Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2022

NGƯỜI HÀ NỘI XƯA IN SÁCH, BÁN SÁCH VÀ ĐỌC SÁCH GÌ?

Phố Hàng Gai xưa. Ảnh: Tư liệu - internet

NƠI BÁN SÁCH VÀ NGHỀ IN SÁCH MỘC BẢN
Ở HÀ NỘI ĐẦU THẾ KỶ
XX
Nguyễn Thị Dương

Hà Nội xưa nay luôn tự hào là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước, nổi tiếng với 36 phố phường. Quả đúng như Lý Thái Tổ đã từng nhận xét khi dời đô về Hà Nội: "... Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi Kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời..." để rồi đặt cho kinh thành cái tên thật ý nghĩa - Thăng Long. Sự hội tụ tinh hoa ấy không chỉ biểu hiện ở địa linh nhân kiệt, mà còn có thể thấy ngay từ tên gọi phố phường Hà Nội. Thật hiếm có đất nước nào trên thế giới lại có Thủ đô độc đáo như Hà Nội: mỗi phố phường đều gắn liền và là kết tinh của một nghề truyền thống: Hàng Lược, Hàng Hài, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Giấy, Hàng Gai, Hàng Bè, Hàng Bột, Hàng Thiếc, Hàng Khay, Hàng Thùng, Hàng Quạt, Hàng Bạc, Hàng Than, Hàng Da, Hàng Mành, Hàng Nón, Hàng The, Hàng Nhiễu, Hàng Giày, Hàng Thuốc Bắc, Hàng Vải, Hàng Chỉ, Hàng Mã, Hàng Mụn, Hàng Mã Vĩ, Hàng Bún, Hàng Trống, Hàng Đậu, Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Chĩnh, Hàng Vải Thâm... Kinh đô Thăng Long đồng thời cũng là nơi tiêu biểu cho truyền thống văn hiến của dân tộc. ấy vậy mà lần tìm trong số mấy chục "hàng" của Hà Nội, không thấy có "hàng" nào có tên hay mang bóng dáng của việc in sách và bán sách.
Giờ đây, chúng ta đang cận kề với thế kỷ XXI. Người ta có thể mua sách ở bất kỳ một hiệu sách lớn, nhỏ nào trên các đường phố Hà Nội bởi vì giờ đây các ấn phẩm ngút ngàn "trên trời, dưới sách". Thế ở đầu thế kỷ XX, người ta mua sách ở đâu ? Hà Nội bấy giờ có những nơi nào bán và in sách ?

Trong những trang sách viết về Hà Nội xưa, cụ Hoàng Đạo Thúy - một người rất am hiểu về Hà Nội cũng đã từng băn khoăn một điều là "đất văn vật mà lại không có lấy một nơi gọi là phố Hàng Sách". Đối với một đất nước" vốn xưng nền văn hiến đã lâu" như nước ta, điều này kể ra cũng thật đáng tiếc. Song như thế không có nghĩa là Hà Nội hồi đầu thế kỷ XX không có những điểm bán sách. Điều này ít nhiều liên quan tới nghề in sách mộc bản của ta.


Trong lịch sử xưa nay, nghề in với văn hóa của một đất nước bao giờ cũng có mối quan hệ mật thiết. Trước khi văn minh phương Tây cùng kỹ thuật in lối mới (hoạt tự) xâm nhập vào Việt Nam thì nền văn hóa xã hội Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ nghề in mộc bản. Với đặc điểm của nền văn hóa Nho giáo, lấy chữ Hán làm văn tự chính thống cùng chế độ giáo dục khoa cử, nghề in mộc bản thực sự trở thành một phương tiện đắc lực phục vụ đời sống chính trị, xã hội của dân tộc. Thực ra, nghề in mộc bản xuất hiện ở Việt Nam từ khá sớm. Nó gắn liền với việc khắc in những bộ kinh sách để truyền bá đạo Phật khi Phật giáo thịnh hành ở Việt Nam thời Lý- Trần. Song phải đợi đến khi Thám hoa Lương Như Hộc triều Lê, sau hai lần đi sứ (Thái Hòa1-1443 và Thiên Hưng 1-1459) đã đem nghề in mộc bản của Trung Quốc truyền cho dân làng mình thì bấy giờ nghề in sách của ta mới có bước phát triển rõ rệt và dần được truyền đi rộng khắp. Ban đầu phạm vi in ấn hết sức hạn hẹp (chỉ trong khu vực triều đình và nhà chùa. Hơn nữa, kinh phí cũng hết sức tốn kém). Có những khi triều đình phong kiến quản lý việc in ấn khá nghiêm ngặt. Thời Lê, ngay cả những kinh sách đạo Phật, đạo Lão cũng như thơ văn mà triều đình không cho phép thì người dân không được khắc in. Hay như dưới thời Minh Mệnh, người nào muốn in ấn phải có đơn gửi lên cấp quản lý chuyên trách. Tuy vậy, nghề in sách vẫn không vì thế mà không có bước phát triển. Đặc biệt vào cuối thế kỷ XIX, khi nền kinh tế hàng hóa nảy nở, mạng lưới giao thông phát triển, các đô thị lớn nhỏ xuất hiện thì đời sống xã hội Việt Nam có những biến chuyển nhanh chóng, cùng với nhu cầu về đời sống tinh thần của người dân đã khiến cho nghề in nở rộ và trở thành một nghề kinh doanh trong xã hội. Các cơ sở tư nhân mọc lên khắp nơi. Chính vì thế, số thư tịch của ta hiện còn, phần lớn được làm ở giai đoạn này.

Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam lại có những chuyển biến quan trọng. Văn minh phương Tây xâm nhập, đã làm đảo lộn những khuôn phép mà triều đình phong kiến Việt Nam cố công duy trì bấy lâu nay. Các giá trị văn hóa Nho giáo không còn được tôn sùng như trước nữa. Nó đã bị lung lay, khô cứng và trở nên méo mó đến thảm hại:

" Nào có ra gì cái chữ Nho
Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co...."

Truyện Nôm "Phạm Công Cúc Hoa"
Lúc này cùng với bước chân xâm lược của thực dân Pháp, một số sản phẩm của nền văn minh hiện đại bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Trong đó phương thức in bằng con chữ rời đã có những ảnh hưởng lớn tới việc in ấn xuất bản của Việt Nam. Như trên đã nói, nghề in mộc bản gắn liền với văn hóa chữ Hán và giáo dục khoa cử. Thế nhưng ở vào thời điểm nền Nho học nước nhà bắt đầu suy thoái, thêm nữa lối in chữ rời hết sức tiện lợi đã xuất hiện song nghề in mộc bản không phải đã mất đi vai trò của mình. Không những thế lại còn xuất hiện thêm nhiều cơ sở in ấn mới. Tại sao lại như vậy ? Điều này hoàn toàn được quyết định bởi những nguyên nhân lịch sử xã hội:
 
"Sự lỏng lẻo về vương quyền bên cạnh sự biến chuyển dữ dội của xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX khiến nhu cầu về sách vở, và các tri thức khoa học trở nên thiết yếu, khiến cho hàng loạt những hiệu, đàn, trai, lâu.... ra đời, báo hiệu một thời kỳ nở rộ của nghề in, kéo theo sự lụi tàn dối già của nền Nho học nước nhà".

Với tư cách là kinh đô của đất nước, đương nhiên việc in ấn sách ở Hà Nội giữ một vị trí quan trọng. Ngoài hai khu vực đền chùa (chủ yếu in kinh sách ấn tống phục vụ nhu cầu tôn giáo) và triều đình (chủ yếu là các bộ sử) thì ở Hà Nội đầu thế kỷ XX, các nhà in tư nhân hết sức phát triển. Nổi tiếng nhất là phố Hàng Gai với những tên: Liễu Văn đường, Tụ Văn đường, Phúc Văn đường, Đồng Văn đường, Quảng Thịnh đường, Cẩm Văn đường, Quan Văn đường, rồi tới phố Hàng Đào với áng Hiên hiệu... Phố Hàng Ngang, Hàng Đào có bán cả sách Trung Quốc. Nơi bán sách cũ thì nằm trên phố Hàng Quạt...

Những sách mà các cơ sở này in bán gồm:

Mảng sách phục vụ khoa cử:

Mặc dù chế độ khoa cử Việt Nam đầu thế kỷ XX có nhiều xáo trộn, song tới tận năm 1919 mới kết thúc bằng khoa thi Hương cuối cùng. Nhu cầu về sách vở phục vụ thi cử là không thể thiếu. Có điều, do nội dung thi cử có phần thay đổi, từ kinh nghĩa, thơ phú chuyển sang văn sách, luận và thêm cả một phần quốc ngữ (dùng chữ cái La-tinh) nên các tập luận và văn sách được chọn lọc và bán khá nhiều như như Luận thể tân thức do hiệu Cát Thành số 3 Hàng Gai in năm 1911, Hội đình văn tuyển (từng được cơ sở Liễu Chàng in năm 1838, sau được Liễu Văn đường, Đồng Văn đường, úc Văn đường nhiều lần tái bản), Hương thí văn tuyển (Liễu Văn đường, úc Văn đường, Trường Văn đường xuất bản), rồi Hà Nam hương thí văn tuyển (Gia Liễu đường, Liễu Văn đường), Luận ngữ tinh hoa ấu học (Lạc Tĩnh viên). Bên cạnh đó là các bộ sử như Trung học Việt sử toát yếu (ván in để tại số 22 Hàng Bè), Nam quốc địa giáo khoa thư, Văn minh tân học sách... của nhóm Đông Kinh nghĩa thục. Bộ Danh gia quốc âm, được hiệu Long Đức ở Hàng Thiếc in hai lần vào hai năm gần nhau 1902,1904......

Bên cạnh mảng sách khoa cử phục vụ tầng lớp Nho sinh, mảng truyện Nôm vốn ra đời ở thế kỷ XVII, phát triển mạnh ở thế kỷ XVIII, XIX đến đầu thế kỷ XX lại tiếp tục phát triển. Ngoài việc tái bản những cuốn cũ còn có thêm nhiều đầu sách mới nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân. Riêng cuốn Phạm Công - Cúc Hoa, từ năm 1907 đến năm 1936, được in cả thảy 15 lần (trong phạm vi cả nước). Đặc biệt là Truyện Kiều được in cả thảy 32 lần. Trong số 25 lần in có ghi rõ thời gian và nhà tàng bản thì có tới 16 lần được in tại Hà Nội. Các truyện Nôm khác, với những đề tài cũ, mới không ngừng ra đời như Lưu Bình Dương Lễ tân truyện, Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai tân truyện, Quan Âm chính văn tân truỵện, Mỹ nữ cống Hồ, Bạch Viên tân truyện, Nam nữ đối ca., Đồng tiền truyện... rồi những bản diễn trò như trò Hà Ô Lôi, trò Nghiêu Thuấn... cũng rất phổ biến.

Ngoài ra, còn có những loại sách thuộc lĩnh vực khác như luật, toán, và một số cuốn kinh Phật do cá nhân tự bỏ tiền ra in như bà Trần Thị Trường ở Hàng Gai... Đặc biệt đã xuất hiện những sách cổ động duy tân của nhóm Đông Kinh nghĩa thục. Những sách này, theo Trần Văn Giáp trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập I, được tạo nên ngoài phương thức in mộc bản truyền thống, còn có cả lối in hoạt tự (xem mục Văn minh tân học sách). Một điều không thể không nhắc đến là một số cơ sở in ấn ở Hà Nội đầu thế kỷ XX, cùng với các thiện đàn” khác trong cả nước, tiếp tục in ấn nhiều thơ văn giáng bút. Nếu như trước đó văn giáng bút chỉ đơn thuần là lời của Phật, Tiên, Thánh khuyên răn con người ăn ở thiện tâm thì sang đầu thể kỷ XX nó đã mang thêm nội dung mới. Ta đã biết, giữa thế kỷ XIX, phong trào Cần vương diễn ra khá sôi nổi. Bằng những vần thi ca đầy nhiệt huyết, các nhà Nho tích cực kêu gọi nhân dân chống Pháp. Sang đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp ra sức khủng bố phong trào, cấm lưu hành thơ văn “chống đối”. Để hợp pháp hóa việc tuyên truyền, nhiều nhà Nho của ta liền mượn ngày lời của Phật Tiên Thánh khuyên răn con người ăn ở thiện tâm thì sang đầu thế kỷ XX nó đã mang thêm những nội dung mới. Ta đã biết, giữa thế kỷ XIX, phong trào Cần Vương diễn ra khá sôi nổi. Bằng những vần thơ ca, các nhà Nho tích cực kêu gọi nhân dân chống Pháp. Sang đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp ra sức khủng bố, cấm lưu hành thơ văn "chống đối". Để hợp pháp hóa việc tuyên truyền các nhà Nho liền dùng lời của Phật, Tiên, Thánh kêu gọi nhân dân đoàn kết, chống thói hư tật xấu, chống cường quyền áp bức, nhằm chấn hưng văn hóa dân tộc, văn hóa Thăng Long. Lời của Phật, Tiên, Thánh ở đây không chỉ lấy lời của những nhân vật bên Trung Quốc nữa mà chính là lời của những vị anh hùng dân tộc, những vị" thánh" của dân tộc Việt. Hình thức thể hiện cũng trở nên gần gũi qua những vần thơ Nôm dễ thuộc, dễ nhớ. Chính vì thế nó đã khơi gợi được tinh thần dân tộc, kêu gọi nhân dân đứng lên cứu nước cứu nòi.


Sau năm 1919 chế độ khoa cử chấm dứt song nghề in sách mộc bản ở Việt Nam vẫn tồn tại lác đác đến tận kháng chiến chống thực dân Pháp, và dần thu hẹp phạm vi trong các đền chùa chỉ để in kinh, in thẻ...

Các cơ sở in sách mộc bản trên phố phường Hà Nội đầu thế kỷ XX:

- Áng Hiên hiệu (Hàng Đào)
- Cát Thành hiệu (Hàng Gai)
- Cẩm Văn đường (Hàng Gai)
- Công Thiện đường (?)
- Đông Kinh ấn quán (?)
- Đồng Văn đường (Hàng Gai)
- Lạc Tĩn Viên (?)
- Lạc Khuyến đường (?)
- Liễu Văn đường (Hàng Gai)
- Long Đức hiệu (Hàng Thiếc)
- Mạc Đình Tư hiệu (Hàng Bông)
- Mỹ Văn Đường (?)
- Nghĩa Lợi hiệu (?)
- Nhà in Lê Văn Tân (?)
- Nhà in Viễn Đông (?)
- Phúc An hiệu (?)
- Phúc Văn đường (Hàng Gai)
- Quan Văn đường (Hàng Gai)
- Quảng Thịnh đường (Hàng Gai)
- Thịnh Mỹ đường (Hàng Gai)
- Tụ Văn đường (Hàng Gai)
Đặc biệt có một số cơ sở in còn ghi cả địa chỉ cụ thể như:
Hiệu áng Hiên số 24 Hàng Đào.
Hiệu Cát Thành số 3 Hàng Gai.
Hiệu Mạc Đình Tư 136 Hàng Bông.
Số nhà 22 Hàng Bè.

Hà Nội không chỉ là nơi địa linh nhân kiệt mà còn là nơi nổi tiếng Thi Thư. Chính những cơ sở in này đã góp phần làm nên diện mạo văn hiến một thời của dân tộc ta nói chung cũng như diện mạo văn hiến Thăng Long nói riêng. Nó đã ghi lại đời sống văn hóa của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt. Nghề in và các cơ sở in ấn ở Hà Nội đầu thế kỷ XX đã có một vai trò tích cực trong việc chấn hưng văn hóa dân tộc, văn hóa Thăng Long. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hà Nội nửa đầu thế kỷ. Nguyễn Văn Uẩn. Nxb Hà Nội 1995.
2. Phố phường Hà Nội xưa. Hoàng Đạo Thúy, Sở Văn hóa thông tin Hà Nội, 1974.
3. Truyện Nôm nguồn gốc và bản chất thể loại. Kiều Thu Hoạch, Nxb. KHXH, 1993.
4. Tìm hiểu nghề in của ta qua kho sách Hán Nôm. Mai Hồng - Nguyễn Hữu Mùi, T/c Hán Nôm số 1 năm 1986.
5. Nghề in và đồ họa sách thời Nguyễn. Lê Quốc Việt, T/c Khoa học và Tổ quốc.
6. Luận thể tân thức, VHv. 355, Thư viện Hán Nôm.
7. Việt sử tam tự tân ước toàn biên, VHv. 1697, Thư viện Hán Nôm.
8. Bắc sử tân san toàn biên. VHv. 1543, Thư viện Hán Nôm.
9. Quảng tập hoa văn, A. 1134/1, Thư viện Hán Nôm.
10. Luận ngữ tinh hoa ấu học, A 906, Thư viện Hán Nôm.
11. Trung học Việt sử toát yếu, VHv. 987/1-4, Thư viện Hán Nôm.
12. Đồng tiền truyện, VNb. 71, Thư viện Hán Nôm.
13. Truyện Kiều chữ Nôm đã xuất bản bao nhiêu lần ? Nguyễn Khắc Bảo, Nguyễn Hữu Giới, T/c Sách, số tháng 6 năm 1998.
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 4.2000.
Tác giả bài viết là Thạc sĩ Nguyễn Thị Dương, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm

4 nhận xét :

  1. Gửi cho Xuan Dien cai link nay de xem người ta xài ngân sách vô tội vạ chưa nè. Quảng Nam là tỉnh nghèo nhất cả nước, ông chủ tịch tỉnh dám tự ý điều chỉnh dự án xây tượng đài từ 81 tỷ lên 410 tỷ. Sự việc chưa có tiền lệ
    http://nld.com.vn/20110915095642797p1140c1192/vu-xay-tuong-dai-tu-55-ti-len-410-ti-dong.htm

    Trả lờiXóa
  2. http://dantri.com.vn/c20/s696-518612/viet-nam-phan-doi-trung-quoc-vi-pham-chu-quyen.htm

    Trả lờiXóa
  3. Ông Lương thanh Nghị(người thay em Nga)hôm nay lên tiếng phản đối TQ cho tau vào khu vực TS rồi.Hoan hô ông Nghị

    Trả lờiXóa
  4. Theo tôi hiểu, nghề in xuất hiện rất sớm ở địa vực văn minh Đông Á, hình như sớm nhất trong toàn bộ lịch sử văn minh loài người. Thành ra nếu nói dân Việt cổ chưa hề biết đến in ấn trước thời Lý-Trần thì tôi lấy làm hồ nghi. Có thể là do chính sách ngu dân của "thiên triều" trong suốt ngàn năm đô hộ chăng?

    Khi Tần Thủy Hoàng thông lĩnh Trung quốc, ông ta đã tìm mọi cách tận diệt đạo Nho, đốt sách, chôn sống các "trí thức". Ta có thể đoán không sợ sai rằng từ đó nghề in bị kiểm soát khắc nghiệt, trở nên việc độc quyền của triều đình, và các sắc dân bị trị chỉ còn nước dùng con đường truyền khẩu. Có lẽ Việt Nam mình cũng nằm trong trường hợp như thế nên văn hóa truyền khẩu phát triển rất mạnh. Chắc chắn là có nhiều người Việt xưa thuộc lòng Kiều trước khi có bản in Đoạn Trường Tân Thanh đầu tiên bằng mộc bản.

    Một lý do thứ hai là dân ta sống trong vùng khí hậu ẩm thấp, tuổi thọ của các bản in giấy hay khắc tre thấp, mà nước thì vừa nghèo vừa phải chống ngoại xâm liên miên, không có điều kiện bảo quản các ấn phẩm nên cũng khó phát triển được nghề in chăng? Đồng ý là xưa nay nghề in và văn hóa của một nước có mối quan hệ mật thiết, nhưng có thể các sắc dân Á Dông nói chung và riêng nòi giống Việt tộc là những trường hợp "ngoại lệ"?

    Trả lờiXóa