Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Đi tìm vẻ đẹp Ca trù - Bài 9: HỒN CỔ NHẠC TRONG TRANH

Hồn cổ nhạc trong tranh 
Nguyễn Xuân Diện


Trong bài Giai nhân nan tái đắc (Người đẹp khó gặp lần hai) của Cao Bá Quát có câu: Phong lưu công tử đa xuân tứ/ Trường đoạn tiêu nương nhất chỉ thư (Chàng công tử phong lưu lòng tràn ngập ý xuân, có thể làm đứt ruột người con gái đẹp chỉ vì một bức thư tình). Người đẹp khó gặp lần hai, có phải vậy nên đó ở bên nhau rồi, không muốn rời nhau một bước? Và người nghệ sĩ cầm cọ đó được trời phú cho một “nghề riêng” là chép lại những cảm xúc đó thành những hình hài trên tranh. Những cung cầm, tiếng hát dìu dặt được biến hóa trong màu, trong sắc để ghi lại những cuộc tao ngộ đầy xúc cảm. Những bức tranh về đề tài đào nương, ca trù đó ra đời trong những khoảnh khắc như vậy.
Năm 1943, để minh họa cho tập Giai phẩm của Nhà xuất bản Đời Nay, họa sĩ Nguyễn Gia Trí cũng đó ký họa một cảnh hát ả đào. Ca nữ với khuôn mặt đẹp và búi tóc vấn khăn như đang chuẩn bị dạo đầu cho một khúc hát. Vận một chiếc áo dài may bằng lụa của người con gái Hà thành trước năm 1945, đơn giản nhưng ở cô lại toát nên được một nét đẹp quí phái. Cái mỏng manh mềm mại của lụa, cái đoan trang của nét mặt ca nữ, như đối lại với mảng đậm, mảng chìm của hộp đàn, như thể nhấn nha thể hiện tâm tình của lời hát lúc thăng trầm diệu vợi. 
Không chỉ là những ký họa để nắm bắt những giây phút xuất thần của các đêm hát, không ít các tác giả cũng dựng những chất liệu rất đa dạng để mô tả cái sâu lắng của nghệ thuật ca trù. Họa sĩ Chu Mạnh Chấn (Hà Tây) cũng có một bức tranh sơn mài vô cùng sinh động về đề tài này. Trong một phòng khách ấm cúng của một ca quán phong lưu, với bức tranh tứ bình trên vách, các câu đối và bức trung đường treo trang trọng, giọng ca của cô đào cất lên như vấn vít cả không gian. Một chậu cây cảnh được kê giữa nhà như điểm thêm cho cái thú chơi tao nhã của những tay sành điệu. Một quan viên cầm chầu như đang lắng nghe từng nhịp phách, cung đàn để khen, để thưởng. Tiếng hát cất lên trầm bổng, tiếng phách reo như tôn như nhấn cho từng câu chữ, đến nỗi cô đào rượu phải khép nép sau tấm rèm cửa đợi cho trọn khúc hát mới dám bước vào. Cái thẳm sâu, trong veo của chất liệu sơn mài, cái óng ánh của nét vàng nét bạc, khiến cho thần thái của đêm hát như càng khắc sâu vào tâm khảm của người xem. Cho dù người ta không nghe thấy tiếng hát cất lên trực tiếp từ bức tranh nhưng dường như cái không gian này lại gợi nhớ da diết cái không gian văn hóa cổ xưa khi ca trù trở thành một nếp sinh hoạt không thể thiếu trong xã hội cổ truyền.
Ca trù xưa không chỉ là một thú vui của các gia đình phong lưu, mà nó cũng là một sinh hoạt mang tính chất lễ nghi ở các đình làng. Họa sĩ Phạm Văn Đôn đã mô tả cảnh này trong một bức tranh sơn mài khác Lễ hội ca trù. Trước ban thờ tổ ở một đình làng, cảnh hát ca trù được diễn ra long trọng. Quan viên, kép đàn và đào nương như đang say sưa dâng tiếng hát của mình lên đấng linh thiêng. Người ta như nghe thấy đâu đây âm vang của những khúc tiên nhạc dìu dặt.
Vẽ nhiều và gần như trở thành một niềm đam mê không dứt với đề tài này phải kể đến họa sĩ Phạm Công Thành. Ông là một giáo sư danh tiếng của Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Các tác phẩm sơn mài của ông về Ca trù ít nhiều mang những sắc thái và giá trị đương đại đối với các vấn đề của bộ môn nghệ thuật này, mà tác phẩm ở Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2005 là một ví dụ. Ông cho biết dù vẽ không có mẫu, chỉ thuần túy là vẽ trong tưởng tượng, nhưng ông vẫn nhớ như in nét mặt của cụ Quách Thị Hồ. Người mà ta có thể nhận thấy lẫn trong đám đông, bà đang ngồi nghe những tiếng phách tiếng đàn của thế hệ con cháu mình. Ở tác phẩm này ông muốn đặc biệt chú trọng đến những người thưởng thức ca trù, những công nhân, công chức, học sinh và cả những “phó thường dân” trong xó hội. Đó cũng là ước vọng của người tâm huyết với bộ môn nghệ thuật ca trù đang có nguy cơ mai một. Ông mong rằng nghệ thuật ca trù có ngày sẽ trở thành tài sản của tất cả các tầng lớp trong xã hội, và sức hấp dẫn của nó là vượt ra khỏi biên giới của tuổi tác, nghề nghiệp, đến với tất cả mọi người. Nó sẽ mãi tồn tại trong xã hội đương đại, giống như đó từng ghi một dấu ấn không phai trong quá khứ. 



Nói về ca trù, không ai là không nhắc đến Nghệ sĩ nhân dân Quách Thị Hồ. Say tiếng ca của bà, họa sĩ Nguyễn Mộng Bích đó vẽ một bức tranh lụa Chân dung Nghệ sĩ Quách Thị Hồ. Tác phẩm này đã nhận được giải thưởng ở Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1995. Khuôn mặt bà vừa toát lên vẻ thanh thản, nhưng cũng chứa chất trong lòng không ít nỗi ưu tư với nụ cười nụ chúm chím rất đặc trưng của cụ trên môi. Bà được khắc họa ngồi bên một trong số bốn bức tranh tứ bình của tranh Hàng Trống. Cái uy danh lừng lẫy của một con người như được hiện ra, nhưng cái cô độc, cực nhọc của một nghệ nhân đó luống tuổi cũng đó được toát lên.

NSND Quách Thị Hồ. Tranh: Mộng Bích
Vẽ về đề tài ca trù, không chỉ các thế hệ cao niên từng được tham dự và thưởng ngoạn ca trù trong các đình, tại các tư gia, không ít các họa sĩ trẻ nghe âm hưởng ca trù cũng đó đắm say lòng. Đối với họ, ca trù không chỉ là sự miêu tả một cảnh hát, mà còn là âm vang của hồn đàn, hồn phách. Do đó ngoài một không gian hiện thực, cái không gian ảo ít nhiều đó được chú trọng. Ví dụ ở bức tranh khắc thạch cao của Nguyễn Anh Tuấn cái không gian của cuộc hát dưới một đêm trăng như mờ, như tỏ, ít nhiều có tính trừu tượng, làm lay động cả tâm can con người. Không ít các tác giả chọn cách vẽ có tính đương đại hơn là cách kể một câu chuyện thuần túy. Âm hưởng của ca trù được biến hóa ra thành những không gian trừu tượng vô hình.

Hội họa có cách hưởng thụ và trải nghiệm văn hóa riêng của mình. Và ca trù cũng nhờ đó mà được lưu giữ hình hài cho muôn đời sau, như ngày nay chúng ta cũng biết đến ca trù qua nhiều bức chạm ở đình làng. Hôm nay những thanh âm vọng từ muôn xưa lại hiện lên trong sắc màu trên toan, trên vóc, trên lụa lưu giữ lại cho các thế hệ sau một chút hồn Việt. Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời. 

N.X.D

1 nhận xét :

  1. Những kỳ khác tìm đọc ở đâu vậy chú ơi. Cảm ơn chú .

    Trả lờiXóa