Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

DÂN ĐƯỜNG LÂM: LÀNG TÔI LÀ LÀNG KHỔ ĐƯỜNG LÂM

Dân làng cổ Đường Lâm đồng loạt xin trả danh hiệu


(ĐVO) - Gần 90 hộ dân làng cổ Đường Lâm đồng loạt xin trả lại danh hiệu, trụ trì chùa Một Cột ra tối hậu thư yêu cầu thành phố trùng tu di tích. Tại sao lại có sự ngược đời. Đó là câu hỏi lớn dành cho các nhà quản lý.
Dân đồng loạt trả lại làng cổ
 

78 người của gần 60 hộ dân ở làng cổ Đường Lâm vừa đồng loạt ký tên trên lá đơn gửi đến UBND thị xã Sơn Tây, UBND TP Hà Nội và Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) để xin trả lại danh hiệu (di tích quốc gia) làng cổ Đường Lâm cho Nhà nước.

Nhà ông Hà Văn Thể, một ngôi nhà cổ phục vụ khách du lịch ở Đường Lâm - Ảnh: Tuổi trẻ
Nhà ông Hà Văn Thể, một ngôi nhà cổ phục vụ khách du lịch ở Đường Lâm - Ảnh: Tuổi trẻ
Trong đơn viết: "Chúng tôi là những người dân đang sinh sống tại làng cổ Đường Lâm. Chúng tôi không có quyền được tự do xây dựng, sửa sang, cơi nới nhà cửa trên chính mảnh đất của gia đình mình. Đã gần 10 năm nay, chính quyền xã Đường Lâm và một số người trong Ban quản lý di tích làng cổ suốt ngày đêm đi lùng sục xem có phát hiện thấy nhà ai chở gạch, xicmăng là lập tức có giấy thông báo: cắt điện, nước, cuối cùng là cưỡng chế, đập phá các công trình xây dựng vì không theo thiết kế của ban quản lý. Thiết kế đó là: xây nhà cổ, chủ yếu là gỗ và ngói cổ, toàn nguyên vật liệu đắt như vàng.

Dân số của làng chúng tôi mỗi năm tăng, diện tích ở thì vẫn thế, chúng tôi phải khắc phục bằng cách xây nhà cao tầng nhưng không được vì mắc phải quy chế (tạm thời) của ban quản lý làng cổ. Chúng tôi không hiểu thực chất quy chế đó là gì? Vì đa số hộ dân không được xây nhà từ hai tầng trở lên, nhưng thiểu số thì có khoảng 30 gia đình vẫn xây dựng nhà từ 2-3 tầng. [...]

Vì vậy chúng tôi cùng nhau làm đơn này xin trả lại danh hiệu “(Di tích quốc gia) làng cổ Đường Lâm”; (chúng tôi làm như thế với mong muốn) trả lại sự yên bình và “tự do” (trong sinh hoạt) vốn có của vùng nông thôn trung du này. Chúng tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết nguyện vọng chính đáng, giản dị của nhân dân chúng tôi. Chúng tôi xin cảm ơn".


Theo ông  Phan Văn Hòa- phó chủ tịch UBND xã Đường Lâm, trước thông tin này nhiều người dân đã đến tận nơi chỉ mặt cán bộ xã nói "phá nhà tôi cũng chẳng còn gì để mất". Trong khi đó, UBND thị xã Sơn Tây đã đi kiểm tra và ra quyết định phải phá dỡ những ngôi nhà xây dựng trái phép và yêu cầu UBND xã Đương Lâm phải thực hiện công việc này.


Ông Hòa cho biết: "Kể cả đứng trước nguy cơ bị kỷ luật vì không làm tròn trách nhiệm phá dỡ công trình của dân, đợt này chúng tôi cũng không làm cái việc phá dỡ nhà của bà con mình đâu.

Đất là đất của người ta, “các ông” đến khai thác du lịch, đã không giúp, không chia cho người ta cái gì thì thôi, ai lại làm thế. Đất chật, xin dự án giãn dân làng cổ thì dự án vẫn nằm trên giấy", ông Hòa trả lời trên báo Tuổi trẻ.


Làng cổ Đường Lâm được công nhận di tích quốc gia từ năm 2005, đã gần 10 năm trôi qua, đến nay quy hoạch làng cổ vẫn chưa hề có. Vẫn mới chỉ có quy chế tạm thời về xây dựng, làm nhà cửa ở trong làng. Xã có ý kiến cũng không đi đến đâu.


Ông Hòa cho biết, từ năm 2007, phó chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây đã yêu cầu là phải hoàn thành quy chế này trong năm 2007, nhưng đến nay bảy năm trôi qua quy chế đó vẫn chưa xong.

 

"Làng cổ Đường Lâm hiện nay đang có những bức xúc “không có lối thoát”. Lãnh đạo xã muốn nói cũng không được nói. Họ cứ bảo trách nhiệm của chúng tôi là cứ xử lý “vi phạm” trong xây dựng đi đã. Chứ còn giải pháp thì... không có giải pháp", ông Hòa bức xúc.

Ông Hòa cho biết, từ khi bán vé vào làng, ước tính hàng năm có đến hàng chục vạn khách. Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm (trực thuộc UBND thị xã Sơn Tây) thu quá nhiều tiền trong khi đó dân hầu như không được hưởng một đồng.


"Số tiền đó... năm đầu tiên họ cho xã được 10 triệu, năm thứ hai được 20 triệu và năm vừa qua là 30 triệu đồng. Số tiền ít ỏi đó chúng tôi chi vào việc tuyên truyền quảng bá, phục vụ các lễ hội này kia. Nếu chúng tôi quản lý, chúng tôi sẽ có tiền tái đầu tư cho bà con, như thế sẽ dễ hơn nhiều chứ. Chúng tôi cần giải pháp cho dân mệt mỏi quá rồi", ông Hòa cho biết thêm.


Giờ cuộc sống của người dân tại Đường Lâm rất khổ sở vì phải sống trong một không gian chật chội, không đáp ứng nhu cầu sống. Chính quyền xã đã có đề xuất mẫu nhà vừa giữ được cảnh quan nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu sinh sống của người dân nhưng không được chấp thuận.


"Nhu cầu sống trong không gian đủ để sinh hoạt của bà con là có thật, là chính đáng. Nhà các cán bộ xã đấy, nhiều nhà ba bốn tầng, rộng rãi, đầy đủ tiện nghi. Còn nhiều ngôi nhà tít ngoài rệ làng, mà giờ bà con cơi nới làm lại phục vụ nhu cầu sống tối thiểu của mình thì cán bộ lại lên đòi phá của họ", ông Hòa cho rằng điều đó không thỏa đáng.


Bày tỏ sự đồng cảm với người dân, ông Giang Mạnh Hoằng (chủ tịch UBND xã Đường Lâm) cho biết, 9 năm người dân không được hưởng lợi gì. Có hộ, bốn cặp vợ chồng sống chung trong căn nhà cấp bốn khoảng 100m²... Cũng vì cái quy chế tạm thời kia mà đến trụ sở xã, trường mầm non xã cũng không được xây dựng đạt quy mô.


Trụ trì chùa Một cột gửi tối hậu thư cho thành phố

Cùng thông tin gần 90 hộ dân làng cổ Đường Lâm xin trả lại danh hiệu di tích, ngày 3/5, đại đức Thích Tâm Kiên - trụ trì chùa Một Cột, ngôi chùa được công nhận là “có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á” - đã phải ra "tối hậu thư" cho UBND TP.Hà Nội xin được tu bổ di tích.

.
Chùa Một cột
Chùa Một cột

Bày tỏ sự lo lắng vì mùa mưa đang sắp tới, trong khi tình trạng của chùa thì đã bị xuống cấp nghiêm trọng, đại đức Thích Tâm Kiên cũng đưa ra “tối hậu thư”: “Kể từ hôm nay, sau 30 ngày nữa không có ý kiến của các cấp chính quyền, nhà chùa đành phải dỡ ngói hạ giải để đảo ngói toàn bộ chùa và nhà Mẫu để tạm thời tránh dột nát khi mùa mưa bão sắp tới”.
 

Trong đơn, đại đức Thích Tâm Kiên nói rõ: Cách đây hơn 5 năm (20/5/2008), tôi đã trình UBND TP.Hà Nội đề nghị kiểm tra và có kế hoạch tôn tạo. Sự việc chùa xuống cấp đã được dư luận, phật tử, khách du lịch trong và ngoài nước quan tâm, bức xúc. Rất nhiều cơ quan báo chí đã lên tiếng kêu cứu cho ngôi chùa này. Hiện, cứ mưa to là tượng Phật phải choàng áo mưa... Nhà chùa rất lo lắng, khi mùa mưa bão sắp tới”.  

Được biết, từ năm 2008, UBND quận Ba Đình đã lập kế hoạch tôn tạo di tích chùa Một Cột với kinh phí hơn 31 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2013; song đến nay, dự án vẫn chỉ nằm trên giấy. Thậm chí, chưa có một cuộc hội thảo khoa học nào được tiến hành để có phương án trùng tu chùa đúng nhất, nhằm phát huy giá trị di tích đặc biệt này.


Ngày 6/5, đại diện Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) trả lời vẫn chưa nhận được văn bản trên (nhà chùa có gửi cho cả Cục Di sản, UBND quận Ba Đình và UBND phường Đội Cấn), nên chưa có câu trả lời cho báo chí về hướng phối hợp giải quyết, báo Lao động cho biết.


Tại sao lại có chuyện người dân thì đồng loạt xin trả lại danh hiệu, còn trụ trì của ngôi chùa có di tích độc đáo nhất Châu Á thì phải ra tối hậu thư cho cả thành phố. Phải chăng vấn đề quản lý đang có vấn đề? Theo như một chuyên gia từng lên tiếng, vấn đề bảo tồn di tích, di sản ở ta chưa được quan tâm đúng mức. Cơ quan nào biết cơ quan đấy không có sự thống nhất, đồng bộ. Để dẫn đến tình trạng làm đâu mới đụng đấy, đụng rồi, khoanh vùng, xếp hạng nhưng cũng lại đắp chiếu.


Ví như ngôi chùa Trăm Gian, mặc dù là ngôi chùa cổ có công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo được xếp hạng di tích cấp quốc gia với nhiều hạng mục chạm khắc tinh xảo nhưng khi hai hạng mục quan trọng là gác Khánh, nhà Tổ cùng với bậc cấp sân trước tiền đường bị phá hoại, di sản bị xâm hại nghiêm trọng thì lúc đó cơ quan hữu quan mới hay biết.


Mặc dù ông Phạm Quang Long - Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội có thừa nhận: "Chúng tôi đã không sâu sát, vì đã giao cho Trưởng ban QL Di tích chùa Trăm Gian-do Phó Chủ tịch xã Tống Bá Lương đảm nhiệm- thực thi" thì sự việc trên liệu có xảy ra một lần nữa với ngôi chùa Một Cột?


Hiếu Lam (tổng hợp)
Nguồn: Đất Việt.
 

1 nhận xét :

  1. P. THƯỜNG DÂN NAM bỘlúc 02:11 10 tháng 5, 2013

    Du khách ra vào nườm nượp, tiền cứ chảy vào túi mà chẳng phải túi dân làng . Làng cổ Đường Lâm đúng là cái đầu heo cho người ta nấu cháo . Cháo vẫn thơm . Lòng lợn Đường Lâm vẫn béo, tiêu ớt vẫn cay , khách thưởng thức vẫn hít hà, rượu Đường Lâm càng cay hơn nữa . ĐL nhìn du khách ăn uống mà thèm, mà tức vì tiền du khách trả mình chẳng được hưởng . Mỗi năm thí bỏ cho chút nước xáo voi, năm đầu 10 triệu, năm sau 20, rồi 30 triệu . Thật đáng nực cười . Cười riết thành thằng Bờm . Dân làng cổ thành thằng Bờm . Thôi trả lại phú ông tất cả, chỉ lấy nắm xôi thôi . Trả lại bằng Di Tích QG, trả lại cái danh làng cổ mỹ miều thơm tho , để cho dân làng cũng sống như các làng khác, được tự do ăn mặc, đươc tự do sửa nhà, xênh xang như các chị em .

    Trả lờiXóa