Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

ĐÁ THÌ LẠ, TÀN PHÁ DI SẢN THÌ QUEN


Đá thì lạ, tàn phá di sản thì quen*
Mặc Lâm thực hiện
2013-05-04
 
Trong những ngày gần đây báo chí và nhiều trang mạng xã hội xôn xao về một hòn đá xuất hiện tại Đền Hùng. Hòn đá được báo chí đặt tên là “hòn đá lạ”, nó làm người nghe chuyện liên tưởng đến từ “tàu lạ” vì có yếu tố Trung Quốc trên hòn đá này.

Mê tín dị đoan

Hòn đá được chụp hình và xuất hiện trên mặt báo cho thấy hình vẽ của một đạo bùa mà theo giải thích của các chuyên gia hán học thì nó là một tổng hợp hết sức vớ vẩn, trong đó những nét chữ Phạn cùng các đường ngoằn ngoèo nằm xen kẽ với chữ Hán. Phật giáo và Mật Tông cùng xuất hiện chung với nhau tạo nên một sản phẩm kỳ dị và không kém phần hài hước.

Vấn đề đặt ra là sự kỳ dị và hài hước ấy lại nằm bề thế trong Đền Hùng, nơi thờ phụng và tưởng nhớ tổ tiên của người Việt. Hòn đá vô tri được ai đó thổi vào tính chất ma quỷ, dị đoan một cách rõ rệt như vậy được người dân vô tình quỳ lạy cúng bái và nghiễm nhiên nó trở thành bái vật như một phần cơ thể của ngôi đền quan trọng bậc nhất Việt Nam.

Theo sự điều tra của báo chí thì hòn đá này xuất hiện vào khoảng năm 2009 vào thời mà ông Nguyễn Tiến Khôi làm giám đốc khu vực di tích Đền Hùng. Ông Khôi tuyên bố rằng trong một lần tu sửa, ban quản lý phát hiện ra hòn đá và sau đó nhiều người cho rằng đây là lá bùa mà bọn Nguyên Mông đã yểm vào Đền Hùng nhằm hãm linh khí của nước ta.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan nhận xét hiện tượng này:

“Cái cảm giác của tôi khi được tiếp xúc với thông tin và tư liệu gián tiếp đây là sản phẩm không có niên đại cổ, tính chất trí tuệ của nó không cao chứ chưa nói là mê tín dị đoan. Cho nên đặt một sản phẩm như thế vào một chỗ linh thiêng và trọng đại như ngôi Đền Thượng mà lịch sử và công năng của nó hoàn toàn không thích hợp với việc cộng cư, cộng sinh cùng với sản phẩm mà tính chất trí tuệ không cao, niên đại không được cổ kính như thế này.”
TS Nguyễn Xuân Diện người vô tình phát hiện ra hòn đá lạ cho biết ý kiến của ông:

“Cái ấn tượng đầu tiên của tôi khi nhìn thấy hòn đá ở Đền Hùng là khủng khiếp, tôi cảm thấy lo ngại và khinh bỉ những người đã đặt những hòn đá ấy. Một di tích tín ngưỡng đặc biệt cấp quốc gia được coi là chốn linh thiêng mà lại đặt một lá bùa một cách bậy bạ như vậy thì tôi nghĩ đấy là sự mê tín hoang tưởng một cách điên loạn.”

Từ câu chuyện có vẻ trẻ con này người ta ngạc nhiên về những diễn tiến sau đó khi chính Bộ Văn hóa lại là nơi “phát triển” cục đá này trở thành một vật thể linh nghiệm có khả năng chống lại sự trù ym của ngoại nhân. Bộ Văn hóa đã truy tìm một chuyên gia về bùa chú là ông Nguyễn Minh Thông và sau đó thì hòn đá biến dạng, trở thành linh thạch chính thức đứng trong Đền Hùng!

Công luận từ lâu vẫn bất bình với cách làm việc của bộ Văn Hóa, đặc biệt là những người trách nhiệm trong việc bảo vệ, tôn tạo di tích di sản văn hóa dân tộc. Hàng trăm vụ tiêu cực bị báo chí phanh phui nhưng hình nhưng không ai có trách nhiệm trước cái nhãn “trách nhiệm tập thể” và sự tha hóa, biến dạng của các di tích ấy ngày một nặng nề, biến thái nhiều hơn. TS Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện người luôn có những trăn trở về di tích, di sản văn hóa nhận xét về tình trạng này:

“Những người quan tâm đến di tích, các cổ vật các di sản quốc gia thì đều có một lo ngại chung là cứ bộ Văn hóa Thề thao du lịch chạm tới đâu là nơi đó sẽ tan nát. Cứ đụng đến di tích nào là sẽ có vấn đề ở chỗ đó vì khi tu bổ di tích thay vì tôn trọng theo đúng nguyên tắc khoa học của bảo tồn bảo tàng thì họ lại trùng tu các di tích ấy theo kiểu dự án, mà dự án thì đã là căn bệnh trầm kha tại Việt Nam. Cứ triển khai các dự án thì trong đó phải có phần trăm cho người thực hiện cũng như người tổ chức. Vì thế cho nên họ không chắt chiu và bảo tồn những gì còn lại của di tích theo kiểu của khoa học. 

Họ muốn càng đạp đổ và phá nhiều thì việc họ thi công càng được nhiều và càng thi công được nhiều thì trong đó có phần  trăm càng nhiều. Chính vì thế cho nên hàng loạt các di tích các vụ tu bổ đều bị họ làm lớn lên thay vì chỉ tu bổ nho nhỏ. Thí dụ như việc họ san phẳng hoàn toàn cổng thành nhà Mạc tại thành phố Tuyên Quang, hoặc là đền Và tại thị xã Sơn Tây nếu không bị chống đối mạnh thì cũng đã bị san phẳng đi để mà tu bổ. Thế rồi thành cổ Sơn Tây, cửa Bắc của thành Sơn Tây trước đây định tu bổ nhưng họ san phẳng nó đi để xây lại một cái cổng thành giống như trong ảnh. Nhưng mà đâu có được như trong bức ảnh nữa mà đấy chỉ là cổng thành của thế kỷ 20.” 

Méo mó văn hóa cội nguồn

Theo truyền thuyết, từ thời xa xưa các vua Hùng đã lựa chọn rất nhiều nơi để cuối cùng chấp nhận nơi đây làm nơi đóng đô. Đền Hùng nằm trên núi Nghĩa lĩnh, thuộc xã Hy Cương huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ. Từ niềm tin này Đền Hùng có vị trí đặc biệt trong lòng người Việt vì nó hoàn toàn không phải là một di tích tôn giáo cho nên bất cứ ai cũng có thể dựa vào nó để tìm sợi giây dẫn về tổ tiên.

Tính chất văn hóa cội nguồn ấy đã bị một số người làm méo mó khi cố mang hòn đá lạ thách thức dư luận bởi ý đồ làm tiền đã làm suy nghĩ của họ mê muội. Sự mê muội được phát huy qua các hình ảnh và lập luận mê tín đến độ khó hiểu của những người được tiếng là nhà nghiên cứu huyễn học, mà dân gian quen gọi là thầy bói, hay nhà phong thủy. Đạo bùa ym ma của ông Nguyễn Minh Thông, hiện là một đại tá của quân đội Nhân dân Việt Nam, có lẽ đẩy sự mê muội lên tới đỉnh điểm khi chính Bộ Văn hóa là cơ quan đặt hàng để ông đại tá này thực hiện cái gọi là chống âm mưu của bọn phương Bắc.

Cũng qua câu chuyện này người dân phát hiện ra có một trung tâm Văn hóa cấp nhà nước, lập ra để nghiên cứu về bói toán mang tên Trung tâm nghiên cứu ứng dụng văn hóa phương Đông.

Bộ Văn hóa đã tiếp tay “cùn hóa” dân trí Việt Nam. Sự cùn hóa này phát xuất từ tư duy thiếu văn hóa của cán bộ và lãnh đạo cao nhất của bộ này. Người dân biết rất rõ rằng chính Bộ Văn hóa thông qua Cục Di sản là nơi cấp phép cho những căn chùa, ngôi miếu được xây dựng trong đó nhiều ngôi chùa không thành tâm cho mục đích thờ cúng hay xiển dương Phật pháp.
Đặt một sản phẩm như thế vào một chỗ linh thiêng và trọng đại như ngôi Đền Thượng mà lịch sử và công năng của nó hoàn toàn không thích hợp.
-GS Lê Văn Lan
TS Nguyễn Xuân Diện phân tích sự khác biệt rất lớn và rất nguy hiểm giữa dị đoan ngày xưa và mê tín dị đoan ngày nay đã trở thành mối làm ăn cho những kẻ bất chính:

“Phải có một sự phân biệt rất rạch ròi. Ngày xưa tín ngưỡng của người Việt rất phong phú và cũng không ít những điều mê tín dị đoan quàng xiên. Nhưng cái mê tín dị đoan của ngày xưa chỉ là sự mê tín dị đoan thuần túy nhưng bây giờ thì mê tín dị đoan đã bị đẩy lên thành sự điên loạn. 

Dị đoan bây giờ gắn liến với những quan chức. Nó gắn liền với đồng tiền, với lợi nhuận cho nên cách đây đã chục năm tôi được nghe chính chủ nhân một ngôi chùa mới xây lên trên một nền đất trống. Người ta tâm sự rằng bây giờ không có cái gì kinh doanh mà kiếm được nhiều tiền bằng xây dựng các ngôi chùa, đền, hay miếu. Bởi vì nó không bị cấm đoán.

Hai nữa là nó không phải chịu thuế nhưng thu vào thì rất cao, nhất là những ngôi chùa hoặc đền mà có ông thầy chùa biết cách cuốn hút sự chú ý của không gian điện tử con nhang đệ tử hoặc của phật tử thì sẽ trở thành những ngôi chùa hay đền mang lại những lợi nhuận rất lớn mà không một tổ chức quản lý nào có thể thò tay vào kiểm soát số tiền họ thu được. Chính vì thế sự dị đoan bây giờ khác sự dị đoan ngày xưa. Mê tín dị đoan bây giờ gắn với việc cầu quan chức, quan tước và tiền bạc. Nó cộng hưởng tất cả thành hoang tưởng và quyết liệt hơn ngày xưa rất nhiều.”

Sau khi sự việc vở lở, rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa yêu cầu cấp thiết phải đem hòn đá lạ ra khỏi khu vực Đền Hùng nhằm trả lại sự tôn nghiêm cho nơi phụng thờ di tích tổ tiên này. Thế nhưng ông Hà Kế San, phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ lại cho rằng cần phải có một cuộc hội thảo trước khi quyết định số phận của hòn đá. Giáo sư Lê Văn Lan cho biết ý nghĩ của ông về việc này:

“Tôi thấy nó không đáng trở thành chủ đề của một cuộc hội thảo với những cái cứ tạm gọi theo ngôn ngữ bình dân là vớ vẩn như thế thì đưa nó ra ngoài cho nó ở một xó xỉnh nào đó càng sớm càng tốt.”

Gọi bản thân câu chuyện hòn đá lạ là vớ vẩn như GS Lê Văn Lan khiến nhiều người thích thú, vì suy ra từ khi câu chuyện bắt đầu trên trang blog của TS Nguyễn Xuân Diện cho tới nay thì đá vẫn hoàn đá dù nó có lạ hay quen. Vấn đề nhức nhối phía sau câu chuyện này là âm mưu ngu dân của nó khi ai đó đang muốn mê hoặc cả nước theo tâm lý bầy đàn, cứ ai lạy phía trước thì phía sau cũng tự động quỳ xuống, úp mặt vào đất bất kể nó là đá hay vàng.

(*) Mượn tựa bài viết nổi tiếng của nhà báo Huy Đức: “Tàu thì lạ sự hèn hạ thì quen”.
Nguồn: RFA Việt ng.
 

4 nhận xét :

  1. Câu chuyện này trong mắt của các vị hàn lâm thì là một chuyện lớn. Biết đâu, thực tế, các ông "đày tớ" chỉ vẽ chuyện để moi móc công quỹ mà thôi!
    Giống như, từ thập niên 60-70 các nhà khoa học đã cảnh bảo lợi bất cập hại khi xây đập thủy điện, nhưng các lãnh đạo địa phương cứ thúc đẩy xây thủy điện bởi vì cái lợi của họ là các cây cổ thụ, gỗ phải đốn đi để làm trại thủy điện. Ít có ai hỏi số gỗ khổng lồ đó thuộc về ai. Bây giờ, thủy điện vỡ: tiền nợ nước ngoài thế hệ sau trả. Tiền gỗ trên rừng đã chia nhau vào túi.

    Trả lờiXóa
  2. Kính Lâm Khang chủ nhân,

    Chiều nay ngồi quán nước trà đá, em vớ được tờ báo giấy Pháp luật và thời đại của bà chủ quán. Thấy có bài báo "hay" về vụ hòn đá lạ, em xin luôn bà về đọc. Đọc xong té ngửa với ông đại tá phong thủy Nguyễn Minh Thông. Liền lọ mọ giở computer ra đánh máy lại nội dung hầu bác và bà con thưởng lãm. Đền Hùng mà để cho ông dị đoan, hoang tưởng này "chăm sóc phần âm" thì chết cái nước này rồi. Nay kính!
    -----------------------------------

    “PHÁP SƯ CAO TAY” KỂ CHUYỆN “TRẤN YỂM” ĐỀN HÙNG

    (Tác giả Khắc Đoài, Báo giấy Pháp luật & Thời đại; Số 92, ra ngày 22/4/2013)


    Sát ngày Giỗ tổ 10/3 âm lịch, dư luận cả nước được phen ồn ào vì chuyện phát hiện hòn đá “lạ” “trấn yểm” đền Hùng, nơi linh thiêng bậc nhất đất nước. Hòn đá “lạ” sau đó được các nhà tu hành xác định chỉ là vật vô tri vô giác, mang tính chất “đòn gió” hù dọa người khác. Cùng Pháp luật & Thời đại tìm hiểu chân dung người tự nhận là “pháp sư”, vừa là “cha đẻ” của hòn đá, vừa cho rằng mình “cai quản phần âm” ở đền Hùng.


    “TINH THÔNG 36 MÔN PHONG THUỶ”

    Đó là ông Nguyễn Minh Thông, Giám đốc Trung tâm ứng dụng văn hoá Phương đông, quê xã Quảng Oai (Ba Vì, Hà Nội), gốc ở Bắc Ninh thuộc dòng họ Nguyễn Đạt. Theo ông Thông, cụ tổ của mình là người đã tìm đất cho vua Lí Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long.

    Tự giới thiệu về mình, người đàn ông này nói: “Được thừa hưởng kho sách khổng lồ vê phong thuỷ của dòng họ, tôi đã lĩnh hội được tất cả những tinh hoa trong khoa sách cổ, đọc thông viết thạo chữ Hán, kể cả chữ cổ. Bản thân tôi còn luôn “tầm sư học đạo”, tự mày mò nghiên cứu, đến thực địa các khu di tích, lăng mộ nổi tiếng để tìm hiểu tỏ tường những cách thức “điểm huyệt” của người xưa. Ông Thông cho rằng mình “tinh thông tất cả 36 môn áp dụng trong phong thuỷ như: Dịch học, kỳ môn độn giáp, mai hoa, âm dương, bát quái, ngũ hành, thái ất… Bản thân tôi có “Thập đức”, lại có “thiên binh thiên tướng” giứp sức nên việc “Tróc long”, “Tầm huyệt” mới được thuận lợi”.

    Cơ duyên để người này được mời về khu di tích đền Hùng, tìm đất xây dựng các hạng mục ở nơi vốn được coi là chốn địa linh Việt Nam, bắt đầu từ năm 2000. Khi đó ông đang giảng dạy lớp phong thuỷ mở ở Hà Nội. Lớp học thu hút cả một số môn sinh, trong đó có cả một cán bộ của Viện Bảo tồn Di tích. Người này đã mời “thầy giáo” lên Phú Thọ chọn đất xây dựng đền Mẫu Âu Cơ, được lãnh đạo tỉnh chấp nhận.

    Khu di tích Đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, cao 175m so với mực nước biển, còn gọi là núi Cả, núi Hùng, núi Hy Cương, thuộc địa bàn xã Hy Cương (thành phố Việt Trì). Xưa nay người ta cho rằng đây là khu vực được coi là “sơn kỳ thuỷ tú” rất linh thiêng…[ đoạn tiếp sau này kể sơ qua về cảnh quan đền Hùng]

    Trả lờiXóa
  3. (Tiếp)


    ĐẠI BÀNG XUẤT HIỆN?

    Ông Nguyễn Tiến Khôi, nguyên Giám đốc Ban quản lý Khu di tích xác nhận, năm 2000, qua sự tiến cử của một số quan chức thuộc Bộ Văn hoá Thông tin, (nay là Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch), tỉnh Phú Thọ đồng ý chọn ông Thông tìm “huyệt đạo” xây dựng các hạng mục tiếp theo của khu di tích. Ông Thông không những tìm vị trí mà còn là người đảm nhận hầu hết các khâu như chọn ngày giờ, làm lễ hô thần nhập tượng, cúng bái trong suốt quá trình trùng tu tôn tạo đền Hùng.

    Người tự nhận là “pháp sư” thuật lại quá trình “trấn yểm” của mình như sau: “Chọn ngày lành tháng tốt, tôi dùng La Kinh (một dụng cụ người ta cho rằng có tác dụng trong “thuật phong thuỷ” – PV), đứng trên đỉnh núi quan sát địa hình, tính toán. Lúc bấm trận đồ, chỉ một lần được ngay, lúc ấy còn xuất hiện một con chim đại bàng lớn quay lượn nhiều vòng quanh đỉnh núi”. Kết quả, ông Thông cho rằng mình đã tìm ra thế đất gọi là “Phi điểu điểm huyệt”, “Bách quy định Thần Châu” (tức trăm chim quay về mộ tổ). Giải thích về thế đất này, ông Thông nói: “Đây là thế đất có rùa thần nhìn xuống hồ Lạc Long Quân, giữa hồ có gò đất nổi lên, phía Tây Bắc có 100 con rùa vàng. Trên trời những đám mây nhỏ kéo lại, tạo thành hình 100 con rùa như chầu về đất mẹ. Khi xây đền lập hướng toạ Cấn (Đông Bắc), hướng Khôn (Tây Nam), tạo thành thế “phân kim tân mùi, phúc như sấm động” mang ngụ ý châu báu vàng bạc, phúc lớn. Đền Mẫu Âu Cơ được xây trên núi Vặn (Ốc sơn), được coi là “tam sơn cấm địa).

    Xây từ năm 2001, đến năm 2005 thì đền hoàn thành. Ông Thông cho rằng, khi xây xong, những người có trách nhiệm không nhờ ông mà mời 3 “đại sư khác” đến làm lễ “hô thần nhập tượng”. Không hiểu vì sao lễ này không đạt? Theo ông Thông, đó là vì sai chữ “Cơ”, là “phạm tội bất kính” trong chữ Âu Cơ. “Phải 3 năm sau, tỉnh phải nhờ tôi làm lễ, mọi việc mới hanh thông”, ông nói. Cũng theo ông: “Do lễ không linh nên xảy ra một số câu chuyện ly kỳ thời gian đó. Như năm 2007, có một trận bão lớn nhất lịch sử đổ bộ vào khu vực làm gãy đổ hơn 1000 cây”.

    Đã thành công trong việc chọn đất làm đền Mẫu Âu Cơ, “thừa thắng xông lên”, ông Thông được tiếp tục chọn là người tìm đất xây đền thờ Lạc Long Quân. Người này nhớ lại: “Lúc định huyệt, cũng có một con đại bàng lớn bay lượn xung quanh ngọn núi. Huyệt đất này nằm trên con rùa bị chết, nên phải “phục long” bằng cách trồng nhiều loại cây như sưa, trầm, si, sanh, bồ đề… rồi cho đắp đầu rùa ngóc lên. Đền Lạc Long Quân xây dựng cũng toạ Cấn (Đông Bắc), hướng Khôn (Tây Nam). Nhìn ra từ hồ, rùa thần cắp lưỡi hái thế long “nhất trưởng binh quyền” với ý nghĩa tăng thêm sức mạnh và quyền lực”.
    Đền này xây năm 2008, đến năm 2009 hoàn thành, toạ trên đỉnh núi Sim hình con rùa nhìn bao quát được một vùng rộng lớn, phong cảnh hữu tình, đất trời bao la như biểu tượng của quyền uy tối thượng.

    Trả lờiXóa
  4. (Tiếp)


    HÒN ĐÁ “TRẤN YỂM”?

    Ông Thông cho biết thêm, theo “quan niệm phong thuỷ”, sau khi đã “điểm được huyệt” còn phải dùng “phép hô giữ long” để khỏi bị chiếm. Cụ thể, dùng những “câu thần chú” nhằm mục đích “trấn giữ”, tránh các “thuật yểm phá hoại” của kẻ gian. “Nhiều người tìm được huyệt tốt nhưng không biết cách hô long thì không giữ được, nhiều khi phản tác dụng. Muốn tìm được huyệt đạo tốt, các thầy phải am tường được “thiên tinh” (các vì sao trên trời) rồi mới đoán được “tướng địa” (hình dáng đất). Sau đó mới xem năm tháng ngày giờ để định chân long, thừa được khí “châu bảo”, sẽ mang lại tốt lành, nếu chọn sai sẽ hóa thành “hỏa khanh”, mang lại tai họa”, trích dẫn nguyên văn lời người đàn ông này.

    Ông Thông lấy nội dung câu đối ở đền Ngọc Sơn (Hà Nội) làm minh chứng về sự “giác ngộ phong thủy”: “Ở trên trời nên tượng (tinh tú), ở đất nên hình. Khó đoán được thần, khó hay được thánh”. Ông nói: “Phải lĩnh hội được tinh thần này mới thực hiện tốt phép điểm huyệt. Một nhà phong thủy giỏi phải trình độ tinh thông, giỏi chữ Hán, sử dụng thuần thục La Kinh, có Đức, thập đức, phải có sự hỗ trợ của “thiên binh thiên tướng”, “vạn thần phục vị” thì mới thành công được”.

    Người tự nhận là “pháp sư” cho rằng: “Từ khi tôi tìm được “huyệt cát”, xây dựng đền Mẫu Âu Cơ, đền thờ Lạc Long Quân, “giải bùa” của phương Bắc, trấn yểm hòn đá ở đền Thượng đến nay, tình hình rất tốt. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương được thế giới công nhận, vinh danh”.

    Giải thích lý do cho ra đời “hòn đá trấn yểm”, ông Thông nói: “Trước đó tôi nhìn thấy ở cửa Kinh mất 3 viên ngọc rubi nhỏ, do kẻ gian đột nhập “phá thế trấn yểm” làm hại nước ta”.

    Về việc áp dụng thuật phong thủy cho các công trình xây dựng, đặc biệt công trình có giá trị văn hóa cực kỳ quan trọng như đền Hùng, nhiều người cho rằng đó là việc làm mê tín dị đoan, nhảm nhí; người thì đồng ý, cho rằng đó là vấn đề tâm linh quan trọng. Pháp luật & Thời đại xin kết bài viết này bằng việc trích dẫn ý kiến của Đại đức Thích Tục Khang, Phó trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hải Phòng trả lời báo Xa lộ Pháp luật (số 2, ra ngày thứ Năm, 18/4/2013): “Đây chỉ là một hòn đá bình thường, không liên quan gì đến tâm linh, không mang hệ thống phù chú, những họa tiết trên đó như trẻ con vẽ chơi. Hòn đá vô giá trị về mặt tâm linh và lịch sử. Không nên huyền thoại hóa những điều không có thật, nguy hiểm cho dư luận và lịch sử, nhất là những người kém hiểu biết, mang xu hướng “mê tín dị đoan”.

    (Hết)
    ------

    Chúc bác mạnh khỏe, bình an!

    Trả lờiXóa