Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Đi tìm vẻ đẹp Ca trù - Bài 10: CA TRÙ - NGHỆ THUẬT CỦA TRI ÂM

Vẻ đẹp của nghệ thuật ca trù
Vẻ đẹp của nghệ thuật ca trù
 Nguyễn Xuân Diện

Vẻ đẹp của ca trù là vẻ đẹp của âm thanh đã chuốt thành những chuỗi ngọc lung linh mà người hát trao cho người nghe hát, cũng đồng thời là những người làm ra các bài thơ đó, lại cũng là người phẩm bình, chấm điểm tiếng hát, tiếng phách ấy. 

Xưa nay, đến với ca trù là những tâm hồn yêu tiếng hát, tiếng thơ, tiếng tơ, nhịp phách ca trù, để sẻ chia tâm sự, để hoà mình vào thế giới nội tâm sâu thẳm của những tri âm, để hào hứng dốc sạch túi tiền vào một cuộc hát mà thưởng cho một ngón nghề tài hoa. 

Khác với nghệ thuật chèo hay hát văn, đi thưởng thức ca trù gọi là đi “nghe hát”, chứ không phải là đi “xem hát”. Người hát ca trù không có múa và diễn với các trang phục nhiều màu vẻ như chèo hay hát văn. Đào nương ca trù chỉ ngồi yên gần như bất động trong suốt cuộc hát trên một mảnh chiếu cạp điều, với vẻ mặt bình thản, đoan trang. Đào nương chỉ có một cỗ phách tre đặt trước mặt và “đối thoại” với khách nghe chỉ bằng giọng hát và tiếng phách của mình. Do đó, vẻ đẹp của ca trù là vẻ đẹp của âm thanh đã chuốt thành những chuỗi ngọc lung linh mà người hát trao cho người nghe hát, cũng đồng thời là những người làm ra các bài thơ đó, lại cũng là người phẩm bình, chấm điểm cho tiếng hát, tiếng phách ấy.

PHÁCH VÀ TIẾNG HÁT ĐÀO NƯƠNG

Tiếng phách và tiếng hát của đào nương là một nét rất độc đáo của ca trù. Cỗ phách trong ca trù bằng gỗ hoặc tre, gồm bàn phách, hai lá phách (hai lá phách dẹt cầm ở tay trái, một là phách tròn cầm ở tay phải). Phách ca trù không chỉ giữ nhịp cho lời hát, mà nó thực sự là một tiếng hát khác của người đào nương. Phách ca trù có 5 khổ. Người ca nữ trước tiên là học cho thật thành thạo 5 khổ phách. Yêu cầu là phải gõ phách đúng cao độ và trường độ, có thể tập phách với đàn. Sau khi gõ phách đã thành thạo thì sẽ học hát.

Ca trù chỉ có năm khổ phách, nhưng phách lại là một yếu tố rất cơ bản để đánh giá trình độ của người ca nữ. Người ca nữ giỏi là người biết biến hóa tiếng phách của mình, tuỳ theo từng bài thơ hoặc tuỳ theo ý riêng của mình. Người trong nghề nghe tiếng phách mà biết cá tính sáng tạo của người ca nữ. Song điều quan trọng nhất là cho dù có biến hoá thế nào, thì phách ca trù vẫn có trong một khuôn khổ nhất định, và sự biến hoá này là để phục vụ cho việc phô diễn sự tinh tế của bài thơ mà nghệ sĩ đang thể hiện. Những nghệ sĩ có tiếng phách hay là Nguyễn Như Tuyết, Quách Thị Hồ, Kim Đức.


Cách lấy hơi nhả chữ là một nét rất độc đáo của ca trù. Khác với các lối hát cổ truyền khác, cách lấy hơi trong hát ca trù tinh tế và phức tạp hơn. Trong khi hát chèo, người nghệ sĩ lấy hơi chủ yếu là từ khoang miệng, trong hát quan họ, người nghệ sĩ lấy hơi ở khoang miệng và cổ họng; thì hát ca trù, người nghệ sĩ lấy hơi không chỉ ở khoang miệng hay cổ họng mà còn vận hơi từ đan điền lên, lấy hơi ở khoang mũi nữa. Điều này rất khó, nhưng cái khó hơn là làm sao khi chuyển hơi mà người nghe không thể nhận ra, không để lộ và làm thô sự biến hoá này. Tất cả các kỹ thuật đổ hột, sang hơi, đổ con kiến đều ở nơi cổ họng của đào nương. Đạt được như vậy, tiếng hát của đào nương sẽ trở nên tinh tế, giàu âm sắc và đạt được đến sự biểu cảm cao nhất.

Quá trình luyện tập cách lấy hơi là một khổ luyện thật sự. Quan trọng nhất là học lấy hơi cho ra chất riêng của ca trù. Các giáo phường xưa, khi dạy hát ca trù, người ta dạy điệu Bắc phản đầu tiên rồi mới sang các làn điệu khác. Bắc phản là một điệu hát sử dụng nhiều âm ư kéo dài, tiết tấu chậm. Do đặc điểm của lối giữ hơi, nhả chữ và luyến láy trong lối hát mà đào nương ca trù có khoé miệng luôn đoan trang, đài các, đôi môi cắn chỉ luôn mím lại, khi đổi giọng sang hơi thì chỉ rung lên khe khẽ. Miệng cô đào luôn ở hình chữ “nhất”, rất kín đáo.

Bấy nhiêu vẫn chưa nói hết cái công phu của đào nương. Mọi cố gắng của cô đào sẽ còn thể hiện ở năng lực cảm thụ văn chương nữa. Đào nương trước hết cảm thụ ý thơ, bài thơ để mới có thể nhập vào nó, phô diễn ý thơ thơ một cách đúng và hay nhất. Nếu chỉ cậy tốt giọng hoặc cố phô giọng hát trời phú, thì dù tiếng vàng tiếng ngọc thật đấy, nhưng nếu không diễn tả tình ý của bài thơ, ý thơ thì chỉ là một giọng hát vô hồn.

Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ là một bậc thầy về kỹ thuật luyến láy trong nghệ thuật ca trù Việt Nam trong thế kỷ 20.

ĐÀN ĐÁY

Theo nhiều nhà nghiên cứu thì đàn đáy là một nhạc cụ chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Và đàn đáy cũng chỉ dùng trong khi hát ca trù. Cây đàn này gắn bó với một thể loại ca nhạc độc đáo của người Việt, và chỉ với một thể loại mà thôi và trở thành một nhân tố đặc trưng, khu biệt ca trù với các thể loại ca nhạc khác. Các căn cứ sớm nhất về đàn đáy trong mỹ thuật cổ là các bức chạm gỗ ở một số đình làng như đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hoà, Bắc Giang), Hoàng Xá (Ứng Hòa, Hà Tây), Tam Lang (Can Lộc, Hà Tĩnh).

Đàn đáy có cần đàn dài khoảng 1,2 m, với 3 dây. Thùng đàn thường là đóng bằng gỗ ngô đồng. Đàn đáy cho một âm thanh trầm đục sâu lắng nền nã, hoà với tiếng phách có âm thanh sắc giòn tạo nên một sự đối chọi âm thanh vừa độc lập lại vừa bén quyện. Thỉnh thoảng lại xen một tiếng trống chầu gọn chắc, đĩnh đạc, khiến cho cuộc hát rất thi vị, mà trong đó chủ khách vừa tôn vinh nhau, lại vừa khẳng định sự độc lập và chủ động của mình.

Nhiều người đã biết đến những danh cầm đàn đáy của ca trù trong thế kỷ 20 như Chu Văn Du, Đinh Khắc Ban, Phó Đình Kỳ. Gần đây, tại một liên hoan ca trù, những người yêu ca trù lại biết thêm một danh cầm nữa. Đó là kép đàn Nguyễn Phú Đẹ.

TRỐNG CHẦU VÀ QUAN VIÊN

Người Quan viên là người cầm chầu (đánh trống chầu). Trống chầu là một nhạc khí truyền thống, có đường kính khoảng 15 cm, tang trống bằng gỗ mít, cao khoảng 18cm. Dùi trống còn gọi là roi chầu, được làm bằng gỗ găng.

Tiếng trống chầu là để ngắt câu, ngắt mạch thơ, giục hát, khen câu thơ hay, thưởng giọng hát đẹp, thưởng cho nhịp phách tuyệt kỹ hoặc cho cung đàn ngọt. Đánh trống chầu là một nghệ thuật. Người có trình độ thẩm âm cao và có sự am hiểu văn học thì mới có thể cầm chầu để thưởng thức, khen chê đích đáng.

Trong lối hát tuồng, hát chèo, cũng có sự khen chê, thưởng phạt như trong lối hát ca trù. Song trống chầu trong ca trù thì biểu thị sự tinh tế rất cao. Vì trống chầu ca trù là để “bình phẩm” cả tiếng phách, tiếng hát, tiếng đàn, và hơn hết là lời thơ. Người cầm chầu vừa phải bộc lộ khả năng thẩm âm, lại vừa phải bộc lộ khả năng cảm thụ văn chương nữa. Và do vậy, tiếng trống chầu rất giàu cá tính sáng tạo của người thưởng thức.

Cái trống chầu là nhạc khí giữ vai trò nối sợi dây liên hệ giữa người nghe hát và người hát, người đàn. Người cầm chầu là người lịch lãm, biết thưởng thức vẻ đẹp của văn chương và âm nhạc. 

Trong một cuộc hát ca trù, những khách nghe (quan viên) đều bình đẳng trước văn chương và âm nhạc. Tham gia cuộc hát có thể là một ông quan to đương chức, một hưu quan, một ông đồ hỏng thi, một thầy khóa…Khi vào chiếu hát, mọi người quên đi chức tước, quyền hành, bình đẳng trong thưởng thức. Mọi người thay nhau cầm chầu. Ai có bài thơ mới làm thì đưa cho cô đào hát. Người hát, người đàn, người nghe cùng góp cho cuộc thưởng thức nhạc - thơ thêm hoàn hảo. Đó là một lối chơi tao nhã của cha ông ta suốt nhiều thế kỷ qua.

Ca trù - một lối chơi tao nhã, lịch lãm của các văn nhân tài tử xưa nay, trong đó văn chương, âm nhạc hoà quyện làm một, tạo nên một vẻ đẹp hoang sơ mộc mạc mà khúc triết tinh tế, dân gian mà bác học, thực mà ảo huyền vi diệu. Ca trù sinh ra trong cái nôi của văn hoá dân gian, lớn lên trong nguồn mạch bất tận ấy và mang trong mình diện mạo của bản sắc văn hóa Việt Nam. Ca trù trở thành một bộ môn nghệ thuật bác học vào bậc nhất của nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Đóng góp của ca trù vào văn hóa Việt Nam thật lớn. Từ ca trù, một thể thơ hết sức độc đáo ra đời và trở nên có vị trí sáng giá trong dòng văn học chữ Nôm của dân tộc. Đó là thể thơ Hát nói, với hàng nghìn bài thơ chữ Nôm chứa đựng rất nhiều tâm trạng, rất nhiều biến thái vi tế của tâm hồn Việt Nam qua nhiều thế kỷ. Về mặt âm nhạc, có hai nhạc khí là đàn Đáy là Phách, trải qua quá trình sử dụng lâu dài đã trở nên những nhạc khí đặc trưng của ca trù, góp phần đưa ca trù trở nên một thể loại thanh nhạc kinh điển của Việt Nam. Xưa nay, đến với ca trù là những tâm hồn yêu tiếng hát, tiếng thơ, tiếng tơ, nhịp phách ca trù, để sẻ chia tâm sự, để hoà mình vào thế giới nội tâm sâu thẳm của những tri âm, để hào hứng dốc sạch túi tiền vào một cuộc hát mà thưởng cho một ngón nghề tài hoa.

Sau năm 1945, trong một thời gian khá dài sinh hoạt ca trù vốn tao nhã và sang trọng trước đây đã bị hiểu lầm và đánh đồng với các sinh hoạt thiếu lành mạnh ở một số ca quán đô thị khiến cho xã hội chối bỏ và quyết loại sinh hoạt ca trù ra khỏi đời sống văn hóa. Ca trù đã không được nuôi dưỡng và phát triển một cách tự nhiên, không được tôn vinh đúng mức, phải chịu tồn tại thiếu sinh khí và tàn lụi. Nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ đã phải cố quên đi nghiệp đàn hát và giấu đi lai lịch của mình. Khoảng chục năm trở lại đây, ca trù đang tìm lại cho mình một chỗ đứng trong đời sống văn hóa phong phú đa dạng hôm nay.

Và như vậy, sau sáu bảy mươi năm vắng bóng, ca trù lại bắt đầu đi tìm tri âm. “Tri âm ta lại bắt đầu tri âm”.

N.X.D

Ghi chú: Loạt bài Đi tìm vẻ đẹp ca trù được hoàn thành vào năm 2006, đăng tải 10 kỳ trên tạp chí Thế giới mới.


5 nhận xét :

  1. Ca trù đã được tôn vinh là bộ môn nghệ thuật bác học vào bậc nhất của nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, nhưng không phải ai cũng thưởng thức được vẻ đẹp của ca trù.
    Cảm ơn TS NXD đã cho đăng loạt bài này, TS đã giúp nhiều người hiểu hơn và cảm nhận được giá trị và vẻ đẹp của bộ môn nghệ thuật này. HG tôi không thể nào tưởng tượng được một người trẻ tuổi như TS NXD lại say mê và tâm huyết đến như vậy. HG tôi cũng đã miết man với loạt bài này để có thêm hiểu biết về vẻ đẹp của nghệ thuật ca trù.
    Có lẽ cũng không phải là quá nếu nói rằng : "Khoảng chục năm trở lại đây, ca trù đang tìm lại cho mình một chỗ đứng trong đời sống văn hóa phong phú đa dạng hôm nay" có một phần công lao đóng góp của TS NXD.

    Trả lờiXóa
  2. KTS Trần Thanh Vânlúc 02:45 14 tháng 10, 2011

    Tôi đọc cả 10 bài Ca Trù của Tiến sĩ.
    - Thứ nhất, tôi trân trọng kiến thức phong phú của TS về nghệ thuật Ca Trù.
    - Thứ hai, tôi yêu quý tấm lòng trong sáng của TS trước tình hình hình VIỆC NHÀ ( ông bố ốm ) và VIỆC NƯỚC ( tình hình Biển Đông ) vẫn bề bề mà vẫn lạc quan vì nghệ thuật.

    Trả lờiXóa
  3. Sao ko có video clip để thưởng thức nhể?

    Trả lờiXóa
  4. Tôi không phải người biết nhiều về ca trù, đã đọc hết loạt bài của bác Diện, cảm nhận đc phần nào giá trị của loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo này. Đã có thời ca trù bị coi là thứ nghệ thuật phục vụ thú ăn chơi trác táng... Rất may nó đã được nhìn nhận lại

    Trả lờiXóa
  5. Anh Diện nghiên cứu và phổ biến về Ca Trù thật là toàn diện ! Cảm ơn anh rất nhiều !


    P/S: Từ ngày anh Diện post về Ca Trù thì Blog của anh không bị VNPT chặn tường lửa nữa. Vào nhoay nhoáy ! Hi hi...

    Trả lờiXóa