Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

Lật chồng báo cũ: "GÁC TRANH CHẤP, CÙNG KHAI THÁC" = SẬP BẪY

BBC: VN sẽ cùng khai thác Biển Đông?


BBC


02:24 GMT - thứ sáu, 11 tháng 1, 2013 
Việt Nam không phản đối ý tưởng cùng thăm dò và phát triển nguồn lực ở các vùng lãnh hải tranh chấp, theo hãng tin Đài Loan Central News Agency.
Hãng tin này dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nói việc hợp tác như vậy với các nước láng giềng phải được thực hiện theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
Nhưng ông Nghị cũng được dẫn lời nói Việt Nam sẽ không hợp tác tại các vùng mà Việt Nam có chủ quyền.
Đây là điểm gây nhiều tranh cãi khi vùng mà các nước đòi chủ quyền trên Biển Đông chồng lấn và riêng Trung Quốc muốn sở hữu 90% vùng biển này.
Mặc dù hãng tin Đài Loan dẫn lời ông Nghị nói về khả năng hợp tác để cùng khai thác các vùng tranh chấp ở Biển Đông, trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam không nói gì tới chuyện này.
Bộ Ngoại giao dẫn lời ông Nghị trả lời câu hỏi về quan điểm của Việt Nam trước phản đối từ Trung Quốc và Đài Loan khi Luật Biển của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2013:
Ông Nghị nói: "Việc Việt Nam thông qua Luật Biển là việc làm bình thường và cần thiết của một quốc gia ven biển có chủ quyền, thành viên của UNCLOS 1982.
Luật Biển Việt Nam khẳng định rõ chủ trương của Việt Nam giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và các thỏa thuận, cơ chế liên quan, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực Biển Đông." 
'Việt Nam bất lợi'
Các nước có tranh chấp trên Biển Đông đã từng nói về chuyện gác lại bất đồng để cùng khai thác nguồn tài nguyên biển. 
Tuy nhiên chưa có dự án hợp tác khai thác nguồn lực nào diễn ra. 
Nhà nghiên cứu Biển Đông Dương Danh Huy bình luận với BBC về khả năng khai thác chung trên Biển Đông:
"[M]ặc dù Hoàng Sa là lãnh thổ trong tình trạng tranh chấp chủ quyền, Trung Quốc không chấp nhận là có tranh chấp, và không chấp nhận khai thác chung với Việt Nam"
Nhà nghiên cứu Dương Danh Huy
"Trên nguyên tắc thì khái niệm khai thác chung vùng có tranh chấp theo luật quốc tế, không khai thác chung vùng không thể có tranh chấp theo luật quốc tế, là quan điểm hợp lý.  
"Tất nhiên điều kiện tiên quyết cho việc khai thác chung phải là không được gây phương hại cho chủ quyền Việt Nam.
Ông Huy cũng nói Việt Nam vẫn có những bất lợi khi đồng ý cùng khai thác: .
"Thứ nhất, mặc dù Hoàng Sa là lãnh thổ trong tình trạng tranh chấp chủ quyền, Trung Quốc không chấp nhận là có tranh chấp, và không chấp nhận khai thác chung với Việt Nam.
"Thứ nhì, mặc dù Trường Sa là lãnh thổ trong tình trạng tranh chấp chủ quyền, và vì vậy trên nguyên tắc thì khai thác chung là có thể chấp nhận được, nhưng trên thực tế lý lẽ chủ quyền của Trung Quốc và các nước khác là yếu hơn của Việt Nam, cho nên khai thác chung sẽ là thiệt thòi cho Việt Nam hơn là đưa tranh chấp cho Tòa phân xử.
"Thứ ba, Trung Quốc chủ trương mở rộng vùng tranh chấp ra xa hơn luật quốc tế cho phép, lấn sâu vào những vùng biển không thể nào là vùng tranh chấp theo luật quốc tế. Nếu khai thác chung những vùng biển này thì chắc chắn là sẽ thiệt thòi cho Việt Nam."
Ngày 26.4.2011, tại Hội thảo quốc gia về “Tranh chấp chủ quyền tại biển Đông: Lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế".Tại hội thảo, GS Lê Văn Cương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Khoa học Công an - Bộ Công an, đưa ra 4 kịch bản cho tình hình biển Đông từ nay đến năm 2020. 

Một là, tình hình khu vực sẽ tốt hơn hiện nay nếu như các bên, đặc biệt là Trung Quốc, hành xử đúng theo những gì mình đã nói, đó là “tạo dựng biển Đông thành một vùng biển hòa bình và hợp tác”.

Hai là, tình hình sẽ cơ bản như hiện nay, quá trình hợp tác và đấu tranh tiếp tục và đan xen lẫn nhau.

Ba là, tình hình xấu hơn hiện nay, tức mặt xung đột, tranh chấp nhiều hơn hợp tác nhưng chưa có xung đột quy mô lớn.

Bốn là, xảy ra xung đột lớn.
Theo GS Lê Văn Cương, kịch bản thứ ba có khả năng diễn ra nhiều hơn nếu các bên không có những nỗ lực kịp thời. (Hết lời dẫn từ báo Người Lao Động).

Khi Tướng Lê Văn Cương phát biểu xong, đến lượt Ông Dương Danh Dy (Nguyên Tổng lãnh sự VN tại Quảng Châu) phát biểu cho rằng: Có một kịch bản nữa. Kịch bản thứ 5. Và kịch bản này sẽ thực hiện đầu tiên. Đó là "Gác tranh chấp, cùng khai thác". Và với kịch bản này thì rất dễ mắc mưu họ.  
Nguồn: tại đây.

Đinh Kim Phúc: Cẩn thận tránh lọt bẫy
Trung Quốc đưa ra nguyên tắc “gác tranh chấp, cùng khai thác” để đàm phán với các nước có tranh chấp trên biển với họ. Ông bình luận gì về quan điểm này?
+ Chủ trương này nghe qua có vẻ hòa hoãn nhưng thực chất đây là một xu thế tấn công trên bàn đàm phán, trong khi chờ “điều kiện chín muồi” để sử dụng sức mạnh.
Theo các chuyên gia về Trung Quốc ở Nhật, Trung Quốc một mặt chủ trương “giải quyết hòa bình” cuộc tranh chấp nhưng mặt khác lại củng cố chiếm cứ bằng sức mạnh quân sự; đàm phán song phương với nước có yêu sách về chủ quyền, phản đối việc giải quyết bằng thương lượng đa phương. Mặt khác, Trung Quốc đưa ra chủ trương “cùng nhau khai thác” tài nguyên đáy biển, “gác lại” vấn đề lãnh thổ với tiền đề Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo nhỏ, dãy đá ngầm khác là của Trung Quốc, với việc khư khư lập trường xem biển Đông là vùng biển “mang tính lịch sử”. Nói là “giải quyết hòa bình” để “cùng khai thác” bằng cách “gác lại tranh chấp” nhưng chính Trung Quốc là nước thực quyền chi phối các quần đảo này.
Vì vậy, nếu chấp nhận đàm phán với Trung Quốc theo phương thức này là lọt bẫy của họ; là thừa nhận một tiền đề nguy hiểm là Trung Quốc có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam.
Nguồn: tại đây.

6 nhận xét :

  1. Bẫy của kẻ thù thật nguy hiểm, nhưng thật may cho xã tắc còn có trung thần vạch trần âm mưu hiểm độc của kẻ thù . Nhưng liệu những vị đang nắm vận mệnh quốc gia có nhìn thấy hiểm nguy mà lái con thuyền quốc gia vượt qua sóng dữ hay không ? Chớ quá tin vào 4 tốt và 16 chữ vàng !

    Trả lờiXóa
  2. Biết đâu có kẻ rất thích"bẫy" vì dù sao có bẫy vẫn còn có cớ là"do mắt kém không nhìn thấy bẫy"còn hơn mang tiếng là kẻ đồng loã

    Trả lờiXóa
  3. Trung Quốc ngang nhiên phát hành "bản đồ mới về Biển Đông"
    (Dân trí) - Trung Quốc đã lần đầu tiên phát hành bản đồ ghi rõ các đảo ở Biển Đông trong động thái tiếp theo hòng chiếm giữ chủ quyền toàn bộ vùng biển này.

    Trả lờiXóa
  4. Một số báo Việt Nam khi tường thuật lễ tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh năm 1988 tại Trường Sa tiếp tục tránh nêu tên Trung Quốc.

    Ít nhất có hai báo mạng lớn là VnExpress và báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã có tường thuật về 'Lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu gìn giữ chủ quyền quần đảo Trường Sa năm 1988'.

    Tuy nhiên không thấy các báo này nói các chiến sỹ Việt Nam đã hy sinh khi chiến đấu với ai.

    Xem chi tiết bản tin tại BBC:

    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/01/130112_viet_media_china.shtml

    Trả lờiXóa
  5. Trung Quốc tiếp tục có động thái được cho là gây căng thẳng thêm ở khu vực khi công bố một bản đồ mới 'thâu tóm' tới hơn 130 đảo ở các vùng biển mà nước này đang tranh chấp, trong đó có Biển Đông và vùng biển tiếp giáp với Nhật Bản.

    Hiện chưa thấy có phản ứng chính thức của chính quyền Việt Nam, khi trên các trang mạng của Bấm Văn phòng Chính phủ và Bấm Bộ Ngoại giao không thấy xuất hiện một thông báo hay phản ứng chính thức nào về các nội dung của bản đồ kể trên liên quan các khu vực biển đảo mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

    Tuy nhiên, một số tờ báo của Việt Nam đã có phản ứng về các bản đồ mới của Trung Quốc.

    Bản tin chi tiết của BBC:

    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/01/130112_china_disputed_map.shtml

    Bản tin của RFI:

    http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130112-trung-quoc-phat-hanh-ban-do-dau-tien-voi-toan-bo-cac-dao-tren-bien-dong

    Trả lờiXóa
  6. Chiêu bài của TQ là: Đầu tiên, họ nói Biển Đông là của họ dựa trên "chủ quyền lịch sử". Sau đó, họ vẽ bản đồ toàn bộ toàn bộ thực địa Biển Đông. Song song với vẽ bản đồ, họ xua các lực lượng dân sự ra đấy đánh bắt, thăm dò dầu khí ... hoặc xua các nhà khoa học ra đấy để nghiên cứu đáy biển, thềm lục địa, nghiên cứu trữ lượng hải sản ... hoặc xua các lực lượng khác ra đấy để "hiện diện và hoạt động trên thực địa. Cứ như vậy, mưa dầm thấm lâu, tiến từng bước một... Và đến khi các "lực lượng" của TQ hiện diện đông nhung nhúc rồi thì cuối cùng là: TQ sẽ "biến thực tế trên bản đồ" thành "thực tế trên thực địa" tức là dùng vũ lực để lấy toàn bộ Biển Đông. Đối với Senkaku của Nhật họ cũng đang chơi bài như vậy. TQ đang xua các "lực lượng" ra đấy để bắt đầu tiến hành "hiện diện trên thực địa", nhưng Nhật Bản rất hiểu điều đó và chơi lại TQ rất rắn - như: xua đuổi tàu, xua đuổi máy bay, sẵn sàng bắn cảnh cáo ... Còn Việt Nam ta thì sao? Tôi vô cùng ngạc nhiên là chúng ta chả thấy có hành động gì khi TQ đang rất tích cực và quyết liệt tiến hành "hiện diện trên thực địa", vi phạm chủ quyền của nước ta. Có lẽ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước lại chơi bài "tặc lưỡi" - thôi, mất rồi thì thôi, vì TQ là Đồng chí tốt, là nước lớn, là láng giềng - kiểu như Đảng và Nhà nước tặc lưỡi cái vụ TQ cướp đảo Gạc Ma của chúng ta. Tổ tiên người Việt ơi, về đây mà xem họ đang làm gì.

    Trả lờiXóa