Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

MỘT CUỐN SÁCH THÚ VỊ VÀ ĐÁNG ĐỌC


Vàng son trên giấy gấm 
– vàng son của một ông nghè xứ Đoài
 

Lí Học 

Anh Nguyễn Xuân Diện là sinh viên K33 khoa Văn ĐH Tổng hợp (mình K42 kém anh Diện 9 khóa) và là học trò ruột của GS Bùi Duy Tân - vị giáo sư được mọi thế hệ học trò kính trọng về tài năng và nhân cách. Anh Nguyễn Xuân Diện cũng là người cuối cùng được GS Bùi Duy Tân hướng dẫn luận văn tiến sĩ trước khi thầy qua đời năm 2009. Bài viết của TS. Nguyễn Xuân Diện “Giáo sư Bùi Duy Tân đã về với cổ nhân” in trong tập “Vàng son trên giấy gấm” vừa xuất bản được đặt ở những trang viết cuối cùng của cuốn sách, có lẽ là một chủ ý của anh Diện. Trước khi nói về cuốn sách, tôi xin nhắc bài này trước vì tôi cũng là một sinh viên kém cỏi của khoa Văn và cũng có vinh dự được học thầy Bùi Duy Tân.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện là chuyên gia Hán Nôm- văn học cổ trung đại. Bài viết đầu tiên của anh Diện mà tôi được biết là bài Phát hiện tài liệu cổ nhất về Ca trù – Bài Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn của anh đăng trên Thôn báo Hán Nôm năm 1998. Thật sự bất ngờ và nể trọng vì phát hiện này, vì tới nay người sáng tác ca trù cũng có, người hát ca trù cũng nhiều nhưng tìm thêm được tài liệu về ca trù của cụ Lê Đức Mao – người Đông Ngạc thì đây là lần đầu nhìn thấy.

Dòng đời trôi chảy và bầm dập thế nào, đến 2015 tôi lại dời về sinh sống cố định ở làng Đông Ngạc, nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, quê hương của cụ Lê Đức Mao và cũng là quê của nhiều nhà khoa bảng danh giá khác. Cũng từ đây trở đi, tôi mới có vinh dự gặp và nói chuyện với anh Nguyễn Xuân Diện một vài lần. Một lần ngồi uống bia Đức Nga ở Đông Ngạc với anh Diện, anh Phan Huy và mấy anh nhiếp ảnh gia, mình có hỏi anh Diện về chuyện phát hiện ca trù, anh Diện chỉ nói, ấy là cái duyên may mắn. Mình cũng hiểu rằng, người văn chương và học Hán Nôm như anh Diện, nói thế không có nghĩa là như thế, may mắn có thể là một phần rất nhỏ thôi, cái quan trọng là sở học và công lao đầu tư cho đề tài của một nhà nghiên cứu. 

Cũng cái duyên về ở Đông Ngạc mà tôi được đọc bài viết “Đông Ngạc – làng cổ ven đô” của ông nghè xứ Đoài Nguyễn Xuân Diện từ rất lâu trước khi được in trong sách “Vàng son trên giấy gấm" này. Tôi vốn là anh trai làng, cũng “yêu làng như tình yêu em gái”, nhất là đối với ngôi làng cổ Đông Ngạc. Bởi vậy, đọc bài viết về Đông Ngạc của anh Diện, tôi hứng thú và học hỏi được rất nhiều. Có thể một số thông tin về làng Đông Ngạc như đình Vẽ, chùa Vẽ, nhà thờ Đỗ Thế Giai chúng ta đọc được ở đâu đó nhưng thông tin về thống kê di sản Hán Nôm ở làng Đông Ngạc có lẽ chỉ có trong bài viết của TS. Nguyễn Xuân Diện. Thật không thể hình dung được rằng, kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu trữ 48 sách nói về nngôi làng cổ nghìn tuổi này. Chẳng hạn về gia phả, thế phả, tộc phả: Họ Nguyễn có 11 bản sách, như: Đông Ngạc Nguyễn tộc phả hệ, Đông Ngạc Nguyễn thị gia phả, Nguyễn tộc thế phả thực lục v.v…; Họ Phạm có 17 bản sách, như: Đông Ngạc Phạm tộc gia tiên di cảo, Phạm thị thế hệ, Đông Ngạc xã Phạm Quang Nguyên bằng cấp v.v…; Họ Phan có 8 bản sách, như: Phan gia thực lục, Phan tộc gia phả, Phan Bình chương tướng quốc niên phả v.v…

Các sách Hán Nôm về điền bạ (giấy tờ ruộng đất), tục lệ, xã chí v.v… còn rất nhiều tiêu biểu như: Đông Ngạc xã chí, Đông Ngạc Đông Nhất/Nhị giáp điền bạ, Đông Ngạc xã tục lệ v.v…

Nói thêm một chút về Đông Ngạc, khi ở đây, có nhiều tục lệ, nhiều đồ thờ, nhiều chuyện nhiều khi không hiểu, chưa rõ, mình chỉ cần inbox anh Diện, trong giây lát anh đã trả lời giải thích rõ nghĩa, ngon lành. Và lễ hội làng Đông Ngạc hàng năm, vẫn thấy bóng dáng ông nghè xứ Đoài hòa trong dòng người về lễ hội…

Vàng son trên giấy gấm là tập sách có lẽ tuyển tập những bài viết tương đối lâu trong hành trình nghiên cứu của TS. Nguyễn Xuân Diện từ lúc anh còn là sinh viên đại học đến nay. Như trong Lời mở sách, anh Diện đã giới thiệu, tập sách chia làm 6 chùm bài: Chùm ghi chép du khảo về các vùng đất và những phong cảnh mà tác giả viết thăm. Chùm bài này thể hiện sự quan sát tinh tế và kiến thức rộng về di tích của Nguyễn Xuân Diện; Chùm bài "Tìm lại những áng thơ Nôm” có tính nghiên cứu, đào sâu, tìm tòi phát hiện của anh Diện. Bài về tìm ra những bài thơ của Lê Đức Mao thuộc chùm bài này; Chùm bài Tứ bình làng Việt, có lẽ mang hơi hướng tiếp nối thể du kí của lớp nhà nho tân học đầu thế kỉ XX như Phạm Quỳnh, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Văn Vĩnh… Vừa mềm mại văn chương nhưng lại rất sâu sắc, nhiều lớp nghĩa trong từng câu từ, bài viết. Chùm bài này cũng giới thiệu 4 ngôi làng được coi là tiêu biểu nhất của Bắc Bộ, đó là: Mông Phụ, Cổ Đô, Đông Ngạc và làng Then.

Những bài viết trong mục Phong tục, Di tích và Di văn có nhiều kiến giải lạ, uyên bác mà nhiều khi chúng ta phải giật mình dù đã từng đến hoặc nhiều lần đến, tiếp xúc với di tích, hay thực hành một nghi lễ mà tác giả nói đến.

Ở những trang cuối cùng của cuốn sách là chùm bài nói về những bậc thầy, trong đó có nguời thầy mà mình đã nói ở trên: GS Bùi Duy Tân. Xin trích một đoạn mà TS. Nguyễn Xuân Diện viết về người Thầy của mình: “GS Bùi Duy Tân luôn mong muốn mọi người và nhất là học trò của mình hiểu đúng người xưa. Ông kiên trì với việc trả lại sự thật lịch sử cho tác giả bài thơ Nam quốc hơn hà. Ông chứng minh bằng hàng chục thư tịch cổ và truyền thuyết để thấy rằng tác giả bài thơ này là vô danh chứ không phải của Lí Thường Kiệt như nhiều người vẫn nghĩ. Bùi Duy Tân đã đưa ra cách hiểu đúng duy nhất với câu thơ của Lê Thánh Tông viết về Nguyễn Trãi “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” trước đây vẫn được dịch hiểu là “Ức Trai lòng sáng tựa sao Khuê”, nay nên được dịch và hiểu là “Lòng Ức Trai rạng tỏa văn chương” (Do chữ Khuê là tên ngôi sao biểu tượng văn chương, Tảo là loài rong biển, có nghĩa rộng là màu vẻ đẹp đẽ).

Không những đồng cảm với dòng chữ này mà mình rất cảm xúc với trang viết này, bởi đọc những dòng chữ này mình nhớ như in hình ảnh GS Bùi Duy Tân đứng trên bục giảng, viết 2 chữ KHUÊ TẢO bằng chữ Hán rồi bắt đầu giải thích từng chữ, từng câu. Mình nhớ chữ Tảo, lúc đó thầy viết rất to và có 3 chữ "khẩu" sát nhau… Mình còn nhớ rất rõ, lúc đó Thầy Tân còn nói rằng, người đầu tiên đưa ra cách dịch sai này là nhà sử học Trần Huy Liệu.

Và có lẽ, TS. Nguyễn Xuân Diện đã nói và viết rất chân xác về 2 vấn đề mà sinh thời GS Bùi Duy Tân dạy/nhắc đi nhắc lại các học trò của mình: 1. Nam quốc sơn hà không phải của Lí Thường Kiệt. 2: Hiểu lại cách dịch câu thơ có chữ Khuê Tảo. 

Sách là sản phẩm trí tuệ của người viết cung cấp cho bạn đọc. Tiếp nhận đến đâu là ở người đọc. Mình- một cử nhân hạng bét không dám lạm bàn về một cuốn sách của ông nghè xứ Đoài. Viết những dòng này, mình chỉ ghi lại chút cảm xúc của mình khi được nhận và đọc cuốn sách. Hơn nữa, mình chỉ chia sẻ một chút đồng cảm với một số nội dung trong cuốn sách và cũng có một chút làm chứng cho một vài chi tiết trong này là chính xác. 

Nói thêm một chút nữa, bức hình tác giả Nguyễn Xuân Diện do Nhiếp ảnh gia Phan Huy chụp tại đình Vẽ vào khoảng năm 2016, lúc đó mình bảo rằng: Ông nghè xứ Đoài đến làng khoa bảng Kẻ Vẽ chụp ảnh, thật không gì bằng. Có khi đấy cũng là 1 cái duyên mình gặp anh Nguyễn Xuân Diện.

Kết luận: Vàng son trên giấy gấm là những sợi tơ óng ánh do ông nghè xứ Đoài Nguyễn Xuân Diện đã âm thầm nhả trong mấy chục năm qua. Các bài viết trong cuốn sách không quá dài mà vừa phải, đủ để chúng ta đọc trong những phút giải lao, nghỉ ngơi, thích bài nào đọc bài đó, không nhất thiết phải đọc từ đầu đến cuối sách. Hơn nữa, sách viết bằng thể văn chương biền ngẫu nên cũng mượt mà, dễ đọc, dễ hiểu. Đó thực sự là vàng son của một người xứ Đoài và đây là cuốn sách rất đáng đọc.

Có điều mình hơi băn khoăn, mặc dù cuốn sách mang kì công của tác giả trong mấy chục năm nhưng chỉ in 500 bản. Liệu có ít quá chăng?

Kinh thành Thăng Long ngày vừa giảm ô nhiễm không khí, 
4.10.2019
Lí Học

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét