Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

TS. NGUYỄN SỸ DŨNG: ĐỪNG TRÓI HIẾN PHÁP BẰNG VÒNG KIM CÔ

Không thể vượt lên với vòng kim cô quanh đầu' 


VNN - "Chúng ta không thể vượt lên phía trước với chiếc vòng kim cô ở quanh đầu và tấm mai rùa ở trên lưng. Sửa đổi Hiến pháp vì vậy là cơ hội rất quan trọng để thiết kế tương lai", TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH nói về cơ hội vàng của năm 2013. 
.
>> Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lấy ý kiến nhân dân
.
Năm 2013 là thời điểm diễn ra một sinh hoạt chính trị lớn - toàn dân tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp. Theo ông, việc này có ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào với cả dân tộc?
.
-  Việc này rất quan trọng. 

Trước hết, dân tộc ta đang bước vào một thời kỳ phát triển mới. Đây là thời kỳ của hội nhập quốc tế và cạnh tranh toàn cầu. Không có những cải cách sâu rộng trong mọi mặt của đời sống xã hội, chúng ta không thể thành công. 

TS Nguyễn Sĩ Dũng (giữa): Những rào cản và trói buộc không đáng có cần phải được tháo dỡ. Ảnh: Lê Anh Dũng
 .
Đã hội nhập thì chúng ta phải chấp nhận các chuẩn mực của quốc tế. Đã cạnh tranh thì phải giải phóng được mọi tiềm năng của mình. Những rào cản và những trói buộc không đáng có cần phải được tháo dỡ. Rõ ràng, chúng ta không thể vượt lên phía trước với chiếc vòng kim cô ở quanh đầu và tấm mai rùa ở trên lưng. Sửa đổi Hiến pháp vì vậy là cơ hội rất quan trọng để thiết kế tương lai. 

Đây cũng cơ là hội rất quan trọng để thực hành dân chủ. Dân chủ là việc chính sách, pháp luật được hình thành trên cơ sở ý chí của đa số. Chính kiến xã hội được hình thành trên cơ sở tranh luận xã hội. Việc thảo luận và đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ giúp hình thành hàng loạt chính kiến của chúng ta về những vấn đề hệ trọng nhất của luật hiến pháp, đồng thời cũng giúp hoạt động lập hiến phản ánh được ý nguyện của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Quyền lập hiến 

Vai trò của người dân đối với bản Hiến pháp sửa đổi cần được thể hiện như thế nào? Liệu có nên chỉ dừng lại ở việc lấy ý kiến đóng góp vào bản dự thảo sửa đổi hay mở rộng đến quyền của dân được phúc quyết Hiến pháp?

- Theo tôi, ở đây người dân không chỉ có vai trò, mà lớn hơn rất nhiều là có chủ quyền. 
 
Chủ quyền nhân dân trước hết thể hiện ở quyền lập hiến của nhân dân. Quyền lập hiến của nhân dân trước hết thể hiện ở quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân. Khi mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, thì mọi quyền lực đều chỉ hợp pháp khi được nhân dân phân chia. Chính vì vậy, bảo đảm quyền phúc quyết của nhân dân là bảo đảm tính chính danh của toàn bộ hệ thống quyền lực nhà nước.

Hiến pháp còn được coi là một bản kế ước xã hội. Đây là sự cam kết của tất cả mọi công dân đất Việt về hệ thống giá trị mà chúng ta theo đuổi, về những nguyên tắc tổ chức đời sống xã hội mà chúng ta tuân thủ, về việc phân chia quyền lực mà chúng ta tôn trọng… Không được toàn thể nhân dân thông qua thì làm sao Hiến pháp có thể trở thành một bản kế ước xã hội được.

Thực ra, Hiến pháp năm 1992 không quy định về việc sửa đổi Hiến pháp thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết. Tuy nhiên, điều này không cản trở việc Quốc hội đưa dự thảo sửa đổi Hiến pháp ra toàn dân phúc quyết. Bởi vì quyền lập hiến là quyền tự nhiên của nhân dân, chứ không phải là một quyền hiến định.

Như ông từng viết trong một tờ tạp chí mới đây, theo tinh thần Hiến pháp năm 1946, hầu hết các quyền của người dân được Hiến pháp ghi nhận và bảo đảm. Hiến pháp không đặt vấn đề Nhà nước bảo đảm các quyền đó, mà ghi nhận các quyền đó như những quyền đương nhiên do tạo hóa ban cho. Tinh thần này có được kế thừa ở các bản Hiến pháp sau đó và đặc biệt bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này không?

- Tinh thần này thể hiện rõ hơn ở bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta phải xác định được quyền lập hiến thuộc về ai. 


Nếu Hiến pháp là văn bản của Nhà nước, thì nói Nhà nước bảo đảm các quyền con người chỉ là tuyên ngôn của Nhà nước. Nếu Hiến pháp là văn bản của nhân dân (được nhân dân thông qua, hoặc phúc quyết), thì nói Nhà nước bảo đảm quyền con người là nhiệm vụ được giao cho Nhà nước. Cũng là việc Nhà nước bảo đảm quyền con người cả, nhưng trường hợp đầu là thiện chí của Nhà nước, trường hợp sau là trách nhiệm của Nhà nước.

Cơ hội vàng không thể bỏ qua 

Liên hệ với những bài học lịch sử, trong những lần sửa đổi Hiến pháp trước đó người dân có được tham gia hay không và có vai trò như thế nào? Người dân đã được tạo điều kiện để hưởng quyền và thể hiện nghĩa vụ là một người chủ đích thực của đất nước hay chưa?

- Trong các lần sửa đổi Hiến pháp mà tôi được biết, thì người dân đều được tham gia đóng góp ý kiến. Cơ quan soạn thảo và Ủy ban sửa đổi Hiến pháp cũng đã cố gắng tiếp thu ý kiến của nhân dân. 

 
Tuy nhiên, vấn đề quyền phúc quyết của nhân dân chưa bao giờ được đặt ra mạnh mẽ như lần này. Tôi cho rằng chủ nghĩa lập hiến và tư tưởng pháp quyền đã có bước phát triển rất vượt bậc trong đời sống của xã hội chúng ta.

Cả nước đang bàn chuyện sửa Hiến pháp trong bối cảnh kinh tế Việt Nam năm 2012 vừa kết thúc bằng những con số không vui và chứng kiến nhiều khó khăn còn kéo dài. Theo dự báo, những tín hiệu không mấy sáng sủa của nền kinh tế sẽ còn tiếp tục diễn ra trong năm 2013 nếu không có những biện pháp từ tầm vĩ mô. Nếu để gửi một thông điệp năm mới trong bối cảnh như vậy, ông sẽ nói gì?

- Muốn có bước phát triến mới chúng ta phải có thêm động lực. Cải cách hiến pháp có thể mang lại nguồn động lực đó. Sửa đổi Hiến pháp lần này vì vậy chính là cơ hội vàng không thể bỏ qua.


Lê Nhung
Nguồn: VietNamnet.

Bài trên BBC Tiếng Việt:
Đừng trói Hiến pháp 'bằng vòng kim cô'

Một quan chức Văn phòng Quốc hội Việt Nam vừa "xông đất" truyền thông trong nước bằng việc ví những trở lực trong việc thay sửa bản Hiến pháp hiện hành ở Việt Nam với các từ ngữ như "mai rùa" và "vòng kim cô."

Trả lời tờ VietnamNet trong bài báo hôm 18/2, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Sĩ Dũng nói:

"Chúng ta không thể vượt lên phía trước với chiếc vòng kim cô ở quanh đầu và tấm mai rùa ở trên lưng. Sửa đổi Hiến pháp vì vậy là cơ hội rất quan trọng để thiết kế tương lai."

Về vấn đề quyền hạn hay vai trò của dân trong việc phúc quyết Hiến pháp, ông Dũng nói với tờ báo:

"Theo tôi, ở đây người dân không chỉ có vai trò, mà lớn hơn rất nhiều là có chủ quyền."

Theo Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, chủ quyền của người dân trước hết thể hiện ở quyền lập hiến của họ.

Ông nói:
"Quyền lập hiến của nhân dân trước hết thể hiện ở quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân. Khi mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, thì mọi quyền lực đều chỉ hợp pháp khi được nhân dân phân chia'"

"Chính vì vậy, bảo đảm quyền phúc quyết của nhân dân là bảo đảm tính chính danh của toàn bộ hệ thống quyền lực nhà nước."

Nhìn lại các lần sửa đổi Hiến pháp Việt Nam từ trước, ông Dũng cho rằng các lần đó "người dân đều được tham gia góp ý kiến," và các cơ quan soạn thảo và các ủy ban sửa đổi hiến pháp cũng đã "cố gắng tiếp thu ý kiến của nhân dân."

Nhưng ông nhấn mạnh: "Tuy nhiên, vấn đề quyền phúc quyết của nhân dân chưa bao giờ được đặt ra mạnh mẽ như lần này. Tôi cho rằng chủ nghĩa lập hiến và tư tưởng pháp quyền đã có bước phát triển rất vượt bậc trong đời sống của xã hội chúng ta."

Phủ nhận 'quyền dân'? 

Trong một diễn biến liên quan tới việc sửa đổi Hiến pháp, hôm 7/2, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội kiêm Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông  Phan Trung Lý đã phúc đáp bản kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp do một nhóm nhân sỹ, trí thức chủ trương và gửi Quốc hội. 

Công văn do ông Lý ký, gửi cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, trưởng đoàn đại diện nhóm nhân sỹ, trí thức trao kiến nghị, bác bỏ bản dự thảo của nhóm kiến nghị khi cho rằng ý kiến đề nghị Ủy ban công bố dự thảo Hiến pháp khác mà ông Lộc và một số công dân đề xuất là "không đúng với quy định" của Nghị quyết số 38 của Quốc hội.

Công văn phúc đáp của ông Phan Trung Lý yêu cầu ông Lộc "thực hiện đúng quy định của pháp luật và Nghị quyết số 38" của Quốc hội khi tham gia đóng góp cho quá trình sửa đổi Hiến pháp.

Đáp lại ý kiến của công văn do ông Phan Trung Lý ký, hôm thứ Hai, 18/2, nhóm soạn thảo và ký kiến nghị của ông Lộc đã ra thông báo cho rằng công văn trả lời của ông Lý, dựa trên Nghị quyết 38 của Quốc hội trên tinh thần chưa sửa đổi của Hiến pháp hiện hành vốn coi "Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp," là "phủ nhận quyền lập hiến của nhân dân."

Bản thông báo trên trang Bauxite Việt Nam nhấn mạnh:

"Đây chính là điều đầu tiên cần sửa trong Hiến pháp và quá trình sửa đổi Hiến pháp lần này phải thấu suốt tinh thần tôn trọng quyền của nhân dân quyết định Hiến pháp."

Nhóm kiến nghị còn yêu cầu Ủy ban "tôn trọng và đưa ra công khai một cách trung thực" các kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp, kể cả những ý kiến khác với dự thảo của Ủy ban, để nhân dân bàn bạc, tranh luận.

"Đó là điều kiện nhất thiết phải có để đi tới tổ chức trưng cầu ý dân nhằm xây dựng một bản Hiến pháp đúng là của nhân dân Việt Nam," thông báo của nhóm viết.

Hiện tại bản kiến nghị của nhóm trí thức, nhân sỹ và các công dân, được biết tới với tên gọi 'Kiến nghị 72' đã thu được chữ ký của hơn 4.000 người ủng hộ.

Nguồn: BBC Tiếng Việt.


 

10 nhận xét :

  1. COCC sau này sẽ quá nhiều, lúc đó ai còn làm quan, ai làm dân thường, ai sẽ bị áp bức. Coi chừng "vòng kim cô Hiến pháp" sẽ trói tay chân con cháu quý vị sau này.

    Trả lờiXóa
  2. "chiếc vòng kim cô ở quanh đầu và tấm mai rùa ở trên lưng"

    Chúng ta vẫn tiến lên với "chiếc vòng kim cô ở quanh đầu và tấm mai rùa ở trên lưng" đấy thôi, tại sao bây giờ lại phàn nàn ?

    Trả lờiXóa
  3. Chiếc vòng kim cô quấn quanh đầu và tấm mai rùa ấy đang là vật cản quá lớn đến sự phát triển đi lên của đất nước của dân tộc là gì thì ai cũng hiểu rỏ mấy chục năm nay. Hãy rủ bỏ hết những tư tưởng, học thuyết bảo thủ lạc hậu để giải phóng tư duy để canh tân lại đất nước đã quá tụt hậu và nghèo khổ vì tương lai con cháu chúng ta . Dù sao chúng ta cũng tán thành với ông Nguyễn Sỹ Dũng đã nói thẳng ra điều đó mặc dù ông là một quan chức cao cấp đương chức trong hệ thống chính trị này .

    Trả lờiXóa
  4. P. THƯỜNG DÂN NAM bỘlúc 17:22 19 tháng 2, 2013

    Tại sao Đảng CSVN lại cứ muốn trói dân tộc VN ? Ai ban cho ĐcsVN cái quyền buộc , quyền trói dân tộc ? Đảng hô hào vùng lên giải phóng cởi trói ách nô lệ thực dân , phong kiến . Thế rồi Đảng lại trói dân tộc lại , hạn chế quyền tự do , quyền làm người của nhân dân . Thế là lừa dối .

    Trả lờiXóa
  5. Hãy dũng cảm thay đổi tư duy!lúc 17:25 19 tháng 2, 2013

    Tôi rất tâm đắc và đồng ý với quan điểm về HP và phúc quyết HP của Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng.

    Đề nghị ban lãnh đạo ĐCSVN hãy nhanh chóng và dũng cảm thay đổi tư duy để từ đó đất nước tiến lên và phát triển nhân dịp việc sửa đổi hay thay đổi HP lần này. Nếu không đất nước ta sẽ lại bỏ lỡ cơ hội thay đổi trong hòa bình và không bao giờ đuổi kịp các nước trong khu vực và trên thế giới.

    Người VN đã chịu đựng quá kiên nhẫn và sự kiên nhẫn cũng chỉ có giới hạn thôi. Đừng để đến một lúc nào đó ban lãnh đạo có muốn thay đổi cũng không kịp và không được nữa giống như một số quốc gia đã và đang gặp phải.

    Đó sẽ là một tổn thất rất to lớn cho Tổ quốc và nhân dân VN ta vì không ai muốn thế.

    Cầu mong cho đất nước thay đổi trong an bình và phát triển mạnh mẽ!

    Trả lờiXóa
  6. HOAN HÔ TIẾN SĨ NGUYỄN SỸ DŨNG ! ÔNG LÀ MỘT TRÍ THỨC CHÂN CHÍNH! NHÂN DÂN SẼ BIẾT ƠN ÔNG .

    Trả lờiXóa
  7. Kênh TH VTV1 tối ngày 19-2-2012 phát góp ý sửa đổi hiến pháp của các cụ MTTQVN, nội dung nhắc đi nhắc lại ý các cụ là phải để điều 4 hiến pháp, tức là độc quyền Đảng CS lãnh đạo. Thế tại sao cuộc góp ý của các tầng lớp trí thức cao cấp về việc bỏ điều 4 hiến pháp thì các đài TH nhất là VTV1 lại không đưa? VTV hãy trả lời câu hỏi này của Dân HN? phải chăng VTV cũng muốn Đảng CS độc quyền lãnh đạo DTVN, Hay giới tri thức cao cấp đó cái đầu ngu hơn các CỤ.

    Trả lờiXóa
  8. Tôi nghĩ những người nhận thức vấn đề như TS Nguyễn Sĩ Dũng hiện đang làm việc trong cơ quan nhà nước là không ít ,khá đông nữa là khác .Nhưng trong một thể chế này thì mọi quyết định đều trong tay một nhóm người ,cho nên ông NSD cũng như các com sĩ chúng ta mà thôi .

    Trả lờiXóa
  9. Hiến pháp phải nên đưa ra trưng cầu dân ý, phải được nhân dân phúc quyết bởi tương lai của dân tộc và vận mệnh đất nước nằm trong đó, đảng phải được dám sát của nhân dân, không thể để Đảng đầu, cưỡi cổ nhân dân đứng trên tất cả Thần - Phật và nhân dân để muốn làm già thì làm. Hậu quả Đảng đã gây nên tình trạng tham nhũng tràn lan, vì tiền đưa những thành phần vô học hợp lý hóa bằng cấp để hại dân, hại nước. Nếu thật sự vì tương lai đất nước đừng ra chiêu bài dọa dẫm hãy để nhana dân tự quyết định tương lai cho mình. Thế giới bây giờ rộng mở không thể bịt mắt nhân dân mãi được, những kẻ như ông Hoàng Hữu Phước cần đuổi ra khỏi quốc hội vì đã làm ô ế không đại điện cho tiếng nói của nhân dân, phát ngôn bữa bãi, lố bịch của kẻ vô học...

    Trả lờiXóa
  10. Tôi hoan hô và ủng hộ những ý kiến của ông Nguyễn Sỹ Dũng. Rất mong những người như ông, đang làm việc trong các cơ quan nhà nước lên tiếng để thể hiện nhận thức và quan điểm của mình trước vận mệnh của dân tộc, của đất nước!

    Trả lờiXóa