Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

"TỨ VẬT" - LỜI NGUYỀN TRONG DÂN GIAN


Thưa chư vị,

Sau nhiều năm ngao du đây đó, đi qua nhiều vùng đất, gặp gỡ nhiều kỳ nhân, tôi có được nghe những lời nguyền ghê gớm. Xin được hầu chuyện các vị về 4 lời nguyền “Tứ vật” (bốn điều chớ làm) còn gọi là “tứ bất”, "tứ mạc" mà tôi được nghe truyền miệng trong dân gian ở nhiều địa phương khác nhau. 

Tất cả những lời nguyền dưới đây đều là lời truyền miệng trong dân gian, không có lời nào do tôi hoặc ai đó bịa đặt ra.Và việc ghi chép lại đây chỉ nhằm trước là hầu chuyện, sau là để chư vị bổ sung các “tứ vật” nữa mà các vị được biết, hoặc các cách lý giải khác về các “tứ vật” dưới đây. 

1. Bắc Ninh tứ vật:

Vật giao Phù Lưu hữu
Vật thú Đình Bảng thê
Vật ẩm Đồng Kỵ thuỷ
Vật thực Cẩm Giang kê

 
(Chớ đánh bạn với người Phù Lưu
Chớ lấy con gái Đình Bảng làm vợ
Chớ uống nước làng Đồng Kỵ
Chớ ăn thịt gà Cẩm Giang)

 
2. Ứng Hoà tứ vật:
(tên huyện, thuộc Hà Tây cũ)
 
Vật thú Vân Đình thiếp
Vật giao Hoà Xá hữu
Vật thực Tử Dương kê
Vật thính Bài Lâm thuyết

 
(Chớ lấy con gái Vân Đình làm vợ bé
Chớ kết bạn với người Hòa Xá
Chớ ăn thịt gà Tử Dương
Chớ nghe lời người Bài Lâm)

 
3. Sơn Tây tứ mạc: 

Mạc tranh Đại Đồng trưởng
Mạc thú Tảo Thượng thê
Mạc giao Đông Sàng hữu
Mạc thực Mỹ Lương kê

 
(Chớ tranh trưởng với dân Đại Đồng
Chớ lấy con gái Tảo Thượng làm vợ
Chớ kết bạn với người làng Đông Sàng
Chớ ăn thịt gà Mỹ Lương)

 
4. Nghi Xuân tứ vật:
(một huyện thuộc Hà Tĩnh)
 
Vật hành Cương Gián lộ
Vật giao Mỹ Dương nho
Vật thú Tả Ao thê
Vật bằng Cộng Khánh hữu

 
(Chớ đi đường Cương Gián
Chớ giao du với nhà Nho ở Mỹ Dương
Chớ lấy con gái làng Tả Ao làm vợ
Chớ kết bạn với dân Cộng Khánh)

 
5. Thừa Thiên tứ bất:
 
Bất giao Nguyệt Biều hữu
Bất thú Dạ Lê thê
Bất ẩm Thạch Hàn thuỷ
Bất thực Lương Quán kê

(Chớ kết bạn với dân Nguyệt Biều,
Chớ lấy con gái Dạ Lê
Chớ uống nước ở Thạch Hàn
Chớ ăn thịt gà Lương Quán)

 
6. Quảng Nam tứ bất:
 
Bất giao Thừa Thiên hữu
Bất thú Quảng Nghĩa thê
Bất thương Bắc Hà khách (cổ)
Bất đấu Bình Định kê

 
(Chớ kết bạn với dân Thừa Thiên
Chớ lấy con gái Quảng Nghĩa (Ngãi) làm vợ
Chớ buôn bán với khách buôn Bắc Hà
Chớ chọi gà với dân Bình Định)

 
7. Hoằng Hóa tmạc:
(một huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa) 
Mạc giao Hoằng Nghĩa hữu
Mạc thú Nguyệt Viên thê
Mạc đả Bút Sơn kỳ
Mạc thương Quan Nội huyện

 
(Chớ đánh bạn với dân Hoằng Nghĩa,
Chớ lấy vợ Nguyệt Viên,
Chớ đánh cờ với người Bút Sơn,
Chớ buôn bán dân chợ Huyện).


Nguyễn Xuân Diện (sưu tầm)   

 

16 nhận xét :

  1. Kể cũng lạ thật . Thế con gái các nơi vừa kể có ế chồng không ? Không có tứ vật nào kể đến sư tử Hà Đông ? May quá , con gái Nam Bộ không chống ề !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. vậy thì, trâu ta ăn cỏ đồng ta - tục ngữ

      Xóa
    2. Thưa bác CD Sài Gòn. Hà Đông ở đây không phải thuộc Hà Tây của ta mà là thuộc đất Tàu. Tích này trong câu chuyện về Long Khâu Cư sĩ... Bác tìm hiểu thêm... Nhân đây đè nghị bác Tễu gọi là Ứng Hoà, Hà Tây chứ không gọi là Hà Tây cũ trong các trường hợp tương tự, e rằng sẽ đồng loã với việc bức tử Hà Tây của giới cầm quyền... Hà Tây địa linh, nhân kiệt... sẽ không mất đi dù chỉ là cái tên, mặc cho kẻ nào muốn đổi thay thế nào cũng vậy...

      Xóa
    3. May quá ! Nay thì Hà Đông, Hà Tây, Hà Bắc đều thuộc Hà Nội cả rồi . Chỉ còn Hà Nam thôi !

      Xóa
    4. Cô giáo:
      - Trò Tèo hãy kể 4 tỉnh xung quanh Hà Nội?
      - Thưa cô. Đó là Hà Đông, Hà Tây, Hà Nam và Hà Tiên ạ!

      Xóa
  2. Chào Bác Diện,
    Tiện thể đang ở trang này, em xin được gởi đến Bác trang mạng kèm theo đây. Mời Bác vào đọc xem có bổ ích gì không ?
    Xin thưa trước với Bác là trang này sẽ chẳng liên quan gì đến bài viết của Bác cả.
    http://www.thuviennguoiviet.com/
    Kính Bác,

    Trả lờiXóa
  3. Còn 4 câu này nữa:
    Bất đả Bình Phú chi nhơn
    Bất giao Thừa Thiên chi hữu
    Bất thú lưỡng Quảng chi thê
    Bất thương Bắc kỳ chi xứ
    nghĩa là:
    Không đánh nhau với người Bình Định, Phú Yên (vì họ giỏi võ)
    Không kết bạn với người Thừa Thiên (vì họ ...)
    Không lấy vợ hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi (vì phụ nữ 2 tỉnh này quản chồng chặt chẽ)
    Không buôn bán giao thương với dân Bắc kỳ (vì ...)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở đây có hai vấn đề cần giải nghĩa. Mộtlà: Tai một số nơi đàn ông phải "bất thú" vì đàn bà xứ ấy lẳng lơ, lấy làm vợ chỉ tổ mọc sừng, con người con ta lẫn lộn. Hai là , ở một số địa phương bạn đến làm khách không nên ăn thịt gà mà họ đãi, vì...thịt gà bạn ăn là thịt gà đi bắt trộm, nhiều người không biết xơi vào thì vừa ăn vừa nghe hàng xóm chửi !Còn đánh bạn hay không thì tự các bạn nghiệm xem nhé.

      Xóa
    2. Tui có nghe ba tui nói đến bài Tứ bất này. Bài này là do của dân Quảng Nam nói và vì thế câu thứ 3 giải thích như bạn Bình Dân có lẽ không khớp.
      Vì có câu Bất giao Thừa Thiên chi hữu thì ai cũng dễ nhận thấy người Quảng Nam không thích người Huế nhất trong tất cả vùng khúc ruột miền Trung đó. Tôi sẽ giải thích vì sao ở dưới. Thứ hai nữa nếu nói như thế thì người nói là ai?
      Ba tui giải thích thế này:
      Câu 1: như tác giả.
      Câu 2: như trên vì họ hay tính toán có lợi cho họ trong quan hệ.
      Câu 3: Nhị Quảng là Quảng Bình và Quảng Trị không phải vì quản chồng chặt mà có ý là quản đồng tiền của chồng. Tức họ hay ki bo nên mấy anh Quảng Nam chịu đời không thấu.
      Câu 4: Vì người Bắc Hà khôn lanh.
      Hic...Ba tui nói sao tui nói lại vậy chứ bạn của tui đủ loại người. Đừng ném đá mà tội tui nghe.

      Rồi có câu: Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay lo, Bình Định nằm co, Thừa Thiên dứt hết.
      Lẽ là vầy:
      Dân Quảng Nam gần Thủ Phủ nước An Nam là Huế là dân hiếu học nên thường hay đỗ đạt và hay được vua khen. Nhưng khi ra Huế thì cứ bị các anh Huế bắt nạt(thủ phủ mà) và sắp xếp chầu không như ý. Mà anh Quảng Nam thì khái tính nên cãi lại, cãi ở đây là ảnh kiện lên trên (nhưng người hay kiện cũng chứng tỏ là hay cãi-võ mồm không xong là ảnh chơi võ luật). Còn anh Quảng Ngãi không hiểu sao chuyện thi cử không tốt thế là cha mẹ giàu muốn con đỗ đạt và làm quan thì cũng ra Huế lo lót, anh Bình Định vì dính đến Tây Sơn nên nằm co là phải rồi. Túm lại, anh cãi hay kiện thì cũng tốn tiền, anh lo lót hiển nhiên tốn tiền rồi, anh nằm co muốn yên cũng đút lót. Vì thế mà anh Thừa Thiên là thủ phủ cũng dứt hết sạch.
      Vì nguyên nhân cãi kiện cáo và đè nén, bắt nạt của anh Thừa Thiên đối với dân Quảng Nam nhiều nên về sau người Quảng Nam cũng dần dần ghét anh Thừa Thiên. Và về sau này người Huế lại thường hay tản cư vào Quảng Nam họ lại biết tính toán, lo toan (dù gì cũng là dân thủ đô không như dân Quảng ăn cục nói hòn) nên ngay tại Quảng Nam họ làm ăn còn khá hơn người bản địa, do đó cái ghét càng lên cao. Thời gian này thì tôi thấy đỡ sự phân biệt này rồi. Cũng mừng.

      Xóa
  4. Sông Quê Êm Đềmlúc 17:42 21 tháng 10, 2012

    Còn quê tôi cũng có tứ vật (nhưng tôi chả nói địa danh của quê tôi đâu, hì hì)

    Vật giáo Hà Đông sĩ
    Vật thú Thúy Lâm thê
    Vật giao Đông Phan Hữu
    Vật đấu Cam Lộ kê

    Trả lờiXóa
  5. Hì hì, hôm nay bác Tễu cho tui... chê dân mình chút.

    Đọc những "lời nguyền ghê gớm" thế này, tự nhiên tôi nhớ tới những bài viết nói về "thói hư tật xấu của người Việt Nam" mà chúng ta có thể tìm thấy đầy trên mạng. Tôi nghĩ bây giờ mình sưu tầm lại được những lời nguyền như thế này là rất tốt, bởi đó cũng là những tư liệu quí giá để tìm hiểu xã hội ta xưa. Nhưng bản thân những lời nguyền kiểu này thì theo tôi, chúng có hại.

    Một trong những tật xấu của người Việt là óc định kiến, như kiểu chỉ thấy vài hiện tượng rồi qui nó thành bản chất, không có đức tính hoài nghi vốn cần thiết cho khoa học. Chẳng hạn, ngay cả bây giờ, cánh đàn ông chúng tôi đâu đó vẫn kháo nhau rằng... chớ lấy vợ Huế, hì hì, vì mấy bà vợ Huế có cái máu ghen kinh lắm! Cá nhân tôi đã có "kinh nghiệm thương đau" rằng lời khuyên đó là đúng, hi hi, ít là trong trường hợp mà tôi "bị".

    Nhưng tôi tự hỏi, gái Huế hay ghen là vì bản chất họ như thế, hay biết đâu chính cái định kiến lưu truyền trong dân gian lại vô tình làm gia tăng máu Hoạn Thư nơi họ? Có khi nào cái định kiến cứng nhắc của cộng đồng rốt cuộc lại làm các cô tin rằng mình như thế thật, và kết quả là khi đụng chuyện thì - như đã được lập trình - các cô bèn... ghen cho bõ ghét?

    Trả lờiXóa
  6. Nhìn sơ bộ: các vùng kia chỉ nói đến các làng/xã/huyện trong phạm vi tỉnh của mình.
    Riêng Quảng Nam thì mở rộng hơn: các cái "chớ" áp dụng cho các tỉnh.. bên ngoài QN. Đối với QN thì "OK":
    "Làm bạn với dân Quảng Ngãi
    Lấy gái Thừa Thiên-Huế
    Chọi gà với dân Bắc Hà
    Buôn bán (gà) với dân Bình Định"
    Tóm lại: Quảng Nam rủ thằng bạn Quảng Ngãi đi buôn gà Bình Định, đem đi chọi gà với dân Bắc, tiền thắng làm đám cưới với gái Huế!
    ..Thời gian sau
    - một trong "Tứ Bất" của dân Bắc Hà có câu:
    "Bất đấu Quảng Nam kê"
    - .. Huế:
    "Bất thú Quảng Nam phu"
    và Bình Định:
    "Chớ bán gà cho người Quảng Nam"

    Trả lờiXóa
  7. Những lời nguyền này xuất phát từ thói gành ghét đố kỵ nhưng thâm hiểm của người đời. Người đời đưa những cái hiện hữu để đánh đồng những cái mờ ảo xa xôi, khiến cho người nghe mặc nhiên tin theo. Hai vấn đề cay cú nhất là lấy vợ và kết bạn thường được nhắc trong lời nguyền: vì không lấy được gái làng đó, nó đẹp đẽ và khôn ngoan, không chời với người làng đấy vì nó giỏi giang, coi thường tứ chiếng.

    Quê tôi có 4 câu nguyền, chỉ nhớ 3, thiếu 1:

    Vật giao Côi Trì hữu
    Vật thú Nộn Khê thê
    Vật hành Yên Tế lộ.
    ...........

    :D

    Trả lờiXóa
  8. Tôi xin góp một lời nguyền (huyện Hoài Đức- Hà Đông )
    Vật giao La Phù hữu
    Vật thú La Giang (Dương ) thê
    Vật ẩm Ngãi Cầu tửu
    Vật thực Phú Đô kê !

    Trả lờiXóa
  9. Nhân đây cũng xin góp một vài câu nói về các "sản vật" ở một số địa phương (xin Tễu mở thêm chuyên mục này )
    1-Rau Ngô Đạo,
    Gạo Cốc Lương
    Giường Thu Thủy
    Đĩ làng Đan.
    2- Gà Tò, lợn Tó, vó Vạn Đồn, Low Cổ Am .

    Trả lờiXóa
  10. Gái Đình Bảng rất ít người lấy chồng thiên hạ.Câu ca chỉ mang tính địa giới còn thì không đúng đâu.

    Trả lờiXóa