VỀ CUỐN SÁCH CHỮ NÔM "THIÊN CHÚA THẬP NGŨ KHỔ NẠN KINH VĂN"
Võ Phương Lan
Viện Nghiên cứu Tôn giáo
Trong công cuộc truyền đạo Thiên Chúa vào Việt Nam, chữ Nôm là một công cụ ngôn ngữ, đã được các giáo sĩ nước ngoài và những người truyền đạo người Việt sử dụng nhiều. Số sách chữ Nôm của Thiên Chúa giáo qua thời gian bị mất mát, tuy nhiên vẫn lại còn một số trong các thư viện và trong giáo dân. Sau đây chúng tôi giới thiệu một cuốn trong số đó.
Cuốn sách Thiên Chúa thập ngũ khổ nạn kinh văn, mà chúng tôi không thấy có trong thư mục tư liệu của Viện Hán Nôm, là sách riêng trong gia đình của cụ Nguyễn Chinh, một giáo dân thuộc giáo xứ Vĩnh Hoà, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Cụ là người thông thạo chữ Hán và có nhiều sách chữ Hán, chữ Nôm. Cụ mất năm 1992, số sách vở của cụ đã bị thất tán gần hết, chỉ còn lại vào quyển, hiện được anh Nguyễn Văn Thuyên, là cháu nội của cụ, hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Tôn giáo, lưu giữ. Cuốn sách Thiên Chúa thập ngũ khổ nạn kinh văn là một trong các cuốn sách đó. Sách chữ Nôm, in khắc trên giấy bản, khổ 25,5cm x 14,5cm, 160 trang. Trang có kẻ dòng, chữ khắc đẹp, rõ nét, có thể sách được in ở một cơ sở in lớn. Sách đã cũ, có những trang đã bị rách nát. Tuy nhiên phần lớn chữ còn có thể đọc được. Riêng trang đầu tiên là dòng chữ Hán viết tay "Thiên Chúa thập ngũ khổ nạn kinh văn" (có lẽ bìa vốn có đã bị rách nên tờ giấy có chữ viết tay được đóng thêm vào thay bìa) không tìm thấy niên hiệu cũng như tác giả. Sách gồm ba phần. Phần một được bắt đầu bằng câu "Ngắm 15 sự thương khó của Đức Chúa Jesus..." gồm 15 đoạn văn kể lại các giai đoạn chịu khổ hình của Chúa Jesus từ khi bị Giu-da phản bội đến khi tắt thở trên cây thánh giá. Kết thúc mỗi đoạn văn là lời cầu nguyện. Phần hai là "Phép lần hạt năm dấu thánh Đức Chúa Jesus" gồm sáu đoạn văn kể lại việc Đức Chúa Jesus bị đóng đinh. Phần ba là "Phép lần hạt năm dấu thánh Đức Chúa Jesus" kể lại việc Đức Chúa Jesus bị đóng đinh kèm theo những lời sám hối. Hai phần sau có lẽ là từ một cuốn sách khác, được đóng chung vào cuốn Thiên Chúa thập ngũ khổ nạn kinh văn vì cỡ chữ của những phần này bé hơn. Đây là những bài kinh cầu nguyện của các tu sĩ và giáo dân đọc trong mùa chay, tức là mùa thương khó để kỉ niệm sự kiện Đức Chúa chịu khổ hình trên cây thánh giá để chuộc tội cho loài người.
Trong bài thông báo này chúng tôi giới thiệu nội dung phần đầu của cuốn sách, mà chúng tôi đã thử phiên âm các đoạn 1, 2, 14, 15. Các đoạn còn lại chúng tôi chỉ xin tóm tắt nội dung.
THIÊN CHÚA THẬP NGŨ KHỔ NẠN KINH VĂN
Ngắm mười lăm sự thương khó Đức Chúa Chi Thu(1). Thương ôi!
Con Đức Chúa Trời ra đời chịu trăm ngàn thương khó cho đến chết vì tội... (mất 1 dòng).
Thứ nhất thời ngắm khi Đức Chúa Chi Thu đã đến ngày dọn chịu nạn mà chuộc tội cho thiên hạ, thì có thằng Xu Đa(2)là đầy tớ. Đức Chúa Chi Thu đã nuôi nó nhiều năm, dạy dỗ những điều hiền lành. Ma quỷ dục lòng nó bán Đức Chúa Chi Thu cho quân Xu Diêu(3) ba mươi đồng bạc. Vậy Đức Chúa Chi Thu thương thiên hạ toan liều mình chịu chết. Thời giã Đức Mẹ mà đi thành Chi Do Gia Lâm(4) là kẻ chợ nước Xu Đê(5), song le trước chịu nạn, thì đêm ấy Đức Chúa Chi Thu lấy nước mà quỳ xuống rửa chân cho các đầy tờ cả cùng rửa chân thằng Xu Đa với. Chẳng những nước không, cùng lấy nước mắt rửa chân nó nữa, vì thương tiếc linh hồn ấy rình mất. Đoạn Đức Chúa Chi Thu truyền phép mình thánh người, để mà nuôi lấy linh hồn loài người ta cho đến hết đời.
Khi ngắm bấy nhiêu sự thời nguyện một kinh lạy cha mười kinh kính mừng. Đội ơn Đức Chúa Chi Thu đã truyền phép thịt máu mình cho chúng tôi. Lại xin xuống sức thủ đạo cho tròn chớ bắt chước thằng Xu Đa bán Đức Chúa Chi Thu làm vậy. Á miên!(6)
Thứ hai thời ngắm khi Đức Chúa Chi Thu đêm ấy thấy tội thiên hạ cùng thằng Xu Đa phải sa hoả ngục cùng kẻ ngày sau theo ý nó. Thời Đức Chúa Chi Thu lo buồn sầu não, liền vào một vườn làng ấy, gọi là Nhiệt Tra Ma Nê(7). Thời chọn ba đầy tớ đi cùng. Một là ông thánh Phê Rô(8). Hai là ông thánh Gia Cô Pha(9). Ba là ông thánh Gio An(10). Thời Đức Chúa Chi Thu rập mình xuống đất. Cầu cùng Đức Chúa Cha ba lần. Đương khi còn nguyện, thời Đức Chúa Cha sai một thiên thần an uỷ Đức Chúa Chi Thu vào chịu nạn cho cả vay loài người ta được khỏi tội. Đoạn Đức Chúa Chi Thu lo lắm cho nên nhọc cả vay mình, những mồ hôi máu chảy ra nhỏ xuống đất.
Khi ngắm bấy nhiêu sự. Thời nguyện một kinh lạy cha, mười kinh kính mừng. Thương Đức Chúa Chi Thu lo buồn vì chúng tôi. Xin dốc lòng từ mọi tội làm cho Đức Chúa Chi Thu lo buồn làm vậy. Á miên!
Đoạn ba kể lại việc Giu-đa đưa quân dữ đến, giả vờ đến hôn Đức Chúa Jesus để quân dữ bắt. Thánh tông đồ Phi-e-rơ chém đứt tai 1 tên kính. Quân dữ trói Chúa, hành hạ, đem đi.
Đoạn bốn kể lại việc Đức Chúa Jesus bị hành hạ ở nhà thầy cả Cai-phe. Thánh tông đồ Phi-e-rơ chối Chúa 3 lần để sau này ăn năn suốt đời.
Đoạn năm kể lại việc quân dữ đem Đức Chúa Jesus đến quan trấn thủ Phi-lát. Phi-lát trút trách nhiệm cho vua dân Giu-đê. Vua cho Chúa Jesus là người dại đem trả lại Phi-lát. Theo tục lệ của dân Giu-đê, trước ngày lễ tha 1 người tù. Dưới áp lực của quân dữ, Phi-lát đã tha 1 tên kẻ cướp mà giao Đức Chúa Jesus cho quân dữ.
Đoạn sáu kể lại việc Đức Chúa Jesus bị quân dữ đánh đập.
Đoạn bảy kể lại việc Đức Chúa Jesus bị đội vòng gai, bị hành hạ và bị nhạo báng.
Đoạn tám kể lại việc Phi-lát đưa Đức Chúa Jesus ra trước thiên hạ, hy vọng rằng họ thấy sự khốn khổ mà động lòng tha. Không được, Phi-lát đành bỏ mặc số phận Đức Chúa Jesus.
Đoạn chín kể lại việc Đức Chúa Jesus vác cây thánh giá đi đến nơi hành hình. Vì sợ Chúa chết trước khi bị đóng đinh, quân dữ sai 1 người vác thay. Một bà trao cho Đức Chúa Jesus khăn lau máu trên mặt, khuôn mặt Chúa in rõ trên khăn, khăn này nay còn giữ ở thành Rô-ma.
Đoạn 10 kể lại việc quân dữ đưa Đức Chúa Jesus lên đồi Gô-gô-tha (đội Sọ) và đóng đinh Chúa trên cây thánh giá.
Đoạn 11 kể lại khi Đức Chúa Jesus trên cây thánh giá, có 2 tên đạo tặc cũng bị đóng đinh cùng, 1 tên xin Chúa khi lên nước Trời hãy cứu vớt y, Đức Chúa Jesus đồng ý. Đức Mẹ cùng thánh tông đồ Giăng nhìn Đức Chúa Jesus trên cây thánh giá. Thương Đức Mẹ, Đức Chúa Jesus phán Giăng là con trai của bà.
Đoạn 12 kể lại việc Đức Chúa Jesus trên cây thánh giá khát nước, quân dữ đã đưa dấm cho uống.
Đoạn 13 kể lại việc Đức Chúa Jesus tắt thở trên cây thánh giá. Lúc ấy núi non từ đá phá ra. Màn trong nhà thờ xé ra làm hai. Mồ kẻ chết bỗng chốc liền mở ra, trời đất thời u ám.
Thứ mười bốn thời ngắm khi kinh hồn Đức Chúa Chi Thu ra khỏi xác xuống ngục tổ tông cứu những linh hồn các thánh xưa ở đó, đợi trông Đức Chúa Chi Thu xuống thế chuộc tội cho thiên hạ. Bấy giờ quan tướng cùng theo người các quan, thấy những phép lạ làm vậy, thời xưng ra rằng, người này là con Đức Chúa Trời thực. Liền đánh ngực ăn năn, vì đã phạm tội cực trọng ấy.
Khi ngắm bấy nhiêu sự, thời nguyện một kinh lạy cha, mười kinh kính mừng. Xin Đức Chúa Chi Thu thương chúng tôi còn ở dưới thế. Trong ngày sau thấy mặt cực tốt cực lành như các thánh ở ngục tổ tông xưa. Á miên!
Thứ mười lăm thời ngắm khi Đức Chúa Chi Thu còn trên thánh giá, thời có một người các quan lấy đòng mà đâm cạnh nương long Đức Chúa Chi Thu phải lái tim, bấy giờ máu cùng nước chảy ra. Song le khi ấy xác Đức Chúa Chi Thu chẳng có đau vì đã sinh thời, nhưng mà lòng Đức Mẹ đau lắm như đâm trong lòng vậy, vì nó chẳng thương khi còn sống, cũng chẳng thương khi đã sinh thời. Đoạn hai người trọng là đầy tớ Đức Chúa Chi Thu, một là Xu Sai, hai là Ni Cô Sai Mô(11), cất xác xuống mà phó vào tay Đức Mẹ, khóc lóc thương con chẳng có khi dừng. Đoạn tẩm xác Đức Chúa Chi Thu mà táng trong hang đá, cũng như là cất xác Đức Mẹ mới, vì người thảm thiết thương con lắm. Khi cất xác con thời như cắt ruột mẹ ra vậy.
Khi ngắm bấy nhiêu sự, thời nguyện một kinh lạy cha, mười kinh kính mừng. Thương Đức Chúa Chi Thu để cho người ta cất xác xuống đất. Xin cho chúng tôi nhớ đến sự thương khó Đức Chúa Chi Thu xưa chịu vì tội thiên hạ, mà tích... (trang rách, mất chữ).
Chú thích:
1. Đức Chúa Chi Thu (德主支秋): Đức Chúa Jesus (những tên riêng ở đây được chú thích theo Kinh Thánh).
2. Xu Đa (樞多): Giu-da Ich-ca-ri-ốt, 1 trong 12 sứ đồ, người đã phản bội Chúa.
3. Quân Xu Diêu (樞姚): chỉ các thầy tế lễ và các thầy thông giám thành Giê-ru-sa-lem, thấy dân chúng tin theo Đức Chúa Jesus, âm mưu bắt Jesus đem giết.
4. Chi Do Gia Lâm (支由加林): Giê-ru-sa-lem.
5. Xu Đê (樞羝):Giu-đê, tên nước do vua Hê-rốt trị vì thời Đức Chúa Jesus, nằm phía tây sông Giô-đanh và biển Chết, có thủ đô là Giê-ru-sa-lem.
6. Á miên (亞綿): A men.
7. Nhiệt Tra Ma Nê (熱槎瑪泥): vườn Giết-sê-ma-nê, nơi Đức Chúa Jesus cầu nguyện Đức Chúa Cha trước khi vào chịu khổ hình để chuộc tội cho loài người.
8. Thánh Phê Rô (批嚕): Thánh tông đồ Phi-e-rơ.
9. Thánh Gia Cô Pha (嘉姑陂): Thánh tông đồ Gia-cơ.
10. Thánh Gio An (由安): Thánh tông đồ Giăng.
11. Xu Sai, Ni Cô Sai Mô (樞槎,尼姑槎模): Tên 2 người này chúng tôi chưa thể chú thích chính xác, theo sách Tân Ước phần Tin Lành theo Giăng, thì sau khi Chua Jesus qua đời, có Giô-giép- và Ni-cô-đem, đều là môn đồ của Chúa, đã đến gặp Phi-lát xin lại xác ngài đềm khâm liệm vào huyệt được đục vào 1 hòn đá lớn.
Thông báo Hán Nôm học 2001, tr.278-284
Mỗi ngày ta nhặt được thêm kiến thức ở quanh ta.
Trả lờiXóaNăng nhặt thì chặt bị.
"Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dây,
..."
TH
Ở giáo xứ Phúc Nhạc (Xã Gia Tân 3, h. Thống Nhất, t. Đồng Nai. Giáo xứ này do giáo dân xứ Phúc Nhạc ở Khánh Nhạc, Yên khánh, Ninh Bình di cư vào thành lập)vào thập niên 70 khi còn ở đó tôi đã thấy người ta đã dùng 1 cuốn sách bằng chữ nôm để Ngắm Đàng Thánh Giá mà nội dung tôi thấy giống y hệt "THIÊN CHÚA THẬP NGŨ KHỔ NẠN KINH VĂN". Ai không đọc được chữ nôm thì đọc bằng sách tiếng Việt.
Trả lờiXóaCó lẽ bạn TCB hơi nhầm một tí : Ngắm Đàng Thánh Giá khác Ngắm 15 Sự Thương Khó Chúa Giesu .
XóaTheo tôi được biết thì ở GP Phát Diệm ( miền Băc Việt Nam ) cho đến 1954, rất nhiều nhà thờ còn dùng sách ngắm 15 Sự Thương Khó Chúa Giesu viết bằng chữ Nôm. Quí Chức trong các xứ đạo miền Bắc hồi đó phần nhiều ngắm bằng chữ Nôm dễ hơn chữ Quốc Ngữ . Bố tôi cũng làm trùm họ và ông cũng làm như thế !
Kính bác Diện. Dù bác trẻ hơn tôi, tôi vẫn xin cung kính với bác và với tất cả những vị trí thức bấy nay đã dày công làm việc nghiên cứu, khai quật và bảo tồn những di sản văn hóa quí giá của cha ông - cung kính như với thầy, cô giáo của tôi vậy.
Trả lờiXóaNhững ngày vừa qua tuy phát ốm vì trời quá lạnh và việc quá nhiều, tôi không bỏ "lớp" bữa nào cả. Đi làm, giờ giải lao cũng móc cái điện thoại ra theo dõi blog của bác, dù nó tải chậm rì và chữ nhỏ xíu. Tâm tình của bác cũng như những vị học giả bên Viện Nghiên cứu Tôn giáo đối với đạo Công giáo ở Việt Nam làm tôi - một người Công giáo - rất cảm động. Ngoài sự làm việc rất nghiêm túc của người làm khoa học, tinh thần trách nhiệm rất cao đối với công việc của mình, các bác - những nhà văn hóa học trong một đất nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa - còn tỏ ra rất khách quan, rất rộng mở, trân trọng mọi giá trị tinh thần của nhân loại, cách riêng của cha ông tiên tổ dân tộc mình.
Nếu tôi đoán không nhầm thì bác Diện là một Phật tử. Thái độ trân trọng của bác đối với Nho giáo và Ki-tô giáo làm tôi hết sức cảm kích. Bác biết không, những bài vở rất hay về văn hóa mà bác đăng lên trong hai tuần qua đã trở nên như liều thuốc bổ sức cho tôi vậy. Tôi thấy ấm cả lòng, dù đêm đêm phải làm việc ngoài trời dưới cái lạnh thấu xương!
Là một người Công giáo Việt Nam, là con cháu của những tín hữu đã bị bách hại trên đất nước này chỉ vì niềm tin của mình, bác biết không, lòng chúng tôi (xin phép các bác đồng đạo vì đã dùng chữ "chúng tôi") không hề thán oán, chỉ thao thức và đau đớn một điều là làm sao để đồng bào mình hiểu tấm lòng thành của mình, là mình chỉ muốn yêu thương và phục vụ, như vị Chúa mà mình tin thờ suốt cuộc dời làm người cũng đã chỉ phục vụ và yêu thương. Phục vụ như một người tôi tớ, vui lòng nhận cả cái chết. Nếu cái chết là cách duy nhất để có thể bày tỏ sự phục vụ và lòng yêu thương anh chị em nhân loại và cách riêng đồng bào mình, thì cái chết đó trở thành ngọt ngào biết bao.
Nhiều điều muốn tâm tình với bác và các bác độc giả qua những bài vở vừa rồi, nhưng lực bất tòng tâm. Tôi lại sắp tới giờ đi làm rồi, xin viết mấy dòng cám ơn lời chúc tốt đẹp của bác Diện dành cho người Công giáo chúng tôi nhân mùa Giáng Sinh. Xin chân thành kính chúc bác Diện cùng tất cả các bác độc giả của blog một Năm Mới an lành. Xin cầu chúc đất nước chúng ta một Năm Mới bình an, mưa thuận gió hòa, người người đủ ấm đủ no, xã hội thanh bình và biết đoàn kết, đùm bọc cho nhau vượt qua những thử thách.
Kính tiến sĩ .
Trả lờiXóatrong phần mở đầu TS đã xác nhận:"Số sách chữ Nôm của Thiên Chúa giáo qua thời gian bị mất mát, tuy nhiên vẫn lại còn một số trong các thư viện và trong giáo dân."
Phần chú thích (tôi không biết ai chú thích)TS lại mượn ngôn ngữ của đạo Tin Lành.
Ví dụ :chú thích 8.Với người Công giáo Phê rô là phê rô không phải Phi e rơ.
chú thích 10. Gioan là GIoan, Tin lành gọi là Giăng.
cụ thể nhất là chú thích 11, TS đã nêu cụ thể :"theo sách Tân Ước phần Tin Lành theo Giăng,..."
Tôi thấy có gì đó hơi là lạ. Mong được thọ giáo.
GIAK
Xin phép bác Diện và bác GIAK cho tôi thưa lại về câu hỏi của bác GIAK:
Trả lờiXóaToàn văn bài trên, gồm cả phần chú thích, là của tác giả Võ Hoàng Lan, đăng trong Thông báo Hán Nôm học từ năm 2001. Có lẽ tác giả quen sử dụng bản dịch Tân Ước của anh chị em Tin Lành nên mới soạn phần chú thích dựa theo bản dịch đó, chỉ vậy thôi chứ tôi thấy không có gì "lạ" cả.
Trong bài về cuốn Hội Đồng Tứ Giáo viết chung với Nguyễn Ngọc Quỳnh (bác Diện giới thiệu hôm qua, thứ Tư 21/12), hai tác giả đã viết tên Đức Giêsu theo đúng cách người Công giáo VN hiện quen dùng (chứ không viết Jesus như trong các văn bản của anh chị em Tin Lành). Tôi nghĩ chỉ là thói quen và sự thuận tiện khi làm việc của mỗi người đó thôi.
Ngày xưa ông bà mình phát âm tên Đức Giêsu là "Đức Chúa Chi Xu", tôi qua Mỹ sống thấy người Mỹ phát âm là "Chi Dợt"... Không sao cả! Cũng chỉ nói đến cùng một đối tượng.
Theo tôi, đã gọi là sách của người CG thì sử dụng đúng ngôn từ như người CG thường dùng thì tốt hơn . Hơn nữa hiện nay HĐGMVN đang hoàn chỉnh thống nhất các mục từ CG trong nước đối với Kinh Thánh và các sách CG xuất bản có sự đồng ý của HĐGMVN, các kinh đọc trong các nhà thờ thuộc GHCGVN.
XóaCòn nếu các tác giả ngoài CG có quyền của họ và cũng có thể ghi chú thích. VD Danh Chúa Jesus ( Latinh ) Giesu ( CG ) Giexu ( Tin Lành ) . Thánh Petrus ( latinh ) Phero ( CG ) Phi-e-rơ ( TL ) Joannes ( Latinh ) Gioan ( CG ) Giăng ( Tin Lành ) v.v...
Cháu người Vĩnh Hòa đây. Gia tộc có cuốn kinh này lạ thật, chưa nghe tới bao giờ. Phải điện về làng tìm hiểu mới được.
Trả lờiXóa