Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

BẢO TÀNG HÀ NỘI: CÔNG TRÌNH KHỦNG NHẤT, TAI TIẾNG NHẤT

Bảo tàng Hà Nội: 

Công trình “khủng” nhất, tai tiếng nhất

Thứ bảy, 08/10/2011,

GiadinhNet - Tổng vốn đầu tư xây dựng trên 2.000 tỷ đồng, gần 800 tỷ đồng cho chi phí đầu tư nội dung trưng bày...


Bảo tàng Hà Nội là một trong những công trình tiêu tiền "khủng" nhất trong số các công trình được gắn biển chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, đây cũng là công trình được nhắc tới nhiều nhất về sự lãng phí và xuống cấp.

Cứ mưa là dột
Phòng họp tại Bảo tàng Hà Nội bị ngập nước (ảnh chụp ngày 8/8/2011). Ảnh do bạn đọc cung cấp

Ngày 6/10, trao đổi với chúng tôi, một cán bộ (đề nghị không nêu tên) thuộc bộ phận kỹ thuật thường trực tại Bảo tàng Hà Nội (Ban quản lý dự án Bảo tàng Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội) nói: "Bây giờ nếu mưa to thì vẫn có nước vào các tầng hầm do bị hắt qua các khe thoát khí (các ô cửa lấy khí tươi vào các phòng máy). Chúng tôi đang đề nghị tư vấn thiết kế bổ sung thêm một số giải pháp để ngăn mưa hắt vào".

Theo cán bộ này, trong quá trình xây dựng và vận hành bảo tàng, mọi sự cố bất thường đều được khắc phục xử lý ngay. Việc thấm, dột đã được nhà đầu tư tìm ra nguyên nhân và có giải pháp cụ thể và cũng đã khắc phục. Tuy nhiên, đó chỉ là những sự cố nhỏ và nguyên nhân là do chưa có bộ phận vận hành nên mới để xảy ra các sự cố như trên.

Vị cán bộ này cũng cho biết, ngay từ khi bàn giao công trình (6/10/2010) bộ phận kỹ thuật đã đề nghị Bảo tàng Hà Nội tổ chức bộ máy vận hành nhưng cho tới giờ họ vẫn chưa làm được. Ngoài ra, tất cả những vấn đề về kỹ thuật vận hành thiết bị máy móc tại bảo tàng vẫn do Vinaconex (nhà thầu xây dựng) chủ động làm, do bảo tàng vẫn chưa có bộ phận tiếp nhận quản lý máy móc thiết bị.

Mặc dù ở bộ phận kỹ thuật tại hiện trường, nhưng khi chúng tôi hỏi thông tin về việc ngập nước tại phòng họp ngày 8/8/2011 thì vị cán bộ này nói: "Tôi không nắm rõ, tôi sẽ tìm hiểu anh em xem. Đúng là bộ phận kỹ thuật hiện trường thì ở Bảo tàng nhưng không phải lúc nào tôi cũng trực, có những lúc chúng tôi đi tập huấn không có nhà chẳng hạn". Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị được xem phòng họp nhỏ, nơi có hư hỏng thì được biết không có chìa khóa mở cửa phòng.

Cũng vẫn câu hỏi về việc phòng họp bị ngập nước ngày 8/8/2011, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết, vẫn chưa chính thức nhận bàn giao công trình và kỹ thuật xây dựng cũng không biết. Và cũng như những lần tiếp xúc trước đó, ông Hùng "chuyền bóng" sang bộ phận khác: "Tốt nhất các anh hỏi Ban dự án, họ có phòng thường trực đặt tại Bảo tàng,  sang đó cho thông tin chính thống".

Sau 9 năm mới có thể "bày"

Ngay sau Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đã có nhiều ý kiến về việc lãng phí của công trình Bảo tàng Hà Nội. Ngay người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi đó (nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc) cũng cho rằng, Bảo tàng Hà Nội là một sự lãng phí bởi Hà Nội đang có rất nhiều vấn đề phải giải quyết như nhà ở cho người thu nhập thấp, hệ thống giao thông... cấp bách hơn nhiều.

Trên thực tế thì sự lãng phí của Bảo tàng Hà Nội cũng được thể hiện rất rõ khi sau gần 1 năm khánh thành mới có quyết định phê duyệt Hồ sơ thiết kế tổng thể nội dung trưng bày của UBND thành phố (ngày 9/9/2011). Theo quyết định trên, thời gian từ khi chuẩn bị đến khi thiết kế thi công hoàn chỉnh phần nội dung trưng bày mất đúng 9 năm. Cụ thể, giai đoạn chuẩn bị từ tháng 5/2005 đến 1/2010, giai đoạn thiết kế và thi công từ tháng 10/2010 đến tháng 12/2014.

Việc chưa có được thiết kế tổng thể nội dung trưng bày nên từ sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng đến nay, tại nhiều khu trưng bày của Bảo tàng Hà Nội luôn trong tình cảnh "vườn không nhà trống", không có hiện vật trưng bày và số lượng người tham quan thưa thớt. Tại khu trưng bày ngoài trời còn nghèo nàn hơn, ngoài những chậu hoa cây cảnh trang trí chỉ có chiếc xe tăng...

Nói về việc trưng bày, ông Nguyễn Văn Hùng cũng thừa nhận phải nỗ lực lắm thì năm 2014 mới hoàn thành theo như phê duyệt, bởi sau phê duyệt tổng thể, quản lý dự án mới tổ chức mời thầu thiết kế chi tiết và sau đó mới thi công... Ông Hùng cũng cho rằng, đã qua Đại lễ nên không còn "căng thẳng về tiến độ nữa nên cứ theo trình tự để làm".
.
Diễn biến sự xuống cấp Bảo tàng Hà Nội
Ngày 19/5/2008, khởi công xây dựng Bảo tàng Hà Nội.
Ngày 6/10/2010, công trình được khánh thành và gắn biển chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ngày 11/5/2011, Báo GĐ&XH đăng bài phản ánh tình trạng xuống cấp.
Ngày 17/5/2011, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc giao Sở VH, TT&DL kiểm tra, xử lý giải quyết vấn đề Báo GĐ&XH nêu.
Ngày 7/6/2011, Ban tuyên giáo Thành ủy tổ chức giao ban báo chí về công trình Bảo tàng Hà Nội. Tại cuộc giao ban, những đơn vị liên quan thừa nhận thông tin Báo GĐ&XH nêu là đúng.
Ngày 4/7/2011, Báo GĐ&XH tiếp tục thông tin hiện tượng ngập nước tại tầng hầm.
Ngày 14/7, tại phiên chất vấn (kỳ họp thứ 2 HĐND TP Hà Nội khóa XIV), đại biểu Hồ Quang Lợi (Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy) đã đề nghị cần làm rõ trách nhiệm về sự xuống cấp của 2 công trình đại lễ là Bảo tàng Hà Nội và Công viên Hòa Bình…
Võ Hải
Nguồn: Gia đình.net.

2 nhận xét :

  1. Theo thông tin đáng tin cậy, hiện nay công việc "nuôi" cái nhà khổng lồ này rất tốn kém: chi phí vệ sinh khoảng 300 triệu/tháng; chi phí điện khoảng 800 triệu/ tháng;tiền bảo dưỡng thì rất khủng...trong khi đó nó chưa phát huy được cái gì!

    Trả lờiXóa
  2. Tất cả là tiền thuế của dân cả đấy, mồ hôi và nước mắt của người lao động sao lại lãng phí quá ta!

    Trả lờiXóa