VỀ CUỐN SÁCH CHỮ NÔM HỘI ĐỒNG TỨ GIÁO
Võ Phương Lan - Nguyễn Ngọc Quỳnh
Trong công cuộc truyền đạo Thiên Chúa vào Việt Nam, chữ Nôm là một phương tiện mà các nhà truyền giáo đã sử dụng khá nhiều. Những văn bản chữ Nôm của đạo Thiên Chúa còn lại đến ngày hôm nay mang đến những thông tin quý giá rất đáng được nghiên cứu.
Cuốn sách chữ Nôm Hội Đồng Tứ Giáo (HĐTG), ký hiệu AB 305, hiện lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sách in mộc bản, khổ 25 x 14. Trang đầu tiên có dòng chữ Hán viết tay Kỷ Dậu niên, quý đông, thượng huyền nhật. Trang sau là dòng chữ in lớn Hội Đồng Tứ Giáo. Trang tiếp giữa có dòng chữ Thiên Chúa giáng sinh nhất thiên bát bách lục thập thất tải (Thiên Chúa giáng sinh năm 1867), phía bên trái có dòng chữ nhỏ hơn Chủ giáo Nhược Sắt Chiêu sở san truyền tử (Chủ giáo Nhược Sắt Chiêu san định và cho khắc bản). Bản photocopy gồm 75 trang. Các trang đều chia thành 9 hàng dọc, mỗi dòng khắc được 30 chữ, chữ khắc đẹp, rõ ràng, có thể đọc được toàn bộ.
Nội dung sách thuật lại một cuộc tranh luận của Thiên Chúa giáo với Tam giáo vào nửa cuối thế kỉ XVIII tại xứ Đàng Ngoài.
Bối cảnh dẫn tới cuộc tranh luận.
Đời vua Lê Cảnh Hưng, chúa Tĩnh Đô vương (Trịnh Sâm, ở ngôi chúa 1767 – 1782), có bắt được hai thầy cả (nhà truyền giáo), một thầy phương Tây, một thầy người Việt đem giam tại Kho Bành, Kẻ Chợ. Khi ấy có một viên quan lớn (nhà quan Sáu) là chú của chúa Tĩnh Đô vương. Mẹ của ông ta là Đức Thượng Trâm, quê ở Hải Dương vốn đã theo đạo (Thiên Chúa), thường khuyên con chịu đạo. Song vì bên nhà Chúa lại: “kính thầy chùa, bà vãi, cùng chuộng bên phù thuỷ pháp môn”, nên nhà quan vẫn chưa quyết theo đàng nào. Để chiều lòng mẹ, một ngày viên quan cho đòi đại diện của Tam giáo đến dinh cùng Tây sĩ (nhà truyền giáo) tranh luận về cái lý của tôn giáo mình trước mặt ông. Tam giáo gồm Nho sĩ, thầy Pháp sư, thầy Hoà thượng đại diện cho Nho giáo, đạo Giáo, Phật giáo (từ dùng trong văn bản là đạo Nho, đạo Lão Tử, đạo Thích Ca). Hai thầy cả (Tây sĩ) đang bị giam cũng được đưa đến. Các vấn đề được Tây sĩ chủ động đề nghị tranh luận là:
1- Nguồn gốc con người? (Nhân chi bản nguyên sinh tự hà lai?)
2- Con người hiện sống trên thế gian phải như thế nào? (Nhân chi hiện tại tại thế hà như?)
3- Cuối cùng khi chết con người đi về đâu? (Nhân chi cứu cánh tử vãng hà sở?)
Để đảm bảo thời gian rộng rãi cho các đạo có thể trình bày cặn kẽ lý lẽ của mình và việc tranh luận giữa các đại diện, viên quan đã cho phép mỗi câu hỏi được trình bày trong một buổi.
Mỗi buổi các đại diện Nho, Đạo, Thích, Thiên Chúa lần lượt trình bày. Trên thực chất là Tây sĩ lần lượt tranh biện với từng đại diện của tam giáo theo các câu hỏi mà Tây sĩ đã đề nghị. Có thể ghi tại tóm tắt những vấn đề được đề cập đến sau đây.
Câu đầu tiên hỏi về nguồn gốc con người
(Nhân chi bản nguyên sinh tự hà lai?)
Tây sĩ lần lượt tranh luận với Nho sĩ về Thái Cực, âm dương, ngũ hành, tranh luận với thầy Pháp về khái niệm Đạo là nguồn gốc của vạn vật, với thầy Hoà thượng về Hư vô, Phật tính cùng những phép thần thông của đức Phật. Sau đó Tây sĩ trình bày việc Đức Chúa Trời sáng tạo muôn loài trong sáu ngày và chứng minh tính phổ quát của Thượng đế.
Câu thứ hai: con người hiện sống trên thế gian phải như thế nào?
(Nhân chi hiện tại thế hà như?)
Nho sĩ trình bày tám bước nhận thức và hành động của nhà Nho (Cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ), việc thờ Thượng đế, quỷ thần, tế Lục tông (mùa, mặt trời, mặt trăng, mưa nắng, sao, núi sông) và đạo đức Nho giáo (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Tây sĩ tranh luận với Nho sĩ về quan niệm bản chất Thượng đế, quỷ thần, việc thờ các lực lượng tự nhiên. Họ cũng tranh luận về khí và sự bẩm thụ khí của con người, đạo đức và sự lành dữ, thuyết Thiên mệnh và việc thờ cúng Khổng Tử.
Thầy Pháp nói đến Vô vi. Nhưng ở đây tinh thần Vô vi đã bị hiểu (hay trình bày) một cách thô thiển: “Chớ làm gì, chớ có ý gì, chớ phân biện” nên dễ dàng bị Tây sĩ bác bỏ với tư cách là một thái độ sống. Họ cũng tranh luận về việc thờ cúng Thái Thượng Lão Quân, Ngọc Hoàng Thượng Đế, mười hai vị Hành khiển.
Thầy Hoà thượng trình bày về Ngũ đức (bố thí, giữ chay, chịu nhục, tu đức, thành thật) và Ngũ giới (sát sinh, ăn trộm, tà dâm, nói dối, uống rượu) của nhà Phật, về Lục đạo (Phật, trời, thần, người, thần dông dài, cầm thú côn trùng). Tây sĩ chỉ ra những mâu thuẫn, tính vô lý có thể xảy ra khi con người luân hồi trong Lục Đạo.
Đến lượt mình Tây sĩ trình bày tính chất con người với tư cách là tạo vật của Chúa, mười điều răn của Chúa (kính Chúa trời trên hết, không lấy tên Chúa ra thề dối, giữ ngày Chúa nhật, thảo kính cha mẹ, chớ giết người, chớ tà dâm, chớ trộm cướp, chớ đổ vạ cho người, chớ muốn vợ chồng người, chớ tham của người) bảy phép (phép rửa tội, phép xức trán, phép Mình Thánh Chúa, phép giải tội, phép truyền chức thánh, phép hôn phối).
Sau khi Tây sĩ trình bày xong, Nho sĩ chất vấn. Tây sĩ cho rằng, đạo đức của Khổng Tử chưa phải là phổ quát mà Khổng Tử cũng được bẩm thụ đạo tự nhiên của Thiên Chúa mà thôi. Tây sĩ theo yêu cầu của Nho sĩ nói về các thiên thần, về quỷ Luxiphe, các vị thánh. Nho sĩ thắc mắc về việc đạo Thiên Chúa cấm thờ đa thần, Tây sĩ trình bày quan điểm của mình: chỉ có Thượng đế mới xứng đáng thờ phụng, còn con người cao quý hơn tất cả sự vật khác, không nên hạ mình lạy lục những sự thấp kém hơn mình, ông ta đả kích việc thờ quỷ thần tràn lan, vì sợ hãi mà thờ, thờ cả các dâm thần trong dân chúng.
Sau đó Nho sĩ, thầy Hoà thượng và Tây sĩ tranh luận về cái chết của Chúa Giêsu, Tây sĩ đã giải thích những hiểu lầm và trình bày ý nghĩa cái chết của Chúa Giêsu, về tội tổ tông của loài người.
Tiếp đến Nho sĩ thắc mắc về chuyện Maria sinh con mà vẫn đồng trinh. Tây sĩ không những đã rất khéo léo giải đáp vấn đề nan giải này mà còn ca ngợi thành công sự rất thánh của Đức Mẹ.
Sau đó Nho sĩ đã trình bày đạo vua tôi, đạo cha con. Tiếp theo họ tranh luận về việc thờ cha mẹ khi còn sống và lễ tang cha mẹ. Tây sĩ nói về linh hồn và thể xác con người theo nhãn quan Thiên Chúa Giáo và cho rằng việc thờ linh hồn người quá cố theo cách tam giáo chỉ là hư văn.
Câu thứ ba: Cuối cùng khi chết con người đi về đâu?
(Nhân chi cứu cánh tử vãng hà sở?)
Nho sĩ trình bày cái chết trên quan điểm Nho giáo: khi chết xương thịt về với đất, huyết dịch về với nước, hồn khí về trời, không khác gì với cầm thú cỏ cây. Tây sĩ nghi ngờ như vậy thì không có được sự thưởng phạt cho các linh hồn đã từng làm lành hay làm dữ khi còn sống hay sao?
Thầy Pháp sư nói về sự sống bất tử, tu tiên. Tây sĩ bác bỏ bằng cách chỉ ra rằng tất cả các đạo sĩ hàng đầu của Đạo giáo chẳng ai còn sống đến nay.
Thầy Hoà thượng nói về nước Phật và địa ngục sau khi chết, việc tụng kinh Bảo Đường dẫn dắt linh hồn người chết đến đất Phật, miêu tả phép Phá ngục cứu linh hồn người chết của Phật giáo. Tây sĩ chỉ ra những điều vô lý trong những lễ nghi ấy.
Đến lượt Tây sĩ, ông nói về linh hồn thiện ác, trình bày Tứ chung (sự tử, sự phán xét, địa ngục, thiên đường) của Thiên Chúa giáo. Đặc biệt ông miêu tả kỹ địa ngục, ngày phán xử cuối cùng và ý nghĩa ngày ấy. Ông cũng trình bày về thái độ của tín đồ Công giáo đối với sự thưởng phạt của Chúa trời.
Trong suốt cuộc tranh luận nhà quan giữ im lặng, ông chỉ lên tiếng khi tranh luận xong một vấn đề, nhận xét của ông ta luôn cho là Tây sĩ có lý hơn ba thầy kia.
Theo các chuyên gia nghiên cứu Thiên Chúa giáo, vào khoảng giữa thế kỉ XVIII, ở Việt Nam xuất hiện một loại sách mới, viết theo một loại văn mới, tạm là loại văn “bút chiến”. Gọi là văn “bút chiến” là vì nếu bây giờ cho in và phổ biến thì chắc là không thiếu người vội cho rằng đạo Kitô cố ý tranh biện với các đạo khác. Thực ra loại văn “bút chiến” đây không có mục đích bút chiến như ngày nay. Nó chỉ để lưu hành nội bộ, nhằm mục đích giúp cho người mới theo đạo được bền chí giữ đạo trong tình trạng khó khăn của thiểu số, hiểu rõ giáo lý, biết nó khác đạo mình theo khi trước mình theo như thế nào viết cách trả lời khi có người hỏi. HĐTG rất có thể là một trong số những cuốn sách đó. Có lẽ nó đã tồn tại cho đến thời Tự Đức, năm 1867 được khắc in lại, và đó là bản chúng ta hiện có.
Những cuộc tranh luận trên tuy chỉ là giả định, không phải nhằm mục đích tranh luận mà chỉ để củng cố đức tin cho những tín đồ đầu tiên trong hoàn cảnh thiểu số khó khăn, nhưng ở đây ta cũng nhận được phần nào những khía cạnh xung đột và hội nhập của Thiên Chúa Giáo, đôi khi được thể hiện khá bất ngờ như đoạn thầy Hoà thượng nói về Đức Chúa Giêsu sau:
“Thầy Hoà thượng nói rằng: Chưa biết chuộc tội cho thiên hạ hay chuộc tội cho mình. Vì thủa xưa, Đức Phật Thích Ca và Đức Chúa Giêsu là hai anh em, Đức vua cả Ngọc Hoàng trên trời sinh ra, mà Đức Phật Thích Ca có nhân hậu từ bi đẹp lòng vua cha lắm, nên được làm tiên phật, được ngồi toà sen. Bằng Đức Chúa Giêsu là em chẳng được thế ấy, bởi có tính tình hung dữ độc địa, nên vua cha phạt đày xuống hạ giới, phải luận tội đóng đinh thập tự mà chết, ấy là sự tích của người làm vậy. Mà sao Tây sĩ xưng rằng: Đức Chúa Giêsu chuộc tội cho thiên hạ, thì đã thật lắm sao?”
Một điều rất đáng nói là văn phong lập luận chặt chẽ rõ ràng kiểu phương tây mà tác giả dùng. Có lẽ là lần đầu tiên, người Việt được học giáo lý của một tôn giáo theo thứ tự mạch lạc, có biết đủ những điều cốt yếu mới được nhập đạo. Đạo Kitô ý thức được cá tính của mình nên ngay từ đầu đã trình bày đức tin một cách có hệ thống mạch lạc trong kinh sách. Phương Đông thiên về trực giác, các tôn giáo phương Đông không được trình bày rõ rằng mà được cảm nhận theo căn cơ của từng cá nhân nên tín đồ có nhiều bậc. Cùng một tôn giáo, có những bậc thấu hiểu (bằng trí tuệ hoặc trực giác) những lẽ cao siêu huyền diệu của đạo, lại cũng có tín đồ sùng kính thờ phụng thần linh được nhân cách hoá. Vả lại các tôn giáo tín ngưỡng xưa đan xen, lẫn lộn vào nhau, nếu đem lôgich ra soi rọi thì lắm điều mâu thuẫn, vô lý. Tuy nhiên phong cách trình bày mới mẻ của Thiên Chúa Giáo không phải là không được tín đồ người Việt ưa thích và có sức thuyết phục.
Đây là một cuốn sách rất thú vị vì nó phản ánh phần nào sự đụng độ tư tưởng trên những vấn đề rất cơ bản luôn ám ảnh loài người từ xưa (con người từ đâu tới? đời sống con người mang một ý nghĩa như thế nào? sau cái chết con người đi về đâu?) giữa nền văn hoá truyền thống Việt với nền văn hoá phương tây đang du nhập. Ngoài ra cuốn sách cung cấp nhiều tư liệu quý báu về đời sống xã hội, về sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân ta tại khu vực Đàng Ngoài vào thế kỉ XVIII.
Thông báo Hán Nôm học 2002, tr.282-288
*Các tác giả đều là cán bộ của Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện KHXH VN)
Cám ơn XD đã cho xem một tài liệu này thật quý giá mà nhiều người Công Giáo còn chưa có hoặc chưa biết tìm đọc ở đâu.
Trả lờiXóaCách đây không lâu tôi cũng có dịp ghé thăm cha Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh tại Sài gòn và được cha cho xem cái tủ sách cả trăm cuốn tự điển quý hiếm của nhóm "Giờ Kinh Phụng Vụ", ấn tượng nhất là cuốn tự điển Bồ - La - Nôm(Bồ đào nha- Latinh- Việt ) mà cha Tỉnh nói là một trăm mấy chục tuổi mà vẫn còn trong tình trạng tốt, nếu tôi nhớ không lầm thì cha nói đó là quyển đầu tiên. Tôi nghĩ nếu các nhà khoa học nhân văn xã hội của VN mà thấy chắc cũng thích như tôi !
Trong bài này có nói về cái gọi là "Tứ Chung" mà hình như bên thuật ngữ Công Giáo gọi là "Cánh Chung Luận" hiện đang được bàn cãi sôi nổi giữa các giáo sĩ và giáo dân trong giáo hội CG
Cám ơn Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện về cuốn sách quí này. Được nghe nói đến nhiều mà chưa bao giờ tìm thấy.
Trả lờiXóaKhông biết cuốn sách đã được dịch ra tiếng việt chưa nhỉ ? Và có thể có lưu giữ tại Thư viện của Vatican hay Bộ truyền giáo tại Roma ? Tại VN, ngoài Viện nghiên cứu Hán-Nôm thì còn ở đâu nữa ?
Về mặt chữ Nôm, xin hỏi tiến sĩ là "tạo vật của Chúa" theo nghĩa nôm có phải là "vật được Chúa tạo nên" ? Vì hiện nay, theo công giáo, thì "tạo vật" là động từ có nghĩa tạo dựng nên vạn vật. Chỉ có Thiên Chúa mới bao hàm hết nghĩa này.
Thứ đến, "phép xức trán" là cách dịch từ chữ Nôm trong bản văn ? Vì ngày nay Thuật ngữ này có nghĩa là "Phép thêm sức".
Còn bài viết nói đến thể văn "bút chiến" của cuốn sách,điều này tôi không lạ vì có lẽ từ thánh Tôma Aquinô (Tommaso Aquino) (và có thể trước đó nữa!) cho đến tận Công đồng Vatican II (1962-1965) Giáo lý của Giáo hội Công giáo và phương thức Truyền giáo vẫn mang tính "bút chiến", theo cách nói của chúng ta là mang tính chiến đấu cao. Như Bộ Tổng luận thần học (Summa theologia) hay Chống dân ngoại(Summa contra gentile)của thánh Tôma là những bài hộ giáo đề cao Ki-tô giáo hơn mọi tôn giáo khác cũng như trả lời cho mọi người về chân lý của đạo của Đức Ki-tô.
Một lần nữa cám ơn Tiến sĩ Diện về bài giới thiệu cuốn sách. Chúc Tiến sĩ và gia đình Mùa Giáng Sinh thanh bình đầm ấm cùng năm mới Bình AN.
Thưa bác ẩn danh, theo tôi hiểu thì trong... ngôn từ nhà đạo (Công giáo), chữ "tạo vật" là danh từ đó chứ, có nghĩa đúng như bác nói, là "vật được tạo nên" (hay "được tạo thành").
XóaCó một chữ tương đương và cùng nghĩa với "tạo vật", cũng được dùng nhiều, là "thụ tạo".
Kinh Tin Kính (bản tuyên xưng đức tin của người Công giáo) có cách nói tóm tắt khá hay để chỉ tất cả những gì là tạo vật hay thụ tạo: "trời, đất, muôn vật hữu hình và vô hình".
Còn nếu là động từ thì người Công giáo dùng chữ "tạo tác", "tạo thành"... Tất nhiên chủ từ cho các động từ này là Thiên Chúa.
Hiện nay tại nhà sách Hòa Bình (Nhà thờ chính tòa Sài Gòn) có bán bộ sách "CÁNH CHUNG LUẬN -Theo nhiều tác giả-" gồm 2 cuốn. Vấn đề này đã được các nhà thần học từ xưa tới nay (DGH Benidicto 16)trình bày. "Việc bàn cãi sôi nổi giữa các giáo sĩ và giáo dân..." như bạn nào đó nêu, chắc là xoay quanh bài giảng của GM Nguyễn Văn Khảm mới đây mà thôi.
Trả lờiXóaPhạm Hùng Nghị