Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

NGUYỄN SỸ PHƯƠNG: BIỂU TÌNH VÀ TRÁCH NHIỆM BẢO VỆ CÔNG DÂN















Tác giả cho rằng đã đến lúc Quốc Hội nhanh chóng thực hiện trách nhiệm 
soạn thảo Luật bảo vệ quyền chính đáng về tụ tập, biểu tình của người dân VN.

Bài này được viết sau một số sự kiện mà trước hết là việc Trung Quốc tiếp tục đòi Việt Nam hãy có “những nỗ lực nghiêm túc chấm dứt biểu tình chống Trung Quốc” và cảnh báo “những cuộc biều tình như vừa qua sẽ không giúp ích gì.”

Tiếp đó là sự kiện Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đưa tin và Phó trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương Đảng đưa ra quan điểm khẳng định về sự kiện dân chúng tụ tập thể hiện lòng yêu nước.

Và ngay mới đây, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, trả lời phỏng vấn BBC, cho rằng Quốc Hội nên thông qua Luật Biểu tình.

Thực tế, biểu tình hiện đã trở thành sự kiện chính trị nổi bật nhất tại Việt Nam hiện nay và thu hút dư luận thế giới đặc biệt quan tâm.

Riêng với báo chí chính thống Việt Nam, lẽ ra theo luật định, phải lên tiếng định hướng, thì đã không chuyển tải.

Biểu tình là một khái niệm phổ thông trên thế giới, một quyền mà “tạo hoá ban cho” mọi con người. Việt Nam muốn phát triển không thể không hội nhập.

Bài viết này trình bày cơ sở khoa học, thực tiễn, không đề cập đến chính sách biểu tình, vốn tùy thuộc hoàn toàn vào mức độ đòi hỏi của dân chúng và trách nhiệm của mọi đảng phái chính trị, nhà nước, trước nhân dân và vận mệnh mỗi quốc gia.

“Phạm trù bao trùm

Tác giả cho rằng các cuộc biểu tình yêu nước ở trong nước vừa qua
có ý nghĩa 'tầm cấp quốc gia'.

Khái niệm mít tinh, biểu tình, tuần hành, hội, họp, ở hầu hết các nước hiện đại về phương diện pháp lý đều thuộc phạm trù bao trùm “tụ tập.”

Điều này giải thích tại sao nước Đức đưa quyền tự do tụ tập vào Hiến pháp và ban hành Luật Tụ tập để điều chỉnh chung mọi hoạt động mít tinh, biểu tình, tuần hành, hội, họp.

Sự kiện người dân Việt Nam ở trong nước “tụ tập, đi ngang qua trước Đại Sứ quán, Tổng Lãnh sự Trung Quốc” các tuần trước được TTXVN đưa tin, hay Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Nguyễn Thể Kỷ, trả lời báo CAND, khẳng định thêm, đều sử dụng chính phạm trù bao trùm (“tụ tập”) này.

Về mặt kinh tế xã hội ngay cả hoạt động của các công ty, xí nghiệp, chợ búa, trường học, bệnh viện, tổ chức, cơ quan, đoàn thể, đảng, nhà nước, thực ra đều nằm trong phạm trù vừa nói.

Bởi không tụ tập thì không thể hoạt động, nhưng (hành động tập thể này) lại hoàn toàn do đạo luật khác điều chỉnh.

Bởi vì chúng khác về mục đích với mít tinh, biểu tình, tuần hành, hội, họp vốn chỉ nhằm thể hiện ý kiến, nguyện vọng, mong muốn, thái độ chính trị.

Khác với “tụ tập” trong gia tộc, dòng họ, cưới xin, giỗ chạp, tiệc tùng vốn thuộc về tình cảm; hay tụ tập sản xuất kinh doanh, buôn bán vốn thuộc về kinh tế, thị trường, việc tụ tập ở các cơ quan nhà nước thuộc về quyền lực.

“Tụ tập” mít tinh, biểu tình, tuần hành, hội họp, hoàn toàn xuất phát từ tâm, không hề vụ lợi cá nhân, do người dân tự nguyện; nên phạm trù tụ tập với nội hàm trên được hiểu là tụ tập dân chúng, thuộc về xã hội dân sự, một quyền tự nhiên do “tạo hoá cho họ.”

“Khuyến khích, bảo vệ
Tụ tập, vì vậy, được các nhà nước hiện đại coi là hành động dân chúng tích cực tham gia vào quá trình hình thành chính sách nhà nước sao cho hợp lòng dân, không phó mặc cho cơ quan công quyền, bởi tự dân và vì chính dân. Đây là nền tảng cho sự phát triển bền vững đất nước của họ.
TS. Nguyễn Sỹ Phương
Điều này giải thích tại sao “tụ tập” được các nhà nước hiện đại khuyến khích, bảo vệ. Ở Đức tụ tập dân chúng gắn chặt với đời sống thường nhật, như không khí để thở, nước để uống.

Tụ tập diễn ra có khi chỉ vì một người vô gia cư bị giết, vì một đứa bé bị lạm dụng, một người nước ngoài bị tấn công, một đồng lương “chết đói“, một cảnh sát đánh người, một bản án bất công...

Tụ tập của người dân cũng diễn ra trước những công trình lớn như dự án xây dựng nhà ga hiện đại ở Stuttgart hiện tại vốn bị cáo buộc gây tác hại môi trường, cảnh quan, tới bao chính sách xã hội, bảo vệ môi trường không hợp lòng dân… và cả những việc có tầm quốc tế về một cuộc chiến tranh vô nghĩa, một chủ nghĩa cực đoan, hay một nhà nước độc tài...

Về mặt chính trị, ở đâu dân bất bình ở đó tất có tụ tập, nếu không, không thể nói dân làm chủ.

Ngược lại, nếu nhà nước bất chấp và cấm đoán, tất nó (phản ứng, bức xúc xã hội) sẽ tích tụ, cộng hưởng ngày một lớn hơn cho tới khi quá ngưỡng, chuyển qua bạo động mà Trung Đông hiện đang là bằng chứng sống.

Tụ tập, vì vậy, được các nhà nước hiện đại coi là hành động dân chúng tích cực tham gia vào quá trình hình thành chính sách nhà nước sao cho hợp lòng dân, không phó mặc cho cơ quan công quyền, bởi tự dân và vì chính dân.

Đây là nền tảng cho sự phát triển bền vững đất nước của họ.

Nhờ thế, mà thể chế chính trị ở những quốc gia này, với bất cứ đảng nào cầm quyền, dù là đảng cánh tả hay hữu, hay trung dung, hoặc với đảng cộng sản tham gia hiện nay, không hề bị lung lay, mà trái lại ngày càng hoàn thiện.

Trong khi đó, Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, suốt cả thời kỳ tồn tại của nó cho đến trước khi sụp đổ, hầu như không có tụ tập dân chúng, bởi họ xuất phát từ ý thức hệ coi “quyền làm chủ của người dân phải thông qua nhà nước và bằng nhà nước.”

Hệ quả là sự ỷ lại cho nhà nước phải có trách nhiệm kinh tế và mọi mặt đời sống xã hội đối với dân.
Biểu tình vì vậy cũng kệ mặc nhà nước, do nhà nước tổ chức hoặc ủy thác và nhằm phục vụ cho chủ trương chính sách nhà nước.

Nói cách khác, biểu tình là quyền nhà nước, giống như đất đai thuộc sở hữu nhà nước, chỉ khi cấp phép, dân mới được quyền sử dụng.

Hệ quả là chính Tổng bí thư cuối cùng của Đảng XHCN Thống nhất Đức (SED, CHDC Đức cũ), ông Egon Krenz, trong lần đối thoại trực tuyến trước đây với độc giả báo Tuần Việt Nam đã phải thừa nhận "sai lầm không thể cứu vãn" của đảng ông.

Đó là do "không thành công trong việc khuyến khích mọi người dân tham gia vào nền chính trị ", "lỡ cơ hội đối thoại cởi mở với dân chúng", coi các quyết sách là thẩm quyền riêng của đảng và nhà nước, nhân dân chỉ thi hành, không được thể hiện bất bình.

‘Quyền hiến định’















Nhiệm kỳ làm Chủ tịch Quốc hội của ông Nguyễn Phú Trọng 
đã không xây dựng và thông qua luật về biểu tình của người dân.

Do ý nghĩa và vai trò to lớn quyết định vận mệnh đất nước như vậy, nên như ở Đức ngày nay, điều khoản Tự do tụ tập được hiến định tại phần đầu tiên, của điều 8 như sau:

Điểm (1), mọi công dân Đức có quyền, không báo trước, hay xin phép, tụ tập ôn hoà và không có vũ khí.

Tại điểm (2) còn quy định thêm: Riêng tụ tập ngoài trời, quyền đó có thể bị giới hạn bởi văn bản lập pháp.

Lý do của cụm từ “có thể” đó hoàn toàn không phải vì bản thân quyền tụ tập có vấn đề phải cắt xén, cũng không phải nhà nước sợ sụp đổ vì nó.

Bởi một mặt nhà nước chỉ là công cụ của dân, một khi toàn dân muốn đều có thể “đuổi được chính phủ,” không gì cấm nổi.

Mặt khác, một tập hợp người tay không, ôn hoà, có muốn cũng không thể gây tổn hại được gì cho nhà nước. Giới hạn quyền tụ tập họ đưa ra chỉ bởi tính chất ngoài trời có thể tổn hại nghiêm trọng đến chính người tham gia hoặc cộng đồng.

Giống như bất cứ quyền cơ bản nào, từ tự do đi lại, đến nơi ở, làm việc, tín ngưỡng… trong những tình huống đặc biệt, quyền tụ tập đều buộc phải chịu giới hạn để tránh tổn hại khi thực hiện quyền đó.

Điều đó được thể hiện nhất quán trong 33 điều khoản Luật Tụ tập (VersG) Liên bang Đức, như ở điều14 quy định:

‘Tụ tập ngoài trời phải báo trước với chính quyền chậm nhất sau 48 tiếng, với mục đích để nhà nước có biện pháp kịp thời bảo đảm an toàn cho người tham gia, như ngăn đụng độ với các cuộc biểu tình đối lập xảy ra, bảo đảm hoạt động bình thường cho cộng đồng, giao thông, mua bán... ’

Các điều khoản hạn chế khác cũng đều nhằm mục đích đó, như ở điều 1 tước bỏ quyền tự do tụ tập đối với các đảng phái bị Toà án Hiến pháp cấm hoạt động, hay với những cá nhân tổ chức muốn xoá bỏ quyền tự do tụ tập. Điều 3 cấm mang theo vũ khí dụng cụ có thể gây thương tích người hoặc đập phá đồ vật.

Không phải xin cho
Luật tụ tập áp dụng cho cả cơ quan công quyền lẫn người dân, để bảo đảm quyền tụ tập, chứ không phải trao cho cơ quan công quyền quyết định quyền đó
TS. Nguyễn Sỹ Phương
Tuy nhiên ngay cả giới hạn trên cũng không được vi phạm bản thân quyền tự do tụ tập, nên luật quy định bỏ cả giới hạn đó trong hoàn cảnh nhất định, chẳng hạn tụ tập bột phát bởi một lý do tức thời, sẽ không cần báo trước.

Các biện pháp cảnh sát áp dụng để thực thi các điều khoản giới hạn trên cũng buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt quy phạm, chẳng hạn bắt giữ, giải tán chỉ khi có dấu hiệu trực tiếp chứng minh được có sự ‘đe doạ an ninh, tính mạng’ và chỉ nhằm mục đích loại bỏ nguy cơ đe doạ đó, chứ không phải để cấm dân tụ tập.

Việc vi phạm luật tụ tập cả về phía người tham gia, lẫn nhà chức trách đều được chế tài, do toà án phán quyết, nghĩa là luật tụ tập áp dụng cho cả cơ quan công quyền lẫn người dân, để bảo đảm quyền tụ tập, chứ không phải trao cho cơ quan công quyền quyết định quyền đó.

Việc cảnh sát lẫn cơ quan công quyền ở Đức bị kiện vi phạm luật tụ tập xảy ra không hiếm.

Ở Việt Nam, điều 69 Hiến pháp 1992, cũng tương tự như Hiến pháp Đức quy định công dân “có quyền biểu tình” theo “quy định của pháp luật.”

Nghĩa là người dân có quyền biểu tình và nhà nước có trách nhiệm ban hành văn bản lập pháp để bảo đảm quyền đó (chứ không phải cho phép quyền đó).

Ở Đức, Hiến pháp hiện hành có hiệu lực từ 24 giờ, ngày 23/5/1949, thì 4 năm sau, ngày 24/7/1953 Luật tụ tập được ban hành.

Trong quãng thời gian 4 năm đó, nhiều cuộc mít-tinh, biểu tình, tuần hành, hội họp vẫn tự động theo đúng hiến pháp xảy ra thường nhật.

Nhưng nhà nước đã thiếu văn bản luật, đồng nghĩa với thiếu sự bảo hộ của nhà nước đối với quyền đó của công dân, đặt công dân và cả nhà nước vào thế rủi ro, hành động và hành xử thiếu chuẩn mực luật pháp.

Trách nhiệm đó thuộc về nhà nước không thuộc về công dân, nếu chẳng may họ tụ tập gây ra hệ quả tiêu cực không cố ý.

Gấp năm lần Đức
Đây rõ ràng là một thực tế tầm cấp quốc gia, đặt ra đòi hỏi cấp bách hối thúc Quốc Hội nhanh chóng thực hiện trách nhiệm của mình trước Hiến pháp, để một mặt bảo đảm cho quyền tụ tập dân chúng được thực thi an toàn
TS. Nguyễn Sỹ Phương
Như hầu hết mọi quốc gia khác, Việt Nam hiến định Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất có trách nhiệm thi hành Hiến pháp, nhưng một văn bản lập pháp nhằm để thi hành điều 69, tính tới nay đã gần 20 năm, lâu gấp 5 lần ở nước Đức, đã không được ban hành.

Tuy nhiên, TTXVN cách đây không lâu đưa tin: “Sáng 5/6, có một số ít người đã tự phát tụ tập, đi ngang qua Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP Hồ Chí Minh để thể hiện tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, bày tỏ thái độ phản đối việc các tàu hải giám của Trung Quốc cản trở hoạt động, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 khi tàu này đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.”

Đây rõ ràng là một thực tế tầm cấp quốc gia, đặt ra đòi hỏi cấp bách hối thúc Quốc Hội nhanh chóng thực hiện trách nhiệm của mình trước Hiến pháp, để một mặt bảo đảm cho quyền tụ tập dân chúng được thực thi an toàn.

Chỉ khi đó “tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc” “vốn qúy giá nhất” của công dân mới không dừng lại ở chỗ chỉ được thể hiện ở “một số ít người đã tự phát tụ tập”, như TTXVN nhận định.

Đồng thời việc này bảo đảm cho bộ máy an ninh thực thi phận sự theo đúng chuẩn mực pháp luật đòi hỏi, không gây ra những hình ảnh hành xử phản cảm được đưa lên khắp các trang mạng Internet như vừa qua.

Điều này đã vô tình để cả thế giới nhìn thấy và làm ảnh hưởng uy tín của chính họ (bộ máy an ninh) và xâu xa hơn, nó còn làm ảnh hưởng đến cả hình ảnh đất nước lẫn thể diện quốc gia cũng như các mối quan hệ quốc tế.

Bài viết thể hiện lối hành văn và quan điểm riêng của tác giả, Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Phương,
Chủ biên Thời báo Việt - Đức, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP Leipzig, CHLB Đức.

13 nhận xét :

  1. Lánh đạo VN nên đọc, tiếp thu và làm ngay. Có lợi cho CP thôi, không có hại gì cả. Không có luật ND vẫn biểu tình nhưng nhà nước không quản lý được. Có luật rồi nhân dân sẽ biểu tình ít lại vì khi nào biểu tình cũng được cơ mà. Nhà nước lại quản lý tốt. Nhất cử lưỡng tiện, không làm mới lạ. Hay lại sợ bóng ma vô hình.

    Trả lờiXóa
  2. Trời ơi! Mong các Bác cao cấp, nhất là các Bác làm vua tập thể xem xét kỹ mọi điều cho dân nhờ. Nước Đức họ văn minh, dân chủ thế nên một đứa con rơi người Việt Nam được làm con nuôi ở Đức mà trở thành Chủ tịch Đảng, Phó Thủ tướng . Bên trang nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát có bài rất hay về hiện tượng và ông Phó Thủ tướng Đức này. Bác Diên rinh về đây cho bà con đọc luôn để bàn luận cho rôm rả, đỡ bực bội, nóng bức ngột ngạt quá...

    Trả lờiXóa
  3. Tôi cũng định cư tại CHLB ĐỨC,bài viết của tác giả hoàn toàn chính xác.Hàng năm chứng kiến hàng chục cuôc"tụ tập" ôn hòa để biểu dương chính kiến của tập hợp dân chúng với những sự kiện trong cuộc sống diễn ra,vì thế một luật tương tự cần gấp rút ban hành cho một nước văn minh dân chủ như VIỆT NAM.Luật pháp để bảo vệ nhân dân,người biểu tình chỉ "đăng ký" chứ không phải"xin-cho",và cơ quan đại diện pháp luât có trách nhiệm giữ gìn an ninh và bảo vệ những người biểu tình.

    Trả lờiXóa
  4. Tôi đề nghị có một buổi sáng chủ nhật. Chúng ta chỉ hô những câu khẩu hiệu bày tỏ tình cảm yêu thương dành cho những người lính giữ đảo, giữ biển. Những ngư dân đang thể hiện chủ quyền trên đảo, trên biển. Không động dạng gì đến chữ U hay là cắt cáp, thế thì có bị giải tán không nhỉ. Thùy Linh sexy thì khối anh tròn mắt.

    Trả lờiXóa
  5. Không biết đến thế kỹ nào người dân Việt nam mới được hiến pháp và pháp luật bảo vệ như người dân các nước văn minh như nước Đức...
    Hiến pháp nước CHXHCN Việt nam cũng đã ghi rõ ràng, nhưng việc hành pháp thì là chuyện khác !
    Than ôi !!!

    Trả lờiXóa
  6. Chúng tôi khi xưa chỉ là tị nạn ở Đức. Thời kỳ đầu chính phủ Đức xem xét ngặt nghèo quyền tị nạn của chúng tôi.
    Chúng tôi đã xuống đường biểu tình, đòi hỏi luật cư trú cho người tị nạn.
    Đấy là muốn nói khi chúng tôi chưa phải là công dân Đức, chúng tôi cũng có quyền biểu tình phản đối chính sách của chính phủ.
    Giới luật sư VN cần vào cuộc chứ không lòng yêu nước của người dân bị trà đạp .

    Trả lờiXóa
  7. Có nên chăng, 1 cuộc biểu tình yêu cầu QH thông qua luật biêu tình :)

    Trả lờiXóa
  8. Ở các nước dân chủ thì mọi người dân đều có quyền biểu tình, mít tinh cho dù là biểu tình chống chính phủ, đòi tăng lương, cải thiện đời sống, môi trường, ... và các đảng cộng sản, thường là đảng đối lập nhưng vẫn công khai tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình hoặc diễu hành mà chả chính quyền nào ra lệnh cấm. Yêu cầu duy nhất của nhà nước để các cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành có thể thực hiện được là ban tổ chức hay người cầm đầu phải thông báo với chính quyền trước 5 ngày về nội dung, địa điểm, thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc và tuyến đường đi nếu có kết hợp tuần hành. Trong những trường hợp này thì cảnh sát có nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an ninh cho đoàn biểu tình và cho xã hội. Nếu cần thiết thì cảnh sát có thể ngăn đường để đoàn biểu tình đi. Cảnh sát chỉ bắt những ai làm rối loạn, mất trật tự, trị an ngoài khuôn khổ cho phép đã được đăng ký từ trước.
    Chính quyền các nước XHCN hoặc một số nước khác mà một đảng độc quyền thì vì những lý do bí ẩn nào đó nên thường rất ngại và rất sợ những cuộc mít tinh, biểu tình tự phát, không do nhà nước hoặc các cơ quan, đoàn thể thuộc nhà nước tổ chức. Chính vì lẽ vậy nên nhiều cuộc bãi công chính đáng đòi tăng lương của công nhân, giải quyết việc đất đai bị lấn chiếm không đúng luật đã bị LLCS dùng vũ lực để dẹp. Công đoàn, một tổ chức do nhà nước thành lập nhằm bảo vệ quyền lợi của công nhân và thay mặt họ giải quyết những mâu thuẫn với chủ thì thường im lặng hay trong một số trường hợp thâm tệ hơn (có thể vì lợi ích cá nhân) đã đứng về phía chủ để tìm cách giải tán cuộc bãi công.

    Cơ quan chức năng của nhà nước không có quyền cấm người dân tham gia các cuộc biểu tình và ngược lại cũng không có quyền bắt họ đi biểu tình. Đó là quyền tự do mà mỗi người dân tự lựa chọn.

    Nếu chính quyền mình biết tận dụng sức mạnh của các cuộc biểu tình yêu nước ôn hòa vừa qua thì sẽ có một hậu thuẫn vô cùng mạnh mẽ trong các cuộc hội đàm với nhà cầm quyền Trung Quốc để đập tan mưu đồ bành trướng của họ đồng thời củng cố lại lòng tin của người dân, trên dưới một lòng quyết tâm chặn đứng tư tưởng bá quyền nước lớn. Nhân dân sẽ sẵn sàng cùng lực lượng an ninh vạch mặt và bắt giữ những kẻ cơ hội, phản động gây rối loạn trong đoàn biểu tình. Hiệp định Paris không thể giành được thắng lợi như chúng ta đã mong muốn nếu không có một hậu phương vững chắc trên mọi chiến tuyến, quân với dân là một để có được trận Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972 và những cuộc biểu tình rầm rộ ủng hộ Việt Nam của nhiều anh em, bạn bè trên thế giới.

    Lòng yêu nước được thể hiện bằng nhiều khía cạnh và biểu tình là một trong những khía cạnh đó.

    Người dân tự nguyện cầm súng để bảo vệ quê hương của mình bao giờ cũng dũng cảm và kiên cường hơn những người bị bắt buộc phải cầm súng.

    Vài lời với Trời ơi nói (18h27) : Tôi có suy nghĩ khác về ông chủ tịch đảng kiêm phó thủ tướng Đức này. Không nhất thiết trong trường hợp nào thì dân tộc Việt Nam cũng phải tự hào là có một người gốc Việt làm rạng danh cho đất nước. Ông PTT Đức này đã từng công khai tuyên bố là cho dù tóc đen, mũi tẹt như người VN nhưng tâm hôn và trái tim của ông ta là Đức và thuộc về người Đức. Qua nhiều lần nhắc nhở của vợ thì ông ta mới về VN nhưng theo như ông ta nói là không hề có cảm giác gì cả. Ông ta không muốn trở về cội nguồn của mình, không muốn tìm lại cha mẹ, họ hàng. Tôi chúc mừng ông PTT đó nhưng với tôi thì người bạn Hồ Cương Quyết còn gần gũi Việt Nam và là Việt Nam hơn rất nhiều so với ông PTT Đức này.

    Trả lờiXóa
  9. Bác Phú Hòa kính mến! Có thể Bác đã hiểu sai ý tôi. Tôi không thự hào theo kiểu nhận vơ đâu. Mà ý tôi muốn nói là ở đất nước văn minh đó đã giáo dục đào tạo một đứa trẻ khác chủng tộc bị bỏ rơi thành một người tài, đứng đầu đất nước. Ở chỗ này ta cần học tập họ. Kính Bác xem xét lại tôi nói thế có đúng không? và Bài của nhà thơ Hồng Ngát là cũng bình về ý này.

    Trả lờiXóa
  10. @Trời ơi : Xin lỗi bác nhé. Thật tình là thỉnh thoảng tôi thấy báo chí VN mình cứ đăng tin ca ngợi ông PTT Đức gốc Việt này nên mới có cái mòm như thế. Về vế thứ hai thì tôi hoàn toàn đồng ý với bác. Ở những nước như vậy thì con người thành danh vì tài và sự nỗ lực của bản thân chứ không nhờ cầu, nhờ cửa như ở một số nước khác.

    Trả lờiXóa
  11. Chân lý "không có gì quý hơn độc lập, tự do" đòi hỏi công dân phải có quyền biểu tình. Hiến pháp cũng đã thể hiện điều đó. Tuy nhiên hơn nửa thế kỷ qua, biểu tình là xa lạ đối với Nhà nước ta. Chắc chắn, rồi cũng phải ban hành luật này, vì đó là đòi hỏi của quyền con người, của tạo hóa ban cho chúng ta.

    Trả lờiXóa
  12. Theo tôi, anh Diện nghiên cứu có kiến nghị lấy chữ ký (tôi tin là có hàng triệu người sẽ ký) gửi Quốc Hội đề nghị sớm ban hành luật biểu tình.

    Trả lờiXóa
  13. Các anh CA cứ mải mê đến tuyên dương người tham gia biểu tình ôn hòa, không biết đã đọc tin này chưa ? Nếu đọc rồi sao không tập trung đến hỏi thăm tàu lạ cái nhỉ

    SGTT.VN - Sáng nay 8.7, tin từ UBND huyện Lý Sơn chohay, một tàu cá của ngư dân đảo Lý Sơn đang hành nghề trên biển thì bị một tàu vận tải của Trung Quốc tông chìm.
    Vụ việc xảy ra vào chiều hôm qua 7.7, tại tọa độ 15,13 độ vĩ Bắc, 109,15 độ kinh Đông, cách đảo Lý Sơn khoảng 4 hải lý về phía đông bắc. Khi tàu cá QNg 6025 TS của thuyền trưởng Trần Văn Có ở thôn Đông, xã An Vĩnh đang đánh bắt hải sản trên biển thì tàu chở hàng Hoa Lư (Trung Quốc) trên hành trình từ Trung Quốc đến cảng Thái Lan chạy ngang qua địa điểm nói trên đâm vào.
    Hậu quả là, tàu QNg 6025 TS bị chìm, và hai lao động rơi xuống biển. Sau đó, hai ngư dân này được tàu vận tải Trung Quốc vớt và chở về cảng Qui Nhơn, tỉnh Bình Định.
    Theo ông Nguyễn Văn Lê, trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, huyện Lý Sơn, đến sáng nay 8.7, hai ngư dân này sức khỏe đã ổn định. Các ngành chức năng đang điều tra để làm rõ thêm vụ việc.

    Trả lờiXóa