan trọng đến thế nhưng chưa phát hiện một dòng ghi nào về nó. “Lập thạch trụ vu địa (đìa?) trung là chuyện ở Thăng Long trước làm chùa Dạm gần 40 năm. Nhưng có những chuyện cung cần nói thêm.

Cột đá này được tạo tác bằng chất liệu đá cát kết nguyên khối, loại đá này phổ biến từ núi Tiêu (núi sót cuối cùng) lên đến Lục Ngạn. Nhìn độ sâu của lốt đục và màu đá, ta thấy đây là loại cát kết điển hình, không non cũng chẳng già quá. Loại đá này có tỉ trọng 265 gram trên một cm khối. Ta thử làm một phép tính nhân thì sẽ được một khối lượng 12 m khối cho phần nổi của cột đá trên mặt đất. Nếu đây là một cột đá lăn từ núi xuống hoặc chở nơi khác đến (lý do đào ngòi Con Tên hướng phần chính nam ra sông Đuống, ngòi to, rộng, thẳng như tên bắn và chắc là sâu, hiện còn vết tích(?) thì chắc sẽ còn phần chân là 4m khối. Ta có một trọng lượng toàn bộ cột dễ đến hơn 42 tấn cả thảy. Để chở khopois lượng này bằng cách cốn bè với sông sâu là được, còn để kéo nó trên đất bằng phải ước lượng 840 người. Còn kéo lên núi với độ cao hơn 60m với nhiều giật cấp thì ông cha ta là đồng long gắng sức, muôn người như một. Đã diễn ra một kì tích ở đây. Chúng ta có thể tưởng tượng đến một đại công trường cổ với niềm vui cộng đồng, tâm lí hướng thần, hướng thượng và một niềm đam mê tôn giáo tuyệt vời. Nhìn các tháp Chăm chúng tôi cũng nghĩ như vậy. Chúng tôi nghiêng về phía trụ đá này đã được dựng nên. Nhưng nếu nó vốn đứng đó 165 triệu năm trước thì sao? Ngăm hướng đi, nhịp điệu của những lốt đục trên phần khối vuông còn để lại chúng tôi nghi nó được tạo nên trong tư thế đứng thẳng và của những người cầm búa tay phải. Nhưng mà thôi, câu hỏi này quá dễ trả lời khi ta cần một mũi khoan bé nhỏ bên cạnh, không ảnh hưởng gì về mặt vật lý cũng như cảnh quan. Đến lúc đó, chúng ta sẽ rõ hơn nó là văn hóa cự thạch, văn hóa ling a, văn hóa trụ biểu hay văn hóa…chùa Một Cột và hay là một tích hợp tất cả, vừa đứt đoạn, vừa liên tục.

Còn như bây giờ, tôi mạnh dạn đọc nó theo nghĩa chính, nghĩa đen là cột đá chùa Một Cột núi Dạm. Khi tôi phát ngôn từ xem, mặc dù nó được cấu tạo cả về không gian thời gian là bằng phụ âm đầu x, nguyên âm chính e và phụ âm cuối m nhưng thông tin của tôi đến người nghe không phải là thế và tư duy của tôi cũng không nghĩ đến. Những lớp văn hóa khác tích lũy trong cột đá này cũng vậy. Trước hết phải gọi nó, hiểu nó như cái chức năng, tác dụng, ý nghĩa mà nó được chứa đựng.

Dựa trên hai mặt tây và đông (trước và sau) còn đo được chính xác, chúng tôi thấy khoảng cách lỗ ngoàm 1 và 2, 4 và 5 (từ tâm ngoàm đếm tâm ngoàm) đều là 70,5cm (lại là một con số tuyệt đẹp của thước Lỗ Ban: Thiên đức, Hỉ sự cung Vượng ). Chúng tôi cho rằng nếu phần này được gia công tuyệt đối tròn thì tât nhiên đường kính của trụ tròn theo tính toán sẽ là 134,7cm (các tài liệu trước đây cho rằng nó khoảng 130cm). tôi cho rằng đây mới là con số chính xác trong tư tưởng những người dựng cột. trên thực chất, họ đã chia trụ đá làm 6 cung bằng nhau thành một dàn dầm chóng cân đối hoàn toàn. Điều tương hợp giữa con số thực địa và con số trong đồ án khiến chúng ta không thể có cách lí giải nào khác. Bài viết chúng tôi tạm dừng ở đây vì phần còn lại dành cho các nhà kiến trúc. Và chính phần còn lại này (thử dựng một ngôi chùa Lý lên cột đá đó) có thể làm được nhưng khó khăn muôn vàn vì đơn giản là chúng ta hầu như không còn một kiến trúc gỗ nào nguyên vẹn từ Lý đến giờ để tham khảo. Chùa Một Cột Hà Nội đẹp hài hòa, tinh tế và tài hoa nhưng đó chỉ là dị bản sau nhiều lần dị bản của nguyeenbanr đã mất đi. Nó còn xa nguyên bản hơn cả cái phục chế cột đá chùa Dam đặt tại Bảo tàng Mĩ thuật Hà Nội.

Kết thúc bài viết này, tôi cảm thấy vui khi một tuần hè của mình trôi qua có ý nghĩa, đặc biệt là tâm lý hướng đến 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Tôi xin được nhận sự góp ý của những người quan tâm./.


Hà Nội, ngày 27 tháng 9 năm 1999. 
N.H.V. 

Tài liệu tham khảo: 
-Chu Quang Trứ - Mỹ thuật Lý – Trần, Mỹ thuật Phật giáo. Nxb Thuận Hóa. 1998.
-Nguyễn Bá Lăng – Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – Tập 1, Nxb Đại học Vạn Hạnh, Sài gòn 1972.
-Xem: Ngô Thừa Cát : Trung Quốc độ lượng hành sử - Thương vụ ấn thư quán 1957, tr. 90.


1 nhận xét :

  1. Mời xem thêm bài của Họa sỹ Nguyễn Văn Chiến trên batinh.com
    http://batinh.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1105:gii-ma-ct-a-chm-rng-chua-dm&catid=1:news&Itemid=13

    Trả lờiXóa