Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

NHẬT KÝ BIỂU TÌNH: LÀM VIỆC VỚI AN NINH

Biểu tình phản đối TQ gây hấn và Tưởng niệm liệt sĩ sáng 24.07.2011 tại Hồ Gươm.
Làm việc với an ninh
(Nhật ký biểu tình kỳ 3)

Đào Tiến Thi


Khoảng 9 rưỡi sáng 25-7-2011, trưởng ban của tôi nói phòng Tổ chức thông báo chiều nay an ninh sẽ đến làm việc với tôi tại cơ quan. Cô trưởng ban không biết là chuyện gì cho nên tỏ ra khá lo lắng. Tôi nói ngay: “Chắc là chuyện anh đi biểu tình hôm rồi và có thể cả chuyện ký Kiến nghị nữa. Hai việc đó thực ra cũng chỉ là một thôi. Kiến nghị thì đã đưa lên mạng. Đi biểu tình thì họ đã ghi tên, và anh còn kể trên blog Nguyễn Xuân Diện. Mọi cái công khai, rõ ràng. Chắc là họ tìm hiểu cho rõ thêm về mình và giải thích chính sách thôi”.

Đúng hai giờ chiều, phòng tổ chức có điện gọi tôi xuống. Hai anh cán bộ an ninh đã chờ sẵn.

Hai anh cán bộ an ninh đều mặc thường phục và còn rất trẻ và rất cởi mở, nhất nhất trong xưng hô đều “chú - cháu” rất lễ phép. Một anh to khỏe, vui tính và một anh dáng thư sinh, hiền dịu. Ngay từ cái bắt tay đầu tiên và những câu thăm hỏi xã giao đã tạo ra cảm giác rất dễ chịu.

Các anh cũng không đem giấy bút ra ghi chép bất cứ thứ gì, ngoài việc lúc chia tay tôi cho các anh ấy số điện thoại, email, nhưng đấy là do tình cảm cá nhân chứ không phải do yêu cầu làm việc.

Mở đầu, các anh nói ngay lý do là thấy tôi ký vào bản kiến nghị của các trí thức đề xuất ngày 10-7-2011, bản kiến nghị mang tên Kiến nghị Bảo vệ và Phát triển đất nước trong tình hình hiện nay (gọi là Kiến nghị 1007), các anh muốn xác minh rõ hơn và muốn nghe tâm tư của tôi vì sao mà ký kiến nghị này. Các anh nói rõ tinh thần buổi làm việc là trao đổi thoải mái, không áp đặt, không quy chụp bất cứ điều gì.

Tôi nói luôn là tôi không những ký Kiến nghị mà ký cả Tuyên cáo (Tuyên cáo về việc nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam) cũng do các trí thức hàng đầu của đất nước khởi xướng ngày 25-6-2011 và tôi có tham gia 2 cuộc biểu tình, một cuộc hôm 3-7 và một cuộc 17-7, cuộc 17-7 bị bắt về đồn công an Mỹ Đình. Câu chuyện do đó lại bắt đầu bằng chuyện biểu tình.

Ngay từ đầu đã xảy ra tranh luận xung quanh từ “bắt”. Theo các anh ấy, gọi là bắt “nặng nề quá”. Nhưng tôi đã chứng minh là tôi bị bắt. Không chỉ là bắt mà là bắt bất hợp pháp, vì tôi không có lý do gì để bị bắt, và người bắt thì không mặc sắc phục công an, cũng không xuất trình giấy tờ. Cuối cùng thì các anh ấy cũng công nhận là tôi bị bắt và còn cho biết những nhân viên an ninh làm sai hôm ấy sẽ bị ngành xử lý.

Rồi các anh giải thích, việc ký kiến nghị không sai, đi biểu tình chống Trung Quốc gây hấn cũng không sai. Các anh ấy còn ghi nhận nhiệt tình yêu nước của tôi, nhưng nhắc tôi đừng để bọn xấu lợi dụng, chỉ thế thôi. Tôi khẳng định là không ai có thể xúi giục được tôi. Tôi làm theo sự thôi thúc của lương tri. Cũng còn rất nhiều người có lương tri nhưng họ chưa dám xuống đường hay ký kiến nghị chỉ vì sợ: sợ an ninh làm phiền. Tôi cũng có nỗi sợ ấy, nhưng đến một lúc nào đó, lương tri cháy bỏng đến độ mà nếu không làm gì sẽ thấy mình vô trách nhiệm, là có tội với Tổ quốc và nhân dân, là chịu nỗi quốc nhục không thể tha thứ.

Qua trò chuyện, tôi thấy các anh ấy rất thông cảm với nỗi bức xúc của nhân dân ta nhưng mong nhân dân cũng thông cảm cho nhà nước, đang không chỉ đương đầu với Trung Quốc mà còn đương đầu các thế lực thù địch khác mà ngành an ninh của các anh ấy đang phải đương đầu trực tiếp. Làm sao để việc, chẳng hạn như việc biểu tình chống Trung Quốc không để cho các thế lực thù địch lợi dụng, biến thành chống nhà nước.

Nhân đó, tôi phát biểu quan điểm của mình về “các thế lực thù địch”, rằng địch ở đâu chứ không thể ở người đi biểu tình chống Trung Quốc. Nhà nước quá lo ngại về nhân dân sẽ là một mối nguy lớn. Nếu mối lo ngại này không giải tỏa được thì sẽ nảy sinh thêm vấn đề rắc rối và đất nước sẽ ngày càng suy yếu. Cảnh giác với “các thế lực thù địch” là đúng nhưng mong sự cảnh giác ấy không đánh nhầm vào nhân dân yêu nước.

Câu chuyện về sau xoay quanh cách ứng phó với Trung Quốc, thì vấn đề khác biệt quan niệm không lớn. Cả “nhân dân” (tức là tôi) và “nhà nước” (hai cán bộ an ninh) đều chung ý chí giữ gìn hòa bình, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Có khác chăng chỉ là phương pháp. Chúng tôi trao đổi chuyện xin “phong vương” và cống nạp thời xưa, chuyện ông Lý Thường Kiệt kéo quân sang đánh giặc Tống ngay trên đất Tống như thế nào,…

Tuy nhiên cuối cùng câu chuyện vẫn lại quay về chuyện ký kiến nghị và biểu tình. Tôi thì nhấn mạnh tác dụng của kiến nghị là nó góp ý chí và trí tuệ cho Đảng và Nhà nước, vì tất cả sức mạnh ở trong nhân dân. Tôi đưa ra hình ảnh làm sách giáo khoa của chúng tôi để chứng minh cho trí tuệ trong nhân dân lớn như thế nào. Để viết một quyển sách giáo khoa khoảng 200 trang, hàng chục giáo sư, tiến sỹ chuyên ngành, cả những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực khoa học đó tham gia, lại qua hàng chục chuyên gia khác và hàng trăm giáo viên góp ý, thế mà in ra là có sai, có lỗi, là bị báo chí “nện”. Mỗi năm dư luận đều chỉ ra chỗ này chỗ nọ có lỗi hay bất cập về mặt nào đấy. Cho nên có thể nói cả những đầu óc siêu việt đi nữa cũng không thể chủ quan cho mình là đúng cả. Cái ông cầm loa giải tán đoàn biểu tình nói “đã có nhà nước lo” là sai cả lý thuyết lẫn thực tiễn.

Còn việc biểu tình chống Trung Quốc tôi vẫn khẳng định là nó tạo nên sức mạnh cho dân tộc ta. Tôi đưa ra hình ảnh: Nhà anh nếu có bọn một bọn trộm cướp lúc nào nó cũng rình mò, thì thế nào cũng nó phen nó đột nhập được. Vấn đề là nó sợ anh. Sợ chẳng may chủ nhà tóm được và trừng trị đích đáng. Nó phải thấy chủ nhà sẵn sàng đập nó, chứ chủ nhà lại sợ nó thì nó còn sợ gì nữa mà không tấn công. Người đi biểu tình chỉ có một mục đích chống Trung Quốc thôi, không có mục đích gì khác. Mà chống Trung Quốc xâm lược thì lại rất cần có nhà nước, người tổ chức, lãnh đạo. Những lúc không có giặc, nhân dân có thể bất bình với nhà nước chuyện này chuyện nọ, nhưng lúc Tổ quốc lâm nguy, hơn lúc nào hết nhân dân cần nhà nước. Điều này đúng từ trong nguyên lý. Càng đúng trong thực tế lịch sử Việt Nam.

Đại để cuộc trao đổi cứ xoay quanh mãi những chuyện như thế, kéo dài một tiếng rưỡi. Cuối cùng thì hai bên cũng hiểu nhau. Hiểu ở tấm lòng. Còn tất nhiên quan niệm từng vấn đề vẫn có sự khác nhau nhưng không khác nhau quá lớn. Các anh ấy nhấn mạnh lại là nhà nước không cấm biểu tình nhưng cũng giới hạn biểu tình ở mức kiểm soát được, không để nảy sinh vấn đề khác, đặc biệt không để việc biểu tình trở thành nguy cơ dẫn đến quan hệ thù địch giữa 2 quốc gia và là điều kiện để những thế lực thù địch lợi dụng chống phá ta. Tôi thấy mình thông cảm nhiều hơn cho ngành an ninh. Có những chỗ có địch thực sự, chỉ họ mới nhìn thấy, nếu họ có “soi mói” thì cũng là vì nhiệm vụ, chúng ta nên sẵn sàng hợp tác với họ.

Kết thúc buổi làm việc, các anh hỏi tôi có hài lòng buổi làm việc hôm nay không. Tôi bảo: “Quá hài lòng. Trước khi gặp, tôi không thể tưởng tượng được nó lại tốt đẹp thế”.

Các anh cho biết trước khi đi, sếp của họ cũng căn dặn phải rất nhẹ nhàng, bởi những người trí thức họ có quan điểm riêng, họ cũng rất dễ bị tổn thương.

Tôi thấy quý trọng người sếp của các anh (mà tôi chưa biết mặt) quá. Tôi nghĩ những người như ông sỹ quan an ninh ấy và hai anh anh ninh tôi gặp hôm nay là những hình ảnh đẹp của ngành công an giữa bao nhiêu tai tiếng xấu như chúng ta đã biết.

Chia tay, các anh bảo: “Lúc nào rảnh sẽ rủ chú đi uống bia, chú đồng ý chứ?”. Anh còn hỏi: “Chủ nhật tới chú có đi biểu tình nữa không?”

Tôi bảo: “Cũng tùy tình hình: sức khỏe, công việc,... Như hôm qua chú (đến lúc này tôi không thể không xưng hô thân mật) không đi được vì mệt. Nhưng tùy thuộc nhất là thái độ của Trung Quốc. Nếu nó lại giở thói côn đồ thì chỉ trừ ốm liệt giường, chứ kiểu gì chú cũng phải đi.   

Tái bút: Trước khi gửi bài này cho blog Nguyễn Xuân Diện, tôi đã gửi cho các anh anh ninh đã làm việc với tôi xem. Các anh ấy cho cả sếp của các anh xem nữa. Họ thấy tôi ghi lại rất trung thực. Các anh chỉ đề nghị là không ghi cụ thể danh tính các anh ấy và thay những chữ “Tàu” mà tôi thường nói lúc trò chuyện bằng chữ “Trung Quốc” cho nó lịch sự. Chỉ thế thôi. 

Đây là bài thứ ba, trong loạt bài Nhật ký biểu tình của Đào Tiến Thi:

27 nhận xét :

  1. Hai anh an ninh này khác hẳn anh Minh đại úy! là người VN được ăn học chắc các anh cũng đau lòng khi chủ quyền nước nhà bị ngoại bang xâm phạm!

    Trả lờiXóa
  2. Bất luận dù làm việc lịch sự, khó chịu, lạnh nhạt...bản chất họ đều không muốn có việc biểu tình dù là yêu nước xảy ra, vì bất cứ lý do gì? bất cứ ai? bất cứ ở chỗ nào? Tóm lại là không muốn có BIỂU TÌNH.

    Kinh nghiệm của năm 2007, tôi baị "làm khó" một thời gian dù rất nhẹ nhàng, lịch sự nên tôi không lạ gì.

    Nhưng có điều tôi thấy đã có sự chuyển biến qua các phương tiện truyền thông chính thống, không còn dùng từ "tụ tập", bị kẻ xấu lợi dụng, bị lôi kéo của tổ chức phản động...

    Tóm lại, cứ càng được mời, càng được triệu tập nhiều các bạn sẽ càng vững vàng, càng không còn sợ một nỗi sợ vu vơ = > Các bạn sẽ càng bản lĩnh, trưởng thành hơn mà thôi.

    Trả lờiXóa
  3. Qua đây ta có thể thấy được thiện chí của các anh an ninh đúng nghĩa. Còn Đại úy Minh kia là cảnh sát thôi nên tư tưởng kém lắm.

    Trả lờiXóa
  4. ...Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu...(Hồ Chí Minh)
    Bác Thi ơi bác xử dụng chữ "Tàu" là đúng với "Học tập theo tư tưởng của Hồ Chí Minh" mà sao Bác lại sữa.!
    Vậy là mấy anh AN quên " Tư tưởng HCM" rồi ! Bác phải nhắc cho họ chứ !

    Trả lờiXóa
  5. Tôi đồng ý với bác Thi, công an hay nhân dân cũng đều là con người, ở đâu cũng có người xấu người tốt. Người công bằng thì không bị ấn tượng chi phối như dân nhìn đâu cũng thấy công an xấu, còn công an thì nhìn dân hay nghi ngờ là tội phạm - bỗng dưng dừng phương tiện để kiểm tra giấy tờ như hôm giữ bác Quang A chẳng hạn.
    Bác Thi là trí thức nên mềm mỏng và lý luận sắc bén, nhưng người dân bình thường như chúng em chắc không được bình tĩnh như thế. Hoặc là lo sợ hoặc là nóng nảy quá đà..
    Mà sao bên an ninh các anh phân biệt thế, người thì gặp tại cơ quan, người thì gặp tại nhà, người lại "được mời" đến trụ sở công an, đòn gió hay sao thế nhỉ.

    Trả lờiXóa
  6. Gần đây đọc bài trên blog của anh Diện, tự nhiên làm em nhớ lại những cuộc mít tinh, tuần hành do Thành Đoàn tổ chức rất mang tính hình thức mà em đã từng tham gia đôi lần thời sinh viên, một cảm giác vô vị, vô nghĩa...

    ...khi so sánh với các cuộc biểu tình của nhân dân trong 2 đợt 2007 và 2011. Nó mang một ý nghĩa cao đẹp, trong sáng nhưng không kém phần sôi nổi, hào hùng chen lẫn vui tươi-hào hoa. Tuy số người tham gia có thể quá ít so với tỉ lệ dân số ở Hà Nội nhưng sức loan tỏa, dư âm lại rất lớn vang vọng khắp toàn cầu.

    Tôi nghĩ không riêng gì tôi, đó là những ấn tượng lớn trong mỗi chúng ta và sẽ theo ta suốt cuộc đời này.

    Trả lờiXóa
  7. Thực ra thì khi tổ quốc bị lâm nguy, đã là con dân nước Việt thì đều thể hiện lòng yêu nước qua cách riêng của mình, ai cũng vậy thôi.
    Khi biển đông bị gây hấn, là con dân nước Việt ai mà chả bức xúc, an ninh cũng vậy thôi.
    Tôi tâm đắc câu này "Các anh ấy nhấn mạnh lại là nhà nước không cấm biểu tình nhưng cũng giới hạn biểu tình ở mức kiểm soát được, không để nảy sinh vấn đề khác, đặc biệt không để việc biểu tình trở thành nguy cơ dẫn đến quan hệ thù địch giữa 2 quốc gia và là điều kiện để những thế lực thù địch lợi dụng chống phá ta"

    Trả lờiXóa
  8. Đấy, chiến sĩ an ninh công an nhân dân là phải như thế, Từ phong thái, cử chỉ, điệu bộ khi đang thi hành nhiệm vụ đều phải là tấm gương sáng cho nhân dân noi theo. Hoan Nghênh !

    Trả lờiXóa
  9. Nghĩa vụ của các anh an ninh là đảm bảo an ninh trật tự và luôn đứng về phía nhân dân. Được vậy, nhân dân quý trọng các anh vô cùng.

    Trả lờiXóa
  10. Chúng ta cũng nên thông cảm với an ninh, họ phải thực thi công việc của mình, còn trong tâm tư tình cảm họ cũng giống chúng ta thôi đều là máu đỏ da vàng, đều có tinh thần dân tộc, người ta làm việc vì nhiệm vụ được giao. Nên chúng ta hợp tác làm việc sẽ hiểu nhau và đồng cảm hơn.

    Trả lờiXóa
  11. Bài viết của bác Thi rất hay, rất thẳng thắn. Tôi cũng đồng ý với bác về chuyện chia sẻ sự hiểu biết lẫn nhau giữa những người biểu tình yêu nước và lực lượng AN. Nhưng cho tôi nói thật: tôi chỉ tin đến 70% những gì mấy anh ấy nói. Nhất là chi tiết này "Cuối cùng thì các anh ấy cũng công nhận là tôi bị bắt và còn cho biết những nhân viên an ninh làm sai hôm ấy sẽ bị ngành xử lý". Để rồi xem xử lý thế nào.
    Tôi không tin rằng mấy anh ấy "ngọng" tiếng Việt đến mức không biết từ "bắt" nghĩa là gì. Rõ ràng là "bắt bớ", vậy mà không dám thừa nhận rằng lực lượng an ninh đã "đàn áp người yêu nước" thực thi quyền biểu tình được Hiến pháp công nhận.

    Trả lờiXóa
  12. Gửi Khách ẩn danh 11:00
    Bác Hồ dùng "giặc Tàu" là rất đúng, vì nó đi với chữ "giặc". Trong một số trường hợp khác cũng dùng chữ "Tàu" được, như "người Tàu", "hàng Tàu",.. đó cách nói thông thường. Tuy nhiên trong trong cách nói chính thức thì phải dùng "Trung Quốc". Nói "chính phủ TQ", "Đảng CSTQ" chứ không thể nói Chính phủ Tàu", ĐCS Tàu"

    Trả lờiXóa
  13. Bài này hay. DÂN VIỆT và AN NINH VIỆT muôn năm !

    Trả lờiXóa
  14. Xin gửi lời cảm ơn và bày tỏ một tình cảm chân thành và thân thiện đến 2 anh an ninh và cấp trên của 2 anh! Ứng xử và hành xử với người dân yêu nước (nhất là với những trí thức) như thế là tuyệt vời! Chúc 2 luôn hoàn thành nhiệm vụ và xứng đáng với sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

    Nguyễn Trọng Bình (Cần Thơ)

    Trả lờiXóa
  15. Hoan hô Đào Tiến Thi và hai chiến sĩ an ninh đã làm việc với anh.
    An ninh làm việc với mình tuy không đến nỗi đáng ghét nhưng không được cởi mở như thế.

    Trả lờiXóa
  16. Hai bên gặp nhau, trân trọng nhau như thế, thì chung gánh nước non, chung bầu tâm sự là đương nhiên. Bài viết của bác Đào Tiến Thi cho thấy anh em an ninh nhiều người rất hiểu việc và tôn trọng nhân dân!

    Trả lờiXóa
  17. Anh Dien viet:

    Bài viết của bác Đào Tiến Thi cho thấy anh em an ninh nhiều người rất hiểu việc và tôn trọng nhân dân!
    Nhung toi de nghi sua lai mot tu thoi:
    ... anh em an ninh van con co nguoi ...

    Ly do: tu dau den gio toi chi moi thay co 2 anh nay thoi ma!

    Trả lờiXóa
  18. "Cuối cùng thì các anh ấy cũng công nhận là tôi bị bắt và còn cho biết những nhân viên an ninh làm sai hôm ấy sẽ bị ngành xử lý".
    .............................
    Tiếc rằng đây không phải là lời của giám đốc CATP Nguyễn Đức Nhanh.

    Trả lờiXóa
  19. Thế này thì tôi cũng muốn được các anh AN "mời" để CA & ND hiểu nhau hơn. Hìhì. Mong rằng trong các cuộc bt tới CA đối với ND cũng trên tinh thần Tương Ái như thế.

    Trả lờiXóa
  20. Nghành có xử lý không thì đấy lại là công việc "nội bộ" thui mà. Khéo xử lý xong sang chỗ khác lại còn được đề bạt cao hơn ấy. Nhưng thôi, chúng ta hãy tin tưởng: Dù sao đó cũng là một tín hiệu đáng mừng.

    Trả lờiXóa
  21. Bác Đào Tiến Thi đã gỡ rối cho AN nhiều đấy, họ phải cảm ơn Bac Thi nữa mới đúng.
    Hệ thống chính trị đã quan liêu hoá nên xa dân, không hiểu tâm tư nguyện vọng của dân và sợ dân bị lực lượng thù địch kich động. Dân trí hiên nay không phải là đàn cừu đâu.
    Lực lượng AN có hiểu biết như hai anh gặp Bác Thi thì tôt biết bao. Ta hay đợi xem giứa nói và làm khác nhau bao nhiêu.

    Trả lờiXóa
  22. Có lẽ trong các bác, không có ai có con làm an ninh, nên các bác nặng lời và đánh giá con người qua việc làm của một vài người nhiều quá. Chả lẽ, các bác có lòng yêu nước nhiều hơn họ sao? Nếu không có họ, xã hội này có còn tuân theo một trật tự?

    Nhiều bác sỹ, y tá vô trách nhiệm bỏ mặc bệnh nhân đến khi nào có phong bì đút túi mới khám, chữa; nhiều nhà giáo ngấm ngầm bắt học sinh học thêm, chấm điểm sau khi nhận quà của học sinh; nhiều phóng viên viết bài không đúng sự thật bởi phong bì kẹp sổ... Họ cũng là con người cả thôi, nhưng ít ai dám nói, ít ai bày tỏ quan điểm phản đối công khai, âm thầm chấp nhận nếu mình đang lệ thuộc họ. Và nhân viên an ninh cũng là một trong vô vàn con người đó, có người tốt, người xấu, người biết tôn trọng con người, người thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm mà thôi.
    Yêu nước không thể đánh giá bằng việc có đi biểu tình, hô hào, giơ cao khẩu hiệu hay không. Đi biểu tình đúng luật, có trật tự và đúng ý nghĩa sẽ thể hiện lòng yêu nước và rất đáng được trân trọng. Họ không tham gia biểu tình cùng mọi người, nhưng không có nghĩa là họ không yêu nước. Và nếu trong đoàn người biểu tình, không có những kẻ "đục nước béo cò", liệu có cần lực lượng đảm bảo trật tự?
    Tôi đồng ý với nhận xét của bác Thi, bác Diện về lực lượng an ninh nói chung và ủng hộ các bác bày tỏ lòng yêu nước thông qua cách biểu tình. Song, tôi cũng mong các bác không nên để một số kẻ lợi dụng hoạt động này để trục lợi.
    Chúc các bác mạnh khỏe!

    Trả lờiXóa
  23. Gửi Khách ẩn danh 16:01
    Tôi nghĩ những người có ác cảm nhất với ngành an ninh cũng không ai phủ nhận sạch trơn đến mức muốn xã hội không có ngành an ninh. Một nước văn minh như nước Mỹ, họ cũng có một lực lượng an ninh đồ sộ (có thể đồ sộ nhất thế giới).
    Cũng không có ai nghĩ cứ đi biểu tình mới là yêu nước đâu.
    Và tôi không nghĩ có người đi biểu tình để "đục nước béo cò". Thiếu gì chỗ đục nước béo cò? Còn đi biểu tình thì bị xô đẩy, bắt bớ, thậm chí có người bị đánh, sau đó còn bị đủ thứ phiền lụy khác (an ninh gọi làm việc, cơ quan gây khó dễ, mọi người e dè, xa lánh,...), vậy thì béo cái gì cơ chứ?
    Các anh an ninh nhắc chúng tôi phải cảnh giác với "những kẻ lợi dụng" thì chúng tôi thông cảm, chứ những người khác cũng cứ ra rả về điều đó thì chúng tôi rất khó chịu, thậm chí thấy mình bị xúc phạm.

    Trả lờiXóa
  24. Đương nhiên không loại trừ khả năng biểu tình bị "các thế lực thù địch" lợi dụng nhưng không vì thế mà không được phép biểu tình ... nó giống như người ăn thịt thì dể bị cholesteron nhưng không vì thế mà không ăn, người ta chỉ khuyên không nên ăn nhiều thịt chứ không ai bảo không được ăn thịt.
    Ngăn cản các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình đồng thời tạo điều kiện cho người yêu nước biểu tình là trách nhiệm của nhà nước như chủ nhật 24/7 vừa rồi hoặc như việc ngành AN đến với người biểu tình cho dù là đến nơi làm việc như bài viết trên là một động thái tích cực.
    Hy vọng từ đây động thái này sẽ được thực hiện ngày càng "tích cực" hơn.

    Trả lờiXóa
  25. Khi ngành an ninh quan tâm đến nhân thân người biểu tình yêu nước, biểu tình đúng luật, bản thân nó đã nói lên điều bất bình thường rồi.

    Trả lờiXóa
  26. đề nghị cơ quan công an ,quân đội khi làm việc mặc quân phục, quân hàm, quân hiệu đầy đủ vì các anh là của dân. cho nên khi tiếp cúc với dân hoạch làm việc dân khỏi nhầm là bọn côn đồ .nhất là khi ra đường bây giờ ngoài đường bọn cướp ngày đầy rẩy,nhiều lucsconf to mồm lớn tiếng là người thi hành công vụ mà các anhcoong an thật bắt vào đồn mới biết

    Trả lờiXóa
  27. Tiếp theo đề xuất lập Quỹ của một bạn, tôi thấy ta nên làm quỹ đó và đem tặng tiền/quà cho gia đình các liệt sĩ của cả Trường Sa 88 và Hoàng Sa 74, làm nhiều đợt, vì ngay từ đầu chưa có nhiều tiền ngay. Bác Diện hoặc ai đó ở Hà Nội, cùng với ai đó ở miền Nam đứng tên mở 2 tài khoản, bà con chắc chắn sẽ gửi tiền vào đó, các bác trong Nam gửi cho gia đình liệt sĩ trong Nam, các bác ngoài Bắc gửi cho gia đình liệt sĩ ngoài Bắc (qua bưu điện). Công bố cụ thể trên web này về việc chi tiêu.

    Trả lờiXóa