Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

NHẬT KÝ BIỂU TÌNH: ĐI GIỮA ĐỒNG BÀO

Ảnh: Hoàng Xuân Phú
ĐI GIỮA ĐỒNG BÀO
(Nhật ký biểu tình ngày 3 tháng 7 năm 2011)
Đào Tiến Thi

Bốn cuộc biểu tình đầu, lần thì bận, lần thì cũng như nhiều người, chưa vượt qua nỗi sợ mà không đi, nhưng càng không đi thì càng bị thôi thúc và mặc cảm tội lỗi. Tổ quốc lâm nguy mà mình tránh mặt, không dám có một hành động đơn giản nhất để phản ứng lại kẻ xâm lược thì không sao bào chữa cho cái hèn và cái lười (và muôn vàn cái khác) của mình. Lại xem ra số người xuống đường mỗi cuộc mỗi ít. Cơ đồ nguy quá rồi, chẳng lẽ ngồi chờ cái chết từ từ của đất nước? Thôi thì cứ đi. Bị bắt đi nữa thì cũng chịu được. Mà nói dại, cũng cần tập dần, lỡ sau này đất nước mất về Trung Quốc thì cái sự bắt bớ hôm nay có là gì. Lúc đi mua áo cờ, con trai bảo: “Bố mua cho con một cái nữa”. Bảo: “Con hiện giờ chưa nên đi”. “Vâng, nhưng thế nào rồi con cũng phải đi bố ạ”. Thấy mừng vì con trai trưởng thành nhanh không ngờ.

Bỗng nó lại hỏi: “Nhưng bố vẫn đang viêm họng, lại ù tai thì làm sao hô khẩu hiệu được?”. Tôi bảo: “Đợt viêm này là viêm mãn, chỉ rát cổ chứ không đau, nói được là hô được, hô to là khác”.

8h15 đến trước vườn hoa Lenin. Cảnh sát đã cấm đường và cấm cả vào công viên. Có vài chục người tập hợp khoảng 3, 4 nhóm, nói chuyện bâng quơ, cốt chờ đợi giờ G. Chẳng gặp ai quen. Mãi trước giờ G mới thấy TS. Nguyễn Quang A, liền đến bắt tay và tự giới thiệu mình từng là học viên ở một lớp học nọ, được nghe bác ấy giảng bài và từ bấy vẫn đọc các bài bác ấy viết.

8g40 bỗng một cậu thanh niên cầm biểu ngữ bước ra hô khẩu hiệu và mọi người hô theo. Một bác đưa cho tôi một khẩu hiệu in trên giấy A3, có cả tiếng Trung. Tôi rất thích nhưng mình bảo tôi cũng có rồi, để dành người khác. Các khẩu hiệu chủ yếu vẫn như các lần trước, nhưng có một khẩu hiệu hay hay trích câu của Gandhi: “Chúng ta hoảng sợ không phải vì sự hung ác của kẻ mạnh mà sợ vì sự nín nhịn của người thiện”.

Cuộc tấn công miệng trước Đại sứ quán Trung Quốc rất ngắn ngủi. Chỉ khoảng 5, 7 phút, cảnh sát đã dồn đoàn người về phía đường Trần Phú. Không có ai tranh cãi với cảnh sát nhưng đoàn người cũng nấn ná không chịu đi ngay. Lần đầu tiên tôi áp sát CSCĐ. Trước kia nhìn trên màn hình, thấy các chú áo đen, mũ nồi, lá chắn trông khủng khiếp như thần Chết, cũng kinh, nhưng giáp mặt cũng thấy họ hiền thôi. Toàn thanh niên trẻ, cao lớn, đẹp trai. Họ cứ ấn lá chắn vào lưng chúng tôi đẩy đi. Tôi nói nhỏ với một cậu: “Các cháu không thấy thương dân, không thấy cảm phục dân mình à? Hãy để nhân dân hô ít câu cho bọn Trung Quốc nghe thấy rồi hãy đuổi”. Cậu này tha cho tôi được nửa phút rồi lại đẩy tiếp, bảo “Biết rồi, thôi bác đi cho”. Hôm nay xuống đường chẳng được đông, may thì được 100. Tuy nhiên tinh thần rất hăng hái. Cứ dịch dịch một tí lại dừng lại hô vang khẩu hiệu, cho đến khi tiếng loa chói gắt bắt giải tán và các lá chắn ấn mạnh quá mới chịu đi tiếp.

Bắt đầu khởi hành. Có một anh tuổi trung niên, từ nãy tôi cứ nghi nghi là mật vụ, vì không thấy hô khẩu hiệu, nhưng khi lên đường mới thấy anh tung biểu ngữ và quán xuyến đội hình, nhắc bà con chú ý bảo vệ nhau, vì có thể Trung Quốc cho mật vụ trà trộn vào và bắt cóc người của ta. “Nếu để cho nó bắt người mình ngay giữa thủ đô của mình thì rất nhục”, anh nhắc lại mấy lần. Nếu quả có thế thì kinh khủng thật. Chẳng lẽ nòi giống Đại Việt anh hùng lại suy đồi đến thế a?

Đoàn người đông dần, lúc đông nhất có lẽ đến hai trăm. Trên đoạn Hai Bà Trưng được gặp anh Gốc Sậy (Về sau tôi mới biết là tiến sỹ Nguyễn Hồng Kiên). Tôi nhận ra vì đã nhìn thấy anh trên mạng ở mấy cuộc trước. Đúng là “gốc sậy”. Người nhỏ nhắn, nhưng dáng nhanh nhẹn thông minh. Tôi đọc lại câu của Pascal “Người là cây sậy…” và nhắc lại cái bài tường thuật rất hay của anh ở lần biểu tình thứ hai hay thứ ba gì đấy.

Trời nắng gắt. Đoạn đường Hai Bà Trưng khá dài. Đoàn người đi hơi rời rạc. Nhưng tới Nhà Hát Lớn mọi người hăng hái trở lại. Cảnh sát áo xanh đứng chặn thành hàng không cho lên bậc thềm Nhà Hát nhưng một số người đã nhanh chân lên được. Tôi  lựa một chỗ trống lỏn lên, cũng thoát. Những người còn ở dưới đấu tranh mạnh, bảo đây không có biển cấm và chả có gì phải cấm, cuối cùng cũng được lên cả.

Cậu thanh niên áo đỏ hăng hái đi đầu lúc khởi hành lấy ra bản tuyên cáo và nhờ một nhân sỹ nào đó đứng ra đọc. Nhưng không kiếm được bác nào “lớn lớn” (hình như nắng gắt, hành trình  dài, bác Ngô Đức Thọ, bác Nguyễn Quang A đã về). Tôi vớ được anh Phạm Xuân Nguyên, là một bác trí thức cũng “trọng trọng” cả danh vọng lẫn tuổi tác,  liền đẩy anh ra. Nhưng không hiểu sao anh Nguyên không nhận lời. Thế là cậu áo cờ Tổ quốc lại “thân chinh” đọc. Kết thúc, đoàn người hô vang các loại khẩu hiệu. Nhưng CS không cho đứng lâu. Một sỹ quan CS mặt rắn đanh cầm loa thét mọi người giải tán.

Đoàn người đi vào Tràng Tiền để ra Bờ Hồ. Vừa qua ngã tư thì có tiếng la “Quay lại, quay lại”. Tôi với anh Nguyên dắt nhau quay lại. Lại có tiếng kêu “Có người bị bắt”. Các bạn thanh niên chạy vượt qua chúng tôi, có hai cậu quấn cả biểu ngữ làm tôi và anh Nguyên ngã dúi dụi. Sau một cậu kêu cậu kia buông tay ra để cậu rút rồi cuốn lại chứ cả hai cùng nắm thì gỡ sao được. Chỉ có thế mà cả bốn người không nghĩ ra!

Thấy đoàn người hừng hực trước cửa đồn côn anh Tràng Tiền đang hô to “Đả đảo bắt người”, chúng tôi hô theo. Tiếng loa yêu cầu trật tự, nhưng mọi người phớt lờ, những lời hô và cánh tay cứ giơ lên thành nhịp: “Đoàn kết”, “Đả đảo bắt người trái phép”, “Trả người”, “Trả người”. Tôi bảo một bác đứng tuổi: “Cần có người đại diện vào thương thuyết bác ạ”, bác bảo “Có rồi đấy”. Khoảng 5 – 7 phút sau thấy những người đứng phía trong reo “Hoan hô công an”. À, thế là thả rồi. Đám đông vây kín người được thả khiến tôi cũng không rõ người bị bắt là ai. Tôi kêu to “Phải kiểm tra, lỡ vẫn còn người bị giữ thì sao”. Nhưng nhiều người bảo hết rồi. Tất cả kéo nhau ra Bờ Hồ.

Vừa được hưởng cái mát mẻ của Hồ Gươm được mấy bước thì một rừng CSCĐ áo đen, mặt lạnh, nhiều cậu to như hộ pháp, hùng hổ xông đến bắt đoàn người phải giải tán. Mọi người lừng chừng, tản ra xung quanh một chút rồi nhập lại đi tiếp, CSCĐ cũng thôi. Qua cổng trụ sở Quận đoàn Hoàn Kiếm, đoàn người dừng lại khá lâu....

Dọc đường, rất nhiều các tiếp viên nhà hàng và các du khách nam thanh nữ tú đang dạo chơi ngó xem chăm chăm nhưng không ai nhập cuộc hay hưởng ứng một vài lời hô. Một cô bé chừng 20 tuổi, trắng trẻo, xinh xắn, chạy đến tôi, cất giọng hỏi rất bài bản: “Chú ơi, chú có thể cho cháu hỏi một số câu hỏi được không?” Ái chà chà, nghe cứ như những câu trong bài học tiếng Anh (Excuse me, may I have the pleasure…) dạy về cách hỏi “cực” lịch sự. Đại thể những câu như thế này:
– Đoàn biểu tình đi từ đâu đến ạ?
– Thưa chú, cuộc biểu tình là do tổ dân phố đứng ra tổ chức hay là ai tổ chức ạ?
V.v…
Tôi khó chịu nhưng vẫn kiên nhẫn trả lời. Nhưng đến câu sau đây:
– Chú ơi, chú có thể cho biết lý do của cuộc biểu tình này không ạ?
thì tôi nóng tiết quá, tôi gắt:
– Cháu nhìn mọi người, cháu nghe các khẩu hiệu, thế mà còn hỏi lý do? Cháu không biết tí gì tình hình đất nước à? Chú không thể tưởng tượng thanh niên như cháu mà lại hoàn toàn mù như thế.
Anh Phạm Xuân Nguyên đứng bên cạnh (hình như đã theo dõi từ đầu) cứ cười mà chẳng hỗ trợ tôi tí nào. Tôi mắm môi định mắng to hơn nữa. Cô bé có vẻ hoảng, vội cảm ơn rồi chuồn nhanh.

Đến tượng đài Cảm tử quân thì đã trưa, khoảng 11giờ, nắng gay gắt. Mệt và mỏi. Cũng chỉ còn độ dăm chục người nhưng vẫn hô khẩu hiệu rất đanh, rồi mọi người nhanh chóng chia tay. Tôi vừa quay đi được mấy bước thì một anh trung trung tuổi vừa rời đoàn biểu tình đến bắt tay tạm biệt. Có lẽ anh ấy kém tôi độ dăm bảy tuổi, nhưng lúc đầu nghĩ tôi ít tuổi hơn nên bảo “Em về khoẻ nhé”. Rồi nói nhỏ, đổi lại xưng hô: “Anh cẩn thận, “nó” theo dõi anh đó. “Nó” biết anh đấy”. Mình hơi hoang mang, hỏi: “Thế thì đi bằng cách nào?”. Anh bảo: “Rủ vài người, gọi taxi, tìm cách đánh lạc hướng. Thôi em về đây”.  Tôi nhìn đi nhìn lại cũng chỉ còn thấy một bác lớn tuổi vừa rời đoàn là đi cùng hướng với mình. Nhưng hỏi ra thì bác ấy lại đi khác hẳn tuyến đường. Tôi bảo: “Em bị “bám” rồi, nên thế nào anh?”. Anh bảo: “Kệ mẹ nó. Mình có làm gì sai đâu”. Ừ, thôi kệ, việc của họ. Trí tò mò bỗng muốn xem cái “đuôi” nó thế nào nên quyết định đi bộ một đoạn để quan sát. Lúc rẽ vào đường Tràng Thi, gần 12 giờ trưa, chủ nhật, đường vắng tanh. Bỗng thấy cô đơn, yếu đuối vô cùng. Nghĩ bây giờ “nó” vù xe đến, quặp mình lên xe, thì có kêu cứu cũng không kịp. Mà dẫu có ai trông thấy, cũng không ai nghĩ là bắt người đi biểu tình, vì đã cách chỗ biểu tình khá xa và người đi biểu tình cũng đã về hết từ lâu. Nhưng mà những việc khuất tất như thế trước sau cũng lộ tẩy. Hậu quả nặng nề sẽ thuộc về những kẻ xấu xa, còn mình thì cố chịu trận, cuối cùng cũng sẽ vượt qua, miễn là can đảm thôi. Thấy một bác xe ôm, tôi liền gọi đi ngay.

Hôm sau đi làm, tôi chủ động gặp giám đốc, kể việc hôm qua đi biểu tình, để nếu công an có hỏi đến thì lãnh đạo của mình cũng biết mà trả lời. Giám đốc của tôi vốn là một thầy giáo nho nhã, một người hiểu biết và rất nhân từ bác ái, lại là một cựu chiến binh chống Mỹ, nên không có gì ngạc nhiên về hành động của tôi, dù trước đó trong cơ quan chưa có ai làm như tôi. Anh bảo: “Em yên tâm, chắc công an cũng chẳng hỏi gì đâu. Và chẳng có gì phải lo lắng cả, khi mình hành động theo lương tâm”. Tôi bảo: “Vâng, em cũng sẵn sàng làm việc nếu công an triệu tập. Cũng như việc em đi biểu tình, đấy chỉ là những việc tối thiểu có thể làm được vì Tổ quốc.

TÂM TRẠNG HẬU BIỂU TÌNH
Trong cuộc biểu tình này tôi rất phục một phụ nữ khoảng ngoài bốn mươi, luôn đi đầu hô khẩu hiệu rất đanh thép. Sau này biết chị ấy tên Hằng, người gốc Hà Nội nhưng nay hộ khẩu ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Tôi sẽ nói thêm về chị khi kể về cuộc biểu tình 17-7. Cũng rất phục đoàn người hôm nay dù ít nhưng đã cố kết với nhau, đã đấu tranh quyết liệt về vụ bắt người trái phép.

Và rất vui vì có những phút giây mình được sống là mình, chân thành, cởi mở, không sợ hãi, nói như Nam Cao là “đầy hăng hái và tin tưởng”. Chưa bao giờ cảm nhận được hai chữ “đồng bào” vừa thiêng liêng vừa gần gũi đến như thế. Bỗng nhớ đến thi sỹ Tản Đà cũng có những phút giây hạnh phúc như vậy, khi ông đem chia số tiền lẻ còn lại cho lũ trẻ nghèo gặp tình cờ ở núi Sót, Hà Tĩnh. Cụ gọi đó là “cơn vui đồng chủng đồng bào, tưởng như ngư phủ gặp đào nguyên chưa hẳn có thú vui như thế vậy”.

Còn buồn và lo lắng thì khôn kể xiết. Một Hà Nội lớn như thế mà chỉ có một nhúm xuống đường. Có người bảo như thế Trung Quốc nó cười cho. Tôi thì không nghĩ Trung Quốc nó cười. Một người xuống đường nó cũng sợ, nhưng giá có mười người xuống đường nó phải sợ gấp mười, trăm người nó sợ gấp trăm,… Tôi nghĩ Trung Quốc rất sợ nhân dân Việt Nam, cho nên tất cả các hành động gần đây đều nằm trong chuỗi hành động thăm dò để lấn dần từng bước nếu ta không phản ứng mạnh. Đáng buồn là nhiều người bây giờ, trong đó có cả những trí thức chữ nghĩa hàng bồ, lại đi sợ sức mạnh của Trung Quốc. Trung Quốc so với ta (về vật chất) lúc nào chả mạnh hơn, nhưng đem quân sang đánh ta thì hầu hết đều thua (nói “hầu hết” vì cũng có những lúc ta thua do mất đoàn kết và mất tinh thần, bỏ mất cái sức mạnh tuyệt đối của ta). Người ta lớn bởi vì ta quỳ xuống, câu thơ của Tố Hữu vừa mới hôm nào ai cũng thuộc mà sao bây giờ nhiều người vội quên thế?

Kỳ sau: Sống trong đồng chí
(Về cuộc bị bắt ngày 17 tháng 7 năm 2011)

6 nhận xét :

  1. Chưa bao giờ cảm nhận được hai chữ “đồng bào” vừa thiêng liêng vừa gần gũi đến như thế.
    Đúng vậy. Xem các Video biểu tình tôi thấy chữ đồng bào cao quý thật.

    Trả lờiXóa
  2. Hoan ho anh Dao Tien Thi.

    Trả lờiXóa
  3. Nhung trang nhat ki hay, mot nguoi rat co tam long, mot thai do rat chung chac, dang hoang. Cam on tac gia da cho chung toi them hieu biet ve tam trang cua minh, cua nguoi bieu tinh de kham phuc. Rat cho mong duoc doc tiep nhung trang nhat ki moi cua anh.

    Trả lờiXóa
  4. "Còn buồn và lo lắng thì khôn kể xiết. Một Hà Nội lớn như thế mà chỉ có một nhúm xuống đường." và đất nước lớn như thế mà chỉ có Hà Nội là lên tiếng... Chú đừng lo. Những hành động của các Chú, các Bác đang đánh động mọi người, đang làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người. Những hành động hôm nay của các Chú các Bác chắc chắn sẽ không vô nghĩa.

    Trả lờiXóa
  5. Tôi không biết, nếu sau này Trung quốc tấn công Việt nam, thì lịch sử sẽ ghi nhận cuộc biểu tình này như thế nào và Chính quyền Việt nam hiện nay sẽ được lịch sử đánh giá ra sao? Không hiểu lãnh đạo VN có suy nghĩ trăn trở như tôi không

    Trả lờiXóa
  6. "Người ta lớn bởi vì ta quỳ xuống" Câu này thế hệ trẻ như mình lần đầu tiên nghe thấy. Hay

    Trả lờiXóa