Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

THƯƠNG NHỚ NGHỆ NHÂN HÀ THỊ CẦU, CÙNG TÌM HIỂU VỀ HÁT XẨM

Nghệ nhân Hà Thị Cầu và Nguyễn Xuân Diện. Ảnh: Bùi Trọng Hiền

Nghệ nhân Hát Xẩm Hà Thị Cầu đã trút hơi thở cuối cùng vào giờ Ngọ ngày 22 tháng Giêng năm Quý t. Tưởng nhớ bà, cùng nhau tìm hiểu vlịch sử và nghệ thuật hát xẩm: 

Trước hết, xin lắng nghe bài Xẩm Thập ân, 
do Nghệ nhân Hà Thị Cầu trình bày:

Xẩm là một loại hình dân ca của miền Bắc Việt Nam, phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. "Xẩm" cũng còn được dùng để gọi những người hát xẩm - thường là người khiếm thị đi hát rong kiếm sống và do đó hát xẩm còn có thể coi là một nghề.

Truyền thuyết về nguồn gốc
 
Theo truyền thuyết, đời nhà Trần, vua cha Trần Thánh Tông có hai hoàng tử là Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh. Do tranh giành quyền lực nên Trần Quốc Đĩnh bị Trần Quốc Toán hãm hại, chọc mù mắt rồi đem bỏ giữa rừng sâu. Tỉnh dậy, hai mắt mù loà nên Trần Quốc Đĩnh chỉ biết than khóc rồi thiếp đi. Trong mơ bụt hiện ra dạy cho ông cách làm một cây đàn với dây đàn làm bằng dây rừng và gẩy bằng que nứa. Tỉnh dậy, ông mò mẫm làm cây đàn và thật lạ kỳ, cây đàn vang lên những âm thanh rất hay khiến chim muông sà xuống nghe và mang hoa quả đến cho ông ăn. Sau đó, những người đi rừng nghe tiếng đàn đã tìm thấy và đưa ông về. Trần Quốc Đĩnh dạy đàn cho những người nghèo, người khiếm thị. Tiếng đồn về những khúc nhạc của ông lan đến tận hoàng cung, vua vời ông vào hát và nhận ra con mình. Trở lại đời sống cung đình nhưng Trần Quốc Đĩnh vẫn tiếp tục mang tiếng đàn, lời ca dạy cho người dân để họ có nghề kiếm sống.[1] Hát xẩm đã ra đời từ đó và Trần Quốc Đĩnh được suy tôn là ông tổ nghề hát xẩm nói riêng cũng như hát xướng dân gian Việt Nam nói chung. Người dân lấy ngày 22 tháng 2 và 22 tháng 8 âm lịch làm ngày giỗ của ông. Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã lập ra một giải thưởng mang tên Trần Quốc Đĩnh nhằm tôn vinh, hỗ trợ các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà sưu tầm, nghiên cứu, nhà báo có công lao, đóng góp cho lĩnh vực âm nhạc truyền thống và trao giải lần đầu tiên năm 2008.

Theo chính sử thì vua Trần Thánh Tông không có hoàng tử tên Đĩnh hay Toán. Thái tử con vua Thánh Tông tên là Khảm, sau lên ngôi là vua Nhân Tông; một người con nữa là Tả Thiên vương. Vì vậy nguồn gốc hát xẩm là dựa trên thánh tích chứ không truy được ra trong chính sử.[2]

Nhạc cụ

Bộ nhạc cụ đơn giản nhất để hát xẩm chỉ gồm đàn nhịsênh. Nhóm hát xẩm đông người có thể dùng thêm đàn bầu, trống mảnhphách bàn. Có tài liệu cho rằng đàn bầu khởi thuỷ là nhạc cụ đặc trưng của hát xẩm, sau do đàn nhị dễ chơi hơn và có âm lượng tốt hơn (phù hợp với chỗ đông người) nên thường được sử dụng.[3] Để thay cho đàn nhị truyền thống, có thể dùng đàn gáo. Đây là loại đàn được phát triển từ đàn nhị nhưng to và dài hơn, thích hợp khi đệm cho giọng trầm. Sênh dùng đệm nhịp cho hát xẩm có thể là sênh sứa (gồm hai thanh tre hoặc gỗ) hoặc sênh tiền (có gắn thêm những đồng tiền kim loại để tạo âm thanh xúc xắc). Ngoài ra, đàn đáy, trống cơm, sáothanh la cũng có thể hiện diện trong hát xẩm. 

Phân loại và làn điệu
 
Xẩm có hai làn điệu chính là xẩm chợ và xẩm cô đào. "Hát xẩm chợ, điệu hát mạnh, những tiếng đệm, tiếng đưa hơi đều hát nổi tiếng bằng lời hát chính và đệm đàn bầu hay nhị với sênh phách; còn hát xẩm cô đào thì điệu hát dịu dàng hơn, những tiếng đệm và tiếng đưa hơi lẫn vào lời chính, cốt giúp cho có nhiều dư âm và bắt khúc được dễ dàng. Hát xẩm cô đào đệm đàn đáy và sênh phách, không dùng đàn bầu và nhị."[4]. Ngoài ra xẩm còn sử dụng nhiều làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc Bộ khác như trống quân, cò lả, hát ví, ru em, quan họ, chèo,... hoặc ngâm thơ các điệu bồng mạc, sa mạc[5]. Các làn điệu dân ca khác khi được dùng trong hát xẩm đã được "xẩm hoá" theo phong cách đặc trưng của xẩm. Trên thực tế, cách gọi tên các loại xẩm không phải theo làn điệu mà theo một số tiêu thức khác:
  • Tên bài xẩm nổi tiếng: xẩm thập ân (theo tên bài xẩm ca ngợi công đức của cha mẹ), xẩm anh Khoá (theo tên bài thơ được hát theo điệu xẩm Tiễn chân anh Khoá xuống tàu của Á Nam Trần Tuấn Khải)...
  • Theo mục đích, nội dung bài xẩm: xẩm dân vận (được chính quyền khuyến khích sáng tác để tuyên truyền, vận động quần chúng)...
  • Theo môi trường biểu diễn: ngoài xẩm chợ và xẩm cô đầu (hay còn gọi là xẩm nhả tơ, xẩm ba bậc, xẩm nhà trò, xẩm huê tình) sau này còn có một dòng xẩm của Hà Nội gọi là xẩm tàu điện thường được hát trên tàu điện.
  • Miền Trung và miền Nam cũng có thể loại hát xẩm tuy khác ngoài Bắc. Xẩm miền Trung lấy bài bản từ ca Huế trong khi mền Nam gọi là "nói thơ" chẳng hạn như "nói thơ Lục Vân Tiên".[6]

Ca từ

Ca từ của xẩm chủ yếu là thơ lục bát, lục bát biến thể có thêm các tiếng láy, tiếng đệm cho phù hợp với làn điệu. Nội dung của các bài xẩm có thể mang tính tự sự như than thân trách phận; nêu gương các anh hùng, liệt sỹ hay châm biếm những thói hư, tật xấu... hoặc trữ tình. Những bài thơ thường được diễn ca trong hát xẩm: thơ Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Nguyễn Bính...

Hát xẩm ngày nay

Từ khi ra đời cho đến giữa thế kỷ 20, hát xẩm được nhiều người khiếm thị sử dụng làm nghề kiếm sống nơi bến đò, chợ búa hay lang thang trên những nẻo đường... Họ tổ chức thành các phường hội để truyền nghề và giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống. Vào cuối năm 1954 đầu 1955, để chống lại việc người dân miền Bắc di cư vào miền Nam sau Hiệp định Genève, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã tập trung nhiều nhóm hát xẩm (gồm nhiều nghệ nhân xẩm của các vùng Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Nội...), cử người viết bài và đến các vùng duyên hải phía Bắc biểu diễn nhằm vận động nhân dân không di cư. [7] Sau đó, khi Hội Người mù được thành lập, những người hát xẩm được dạy nghề về thủ công và chuyển sang sống bằng nghề mới này nên xẩm dần vắng bóng. Hát xẩm hiện nay chỉ đôi khi xuất hiện trên sóng phát thanh, sân khấu như một tiết mục văn nghệ thuần túy do những diễn viên chuyên nghiệp biểu diễn chứ hát xẩm không còn tồn tại với hình thái xã hội vốn có của nó. Gần đây, khi công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn dân ca được chú trọng, các nghệ nhân hát xẩm hiếm hoi còn lại như bà Hà Thị Cầu đã được tổ chức truyền lại cho thế hệ sau loại hình dân ca này. Sau mấy chục năm gián đoạn, ngày 29 tháng 3 năm 2008 (22 tháng 2 âm lịch), lễ giổ tổ nghề hát xẩm cũng đã được phục hồi và tổ chức một cách trọng thể tại Quốc tử giám, Hà Nội. Thời gian gấn đây, được sự đồng ý của Sở Văn hoá, du lịch và thể thao Hà Nội cùng với sự tài trợ của một số doanh nhiệp; các nghệ sĩ Xuân Hoạch, Văn Ty, Thanh Ngoan, Đoàn Thanh Bình thường tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật hát xẩm vào tối thứ bảy hàng tuần tại truớc cổng chợ Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa nghệ thuật tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Những nghệ nhân, nhà nghiên cứu
  • Nghệ nhân hát xẩm: Vũ Đức Sắc (Hà Nội), Thân Đức Chinh (Bắc Giang), NSUT Hà Thị Cầu (Ninh Bình), Nguyễn Văn Khôi (Hà Tây), Minh Sen, Tô Quốc Phương (Thanh Hoá)...
  • Nhà nghiên cứu: Vũ Ngọc Phan, Trần Văn Khê, Trần Việt Ngữ, Hoàng Kiều, Thao Giang, ...

Xem thêm bài của nhà nghiên cứu Bùi Trong Hiền: Hát Xẩm, tại đây.
Bà Hà Thị Cầu - là Người hát xẩm cuối cùng của Việt Nam, với đúng nghĩa của từ này.

'Người hát xẩm cuối cùng' và mong ước nghe trọn Thập ân 
Thứ Bảy, 23/06/2007. 

Ở thôn Phố Mỹ, xã Quảng Phúc, Yên Mô, Ninh Bình có một bà cụ tuổi 80 sống với cô con gái trong ngôi nhà nhỏ ven đường. Ngày ngày bà uống rượu cầm hơi. Nhai trầu với thuốc lào cũng là một cách giữ cho răng bà không suy xuyển. Bà thường ra sân vào 5 giờ sáng để thể dục và ôn bài cũ. Những điều này khá quan trọng vì bà là người sống bằng giọng hát. Hơn nữa là hát thể loại chỉ mình bà biết: Xẩm.

Đầu xuân, cậu con nuôi là nhà cổ nhạc học Bùi Trọng Hiền về thăm bu. Tiết trời se lạnh, âm u. Gạt chiếc áo mưa phơi trước cửa, Hiền bước vào gian nhà tối. Lúc ấy độ 10 giờ rưỡi. Bà Cầu đang nằm đắp chăn. Thấy con về, bà nhỏm dậy, miệng đã hơi mếu: “Hiền ơi, bu ốm lắm…” Lát sau, đủ mặt khách, bà mới tươi trở lại. 

Giường của bà kê sát khung cửa sổ duy nhất. Đầu giường kia hướng ra cửa sau. Vì thế cánh cửa này phải che màn gió và thường đóng kín. Thực ra trong diện tích khoảng 8m2 ấy chẳng còn chỗ nào khả dĩ hơn cho bà nữa. Mỗi đêm, bà chỉ dành 2 tiếng để ngủ. Chiếc giường bây giờ đúng hơn là sân khấu của bà. “Phông” dán đầy ảnh lưu niệm, hẳn để bà tiện ngắm những lúc một mình.

Lúc sau, chị Mận, con gái bà, tất tả bước vào. Chị cầm cái chổi vừa quơ vội vài cọng rác vừa phân bua: “Sáng đi sớm quá chưa kịp quét dọn nhà cửa” . Chị Mận bây giờ không phải chạy chợ bán gà, mà đã được dân tình tín nhiệm mời đi cúng bái chỗ này chỗ kia. 

“Đi cúng có phải học không bà?” “Học gì, thánh cho đấy,” bà Cầu hạ giọng vẻ thành kính. Thôi thì nhờ thánh, chị cũng có đồng ra đồng vào nuôi mẹ. “Qua được năm nay thì tôi mới sống,” ngừng tay têm trầu, bà nói. Chị Mận đế vào: “Qua được cái tuổi 79 này, thì bà thọ lắm!” 

Chúng tôi trộm nghĩ, có cách thực tế hơn để kéo dài tuổi thọ của bà - cũng là của Xẩm - nếu bà được ở trong một căn nhà khang trang, kín gió, công trình phụ khép kín và hàng tháng được hưởng một khoản dưỡng già ổn định... 

Vị khách Nhật Bản cùng đi với chúng tôi xin thủ bút của bà vào bìa CD Xẩm chợ. Bà lật qua lật lại ngó nghiêng mất một lúc vì đây là lần đầu tiên bà nhìn thấy đĩa của mình. Tuy không biết chữ, bà cũng loằng ngoằng lên đấy vài đường. 

Đương nhiên, với bà khái niệm “quyền sở hữu trí tuệ” không tồn tại. Từ nhiều năm nay, 2 CD giọng hát của bà do Hồ Gươm Audio và Viện Âm nhạc ấn hành vẫn liên tục được nối bản. Và chắc chắn chúng sẽ còn bán được sau khi bà đã mất đi…

Được biết, hát Xẩm sau hòa bình lập lại không đem lại cho bà một cuộc sống dễ chịu hơn. Bà không được cấp đất nông nghiệp vì không phải nông dân. Bà không được đi hát vì như thế là đi ăn xin, điều không thể chấp nhận trong xã hội mới. 

Địa phương của bà không đủ người hát xẩm để lập hợp tác xã vót tăm, bện chổi đót như ở HN... Trời sinh ra bà để đàn hát, bà không biết làm gì khác để mưu sinh. Hậu quả là bà đã phải cho đi một người con và mất một người khác. Bà đói trong khi cả nước đã qua nạn đói cả chục năm. Có lẽ chưa bao giờ câu xướng ca vô loại lại ám vào đời người ta nghiệt như thế!

Trong truyền thống văn hóa phương Đông, mấy khi, nghề đàn hát được xem trọng. Huống chi hát Xẩm - đặc quyền của những nghệ sĩ khiếm thị. Bà sáng mắt nhưng nhà bà 3 đời hát xẩm (nghĩa là bị mù). Bà tên thật là Hà Thị Năm, tên Cầu là gọi theo con trai cả. Quê ở xã Yên Phú, huyện ý Yên, Nam Định, ngồi thúng bố mẹ gánh đi hát rong từ bé, lên 10 bà đã hát lấy tiền thiên hạ. 

Năm 11 tuổi, bố bà qua đời. Hai mẹ con đi hát tới Yên Mô, Ninh Bình. Bà lấy ông Mậu, trùm phường xẩm Yên Mô năm bà 16 tuổi, ông 49. Ông tuy mù, mặt lại rỗ nhưng bầu- nhị- trống phách… đều giỏi và cực đào hoa. Các cụ đúc kết: 

Tham giàu lấy chú biện tuần
Tuy rằng bóng bẩy nợ nần chan chan
Thà rằng lấy chú xẩm xoan
Công nợ không có hát tràn cung mây. 

Tuy nhiên, bà vẫn tin rằng ông đưa bà lên Mường bỏ bùa để bà trở thành vợ thứ 18. Một năm 10 tháng, họ đi lưu diễn 3 người. Bà thứ 12 đánh trống, bà kéo nhị, ông đàn bầu. Mỗi buổi diễn cũng được đến hai xâu tiền… Nhưng mỗi khi về Yên Mô, gia tài còn lại vẫn chỉ hai cái niêu - một rang một nấu. Ông mất, bà mới 33 tuổi… 

Ở Nhật trước kia, những người mù cũng thường tập hợp thành gánh hát đi rong. Và năm ngoái, người bạn đồng hành Nhật cho biết, bà lão xẩm cuối cùng của Nhật cũng đã qua đời trong trại dưỡng lão… 

Ngay từ thời điểm 1994, những người làm phim tài liệu Xẩm (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) đã khẳng định sau khi đi khắp nơi tìm kiếm: bà Cầu là người hát Xẩm duy nhất ở VN còn sống. Được xã hội công nhận (bà được phong NSƯT từ 1992), nhưng tuyệt không có ai nối nghiệp của Xẩm. Trừ vài diễn viên chèo lặn lội về học bà lấy 1-2 bài làm trang sức. 

Theo nghiên cứu, hát Xẩm nay chỉ còn trên dưới 10 làn điệu, học nửa năm thì hết, nhưng phải mất bao lâu mới hát được như bà?! Xẩm bà Cầu có cái chất hoang dã, phóng khóang mà không phải nghệ sĩ được đào tạo chính quy nào cũng tìm lại được. 

Chưa kể, hát lại phải kèm với nhị, bầu, trống phách… mới ra chất. Bà Cầu có biệt tài cùng lúc miệng hát, chân phách, tay sênh, tay kia gõ một lúc 2 trống mảnh. Trong băng và đĩa Xẩm chợ của bà, không có tiếng phách vì người hàng xóm được bà dạy chơi bộ gõ chỉ có thể dùng tay. 
Khác với năm trước, nhà bà nay đã có tường bao, cổng giả tử tế. Trong nhà có thêm chiếc tivi hàng bãi. Chị Mận đi hầu thánh trên Lạng Sơn về cũng sắm được nồi cơm điện. Mỗi ngày, hai mẹ con ăn hết chưa đầy bò gạo. Bà thích uống rượu hơn. Đây vốn là phương thuốc hiệu nghiệm để giữ ấm và thông giọng của những người hát rong. 

Chị Mận mua rượu khác đấu vào rượu Kim Sơn cho nhạt bớt, và cho mẹ uống mỗi ngày 3 chén vơi. Chỉ cần rót đầy là bà say. Khi ấy bà sẽ hát nhiều và to hơn bình thường. Nhà bà trông ra đầu hồi của ủy ban xã, mỗi lần như thế, xã lại mở cửa sổ nghe bà hát. Hồi đầu năm, xã mang biếu bà mấy chai rượu “để bà uống cho khỏe”. 

“Không có rượu thì tôi chết,” nói thế nhưng hôm nào trong người khó ở, bà lại tự động thôi uống rượu. Một thói quen nữa cũng có từ hồi đi hát là ăn trầu với nhiều thuốc lào và nuốt hết nước cốt. “Đang hát chẳng lẽ xin lỗi khán giả tôi đi nhổ cốt giầu,” bà giải thích.

Chị Mận đi làm xa có khi tới 3 ngày. Hàng xóm nấu cơm đưa sang cho bà ăn. Bà không ăn, lại uống rượu, khóc. Chị Mận về thấy mẹ ngồi sẵn ở cổng chờ mình... Năm 1996, bà sang Trung Quốc hát xẩm. Thấy kem Bắc Kinh ngon, bà nhón một que “đem về cho con Mận”, cả đòan can không được. Về đến khách sạn, bà cứ giở khăn mùi xoa ra tìm mãi, “quái lạ đã gói vào đây rồi!” 

Mỗi khi con cháu đem chuyện này ra cười với nhau. Bà chỉ chống chế: “Không, kem bên ấy ngon thật…” Thú vui duy nhất của bà bây giờ là ngồi nhìn ra đường. “Ngoài đường vui lắm mày ạ,” mỗi lần quay vào nhà, bà lại nói với Mận. Quả thực con đường liên xã trước cửa nhà bà đang dần thành phố. Cuộc sống biến đổi từng ngày. Chỉ có bà vẫn ngồi đấy… 

Bà mời ngồi. Biết bà có tật nói nhịu, Nguyễn Thước, người từng quay phim bà suốt 2 tuần, ngồi lên giường nhưng lại nói: “Không dám ngồi lên giời đâu!” Bà cười, giả nhời: “ừ, đừng ngồi. Lây… xẩm đấy!” 

Cuối năm 2004, trên cái giường này, bà cũng không được khỏe nhưng còn ngồi hát cho chúng tôi nghe cả buổi, hết bài nọ đến bài kia. Bài nào cao quá thì bà hát luồn. Lần này, hát được chừng 1/3 bài Xẩm Thập ân bà đã phải thôi. 

“Báo cáo anh chị, mệt lắm, hát không ra hơi. Đấy là còn hát thấp, hát cao thì có mà đứt hơi”. Vốn là người vui tính, nói năng phóng khoáng, nay bà nhỏ nhẹ nghiêm trang làm chúng tôi cũng hơi giật mình(!) 
Bà rời giường tiễn chúng tôi về. Trong lúc chụp ảnh cùng bà, tôi mạn phép bế bổng bà lên để xem 29 cân rưỡi nặng đến độ nào... Mọi người cười phá lên với nhau. Vậy là tôi đã từng có trong hai tay cả kho tàng Xẩm!

Lúc hạ xuống, tôi thấy rõ chân bà run run chạm đất. Bà đã yếu đi nhiều. Chỉ mong sao lần sau chúng tôi về, bà cho chúng tôi được thêm một lần nghe trọn Thập ân.

Theo VTO
Nguồn: VietNamnet.

6 nhận xét :

  1. Hay lắm - Nhân Dân tôi ơi!
    Xót xa, thương cảm lắm - Đất Trời ơi!

    Trả lờiXóa
  2. Thành kính cúi đầu đưa tiễn cụ.

    Trả lờiXóa
  3. P. THƯỜNG DÂN NAM bỘlúc 08:13 4 tháng 3, 2013

    Cụ Hà Thị Cầu về nơi Cửu Tuyền Cực Lạc,
    Chín bảy tuổi đời với tiếng hát xẩm cầm ca.
    Cụ đi mang cả hồn sông núi,
    Non xanh nước biếc,
    Người già , trẻ thơ cùng tiếc
    Đưa cụ về chốn an nghỉ ngàn thu,
    Non sông vẫn còn mang hình bóng cụ,
    Tiếng hát xẩm vẫn con vang mãi với lời ru .

    Vĩnh Biệt Cụ Hà Thị Cầu,
    Người con của Yên Mô,
    Người con của Đất Nước,
    Từ nay chẳng còn nghe tiếng Cụ Ca .

    Vĩnh Biệt .
    Xin thắp một nén hương,
    Nghiêng mình trước vong linh Cụ ./.

    Trả lờiXóa
  4. Xin chia buồn cùng gia đình cụ Bà HÀ THỊ CẦU

    Trả lờiXóa
  5. Xin chia buồn cùng tang quyến,và xin cúi lạy tiễn đưa cụ Hà Thị Cầu về cõi cực lạc.
    Chấn Phong.

    Trả lờiXóa
  6. Yên Mô mất cụ Cầu rồi
    Thế gian mất một con người tài năng
    Bao năm mưa gió cát đằng
    Những câu hát Xẩm đã thành vốn riêng
    Hôm nay Cụ đã quy tiên
    Cụ mang câu hát về miền xa xôi.
    Thế gian bạc lắm Cụ ơi.
    Họ thích tiếng hát, kinh người nghệ nhân.
    Bao năm dầu dãi phong trần
    Vẳng nghe tiếng nhị xa bay chập chờn
    Cụ về cõi Phật, non Tiên
    Còn đâu tiếng cụ bổng trầm, thiết tha
    Còn đâu tiếng nhị ngân nga
    Còn đâu câu hát xót xa cuộc đời.
    Bao năm lặn lội ngược suôi
    Già rồi phải nghỉ, nợ đời mặc ai.
    Lai lưng gánh quãng đường dai
    Cụ về với chốn Tuyền Đài nghỉ ngơi
    Cả đời câu hát chơi vơi
    Cơ hàn gắn chặt cuộc đời trầm luân.
    Đời là một đóa phù vân
    Thác về sống gửi xoay vần quẩn quanh.

    Trả lờiXóa