Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

THƯ NGỎ GỬI TOÀN THỂ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIII


Thư gửi nhờ chú Diện chuyển giúp đến ĐBQH Dương Trung Quốc và toàn thể ĐBQH khóa XIII
Thưa chú Diện, hôm nay cháu lại xin phép làm phiền chú thêm 1 lần nữa để nhờ chú chuyển giúp cháu Thư Ngỏ này đến toàn thể các đại biểu Quốc hội khóa XIII, đặc biệt là đến tận tay đại biểu Dương Trung Quốc. Bản lưu trữ trên blog, xin chú vẫn để tên cháu là Một Người Việt Nam.
Cháu xin cảm ơn chú Diện thật nhiều.
Thưa đại biểu Quốc hội khóa XIII Dương Trung Quốc, cháu là 1 công dân Việt Nam quan tâm sâu sắc đến dự án Luật Biểu Tình mà Quốc hội đang tranh luận tại các phiên họp vừa rồi. Hôm nay, cháu gửi bức thư ngỏ này, là để trình bày toàn bộ suy nghĩ, nhận thức và ý muốn của mình đối với dự thảo Luật nêu trên để Quốc Hội được nghe kỹ và rõ hơn nguyện vọng của một công dân. Sở dĩ cháu viết bức thư ngỏ này, là vì bức xúc gay gắt với những phát biểu của đại biểu Hoàng Hữu Phước và một số đại biểu a dua theo phát biểu đó. Cháu gửi thư này đến bác, vì tin rằng bác thực sự là một đại biểu Quốc Hội tâm huyết và điều quan trọng nhất là biết lắng nghe nguyện vọng của nhân dân mà đại biểu Hoàng Hữu Phước không có được. Cháu dùng quyền công dân của mình để hi vọng và tin tưởng những ý kiến này sẽ được bác nêu ra trước Quốc Hội trong các phiên họp tiếp theo nhằm làm rõ nhu cầu cần thiết của việc xây dựng Luật Biểu Tình trên quan điểm của một công dân hòng đáp ứng nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của người dân Việt Nam cũng như góp phần tích cực vào việc quản lý xã hội một cách hợp lý, hợp tình và hiệu quả hơn.
Vì không có nhiều thông tin về bác cũng như điều kiện không thuận lợi để trao tận tay bác thư này, nên cháu xin mạn phép chuyển nó đến bác thông qua sự giúp đỡ của Ts Nguyễn Xuân Diện là một người đủ tư cách để gửi đến bác trọn vẹn sự tôn trọng đúng mực từ cháu.
Thưa bác, dù là trong phiên họp vừa qua, Quốc Hội chỉ có một mình bác đứng lên thể hiện quan điểm đòi hỏi xây dựng Luật Biểu Tình, nhưng xin bác hãy tin rằng đó là nguyện vọng của nhân dân và chắc chắn nhân dân sẽ không để bác phải cô độc một mình.
Cháu xin chân thành cảm ơn bác và xin kính chúc bác sức khỏe, nghị lực, quyết tâm để giữ vững lý tưởng là một người đại diện xứng đáng của nhân dân và để xây dựng đất nước ta ngày càng tốt đẹp, vững mạnh hơn.
Cháu
__________________
THƯ NGỎ GỬI TOÀN THỂ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIII
NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM

Kính thưa toàn thể ĐBQH khóa XIII nước CHXHCN Việt Nam,

Tôi là một công dân Việt Nam đã từng tham gia biểu tình phản đối thái độ bành trướng và hành vi xâm lược chủ quyền biển đảo Việt Nam của Trung Quốc vào ngày 05 tháng 06, 2011 và 12 tháng 06, 2011 vừa qua tại Sài Gòn, quan tâm sâu sắc đến một số vấn đề hiện tình đất nước và đặc biệt là vấn đề mà tôi sẽ đề cập trong thư này, là dự thảo về Luật Biểu Tình đang được đệ trình và thảo luận trước Quốc Hội trong các phiên họp vừa qua.

Tôi là người ủng hộ chủ trương xây dựng Luật Biểu Tình vì thế tôi hoàn toàn đồng quan điểm với đại biểu Dương Trung Quốc và vô cùng bức xúc trước phát biểu của đại biểu Hoàng Hữu Phước cũng như những ý kiến đồng dạng của hai đại biểu Trương Trọng Nghĩa và Nguyễn Thanh Tùng. Tôi xin trình bày quan điểm của mình về dự án Luật này như sau:

-    Với tôi, Luật Biểu Tình là cực kỳ cần thiết và bức thiết. Vì lẽ, việc tự do biểu lộ tình cảm, chính kiến một cách ôn hòa, trật tự là quyền của công dân trong mọi quốc gia văn minh và việc quản lý tốt diễn biến của những cuộc biểu tình như thế thuộc về trách nhiệm của nhà nước. Cần nhìn nhận nghiêm túc rằng, Luật Biểu Tình là những định chế, những giới hạn cho phép để không chỉ giúp công dân thực hiện quyền lợi chính đáng của mình mà còn góp phần rất tích cực vào khả năng quản lý xã hội của nhà nước. Luật Biểu Tình không được xây dựng để tạo ra những cuộc biểu tình bát nháo, hỗn loạn và vô trật tự mà là nó hợp thức hóa và đề ra chuẩn mực cũng như giới hạn cho việc biểu tình nhằm hạn chế tối đa những yếu tố tiêu cực và nguy hiểm chưa lường trước được. Không có Luật Biểu Tình thì nhà nước cũng không thể cấm người dân biểu tình, nhưng như thế khoảng cách giữa nhân dân và nhà nước sẽ ngày càng xa hơn và những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân sẽ khó mà được nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu và đáp lại. Chưa kể, vì không có Luật dẫn đến sự lúng túng trong quản lý khiến phát sinh nhiều hành vi tiêu cực trong việc xử lý trấn áp càng làm gia tăng thêm những bức xúc sẵn có của quần chúng đồng thời đẩy khoảng cách giữa nhà nước và nhân dân ngày càng cách xa nhau. Đó là yếu tố vô cùng nguy hiểm cho sự bền vững của một nhà nước, gây ảnh hưởng xấu rất lớn đến lòng tin và sự thống nhất đồng lòng giữa nhân dân và chính phủ. Vì thế, Luật Biểu Tình thực chất là hỗ trợ cho nhà nước nhiều hơn là cho nhân dân. Việc mong muốn và yêu cầu có Luật Biểu Tình là hành động tích cực để giúp nhà nước quản lý xã hội một cách nhẹ nhàng, thân thiện hơn đồng thời người dân được đảm bảo quyền lợi và bảo vệ tính mạng để can đảm bày tỏ những nguyện vọng chính đáng của mình ôn hòa, trật tự và nhã nhặn.

-   Quyền biểu tình của nhân dân là điều đã được khẳng định trong Hiến Pháp, tức là dù chưa có Luật, nhưng nó đã được công nhận, đồng nghĩa rằng nhân dân được quyền biểu tình vì điều đó không bị cấm. Luật Biểu Tình chỉ là để giúp nhà nước và nhân dân cùng quản lý cho tốt quyền đương nhiên ấy nhằm tránh phát sinh những tiêu cực. Cần nhớ rằng, chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề ra ý định soạn thảo Luật Biểu Tình và giao cho Bộ Công An thực hiện, tức là Luật này sẽ được soạn thảo ra từ những người quản lý việc biểu tình chứ không phải từ những người đòi hỏi biểu tình, cho nên không thể nói Luật này sẽ không phù hợp và không có lợi cho nhà nước. Và tôi khẳng định rằng, những công dân thấy cần thiết phải có Luật Biểu Tình là những công dân thực sự ý thức tôn trọng nhà nước và Pháp Luật cũng như mong muốn rằng việc bày tỏ chính kiến, thái độ của mình phù hợp với sự quản lý của chính quyền và tránh gây khó khăn, căng thẳng cho cơ quan hành pháp dẫn đến những đối đầu không đáng có. Đó là một ý thức tốt đẹp và chính đáng.

-    Đại biểu Hoàng Hữu Phước chỉ nhìn duy nhất khía cạnh tiêu cực nhất của việc biểu tình từ một phía mà dám phát biểu lớn lối như vậy là xúc phạm nhân dân. Lương bổng của một đại biểu Quốc Hội nước ta thì chắc không cao, nhưng đại biểu Hoàng Hữu Phước cần ý thức sâu sắc rằng, những đồng tiền mà ông sẽ nhận ấy, là một phần mồ hôi, nước mắt của nhân dân, là máu xương của những người đã chiến đấu và hi sinh vì tổ quốc. Mong rằng ông ghi nhớ. Hôm nay, với tư cách là một công dân nước CHXHCN Việt Nam, tôi thẳng thắn phê bình đại biểu Hoàng Hữu Phước là thiếu ý thức trách nhiệm và nông cạn. Nếu ông không thay đổi, thì tôi – một công dân - không cần một người đại diện cho mình như thế. Vì với một ý thức hệ tiêu cực và cực đoan như vậy cộng với sự thiếu sáng suốt khi nhìn nhận diễn biến và bản chất của các vấn đề (những luận điểm mà ông đã đưa ra để phản bác dự thảo Luật Biểu Tình trong phát biểu của mình) tôi không nghĩ rằng ông sẽ đủ trình độ và tư cách đại diện cho nhân dân cũng như tham gia cùng chính phủ điều khiển lèo lái con tàu đất nước.

-    Biểu tình là hành động dùng lực lượng số đông nhằm tạo sức mạnh cho những yêu cầu, thái độ, chính kiến, nguyện vọng của một khối quần chúng có cùng suy nghĩ nhằm thu hút sự chú ý và thúc đẩy quan tâm của nhà nước nhờ giá trị quy mô đông đảo đánh vào yếu tố nhận thức, tinh thần. Nó là một hành động tích cực và thiện chí và cũng là phương tiện hữu hiệu để công dân đối thoại với nhà nước, với lãnh đạo khi mà những tiếng nói riêng lẻ bị phớt lờ, bỏ ngoài tai. Thời đại văn minh này không cho phép những cuộc biểu tình với vũ trang và bạo động nhằm phá hoại những giá trị hiện hữu, nhưng mọi con người cần phải được quyền cất lên tiếng nói của mình và cần được Pháp Luật bảo vệ quyền căn bản đó.
.
-    Luật Biểu Tình sẽ thiết lập những chuẩn mực, giới hạn để những biểu lộ thái độ, tình cảm, nhu cầu của quần chúng không đi quá mức độ cho phép đảm bảo sự ổn định và trị an. Cũng như sẽ là những giao ước để nhà nước quản lý các cuộc tụ tập biểu tình nơi công cộng nhằm tránh khỏi những tác động bất ngờ hoặc có chủ đích không mong muốn. Cá nhân tôi không bao giờ cho rằng một sự việc thiếu quản lý nào lại có thể diễn biến tốt đẹp hơn là khi nó được chuẩn bị đầy đủ về phương tiện vật chất lẫn tinh thần. Và đó là sự thiết yếu cần thiết của xây dựng Luật.

-    Chúng ta cũng cần nhớ rằng, chính phủ là cơ quan lãnh đạo, quản lý nhà nước và quốc gia, nhưng điều đó không có nghĩa là chính phủ luôn luôn đúng. Vậy thì, khi chính phủ đưa ra một quyết sách không phù hợp thì nhân dân phải tuân thủ nhưng ức chế và âm thầm chống đối, phản kháng sẽ tốt hơn hay là nhân dân bày tỏ nguyện vọng của mình để chính phủ điều chỉnh chính sách cho phù hợp thì tốt đẹp hơn? Ai cũng sẽ có lúc sai lầm và chỉ có những người biết lắng nghe, biết nhận lỗi và sửa đổi mới là người được tôn trọng và tin tưởng. Điều cần thiết nhất của một chính phủ yêu nhân dân, đất nước mình. Không ai lại có một cái tai và hai cái miệng, tức là người ta cần phải biết lắng nghe nhiều hơn là nói, những người đại diện cho người khác, những người sử dụng tư cách đại diện cho người khác thì lại càng phải cần lắng nghe kỹ càng hơn, nghiêm túc hơn những tiếng nói đã lựa chọn mình. Đại biểu Hoàng Hữu Phước đã bịt hai tai, lại dùng tư cách đại diện cho người khác để áp đặt nhận thức của cá nhân, đương nhiên không thể nói đó là một hành động phục vụ quyền lợi của nhân dân được. Xin cảm ơn đại biểu Dương Trung Quốc đã có một lời đáp trả thích đáng trước hành vi đó: "Tại diễn đàn Quốc hội, chúng ta hãy nhân danh cá nhân mình thôi, trừ khi chúng ta có sự ủy nhiệm, hoặc có điều tra định lượng để nói rằng người dân phản đối, người dân băn khoăn trước định lượng đó, nó dẫn đến tiêu cực xã hội", câu nói này là điều mà tôi hài lòng và mong muốn. Còn ông Hoàng Hữu Phước là đại biểu của nhân dân nhưng lại bảo vệ mù quáng cho chế độ chính trị là không đúng chức năng và vô trách nhiệm. Gọi là bảo vệ mù quáng vì thực chất nó phản tác dụng, nó tạo ra những nhận thức không tốt từ nhân dân dành cho nhà nước đồng thời làm suy giảm luôn uy tín của chính phủ, một điều cực kỳ nghiêm trọng trong quản lý quốc gia.

-    Biểu tình sẽ chỉ dẫn đến chống chính phủ như đại biểu Hoàng Hữu Phước nói, khi mà quá nhiều nguyện vọng chính đáng của quần chúng bị gạt bỏ đồng thời chính phủ không có thiện chí cải thiện tình hình mà thôi. Thưa đại biểu Hoàng Hữu Phước, phải chăng ông muốn nói chính phủ Việt Nam hiện nay là như vậy nên ông mới quan ngại và kịch liệt phản đối Luật Biểu Tình?

-    Trong thời buổi khó khăn kinh tế này, không có ai đủ thời giờ rảnh rỗi để hở cái gì ra cũng biểu tình, chỉ khi bức thiết lắm, cần kíp lắm, ức chế lắm, dầu sôi lửa bỏng lắm hay vui mừng lắm, yêu thương lắm thì người ta mới phải dành dụm thời gian mà thể hiện thái độ, tình cảm của mình với nhau, tôi không hiểu vì lý do gì đại biểu Hoàng Hữu Phước lại lo sợ biểu tình sẽ gây ra rối loạn đến như vậy. Cho dù hiện tình chính trị Việt Nam có phức tạp thế nào, ông cũng cần phải hiểu rằng xã hội vẫn luôn còn những con người đủ sáng suốt và thiện chí chứ. Và chính phủ nên tôn trọng, lắng nghe và chăm lo cho họ. Còn nếu như nhìn đâu cũng chỉ thấy người xấu, kẻ ác và tiêu cực, thì còn gì là một đất nước, một quốc gia. Nếu đại biểu lo lắng rằng nhân dân dễ bị kích động, xúi giục bởi những mưu đồ chính trị đen tối, thì nhiệm vụ nằm ở những chính sách quản lý xã hội, tuyên truyền vận động, giáo dục nhận thức, chứng minh thực tiễn, xây dựng các Bộ Luật chi tiết, đầy đủ, sâu sát, thực tế, kỹ lưỡng, nghiêm chỉnh, rõ ràng hơn chứ không phải là dẹp bỏ Luật Biểu Tình.

-    Một điều cần lưu ý là không phải nếu không có luật biểu tình thì dân sẽ không dám biểu tình, mà ngược lại, việc tức nước vỡ bờ sẽ càng nguy hiểm và dễ lâm vào trạng thái tiêu cực hơn nữa, tức là tổn hại cho toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận mệnh quốc gia. Còn nếu nói như đại biểu Hoàng Hữu Phước là mục tiêu của biểu tình là bạo động và lật đổ thì tôi xin nói thẳng rằng nhận thức ấy ấu trĩ và nông cạn. Bởi lẽ, nếu một khi đã lâm đến hiện trạng bất tuân dân sự tạo thành bạo động, thì không còn chỗ cho sự hiện diện của Luật Pháp nữa, nghĩa là có hay không có Luật Biểu Tình cũng vậy mà thôi. Chính vì vậy, tôi mong muốn Quốc Hội suy nghĩ về những thành ý tốt đẹp của chúng tôi, để xây dựng Luật Biểu Tình nhằm hợp pháp hóa quyền lợi chính đáng của nhân dân cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan hành pháp thực thi quản lý.

-    “Câu hỏi được đặt ra ở đây là dự án Luật biểu tình đã tham vấn ý kiến, nguyện vọng của cử tri, công dân là người cao tuổi, cựu kháng chiến, cựu chiến binh, anh hùng các lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, tập thể nông dân, tập thể quân đội, công an, những chiến sỹ biên phòng đang trấn giữ biên cương của tổ quốc và hải đảo quốc gia, những nhà tu hành chân chính hay chỉ vì một nhóm nhỏ vài chục, vài trăm sinh viên, học sinh, những người chưa là những công dân có thu nhập, có việc làm”. Thưa đại biểu Hoàng Hữu Phước, và để trả lời cho viện chứng hết sức ngớ ngẩn của ông, tôi xin nói rõ một điều rằng: Tôi là một công dân Việt Nam, năm nay hai mươi sáu tuổi, đã tự đi làm để nuôi bản thân mình và góp phần xây dựng xã hội. Tôi ủng hộ và mong muốn xây dựng Luật Biểu Tình. Sau này, khi phát ngôn những điều tương tự, xin ông hãy dùng tư cách cá nhân.

Kính thưa Quốc Hội,

Những yếu tố tích cực của việc biểu tình cũng như sự thiết yếu cần có một Luật Biểu Tình trong bối cảnh hiện nay thì đại biểu Dương Trung Quốc đã phân tích khá đầy đủ nên cũng không cần phải bổ sung thêm. Tôi chỉ xin nhấn mạnh một điều rằng, việc xây dựng một bộ Luật nhằm quản lý việc biểu tình cũng là một hành động tích cực để củng cố dân chủ, đáp ứng xu hướng vận động và phát triển của thế giới cũng như thực hiện mong ước của các vị lãnh đạo nước ta. Khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, rồi tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên nhậm chức đều đã thể hiện khát vọng mở rộng tự do dân chủ, xây dựng một nền dân chủ pháp trị có thực chất, thanh lọc bộ máy nhà nước nhằm thể hiện quyền làm chủ thực sự của nhân dân. Tuy nhiên, cho đến nay, vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan, công khai cũng như bí mật, nội tại cũng như tác động từ các nước bên ngoài, những khó khăn do bối cảnh chung và tình thế riêng… những khát vọng đó của các vị lãnh đạo vẫn chưa có được bước tiến quan trọng và đột phá nào. Lần này, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có một động thái tích cực và rất đáng hoan nghênh đó là đề xuất dự thảo xây dựng Luật Biểu Tình, một bước tiến khá lớn trong thực thi dân chủ.Vì vậy, là một công dân, tôi mong muốn Quốc Hội – cơ quan đại diện cho mình – hãy giúp các vị lãnh đạo thực hiện tốt hơn khát vọng nói trên. Lòng dân là sự bền vững của chế độ và là sự ổn định của quốc gia. Với những nhận định đã nêu, tôi thấy việc xây dựng Luật Biểu Tình ngay bây giờ là hợp lý và cần thiết. Xin kính trình Quốc Hội.

Tôi xin kính chúc toàn thể các đại biểu Quốc Hội sức khỏe, minh mẫn, tỉnh táo, sáng suốt và nhiệt huyết để xây dựng đất nước ta bền vững, trường tồn.

Sài Gòn, 18 tháng 11 năm 2011
Kính thư
Một người Việt Nam
__________________

Bổ sung lúc 19h20, ngày 19.11.2011:
Lời tạ lỗi với Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa

Kính thưa đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa,
Kính thưa đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc,
Kính thưa chú Nguyễn Xuân Diện,
Kính thưa toàn thể bạn đọc theo dõi blog Nguyễn Xuân Diện,

Trong bức Thư Ngỏ gửi đại biểu Dương Trung Quốc và toàn thể đại biểu Quốc hội khóa XIII vừa qua mà cháu đã gửi nhờ chú Nguyễn Xuân Diện trao tận tay đại biểu Dương Trung Quốc đã có 1 sự nhầm lẫn.

Đó là căn cứ theo thông tin ban đầu từ báo Vneconnomy http://vneconomy.vn/20111117025218325P0C9920/tranh-luan-gay-gat-du-an-luat-bieu-tinh.htm cháu đã nhầm tên vị đại biểu quốc hội đồng tình với ý kiến của đại biểu Hoàng Hữu Phước. Theo tin từ báo này thì đại biểu đó là đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Nhưng thông tin sau đó từ báo Tuổi Trẻ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/465571/Chua-can-Luat-bieu-tinh-vi-dan-tri-thap.html, báo SGGP http://www.sggp.org.vn/phapluat/2011/11/273672/ và từ bạn bè thì đó là không chính xác. Sau khi kiểm chứng, cháu xin chính thức thừa nhận sai sót, xin đính chính và vô cùng xin lỗi đại biểu Trương Trọng Nghĩa, chú Nguyễn Xuân Diện, đại biểu Dương Trung Quốc và toàn thể bạn đọc đã đọc bản lưu trữ của bức thư ngỏ trên tại blog Nguyễn Xuân Diện.

Thông tin đính chính như sau: Người đã đồng tình và ủng hộ ý kiến của đại biểu Hoàng Hữu Phước là đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa chứ không phải là đại biểu Trương Trọng Nghĩa.

Đối với riêng đại biểu Trương Trọng Nghĩa, cháu xin dập đầu tạ lỗi vì đã nhầm lẫn dẫn đến việc vô tình xúc phạm danh dự của bác. Cháu mong nhận được sự tha thứ và không chấp của bác. Cháu thành thật xin lỗi và xin chân thành cảm ơn.

Cháu xin nhờ chú Nguyễn Xuân Diện, nếu chưa trao thư ngỏ cho đại biểu Dương Trung Quốc, thì xin đính chính lại giúp cháu, cụ thể là sửa cụm từ Trương Trọng Nghĩa lại thành Đặng Ngọc Nghĩa, đồng thời gửi kèm cháu bản thư tạ lỗi này đến trực tiếp tận tay đại biểu Trương Trong Nghĩa (hoặc có thể nhờ bác Dương Trung Quốc chuyển giúp nếu bác ấy đồng ý) và đăng lên blog Nguyễn Xuân Diện để tất cả bạn đọc được tường.

Một lần nữa cháu chân thành xin lỗi đại biểu Trương Trọng Nghĩa vì đã làm bạn đọc hiểu lầm dẫn đến xúc phạm bác. Cháu xin lỗi chú Nguyễn Xuân Diện vì đã sai sót khiến chú bị liên đới trách nhiệm. Và cháu xin lỗi toàn thể bạn đọc blog Nguyễn Xuân Diện vì đã chuyển đến mọi người 1 thông tin sai lệch.

Cháu xin chân thành cảm ơn.
Cháu
Một Người Việt Nam
 _________________________

43 nhận xét :

  1. Hoan ho ban, dong tinh va ung ho y kien cua ban.

    Trả lờiXóa
  2. Rất hoan nghinh Em,
    Manh dạn đề đạt nguyện vọng một cách trực tiếp đến các đại biểu có nhiêm vụ xây dựng những bộ luật đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của dân.
    Đó là một hành động mạnh mẽ thể hiện lòng yêu nước và trách nhiệm của một công dân với hiện tình đất nước.
    Chúng tôi chưa hẳn "có" và "dám" mạnh dạn như Em.
    Chúc Em nhiều sức khỏe và thành đạt trong công việc của mình.

    TH

    Trả lờiXóa
  3. Nông dân yêu nướclúc 01:52 19 tháng 11, 2011

    Tôi đồng tình quan điểm của tác giả.đề nghị bác diện mở một entri bình chọn cho dự luật biểu tình để độc giả thể hiện quan điểm của mình.các trang mạng khác cũng đồng loạt làm vậy thì càng tốt . Như thế sẽ biết ngay người dân có muốn hay không,luật biểu tình.

    Trả lờiXóa
  4. Tôi 22 tuổi, cũng tham gia 2 lần cùng anh Một người Việt Nam ở trên tại Saigon, và những lần trước. Tiếc là tôi không có dịp để biết anh trong hàng trăm, hàng ngàn con người đang cùng thực hiện quyền của mình. Tôi cảm thấy nhục nhã khi có đại biểu Phước trong quốc hội làm đại diện cho Saigon, dù tôi chẳng bầu =)), những câu phân tích dẫn chứng quá ngu dốt về mặt lập luận để tôi phải đánh giá lại về cái mặt thực học của đại biểu Phước. Ủng hộ quyền được biểu tình. @Chú Diện : chú update cái giao diện mới của blogspot đi, đẹp và để mọi người tiện theo dõi hơn blog :). Rất cám ơn chú vì đã dám đứng ra nói hộ bọn con (những công dân ko dám nói :( )

    Trả lờiXóa
  5. Tuyệt lắm! Rất rành rẽ và rất thuyết phục! Cám ơn người bạn trẻ tuổi tận tụy với nước với dân, lương tâm ngay thẳng, suy nghĩ chín chắn, đầy tinh thần trách nhiệm! Những ý kiến bạn nêu trong Thư Ngỏ tôi không chê được điểm nào cả. Hoàn toàn đồng ý với bạn!

    Tôi biêt ơn cha mẹ đã sinh ra và nuôi dưỡng bạn, biết ơn những thầy cô đã giáo dục bạn. Tôi là người cùng thế hệ với họ nên tôi biết: họ thực sự là những anh hùng bền bỉ và thầm lặng, không quản gian khó không tiếc hy sinh, thế nên mới có được một người con, một học trò xuất sắc như bạn hôm nay!

    Trả lờiXóa
  6. Muốn biết cân nặng bao nhiêu thì đem cân ra đo rồi biết. Muốn biết các tầng lớp nhân dân có phản đối biểu tình không thì phải trưng cầu dân ý.
    Không cân đo đong đếm mà dám bảo đa số dân sẽ không đồng ý ban hành Luật biểu tình.
    Hỗn xược quá.

    Trả lờiXóa
  7. Cho phép tôi được ủng hộ và đồng tình YK với Bạn.Mong QH hãy lắng nghe ý kiến của chúng tôi

    Trả lờiXóa
  8. Bạn - một người Việt Nam yêu nước chân chính !
    Tôi ủng hộ bạn và đại biểu Dương Trung Quốc .

    Trả lờiXóa
  9. Bức thư hay và sâu sắc, tôi đồng tình và ủng hộ. Cám ơn em - Người Sài Gòn.

    Trả lờiXóa
  10. Bài viết của em " Một Người Việt Nam" xứng đáng đuợc đưa vào sách giáo khoa. Một em nhỏ mới 26 tuổi mà tư cách đàng hoàng như vậy, kiến thức uyên bác, phân tích đâu ra đấy rõ ràng trắng đen, chẳng biết ông nghị Hữu Phước đọc xong có thấy xấu hổ không?

    Em "Một Người Việt Nam" đã nói hết, chính xác đầy đủ , riêng tui, tui đề nghị ông đừng nên xử dụng thủ đoạn gây chia rẽ, biến "một nhóm nhỏ vài chục, vài trăm sinh viên, học sinh, những người chưa là những công dân có thu nhập, có việc làm" ra thành phần đối đầu với "người cao tuổi, cựu kháng chiến, cựu chiến binh, anh hùng các lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, tập thể nông dân, tập thể quân đội, công an, những chiến sỹ biên phòng đang trấn giữ biên cương của tổ quốc và hải đảo quốc gia, những nhà tu hành chân chính..." Quan điểm của ông về phân loại công dân rất giống đại tá, Ts Nguyễn Văn Quang, Phó trưởng Ban Nghiên cứu – Tổng kết lý luận, Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự trong bài viết “Đừng nhầm lẫn từ “nhân dân” trong hiến pháp".
    Ông nghị nên nhớ rằng mọi công dân đều bình đằng trước Pháp Luật, có quyền công dân, có quyền làm người như nhau. Nếu ông tin chắc những thành phần tán đồng chủ trương của ông đông đảo cỡ đó thì còn chờ gì mà không đề nghị một cuộc "Trưng cầu Dân Ý" công khai, minh bạch?

    Trong khi chờ đợi cuộc "Trưng cầu Dân Ý" công khai, minh bạch, đề nghị ông nghị Phước hãy nhân danh cá nhân mình thôi.

    Trả lờiXóa
  11. Ý kiến của Ông Trương Trọng Nghĩa ủng hộ ông Dương Trung Quốc đấy chứ - ý kiến của các ông Đặng Ngọc Nghĩa, Hùynh Thế kỷ và Nguyễn Thanh tùng ủng hộ ông Hùynh hữu Phước.

    Trả lờiXóa
  12. Tôi hoàn toàn ủng ộ ý kiến trong lá thư này.

    Trả lờiXóa
  13. Sáng nay tôi có gọi vào số máy của ông Phước 0988898399 thì có tin hiệu đổ chuông nhưng chủ nhân không bắt máy - Người Sài Gòn.

    Trả lờiXóa
  14. Đà Nẵng:
    Cám ơn em. Những bức thư của em rất hay, rất sâu sắc. tôi đồng tình với em.
    Chúng ta cần lên án ông "Hổn Xược Phước" và những ông a dua theo ông "Hoàng Vô Phước". Ủng hộ bác Dương Trung Quốc

    Trả lờiXóa
  15. Để tên HH.Phước và những kẻ cùng hội bưng bô biết : Chúng đã chết trong lòng dân để từ nay chừa thói ngông nghênh nói rằng chúng là đại diện dân, mong TS.NXDiện cho cái trưng cầu
    Bỏ phiếu miễn nhiệm tên đại biểu Hoàng Hữu Phước.

    Trả lờiXóa
  16. Em là một thanh niên trí tuệ, có tâm, đầy ý thức công dân. Mong sao nước Việt có thật nhiều những thanh niên tâm huyết với đất nước, với nền dân chủ như em.

    Trả lờiXóa
  17. Là một công dân Sài gòn, tôi hoàn toàn ủng hộ Thư Ngỏ của bạn "Một Người Việt Nam". Đề nghị các ĐBQH xem xét đọc thật kỹ và có ý kiến trong diễn đàn QH XIII. Xin cám ơn bạn, TS Diện và ĐB Dương Trung Quốc.

    Trả lờiXóa
  18. Nhờ mọi người cho biết "trích ngang" của hai đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa và Nguyễn Thanh Tùng.
    Tôi cảm thấy thực sự lo lắng trước ý kiến phát biểu về dự án Luật Biểu tình của những đại biểu này.

    Trả lờiXóa
  19. Tôi thấy trưng cầu dân ý cũng có thể xẩy ra sự sắp xếp, dọa nạt và mua chuộc bằng tiền (tiền thuế của chúng ta đó) từ phía nhà cầm quyền. Vì sao tôi dám nói vậy vì vợ tôi vừa đi họp tổ dân phố về khoe: ai đi họp được phát không 20.000 đ. Tôi hỏi tiền gì? Cô ấy bảo không biết, họ phát thì tất cả đều nhận. Đó! vậy đó! Cho nên đối với việc khác chắc họ chẳng ngại gì mà không vung tiền ra mua chuộc phiếu bầu đâu như ông Phước trả lời báo rằng ông sẽ tự bỏ tiền túi ra để đi khắp nơi vận động người dân ủng hộ là gì?

    Trả lờiXóa
  20. Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của "Một người Việt nam. Và tôi cũng ủng hộ ĐBQH Dương Trung Quốc về luật biểu tình; đồng thời, cũng phản đối những luận điểm mà tôi cho rằng cực kỳ phản động của ĐBQH Hoàng Hữu Phước.

    Trả lờiXóa
  21. Tôi lại đang suy nghĩ về PA "đấu tranh" của các lợi ích nhóm (cả về chính trị) trong việc đưa ra và phản đối luật biểu tình tại QH. Đành rằng ĐB Phước đưa ra các luận điểm diễn giải cho việc ko thông qua kế hoạch xây dựng LBT rất ngô nghê, ấu trĩ .... Chưa biết chừng đó là chiêu lợi dụng "gậy ông đập lưng ông" để tôn cao uy tín của một số vị nào đó ?

    Trả lờiXóa
  22. Tôi là một bác sỹ , đang ở tuổi " tri thiên mệnh". Theo kinh nghiệm nghề nghiệp của tôi thì Phước bị mắc chứng " vĩ cuồng " , một dạng tâm thần phân liệt mà y học gọi là Paranoid. Nếu kiểm tra Phước theo các tiêu chuẩn DMS (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders) của Hiệp hội tâm thần Mỹ chắc chắn chúng ta sẽ giải đáp được tại sao Phước lại viết được những áng văn chương bất hủ kiểu " tôi với Saddam Husein" , "tôi với Cù Huy Hà Vũ " , "tôi với Lê Công Định"...vv

    Trả lờiXóa
  23. Với cách bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp như ở thì người có tâm và có tầm như các ông nghị Phước, nghị Đương (rau muống), nghị Hồng trong nghị viện còn nhiều nữa. Tôi nghĩ đây cũng là một kinh nghiệm của cử tri ta khi bỏ phiếu bầu chọn đại biểu. Vậy tôi đề nghị cử tri trên mọi miền đất nước, khi thực hiện quyền bầu cử hãy chỉ bầu chọn những người có lí lịch tiểu sử minh bạch, có tâm với công việc chung của đất nước. Thà bầu thiếu đại biểu cũng được chứ đùng vì cơ cấu, đừng vì số lượng mà phải "vơ" cả những đại biểu như nghị Phước, nghị Hồng ... vào QH như hiện nay.

    Trả lờiXóa
  24. Thằng Nghị này sợ Luật BT là đúng rồi.Bởi người Dân có thể BT chống kinh doanh giả dối lọc lừa,mà điều giả dối,lọc lừa là bản chất của nó nên nó không đồng tình

    Trả lờiXóa
  25. Tôi ủng hộ Bạn (Một người Việt Nam), Tôi củng đã 2 lần cùng Bạn đi biểu tình ở Sài Gòn.( trong hình minh họa đầu trang có tôi đi trong đoàn).
    Cám ơn Bạn đã nói thay tôi. Chúc Bạn nhiều sức khỏe.

    Trả lờiXóa
  26. Khâm phục em, một người trẻ tuổi mà đã có những bức thư tâm huyết như vậy. Mong rằng bức thư ngỏ này đến được tay các ĐBQH.

    Trả lờiXóa
  27. Nghị Phước lẩm cẩm thần kinh có vấn đề , thay mặt dân để mà chết à

    Trả lờiXóa
  28. tôi cũng ủng hộ ĐBQH Dương Trung Quốc về luật biểu tình ,đồng thời cũng phản đối những luận điểm cực kỳ phản động của ĐBQH Hoàng Hữu Phước.Cám ơn Bạn đã nói thay tôi.

    Trả lờiXóa
  29. Tôi ủng hộ bạn và đại biểu Dương Trung Quốc .đề nghị TS Diện mở một cuộc trưng cầu cho dự luật biểu tình để độc giả thể hiện quan điểm của mình, và các trang mạng khác cũng đồng loạt làm vậy Như thế tên H H.Phước và những kẻ cùng hội bưng bô biết ngay người dân có muốn hay không,luật biểu tình.

    Trả lờiXóa
  30. bức thư viết rất hay , tôi ủng hộ dự luật biểu tình sớm được thông qua

    Trả lờiXóa
  31. Đọc lá thư của các bạn trẻ, tôi thấy người lớn nghĩ sai về các bạn cả rồi.
    Bảo rằng các bạn không chịu học lịch sử ?_ Nếu không chịu học lịch sử thì các bạn không biết sử.Nếu không biết lịch sử nước nhà thì tại sao rất nhiều bạn trẻ ngày hôm nay vẫn ưu tư về vận mệnh nước nhà như thế!
    Bảo rằng các bạn không chịu học văn?_ Hai lá thư dài của các bạn, giọng văn lễ phép, trong sáng,mang nặng hồn nước hồn người.
    Đọc xong hai lá thư của các bạn, người lớn nể trọng những suy nghĩ chín chắn,sâu sắc, những suy nghĩ rất lớn của các bạn.
    Qua hai lá thư này của các bạn, các bạn đã gởi đi một thông điệp của thế hệ các bạn đến thế giới người lớn.
    Vậy thì, vấn đề đặt ra cho người lớn là: người lớn phải sống làm sao cho ra người lớn.
    Cuối thư, xin gởi đến các bạn trẻ lời chào trân trọng.

    Trả lờiXóa
  32. - Đặng Ngọc Nghĩa 11/07/1959, Cử nhân quân sự, ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Đại tá Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
    - Nguyễn Thanh Tùng 15/06/1960, Tiến sỹ lịch sử, Phó Bí thư thường trực Tỉnh.
    - Huỳnh Thế Kỳ 01/06/1956, Cử nhân Luật Thiếu tướng, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh

    Trả lờiXóa
  33. Lý lịch của ba ĐB đồng tình với HHP:
    -Huỳnh Thế Kỳ, 01/06/1956, Cử nhân Luật, Thiếu tướng, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận.
    - Đặng Ngọc Nghĩa 11/07/1959 Cử nhân quân sự, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Đại tá Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế.
    - Nguyễn Thanh Tùng 15/06/1960, Tiến sỹ lịch sử, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định.

    Trả lờiXóa
  34. Huỳnh hữu Phước đã công khai dùng nghị trường để phản đối và chống lại hiến pháp về quyền tự do biểu tình . Vậy thì mong các luật sư nắm chắc luật hãy lên tiếng đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành khởi tố vụ án , khởi tố bị can , đề nghị Ủy ban thường vụ quốc hội truất tư cách đại biểu quốc hội của Phước , tiến hành bắt giữ và tạm giam hắn để điều tra thế lực phản động nào đã sử dụng hắn để chống phá Nhà nước pháp quyền của dân , do dân và vì dân ! Có thế thì quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân mới được thực thi !

    Trả lờiXóa
  35. Bài viết của em rất hay. Tôi ủng hộ ý kiến em và đại biểu Dương trung Quốc. Tôi nghỉ em là người có tâm và cũng có tầm nữa. Em xứng đáng là đại biểu quốc hội của nhân dân dù chưa phải như vậy. Đại biểu quốc hội hiện nay là do đảng đề cử nên họ phải bảo vệ quyền lợi của đảng và cũng là quyền lợi của họ. Chỉ khi nào đại biểu do dân bầu đúng nghĩa thì mới bảo vệ lợi ích chính đáng của dân và của đất nước.

    Trả lờiXóa
  36. Còm "12:54 Ngày 19 tháng 11 năm 2011" rất chính xác.OK!

    Trả lờiXóa
  37. Ông Hoàng Hữu Phước phát biểu làm bẩn dân tộc việt nam trước con mắt quốc tế.Phước làm xấu quốc hội .Phước làm bẩn quốc hội.Phát biểu của Phước kiểu tuyệt tự tuyệt tôn .

    Trả lờiXóa
  38. Chỉ những kẻ phản bội lại quyền lợi Dân Tộc, quyền lợi Đất Nước mới sợ nhân dân biểu tình!

    Trả lờiXóa
  39. Bức thư ngỏ quá hay, sâu sắc và lý luận sắc bén, nhưng giàu chất nhân văn của một công dân yêu nước, tôi cảm phục bạn, ủng hộ bạn, đồng tình với bạn, ngài nghị Phước đã xúc phạm nhân dân và cả dân tộc Việt Nam,chống lại ý kiến của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân,tiếp tay cho các thế lực thù địch và xâm lược, đẩy nhân dân xa Đảng xa nhà nước, để dễ dàng chống phá nước ta.

    Trả lờiXóa
  40. Nếu hỏi ý kiến thì tôi ủng hộ luật biểu tình.
    Đb Hoàng hữu Phước cần thực hiện nghĩa vụ của mình là làm theo hiến pháp. Nếu ông muốn bỏ phiếu không ủng hộ luẫt biểu tình thì ông cũng phải tuân thủ theo ý kiến của cử tri đã bầu ông, chứ ông cũng không có quyền nói và biểu quyết theo ý kiến cá nhân ông.
    Người Đồng nai, tôi đã bầu và ủng hộ ông Dương Trung Quốc.

    Trả lờiXóa
  41. tuoi tre tai cao,kham phuc kham phuc.Uoc gi bai nay cac bao le phai dang dong loat de thuc tinh cac bac nghi co dau oc thien can va xin loi dung tu nang "Ngu Dot"

    Trả lờiXóa
  42. Bây giờ có Luật biểu tình cũng là quá muộn. Đáng lẽ các quyền cơ bản của con người phải có sau khi Hiến pháp tuyên bố quyền đó. Ủng hộ suy nghĩ của bạn trẻ. Kể cả quyền lập hội cũng thế, với các nước tôn trọng Hiến pháp việc lập Hội cũng không có gì khó khăn.

    Trả lờiXóa
  43. THAT MEN PHUC BAN,DANG MAT CON DAN NUOC VIET

    Trả lờiXóa