Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2019

GIÁO SƯ NGÔ ĐỨC THỌ - NGƯỜI TRUYỀN LỬA CHÍ SỸ


GIÁO SƯ NGÔ ĐỨC THỌ - NGƯỜI TRUYỀN LỬA CHÍ SỸ
 
(Lời vĩnh biệt GS. Ngô Đức Thọ)

Anh chị em chúng tôi tề tựu ở đây, ngoài một số ít là học trò, còn lại là những người đồng chí, người bạn vong niên đã kết thân với Giáo sư trong một hoàn cảnh khá đặc biệt.

Số là vào đầu mùa hè năm 2011, giới chóp bu cầm quyền trong Đảng CSTQ (Trung Cộng), với hành động hai lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam – những hành động vô cùng hỗn xược – đã báo hiệu một cơn nguy biến mới cho đất nước và cho giống nòi Việt Nam.

Một số công dân mẫn cảm và dũng cảm đã xuống đường bày tỏ sự phẫn nộ đối với nhà cầm quyền Trung Cộng, đồng thời cũng cảnh báo cho toàn dân Việt Nam về một thảm kịch mất nước có thể xảy ra nếu không kịp thời chặn đứng bàn tay kẻ xâm lược. Trong số những công dân ấy, có Giáo sư lão thành Ngô Đức Thọ. Hình ảnh Giáo sư xuống đường đã gây xúc động mạnh đối với chúng tôi cũng như đối với nhiều người khắp từ Nam chí Bắc. Vì Giáo sư không chỉ là một nhà khoa học có uy tín mà còn cháu nội của một nhà chí sỹ lớn: cụ Ngô Đức Kế

Với tính cởi mở, khoan hòa, đặc biệt là tinh thần dấn thân mãnh liệt, Giáo sư nhanh chóng trở thành người đồng chí, người bạn vong niên thân thiết của chúng tôi.

Chúng tôi nhớ mãi những mùa hè đầu tiên xuống đường, năm 2011, khi ấy Giáo sư đã bảy mươi sáu tuổi nhưng vẫn còn khá săn chắc. Đôi mắt sáng, nụ cười tươi, vô cùng hiền hậu khi gặp bạn bè nhưng cũng rực lửa đấu tranh khi đối diện với lực lượng đàn áp.

Chúng tôi nhớ mãi hình ảnh Giáo sư trong cuộc biểu tình ngày 1/7/2012 để phản đối Trung Cộng rao bán 9 lô dầu khí của Việt Nam, một cuộc biểu tình lớn và nảy lửa căm giận khiến lực lượng đàn áp cũng phải mềm dẻo hơn mọi lần. Hôm ấy Giáo sư nhanh nhẹn lạ thường, lúc chạy lên đầu hàng để chụp ảnh, lúc lại chạy xuống cuối để chỉnh đốn hàng ngũ. Khi đoàn biểu tình sắp đến sứ quán Trung Quốc, Giáo sư chạy lên đầu hô thật to: “Đả đảo Trung Quốc xâm lược!” ba lần liền, thật là mãnh liệt.


Chúng tôi nhớ mãi trong cuộc biểu tình ngày 5/8/2012, sinh viên Đào Lê Tiến Sỹ bị bắt và sau đó có nguy cơ bị nhà trường “xử lý”, Giáo sư đã viết một bức thư tâm huyết gửi Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội để bảo vệ cháu. Giáo sư nói rằng rất vui và rất vinh dự vì chiếc máy in màu đắt tiền mới tinh vừa mua thì bản in đầu tiên là bức thư này, có dán cả ảnh màu kèm theo. Giáo sư còn tự tay đi gửi bưu điện.

Chúng tôi nhớ mãi ngày 9/12/2012, mấy chục người chúng tôi bị bắt đưa sang giam tại “Trại Lưu trú Lộc Hà” bên Gia Lâm. Chúng tôi bị ép buộc lăn tay, bị cắt mọi nguồn liên lạc, tưởng như bị hoàn toàn cô lập, ấy thế mà, giữa chiều đông ảm đạm ấy, Giáo sư bắt taxi sang đón chúng tôi. Và riêng Đào Tiến Thi, Giáo sư còn có thơ tặng:

Chúng bắt anh rồi, Đào Tiến Thi
Biểu tình yêu nước tội tình chi?
Hô vang phản đối quân xâm lược
Bành trướng khôn hồn hãy cút đi!


Trên lĩnh vực ngôn luận, Giáo sư cũng rất hăng hái. Giáo sư tham gia ký các kiến nghị, tuyên bố, thư ngỏ của giới trí thức, viết bài bình luận thời sự. Tuổi cao nhưng Giáo sư sử dụng khá tốt máy vi tính và mạng internet. Giáo sư lập facebook để giao lưu, chia sẻ tin tức thời sự hằng ngày. Giáo sư mở blog để đăng các bài báo khoa học, góp phần khai dân trí. Những bài Giáo sư viết trên blog vừa có giá trị học thuật cao, vừa có giá trị thời sự, vì luôn gắn bó mật thiết đến các vấn đề nóng bỏng của đất nước. Đặc biệt, trong số đó có một số bài về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Giáo sư đưa ra những chứng cứ xác đáng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.


Chúng tôi vẫn nhớ mãi những lần đến thăm Giáo sư tại tư gia. Tuổi già và bệnh tật khiến Giáo sư mỗi ngày thêm chậm chạp, nhưng Giáo sư luôn dành quyền tự tay tráng ấm pha trà. Với bạn bè, đồng chí, Giáo sư hết sức cởi mở, nhưng khi nói đến nhiều vấn đề của đất nước, Giáo sư không kìm được bức xúc. Lại có khi Giáo sư vô cùng buồn bã.

Chí sỹ Ngô Đức Kế mất năm 1929, chắc cụ cũng không thể hình dung tám mươi năm sau, gánh tồn vong của đất nước lại đặt trên vai người cháu nội của mình khi người cháu ấy đã bước vào tuổi tám mươi.

Khẳng khái, can trường và dấn thân vì nghĩa lớn là những phẩm chất thường thấy ở thế hệ các chí sỹ đầu thế kỷ XX. Giáo sư có đủ các phẩm chất ấy, giống như ông nội của mình. Ở tuổi tám mươi, sức khỏe suy giảm mỗi ngày một nhanh. Tuy vậy, Giáo sư đã làm tất cả những gì có thể làm được.

Cô giáo Trần Thị Lam, một người đồng quận với Giáo sư, đau đớn than thở dân tộc ta bốn nghìn năm vẫn không chịu lớn. Quả là như vậy. Đất nước hôm nay cũng không thể sản sinh ra những con người lẫm liệt như các chí sỹ đầu thế kỷ XX. Nhưng giống như những đống tro tàn mà Giáo sư là một trong những người giữ lửa, trong ấy vẫn còn những hòn than bé nhỏ; khi cần, chỉ một hòn than bằng hạt đỗ cũng đủ để nhóm lại cả bếp lửa. Cô giáo Trần Thị Lam cũng là một ngọn lửa.

Trong giờ phút đau thương này, chúng tôi càng tâm niệm, dù ít ỏi, dù nguy hiểm, chúng tôi sẽ tiếp tục ấp ủ những đốm lửa yêu nước thương nòi mà Giáo sư đã truyền lại. Chúng tôi tin tưởng lửa sống của dân tộc sẽ có ngày được thắp sáng, dân tộc Việt Nam sẽ có ngày sánh vai cùng nhân loại văn minh, tiến bộ.
Xin cúi đầu vĩnh biệt Giáo sư.

(Đào Tiến Thi và các thân hữu Hà Nội của Giáo sư Ngô Đức Thọ).
 



 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét