Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2022

NHÂN TẾT ĐOAN NGỌ (5/5 ÂM LỊCH), XIN KỂ VÀI CÂU CHUYỆN

Chuyện về Tết Đoan Ngọ
Đỗ Đức

Ngày mồng 5 tháng 5, gọi là tết Đoan Ngọ. Những ngày này trời thường oi nồng. Trước đây vào ngày này, ông lang vườn thường dậy trước 5h sáng đi hái cây thuốc. Đến chỗ có cây thuốc phải căm hơi (nín thở) cách cây thuốc 7 bước chân. Hái cây thuốc xong rồi ra 7 bước mới được thở. Làm như thế thì thuốc khi dùng mới hiệu nghiệm.

Có lần tôi đã thấy bố cắt về cả một lượm lúa, bó gọn rồi gác gác bếp. Hạt thóc lấy ngày hôm ấy được sao rang cháy xém rồi đun sôi làm nước uống chữa cảm sốt.

Những nhà có cây ăn quả như mít, bưởi, dâu da... đã lớn mà chưa ra hoa trái người ta thường cho trẻ con sắp sắn cái vồ gỗ để canh gốc. Tinh mơ, đứa lặng lẽ trèo lên cây, đứa kia vác vồ lẩm bẩm câu chú chúng tự nghĩ ra: Dâu dả dâu da, ra quả cho bà, không bà đánh chết...Mồm nói, tay vung vồ đập mạnh gốc cây. Đứa trên cây ra giọng sợ hãi: xin bà nhẹ tay, năm nảy năm nay, con xin ra quả.

Tưởng chuyện đùa nhưng khảo gốc khá hiệu nghiệm. Thường là sau khi bị gõ trầy da rách vỏ thì năm ấy cây trổ hoa. Nhà anh rể tôi có cây dâu da trên sáu năm không ra quả bị hai đứa con khảo vào ngày 5 tháng 5, thế là cuối hạ hoa trổ dày như lộc vừng. Năm ấy bói mà có đến dăm chục kí quả. Những năm tiếp theo cây ra quả đều đều. Nhiều nhà cũng đi khảo mít bưởi khế đều hiệu nghiệm.

Lời hứa của đứa bé trèo trên cây giả làm lời của cây hứa với chủ nhân ở gốc xem ra hiệu nghiệm hơn lời hứa của các ngài bộ trưởng trước Quốc hội.

Với dân gian, cây cối cũng có chữ tín dù nó chẳng được ai dạy dỗ làm người!

Nguồn: FB Đỗ Đức.

Bài đọc thêm:

Thử diệt mụn cơm (mụn cóc) vào ngày 5-5
Nhân Hòa

Ngày nay, việc chữa trị mụn cơm (mụn cóc, vùng tôi gọi là ránh) trên người đã có nhiều phương cách hiệu nghiệm, nhưng cũng không quá rẻ và đơn giản. Cách đây trên 5-60 năm thì không. Hồi ấy, ai mách thế nào thì làm thế hoặc tự sáng kiến!.

Tôi bị một mụn cơm (ránh) ở ngón giữa tay trái, phía ngón áp út. Rất khó chịu và bất tiện. Nào là dùng dao cắt gọt, dùng hạt tía tô cuốn giấy đốt, nào là bôi nhựa pin… Đau lặng người, nhiễm trùng, sưng vù cả tháng. Đâu vẫn hoàn đấy. Rồi thì mụn mẹ đẻ mụn con lốm đốm trên các ngón khác và mu bàn tay.

Một ngày mùa Xuân, có một bà bán chè búp dong ngang qua. Ông tôi xem hàng để mua. Tôi tò mò ngồi cạnh hóng hớt. Tình cờ bà bán chè thấy cái ránh (mụn cơm) trên tay tôi, bà bảo: đến đúng ngày 5 tháng 5 này, cháu cho tay vào rá đỗ (đậu) xanh, xát đi xát lại một lúc. Đừng cho ai biết. Khỏi đấy!. Tôi đáp, thế ạ!, bụng thì chả tin lắm. Đã có không ít người mách, và tôi đã không ít lần chịu đau, chịu cháy khét. Tuy thế vì nó đơn giản với vùng quê có bãi bồi trồng đỗ (đậu), lại vô hại, tôi lẳng lặng lưu tâm, thử nghiệm. Đến đúng ngày 5 tháng 5 (Âm lịch), tôi vào buồng khép hờ cửa, sục tay vào rá đỗ, (hình như khoảng nửa cân), xát lấy xát để một lúc, khoảng dăm mười phút rồi thôi. Đúng là không ai biết, và tôi làm xong cũng quên khuấy. Bẵng đi một thời gian (chả nhớ bao lâu), chả hiểu sao, tôi không hề nghĩ gì đến cái mụn cơm. Rồi một ngày xòe tay ra nhìn, mụn cái, mụn con lặn hết sạch. Gần 60 năm qua cũng không thấy cái nào mọc lên.

Ngày 5 tháng 5 (Âm lịch) ở ta là ngày ‘giết sâu bọ’, ngày xưa thuộc loại Tết lớn. Ở Trung quốc có Tết Đoan Ngọ, gắn với sự tích Khuất Nguyên nước Sở, can vua u tối không nổi, ôm đá nhảy xuống sông Mịch La chết chìm. Ngày trùng nhau nhưng cội nguồn chả có liên đới gì. Dân ta xuất phát từ trải nghiệm của chính mình. Giới nhà Nho làm sang, thích gọi nó theo tên Tàu Đoan Ngọ. Trong dân gian có nhiều truyền khẩu về hái thuốc. Đại thể, các loại cây thuốc, lá thuốc (dâu, ngải cứu, sen, vông, mã đề, cối xay…) hái vào lúc mặt trời mọc ngày 5-5 là tốt nhất vì tích lũy được cả Âm Dương trời đất. Có tài liệu lại nói, hái thuốc vào giờ Ngọ là tốt nhất vì Dương khí mạnh nhất, công lực mạnh nhất. Chưa làm thực nghiệm, không dám khẳng định đúng sai. ‘Len lét như thằn lằn mồng năm’ thì có lẽ đúng rồi. Ngày ấy, tôi chả thấy con rắn hay thằn lằn nào phơi nắng. Chúng trốn biệt tăm. Việc tôi xát đỗ xanh diệt sạch mụn cơm vào ngày 5-5 là sự thật, nhưng không tuyệt đối hóa, không loại trừ các yếu tố khác. Ví dụ, biết đâu đó là kết quả tích lũy của bôi nhựa pin, đốt hạt tía tô… tôi đã làm trước đó. Rồi có nhất thiết phải xát đỗ xanh vào mụn cơm đúng ngày 5-5? và có nhất thiết phải không ai biết?. Mọi kết luận đều phải thực nghiệm khoa học, công phu, không thể cẩu thả như mấy ông…, thực nghiệm đâu hỏng đấy nhưng vẫn khẳng định, cách làm của họ là tốt nhất.

Tôi thấy kinh nghiệm này không nguy hại, xin ghi lại, nếu ai tò mò thì thử nghiệm.

Nhân Hòa.
*Bài do tác giả gửi trực tiếp cho Tễu-Blog.
___________________

Tễu:  Liên quan đến Tết Đoan Ngọ, Tễu được nghe kể Giáo sư Hoàng Xuân Hãn có nghiên cứu về Tháp Bút và Đài Nghiên ở Hồ Hoàn Kiếm: hàng năm, cứ đúng giờ Ngọ (12h00) thì bóng ngọn Tháp Bút sẽ chấm vào giữa Đài Nghiên. Và mỗi năm chỉ một khoảnh khắc ấy. 

Tễu chưa tới Tháp Bút vào lúc 12h ngày Đoan Ngọ, và cũng chưa tìm được đoan văn, bài báo hoặc sách có công bố nghiên cứu ấy của Cụ Hoàng Xuân Hãn. Nếu có vị nào biết được, xin chỉ giùm! Đa tạ! Đa tạ!


16 nhận xét :

  1. Hồi còn nhỏ mình cũng từng phải trèo cây cau để mẹ khảo đấy ;)

    Trả lờiXóa
  2. Không biết căn cơ nào mà nhà tôi "khảo gốc" cây mít, năm ấy cho trái ê hề.
    Nếu lòng yêu nước, lòng tự ái dân tộc mà khảo được thì cũng rủ nhau ra khảo nhỉ?

    TH

    Trả lờiXóa
  3. Hay quá! Đọc bài trước của bác Lê Thái Dũng, tôi đã rất thích thú với tục "khảo cây lấy quả", giờ lại được nghe bác Đỗ Đức và các bác kể thêm. Xin cóp lại đoạn này ở bài trước, đặt vào đây ngay dưới bài của bác Đỗ Đức, để xem có điều gì lạ bật ra trong con mắt quan sát của thế hệ chúng ta:

    "... tục khảo cây lấy quả được tiến hành đúng giờ Ngọ (12 giờ trưa). Một người leo lên cây, một người đứng dưới gốc cầm dao tra hỏi tại sao cây ra ít quả (hoặc không ra quả), nếu cứ như vậy sẽ bị chặt hạ. Người trên cây giả giọng van xin, hứa trong mùa tới sẽ ra thật nhiều quả. Sau đó người ở dưới hỏi số lượng quả mà cây sẽ sinh trưởng, người phía trên đại diện cho cây trả lời nhiều hay ít tùy theo loại cây và ước vọng của người trồng…"

    Điều tôi chú ý nhất là sự "giả giọng" (@ Lê Thái Dũng), sự "ra giọng", sự "tinh mơ, đứa lặng lẽ trèo lên cây, đứa vác vồ lẩm bẩm câu chú tự nghĩ ra" (@ Đỗ Đức)... Có gì đó rất giống điều mà ngành trị liệu tâm lý hiện đại gọi là Kịch Tâm Lý hay Tâm Kịch (Psychodrama) - một liệu pháp độc đáo, mạnh mẽ, hiệu nghiệm, không chỉ nhắm riêng vào hành vi hay tình cảm hoặc lý trí của thân chủ, mà tác động trực tiếp vào tận các tầng sâu tâm lý... Các nhân vật của vở kịch chơi trò "nhập vai" một cách hết sức hồn nhiên, đã đời, thật mà đồng thời rất chơi; chơi mà đồng thời rất thực...

    Bác Đỗ Đức nhắc đến các cuộc chất vấn ở Quốc Hội làm tôi lại nhớ thêm ra một "kiểu Tâm Kịch" khác mà - sự trùng hợp ngẫu nhiên chăng? - dân chúng ta vẫn hay "chơi" hàng năm gần ngày Tết: các vở kịch hài Táo Quân chầu Trời. Các vở kịch hài trong mục Gặp Gỡ Cuối Năm trên sân khấu đó, các bác thấy có tác dụng trị liệu gì cho xã hội chúng ta không nhỉ? Tôi thì thấy có. Một liều thuốc thú vị, cả nước cùng cười, các bác lãnh đạo cũng cười. Chơi chơi thế mà lại ăn tiền! Khảo cây như đùa thế mà lại cho ra quả thật!

    Trả lờiXóa
  4. Thế thì tối nay TS Lâm Khang đã nhuộm móng tay (bắng lá móng-lá đó giã nhỏ bcoj vào đầu ngón tay qua đêm) cho con gái chưa?

    Trả lờiXóa
  5. Nhiều sự tích dân gian nhưng trong đó có cơ sở khoa học của nó mà người xưa thường nói bóng gió dưới màu sắc mê tín, dị đoan!

    Trả lờiXóa
  6. E rằng nhận xét của cụ Hoàng Xuân Hãn không chính xác.
    Nhìn trên bản đồ (http://wikimapia.org/#lat=21.030839&lon=105.853327&z=19&l=38&m=b)ta thấy Tháp Bút nằm hướng chính Đông so với Đài Nghiên. Vào lúc 12h trưa, mặt trời đứng bóng, muốn vật này đổ bóng lên vật kia thì chúng phải nằm cùng trên trục Bắc-Nam. Cụ thể ở Hà Nội thì Tháp Bút phải nẳm chính Bắc so với Đài Nghiên thì 12h ngày 5/5 âm lịch nó mới (có thể) đổ bóng lên Đài Nghiên được!

    Trả lờiXóa
  7. Xin phép Tiến sĩ cho cho chia sẻ bài này ạ! Chân thành cám ơn!

    Trả lờiXóa
  8. Sao phải ăn tết đoan ngọ? Chuyện của người tàu ,sao lại bê vào cho mình ? Ăn nhậu say xỉn vào ngày này rất phổ biến ở nông thôn, tai nạn giao thông nhiều cũng thường xảy ra vào ngày này . Phải giảm dần rồi bỏ hẳn. Phải thoát Trung thôi.

    Trả lờiXóa
  9. Tại sao không lấy ngày Hai Bà Trưng nhảy xuống sông Hát tuẩn tiết,thay cho ngày ngày 5/5 âm lịch ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ý kiến của bạn Nặc danh này thật tuyệt vời.

      Xóa
  10. đúng ngọ hôm nay tất cả 90 triệu người dân Việt, đều nghĩ chiếc giàn khoan HD981 chìm xuống biển khơi. thì nó sẽ chìm

    Trả lờiXóa
  11. Nhật Tân hựu Nhật Tânlúc 16:40 2 tháng 6, 2014

    Tết 5 tháng 5 AL bà con ta làm những cái bánh trôi hình cái GK 981 rồi xơi tái nó đi để nó chừa ; Đừng nhớ gì cái anh Tầu đó nữa ! Đừng gọi là Tết Đoan Ngọ nữa . Thay vì giết sâu bọ thì ta giết cái GK 981

    Trả lờiXóa
  12. Khảo cây thì có khác gì kỹ thuật thiến đào,đảo quyaats hat thiến cành cho cành nảy hoa đâu.các cụ xưa thường hay bí hiểm hóa kinh nghiệm để con cháu theo đó mà nghiêm túc thực hiện,vậy thôi.

    Tỷ như các cụ dạy muốn giàn trầu không bị chết,ban đêm mà phải ra hái lá trầu thì phải dùng que đập nhẹ vào giàn trầu rồi độc câu:Trầu ơi ta là chủ ,xin hái vài lá...nhưng thực ra làm vậy để trên giàn trầu nếu có rắn lục,mà loại này rất thích ngậm vào đuôi lá trầu để uống sương và leo lên giàn trầu bắt côn trùng,nếu không đánh động mà thò tay hái lá trầu rất dễ bị rắn lục giật mình cắn chết.

    Hay như trước cửa nhà các cụ thường trồng ít cây rau thơm,riêng con đàn bà con gái được sai ra hái rau thơm,nếu không ngồi xuống để hái mà cứ cúi lom khom thì rau húng sẽ biến thành bạc hà hay sẽ héo chết...như thế vì sợ rau thơm quý của cụ chết mà các cháu gái đều phải ngồi xuống để hái nhưng thực ra khi khách đang ngồi trong nhà,con gái mặc váy chổng mông hái rau thơm ngay trước sân khác gì...chổng đít vào mặt khách,rất khó coi và bất nhã.

    Còn hái thuốc vào 5/5 là rất khoa học,cây vào tiết giưa hè này sẽ rất đậm các tinh chất có tác dụng chữa bệnh.Ngày 5/5 nên gọi là ngày CHIẾT SÂU BỌ như các cụ tương truyền là chuẩn mực hơn cả,hoa quả chín vào mùa này đầy hương vị bổ dưỡng vừa có chứa các tinh chất kháng khuẩn(vì quả chín vào mùa vi khuẩn phát triển mạnh,tự chúng sinh chất bảo vệ) ,rất tốt cho sức khỏe.

    Trả lờiXóa
  13. Kinh nghiệm diệt (mụn cóc) của tôi

    Khi xưa, tôi có 1 mụn cóc gây bao khổ sở. Cắt, đốt đều không hết. Tôi nghe theo lời mách dùng vôi ăn trầu (vôi sống?) đắp lên cái mụn cóc cho đến khi nó tự tróc ra. Khỏi hẳn. Có thể áp dụng cách này cho bất cứ ngày giờ nào.

    Đỗ Chí Việt

    Trả lờiXóa
  14. Tôi thấy có người mình đầy mụn cơm. Các cụ bảo, chỉ cần nín thở đi xung quanh và sờ vào quan tài, vừa khấn thầm xin gửi thì sẽ khỏi. Người đó làm theo và thấy hiệu nghiệm.

    Trả lờiXóa