Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

20h HÔM NAY CÔNG AN THANH TRÌ THĂM NHÀ

Ảnh minh họa. Ảnh của GS Viện sĩ Hoàng Xuân Phú

Chao anh D

Hnay luc 8h tối CA huyen Thanh Tri co den nha tim gap em. Ho noi chinh quyen biet viec e di bieu tinh nhieu lan roi, co bieu duong va de nghi ko nen di nua, vi se gay kho khan cho Nha nuoc. Ho bao do suc ep cua Trung quoc, nen de nghi nguoi dan ko hanh dong tu phat.

E tra loi:

-Viec bieu tinh cua nhan dan, thuoc mat tran ngoai giao, rat can thiet va ho tro cho Chinh phu chong lai TQ

-Chinh phu chua lam het trong trach: viec thu truong ngoai giao Son sang TQ, ko biet noi gi, nhung TQ ko thay doi thai do.

-Neu co quan nao co lenh cam Bieu tinh thi e se chap hanh, con ko thi e tiep tuc di.

Ho bao day chi la buoi lam viec dau tien, se co nhieu buoi lam viec tiep theo, voi nhieu nguoi co trinh do ly luan...

Tay cong an Doi truong an ninh huyen noi dai dong, nao la ta phai tinh toan ky de hanh dong...

Tat ca co 3 cong an huyen va 1 cong an khu vuc.

E dinh viet mot bai nhung hien laptop cua e ko cai vietkey

E cung dang suy nghi viec tiep tuc tham gia bieu tinh. E ko sợ!

Yeu nuoc that chang de chut nao o cai dat nuoc Vietnam nay!

Chao a, chuc anh va gia dinh luon manh khoe, may man va an lanh

E Vu Quoc Ngu



Đọc tiếp...

NGUYỄN SỸ PHƯƠNG: BIỂU TÌNH VÀ TRÁCH NHIỆM BẢO VỆ CÔNG DÂN















Tác giả cho rằng đã đến lúc Quốc Hội nhanh chóng thực hiện trách nhiệm 
soạn thảo Luật bảo vệ quyền chính đáng về tụ tập, biểu tình của người dân VN.

Bài này được viết sau một số sự kiện mà trước hết là việc Trung Quốc tiếp tục đòi Việt Nam hãy có “những nỗ lực nghiêm túc chấm dứt biểu tình chống Trung Quốc” và cảnh báo “những cuộc biều tình như vừa qua sẽ không giúp ích gì.”

Tiếp đó là sự kiện Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đưa tin và Phó trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương Đảng đưa ra quan điểm khẳng định về sự kiện dân chúng tụ tập thể hiện lòng yêu nước.

Và ngay mới đây, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, trả lời phỏng vấn BBC, cho rằng Quốc Hội nên thông qua Luật Biểu tình.

Thực tế, biểu tình hiện đã trở thành sự kiện chính trị nổi bật nhất tại Việt Nam hiện nay và thu hút dư luận thế giới đặc biệt quan tâm.

Riêng với báo chí chính thống Việt Nam, lẽ ra theo luật định, phải lên tiếng định hướng, thì đã không chuyển tải.

Biểu tình là một khái niệm phổ thông trên thế giới, một quyền mà “tạo hoá ban cho” mọi con người. Việt Nam muốn phát triển không thể không hội nhập.

Bài viết này trình bày cơ sở khoa học, thực tiễn, không đề cập đến chính sách biểu tình, vốn tùy thuộc hoàn toàn vào mức độ đòi hỏi của dân chúng và trách nhiệm của mọi đảng phái chính trị, nhà nước, trước nhân dân và vận mệnh mỗi quốc gia.

“Phạm trù bao trùm

Tác giả cho rằng các cuộc biểu tình yêu nước ở trong nước vừa qua
có ý nghĩa 'tầm cấp quốc gia'.

Khái niệm mít tinh, biểu tình, tuần hành, hội, họp, ở hầu hết các nước hiện đại về phương diện pháp lý đều thuộc phạm trù bao trùm “tụ tập.”

Điều này giải thích tại sao nước Đức đưa quyền tự do tụ tập vào Hiến pháp và ban hành Luật Tụ tập để điều chỉnh chung mọi hoạt động mít tinh, biểu tình, tuần hành, hội, họp.

Sự kiện người dân Việt Nam ở trong nước “tụ tập, đi ngang qua trước Đại Sứ quán, Tổng Lãnh sự Trung Quốc” các tuần trước được TTXVN đưa tin, hay Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Nguyễn Thể Kỷ, trả lời báo CAND, khẳng định thêm, đều sử dụng chính phạm trù bao trùm (“tụ tập”) này.

Về mặt kinh tế xã hội ngay cả hoạt động của các công ty, xí nghiệp, chợ búa, trường học, bệnh viện, tổ chức, cơ quan, đoàn thể, đảng, nhà nước, thực ra đều nằm trong phạm trù vừa nói.

Bởi không tụ tập thì không thể hoạt động, nhưng (hành động tập thể này) lại hoàn toàn do đạo luật khác điều chỉnh.

Bởi vì chúng khác về mục đích với mít tinh, biểu tình, tuần hành, hội, họp vốn chỉ nhằm thể hiện ý kiến, nguyện vọng, mong muốn, thái độ chính trị.

Khác với “tụ tập” trong gia tộc, dòng họ, cưới xin, giỗ chạp, tiệc tùng vốn thuộc về tình cảm; hay tụ tập sản xuất kinh doanh, buôn bán vốn thuộc về kinh tế, thị trường, việc tụ tập ở các cơ quan nhà nước thuộc về quyền lực.

“Tụ tập” mít tinh, biểu tình, tuần hành, hội họp, hoàn toàn xuất phát từ tâm, không hề vụ lợi cá nhân, do người dân tự nguyện; nên phạm trù tụ tập với nội hàm trên được hiểu là tụ tập dân chúng, thuộc về xã hội dân sự, một quyền tự nhiên do “tạo hoá cho họ.”

“Khuyến khích, bảo vệ
Tụ tập, vì vậy, được các nhà nước hiện đại coi là hành động dân chúng tích cực tham gia vào quá trình hình thành chính sách nhà nước sao cho hợp lòng dân, không phó mặc cho cơ quan công quyền, bởi tự dân và vì chính dân. Đây là nền tảng cho sự phát triển bền vững đất nước của họ.
TS. Nguyễn Sỹ Phương
Điều này giải thích tại sao “tụ tập” được các nhà nước hiện đại khuyến khích, bảo vệ. Ở Đức tụ tập dân chúng gắn chặt với đời sống thường nhật, như không khí để thở, nước để uống.

Tụ tập diễn ra có khi chỉ vì một người vô gia cư bị giết, vì một đứa bé bị lạm dụng, một người nước ngoài bị tấn công, một đồng lương “chết đói“, một cảnh sát đánh người, một bản án bất công...

Tụ tập của người dân cũng diễn ra trước những công trình lớn như dự án xây dựng nhà ga hiện đại ở Stuttgart hiện tại vốn bị cáo buộc gây tác hại môi trường, cảnh quan, tới bao chính sách xã hội, bảo vệ môi trường không hợp lòng dân… và cả những việc có tầm quốc tế về một cuộc chiến tranh vô nghĩa, một chủ nghĩa cực đoan, hay một nhà nước độc tài...

Về mặt chính trị, ở đâu dân bất bình ở đó tất có tụ tập, nếu không, không thể nói dân làm chủ.

Ngược lại, nếu nhà nước bất chấp và cấm đoán, tất nó (phản ứng, bức xúc xã hội) sẽ tích tụ, cộng hưởng ngày một lớn hơn cho tới khi quá ngưỡng, chuyển qua bạo động mà Trung Đông hiện đang là bằng chứng sống.

Tụ tập, vì vậy, được các nhà nước hiện đại coi là hành động dân chúng tích cực tham gia vào quá trình hình thành chính sách nhà nước sao cho hợp lòng dân, không phó mặc cho cơ quan công quyền, bởi tự dân và vì chính dân.

Đây là nền tảng cho sự phát triển bền vững đất nước của họ.

Nhờ thế, mà thể chế chính trị ở những quốc gia này, với bất cứ đảng nào cầm quyền, dù là đảng cánh tả hay hữu, hay trung dung, hoặc với đảng cộng sản tham gia hiện nay, không hề bị lung lay, mà trái lại ngày càng hoàn thiện.

Trong khi đó, Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, suốt cả thời kỳ tồn tại của nó cho đến trước khi sụp đổ, hầu như không có tụ tập dân chúng, bởi họ xuất phát từ ý thức hệ coi “quyền làm chủ của người dân phải thông qua nhà nước và bằng nhà nước.”

Hệ quả là sự ỷ lại cho nhà nước phải có trách nhiệm kinh tế và mọi mặt đời sống xã hội đối với dân.
Biểu tình vì vậy cũng kệ mặc nhà nước, do nhà nước tổ chức hoặc ủy thác và nhằm phục vụ cho chủ trương chính sách nhà nước.

Nói cách khác, biểu tình là quyền nhà nước, giống như đất đai thuộc sở hữu nhà nước, chỉ khi cấp phép, dân mới được quyền sử dụng.

Hệ quả là chính Tổng bí thư cuối cùng của Đảng XHCN Thống nhất Đức (SED, CHDC Đức cũ), ông Egon Krenz, trong lần đối thoại trực tuyến trước đây với độc giả báo Tuần Việt Nam đã phải thừa nhận "sai lầm không thể cứu vãn" của đảng ông.

Đó là do "không thành công trong việc khuyến khích mọi người dân tham gia vào nền chính trị ", "lỡ cơ hội đối thoại cởi mở với dân chúng", coi các quyết sách là thẩm quyền riêng của đảng và nhà nước, nhân dân chỉ thi hành, không được thể hiện bất bình.

‘Quyền hiến định’















Nhiệm kỳ làm Chủ tịch Quốc hội của ông Nguyễn Phú Trọng 
đã không xây dựng và thông qua luật về biểu tình của người dân.

Do ý nghĩa và vai trò to lớn quyết định vận mệnh đất nước như vậy, nên như ở Đức ngày nay, điều khoản Tự do tụ tập được hiến định tại phần đầu tiên, của điều 8 như sau:

Điểm (1), mọi công dân Đức có quyền, không báo trước, hay xin phép, tụ tập ôn hoà và không có vũ khí.

Tại điểm (2) còn quy định thêm: Riêng tụ tập ngoài trời, quyền đó có thể bị giới hạn bởi văn bản lập pháp.

Lý do của cụm từ “có thể” đó hoàn toàn không phải vì bản thân quyền tụ tập có vấn đề phải cắt xén, cũng không phải nhà nước sợ sụp đổ vì nó.

Bởi một mặt nhà nước chỉ là công cụ của dân, một khi toàn dân muốn đều có thể “đuổi được chính phủ,” không gì cấm nổi.

Mặt khác, một tập hợp người tay không, ôn hoà, có muốn cũng không thể gây tổn hại được gì cho nhà nước. Giới hạn quyền tụ tập họ đưa ra chỉ bởi tính chất ngoài trời có thể tổn hại nghiêm trọng đến chính người tham gia hoặc cộng đồng.

Giống như bất cứ quyền cơ bản nào, từ tự do đi lại, đến nơi ở, làm việc, tín ngưỡng… trong những tình huống đặc biệt, quyền tụ tập đều buộc phải chịu giới hạn để tránh tổn hại khi thực hiện quyền đó.

Điều đó được thể hiện nhất quán trong 33 điều khoản Luật Tụ tập (VersG) Liên bang Đức, như ở điều14 quy định:

‘Tụ tập ngoài trời phải báo trước với chính quyền chậm nhất sau 48 tiếng, với mục đích để nhà nước có biện pháp kịp thời bảo đảm an toàn cho người tham gia, như ngăn đụng độ với các cuộc biểu tình đối lập xảy ra, bảo đảm hoạt động bình thường cho cộng đồng, giao thông, mua bán... ’

Các điều khoản hạn chế khác cũng đều nhằm mục đích đó, như ở điều 1 tước bỏ quyền tự do tụ tập đối với các đảng phái bị Toà án Hiến pháp cấm hoạt động, hay với những cá nhân tổ chức muốn xoá bỏ quyền tự do tụ tập. Điều 3 cấm mang theo vũ khí dụng cụ có thể gây thương tích người hoặc đập phá đồ vật.

Không phải xin cho
Luật tụ tập áp dụng cho cả cơ quan công quyền lẫn người dân, để bảo đảm quyền tụ tập, chứ không phải trao cho cơ quan công quyền quyết định quyền đó
TS. Nguyễn Sỹ Phương
Tuy nhiên ngay cả giới hạn trên cũng không được vi phạm bản thân quyền tự do tụ tập, nên luật quy định bỏ cả giới hạn đó trong hoàn cảnh nhất định, chẳng hạn tụ tập bột phát bởi một lý do tức thời, sẽ không cần báo trước.

Các biện pháp cảnh sát áp dụng để thực thi các điều khoản giới hạn trên cũng buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt quy phạm, chẳng hạn bắt giữ, giải tán chỉ khi có dấu hiệu trực tiếp chứng minh được có sự ‘đe doạ an ninh, tính mạng’ và chỉ nhằm mục đích loại bỏ nguy cơ đe doạ đó, chứ không phải để cấm dân tụ tập.

Việc vi phạm luật tụ tập cả về phía người tham gia, lẫn nhà chức trách đều được chế tài, do toà án phán quyết, nghĩa là luật tụ tập áp dụng cho cả cơ quan công quyền lẫn người dân, để bảo đảm quyền tụ tập, chứ không phải trao cho cơ quan công quyền quyết định quyền đó.

Việc cảnh sát lẫn cơ quan công quyền ở Đức bị kiện vi phạm luật tụ tập xảy ra không hiếm.

Ở Việt Nam, điều 69 Hiến pháp 1992, cũng tương tự như Hiến pháp Đức quy định công dân “có quyền biểu tình” theo “quy định của pháp luật.”

Nghĩa là người dân có quyền biểu tình và nhà nước có trách nhiệm ban hành văn bản lập pháp để bảo đảm quyền đó (chứ không phải cho phép quyền đó).

Ở Đức, Hiến pháp hiện hành có hiệu lực từ 24 giờ, ngày 23/5/1949, thì 4 năm sau, ngày 24/7/1953 Luật tụ tập được ban hành.

Trong quãng thời gian 4 năm đó, nhiều cuộc mít-tinh, biểu tình, tuần hành, hội họp vẫn tự động theo đúng hiến pháp xảy ra thường nhật.

Nhưng nhà nước đã thiếu văn bản luật, đồng nghĩa với thiếu sự bảo hộ của nhà nước đối với quyền đó của công dân, đặt công dân và cả nhà nước vào thế rủi ro, hành động và hành xử thiếu chuẩn mực luật pháp.

Trách nhiệm đó thuộc về nhà nước không thuộc về công dân, nếu chẳng may họ tụ tập gây ra hệ quả tiêu cực không cố ý.

Gấp năm lần Đức
Đây rõ ràng là một thực tế tầm cấp quốc gia, đặt ra đòi hỏi cấp bách hối thúc Quốc Hội nhanh chóng thực hiện trách nhiệm của mình trước Hiến pháp, để một mặt bảo đảm cho quyền tụ tập dân chúng được thực thi an toàn
TS. Nguyễn Sỹ Phương
Như hầu hết mọi quốc gia khác, Việt Nam hiến định Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất có trách nhiệm thi hành Hiến pháp, nhưng một văn bản lập pháp nhằm để thi hành điều 69, tính tới nay đã gần 20 năm, lâu gấp 5 lần ở nước Đức, đã không được ban hành.

Tuy nhiên, TTXVN cách đây không lâu đưa tin: “Sáng 5/6, có một số ít người đã tự phát tụ tập, đi ngang qua Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP Hồ Chí Minh để thể hiện tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, bày tỏ thái độ phản đối việc các tàu hải giám của Trung Quốc cản trở hoạt động, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 khi tàu này đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.”

Đây rõ ràng là một thực tế tầm cấp quốc gia, đặt ra đòi hỏi cấp bách hối thúc Quốc Hội nhanh chóng thực hiện trách nhiệm của mình trước Hiến pháp, để một mặt bảo đảm cho quyền tụ tập dân chúng được thực thi an toàn.

Chỉ khi đó “tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc” “vốn qúy giá nhất” của công dân mới không dừng lại ở chỗ chỉ được thể hiện ở “một số ít người đã tự phát tụ tập”, như TTXVN nhận định.

Đồng thời việc này bảo đảm cho bộ máy an ninh thực thi phận sự theo đúng chuẩn mực pháp luật đòi hỏi, không gây ra những hình ảnh hành xử phản cảm được đưa lên khắp các trang mạng Internet như vừa qua.

Điều này đã vô tình để cả thế giới nhìn thấy và làm ảnh hưởng uy tín của chính họ (bộ máy an ninh) và xâu xa hơn, nó còn làm ảnh hưởng đến cả hình ảnh đất nước lẫn thể diện quốc gia cũng như các mối quan hệ quốc tế.

Bài viết thể hiện lối hành văn và quan điểm riêng của tác giả, Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Phương,
Chủ biên Thời báo Việt - Đức, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP Leipzig, CHLB Đức.

Đọc tiếp...

CHIỀU NAY, AN NINH ĐÃ LÀM VIỆC VỚI NGƯỜI ĐỌC TUYÊN CÁO Ở NHÀ HÁT LỚN

Tôi - Nguyễn Xuân Diện, vừa gọi điện cho Em Phương - người thanh niên đọc TUYÊN CÁO TẠI NHÀ HÁT LỚN sáng 3.7.2011 vừa qua thì được biết em đang phải làm việc với công an quận Hà Đông. Đến 16h15 em Phương đã ra khỏi trụ sở công an. Phía công an yêu cầu em Phương, đúng 07h30 sáng Chủ nhật (ngày 10 tháng 07 năm 2011) có mặt tại Công an quận Hà Đông.
_________________________________________________


Thưa anh Ba và các bạn,

Có một sinh viên thương mại vừa ra trường, mới đi làm, rất đẹp trai và khôi ngô – người đi biểu tình 3 lần, bạn này hay cầm cái lá cờ có đầu lâu xương chéo đi đầu hàng. Hôm lần 4 thì bạn bị mấy anh ém áo thường phục xông vào giựt biểu ngữ và định bắt ở chỗ gần quán ca fe Cột Cờ. Mọi người xúm lại truy vấn, hỏi mấy anh kia là ai thì mới khỏi bị bắt.

Tuy nhiên, hôm 1.7 vừa rồi, các công an phường Điện biên đã yêu cầu bạn này ra phường và hỏi han xem có theo tổ chức nào hay không (họ làm việc nghiệp vụ kém quá), bắt viết cam kết là không đi biểu tình nữa !!!

Bạn này tên là Cường. điện thoại 0982XXXXXX.

Việc này cần được các cán bộ phường Điện Biên trả lời công luận: Họ làm việc đó đúng hay sai, ai cho phép họ cấm trí thức đi biểu tình? Ai chỉ đạo họ?
_______________________________________________
Nguyễn Xuân Diện: Công an Hà Nội làm như thế này là rất dở. Chủ nhật tuần này (10.7) không thấy ai hô hào đi biểu tình. Các trang mạng đều im ắng, có lẽ là nghỉ 1 tuần để cả người biểu tình lẫn các lực lượng an ninh nghỉ ngơi (các lực lượng an ninh vất vả quá).
Vậy mà cứ gặp gỡ, mời mọc kiểu này, người dân không định đi biểu tình cũng sẽ đi, để thể hiện thông điệp rằng: lòng yêu nước là một tình cảm cao quý, linh thiêng, chân chính và không có một ai có thể dập đi được. Đi để cho anh em biết rằng họ không làm gì sai trái, không một thế lực nào có thể lợi dụng được. Đi để cho anh em thấy rằng đây là biểu tình ôn hòa.
Riêng em Phương, em có thể không cần đến trụ sở Công an vào sáng Chủ nhật, nếu công an không có giấy (mời hoặc triệu tập).
___________________________________________
Trân trọng đề nghị các bạn và các đồng chí an ninh tham khảo CẨM NANG BIỂU TÌNH (phần bổ sung):

V. VỀ PHẦN NGƯỜI THAM GIA BIỂU TÌNH BỊ BẮT GIỮ

A. Những điều nên làm

1. Khi tham gia BT nên luôn luôn đi sát một hay một vài người đã quen hay mới quen nhưng đáng tin để, nếu ta hay người đó bị bắt thì mọi người sẽ được thông báo ngay lập tức mà có đối sách thích hợp.

2. Khi bị bắt, nên kịp thời thông báo bằng mọi cách: la to, vẫy tay, ra hiệu và phản ứng hợp lý, để cho mọi người trong đoàn BT chú ý và biết có sự cố xảy ra.

3. Khi bị giữ lại nơi trụ sở, xuất trình đầy đủ giấy tờ tùy thân (nếu có mang theo), khai chính xác về nhân thân, địa chỉ cư trú.

4. Đề nghị người được phân công làm việc với mình cho biết lý do bắt giữ.

5. Khi được hỏi lý do, động cơ BT thì trả lời: lòng yêu nước và căm thù ngoại xâm. Về cơ sở pháp lý thì dẫn điều 69 của hiến pháp.

6. Khi được hỏi về thông tin BT thì trả lời: từ mạng internet hoặc từ các tụ điểm đông người...

7. Khi được hỏi về số lần tham gia thì trả lời đúng như sự thật.

8. Trong khi chờ đợi sự ứng cứu của đoàn BT, hãy giữ bình tình, tự tin về hành vi chính đáng của mình. Thiệt vàng không sợ chi lửa.

9. Đề nghị được liên lạc với gia đình, người thân hay bạn bè đang tham gia BT và thông báo cho họ tình cảnh của bạn.

10. Dùng lời lẽ ôn hòa, có thái độ lịch sự với người làm việc với mình bởi lẽ khác với những người cấp dưới, đa số những người được cử ra làm việc đều là người có học thức nhất định, có nghiệp vụ tốt và có tư cách tốt. Luôn lưu ý rằng họ đang làm phận sự của một công bộc. Họ phải làm theo chức năng nhiệm vụ được giao và rất nhiều khi trái với ý chí của họ.

B. Những điều không nên làm

1. Không nên phản ứng thái quá khi bị bắt bắt như cắn, đánh trả quyết liệt, gây thương tích, vì làm như thế bạn rất dễ bị kết tội chống người thi hành công vụ.

2. Không man khai về nhân thân, địa chỉ nhưng cũng không cần khai quá nhiều chi tiết có thể gây bất lợi cho bạn như tên trường học, cơ quan làm việc…

3. Không đập phá làm hỏng hay quẳng đi những vật dụng ở nơi tạm giữ, đặc biệt là lúc chỉ có một mình.

4. Không nghe theo lời đề nghị được tha sớm hay đe dọa vô căn cứ mà khai những thông tin không đúng sự thật được mớm hay tự bịa ra, ví dụ như: đi BT theo lời xúi giục của ai, nhận tiền từ ai để đi BT. Những thông tin bịa đặt này sau đó có thể được sử dụng để chống lại bạn với những tội danh khó chối cãi.

5. Không ký tên nhận tội, vì BT là quyền hợp pháp và hợp hiến. Không ký tên vào những giấy tờ như: cam đoan không tiếp tục BT, vì những văn bản kiểu này cũng không hợp pháp và không có tính ràng buộc pháp lý.

6. Không khóc lóc, năn nỉ, xin xỏ để được thả ra sớm. Không được nhận rằng hành vi BT của mình là có tội đối với đất nước.

7. Không tìm cách đào thoát như trèo qua cửa sổ… vì làm như vậy, vừa nguy hiểm lại vừa phạm pháp.

8. Không ngắt lời người làm việc với mình. Không nói quá to, chủi thề, văng tục… Chờ cho họ nói xong mới từ tốn trả lời từng điểm một. Không nhìn đi nơi khác khi trả lời. Nên nhìn thẳng vào mặt họ. Nó chứng tỏ bạn là người trung thực.

9. Những gì được hỏi mà bạn không rõ, không biết, thì trả lời không biết. Chớ suy diễn hay bịa thông tin để trả lời vì nó có thể gây hại cho bạn sau này.

10. Không cung cấp những thông tin mà có thể gây bất lợi cho người khác đặc biệt những người cùng tham gia BT với bạn.
TỔ QUỐC VIỆT NAM ANH HÙNG MUÔN NĂM!
ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM TOÀN VẸN LÃNH THỔ MUÔN NĂM!

Đọc tiếp...

TRƯỜNG CA ĐẤT NƯỚC HÌNH TIA CHỚP (CHƯƠNG 3)

Mẹ cho con trái thị

Trích chương 3 trường ca
ĐẤT NƯỚC HÌNH TIA CHỚP của Trần Mạnh Hảo
Trái thị vàng mặt trăng con ăn
Cô Tấm đó hay là mẹ đó?
Trái đất này hay trái thị ngày xưa?
*
Tấm lòng qua mấy nắng mưa
Hoa bao nhiêu kiếp mới vừa gặp nhau
Để mình cô Tấm chịu đau
Để mình mẹ gánh cơ cầu trên vai
*
Chết rồi hoài thai
Thành chim?
Thành măng mai?
Thôi hoá thành trái thị
Nhờ chiếc bị bà Tiên
Đất nước lại dịu hiền
Hiện hình thành côTấm
Cô Tấm ơi cô Tấm đừng đi
Cô Tấm ở nhà với mẹ
Cô Tấm hoá thân thành nàng Kiều
Hoá thân thành Nguyệt Nga, Tô Thị?
*
Cô Tấm hoá thành Mỵ Châu
Nước Âu Lạc đến mai sau vững bền
Nỏ thần bắn được nghìn tên
Cố Loa thành ấy đừng quên Triệu Đà
Một chàng Trọng Thủy hiện ra
Mỵ Châu ơi có phải là tình yêu
*
Áo kia lông ngỗng dẫu nhiều
Đường lui chẳng rắc nổi điều dặn nhau
Mẹ không trách Mỵ Châu đâu
Nào ai trách mối tình đầu của em
Một dân tộc sống hồn nhiên
Ở bên một kẻ đảo điên dối lừa
Nỏ thần lấy lại được chưa
Mà Mỵ Châu đến bây giờ còn oan?

*
Dân tộc nhiều gian nan
Dân tộc nhiều lưu lạc
Cây cầu bằng nước mắt
Bắc ngang sông Tiền Đường
Nếu mẹ không dìu dắt
Nàng Kiều làm sao qua?
*
Từ trong giọt lệ đi ra
Mà đau thương tưởng chẳng là đau thương
Gánh trên vai mọi tai ương
Mười lăm năm biết đoạn đường phải qua
*
Cô Tấm ơi cô Tấm ở nhà
Mùa thu nào thị nước mình cũng chín
Mùa thu nào cũng có bà Tiên
Gót giặc phương Bắc đè nghìn năm
Gót giặc phương Tây xéo trăm năm
Dòng sông nào cũng pha màu máu
Ngọn núi nào như cũng trộn xương
Mái nhà nào như cũng bén lửa
Thiếu phụ nào như cũng một lần goá bụa
Con cuốc nào cũng kêu
Con cuốc kêu đất nước

*
Mặt trời cũng chít khăn tang
Vầng trăng như chiếc đầu người tráng sĩ giặc treo trước làng
Không có vì sao nào không khóc
Mây trên trời tan hoang
Ôi dáng hình đất nước
Sao giống như hình con giun bị xéo quằn?
*
Lịch sử căm giận nghìn năm, căm giận trăm năm
Đất nước mang hình con rồng con phượng con lân
Con rồng đã quẫy
Con rồng đã bay
Con ngựa sắt thét ra lửa
Trẻ con lập tức ăn ba vạc cơm
Ngựa sắt hí lên đòi ăn cỏ
Con rùa tìm thanh kiếm dưới hồ sâu
Rừng lau thành rừng đuốc
Cho trẻ con tập trận trên mình trâu
Tất cả ao hồ hoá thành trống trận
Mọi dòng sông
Đều uốn theo hình đất nước
Uốn theo hình mũi bát xà mâu
Bao ngon núi lửa Tây Nguyên
Đều biến thành lò rèn, rèn kiếm
Mặt trăng thành đá mài
Cho Nguyễn Huệ mài đại đao
Chừng như muôn vạn vì sao
Xuống mọc trên áo long bào Quang Trung
*
Có bao nhiêu ngọn núi
Đều uốn theo hình mũi giáo
Uốn theo hình đất nước lao lên
Mặt trời mọc trên yên ngựa
Tất cả sừng trên đầu hươu nai
Đều chuốt theo hình đất nước

*
Lá lúa vừa nhú lên
Đã uốn thành câu liềm
Cho người đi giết giặc
Gỗ trên rừng tìm lòng sông mà mọc
Cọc gỗ nào cũng giống mũi Cà Mau
Voi trên rừng rủ nhau ra trận mạc
Đất nước hình vòi voi
Theo bà Triệu Thị Trinh đuổi giặc
Áo long bào Quang Trung
Cháy một chân trời hoả hổ
Đất nước mang hình cơn bão cơn giông
Đất nước manh hình cây cung
Giương lên phương Bắc, giương ra biển Đông
Mẹ ơi lịch sử thời nào cũng sẵn ống đồng
Cho giặc chạy khi nào bại trận
Núi chạy về phương Nam
Giục mũi Cà Mau xé sóng
*
Lịch sử trong trái thị
Lịch sử chín mỗi ngày
Trái thị con cầm trên tay
Có giống trái đất này dài rộng?
*
Mẹ ơi qua nghìn biến động
Mẹ lại về trồng lúa trồng dâu
Đất nước của con mang hình dây bí dây bầu

TRẦN MẠNH HẢO
*
Ghi bên lề: Chữ trong bức tranh minh họa trên "Tổ Quốc trên hết!". Vừa qua có vị comments nói rằng chữ của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ở Miền Nam hay dùng. Nay, xin thưa lại, chữ đó là câu khẩu hiệu hô vang trong buổi lễ bế mạc kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa I do cụ Ngô Tử Hạ lĩnh xướng, ngày 2/3/1946. Hiện bản gốc của văn bản Lời Bế mạc này còn được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Đọc tiếp...

BÀI PHẢN HỒI CỦA ÔNG NGUYỄN THẾ SỰ GỬI BẠN ĐỌC

Ông Nguyễn Thế Sự và tác giả bài trên Hoàn Cầu Thời Báo
 Phản hồi của ông Nguyễn Thế Sự về bài báo
“Giáo sư chư hầu – nhơ để ngàn năm” 

Lời tựa của chủ blog Non sông gấm vóc: 

Sáng nay vào mạng thấy có bài “Giáo sư chư hầu – nhơ để ngàn năm” trên NXD blog, đọc xong tôi vội gọi ngay cho ông Sự . Tôi với ông vốn là đồng nghiệp và có quen biết nhau. Ông tỏ ra ngạc nhiên vì thông tin tôi báo.Tôi bảo ông phải trả lời bạn đọc ngay, chứ bạn đọc phản ứng dữ lắm đó. Ông bảo: tôi ít đọc mạng, vả lại tôi không biết blog bleo gì, thôi thì tôi viết bài, rồi nhờ ông đăng báo trả lời bạn đọc giùm.

Đúng như nhà văn Nguyễn Quang Lập đã nghi vấn “Liệu ông Sự có nói vậy không, hay là cái ông nhà báo TQ bịa ra? Mình nhìn ông nhà báo TQ mặt non choet thì cũng nghi lắm. Nhiều ông nhà báo cu con, báo chí chẳng làm, toàn giở trò láu cá, ở đâu cũng vậy. Chỉ cần gặp được người ta, nói năng năm điều ba chuyện chi đó rồi về phóng lên thành bài phỏng vấn khiến cho người bị phỏng vấn ngơ ngác không biết mình đã nói vậy khi nào. Rất có thể ông Sự cũng bị lâm vào hoàn cảnh như vậy. Nếu điều đó đúng thì mình rất mừng, vì mình không thể tin nổi có một người Việt Nam lại phát ngôn ngu xuẩn như vậy, nhất là khi phát ngôn ở báo Hoàn cầu TQ.”. Ông Sự đã bị lừa.

Một người đã trải đời như ông Sự, được học ngôn ngữ, văn hóa Trung Hoa, từng làm việc tại nước “bạn”, yêu mến nhân dân Trung Hoa, quý trọng tình hữu nghị Việt – Trung, vậy mà…vẫn bị lừa. Chính xác là ông đã bị phản bội.
Việt Minh

 THƯ ÔNG NGUYỄN THẾ SỰ GỬI BẠN ĐỌC

Hà Nội, ngày 07/07/2011

Kính gửi bạn đọc,

Tôi vừa đọc những bài viết và ý kiến rất gây gắt của mọi người có liên quan đến tôi, xung quanh bài báo được cho là “ Bài trả lời phỏng vấn” của tôi đăng trên tờ “Tề Lỗ vãn báo” tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, sau đó đăng lại trên mạng Phượng Hoàng và Hoàn Cầu TQ ngày 2/7/2011. Tôi hoàn toàn hiểu được phản ứng gay gắt của mọi người khi đọc bài báo đó nếu đúng tôi nói như vậy. Nhưng sự thực không phải như thế.

Trước hết tôi xin được cải chính: đấy không phải là một cuộc phỏng vấn. Tôi không trả lời một cuộc phỏng vấn nào.

Sự thực là như thế này:

Tôi nhớ sáng hôm đó là một ngày cuối tháng 6, trời mưa rất to, có một sinh viên cũ (tôi không nhớ tên) đưa một thanh niên TQ bằng xe máy đến nhà, giới thiệu với tôi là phóng viên tờ “Tề Lỗ vãn báo” tỉnh Sơn Đông, TQ. Anh này có nói là muốn tìm hiểu phản ứng của nhân dân Việt Nam về quan hệ Trung – Việt hiện nay, và đề nghị tôi giới thiệu nơi có thể đến để tìm hiểu. Tôi có giới thiệu anh ta đến vài cơ quan, tổ chức mà tôi biết. Lúc ấy trời vẫn đang mưa to. Nhìn anh phóng viên còn rất trẻ, có lẽ chưa đến 30 tuổi, nên tôi cũng muốn nhân dịp này bày tỏ cho anh ta biết một số ý kiến của mình về quan hệ Việt – Trung với tư cách là một người dân, một nhà giáo đã về hưu.

Tôi có nói với anh ta, tôi là người có nhiều tình cảm với nhân dân Trung Quốc nhưng tôi không đồng tình với những việc làm của Trung Quốc đối với Việt Nam. Ví dụ năm 1979 Trung Quốc dựng lên chuyện Việt Nam xua đuổi người Hoa, khiêu khích ở biên giới phía Bắc để kiếm cớ đánh Việt Nam. Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên cuộc chiến tranh này. Rồi năm 1974, Trung Quốc lợi dụng lúc quân đội Việt Nam Cộng hòa đang suy yếu đã huy động hải quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đến năm 1988 lại đánh chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tôi nói với anh ta rằng tình hình Biển Đông hiện nay hết sức căng thẳng là do Trung Quốc gây nên. Tàu của Trung Quốc đã hơn hai lần quấy nhiễu, cắt cáp của tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam, khi các tàu này đang tác nghiệp sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tôi nói với PV này là từ khi TQ đưa ra bản đồ có hình “ lưỡi bò” chín đoạn , yêu sách chủ quyền đối với hơn 80% diện tích Biển Đông, tình hình càng trở nên phức tạp, đây là yêu sách hết sức ngang ngược , không nước nào chấp nhận được.

Tôi còn dẫn những tư liệu trong “Phú biên tạp lục” của Lê Quý Đôn để chứng minh với anh ta rằng Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo mà người Việt Nam đã phát hiện, khai thác và thực hiện chủ quyền trên 2 quần đảo này từ thế kỷ 16-17.Tôi nói với anh ta rằng Việt Nam là một dân tộc trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên rất quý trọng hòa bình và mong muốn sống hữu nghị với tất cả các dân tộc, nhất là với các dân tộc láng giềng. Việt Nam vừa thoát khỏi danh sách các nước nghèo trên thế giới nên phải tập trung sức lực xây dựng đất nước, thực hiên công cuộc đổi mới, mở cửa. Việt Nam vẫn phải đối phó với những âm mưu phá hoại, diễn biến hòa bình của các thế lực phản động. Đảng Việt Tân là đảng phản động thành lập ở nước ngoài bị Việt Nam coi là tổ chức khủng bố vẫn luôn tìm cách quấy rối. Bây giờ Trung Quốc lại gây hấn ở Biển Đông làm cho Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Việc làm của Trung Quốc làm tổn hại đến tình cảm của nhân dân Việt Nam, ngay cả những người có nhiều tình cảm với Trung Quốc cũng rất phẫn nộ. Việt Nam là nước nhỏ không bao giờ lại đi gây chuyện với nước lớn TQ, TQ đừng có bức Việt Nam phải ngả về phía Mỹ…

Tôi có nói với anh phóng viên này là, anh nên viết bài nói với nhân dân Trung Quốc những sự thật đó.

Khi phóng viên này hỏi tôi có biết những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội? Tôi nói là có biết và cho đó là phản ứng của người dân trước những hành động quá đáng của phía Trung Quốc. Tôi không hề nói “…những thanh niên đi biểu tình chủ yếu là do phái “phản động” Việt Nam kích động gây ra.”

Bây giờ đọc kỹ bài báo, hồi tưởng lại cuộc nói chuyện hôm đó…tôi cảm thấy tôi đã bị lợi dụng. Việc phóng viên này đến tận nhà hỏi thăm, trao đổi, xin chụp ảnh, rồi hỏi về gia cảnh… sau này mô tả cách bài trí căn phòng…là việc làm có ý đồ đã chuẩn bị trước. Rõ ràng phóng viên này đã cố tình tạo ra một cuộc gặp gỡ, trao đổi có thật, hết sức thân tình tại gia với một người có thật, rất cụ thể để rồi sau đó lắp ghép, nhào nặn, chế biến ra một “cuộc phỏng vấn” với nội dung xuyên tạc, phục vụ cho ý đồ tuyên truyền có lợi cho phía Trung Quốc.

Tôi xin cam đoan những gì tôi trình bày trên đây là những ý kiến tôi đã bày tỏ với phóng viên Trung Quốc với tư cách một công dân Việt Nam.

Tôi xin cực lực bác bỏ những trích dẫn xuyên tạc những ý kiến của tôi đăng trên báo và một vài trang mạng của Trung Quốc ngày 2/7/2011.

Nguyễn Thế Sự – Nhà giáo đã nghỉ hưu. 
Thư này ông Sự gửi trực tiếp cho Non sông gấm vóc

Nguyễn Xuân Diện:

Sáng nay, tôi liên tục liên hệ vào số ĐT của ông Nguyễn Thế Sự mà không thấy bắt máy. Tôi chỉ định xác minh xem Thư trên có phải là do ông viết không? Và ông sẽ làm gì với các tờ báo này? Có cần hỗ trợ gì về luật pháp không?

Ông Nguyễn Thế Sự 61 tuổi đời, từng là Trưởng khoa Khoa Tiếng Trung của một Đại học lớn mà để một chú khách qua mặt dễ dàng như vậy ư?

Tôi nói thật, tôi là quản thủ ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm - tàng thư lớn nhất về thư tịch cổ, ai muốn vào đọc đều phải gặp tôi, nếu tôi cũng như các ông Nguyễn Huy Quý, Nguyễn Thế Sự thì tôi dính cước của họ lâu rồi.

Thôi! Xin để chư vị cùng bình với Lâm Khang, trong hương trà nồng đượm của tình ái quốc!

Để có thêm thông tin khi bình luận, mời chư vị xem ở đây.

Đọc tiếp...

BÍ THƯ THÀNH ỦY HN: PHẢI BẢO VỆ CHỦ QUYỀN TỔ QUỐC BẰNG SỨC MẠNH TỔNG HỢP

Toàn cảnh Đại hội. Ảnh: Lucbat.com

Trao đổi với Văn nghệ sĩ Thủ đô, UVBCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị:
PHẢI BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO CỦA TỔ QUỐC
BẰNG SỨC MẠNH TỔNG HỢP
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

Ngày 7.7, Đại hội đại biểu Hội LHVHNT Hà Nội (với 2.800 hội viên) đã bầu Ban chấp hành Hội nhiệm kỳ 2011-2016 với 27 ủy viên (nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, phóng viên Báo Thanh Niên cũng được bầu vào ban chấp hành). Ban chấp hành mới đã bầu nhà thơ Bằng Việt làm Chủ tịch Hội LHVHNT và 4 phó chủ tịch gồm: nhà văn Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Dương Kiều Minh, PGS-TS Đỗ Thị Hảo và nhạc sĩ Hồ Quang Bình.

Đáng chú ý, tại đại hội trên, ông Phạm Quang Nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã dành cả buổi sáng để lắng nghe ý kiến và tham luận của các văn nghệ sĩ. Phát biểu tại Đại hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: 5 năm qua, cùng với sự đổi mới đi lên của đất nước, đội ngũ văn nghệ sĩ thủ đô ngày càng cảm thấy tự tin phấn khởi, chủ động hơn trong lao động sáng tạo nghệ thuật, đi sâu tìm hiểu những vấn đề tâm đắc, lựa chọn phương pháp, thủ pháp phù hợp nhất để sáng tạo. Đề tài lịch sử và đề tài hiện đại được đề cập khá toàn diện và trải ra cả bề rộng và bề sâu. Nhiều tác phẩm được các tác giả dày công suy ngẫm, có tầm khái quát, đúc kết phản ánh một giai đoạn lịch sử của Thủ đô. Các sáng tác văn nghệ sĩ Thủ đô trong những năm vừa qua đã bắt nhịp bám sát hơi thở cuộc sống, tìm tòi sáng tác, quảng bá, tôn vinh các giá trị cao cả, tinh thần nhân văn nhân ái, góp phần bồi dưỡng con người Thủ đô thanh lịch, văn minh. Thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị chúc mừng và đánh giá cao những thành tích, những đóng góp quý báu của các cá nhân và tập thể Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, đời sống văn hoá tinh thần của Thủ đô. Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, đó là chưa có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, có sức sống lâu bền trong lòng dân cũng như những tác phẩm phản ánh sâu sắc, sinh động hiện thực cuộc sống trong những giai đoạn lịch sử hào hùng, nhất là thời kỳ đổi mới...Bí thư Thành ủy HN Phạm Quang Nghị mong muốn các văn nghệ sỹ trong nhiệm kỳ 5 năm tới sẽ đem hết sức mình, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp VHNT của Thủ đô văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị.
.
Đặc biệt đáng chú ý, sau bài tham luận của nhà văn Phạm Xuân Nguyên “Văn học nghệ thuật của lòng yêu nước”, trao đổi với các đại biểu về vấn đề bảo vệ vùng biển đảo của Đất nước, ông Phạm Quang Nghị, UVBCT, Bí Thư Thành ủy Hà Nội cho rằng: “Đây là vấn đề chung của toàn Đảng, toàn dân chứ không phải của riêng người nào, giới nào. Đây là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng và thiêng liêng, chúng ta phải có trách nhiệm, đồng thời phải có niềm tin rằng, Đảng ta, Nhà nước ta, Nhân dân ta có đủ năng lực trí tuệ và nguồn sức mạnh để giải quyết thành công vấn đề này. Ông cha ta đã giải quyết thành công từ hàng ngàn năm trước, chúng ta kế thừa truyền thống ấy của ông cha tổ tiên và không có lẽ nào chúng ta lại thua kém đến mức không giải quyết được vấn đề đó trong thời đại ngày nay. Mà chưa nói là trong thời đại xa xưa, cái yếu tố dựa vào sự đoàn kết, ủng hộ của nhân dân thế giới chắc không được như bây giờ, vì điều kiện liên kết quốc tế chưa có ở chế độ phong kiến. Chúng ta vừa có sức mạnh của nội tại vừa có sức mạnh của thời đại thì nhất định chúng ta thành công. Nhưng quyết vấn đề này bằng những biện pháp nào và giải quyết như thế nào, đòi hỏi phải có đủ trí tuệ, bản lĩnh nhất định. Chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục giải quyết tốt vấn đề này bằng sức mạnh chính trị, bằng tiềm lực quân sự, bằng sức mạnh ngoại giao, bằng yếu tố pháp luật, bằng dư luận xã hội trong nước và thế giới. Và phải tổng hợp tất cả các yếu tố ấy lại chứ không phải chỉ có một biện pháp một số người xuống đường mà giải quyết thành công. Nếu chỉ có như thế mà thành công thì có lẽ không phải xuống đường chỉ có ngần ấy người mà có thể phải đi nhiều hơn. Và nếu chỉ có biện pháp ấy thành công thì phía họ còn xuống đường nhiều hơn chúng ta. Và đó cũng chỉ là một trong những việc có thể làm hoặc làm thế nào để phối kết hợp với các biện pháp khác, nhưng đấy không phải là biện pháp duy nhất để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đây là vấn đề rất hệ trọng, rất lớn và chúng ta phải có sự nhất trí rất cao thì chúng ta mới thắng lợi được. Nhưng nếu chúng ta không nhất trí cao, không muôn người như một mà mỗi người làm một ý thì chính chúng ta làm suy giảm sức mạnh mà chúng ta đang có chứ không phải làm tăng sức mạnh ấy lên…”. Bài phát biểu, trao đổi thẳng thắn và cởi mở của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã được nhiều đại biểu hoan nghênh.
.

Đọc tiếp...

TẠI SAO NHÀ CẦM QUYỀN TRUNG QUỐc TRƠ TRẼN?

Thanh niên Việt Nam biểu tình phản đối nhà cầm quyền TQ, tại Tokyo Nhật Bản. Ảnh: BBC
Nguyễn Văn Tuấn

Tự dưng hôm nay có hứng bàn chuyện tuyên truyền. Có lẽ qua lá thư của một bạn đọc dưới đây và qua những dòng chữ của Bọ Lập(câm mồm! để cho tao ăn cướp - đọc tựa đề đã ấn tượng!) làm tôi thấy muốn nói thêm. Vậy xin nhân dịp này bàn thêm về những đặc điểm của tuyên truyền.

Chúng ta thử đọc những dòng chữ dưới đây. Nhưng xin nói trước, nếu các bạn mắc bệnh tim mạch thì không nên đọc (tôi không chịu trách nhiệm nhé).

Việt Nam xâm chiếm nhiều đảo nhất, có nguy hại lớn nhất, hơn nữa có thái độ kiêu ngạo nhất, ảnh hưởng xấu nhất”. 

“Trước đây, Việt Nam đã nhất nhất thừa nhận Tây Sa và Nam Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc”.

“Trên lĩnh vực quân sự, đáng tiếc rằng Việt Nam đã làm những việc gây phản ứng mãnh liệt như xâm chiếm nhiều đảo mới, giam giữ ngư dân và tàu đánh cá Trung Quốc”.

Những câu chữ đó xuất phát từ đâu vậy? Xin thưa: đó là những phát biểu của giới cầm quyền Bắc Kinh, những người chúng ta đã và đang – trớ trêu thay – gọi là bạn.

Bạn đọc có thể kinh ngạc tại sao trên thế giới này có những kẻ trơ trẽn đến dã man biến nạn nhân thành hung phạm, ngang ngược biến trắng thành đen, bất chấp thực tế biến không thành có, v.v. như thế. Đây không phải là lần đầu những luận điệu như trên xuất hiện trên giấy trắng mực đen; mà những luận điệu như thế này đã được rao truyền trong dân chúng Trung Quốc từ mấy chục năm qua. Chúng đã góp phần nhào nặn nên một thế hệ người Trung Quốc xem Việt Nam là một thuộc địa của chúng, người Việt Nam xảo quyệt và vô ơn. Kể ra thì đó cũng là một thành công lớn của những tác giả giàu trí tưởng tượng nhưng thâm thần bệnh hoạn.

Nhưng lý giải thế nào về “hiện tượng” đó? Nói “hiện tượng” thì oan cho chữ này quá (bởi vì những câu chữ tôi trích trên đã trở thành quán tính trong suy nghĩ chứ chẳng có gì ngạc nhiên), nhưng thôi thì hãy tạm dùng chữ đó để bàn chuyện vậy. Tôi nghĩ chỉ có thể giải thích cái sản phẩm chữ nghĩa quái thai trên đây của nhà cầm quyền Trung Quốc bằng hai chữ: tuyên truyền.

Tôi không định nghĩ tuyên truyền nữa, vì đã nói trong một bài trước và nhiều chuyên gia khác đã nói. Nhưng nhắc đến tuyên truyền hay propaganda mà không nhắc đến Nhà văn George Orwell thì quả là một thiếu sót. Trong tác phẩm nổi tiếng 1984, Orwell viết một cách tiên tri về xảo thuật tuyên truyền như là một vũ khí… chống công dân. Ông mô tả nhiều loại hình tuyên truyền, trong đó có loại hình doublethink (suy nghĩ kép). Đó là cách biến trắng thành đen, biến đen thành trắng, và nói một cách càng trơ trẽn càng tốt. Đó là kiểu nói “Chiến tranh là hòa bình, tự do là nô lệ, ngu dốt là sức mạnh” (“WAR IS PEACE. FREEDOM IS SLAVERY. IGNORANCE IS STRENGTH”. Ngày nay, những gì Orwell viết quá ứng nghiệm với những gì tôi trích dẫn ở trên.

Người Việt chúng ta cũng có những câu để mô tả tình trạng loạn chuẩn trên. Vừa ăn cướp vừa la làng, hay Gái đĩ già mồm có thể hiểu là một cách tuyên truyền theo nghĩa của Orwell. Tôi nghĩ chúng – những kẻ ngồi ở Bắc Kinh viết ra những dòng chữ trên – không ngu xuẩn đến độ không biết đó là vô lý, nhưng logic ở đây không thành vấn đề; vấn đề là tuyên truyền. Vậy thì câu hỏi đặt ra: làm sao chúng ta nhận dạng ra tuyên truyền?

Tôi nghĩ đặc điểm số 1 để nhận ra một bài viết là tuyên truyền hay không là xem xét tính ngụy biện của nó. Thật vậy, tuyên truyền dựa vào ngụy biện là chính, vì ngụy biện dễ thu hút khán giả. Có nhiều hình thức ngụy biện đã được mô tả trước đây. Những hình thức ngụy biện mà giới tuyên truyền hay sử dụng là lợi dụng cảm tính, tấn công cá nhân, khái quát hóa tùy tiện, và lợi dụng quyền lực.

Những gì chúng ta thấy từ bọn đầu não Bắc Kinh cho thấy đặc tính số 1 của tuyên truyền: lợi dụng cảm tính. Thật vậy, tuyên truyền lợi dung tối đa cảm tính, chứ không phải tri thức và logic. Những gì tuyên truyền nói là vô lý, hoàn toàn không có logic. Chả thế là Hitler (một tên ác ôn nhưng là một nhà tuyên truyền có tài) từng nói đại khái rằng nếu bạn nói láo, thì đừng nói láo nhỏ nhặt, bởi vì người ta sẽ nhận ra ngay đó là lời nói láo; nên nói láo thật lớn, nói láo những gì người ta không thể tưởng tượng nổi. Và, cứ tiếp tục nói láo cho đến khi nào người ta tin đó là sự thật. Tức là, nói láo càng nhiều, càng to tát, thì càng có hiệu quả. Chẳng hạn như bọn Bắc Kinh đang rêu rao rằng Việt Nam tấn công tiến chiếm hải đảo của chúng, và gieo một sự hận thù trong người Trung Quốc. (Cũng chẳng khác gì trước đây Mỹ cho dàn dựng một y tá người Kuwait xuất hiện trước Quốc hội Mỹ nói rằng quân lính Iraq quăng trẻ em sơ sinh vào lò thiêu và ăn sống, nhưng sau này người ta mới biết cô ấy là con gái ông đại sứ Kuwait tại Mỹ và màn kịch được dàn dựng bởi một công ty PR). Đó là một lời nói láo cực kỳ vô lý không ai có thể tưởng tượng nổi một Việt Nam bé nhỏ tấn công một nước khủng lồ như Trung Quốc. Nhưng đó là xảo thuật truyên truyền mà những kẻ làm tuyên truyền ở Bắc Kinh đang vận dụng rất bài bản.

Đặc điểm thứ hai của tuyên truyền là tấn công cá nhân. Tiếng Anh gọi là name calling. Tiếng Latin là ad hominem. Thật ra, đó là một hình thức ngụy biện phổ biến nhất và có khi có hiệu quả nhất. Chẳng hạn như ở phương Tây, khi giới chính trị gia không thuyết phục được Thượng viện thông qua một đạo luật nào đó, họ tìm cách nói xấu Thượng nghị sĩ, kiểu như ông ấy là người không đàng hoàng, ăn chơi đàng điếm, dù những chuyện cá nhân như thế nếu có thật chẳng liên quan gì đến đạo luật. Hay khi không tranh luận không lại đối phương, người ta bắt đầu phao tin nói xấu về nhân cách, nhân thân của đối phương, tìm cách gắn cho đối phương một nhãn hiệu. Nhãn hiệu có thể là phát xít, cộng sản, phản động, v.v. Đó chẳng những là ngụy biện mà còn là hình thức tuyên truyền rất hạ cấp. Nó còn là triệu chứng của sự thiếu tự tin, không dám lý luận, mà phải dùng đến những trò phi chính thống. Tuyên truyền rất thích ngụy biện dưới hình thức tấn công cá nhân.

Đặc điểm thứ ba của tuyên truyền là khái quát hóa. Khác với tấn công cá nhân (mà trong đó người ta gắn cho đối phương một nhãn hiệu tiêu cực), khái quát hóa tìm cách gắn cho sự việc một nhãn hiệu cao sang. Những nhãn hiệu này có thể là văn hóa, văn minh, dân chủ, công bằng, bác ái, tự do, vinh quang, anh hùng, danh dự, công lý, tình thương, hòa bình, khoa học, v.v. Có thế lấy ví dụ về việc nghiên cứu sự vận hành của nhà nước vốn chỉ là một việc làm mang tính hành chính nhưng người ta cố tình gắn cho việc làm một danh hiệu cao quí là khoa học: khoa học chính trị. Theo đà đó, bất cứ việc làm gì của giới hành chính cũng đều trở thành khoa học. Tuyên truyền do đó đánh tráo khái niệm bằng cách khái quát hóa một cách tùy tiện.

Đặc điểm thứ tư của tuyên truyền là lợi dụng thế lực. Tiếng Latin gọi là ad verecundiam. Trong xảo thuật này, cách làm phổ biến nhất là chuyển giao những hình ảnh quốc gia và nhân vật nổi tiếng đến sản phẩm tuyên truyền. Chẳng hạn như huy động hàng ngàn người mặc quần áo và đứng xếp hàng thành một lá cờ tổ quốc thật to. Thông điệp họ muốn gửi đến công chúng là họ là những người yêu nước, vì quê hương đất nước. Nhưng đó chỉ là hình thức tuyên truyền tương đối… rẻ tiền.

Một đặc điểm tuyên truyền khác có liên quan là lợi dụng thẩm quyền. Đây cũng là hình thức tuyên truyền khá phổ biến. Chẳng hạn như khi quảng bá một ý tưởng điên rồ khó ai có thể chấp nhận được, người ta dùng đến những người có vị trí cao và bằng cấp cao trong xã hội. Giống như khi viết bài, người ta trích dẫn những người với chức danh như “Giáo sư – Tiến sĩ” với hàm ý nói rằng ý tưởng đó được bậc đại trí thức đồng tình, dù ý kiến của vị đó chẳng liên quan gì đến vấn đề đang bàn. Trung Quốc thường hay trưng bày công hàm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng như muốn nói Thủ tướng của Việt Nam đã công nhận, nhưng vấn đề là pháp lí quốc tế chứ chẳng liên quan gì đến công hàm đó.

Tuyên truyền nói cho cùng là một cách nhồi sọ. Do đó, xảo thuật của tuyên truyền là lặp đi lặp lại những điều vô lí càng nhiều và càng lâu thì càng tốt. Đó chính là lý tưởng của tuyên truyền: một lời nói láo nếu được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành chân lý. Đó cũng chính là những gì chúng ta thấy giới truyền thông Bắc Kinh suốt ngày này sang tháng nọ nói xấu Việt Nam và người Việt Nam, bất chấp những thỏa thuận gì đó giữa đặc phái viên của lãnh đạo cao cấp Việt Nam và phía Trung Quốc.

Tóm lại, tuyên truyền là một phương tiện để the power that be (có lẽ dịch là thế lực?) gây tác động đến đám đông qua hình thức ngụy biện và nhồi sọ. Goebbels, một guru về tuyên truyền thời Hitler, quan niệm rằng “tuyên truyền tự nó không phải là một cứu cánh, nhưng là phương tiện cho cứu cánh; nếu phương tiện giúp chúng ta đạt được cứu cánh thì phương tiện đó tốt”. Cố nhiên, tội ác của Hitler và đồng bọn như Goebbels đã làm cho hai chữ tuyên truyền mang một nghĩa xấu. Ấy thế mà ngày nay những đồ đệ của họ ở Trung Quốc có vẻ rất ham thích ứng dụng quan niệm đó của Goebbels. Chúng ta phải sống với tuyên truyền. Không có cách nào xóa bỏ tuyên truyền trong xã hội hiện đại. Vấn đề không phải là tránh hay xóa bỏ tuyên truyền, nhưng vấn đề là phân biệt được thông tin nào là sản phẩm của tuyên truyền và thông tin nào sản phẩm của thực tế xã hội. Tôi nghĩ những đặc điểm trên cũng giúp ích cho chúng ta trong việc phân định thông tin, và hiểu tại sao nhà cầm quyền Trung Quốc tỏ ra cực kỳ trơ trẽn với những luận điệu vừa vô lý vừa ấu trĩ của họ.

N.V.T.

Ghi thêm: Một bạn đọc gửi thư cho tôi biết rằng hai chữ tuyên truyền rất phổ biến ở trong nước. Bạn này còn chứng minh rằng Việt Nam có hẳn một “Học viện báo chí và tuyên truyền”, nhưng dịch sang tiếng Anh là Academy of Journalism and Communication. Thú vị thật!

Về mặt tiếng Anh, tuyên truyền phải là propaganda, chứ không phải là communication. Communication có nghĩa là truyền thông (vì thế telecommunicationviễn thông). Như vậy, cách dịch tuyên truyền = communication rõ ràng là không đúng. Đó là một cách… né. Né không dùng chữ propaganda. Điều này cho thấy lãnh đạo học viện trên có ý thức rằng chữ propaganda không được cộng đồng quốc tế “mặn mà” lắm vào thời nay. Nhưng nếu có ý thức như thế thì tại sao lại dùng tuyên truyền trong tiếng Việt? Tại sao không dùng chữ truyền thông cho… nhẹ hàng hơn? Tôi nghĩ đó cũng là một câu hỏi thú vị cần giải đáp.

Nguồn: nguyenvantuan.net
Nguồn:  Bauxite Vietnam.

 

Đọc tiếp...