Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

GỬI MỘT NGƯỜI YÊU CHÈO - thơ Mai Văn Lạng

Gửi một người yêu chèo
nhân xem vở :Lưu Bình- Dương Lễ

Mai Văn Lạng

Anh đã xem rất nhiều vở diễn
Đã lắng nghe hàng trăm điệu chèo
Đã lật dở hàng nghìn trang tìm hiểu
Mỗi một lần đều cháy một niềm yêu

Cuộc sống khó khăn còn bộn bề công việc
Cơm áo, gạo tiền lắm nỗi lo toan
Nhưng trống chèo nổi lên là chân tay bối rối
Bỏ cả ăn, quên mất việc đang làm

Thị màu lên chùa, Súy Vân giả dại . . . .
Mỗi mảnh trò hay, một nỗi đau đời
Bao nhiêu lần xem là bấy lần mất ngủ
Thân phận NGƯỜI chèo: bèo dạt mây trôi

Thương biết mấy những PHẬN chèo lận đận
Vai diễn đây mà đời cũng là đây
Duyên nghiệp là chi mà ba chìm bẩy nổi
Mỗi vai diễn đi qua trăng khuyết chẳng đầy

Nhưng yêu lắm ánh đèn sân khấu
Câu hát, tích trò rực cháy những đam mê
Mặc cho cuộc đời: nắng, mưa, bão tố
Năm tháng dần trôi- sớm, tối đi về

Đâu phải cứ Giêng Hai hội mở
Ta yêu chèo nên cả bốn mùa xuân
Từng câu hát mang đậm hồn dân tộc
Cảm ơn em, chèo chắp thêm vần./.
Hà Nội 8h30 sáng 30/ 1/ 2013
 

3 nhận xét :

  1. trong những ngày tết cổ truyền như thế này nghe nhạc Quê Hương là nhất đấy anh Diện ạ, em cũng rất thích chèo.

    Trả lờiXóa
  2. Mai Văn Lạng "gửi một người yêu chèo" nào đó mà cứ như gửi cả cho mình vì mình cũng yêu (mê) chèo. Cám ơn cả tác giả bài thơ, cả chủ nhân Tễu blog.

    Trả lờiXóa
  3. Bài thơ hay quá, giống như bác Mai Văn Lạng nói hộ giùm tấm lòng ngưỡng mộ di sản văn hóa cha ông. Thế hệ sinh ra và lớn lên ở miền Nam vào thập niên 60 như tôi, theo tôi hiểu là rất ít người từng được thưởng thức tận mắt tận tai nghệ thuật tuồng chèo. Mãi đến khi coi phim 'Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười' (quãng 1986) tôi mới cảm nhận được phần nào cái hay của nó. Cũng hơi tức cười, vì ba tôi năm ấy vừa 'học tập' về, cũng xem đi xem lại hai ba lần cuốn phim đó như tôi, rồi than: "Hic, sao ba ráng lắm mà vẫn chưa cảm được bao nhiêu về hát chèo. Chỉ thấy nó hay hay, mà không nói được nó hay chỗ nào!"

    Rồi khi học một trường phái trị liệu tâm lý ở phương Tây có tên là Psychodrama (trường phái trị liệu bằng kịch, gọi là 'Kịch tâm lý' hay 'Tâm kịch'), biết ông Jacob L. Moreno (1889-1974) sở dĩ khai sinh ra trường phái này là nhờ từng nghiền ngẫm về nghệ thuật Kịch của văn hóa Hy - La cổ đại, cái nôi của văn minh phương Tây ngày nay, tôi mới giật mình liên tưởng lại vai trò của nghệ thuật sân khấu cổ Việt Nam trong việc thăng hoa đời sống tinh thần, tâm lý, tâm linh của dân tộc.

    Đọc bài thơ của bác Mai Văn Lạng mà ngỡ như đang nghe những lời văng vẳng của ông Moreno. Moreno ví cuộc đời như tấn tuồng mà mỗi chúng ta sắm một vai diễn. Moreno mời gọi chúng ta 'sống cho đã đời' không những vai diễn của mình, mà còn có thể thoát ra khỏi PHẬN mình, 'lấy khoảng cách với chính mình', cứ nhập vào bất cứ vai nào mình muốn trong sân khấu Tâm kịch rất chơi mà rất thật, rất thật mà rất chơi; để rồi được kinh nghiệm bằng cả con người mình rằng cuộc đời chẳng qua chỉ là một CUỘC CHƠI ý mà; để rồi biết thương mình hơn và thương người hơn; để rồi biết 'phá chấp', biết buông bỏ những nghiêm trang nghiêm trọng nặng nề giả tạo làm thui chột niềm vui sống nơi mình nơi người, thắp lại nơi mình khung trời của tự do, của thênh thang, của sáng tạo...

    Cám ơn bác Mai Văn Lạng nhiều lắm:

    "Mỗi mảnh trò hay, một nỗi đau đời...", và nhất là:

    "Thương biết mấy những PHẬN chèo lận đận
    Vai diễn đây mà đời cũng là đây
    Duyên nghiệp là chi mà ba chìm bẩy nổi
    Mỗi vai diễn đi qua trăng khuyết chẳng đầy

    Nhưng yêu lắm ánh đèn sân khấu
    Câu hát, tích trò rực cháy những đam mê
    Mặc cho cuộc đời: nắng, mưa, bão tố
    Năm tháng dần trôi- sớm, tối đi về"

    Trả lờiXóa