Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

ÔNG ĐẶNG HÙNG VÕ: VỤ VĂN GIANG KHÔNG ĐƠN GIẢN

Ông Đặng Hùng Võ:
‘Vụ Văn Giang không đơn giản’
 
Thừa nhận thẩm quyền giao đất là “không đúng” song ông Đặng Hùng Võ cho rằng, vụ Văn Giang không chỉ đơn giản như vậy. Còn Bộ Tài nguyên Môi trường khẳng định, cuộc đối thoại của ông Võ không phản ánh quan điểm của Bộ.

Trao đổi với VnExpress, ông Đặng Hùng Võ cho biết, cuộc làm việc với người dân Văn Giang (Hưng Yên) ngày hôm qua “hoàn toàn trên tư cách cá nhân” vì ông “từng ký 2 văn bản” liên quan tới dự án khu đô thị Văn Giang. Ông cho hay, sau đối thoại, chưa lãnh đạo hay quan chức nào có ý kiến gì với ông.

Ông Đặng Hùng Võ trong cuộc đối thoại ngày 8/11. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Theo ông Đặng Hùng Võ, vấn đề quan trọng, mấu chốt đối với vụ việc này là xác định “thẩm quyền của Chính phủ hay Thủ tướng” trong quyết định giao đất. Bởi thẩm quyền đó kéo dài suốt từ 15/10/1993 cho tới 1/7/2004 khi tất cả văn bản đều do Thủ tướng ký.

“Vấn đề là phải có lý do gì từ ngày xưa chứ, phải làm rõ tại sao, trên cơ sở nào hình thành “thông lệ” này chứ không phải đến dự án này mới có chuyện ấy”, ông Võ nói. Vị cựu Thứ trưởng cho biết, sáng 9/11, ông đã hỏi Văn phòng Chính phủ và được biết, số lượng quyết định của Thủ tướng về đất đai trên cơ sở thẩm quyền của Chính phủ trong giai đoạn này là trên 3.000 văn bản.

Theo ông Võ, phân tích theo chiều sâu luật pháp thì đây là điều “không bình thường”. “Pháp luật phải rất chặt chẽ, không thể tư duy theo kiểu luật như thế này mà cơ quan quản lý có thể thực hiện khác đi mà vẫn coi là được. Đấy là một kinh nghiệm khi nhắc đến việc Thủ tướng quyết tất cả mọi thứ đối với đất đai trong khi thẩm quyền lại của Chính phủ. Nếu nói Chính phủ ủy quyền cho Thủ tướng thì cũng chưa đúng với luật. Còn tất nhiên vi phạm đất đai ở Việt Nam là chuyện cơm bữa”, ông Võ nhận xét.

Nói thêm về cuộc đối thoại ngày 8/11, ông Võ cho biết, ông thành tâm nhận trách nhiệm vì chưa đủ luận cứ để bác lại quan điểm của người dân và luật sư. Song ông cho rằng, phải xem lại tất cả chứ câu chuyện “không thể đơn giản như vậy”. Trong tuần tới, ông sẽ suy xét lại mọi vấn đề để có kết luận cuối cùng trước khi gửi văn bản kiến nghị tới Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại cuộc đối thoại này, ông Đặng Hùng Võ đã nhận lỗi trước người dân Văn Giang vì “những gì gây thất thoát cho bà con”. Cuộc đối thoại xoay quanh việc 8 năm trước, khi còn đương chức, ông Võ đã ký hai tờ trình lên Thủ tướng, đề xuất thu hồi đất để xây dựng đường cao tốc nối Hưng Yên và Hà Nội qua cầu Thanh Trì và khu đô thị Văn Giang (huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên).

Trao đổi với VnExpress sáng nay, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, ông không quan tâmcũng không theo dõi cuộc đối thoại giữa ông Đặng Hùng Võ và người dân Văn Giang (Hưng Yên) vào ngày 8/11, dù ông Võ là cựu lãnh đạo Bộ và cuộc đối thoại cũng được tổ chức ở trụ sở cũ của Bộ.

“Ông Võ đã về hưu, đối thoại là việc của ông chứ không liên quan gì tới Bộ. Bộ Tài nguyên Môi trường đã đưa ra quan điểm và đối thoại với dân”, ông Hiển nói. Thứ trưởng Hiển cũng từng đối thoại với người dân Văn Giang vào cuối tháng 8.

Dự án khu đô thị Văn Giang được Thủ tướng cho phép thực hiện, giao Công ty Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng làm chủ đầu tư. Ngày 30/6/2004, Thủ tướng có quyết định thu hồi, giao đất để thực hiện. Dự án có quy mô xấp xỉ 500 ha thuộc 3 xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao thuộc huyện Văn Giang và 55 ha để làm đường giao thông liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên. Đây là dự án khu đô thị sinh thái lớn nhất miền Bắc với tổng vốn đầu tư ban đầu lên tới 6 tỷ USD.

Nguyễn Hưng
Nguồn: VNE.
____________________________

BS: Như vậy, suốt 11 năm (1993 - 2004), có trên 3.000 văn bản về đất đai thuộc thẩm quyền quyết định của chính phủ, nhưng lại được thủ tướng ký, dù có sự ủy quyền của chính phủ, thậm chí có một nghị định lúc nào đó “cho phép” theo kiểu lách luật, thì cũng là trái pháp luật.

7 nhận xét :

  1. Quan điểm của Bộ là hết sức sai lầm, tại sao lại không quan tâm, không theo dõi? Thế mà lúc nào cũng kêu là "phải gần dân", rồi thì "nhà nước của dân, do dân, và vì dân", và cái tột cùng là "đất đai thuộc sở hữu toàn dân", do "nhà nước thống nhất quản lý". Thằng quản lý mà không chịu nghe ông chủ nói gì à?

    Trả lờiXóa
  2. Chu Phạm Ngọc Hiển thứ trưởng dốt nát, sợ trách nhiệm, trả lời vòng quanh. Ông ta bị đánh chạy từ Thanh Hóa ra làm thứ trưởng chuyên theo dõi thi đua, công đoàn, chị em phụ nữ, biết gì chuyên môn đâu. Nhìn mặt ông ta đã thấy sự hèn hạ và xu nịnh, lươn lẹo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. hồi cuối tháng 8 đói thoại với bà con văn giang hắn tra lời đã thấy đần độn rồi.

      Xóa
  3. Ý ông Chu Phạm Ngọc Hiển là vấn đề đúng sai không tác động đến (tư duy của) Bộ ? Và mọi chuyện (về vụ Văn Giang) vẫn tiếp tục như cũ, khi chưa có cuộc đối thoại này ? Theo tôi hiểu là thế. Có đúng vậy không ông Chu Phạm Ngọc Hiển ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Riêng tôi hiểu ý ông Chu Phạm Ngọc Hiển là như thế này: "Này cái ông Võ nhiều râu kia, đừng nghĩ ông nhận lỗi với người dân Văn Giang thì chúng tôi cũng bắt chước ông đâu nhé! Chúng tôi thì chẳng bao giờ có lỗi cả, nếu có điều gì xảy ra thì cũng chỉ là do... khách quan thôi.

      Xóa
  4. Sao thứ trưởng CPN Hiển cứ phải chối tội cho Bộ TNMT thế ? Ông Võ có nói thay cho Bộ hay nhân danh Bô mà đối thoại với dân đâu ? Ô. Hiển nói thay BT chắc ? Mà có chối thì rõ ràng Bộ không thể trốn trách nhiệm, bỏ ngoài tai được.
    Mới chỉ hé ra một vụ như Văn Giang mà cái sai đã lòi ra quá lớn. Còn bao vụ khác ? Dân khiếu nại , kiện tụng hoài không dứt được một phần cũng do cái yêu kém hay tham nhũng từ cấp lãnh đạo Bộ .

    Trả lờiXóa
  5. Chu pham ngoc Hiển là ai ? mà nói càn dở thế. Tôi hỏi ông ai trả lương thứ trưởng cho ông? Tiền lương của dân thuê ông có cả việc ông phải giải quyết oan khuất của dân kêu khi bị thu đất rẻ mạt như là cướp.

    Trả lờiXóa