Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

TRÍ THỨC LẠI KIẾN NGHỊ VỚI LÃNH ĐẠO VIỆT NAM

Trí thức lại kiến nghị với lãnh đạo VN

Cập nhật: 11:10 GMT - thứ ba, 7 tháng 8, 2012

Các trí thức tham gia biểu tình chống Trung Quốc năm 2011

Nhóm nhân sỹ trí thức hàng đầu Việt Nam lại gửi thư ngỏ lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước hoan nghênh Luật Biển và bênh vực bất đồng chính kiến. 

Đây là lần đầu tiên có ý kiến công khai đề cập bất đồng chính kiến về chính trị, điểu mà Chính phủ Việt Nam luôn bác bỏ tồn tại ở trong nước với lập luận "không có tù chính trị, chỉ có người vi phạm pháp luật bị trừng phạt".

Thư ngỏ với chữ ký của 71 nhà khoa học, nhà nghiên cứu và hoạt động xã hội nổi tiếng cả ở trong nước lẫn ở hải ngoại cũng kêu gọi "chấm dứt các hành động trấn áp, quy kết tùy tiện đối với người dân biểu tình yêu nước".

Trong số những người ký tên có các nhân vật như cựu Thứ trưởng Chu Hảo, TS Nguyễn Quang A, Lê Đăng Doanh, GS Tương Lai, Hoàng Tụy, Giám mục Nguyễn Thái Hợp, nhà văn Nguyên Ngọc, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh...

Bức thư ký ngày 6/8 được gửi tới Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ Việt Nam, cũng như Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam. Hiện chưa rõ phản hồi của các bên nhận thư ngỏ.

Trước đây, các nhân sỹ trí thức này đã gửi hai thư khác vào tháng 7/2011 và tháng 9/2011 với tựa đề 'Bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay' và 'Cải cách toàn diện để phát triển đất nước' để đóng góp ý kiến với lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Lý do để họ gửi thư ngỏ thứ ba là vì nhận định Bắc Kinh "đã đi được những bước quan trọng trong việc thực hiện mưu đồ chiến lược bá quyền của họ, nhằm làm cho Việt Nam suy yếu, chịu khuất phục hay lệ thuộc vào Trung Quốc". 

Hoan nghênh Luật Biển

Các nhân sỹ trí thức ngỏ lời 'hoan nghênh và đánh giá cao' Luật Biển vừa được Quốc hội thông qua và cho rằng "sau một thời gian bị kìm hãm, báo chí nước ta đã được cất tiếng nói phê phán thẳng thắn, mạnh mẽ và kịp thời những chủ trương và hành động sai trái của Trung Quốc".

Tuy nhiên, để Luật Biển đi vào cuộc sống, họ kiến nghị thống nhất tên gọi Biển Đông Nam Á cho các nước khu vực Asean, đồng thời "mong Nhà nước công bố trước nhân dân ta và nhân dân thế giới thực trạng quan hệ Việt - Trung", nhất là giải thích về bối cảnh ra đời, nội dung thực chất và giá trị pháp lý của công hàm mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958 về Biển Đông nhằm "bác bỏ dứt khoát mọi xuyên tạc từ phía Trung Quốc".

Thư ngỏ khẳng định "Việt Nam có chính nghĩa" và cần kêu gọi sự ủng hộ của các quốc gia trên trường quốc tế.

Những người ký tên trong lá thư cũng đề xuất tiến hành cải cách sâu sắc, toàn diện về chính trị, tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh cải cách các lĩnh vực khác.

Thư viết: "Nhân dân ta rất quan tâm tới việc sửa đổi Hiến pháp để tạo cơ sở cải cách thể chế chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền".
"Điều có thể làm ngay để biểu thị quyết tâm cải cách chính trị hợp lòng dân là chấm dứt các hành động trấn áp, quy kết tùy tiện đối với người dân biểu tình yêu nước; trả tự do cho những người bị giam giữ vì bất đồng chính kiến, chỉ công khai bày tỏ quan điểm chính trị của mình mà đã và đang bị kết án hình sự."(Thư của các nhân sỹ trí thức)
"Trong việc bảo đảm thực hiện các quyền hiến định về tự do, dân chủ, cần nhấn mạnh quyền tự do kinh doanh, quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, quyền được thông tin, quyền lập hội, quyền được tự do bày tỏ thái độ chính trị thông qua các cuộc biểu tình ôn hòa."

Các vị trí thức cho rằng việc biểu tình phản đối Trung Quốc góp phần hỗ trợ tích cực cho cuộc đấu tranh ngoại giao và "động viên ý chí bảo vệ độc lập, chủ quyền của dân tộc".

Đáp lại quan ngại rằng các cuộc biểu tình chống Trung Quốc có thể bị lợi dụng để chuyển thành biểu tình chống chính quyền, bức thư viết "chính quyền nước ta cùng với ý thức làm chủ của nhân dân ta hoàn toàn có đủ khả năng bảo đảm các cuộc biểu tình phản đối hành động xâm lược, bành trướng của Trung Quốc diễn ra ôn hòa, trật tự, đúng mục đích".

Thư ngỏ kêu gọi chấm dứt ngay hành động trấn áp, quy kết tùy tiện đối với người dân biểu tình yêu nước và "trả tự do cho những người bị giam giữ vì bất đồng chính kiến, chỉ công khai bày tỏ quan điểm chính trị của mình mà đã và đang bị kết án hình sự".

Bức thư kết thúc bằng khuyến nghị: "Chúng tôi mong các nhà lãnh đạo đất nước đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, nỗ lực thực hiện trách nhiệm nặng nề trong tình thế hiểm nghèo, không phụ lòng mong đợi của nhân dân".

Nguồn: BBC Tiếng Việt. 

Tễu: Kiên trì thật! Gửi bao nhiêu thư từ, kiến nghị không được một hồi âm nào, kể cả cái phiếu xác nhận đã nhận thư và cảm ơn đã góp ý , vậy mà vẫn cứ gửi! 

7 nhận xét :

  1. mMong có một hội nghị thật rộng rãi.để các nhà trí thức có thể bày tỏ chính kiến . Hãy chấm dứt việc bắt bớ bỏ tù những người có ý kiến ôn hoà vì muốn đất nước tốt hơn.

    Trả lờiXóa
  2. 2 Bản kiến nghị lần trước (7-11;9-11)cũng như bản kiến nghị 8-12 đều là những ý kiến hết sức đúng đắn sáng suốt thể hiện tầm nhìn, trí tuệ đỉnh cao của những bộ óc tinh hoa người việt trước hiện tình đất nước. Có thể ví như những bản nhạc ĐẶC SẮC, TINH TẾ, BẤT HỦ.!Tiếc rằng số phận của nó cũng giống như đàn gảy tai trâu.!!!

    Trả lờiXóa
  3. Thật nể phục những con người rất đáng trân trọng này. Họ không sợ các mối nguy hiểm mà chính quyền có thể gây ra cho họ. Lịch sử sẽ tôn vinh họ !

    Trả lờiXóa
  4. Ủng hộ các nhà trí thức! Ủng hộ nhà văn Nguyên Ngọc! cháu đã đọc tác phẩm Đất Nước Đứng Lên của Bác. Mong rằng tinh thần ấy vẫn luôn hiện hữu và bùng cháy trong mỗi người dân Việt Nam

    Trả lờiXóa
  5. Tôi mong rằng quí vị tri thức nên cho đông đảo đồng bà con kí tên. Tôi sẽ kí mà không sợ bất cứ sự trù dập hà hiếp của chính quyền với tôi.

    Trả lờiXóa
  6. Hãy chấm dứt đi!lúc 14:22 8 tháng 8, 2012

    Tôi không thể hiểu nổi tại sao một chính thể luôn cho mình là của dân, do dân và vì dân mà lại sợ sệt những người có quan điểm khác họ đến như vậy.

    Không thể chấp nhận kiểu gây khó khăn, quấy rối, gây áp lực, theo dõi, đàn áp, thậm trí bắt bớ, bỏ tù những người có chính kiến khác ban lãnh đạo của một quốc gia.

    Sự khác nhau về tư duy và tranh đấu hòa bình là chuyện bình thường của thế giới ngày nay.

    Chính thể càng làm những điều sai trái như hiện nay thì chỉ chứng tỏ rằng chính thể đang cầm quyền không đàng hoàng, thoái hóa, biến chất quá mức, vi phạm dân chủ và nhân quyền nên mới sợ hãi nhân dân và dùng bạo lực để đàn áp người đấu tranh bất bạo động nhằm lấp liếm đi những xấu xa của họ.

    Hãy chấm dứt cách tư duy lỗi thời và những hành động không thích hợp với thời đại đi.

    Đừng làm trò cười cho thế giới nữa.

    Trả lờiXóa
  7. Chính quyền nghe trí thức? Xin đợi mùa quýt sau.
    Được thế đã chả phải khổ thế này, đã chả còn gì phải nói!

    Trả lờiXóa