Thứ Ba, 4 tháng 2, 2020

Lật chồng báo cũ: HAI TỬ HUYỆT CỦA CHẾ ĐỘ



Hai tử huyệt của chế độ

Hoàng Xuân Phú

Có lẽ lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) quan niệm rằng 
- quy định về quyền lãnh đạo của ĐCSVN đối với Nhà nước và xã hội, và 
-  quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dândo Nhà nước quản lý
 
tại Điều 4 và Điều 17–18 của Hiến pháp 1992hai tử huyệt của chế độ. Vì vậy, dư luận càng muốn hủy bỏ hoặc sửa đổi hai quy định đó, thì họ càng kiên quyết bảo lưu. Chúng nằm trong định hướng bất di, bất dịch của lãnh đạo đảng, và được tái thể hiện tại Điều 4 và Điều 57 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. 

Tử huyệt độc quyền lãnh đạo 

Trong thế giới văn minh, quyền lãnh đạo đất nước của một đảng chính trị chỉ có thể giành được thông qua tranh đấu và bầu cử dân chủ. Kể cả khi đang cầm quyền, đảng vẫn phải phấn đấu liên tục, để thuyết phục Nhân dân tin tưởng và tiếp tục trao cho quyền lãnh đạo.

Không thể lấy công lao trong một giai đoạn quá khứ để bù lại cho hiện tại yếu kém, với bao sai lầm, tội lỗi, và áp đặt cho cả tương lai vô định. Nếu cứ từng có công là được cầm quyền vĩnh viễn, thì ĐCSVN phải trả lại chính quyền cho triều đình nhà Nguyễn, và triều đình nhà Nguyễn lại phải trả lại chính quyền cho các triều đình trước đó. Thế là khởi động cho một quá trình truy hồi dằng dặc, mà không thể tìm được điểm kết thúc. Hơn nữa, thời gian qua đi, giờ đây nắm quyền lực bao trùm đất nước lại là những người vốn chỉ đi theo hoặc ăn theo cách mạng, hay từng được cách mạng o bế và cưu mang mà thôi. Nếu họ từng có công, thì chưa chắc bù nổi những lỗi lầm đã gây ra. Phần lớn những người có công đáng kể, những công thần của chế độ, đã qua đời, hoặc nếu còn sống thì đã về hưu, và có lẽ đang đau lòng vì phải chứng kiến sự nghiệp cách mạng của thế hệ mình bị phản  bội.

Không thể coi quyền lãnh đạo đất nước của bất kỳ đảng phái nào là đương nhiên, và vì vậy không thể ghi điều đó vào Hiến pháp. Vả lại, nếu quyền đó đã là đương nhiên, được mọi người mặc nhiên thừa nhận, thì cũng chẳng cần ghi vào Hiến pháp làm gì, để khỏi gây phản cảm một cách không cần thiết. Nếu một điều không phải là đương nhiên và không được tất cả mọi người thừa nhận, mà vẫn bất chấp, áp đặt bằng được trong Hiến pháp, thì chỉ riêng việc làm đó đã khắc họa xong tính dân chủ và tính hợp pháp của đảng và chế độ.
Nếu ĐCSVN được đa số Nhân dân tin cậy và ủng hộ, thì bất cứ cuộc tổng tuyển cử dân chủ nào cũng đưa lại một kết quả tất yếu, đó là trao cho đảng quyền lãnh đạo đất nước. Cho nên, khi khẳng định rằng "bỏ điều 4 Hiến pháp là tự sát", thì có nghĩa đã mặc nhiên thừa nhận thực trạng tệ hại của đảng, khiến đa số Nhân dân không thể đồng tình ủng hộ và chắc chắn sẽ không bầu cho đảng. Nếu nghĩ là mình không còn xứng đáng, không còn được đa số Nhân dân tín nhiệm, mà vẫn dùng Hiến pháp để áp đặt bằng được vai trò lãnh đạo, thì có còn tử tế và vì Dân nữa hay không?

Con người muốn tồn tại và phát triển thì không thể khước từ thử thách, không thể lẩn tránh đối đầu. Ngược lại, phải chấp nhận thử thách, vượt qua thử thách mà vươn lên. Nếu một đứa trẻ luôn được o bế trong căn nhà vừa được vô trùng, vừa được điều hòa nhiệt độ một cách tuyệt đối, thì sẽ dễ bị đổ bệnh khi ra khỏi cửa. Nếu con cái được bố mẹ quá bao cấp, kèm cặp từng li từng tí, thì sẽ dễ ngã gục khi bước vào cuộc sống tự lập trong xã hội. Để tránh bệnh tật, hàng tỷ người trên thế giới chấp nhận tiêm vắc-xin, nhằm phát triển khả năng miễn dịch, tức là chủ động đưa cơ thể mình vào trạng thái thử thách. Muốn khỏe, con người không thể ỳ ra, mà phải thường xuyên khổ luyện dưới hình thức thể dục. Không có cạnh tranh, không có thi đua (thực chất), thì con người không thể khá lên được.

Không chỉ từng cá thể, mà cả quần thể, với tư cách tổ chức, đảng phái, hay cả xã hội, cũng phải biết đương đầu với thử thách. Vì biết tận dụng cuộc cạnh tranh giữa hai hệ thống chính trị trên thế giới để tự hoàn thiện, để giành phần thắng trong cuộc chiến tranh lạnh, nên các nước tư bản hàng đầu đã phát triển vượt bậc, không chỉ về kinh tế, khoa học và công nghệ, mà cả về dân chủ và phúc lợi xã hội, cũng như về quyền con người.

Ngược lại, các nước trong phe xã hội chủ nghĩa đã xử lý sai tình huống và quan hệ địch ta. Nhìn đâu cũng thấy địch, kể cả trong Dân, nên nhiều khi đối xử với Dân cũng giống như với địch, khiến dần dần mất Dân. Ỷ thế vào cường quyền, Đảng Cộng sản Liên Xô đã đầu têu trong việc cấm đảng phái khác hoạt động, để rồi sau này ĐCSVN cũng nối gót sai lầm. Các nước khác trong phe xã hội chủ nghĩa chấp nhận đa đảng, nhưng cũng chỉ là hình thức. Dân chủ xã hội và quyền con người bị bóp nghẹt, khiến tinh thần và trí tuệ cũng bị lụi tàn. Tưởng rằng như vậy thì các đảng cộng sản sẽ rảnh tay, có thể tập trung lực lượng chiến đấu với kẻ thù chính ở hệ thống bên kia, nhưng kết quả thì ngược lại. Kinh tế suy sụp, lòng Dân ly tán, khiến hệ thống chính trị được dày công xây dựng suốt hơn nửa thế kỷ bị phá từ trong phá ra, đổ rụp trong chốc lát, làm cho đối thủ cũng bị bất ngờ đến ngỡ ngàng.

Họa đôi khi cũng là phúc, nếu biết rút ra bài học hợp lý từ thảm họa. Nếu quay ra chấp nhận cạnh tranh một cách dân chủ trong xã hội đa đảng, đa nguyên, ĐCSVN sẽ buộc phải lựa chọn những người lãnh đạo thuộc loại ưu tú nhất, và chắc chắn sẽ chọn được hàng ngũ lãnh đạo tốt hơn gấp bội lần so với đội hình đương nhiệm, kể cả tài lẫn đức. Mọi phần tử thoái hóa, tham nhũng sẽ bị vạch trần và bị đào thải. Trong ba triệu đảng viên không thiếu người tài, người tốt. Vấn đề là phải dùng dân chủ để giải phóng tiềm năng bị độc quyền giam hãm bấy lâu. Không chỉ dựa vào nội lực, dân chủ xã hội còn cho đảng thêm cả sức mạnh từ ngoài đảng. Nếu đảng cầm quyền không tự nhận ra tồn tại yếu kém của mình, thì các đảng đối lập cũng sẽ vạch ra cho. Chẳng cần đến những nghị quyết vô dụng, những màn kịch phê bình – tự phê bình giả dối và lố bịch, thì ĐCSVN vẫn có thể vươn lên, tốt hơn hẳn hiện tại, để được Nhân dân tin tưởng mà trao quyền lãnh đạo.

Tiếc rằng, lãnh đạo của ĐCSVN lại phản ứng như gã tài xế ù lì, chỉ biết nghiến răng tăng ga, khi cỗ xe đang lao xuống đầm lầy. Một mặt, đảng càng suy sụp thì họ càng bóp nghẹt dân chủ trong đảng, dân chủ trong xã hội, và càng hạn chế quyền con người, nhằm duy trì quyền lực bằng bạo lực. Mặt khác, giới cầm quyền tranh thủ tham nhũng, đua nhau vơ vét, tước đoạt cả tài sản của Dân. Chính họ, chứ không phải thế lực thù địch nào khác, đã và đang phá nát ĐCSVN. Trạng thái độc đảng đã triệt tiêu sức chiến đấu và bản năng sống lành mạnh của đảng. Buông thả trong thế độc quyền, ĐCSVN đang tự tha hóa, tự hủy diệt, như cỗ xe không phanh, lao xuống dốc, hướng thẳng tới vực thẳm.

Có ý kiến đề xuất tăng cường dân chủ trong nội bộ đảng để bù lại, để tự gột rửa và điều trị căn bệnh ung thư đã bước sang giai đoạn di căn. Nhưng không thể tồn tại dân chủ trong một đảng độc quyền. Chỉ có dân chủ ngoài xã hội mới thúc đẩy dân chủ trong đảng, chứ không phải ngược lại.

Khước từ dân chủ xã hội, trong đó có thể chế đa đảng, ĐCSVN không chỉ gây thêm thù oán với Dân, mà còn tự tước bỏ khả năng đề kháng và hy vọng chữa trị căn bệnh nan y của chính mình. Sự bảo thủ kiêu ngạo đã bịt mắt giới lãnh đạo, khiến họ cố tình làm ngơ trước thực tế là: Đảng Nhân dân Camphuchia, một đảng từng được ĐCSVN nâng đỡ và phải đương đầu với hoàn cảnh khó khăn gấp bội, vẫn có thể giữ được quyền lãnh đạo đất nước thông qua bầu cử, mà không cần phải bức hại đa nguyên, không cần phải cưỡng bức Hiến pháp.

Cần phải nói thêm rằng: Quy định ĐCSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội không có nghĩa nó là lực lượng lãnh đạo duy nhất, càng không phải là đảng duy nhất được phép tồn tại. Do đó, kể cả khi duy trì Điều 4 của Hiến pháp 1992, thì việc ngăn cấm các đảng phái chính trị khác thành lập và hoạt động là vi phạm quyền tự do hội họp, lập hội, được quy định tại Điều 69, Hiến pháp 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tử huyệt sở hữu toàn dân về đất đai

Hiến pháp 1946 không đề cập đến đất đai. Hiến pháp 1960 chỉ quy định đất hoang thuộc sở hữu của toàn dân. Nhưng Hiến pháp 1980Hiến pháp 1992 thì quy định (toàn bộ) đất đai thuộc sở hữu toàn dân.

"Sở hữu toàn dân" lại có nghĩa là chẳng người dân nào có quyền sở hữu. Trớ trêu thay, nhân danh "sở hữu toàn dân" để tước đi quyền sở hữu của toàn dân. Những mảnh đất vốn dĩ có chủ, được khai hoang, được trao đổi, mua bán, hay được thừa kế hợp pháp từ bao đời, nay bỗng nhiên trở thành vô chủ. Bộ máy cầm quyền, vốn dĩ chẳng có gì, mà nay lại chiếm được tất cả, trong đó có quyền quyết định về đất đai trong cả nước.

Để vận động hàng chục triệu nông dân giúp đỡ cướp chính quyền, ĐCSVN đã giương khẩu hiệu "dân cày có ruộng". Chữ "có ruộng" ở đây đương nhiên là "sở hữu ruộng đất", chứ không phải chỉ là "có quyền sử dụng đất". Sau khi giành được chính quyền ở miền Bắc, đảng đã lấy ruộng của người giàu chia cho người nghèo, rồi tiếp đó lại vận động nông dân góp ruộng để làm ăn tập thể, trong mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Khi đã giành được chính quyền trong cả nước, lãnh đạo ĐCSVN quyết định quốc hữu hóa đất đai, dưới hình thức "sở hữu toàn dân". Nếu biết trước kết cục sẽ mất đất như vậy, liệu hàng triệu người có còn theo đảng, giúp đảng giành chính quyền nữa hay không?

Khi chính quyền tử tế, có khả năng sử dụng đất đai một cách vô tư, hợp lý và công bằng, thì sở hữu toàn dân về đất đai có thể tạo ra một sức mạnh cộng hưởng để xây dựng đất nước. Và người dân có thể tự an ủi rằng mình hy sinh bớt lợi ích cá nhân để phục vụ lợi ích cộng đồng, trong đó có cả bản thân và gia đình mình. Nhưng khi chính quyền tham nhũng thì sở hữu toàn dân về đất đai gây ra đại họa, không chỉ làm khổ muôn dân, mà phá nát cả chính quyền. Chỉ mất mấy giây hạ bút, kẻ mang danh "công bộc" đã có thể vơ về cả đống tiền của, mà một người lao động chân chính lăn lộn cả đời cũng không kiếm nổi. Chỉ với mấy chữ ký loằng ngoằng của mấy kẻ có chức quyền, hàng trăm, hàng ngàn người dân đã bị tước mất đất đai, nơi họ đang làm ăn, sinh sống, trở thành dân oan, lang thang khiếu kiện khắp nơi. Càng duy trì sở hữu toàn dân về đất đai, thì càng gia tăng oán hận của Dân, càng sinh sôi tham nhũng trong tầng lớp lãnh đạo, và càng đẩy nhanh quá trình tự hủy diệt của chế độ.

Bộ máy cầm quyền đầy ắp những kẻ tha hóa, cấu kết với bao kẻ vốn đã lưu manh từ trước khi chen chân vào chốn quan trường. Cái thứ "sở hữu toàn dân" ngon lành và dễ ăn như thế, làm sao kìm nổi lòng tham? Có thể những người đã no nê cũng tán thành tư nhân hóa đất đai, vừa giũ bỏ được cái nguồn kiếm chác béo bở đã trở thành "của nợ", vừa có được quyền sở hữu vĩnh viễn cho số đất đai đã thu gom bấy lâu. Nhưng những vị còn chưa thấy đủ no và những kẻ kế cận đang mong chờ đến lượt mình được vơ vét thì lại không dễ buông tha.

Muốn nuốt thì hóc, mà muốn nhả ra cũng không hề dễ. Tư nhân hóa đất đai thế nào? Trao quyền sở hữu cho ai và trao bao nhiêu? Khi còn là sở hữu toàn dân thì chủ đất cũ đành chịu lặng thinh. Nhưng khi mảnh đất vốn của mình lại được giao cho một người lạ hoắc sở hữu, thì chủ cũ đâu dễ chịu ngồi im. Đất đai vốn dĩ nằm trong trạng thái phân bổ tương đối ổn định và hợp lý về mặt lịch sử, mấy chục năm qua bị đẩy vào tình trạng hỗn loạn. Nếu bây giờ muốn sửa chữa sai lầm, lập lại trật tự, thì lại quá khó. Hoàn cảnh thực tại giống như gã phàm ăn nuốt phải lưỡi câu: Nuốt tiếp thì vướng cước và có thể bị chọc thủng dạ dày, mà lôi ra thì móc vào cổ họng.

Thách thức vượt quá năng lực tư duy và hành động của những đầu óc u mê, trí tuệ giáo điều. Biết làm gì ngoài việc câu giờ, dồn hậu họa lên đầu những người kế nhiệm?

Quả là rất khó để thoát ra khỏi tình trạng sa lầy về sở hữu đất đai. Sai lầm càng lớn thì khắc phục càng khó. Song lãnh đạo ĐCSVN cần xác định rằng họ có trách nhiệm giải thoát Dân tộc ra khỏi bãi lầy, mà chính đảng đã đẩy Dân tộc xuống. Nếu biết huy động trí tuệ của Dân tộc và tạo được sự đồng thuận của Nhân dân, thì khó mấy cũng làm được. Cách làm như thế nào không phải là chủ đề trao đổi của bài này.

*
*      *
Quy định trong Hiến pháp về quyền lãnh đạo đương nhiên của ĐCSVN đối với Nhà nước và xã hội tưởng để đảng trường tồn, nhưng lại là điều khoản khai tử của ĐCSVN, khai tử khỏi lòng Dân và khai tử khỏi cuộc sống chính trị.

Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước quản lý như cỗ máy khổng lồ, từng phút từng giờ đùn ra hàng đống thuốc nổ, nén chặt vào lòng Dân. Nó giống loại ma túy cực độc, có thể thỏa mãn cơn nghiện tham lam vô biên của giới cầm quyền, nhưng cũng tăng tốc quá trình tự hủy diệt của ĐCSVN và chế độ do đảng dựng nên.

Vì vậy, nếu muốn bảo vệ ĐCSVN và chế độ này, thì cần phải nhanh chóng loại bỏ hai quy định đó ra khỏi Hiến pháp.

Ngược lại, nếu muốn gạt bỏ sự lãnh đạo của ĐCSVN, thì có thể sẽ sớm được toại nguyện, nếu tiếp tục duy trì hai quy định ấy trong Hiến pháp, bởi lẽ không có cách phá nào nhanh hơn là tự phá.

Hà Nội, 11/01/2013

Cùng tác giả:

30 nhận xét :

  1. Rất chí tình chí lý xin cám ơn anh HXP

    Trả lờiXóa
  2. Một bài viết đáng đọc và đáng suy nghĩ. Tuyệt!

    Trả lờiXóa
  3. Một bài góp ý sửa đổi Hiến pháp rất có chất lượng.
    Xin cảm ơn tác giả và chú Tễu.

    Trả lờiXóa
  4. Rất cảm ơn người bạn đồng niên Hoàng Xuân Phú đã có những bài viết xuất sắc, góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh như mục tiêu mà ĐCSVN đã đề ra gần thế kỷ qua.
    Tôi mong rằng các anh Nguyễn Phú Trọng, Đinh Thế Huynh cùng BCT, Hội đồng Lí luận Trung ương cho đăng bài này trên các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân... để các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên được đọc và phản biện công khai, dân chủ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đăng bài này thì có mà lấy mo để che mặt

      Xóa
  5. Bài viết quá hay, cách lập luận sắc bến và vấn đề là tác giả mạnh dạn phân tích và đưa ra cho nhân dân được xem và đọc. Mong sao có nhiều những bài viết như thế này trên mạng!
    Cảm ởn tác giả bai viết, cảm ơn bác Tễu

    Trả lờiXóa
  6. Bài viết quá tuyệt vời. Xin chân thành cảm ơn Giáo sư Hoàng Xuân PHú và chú Tễu. Đồng ý với quan điểm của bác Trung Thực

    Trả lờiXóa
  7. Tuyệt vời ! Một bài viết xuất sắc . Không ngờ một Viện sĩ toán học mà sắc sảo về chính trị như vậy , thật là văn võ song toàn . Đây là một bài viết nên đọc và cùng mọi người cùng đọc và suy nghĩ . Trong tình lữa đang cháy nước đang sôi trên tất cả mọi mặt tình hình nước nhà như thế này , thiết nghĩ các nhà lãnh đạo cấp cao nhất phải thực tâm vì dân vì nước vì tương lai của thế hệ mai sau mà có những thay đổi thực chất nhất và cầu thị nhất để đưa đất đất nước thoát khỏi tình trạng trì trệ và suy thoái toàn diện này để còn có cơ hội phục hồi và phát triển cùng bạn bè khu vực và quốc tế . Không thể vì lợi ích của mình , của nhóm mình mà làm mất đi lợi ích của dân tộc của đất nước , sẽ mang tội lỗi lớn với thế hệ con cháu mai sau .

    Trả lờiXóa
  8. chính xác, đó là quy luật của tạo hóa.

    Trả lờiXóa
  9. Cảm ơn giáo sư đã nói lên khát vọng của người dân...!

    Trả lờiXóa
  10. Trong không khí những chính kiến trái với ý của Đảng không thể được đăng tải trên các báo chính thống thì người am hiểu chỉ còn tìm những bài như của Gs HXP trên các trang ngoài chính thống như blog . Mong rằng những tiếng nói trung thực và chân chính của những bậc hiền tài vì dân vì nước không bị bóp nghẹt, các tác giả không bị theo dõi làm khó dễ mà còn được trân trọng đưa lên bàn của các vị như CtQH hay các thành viên chủ chốt tiếp thu ý kiến sửa đổi HP 1992 .
    Gs HXP , ông đã nói thay cho nhiều người. Ông đã rất dũng cảm . Lòng yêu nước chân chính của Ông đang làm nóng lên trong lòng nhiều người dân âm thầm những tình cảm giống Ông !

    Trả lờiXóa
  11. Tin tưởng tuyệt đốilúc 17:32 14 tháng 1, 2013

    Tôi là người đã làm và chứng kiến sự thay đổi vô cùng to lớn và hiệu quả rất cao khi tư nhân hóa lực lượng sản xuất tại một nông trường ở Tây Bắc Việt Nam.

    Tôi tin tưởng chắc chắn rằng nếu Đảng ta mạnh dạn nhanh thay đổi tư duy về sở hữu đất đai thì sẽ tạo ra một sự phát triển vượt bậc nhanh chóng và hiệu quả rất cao trong sản xuất nông lâm ngư nghiệp.

    Đất đai không ai mang đi đâu được vì là BĐS mà. Đừng sợ gì hết cả. Hãy công nhận ba thành phần sở hữu đất đai đó là: Nhà nước, tập thể và tư nhân.

    Nông dân sẽ tính giỏi hơn nhiều lần mọi người, kể cả giáo sư tiến sĩ , trên mảnh đất của họ và họ sẽ tiết kiệm đất đai vô cùng. Đất đai sẽ được chăm sóc chu đáo và ngày càng màu mỡ phì nhiêu.

    Tất nhiên đây là việc lớn, dài hơi và khó. Nhưng thử hỏi rằng muốn phát triển đất nước , muốn dân giàu mạnh thì phải dám nghĩ, dám làm, quyết tâm, làm việc lăn lộn để thành công chứ sao lại cứ sợ khó.

    Đừng sợ nông dân mất hết ruộng đất đâu. Nông dân thế kỷ 21 rồi họ rất giỏi và hiểu biết. Họ tính toán rất nhanh.

    Nhà nước chỉ nên hỗ trợ họ về kỹ thuật, giống, qui hoạch vùng, khuyến nông, bảo vệ sau thu hoạch, chế biến sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm là đủ.

    Tôi tin 100% nông dân sẽ giàu lên nhanh chóng. Khi trên 70% dân số nước ta là nông dân giàu rồi thì nước ta sẽ mạnh về kinh tế ngay.

    Tôi cứ thắc mắc và tiếc mãi không nguôi là tại sao chúng ta lại không dám thay đổi việc này cơ chứ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Câu trả lời nằm ngay trong câu hỏi của ông đấy: bản chất của nó là như vậy, thay đổi thế nào được ?
      Đen muôn đời vẫn là đen, đốm vẫn là đốm. Ông Boris Yeltsin đã có câu nói rất nổi tiếng, không biết đã có bao người biết !?

      Xóa
  12. một bài viết đảng suy nghĩ .một khi có Luật về con người ,luật sử dụng sức lao động ,luật an ninh quốc gia và chủ quyền .bảo vệ đất nước ,luật môi trường ,luật di sản ,,,một cách chặt chẽ và minh bạch thì dù đơn nguyên hay đa nguyên đều thúc đẩy đất nước lớn mạnh .người tham gia đảng phái sẽ có ý thức chính trị ,chứ không phải tham gia với mưu cầu kinh tế ,cá nhân ,,,

    Trả lờiXóa
  13. Một bài viết sâu sắc mà dễ hiểu, 'Cán bộ bằng giả cũng có thể hiểu được'..... Thật xứng danh trí thức Bắc hà

    Trả lờiXóa
  14. Tóm lại là nếu ĐCS VN tôn trọng pháp luật thì đất nước tiến lên. Ai vi phạm pháp luật là đi tù, không có nghị quyết nào chỉ đạo luật pháp cả thì mới mong phát triển.
    Còn nghị quyết, nghị định vơ vào cho quyền lợi của đảng cụ thể là các lãnh đạo các cấp thì có hiến pháp giời cũng vẫn thế thôi.
    Dân ăn trộm vịt thì tù 13 năm. Tham ô ngàn tỷ thì tù 20 năm????
    Dân tát cảnh sát thì tù 2 năm, cảnh sát đánh chết dân tù 4 năm???

    Đấy, Hiến pháp có bảo vệ dân đâu.

    Trả lờiXóa
  15. Thật, đố ai cãi đường nào được, đố ai còn lươn lẹo lập lờ ngụy biện nữa! Đúng như bác Lê La nói trên đây: "Bài viết sâu sắc mà dễ hiểu. Cán bộ bằng giả cũng có thể hiểu".

    Bởi vì Sự Thật thì ra như, bao giờ cuối cùng cũng là rất giản dị, trong lành, sáng sủa, dễ hiểu; như gạt phăng bao nhiêu mây mù vướng víu tâm trí, bao nhiêu lý luận bế tắc vòng vo; như giúp chúng ta đi thẳng đến giải pháp tốt đẹp và hài hòa nhất trong tình thế đen tối này. Đúng là Sự Thật giải phóng chúng ta, đem lại cho toàn dân tộc chúng ta - không trừ ai - niềm tin, niềm hy vọng, sinh khí mới để vượt qua thử thách. Và quan trọng hơn hết: Sự Thật thì nhân hậu. Sự Thật thì hiếu sinh chứ không hiếu sát.

    Tôi hy vọng tất cả các đảng viên đều nhận ra hai tử huyệt này, nhận ra rằng con đường mà Đảng đang nhắm mắt đi tới chính là tử lộ, không những cho riêng Đảng mà còn kéo cả dân tộc vào vũng lầy bi thảm.

    Quay đầu lại là bờ! Quay đầu lại thì tất cả đều sống! Có tin Dân, thuận theo lòng Dân, dựa vào Dân, thì khó khăn nào cũng giải quyết được. Nhân dân Việt Nam luôn chấp nhận mọi hy sinh, mọi giá trả để bảo bọc nhau và cứu nguy đất nước, như lịch sử hàng ngàn năm đã minh chứng thế rồi. Lẽ nào ĐCSVN lại chọn lối hành xử tầm thường và ích kỷ, là cứ chằm chằm níu giữ lối mòn cũ, chỉ để bảo vệ... cái sổ hưu?

    Trả lờiXóa
  16. Hay zã man, sâu sắc, giản dị./.

    Trả lờiXóa
  17. Quá hay! cám ơn GS Phú

    Trả lờiXóa
  18. Quan điểm và lý luận của HXP là trên cả tuyệt vời. Chưa từng thấy lý luận nào sắc bén, khoa học và tuyệt vời như thế.

    Trả lờiXóa
  19. Bài rất hay! Nhưng tôi tin chắt là không có tác dụng gì đối với những người đang lãnh đạo đảng cộng sản Việt nam. Tôi có cảm giác là đảng cộng sản Việt nam chấp nhận sụp đổ chứ không bao giờ chấp nhận sửa đổi, do đó họ sẽ không bao giờ nghe mọi sự góp ý. Việc đưa ra lấy ý kiến nhân dân về HP chẳng qua là trò hề chính trị mà thôi. Chắc chắn sẽ không có sự góp ý nào được tiếp thu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. GS Chu Hảo nói: " Một đảng cũng được, hai đảng cũng được ". Mặc dù tôi thừa nhận GS Chu Hảo một người rất có tâm nhưng qua câu nói này độc giả thấy rõ ràng rằng GS chưa có tầm.
      Còn qua bài này tôi thật sự cảm phục sự uyên thâm, sắc sảo, chính xác và dũng cảm của GS Hoàng Xuân Phú. Và tôi còn nhìn thấy ở GS một nhân tố, một tương lai, một cơ may của dân tộc. Xin nghiêng mình cảm phục GS, xin cảm ơn GS và kính mong GS cố gắng.
      Xin mong GS và bác Tễu tìm cách đăng trên báo lề phải để toàn đảng toàn dân đều biết vì đó là góp ý chân thành nhất, đúng đắn, nó đúng là tử huyệt của chế độ ta. Không bỏ điều 4, không bỏ sở hữu toàn dân về ruộng đất, không bỏ kinh tế quốc doanh thì toàn bộ bản hiến pháp dẫu có hay, có đẹp thì cũng là thứ giả tạo vất đi.

      Xóa
    2. Với hai tử huyệt mà GS đã nêu, thì phải nói là tuyệt, tôi không có ý kiến gì thêm. Theo tôi xã hội ta hiện đang có hàng trăm tử huyệt, nhưng có 4 tử huyệt cần phải nêu thêm:
      1/ Tử huyệt không tam quyền phân lập. Thật ra thì nó cũng nằm trong tử huyệt đảng độc quyền lãnh đạo, nhưng cũng nên nói thêm.
      2/ Tử huyệt doanh nghiệp nhà nước. Đây chính là thủ phạm phá hoại toàn bộ nền kinh tế, và làm băng hoại đạo đức cán bộ công chức nhà nước...
      3/ Tử huyệt lực lượng công an nhân dân. Chính họ là lực lượng lộng quyền, cướp bóc, đàn áp, bắn giết nhân dân vô tội một cách vô tội vạ, nó là một trong những nguyên nhân khiến cho lòng dân không thuận và uất hận.
      4/ Tử huyệt không cho tự do báo chí. Bưng bít thông tin, xuyên tạc thông tin, làm giả thông tin. Chính nó góp phần cho cái giả dối cái lạc hậu có cơ hội tồn tại bền lâu, chính nó góp phần làm mất lòng tin vào đảng và nhà nước.
      Kính mong GS nghiên cứu và viết tiếp 4 tử huyệt này và phổ biến cho toàn dân được biết. Xin chúc GS nhiều sức khoẻ.

      Xóa
  20. Bài này nên thường xuyên cập nhật để những người Việt nam suy nghĩ ,và những người học được cái gì đó ở chị KIM CHI suy nghĩ ? Vì đất nước này cha ông họ bao thế hệ đã từng đổ máu ,mồ hôi .lặn lội tìm đường để giành lại

    Trả lờiXóa
  21. THEO TPO - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định số 136/QĐ-TTG về: Ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Về nội dung lấy ý kiến, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải lấy ý kiến toàn bộ Dự thảo Hiến pháp năm 1992 (Gồm: Lời nói đầu, CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân...
    Theo tôi, đây là một bài góp ý sửa đổi Hiến pháp có chất lượng cao. Gs. Hoàng Xuân Phú nên gửi thẳng Ban tiếp thu ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp 1992, xem phản ưng ra sao.

    Trả lờiXóa
  22. Chúc anh sức khỏe. Bài viết của anh rất hay.

    Trả lờiXóa
  23. GS HXP oi7, tôi cũng là một TS, tôi quá hiểu rằng chúng ta là những nhà trí thức, thường rất ít quan tâm và đôi khi rất ghết tham gia bàn luận và đảm trách công việc liên quan đến chính trị. Nhưng gần đây XH VN quá "mất dạy", nhìn cảnh người dân bị chính chính quyền mình nuôi dưỡng dùng dùi cui súng ống đánh nhoi nhói, để cướp đất. Thực sự rất phẫn nộ và uất ức, lang thang trên mạng để chia sẻ nỗi đau cùng người dân, tôi đã tìm thấy các trang của GS và của TS Nguyễn Xuân Diện, đọc những bài của GS Phú tôi cảm nhận được những nỗi đau với người dân và uất ức của GS với một chế độ thối nát. Những điều khủng khiếp của một chế độ gây ra, một nền chính trị thối nát và ác ôn, đã làm chúng ta những người làm khoa học ko thể im lặng được nữa. Đọc các bài viết của GS, tôi nhận ra rằng có lẽ chính đây là nhân tố lãnh đạo tốt nhất cho một VN, tôi cũng là người ký bào các bản kiến nghị của 72 nhân sỹ, và tôi biết có cả GS, tôi vẫn mong 72 nhân sỹ và GS hãy đứng ra tuyên bố thành lập một đảng mới để cứu thoát đấ nước và người dân. Tôi tin, người dân sẽ ủng hộ GS và nhóm nhân sỹ. Kính thư.

    Trả lờiXóa
  24. Đây là bài viết của GS Phú từ hồi đầu năm, và đã được phổ biến rộng rãi ở các báo và blog ở nước ngoài. Đã lâu không thấy GS có bài viết (đăng trên Blog Ba Sàm) tôi hơi lo, không biết GS có bị... trù dập gì không?

    Mong ông luôn giữ được hào khí và dũng cảm, để cùng với các vị trí thức yêu nước (không yêu... nước lạ!) dẫn dắt dân tộc này vượt qua họa mất nước và kiếp nô lệ đang gần kề.

    Rất trân trọng và cảm ơn với những đóng góp của ông và của TS Diện!

    Trả lờiXóa
  25. Ba Cầu Muối, Saigonlúc 03:19 11 tháng 5, 2013

    Hai tử huyệt vẫn còn đó . Càng ngày huyệt đào xuống càng sâu , nó sẽ biến thành huyệt mộ . Đã đến lúc kiếm bia mộ cho nó thôi .

    Trả lờiXóa