Góp ý về Hiến pháp
Hoàng Tụy
Phát biểu về các vấn đề kinh tế
xã hội trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại cuộc tọa đàm ngày 15/03/2013 do
Viện Nghiên cứu Lập pháp tổ chức.
Tôi rất hoan nghênh chủ trương của Quốc hội kéo dài thời gian lấy ý
kiến nhân dân về Hiến pháp đến hết tháng 9, đồng thời tổ chức tọa đàm rộng rãi
trong giới trí thức xung quanh những vấn đề lớn đang có nhiều tranh cãi.
Song sẽ là tốt hơn nếu trước đó không có những quy kết tùy tiện đối với
những ý kiến trái chiều, dù những ý kiến này thật ra rất xây dựng và xuất phát
từ những công dân chỉ có một tội là thiết tha với đất nước và ngày đêm trăn trở
vì sự nghiệp độc lập, thống nhất của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân –
hay theo cách nói sau này: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn
minh – một sự nghiệp mà vì nó biết bao người con ưu tú của đất nước đã ngã
xuống và cả dân tộc đã chịu đựng biết bao hy sinh, nhọc nhằn trong mấy chục năm
chiến tranh tàn khốc mà đến nay phần lớn mục tiêu vẫn đang còn ở phía trước. Sẽ
là tôt hơn nữa nếu Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp chưa vội tuyên bố bảo lưu tất
cả những điểm chính, vì như thế khác nào thừa nhận việc hô hào nhân dân góp ý
chỉ là hình thức, và bao nhiêu thời gian, của cải, công sức, của dân bỏ ra để
góp ý chỉ là một sự lãng phí vô trách nhiệm.
Trước tình hình đó, những ai trăn trở về vận nước nguy vong làm sao
không đắn đo suy nghĩ được. Tôi nghĩ vào lúc này, khi kinh tế lụn bại, xã hội
nhiễu nhương, tham nhũng hoành hành, bờ cõi biên cương hải đảo đang bị uy hiếp
nghiêm trọng, thì mọi người tử tế nên dẹp mọi suy tính cá nhân, cùng nhau vận
dụng trí tuệ suy nghĩ tìm một lối ra ít đau đớn nhất cho dân tộc thay vì cố thủ
trong những thành kiến, định kiến đã lỗi thời.
Trên tinh thần đó, tôi xin phát biểu thẳng thắn một số ý kiến về đề tài
tọa đàm hôm nay, chủ yếu tập trung về hai Điều 54 và 57 trong bản Dự thảo.
Nói vắn tắt, đây thực chất cũng chỉ là những ý kiến đã được trình bày
cô đọng nhưng khá đầy đủ trong bản Kiến nghị bảy điểm về sửa đổi Hiến pháp 1992
của 72 công dân.
1. Điều 54, Mục 1 ghi: “Nền kinh
tế Việt Nam
là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở
hữu, nhiều thành phần kinh tế”. Xin đề nghị bỏ hẳn cụm từ “định hướng xã
hội chủ nghĩa” vì nội hàm rất mù mờ mà theo kinh nghiệm thực tế nhiều năm qua
chỉ là cái cớ để hạn chế, cản trở, thu hẹp thị trường, khiến nhiều nước đến nay
vẫn chưa chịu công nhận kinh tế thị trường cho ta. Có lẽ vì cái định hướng xã
hội chủ nghĩa đó nên mới cố bám chặt cái chủ trương lấy kinh tế nhà nước làm
chủ đạo, dốc hết vốn liếng tiền của, tài nguyên trí lực vào đó, chẳng những
không có hiệu quả, mà còn cản trở sự phát triển lành mạnh của đất nước, làm cho
đất nước kiệt quệ, chồng chất nợ nần không biết bao giờ mới trả hết được, lại
gây ra biết bao tệ nạn trong xã hội. Có thể nói mọi tai ương bắt nguồn từ cái
nhận thức sai lầm về chủ nghĩa xã hội theo kiểu giáo điều Liên Xô cũ. Giờ đây
bản Dự thảo đã mạnh dạn từ bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, đó là một
bước tiến đáng kể, thế thì còn lý do gì bám giữ cái đuôi “định hướng xã hội chủ
nghĩa” cho rắc rối.
Lần lại lịch sử có thể thấy rằng trước đây, theo lý luận chủ nghĩa xã
hội của Liên Xô cũ (cũng là lý luận chính thống của Đảng Cộng sản ViệtNamlúc
đó), kinh tế xã hội chủ nghĩa là kinh tế kế hoạch hóa tập trung, không chấp
nhận cơ chế thị trường. Cho nên năm 1968 khi nhà lãnh đạo Tiệp Khắc Dubcek chủ
trương sử dụng cơ chế thị trường trong chủ nghĩa xã hội thì lý thuyết “chủ
nghĩa xã hội thị trường” ấy của Dubcek đã ngay lập tức bị Liên Xô và cả phe xã
hội chủ nghĩa, gồm cả Việt Nam, lên án là lý thuyết phản động nguy hiểm. Đến
mức để cứu chủ nghĩa xã hội ở Tiệp Khắc, Liên xô đã đưa quân đội vào Tiệp Khắc
lật đổ Dubcek, và cuộc can thiệp quân sự tàn bạo ấy đã được ViệtNamvà cả phe xã
hội chủ nghĩa lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ. Thế mà chưa đầy hai mươi năm sau đó, để
vượt qua khủng hoảng kinh tế xã hội giữa thập kỷ 80 thế kỷ trước, chúng ta đã
chấp nhận chính cái kinh tế thị trường trước đây đã từng bị phê phán kịch liệt
và, như để tự trấn an, cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” được gán thêm
vào, tương tự như cái tên chủ nghĩa xã hội thị trường của Dubcek.
Qua đó thấy rõ ngay trong nội bộ Đảng và các nhà cầm quyền nhận thức về
chủ nghĩa xã hội cũng đã thay đổi ngược hẳn lại, ngay ở những nội dung cơ bản.
Gì thì gì, thực tiễn chứ không phải giáo điều mới có thể có tiếng nói quyết
định cuối cùng cho chính sách và hành động của một đảng thật sự vì dân.
Cũng có người cho rằng cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” là để hạn
chế những mặt trái của kinh tế thị trường. Thật ra kinh tế thị trường chẳng có
mặt trái nào cả, những tiêu cực phát sinh chẳng qua là do hiểu và thực hiện
không đúng kinh tế thị trường. Một xã hội muốn phát triển lành mạnh, bền vững,
thì cùng với Nhà nước pháp quyền, và kinh tế thị trường, còn rất cần một nhân
tố nữa là xã hội dân sự. Chính cái xã hội dân sự này giúp điều chỉnh những lệch
lạc tự phát khi vận hành bộ máy nhà nước và kinh tế thị trường. Một khi xã hội
dân sự còn rất yếu kém, chẳng những không được khuyến khích phát triển, trái
lại còn bị xem là kế sách của các thế lực thù địch đang âm mưu thực hiện “diễn
biến hòa bình” thì bộ máy nhà nước dễ dàng xa dân, quên dân, đối lập với dân,
và kinh tế thị trường cũng dễ dàng bị méo mó, xuyên tạc, nhất là về mặt đạo đức
xã hội. Cho nên bàn về kinh tế lại không thể không quay về quyền con người và
quyền công dân là những quyền đương nhiên phải được hiến định minh bạch và
triệt để tôn trọng thì mới có thể có xã hội dân sự phát triển.
2. Điều 57 ghi: “Đất đai, …,
thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý
theo quy định của pháp luật”. Dù muốn biện minh cách gì cũng không thể phủ
nhận đây là điểm mắc mứu quan trọng đã gây nên biết bao thảm cảnh đau lòng
những năm qua, đẩy người dân hiền lành đến chỗ có lúc không chịu nổi, phải đứng
lên chống lại chính quyền địa phương để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình
bỗng nhiên bị xâm phạm, bị tước đoạt không phải vì lợi ích của đất nước mà
chẳng qua vì lòng tham ích kỷ của quan chức các cấp, nhân danh Nhà nước bắt tay
với nhiều tư nhân, doanh nghiệp để trục lợi, hại dân. Đã có quá nhiều ý kiến đề
nghị nên thay đổi quy định này, dựa trên những cơ sở pháp lý vững chắc. Bản
Kiến nghị của 72 công dân cũng đã nói rõ vì sao quy định này là một trong những
điều bất công tệ hại nhất đã làm giảm nghiêm trọng niềm tin của nhân dân đối
với Đảng. Vì vậy có lẽ không cần thiết phải nói thêm gì nữa về tác hại của một
chủ trương mà thực tế đau buồn hai mươi năm qua đã hoàn toàn bác bỏ.
Tuy nhiên giở lại lịch sử có thể soi sáng thêm bản chất vấn đề. Quan
điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân xuất hiện đầu tiên trong Hiến pháp 1980 chỉ
là sao chép theo Hiến pháp Liên Xô cũ và do đó được cho là dựa theo lý luận
chính thống xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hồi đó, sau hàng loạt biểu hiện tráo trở
của Trung Quốc và nhất là sau cuộc chiến xâm lược của họ năm 1979, Liên Xô đối
với Việt Nam trở thành nhà nước xã hội chủ nghĩa mẫu mực. Trong chế độ xã hội
chủ nghĩa đó, toàn thể nông thôn đã hợp tác hóa từ lâu, đất đai thuộc sở hữu
toàn dân là đương nhiên. Miền Bắc nước ta khi ấy cũng đã hợp tác hóa rồi,
MiềnNamthì đang trên con đường hợp tác hóa, theo khẩu hiệu cả nước tiến lên chủ
nghĩa xã hộị. Trong khung cảnh quốc tế và nội tình đó, sự xuất hiện quan điểm
đất đai thuộc sở hữu toàn dân trong Hiến pháp cũng là dễ hiểu. Không ai, kể cả
những người cấp tiến trong giới cầm quyền lúc bấy giờ, có thể tiên lượng được
hết những hệ lụy gì của quan điểm đó khi tình hình thay đổi.
Những hệ lụy này chỉ mới dần dần hiện rõ và trở nên ngày càng trầm
trọng trong tiến trình đổi mới. Một mặt, hợp tác xã ở Miền Bắc dần dần tan rã,
còn ở MiềnNamkhông còn ai dám nghĩ đến hợp tác hóa như ở Miền Bắc trước kia
nữa. Mặt khác, đội ngũ cán bộ quan chức ngày càng tha hóa, biến chất, một bộ
phận không nhỏ mà ngày càng lớn dần trở nên hư hỏng hoàn toàn. Trong tình hình
mới đó, những quy định luật pháp lỏng lẻo đi liền với quyền sở hữu toàn dân về
đất đai trở thành chỗ dựa pháp lý lý tưởng để các quan chức mọi cấp ra sức trục
lợi trên lưng nông dân nghèo khổ. Hệ lụy tất yếu là đấu tranh, khiếu kiện ngày
càng lan rộng, ban đầu tự phát càng về sau càng có ý thức. Hết Tiên Lãng đến
Văn Giang và nhiều nơi khác, mà đó chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm. Rõ
ràng quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân trước đây có vẻ đương nhiên trong
chế độ toàn nông thôn hợp tác hóa nay đã trở nên mâu thuẫn gay gắt với những
đổi mới ở nông thôn. Nó hoàn toàn không phù hợp nữa, chí ít cũng không hợp lòng
dân ở giai đoạn này và trong tình hình sa sút đạo đức nghiêm trọng của cả hệ
thống chính trị rất dễ dàng bị lợi dụng để đè nén, áp bức, nhũng nhiễu dân mà
vẫn không bị pháp luật trừng trị.
Bài học rút ra từ những chuyện bàn ở trên là không có, không bao giờ có
thể có, một lý thuyết hoàn thiện về chủ nghĩa xã hội để rồi cứ thế mãi mãi áp
dụng thành công. Mục tiêu phấn đấu của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam và cũng là
mục tiêu phấn đấu cao cả nhất của một đảng thật sự vì dân vì nước chỉ có thể
là: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, theo những tiêu
chí phổ quát của nhân loại đương thời. Chỉ có trên quan điểm đó mới có thể có
một Hiến pháp quy tụ, đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân, thực hiện hòa giải
dân tộc, vượt qua khủng hoảng và tình hình nguy cấp hiện tại để tiến lên một
giai đoạn phát triển mới đầy hứa hẹn của đất nước.
H.T.
_____________
Tễu Blog đăng lần đầu 19.3.2013.
_____________
Tễu Blog đăng lần đầu 19.3.2013.
Tôi nhớ là trong Lã thị Xuân Thu có chỗ viết: "bắt người ta cười thì người ta cười nhưng bụng người ta không vui, bắt người ta khóc thì người ta khóc nhưng dạ người ta không bi, bắt người ta nói thì người ta nói nhưng lời nói không thật, bắt người ta im thì người ta im nhưng ý nghĩ vẫn còn đó". Nhờ anh Diện kiểm tra lại dùm xem có đúng không. Nếu đúng thì theo tôi, bài học được rút ra là : HÃY DÂN CHỦ VÀ THỰC SỰ DÂN CHỦ.
Trả lờiXóaHoan nghênh những Góp ý về Hiến pháp của GS.Hoàng Tuỵ!
Trả lờiXóaGS.Hoàng Tuỵ đã nói rất thẳng thắn và quá chính xác những tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Xin trân trọng cảm ơn GS và xin kính chúc GS sức khoẻ, hạnh phúc, trường thọ.
1. "Xin đề nghị bỏ hẳn cụm từ "định hướng xã hội chủ nghĩa" vì nội hàm rất mù mờ
mà theo kinh nghiệm thực tế nhiều năm qua chỉ là cái cớ để hạn chế, cản trở, thu hẹp thị trường, khiến nhiều nước đến nay vẫn chưa chịu công nhận kinh tế thị trường cho ta. Có lẽ vì cái định hướng xã hội chủ nghĩa đó nên mới cố bám chặt cái chủ trương lấy kinh tế Nhà nước làm chủ đạo, dốc hết vốn liếng tiền của, tài nguyên trí lực vào đó, chẳng những không có hiệu quả, mà còn cản trở sự phát triển lành mạnh của đất nước, làm cho đất nước kiệt quệ, chồng chất nợ nần không biết bao giờ mới trả hết được, lại gây ra bao tệ nạn trong xã hội...
... thế thì còn lý do gì mà bám giữ cái "định hướng xã hội chủ nghĩa" cho rắc rối."
2. "Đất đai... thuộc sở hữu toàn dân..." Dù muốn biện minh cách gì cũng không thể phủ nhận đây là điểm mắc mứu quan trọng đã gây nên biết bao thảm cảnh đau lòng những năm qua, đẩy người dân hiền lành đến chỗ có lúc không chịu nổi, phải đứng lên chống lại chính quyền địa phương để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình bỗng nhiên bị vi phạm, bị tước đoạt không phải vì lợi ích của đất nước mà chẳng qua vì lòng tham ích kỷ của quan chức các cấp, nhân danh Nhà nước bắt tay với nhiều tư nhân, doanh nghiệp để trục lợi, hại dân...
Vì vậy có lẽ không cần thiết phải nói thêm gì nữa về mặt tác hại của một chủ trương mà thực tế đau buồn hai mươi năm qua đã hoàn toàn bác bỏ."
Không một tổ chức, cá nhân hoặc một đảng phái được phép đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của đất nước của dân tộc. Những kẻ đó không sớm thì muộn nếu không tỉnh ngộ sẽ đi vào con đường phản lại đất nước phản lại dân tộc.
Trả lờiXóa