Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

SAO CÁNH BÈO - Truyện ngắn của Vũ Xuân Tửu

Sao cánh bèo
Truyện ngắn của Vũ Xuân Tửu

Trên bầu trời đêm, có ngàn vạn ngôi sao. Những ngôi sao chi chít như bánh đa vừng. Chúng xúm xít nối đuôi nhau, lập thành dải ngân hà. Đó đây bật sáng lên vài ba ngôi sao. Kìa, có một ngôi sao lúc ẩn, lúc hiện, chấp chới như vẫy, như mời. Ngôi sao như một cánh bèo nhỏ nhoi, nổi chìm giữa muôn lớp sóng dạt xô. Sao cánh bèo! Tôi nghĩ thầm vào cười thầm, mơ màng.

Nằm khểnh trên đỉnh đồi, một mình, tôi cảm thấy những ngọn cỏ ướt sương, chạm vào cổ gáy man mát, nhằm nhặm. Dải đồi lúp xúp, bàng bạc trong ánh trăng thu. Dưới thung lũng là ngôi làng nhỏ, cũng ngập chìm trong màn đêm bàng bạc, nom huyền ảo như một bức tranh lụa. Đây đó, vọng lại mơ hồ trong hơi gió, tiếng trẻ khóc u ơ. Ngay bên tai tôi, chợt cất lên tiếng dế mèn, nỉ non, réo rắt như tiếng vỹ cầm trong đêm. Tiếng dế gáy, khiến tôi mỉm cười, nhớ lại tuổi thơ dãi nắng đi đào lỗ, đổ nước bắt dế.

Gió đêm lành lạnh. Cơn buồn ngủ kéo đến, nhẹ nhàng như một cánh chim câu đỗ xuống hiên nhà. Ô kìa, sao cánh bèo phân thân, buông mình, vạch một đường sáng chói, làm tôi bừng tỉnh. Ngày xưa, bà tôi kể, mỗi khi sao băng là lại có một người hiền năng, dũng phái được bước lên cõi tiên. Vạch sao băng như một đường gươm chói lói, đâm thẳng về phía tôi. Tôi kinh hãi, há hốc mồm ra và sao cánh bèo chui tọt ngay vào, rồi trôi tuột xuống bụng.


Người tôi tự dưng sáng rực lên và trở nên trong suốt. Tôi hốt hoảng nhìn cơ thể mình rõ ràng như chiếu X quang. Những cái xương bàn tay và ngón tay rõ mồn một như bộ xương giáo cụ trực quan. Tôi nhìn xuống ngực, thấy quả tim to bằng nắm tay đang đập rộn ràng, như thể lần đầu nhìn thấy người yêu. Kìa, trong dạ dày có khối thiên thạch sáng trắng, nhưng chỉ to bằng cái kẹo vừng.

Tự dưng, tôi nghe rõ tiếng dế kêu là của con dế đực đang rung cánh tít mù. Tiếng đứa trẻ khóc trong làng là bởi bị bố mẹ đẩy ra cạnh giường. Những giọt sương ngậm bụi và ánh trăng, rơi lả tả xuống thung lũng, nom như  tuyết pha. Những mái nhà cũng trở nên trong suốt như thuỷ tinh, giống những mô hình trong hộp kính, trưng bày hiện vật của viện bảo tàng. Thảo nào, thiên đình nhìn rõ hạ giới, nhìn thấu tâm can con người, không bỏ sót một sự độc áo nào mà không trừng trị, nên mới có chuyện "ác giả ác báo". Và hơn nữa, những việc thiện luôn được đáp đền, thế mới có câu "ở hiền gặp lành". Trời có mắt là cái sự vậy. Có lẽ, những lời thần là từ trời ban xuống cũng nên.

Miên man nghĩ suy, tôi chợt giật mình sợ hãi, người trong suốt thế này mà về làng, có khi hàng xóm lại tưởng ma hiện hình, vẩy nước giải vào thì khai thối lắm. Tìm chỗ náu mình, tôi lầm lũi chui vào hang đá.

Chùm tia nắng mặt trời từ trần hang chiếu xuống, như những ngọn đèn pha, làm tôi thức giấc. Nhìn lại mình, thấy bình thường như mọi khi, vạch áo, quần lên chỉ thấy da, nắn nắn thấy mềm mềm là thịt, thấy cưng cứng là xương. Chợt có tiếng người lao xao ngoài cửa hang:

"- Nửa đêm về sáng, thằng cu khóc nhè, tôi phải hấp hổm dỗ mãi. Bỗng thấy cả nhà sáng rực, tưởng cháy, vội chạy ra, thấy ông sao đi về phía hang này.

"- Sao mà biết đi à? Sao rơi thì người ta gọi là đổi ngôi thôi.

"- Đi y như người ấy chứ, sáng rực, thế mới gọi là ông sao.

Đích thị là họ đi tìm mình rồi. Nhưng mình lại trở về người trần mắt thịt rồi.
*
           
Màn đêm lại dần buông. Người tôi lại từ từ sáng lên. Tôi hoảng hốt đắp chăn, chùm kín đầu, nhưng ánh sáng vẫn toả ra, càng về đêm càng sáng rỡ. Cả nhà tôi kinh hoàng. Hàng xóm náo loạn. Các bà, các cô vái lậy ngoài sân như tế sao. Cánh đàn ông thì lo lập đàn tràng cúng tế, kẻo trời sập. Tôi vùng căng chạy lên núi. Bước chân nhẹ bẫng, chạy như bay, tôi tìm về cái hang tối hôm qua nương náu. Cả làng rầm rập chạy theo và vây kín cửa hang, nhưng không ai dám vào. Tôi lo sợ, không sao chợp mắt. Trời sáng dần, ánh bình minh rọi vào hang. Ánh sáng trong tôi le lói, rồi tắt lịm như đống tro tàn và thân thể trở lại bình thường.

Mảnh sao cánh bèo chỉ bé bằng cái kẹo vừng, thế mà đi ngoài, rặn mãi không ra. Tôi đến bệnh viện, xin mổ, nhưng các bác sỹ lắc đầu, không dám đụng dao, kéo vào người giời. Viện nghiên cứu vũ trụ định lấy tôi về để phân tích, nhưng tuyển dụng thì không còn biên chế, mà mua về như vật thí nghiệm thì lại không có khoản chi, sợ bị xuất toán. Tôi lâm vào tình cảnh sống dở, chết dở, cứ vất va vất vưởng, đi đâu cũng bị người ta xoi mói, lảng tránh, như thể mắc dịch.

Từ khi tôi bị sao rơi vào mồm, đám đàn ông trong làng không ai dám ngửa cổ kêu trời hay ngáp vặt nữa. Đàn bà, con gái nhất loạt đeo khẩu trang, sợ không may sao rơi vào, có cái gì trong bụng, bị người ta nhòm ngó thấy hết thì còn đâu ra đàn bà, con gái nữa. Tiền bạc nhà tôi lo cúng bái cũng đã cạn, mà bệnh nuốt sao không thuyên giảm. Cứ tầm gà lên chuồng là tôi biết ý, lại lếch thếch lên hang núi trú ngụ.

Lần này, bước chân không đưa tôi vào hang nữa, mà leo lên đỉnh núi. Những vì sao thưa thớt như những chiếc cúc bạc đính trên vòm trời tím biếc. Người tôi sáng dần. Những vì sao cũng lách tách hiện ra như những hạt vừng. Hình như chúng nhận ra mảnh sao cánh bèo, nên nhất loạt ngó xuống đỉnh núi. Toàn thân sáng ngời ngợi, tôi bỗng nhận ra hoàn cảnh trớ trêu của mình, thân phận ở dưới đất mà lại hợp với trời, hơn là hợp với người. Dạo này, đêm thì mất ngủ, ngày thì buồn phiền, nên tôi gày tọp đi và hay nghĩ đến cái chết. Chết. Đúng, phải chết. Tôi đứng dậy, không chần chừ, lao bổ xuống cửa hang. Đường bay vạch thành một vệt sáng, y như sao băng. Chết. Tôi nhắm mắt lại. Một cú va đạp choáng váng, người tôi tự dưng bật ngược trở lại, lao vút lên trời như một quả tên lửa. Tôi nhìn xuống, thấy dân làng xúm xít ở cửa hang, trên đỉnh đồi và trong các ngõ xóm, đang nghển cổ nhìn tôi thăng thiên. Ai nấy nghệt mặt ra, đầy vẻ sợ hãi.

Tôi bay trong vầng sáng sao băng. Gió vun vút quanh mình, quần áo cọ vào lớp khí quyển, nóng sực và cháy bùng lên như một bó đuốc sống. Nhưng tôi không cảm thấy nóng, có lẽ cảm giác đã bị đảo lộn. Nhưng sờ vào da thịt không thấy bỏng rộp, có lẽ tất cả đã thay đổi, không giống như ở dưới trần gian nữa.
*

Tôi đỗ xuống đúng vị trí của sao cánh bèo trên nền trời.

Bàng hoàng như thể giấc mơ, tôi phải cấu cào tay mình, cảm thấy đau và ngước nhìn bà ngoại. Bà ngoại tóc trắng như cước, da mái xanh, bởi bà mất vào những năm đói kém. Hồi ấy, mỗi khi nấu cơm độn sắn băm, mẹ tôi lại lấy cái muôi, ấn xuống một vũng trên miệng nồi, cho gạo chảy vào, để khi chín thì xới cho bà tôi phần cơm, còn cả nhà ăn hơi gạo đã ngấm vào sắn. Nhưng rồi bà ngoại phát hiện ra, bắt phải ghế đều, để bát nào cũng có mấy hạt cơm. Bà ngoại, nước mắt lã chã, ôm tôi vào lòng. Tôi cũng sụt sùi: "Bà ơi, bây giờ đã có bát ăn bát để rồi". Ngày bà mất, tôi đang ở trên tỉnh, dự lớp tập huấn quản lý hợp tác xã cấp cao toàn xã. Lúc về đến nhà thì bà ngoại đã ra đồng.

Xung quanh bà, có bao nhiêu người, già có, trẻ có, tôi không biết ai với ai. Thấy có cả người đóng khố, lẫn người mặc áo the và đại cán. Bà tôi phải giới thiệu từ ông cao tằng tổ tỷ cho đến mấy ông, mấy chú mới mất từ sau hoà bình lập lại. Nhưng sao tôi lại không biết nhỉ? Có thể là con rơi con vãi, chết ở đâu đó. Thì ra, chết ở đâu, xác cũng chôn xuống đất, còn hồn thì lên trời. Nhưng một khi đã vào sổ nhà trời thì không thể mất. Ngôi sao này, là cả đại gia đình của tôi, từ bao nhiêu đời. Nhận họ hàng, anh em mà cứ như xem gia phả sống vậy. Bà bảo, khi chết được khâm liệm thế nào, thì lên trời y phục nguyên như thế.

Bà dẫn tôi đi thăm cơ ngơi, nào là nhà tranh vách đất, nào nhà toóc-xi lợp ngói, nào nhà xây mái bằng bê-tông… Mỗi thời, mỗi kiểu nhà, như thể đi thăm bảo tàng ngoài trời. Rồi thì bẫy, vó, cuốc, cày, cối xay, cối giã, chã đất, nồi đồng, xoong nhôm, cho đến xe lướt, xe đạp… Tất tần tật đồ dùng sản xuất, sinh hoạt từ mấy mươi đời đều có ở đây cả. Nhưng có điều, không thấy ai phải lam làm gì cả. Bà bảo: "Dưới trần gian khổ ải, lên cõi tiên thì an nhàn". Tôi thắc mắc: "Thế đồ dùng, thức đựng kia để làm gì?". "Thì giời bảo phải làm thế để nhớ đoạn đầu đời, mà tu thân tích đức, kẻo…". Tôi không lắng nghe xem bà ngụ ý điều gì, mà lại thử nhấc cái cày chìa vôi, thấy nặng như cùm: "Nặng thế này, trâu nào kéo nổi hả bà?". "Làm bằng vàng, rồi quét sơn để chơi thôi mà, có phải dùng đến đâu". Tôi sững sờ, trên thượng giới lấy vàng đúc cày để chơi? Dường như hiểu thắc mắc của tôi, bà giảng giải: "Vàng bền hơn cả gỗ tứ thiết, mà lại sẵn". "Sẵn cái gì hả bà?". "Vàng trên này sẵn lắm, hàng núi vàng, núi bạc kia kìa". Theo tay bà chỉ, tôi thấy bên kia cánh đồng, núi vàng rực rỡ, núi bạc lấp lánh, tôi buột mồn kêu: "Thế này thì chả cần làm cũng có ăn". "Nhưng vàng nhiều mà chả để làm gì, chỉ đúc vật dụng vậy thôi. Bán chả ai mua, cho cũng không thèm lấy, khác gì đất, đá dưới trần". "Thế lấy gì mà ăn hả bà?". "Giời cho từng bữa. Ai tu thân tích đức mới được phần, phần ai nấy ăn, không được xẻ chia cho người khác". "Không lam làm thì tích đức thế nào được ạ?" . "Thế mới khó, chỉ cần không nói trái ý giời, không nghĩ ngợi lung tung là được". "Thế thì sướng, ai mà chả làm được như thế". "Thế mà khối người đói rã họng, bởi hay nghĩ lung tung". "Nghĩ thì làm sao ông giời biết được?". "Biết chứ, vậy mới gọi là ông giời". Tôi nghĩ bụng, thật là bày vẽ lắm chuyện để hành người ta, đã chết rồi mà vẫn không yên thân, con người thật tội nghiệp.

Bữa cơm dọn ra, các cụ đời xưa thì ngồi chiếu vàng, đời sau ngồi chõng bạc, thời mới thì cũng ngồi ghế bạc. Mâm vàng, bát bạc sáng loá mà nét mặt ai cũng đăm chiêu, mời mọc nhau râm ran mà giọng đượm buồn. Tôi loay hoay chạy ra chạy vào, có ý chờ mời ngồi chiếu vàng hay bàn bạc. Bà tôi ngậm ngùi, ghé tai nói nhỏ: "Lúc nãy cháu nghĩ bậy về giời, nên không có phần, chịu khó chờ bữa sau. Bà cũng không dám…"

Từ bấy đến chiều, tôi chỉ quanh ra, lộn vào không dám nghĩ điều gì làm trời phật ý. Quái lạ, làm sao mà lại theo dõi cả ý nghĩ của người ta nhỉ? Cứ tưởng sướng, nhưng thực ra chả khác nhà ngục. Bữa chiều dọn ra, vẫn thiếu phần. Tôi giật mình, lúc chiều có ý ngầm chê giời duy trì kỷ luật kiểu trại lính. Thảo nào, nhìn ai cũng lầm lầm lì lì như chì đổ lỗ. Đói, tôi ngủ thiếp đi, trong giấc mơ, tôi thấy Ngọc Hoàng đến cung Hằng Nga đàm đạo về thơ ca. Được mời đọc thơ hạ giới, tôi bèn trình bày bài thơ tình yêu. Chị Hằng đỏ mặt, cười gượng. Ngọc Hoàng nhíu mày, hỏi: "Thơ kiểu gì mà lủng cà lủng củng, chả có niêm luật?". "Muôn tâu Ngọc Hoàng, đây là thể thơ tự do". Hôm sau lại nhịn, bà tôi khẽ bảo: "Đêm qua, cháu mơ sai". Đến nước này thì tôi đành xin xuống hạ giới, trước khi bị chết đói. Bà tôi thương tình cho uống thuốc, giải toả mảnh sao cánh bèo và gửi tàu vũ trụ để tôi quá giang về trái đất.

Khoang đổ bộ rơi xuống một vùng thảo nguyên mênh mông. Máy bay trực thăng đến đón. Bọn người đến đón liền kiểm tra, thấy tôi không có trong danh sách phi hành đoàn, định bỏ lại. Tôi cuống cà kê. Tay phi công vê vê hai ngón tay, nói nhỏ vào tai tôi: "Đen-gi". Tôi ớ người, lấy đâu ra tiền bây giờ. Tay phi công hiểu ý, đá nhẹ vào đôi giày tôi đang đi: "Dô-lô-tô". Lúc này tôi mới chợt hiểu, bà ngoại đã thuê thợ chế cho tôi một bộ đồ bay toàn bằng vàng. Tôi vội tháo giày, biếu tay phi công một cái và đưa cho gã kiểm tra một cái. Gã mừng húm, rước tôi lên trực thăng và còn lo cả vé máy bay cho tôi về nước.
*

Người làng thấy tôi thành người giời và đã thăng thiên, nay trở về thành người trần mắt thịt, lại cứ ngỡ hồn ma. Dù tôi nói bã bọt mép, kể lại tường tận sự tình, cũng không ai tin, còn cật vấn: "Đôi giày vàng đành mất ở bên ấy đã vậy, thế còn mũ bay bằng vàng, găng tay bằng vàng và bộ quần áo kháng áp cũng bằng vàng đâu?". Tôi bèn móc cạp quần, lấy ra một mảnh vạt áo kháng áp bằng vàng, chỉ còn bé như bàn tay ếch. Ai nấy càng ngờ vực bội phần. Tôi lúng túng cười trừ, không biết nói sao, về được đến nhà là may rồi. Trên đời này, người ta không nhằm túi kẻ khác, thì sinh ra các thủ tục này nọ làm gì?

Nhưng từ đó, cánh đàn ông làng tôi, khi kêu trời hay ngáp vặt đều ngửa cổ lên trời và há mồm đến rách cả mép . Bọn đàn bà, con gái cũng bỏ khẩu trang và luôn ngửa cổ cười duyên hàng tràng: "Ha, ha, ha…".

Đêm lại về.

Tôi buồn bã đi lang thang trên con đường làng, lại nghe tiếng dế kêu và trẻ con khóc, nhưng không thấy thông điệp gì khác thường. Sao cánh bèo cũng chìm lấp vào hằng hà sa số những ngôi sao của dải ngân hà, không thấy chấp chới mời gọi hay phân thân lao xuống như một đường kiếm định mệnh nữa. Tất cả lại khoác lên một tấm màn bí mật và ngóng chờ biến cố kỳ diệu khai thông.

    VXT                                               

2 nhận xét :

  1. Chuyện trên trời sao nó cứ giông giống dưới hạ giới ở Việt Nam nhỉ?

    Hạ giới này người ta cũng bắt học tư tưởng và làm theo tư tưởng, nói sai thì phạt mà nghĩ sai nếu bị phát hiện chắc cũng phạt.

    Ôi! Truyện ngắn đầy chiều sâu, đọc rất thích. Thanks for

    Trả lờiXóa
  2. Đọc xong rồi ngẫm nghĩ mới hiểu ra tác giả muốn nói tới " Sao " hạ giới. Sao VN ngày nay lạm phát quá và nó đang trở nên rẻ như bèo, nhất là sao cầu thủ bóng đá . Nghĩ thế chứ không biết có đúng ý tác giả không ? Khi sao hết thời nó cũng như cánh bèo, mà bèo thì dạt, rồi nó tự hủy lúc nào chẳng ai hay !
    Năm Nhâm Thìn 2012 là năm khủng hoảng kinh tế toàn cầu chứ không riêng gì VN . Kinh tế khủng hoảng đốt cháy bao nhiêu sự nghiệp nhất là sự nghiệp những ông bàu bóng đá VN . Sao rớt như trận sao băng. Sao rớt nhiều người tỉnh ngô vừa qua một giấc mơ !

    Trả lờiXóa