Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

TRƯỜNG CA ĐẤT NƯỚC HÌNH TIA CHỚP (CHƯƠNG 3)

Mẹ cho con trái thị

Trích chương 3 trường ca
ĐẤT NƯỚC HÌNH TIA CHỚP của Trần Mạnh Hảo
Trái thị vàng mặt trăng con ăn
Cô Tấm đó hay là mẹ đó?
Trái đất này hay trái thị ngày xưa?
*
Tấm lòng qua mấy nắng mưa
Hoa bao nhiêu kiếp mới vừa gặp nhau
Để mình cô Tấm chịu đau
Để mình mẹ gánh cơ cầu trên vai
*
Chết rồi hoài thai
Thành chim?
Thành măng mai?
Thôi hoá thành trái thị
Nhờ chiếc bị bà Tiên
Đất nước lại dịu hiền
Hiện hình thành côTấm
Cô Tấm ơi cô Tấm đừng đi
Cô Tấm ở nhà với mẹ
Cô Tấm hoá thân thành nàng Kiều
Hoá thân thành Nguyệt Nga, Tô Thị?
*
Cô Tấm hoá thành Mỵ Châu
Nước Âu Lạc đến mai sau vững bền
Nỏ thần bắn được nghìn tên
Cố Loa thành ấy đừng quên Triệu Đà
Một chàng Trọng Thủy hiện ra
Mỵ Châu ơi có phải là tình yêu
*
Áo kia lông ngỗng dẫu nhiều
Đường lui chẳng rắc nổi điều dặn nhau
Mẹ không trách Mỵ Châu đâu
Nào ai trách mối tình đầu của em
Một dân tộc sống hồn nhiên
Ở bên một kẻ đảo điên dối lừa
Nỏ thần lấy lại được chưa
Mà Mỵ Châu đến bây giờ còn oan?

*
Dân tộc nhiều gian nan
Dân tộc nhiều lưu lạc
Cây cầu bằng nước mắt
Bắc ngang sông Tiền Đường
Nếu mẹ không dìu dắt
Nàng Kiều làm sao qua?
*
Từ trong giọt lệ đi ra
Mà đau thương tưởng chẳng là đau thương
Gánh trên vai mọi tai ương
Mười lăm năm biết đoạn đường phải qua
*
Cô Tấm ơi cô Tấm ở nhà
Mùa thu nào thị nước mình cũng chín
Mùa thu nào cũng có bà Tiên
Gót giặc phương Bắc đè nghìn năm
Gót giặc phương Tây xéo trăm năm
Dòng sông nào cũng pha màu máu
Ngọn núi nào như cũng trộn xương
Mái nhà nào như cũng bén lửa
Thiếu phụ nào như cũng một lần goá bụa
Con cuốc nào cũng kêu
Con cuốc kêu đất nước

*
Mặt trời cũng chít khăn tang
Vầng trăng như chiếc đầu người tráng sĩ giặc treo trước làng
Không có vì sao nào không khóc
Mây trên trời tan hoang
Ôi dáng hình đất nước
Sao giống như hình con giun bị xéo quằn?
*
Lịch sử căm giận nghìn năm, căm giận trăm năm
Đất nước mang hình con rồng con phượng con lân
Con rồng đã quẫy
Con rồng đã bay
Con ngựa sắt thét ra lửa
Trẻ con lập tức ăn ba vạc cơm
Ngựa sắt hí lên đòi ăn cỏ
Con rùa tìm thanh kiếm dưới hồ sâu
Rừng lau thành rừng đuốc
Cho trẻ con tập trận trên mình trâu
Tất cả ao hồ hoá thành trống trận
Mọi dòng sông
Đều uốn theo hình đất nước
Uốn theo hình mũi bát xà mâu
Bao ngon núi lửa Tây Nguyên
Đều biến thành lò rèn, rèn kiếm
Mặt trăng thành đá mài
Cho Nguyễn Huệ mài đại đao
Chừng như muôn vạn vì sao
Xuống mọc trên áo long bào Quang Trung
*
Có bao nhiêu ngọn núi
Đều uốn theo hình mũi giáo
Uốn theo hình đất nước lao lên
Mặt trời mọc trên yên ngựa
Tất cả sừng trên đầu hươu nai
Đều chuốt theo hình đất nước

*
Lá lúa vừa nhú lên
Đã uốn thành câu liềm
Cho người đi giết giặc
Gỗ trên rừng tìm lòng sông mà mọc
Cọc gỗ nào cũng giống mũi Cà Mau
Voi trên rừng rủ nhau ra trận mạc
Đất nước hình vòi voi
Theo bà Triệu Thị Trinh đuổi giặc
Áo long bào Quang Trung
Cháy một chân trời hoả hổ
Đất nước mang hình cơn bão cơn giông
Đất nước manh hình cây cung
Giương lên phương Bắc, giương ra biển Đông
Mẹ ơi lịch sử thời nào cũng sẵn ống đồng
Cho giặc chạy khi nào bại trận
Núi chạy về phương Nam
Giục mũi Cà Mau xé sóng
*
Lịch sử trong trái thị
Lịch sử chín mỗi ngày
Trái thị con cầm trên tay
Có giống trái đất này dài rộng?
*
Mẹ ơi qua nghìn biến động
Mẹ lại về trồng lúa trồng dâu
Đất nước của con mang hình dây bí dây bầu

TRẦN MẠNH HẢO
*
Ghi bên lề: Chữ trong bức tranh minh họa trên "Tổ Quốc trên hết!". Vừa qua có vị comments nói rằng chữ của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ở Miền Nam hay dùng. Nay, xin thưa lại, chữ đó là câu khẩu hiệu hô vang trong buổi lễ bế mạc kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa I do cụ Ngô Tử Hạ lĩnh xướng, ngày 2/3/1946. Hiện bản gốc của văn bản Lời Bế mạc này còn được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

5 nhận xét :

  1. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện thân mến !
    Nhóm Hoàng Sa-Trường Sa trong hội viên Hội KHKT Biển Thành phố HCM chúng tôi tổ chức thường xuyên thăm hỏi gia đình anh em hy sinh tại hai quần đảo này của Tổ Quốc trong phạm vi mà chúng tôi biết được và hoạt động bất vụ lợi ,trong nhóm có anh Lữ Công Bẩy ,nguyên chiến sĩ của HQ-04 trận Hoàng Sa 1974 và Đinh Mỹ Lệ con gái thiếu úy Đinh Ngọc Doanh quê Ninh Bình ,hy sinh Hoàng Sa 1988.Chị Ngụy Văn Thà hiện đang sống tại khu vực giải tỏa gần chợ Nhật Tảo và chị Nguyễn Thành Trí hiện sống tại khu chung cư gần cầu Nguyễn Văn Trỗi .Xin báo anh được biết!

    Trả lờiXóa
  2. Bác Diện ơi, cháu mới viết một bài ngắn về cuộc nói chuyện ở Đại học Hamburg hôm qua. Cháu có thể gửi cho bác bằng cách nào ạ?

    Cái bản Tuyên cáo bằng tiếng Đức theo như một dich giả lâu năm nhận xét thì chưa ổn lắm. Cháu thì mới học, không thể dịch được. Vậy bác nhờ người xem lại được không ạ. Sau đó hội cháu gửi cho các bạn nghiên cứu Việt học và Đông Nam Á học xem họ suy nghĩ thế nào ạ? Cảm ơn bác.

    Trả lờiXóa
  3. FAI NÓI SỰ THẬTlúc 18:11 8 tháng 7, 2011

    Khái niệm "Tổ Quốc trên hết!" mà bảo là "chữ của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa" là cực kỳ ngây thơ. Ngôn ngữ là tài sản của toàn dân.
    "Tổ Quốc trên hết!" là một khái niệm đúng và hay thì nó là đúng và hay bất chấp ai là người nói ra, hay nghĩ ra đầu tiên. Nếu với mỗi người dân Tổ Quốc không trên hết thì nó nằm dưới cái gì?
    Chỉ những kẻ cuồng vỹ, mơ hồ mới dám đứng trên đầu Tổ Quốc.

    Trả lờiXóa
  4. Khách ẩn danh 15:10 ơi
    Hãy nhờ dịch giả ấy hiệu đính đi sau đó dán vào Nhận xét này cho Bác Diện.

    Trả lờiXóa
  5. Email của Nguyễn Xuân Diện:

    lamkhanghn@yahoo.com.vn

    Trả lờiXóa