Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

ĐÊM CUỐI TUẦN CÙNG ĐỌC TÙY BÚT CỦA NỮ SĨ KIM ANH


Rau xuân
Tùy bút của Kim Anh

Tôi lớn lên bên dòng sông Đuống, con sông chở nặng phù sa bồi đắp nên những đồng bãi màu mỡ suốt dọc đôi bờ.

Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh …

Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc[1]

Còn nhớ mỗi độ xuân về, đồng bãi ven sông mướt mát màu xanh của ngô non, tôi bấy giờ mới là cô bé 12 -13 tuổi, cắp cái rổ tre cùng chúng bạn len lỏi trong những ruộng ngô tìm hái rau dại mọc đầy dưới những gốc ngô. Loài rau dại mùa xuân ngon nhất trên đồng bãi với tôi hồi đó có lẽ là rau muối. Rau muối là loại cây thân nhỏ với những chiếc lá hình thoi viền răng cưa xanh xanh tim tím, mặt dưới lá bám đầy những hạt li ty như bụi muối, có lẽ vì vậy mà thành tên.

Mùa xuân rau muối mọc đầy đồng bãi, non mởn, chỉ hái một lúc đã được một rổ đầy. Hồi đó mỗi khi hái rau về, tôi thường ngồi trên chiếc ghế con đặt rổ rau trước mặt rồi thích thú sục đôi tay của mình vào mà vầy mãi để đến khi rút tay ra, trên đôi bàn tay bám đầy những bụi muối ly ty óng ánh.

Mới đấy mà bao nhiêu năm tháng đã trôi qua! Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể quên được cảm giác mát lạnh mềm mướt như nhung lụa của lá rau bao bọc lấy đôi tay thiếu nữ của mình và mùi vị ngòn ngọt chan chát hăng hăng của món canh rau muối.

Mấy năm nay, chừng như biết người phố thèm nhớ những món quê mùa dân dã, vào độ tháng hai tháng ba, dân quê lại hái rau muối bó thành từng bó đem lên Hà Nội bán. Lần đầu nhìn thấy, tôi không thể đừng được, mua về một ôm rồi một mình ngồi trên chiếc ghế con nhặt từng ngọn nhỏ cho đầy một rổ, khe khẽ lùa đôi bàn tay đã bắt đầu khô héo vào đám rau mềm mại tìm lại cảm giác xưa để chợt thấy lòng rưng rưng buồn!

Rau muối xưa đem nấu canh chỉ với vài hạt muối cũng đã thấy ngọt đậm đà. Nay tôi nấu cùng tôm nõn, hoặc ngao, ngon lạ lùng, chồng con chan húp đến giọt cuối cùng. Hôm trước đọc bàiviết về gây trồng phát triển các loài rau dại của giáo sư Lân Dũng, tôi rất thích nhưng lại lo, lo bởi rồi đây khỉ rau muối được gieo trồng chăm bón theo kiểu công nghiệp, có lẽ rồi lại chỉ đành ngồi nghĩ về rau muối như một hoài niệm, ước sao có được hương vị rau muối hoang dại ngày xưa[2].

*****

Trên những bãi ngô non mùa xuân ấy, còn một loài rau dại nữa mà lũ con gái chúng tôi tìm hái đó là rau khúc. Ôi chao rau khúc, loài rau mà mỗi khi nhắc đến sẽ làm xao xuyến bất cứ ai từng được nếm món bánh khúc đích thực được làm từ nó.
Rau khúc là loài cây dại mọc là là mặt đất, từ thân đến lá đều có một lớp lông trắng mịn màng khiến nó mang màu xanh ngọc. Cứ từ sau khi gặt xong vụ mùa là rau khúc bắt đầu mọc hoang trên khắp cánh đồng, nhưng phải đúng vào sau tết mới là lúc rau khúc ngon nhất. Những cánh lá khúc nếp mỡ màng bóng ngời dưới mưa xuân rây rây. Lũ con gái chúng tôi bấy giờ, má đỏ hây lên vì rét, ngón tay lạnh cứng mà vẫn cố tìm cho được rau khúc nếp, nhặt cho đầy chặt rổ mới chịu về. Tôi còn nhớ sau khi hái rau về, tôi và chị gái loay hoay nhặt rửa sach sẽ, để ráo nước, cho vào cối đá giã nát rồi trộn với bột nếp rắc chút muối nhào thành một thứ bột mịn màu xanh lục, sau đó dùng đậu xanh đã ngâm đãi kỹ đồ chín xào với mỡ nước để làm nhân. Mấy chị em tôi ríu rít ngồi nặn bánh trong căn bếp nhỏ. Vỏ bánh màu xanh lục, bọc lấy viên nhân đậu vàng bóng thành những chiếc bánh xinh xinh. Xong xuôi bánh được xếp vào chõ sành đồ lẫn với gạo nếp. Khi bánh chín, mùi thơm hăng hắc của rau khúc quện với mùi thơm của nếp cái, của đỗ xanh tỏa lan khắp nhà. Cái bánh khúc quê xưa thật mộc mạc thanh tao, chỉ nhỏ bằng quả bóng bàn, xanh đậm màu rau khúc chín, bám bên ngoài là những hạt xôi nếp trắng trong căng mọng thơm lừng. Bột nếp cái trộn chút bột tẻ cho đỡ nát kết hợp với rau khúc khiến vỏ bánh vừa dẻo vừa dai vừa dòn vừa thơm, vị béo bùi của đậu xanh xào mỡ nước chỉ như điểm thêm cho vị bánh đậm đà hơn. Người xưa ăn bánh khúc như để thưởng thức mùa xuân vậy. Chẳng như loại bánh bán ở phố cho người bây giờ ăn, chán không buồn nói! Chả thế mà bánh khúc ngày xưa được vua Trần Nhân Tông coi như quốc hồn quốc túy, đem ra thết đãi sứ thần nhà Nguyên vào tết mùng ba tháng ba. Ngài còn tự hào khoe rằng:
Bánh rau xuân bày trên mâm ngọc
Đó chính là phong tục cổ của nước Nam.

Sách Tề dân yếu thuật, một cuốn sách của người Trung Quốc viết vào thế kỷ thứ VI cũng cho biết, người Giao Chỉ lấy rau này về làm bánh.

Vậy bánh khúc là loại bánh cổ truyền có lịch sử rất lâu đời của người dân đồng bằng Bắc bộ, hay là ta lại xin chi chục tỷ làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa ẩm thực của Việt Nam chăng!
Tháng Hoa Đào.

[1] Thơ Hoàng Cầm
[2] Theo Đông y, rau muối vị mặn, tính ấm, mùi thơm, điều hòa các khí, làm thông ấm tỳ vị. Người ta đã phân tích cây rau muối thấy lá và thân chứa nhiều muối chlorua natrium và acid oxalic. Rau muối dùng làm rau ăn giúp tiêu hoá tốt, lại có thể dùng làm thuốc trị đau bụng, phong lở, đau răng, đầu gối và bàn chân sưng nhức.

*Bài viết do tác giả Kim Anh gửi riêng Tễu Blog. Xin cảm ơn tác giả!


8 nhận xét :

  1. và rao "Khúc đê..."lúc 21:33 5 tháng 2, 2012

    ánh khúc hay xôi khúc, xôi cúc là loại bánh có nguồn gốc từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, làm từ lá rau khúc, gạo nếp, nhân đậu xanh, thịt lợn mỡ. Bánh thường được làm vào mùa rau khúc - dịp tháng 2, tháng 3 Âm lịch.

    Ở Hà Nội, bánh thường được rao bán vào các buổi tối, người bán (thường là nam) đội thúng bánh trên đầu đi dọc các phố và rao "Khúc đê..." với một âm điệu rất đặc biệt.

    http://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%A1nh_kh%C3%BAc

    Trả lờiXóa
  2. vì sao tôi ra đi ngày rau khúc chưa tàn…lúc 21:41 5 tháng 2, 2012

    Không còn gì cho tôi khóc sớm nay ngoài cánh đồng rau khúc
    Sương dâng hương chõ xôi mùa cuối của bà tôi

    Tôi khóc những mùa rau khúc
    thiêng liêng phủ đầy mưa xuân như phủ đầy cám nếp

    Nơi giấu vùi hơi thở của bà tôi

    Tôi khóc những mùa rau khúc,
    tôi đã thiếp đi bên miếng bánh của mình.

    Tôi khóc em của tôi mười mấy năm vẫn còn ngơ ngác
    Trước câu hỏi vì sao tôi ra đi ngày rau khúc chưa tàn…

    http://www.tinmoi.vn/ldquoToi-khoc-nhung-canh-dong-rau-khuc-026127.html

    Trả lờiXóa
  3. Về thưa mẹ, hái những mùa rau khúc.lúc 21:48 5 tháng 2, 2012

    Mùa rau khúc

    Bạn băng qua những làng mạc ngàn ngạt gió đông mang những mùa rau khúc tặng con gái tôi ngày đầu năm mới.
    Những mùa rau khúc vùng sông Đáy, từng hít thở hơi lạnh ngày đông khắc nghiệt. Những cây rau khúc lần đầu con gái tôi nhìn thấy, hiện lên như những loài cây thần tiên câu chuyện cổ tích.


    Ôi, những mùa rau khúc sống bền bỉ ráo riết cùng sương muối gió tây, rồi viên mãn trong mùa đông định mệnh.

    Người muốn nói điều gì, loài thảo mộc hoang dại nằm sát đất, đón nhận đầy mình thiên khí, những cành lá mềm mại nhỏ xíu run rẩy hân hưởng mùa đông dằng dặc.

    2.

    Bạn tôi tóc thưa, râu bạc

    Ba mươi năm đi đó, đi đây

    Về thưa mẹ, hái những mùa rau khúc.

    Kéo ngang trời những cánh đồng sông Đáy

    Kìa, những chiếc nụ bé xíu nhú lên như những hạt tấm

    Kiên nhẫn đợi mùa xuân về

    Trả lờiXóa
  4. Chưa ăn, chỉ đọc thôi đã thèm chảy cả nước miếng...

    Chẳng biết cái bánh khúc tác giả kể ở đây có bà con gì với xôi khúc trong miền nam không nhỉ ?

    Dài ngày với sự kiện 5 tháng Giêng đầy bức bối.

    Đọc những dòng tùy bút của tác giả Kim Anh, thấy nhẹ nhõm lâng lâng lắng đọng hương vị Xuân chưa qua
    hết...

    Tuy nhiên cuối bài viết tác giả lại cho tôi cái vị đắng chát của "háo danh" khó nuốt quá.

    TH

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tớ mở Google ra tìm thì thấy có hình đủ các loại rau muối, rau khúc, bánh khúc. Thích quá vì giờ đọc bài này mới hiểu ra. Hình như bánh khúc, xôi khúc, xôi cúc là những tên khác nhau của cùng một loại bánh đó bác ạ, cả ở Bắc lẫn Nam, nhưng trong miền nam ít thấy hơn phải không?

      Bài viết rất hay, rất cảm động. Riêng cái chỗ "hay là ta xin chi chục tỷ..." ở cuối bài, tớ nghĩ là tác giả cố tình nói khôi hài đó chứ. Tác giả "trêu" cái thói háo danh hão đó mà! Cám ơn nữ sĩ Kim Anh nhiều lắm.

      Xóa
  5. Bài viết dung dị, đời thường, nhưng làm người đọc cảm động vì tấm lòng chân thực bình dị nhưng chất chứa bao hoài vọng của tác giả và của những ai ước mong sự bình yên, thanh thản trong lòng trong cuộc đời . Ươc mong bình dị đó bao giờ mới có thể thành hiên thực ? Nghe nhói đau trong tim ! Cảm ơn tác giả, cảm ơn anh Diện vì bài viết .

    Trả lờiXóa
  6. Em ngồi nhặt rổ tần ô,
    Thơm lừng cúc đóa, lá tô tím ngần
    Cà chua trộn lẫn rau tần
    Mân cơm thanh đạm hương xuân ngọt ngào

    Trả lờiXóa
  7. Nhớ bánh khúc Bắc Hà mà giờ đây kiếm khắp Saigon cũng khó thấy . Vì bây giờ làm gì còn rau khúc bên bờ sông Đuống . Lại có cái màu xanh giả màu xanh rau khúc . Một lần nghe có người qua đường rao bán bánh khúc . Mua thử và ăn thử ! Lỡ mua rồi không lẽ bỏ đi . Nhưng chỉ một lần thôi !

    Trả lờiXóa