Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

LỜI KÊU GỌI BIỂU TÌNH "VÌ HÒA BÌNH BIỂN ĐÔNG" TẠI BERLIN


Lời kêu gọi biểu tình phản đối Trung Quốc vào ngày 9/7/2011 
tại Quảng trường POTSDAMERPLATZ, 10758 Berlin.  

LỜI KÊU GỌI BIỂU TÌNH "VÌ HÒA BÌNH BIỂN ĐÔNG"

Ngày 5/7/2011 
Kính thưa toàn thể bà con người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại CHLB Đức, cùng bạn bè quốc tế đã và đang ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chống lại âm mưu bá quyền “Đại Hán” của nhà cầm quyền Trung Quốc tại Biển Đông.
Sau một thời gian chuẩn bị, được sự cổ vũ của bà con người Việt ở khắp mọi miền trên toàn nước Đức, cũng như sự ủng hộ của nhiều bạn người Đức và bạn bè quốc tế, đồng thời được sự chấp thuận của Cảnh sát Berlin cho phép chúng ta biểu tình, nay Ban Chỉ đạo biểu tình kêu gọi:
Hỡi tất cả những người Việt Nam yêu nước ở CHLB Đức cùng bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình, công lý và có cảm tình sâu đậm với nhân dân Việt Nam hãy xuống đường biểu tình phản đối đường “Lưỡi bò” phi pháp và các hành động gây hấn của nhà cầm quyền Trung Quốc tại Biển Đông.
Thời gian và địa điểm biểu tình:           
từ 13h đến 15h30 ngày Thứ Bảy  09-07-2011
Tại Quảng trường  POTSDAMERPLATZ, 10758 Berlin
(gần U-Bahnhof Potsdamerplatz)
Ban Chỉ đạo biểu tình kêu gọi tất cả các tổ chức, hội đoàn người Việt trên toàn nước Đức, các hội người Việt ở các địa phương, các hội đồng hương, các hội cựu chiến binh, các hội sinh viên và lưu học sinh, các đoàn thể xã hội, các tổ chức tôn giáo, các câu lạc bộ văn hóa, thể thao, cùng tất cả bà con người Việt Nam, người gốc Việt cũng như những dâu, rể và bạn bè người nước ngoài, không phân biệt hoàn cảnh xuất xứ, già trẻ, gái trai... nếu có tình yêu đất nước Việt Nam hãy tự nguyện cùng chúng tôi tham gia cuộc biểu tình này. 

Cuộc biểu tình của chúng ta sẽ thể hiện cho dư luận Đức và bạn bè quốc tế thấy được sức mạnh thống nhất của người Việt Nam muôn người như một, không phân biệt chính kiến, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc thân yêu khi bị ngoại bang đe dọa xâm lược. 

Để cuộc biểu tình của chúng ta đạt được kết quả đúng như mục đích ban đầu đặt ra, Ban Chỉ đạo biểu tình đề nghị mọi người tự nguyện tham gia biểu tình chấp hành đúng một số yêu cầu sau
  1. Lịch sự, ôn hoà, tôn trọng luật pháp của Đức, chấp hành nghiêm điều luật biểu tình do cảnh sát Đức yêu cầu. Chấp hành mọi hướng dẫn, quy định của Cảnh sát Đức và Ban chỉ đạo biểu tình.
  2. Cố gắng mời vợ hoặc chồng là người Đức, các bạn Đức và bạn bè nước ngoài cùng tham gia biểu tình; mời đại diện các hãng thông tấn, báo chí, truyền hình đến đưa tin và hình ảnh cuộc biểu tình; gây dựng hình ảnh thân thiện giữa người Việt Nam với bạn bè Đức và quốc tế; tuyên truyền, vạch trần những việc làm sai trái, bóp méo sự thật của nhà cầm quyền Trung Quốc tại Biển Đông.
  3. Không có hành vi, lời lẽ quá khích, chỉ mang theo biểu ngữ, khẩu hiệu ngắn gọn, dễ hiểu bằng các thứ tiếng: Việt Nam, Đức, Anh, Trung Quốc theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo. (những biểu ngữ, khẩu hiệu này sẽ do lực lượng sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức đảm nhiệm biên dịch và làm mẫu. Chúng tôi sẽ giới thiệu trong bản thông báo tiếp theo để bà con có thể tự làm, tự in).
  4. Chúng ta chỉ mang đến cuộc biểu tình một loại cờ Tổ quốc Việt Nam là cờ đỏ sao vàng, đang được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế công nhận là lá cờ đại diện chính thức duy nhất cho đất nước Việt Nam. Chúng tôi đề nghị những bà con có điều kiện nên tự túc mang theo cờ và biểu ngữ, áo phông in cờ và hình Việt Nam... Những hội đoàn, nhóm tập thể chưa chuẩn bị được cờ cần liên hệ sớm với Ban chỉ đạo để chúng tôi cung cấp. Ban Chỉ đạo sẽ phân phát cờ cầm tay, băng đỏ quấn đầu in chữ VIỆT NAM, dải cờ đỏ đeo chéo qua vai, áo có in cờ Việt Nam cho bà con.  Vì số lượng có hạn nên bà con muốn được phân phát cần liên hệ trước hoặc đến sớm hơn.
  5. Ban Chỉ đạo biểu tình hoanh nghênh ý kiến đóng góp nhiều chiều từ bà con, cũng như quyết định của một số bà con về việc gác bỏ hiềm khích chế độ, tôn vinh lòng yêu nước, tất cả vì Tổ quốc Việt Nam thân yêu và “nếu không muốn mang cờ đỏ, sao vàng” thì cũng vẫn xuống đường tham gia biểu tình, chỉ mang theo biểu ngữ, khẩu hiệu, bản đồ có hình "Lưỡi bò" theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo hoặc liên hệ để chúng tôi cung cấp.
  6. Không tổ chức dán "Lời kêu gọi biểu tình", phát tờ rơi, hoặc khẩu hiệu chống Trung Quốc tại các khu giao hàng của người Việt Nam để tránh làm ảnh hưởng đến tình hữu nghị Việt - Trung, cũng như làm ảnh hưởng đến việc làm ăn, buôn bán của bà con chúng ta (vì ở khu giao hàng nào cũng có các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia).
  7. Ban chỉ đạo biểu tình rất cần sự hỗ trợ tham gia của các tổ chức, hội đoàn và bà con gần xa trong một số công việc cụ thể của ngày biểu tình như: tổ trật tự, tổ vận tải (chuyển dàn âm thanh, ánh sáng, cờ đỏ, băng rôn... phục vụ biểu tình), tổ lắp ráp sân khấu, tổ hướng dẫn chỉ đường, tổ đối ngoại (tiếp xúc với bạn bè quốc tế) v.v...
Chúng tôi kêu gọi những hội đoàn và cá nhân nào có năng lực và điều kiện tham gia các công việc trên liên hệ với Ban Chỉ đạo theo địa chỉ Email: banbientap@nguoiviet.de để cùng nhau gánh vác công việc chung.
Mọi chi tiết tổ chức cụ thể cho cuộc biểu tình sẽ có bản thông báo riêng trong thời gian sớm nhất.
Thưa bà con! Giờ G đã định, chúng ta hãy cùng nhau xuống đường, nối vòng tay lớn, đấu tranh để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc thân yêu. Hãy cùng nhau hô vang:
“Không được đụng đến Việt Nam!”
 “Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam!”
Đó chính là sự bất diệt của lòng yêu nước!
Yêu nước là quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả, không của riêng ai.
Đã yêu  nước thì không thể không vượt qua mọi sự sợ hãi!
Xin chân thành cảm ơn bà con.
Hẹn gặp nhau tại cuộc biểu tình yêu nước ở Berlin. Giờ G!
Ban Chỉ đạo biểu tình
Xin chúc đồng bào Việt Nam tại CHLB ĐỨC tổ chức thành công cuộc biểu tình!
Đọc tiếp...

GS PHAN HUY LÊ: LÃNH THỔ TOÀN VẸN CỦA ĐẤT NƯỚC LÀ BẤT KHẢ XÂM PHẠM

GS Phan Huy Lê. Ảnh TTVN
Giáo sư Phan Huy Lê. Ảnh: TTX VN

"Lãnh thổ toàn vẹn của đất nước là bất khả xâm phạm"

06/07/2011 20:38:18

Bee.net.vn - “Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đang khẩn trương hoàn chỉnh bản thảo để xuất bản một công trình nghiên cứu về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” - GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết.

Tính toán có chủ đích của Trung Quốc

GS nghĩ gì về hành động Trung Quốc cắt cáp của tàu thăm dò địa chấn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngày 26/5 và 9/6?

Tàu Bình Minh 02 và Viking 02 tiến hành khảo sát địa chấn trong phạm vi thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Rõ ràng việc cắt cáp hai tàu đó của Trung Quốc là hành động khiêu khích xâm phạm chủ quyền Việt Nam theo Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc đã tham gia. Hơn thế nữa, hai vụ xảy ra chỉ cách nhau 14 ngày, chứng tỏ tính nghiêm trọng của sự vi phạm và sự tính toán có chủ đích của Trung Quốc.

Theo GS, tính nghiêm trọng của vụ việc và chủ đích của Trung Quốc biểu thị ở chỗ nào?

Sau vụ thứ nhất, Việt Nam đã tuyên bố phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động vi phạm, kêu gọi hai bên cùng tôn trọng Luật Biển năm 1982, trở lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC năm 2002, thực thi những thỏa thuận của lãnh đạo hai nước trong gìn giữ mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Vụ thứ hai cho thấy Trung Quốc bất chấp tất cả và đang theo đuổi một mục tiêu chiến lược của mình. Đó là việc đơn phương và ngang ngược áp đặt rồi từng bước hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” hoàn toàn không có căn cứ lịch sử và cơ sở pháp lý. Đây là mối đe dọa không chỉ chủ quyền Việt Nam mà cả lợi ích của nhiều nước trong khu vực và các nước trên thế giới trong sử dụng con đường hàng hải quốc tế nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương qua vùng biển Đông Nam Á.

Nước lớn không có quyền áp đặt nước nhỏ

Trước tình hình đó, theo GS, Việt Nam nên ứng xử và đối phó thế nào?

Những hành động của Trung Quốc đang làm cho tình hình Biển Đông nóng dần lên. Dĩ nhiên Việt Nam phải theo dõi sát sao, xây dựng chiến lược ứng phó lâu dài, đồng thời cần chủ động đối phó kịp thời với từng việc cụ thể. Tôi muốn nêu lên mấy suy nghĩ và đề xuất sau đây:

1. Lập trường bất biến của chúng ta là coi việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, lãnh thổ toàn vẹn của đất nước là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Trên lĩnh vực này, mọi quốc gia – dân tộc đều bình đẳng, không có phân biệt nước lớn – nước nhỏ và càng không có quyền nước lớn áp đặt cho nước nhỏ.

Lịch sử Việt Nam còn ghi lại bao lời tuyên bố vang vọng mãi với non sông đất nước, thấm sâu trong tâm trí các thế hệ con người Việt Nam như lời thề non nước. Đó là lời thơ thần “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” thời chống Tống thế kỷ XI, lệnh của hoàng đế Lê Thánh Tông “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại vứt bỏ… Kẻ nào dám đem một thước, một tấc đất của vua Thái Tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di” năm 1473, lời kêu gọi “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ (đánh cho biết rằng nước Nam anh hùng và có chủ)” của Quang Trung Nguyễn Huệ trong chống Thanh thế kỷ XVIII, lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tuyên ngôn độc lập năm 1945 “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”.

Lịch sử Việt Nam cũng chứng tỏ rằng Việt Nam tuy là nước nhỏ (so với nhiều nước xâm lược, nhỏ hơn nhiều lần về lãnh thổ, dân số, tiềm lực kinh tế, quân sự) nhưng vẫn có thể tạo nên sức mạnh để bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Đó là chiến lược giữ nước “dĩ đoạn chế trường (lấy ngắn chế dài)” theo Trần Quốc Tuấn, “dĩ nhược chế cường, dĩ quá địch chúng (lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều)”, “dĩ đại nghĩa nhi thắng hung tàn, dĩ chi nhân nhi địch cường bạo (lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo)” theo lời Nguyễn Trãi.

2. Hết sức coi trọng việc giữ gìn hòa bình, ổn định cho đất nước và khu vực, biết tự kiềm chế, kiên trì sử dụng các giải pháp ngoại giao, chính trị để giải quyết các vụ đụng độ, tranh chấp trên Biển Đông bằng công pháp quốc tế và bằng con đường đấu tranh ngoại giao, bằng đàm phán giữa các nước có quyền lợi liên quan. Cần triển khai mạnh mẽ, chủ động mặt trận đấu tranh ngoại giao, nhất là ngoại giao pháp lý, trên các diễn đàn và trong các tổ chức khu vực và quốc tế, làm cho dư luận thế giới thấy rõ lẽ phải và chính nghĩa của Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng ASEAN và các nước trên thế giới. Trong cuộc đấu tranh này, không phải sức mạnh quân sự mà là sức mạnh của lẽ phải, của chính nghĩa và của trí tuệ có sức thuyết phục cao nhất.

3. Bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia không chỉ là trách nhiệm của Đảng cầm quyền và Nhà nước Việt Nam mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của nhân dân, của mọi người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Vì vậy cần thông tin kịp thời, công khai mọi diễn biến tình hình Biển Đông cho nhân dân biết để tạo nên sự đồng thuận và tham gia của toàn dân, của cả dân tộc Việt Nam.

4. Lịch sử hàng nghìn năm bảo vệ đất nước cho thấy sức mạnh tiềm tàng lớn lao nhất của dân tộc Việt Nam là sức mạnh của lòng yêu nước, sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc. Mỗi khi Tổ quốc lâm nguy hay bị đe dọa, mọi người Việt Nam đều sẵn sàng gạt bỏ lợi ích riêng, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết để chung sức bảo vệ đất nước. Chúng ta không bao giờ được quên những tổng kết của tổ tiên như lời Trần Quốc Tuấn, muốn giữ nước phải lo “trên dưới một dạ, lòng dân không lìa”, “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức”, “chúng chí thành thành (ý chí của dân chúng là bức thành giữ nước)”, lời Nguyễn Trãi “sức dân như nước”, “thuyền bị lật mới thấy dân như nước”…

Sức mạnh quốc phòng rất quan trọng, sự liên kết quốc tế rất cần thiết nhưng sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và đoàn kết dân tộc luôn luôn là nền tảng giữ vai trò định đoạt. Vì vậy, nâng cao hiểu biết của nhân dân về quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa trên Biển Đông và cơ sở lịch sử - pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là rất cần thiết và quan trọng. Rất tiếc, cho đến nay, những ấn phẩm nghiên cứu và phổ cập về những vấn đề này còn quá ít, chưa đáp ứng yêu cầu tìm hiểu của nhân dân.

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đang khẩn trương hoàn chỉnh bản thảo để xuất bản một công trình nghiên cứu về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng nằm trong mong muốn đóng góp một phần giải quyết nhu cầu này.
.
(Theo Tạp chí Xưa và Nay số 381, tháng 6/2011)
Đọc tiếp...

NHÀ VĂN PHẠM XUÂN NGUYÊN: VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA LÒNG YÊU NƯỚC

Nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đọc những bài thơ ái quốc trong cuộc biểu tình phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc, trước ĐSQ TQ tại Hà Nội sáng 12.6.2011.
VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA LÒNG YÊU NƯỚC
Phạm Xuân Nguyên
(Bài phát biểu tại ĐH lần thứ XI Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, ngày 6-7/7/2011)
 
Lời dẫn của Trần Nhương.com: Bài tham luận này Phạm Xuân Nguyên đọc sáng nay tại diễn đàn đại hội Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, trước các vị lãnh đạo thành phố và các đại biểu tham dự. Nghe nói khi phát biểu ông Phạm Quang Nghị, Bí thư thành ủy có ý kiến trao đổi cùng Phạm Xuân Nguyên. Tiếc rằng lúc đó Trần Nhương không có mặt để thông tin những gì ông Nghị nói.

Những ngày này biển Đông đang làm nổi sóng yêu nước của những người dân Việt Nam. Yêu sách phi lý về đường lưỡi bò chín đoạn trên biển và những hành động trắng trợn, ngang ngược của phía Trung Quốc đối với các tàu bè và ngư dân Việt Nam đang hoạt động, làm ăn trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình đã khiến toàn thể dân ta bất bình, phẫn nộ và kiên quyết đấu tranh, phản đối. Những cuộc biểu tình của nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ, đã diễn ra ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, biểu lộ tinh thần dân tộc, lòng yêu nước mạnh mẽ, đòi Trung Quốc phải tôn trọng chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, phải trả lại Hoàng Sa và những đảo bị chiếm đóng bất hợp pháp ở Trường Sa. Điều này càng khẳng định lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhận chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.

Chúng ta đang đấu tranh bằng con đường hòa bình, bằng ngoại giao nhân dân và nhà nước. Trong cuộc đấu tranh này, cần đến sức mạnh của văn học nghệ thuật và quả thực vũ khí văn nghệ đã và đang tác dụng mạnh mẽ. Có đi tuần hành, biểu tình cùng nhân dân, mới thấy lời thơ tiếng hát có tác dụng đến thế nào trong sự biểu lộ tình cảm yêu nước và ý chí tập thể của cả khối người đông đảo sát cánh bên nhau đoàn kết quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của non sông tổ quốc. Những bài hát Quốc ca, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Thanh niên làm theo lời Bác, Dậy mà đi, Nối vòng tay lớn, Lên đàng, Hát mãi khúc quân hành... đã được hát vang trên các ngả đường ở hai đầu đất nước. Một hoàn cảnh lịch sử mới đòi hỏi các văn nghệ sĩ có những tác phẩm mới đi vào lòng công chúng và giúp cho công chúng bày tỏ được những khát khao, nguyện vọng của mình đối với quê hương, đất nước. Cho nên gần đây không có gì ngạc nhiên là những bài hát về biển đảo lại được tìm nghe nhiều đến vậy, nhất là bằng vào con đường lan truyền và chuyển tải trên mạng internet.

Cùng với nhạc, thơ cũng lên đường với nhân dân, như truyền thống bao đời của văn chương nước Việt. Bài thơ “thần” tương truyền của Lý Thường Kiệt đã được khắc ghi trên đảo Đá Tây giữa mênh mông sóng nước của vùng biển Trường Sa thiêng liêng. Ai đã một lần được đi ra quần đảo này, được tận mắt đọc lại bài thơ Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên của nước Việt Nam trên đảo, đều thấy máu mình chảy mạnh hơn, lòng mình thương nước thương dân hơn. “Nam quốc sơn hà Nam đế cư / Tiệt nhiên định phận tại thiên thư / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” – đó là lời thề bảo vệ giang sơn và chủ quyền đất nước của muôn đời muôn triệu người dân Việt. Lời thề ấy đã lại vang lên dõng dạc, hùng hồn tại vườn hoa Chi Lăng (Hà Nội) sáng 12/6/2011 trong tiếng đồng thanh đọc to của đoàn người biểu tình.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, ủy viên BCH Hội Nhà văn Hà Nội, trong những ngày này đã có bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” đầy lo lắng, thương cảm nước non, khơi gợi tình cảm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam yêu nước, từ người lãnh đạo đến người dân thường. “Nếu tổ quốc hôm nay nhìn từ biển / Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng / Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa / Trong hồn người có ngọn sóng nào không?”. Bài thơ đã nhanh chóng được lan truyền, tiếp nhận, được phổ nhạc thành mấy bản, được đọc lên, hát lên khắp nơi, truyền thêm tinh thần, ý chí yêu nước, giữ nước cho bao người, nhất là những người trẻ. Nhanh nhậy, kịp thời và sâu sắc – ý thức công dân và cảm xúc thi sĩ đã cho nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trong một lần đi trại sáng tác ở Hải Phòng, chỉ nghe bộ tư lệnh hải quân nói chuyện về biển đảo, đã bật lên ngay những tiếng thơ xa xót, mạnh mẽ này. Không thể nào khác được, trái tim nhà thơ luôn đập cùng nhịp trái tim nhân dân. Các văn nghệ sĩ luôn ở trong đồng bào mình và luôn thường trực nói lên những nỗi niềm âu lo của đồng bào trước vận mệnh nước nhà, đặc biệt là những khi sơn hà nguy biến. “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi” – câu thơ Xuân Diệu là tuyên ngôn sống và sáng tác của văn nghệ sĩ Việt Nam, của văn nghệ sĩ Hà Nội.

Những ngày này biển Đông đang nổi sóng, biên giới trên biển đang nóng lên do những hành động gây hấn của Trung Quốc. Thực sự, biển Đông chưa bao giờ lặng sóng trong âm mưu độc chiếm của kẻ láng giềng to lớn phía Bắc. Đầu năm 1974, Trung Quốc đã cho quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Những người lính Sài Gòn khi đó đã ngả xuống, lấy máu mình khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Gần đây nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã có bài thơ  “Người anh hùng họ Ngụy” viết về một người lính hy sinh ở Hoàng Sa năm ấy: “Người yêu nước không thể nào là ngụy / Người chết vì nước như anh không thể nào là ngụy / Nhưng anh: là Ngụy Văn Thà / Anh - hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo / Lao thẳng vào tàu giặc cướp / Tên anh còn mãi với Hoàng Sa / Biển vật mình thét đại bác / Giặc bủa vây chiến dịch biển người / Lửa dựng trời dìm tàu giặc / Máu anh cùng đồng đội ngời ngời / Ôm chặt tàu / Ôm chặt đảo / Anh hóa thành Tổ Quốc giữa trùng khơi.” Hai tháng sau sự kiện Hoàng Sa, từ Sài Gòn nhà thơ Tô Thùy Yên đã viết bài thơ “Trường Sa hành” khẳng định sự có mặt của Việt Nam ở đảo này: “Trường Sa! Trường Sa! Đảo chếnh choáng! / Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề / Lính thú mươi người lạ sóng nước / Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi”.

Hơn ba mươi năm trước, Trung Quốc đã gây chiến tranh với Việt Nam ở biên giới trên bộ. Nhà thơ Chế Lan Viên với cảm xúc “những bài thơ đánh giặc” của mình đã có ngay những vần thơ trầm mặc bi hùng:

Ôi ta yêu đến đau thương Tổ Quốc của mình
Biên giới đã đứng lên diệt thù thay Tổ Quốc
Nơi cao điểm nhất, ngày cao điểm nhất, giờ cao điểm nhất
Ôi, những rừng không tuổi, suối không tên
Thơ chửa từng ghi, sử có khi quên
Nay một phút máu anh hùng đỏ rực
Trên nghìn non cao ấy có xương thịt con em ta trên mỗi chốt.
Mỗi ngọn cỏ, nhành cây, muôn thuở hóa thiêng liêng
Họ dâng tất cả cho Tổ Quốc mà, đâu có để gì riêng?
Nghìn năm sau nhìn về đây xin hãy rất trang nghiêm
Giữ sông núi là giữ bằng máu xương ta từng tấc đất

Bây giờ, giữa trùng khơi, trên những hòn đảo nhỏ - những giọt máu của non sông ngoài biển cả, những thanh niên trai tráng của nước Việt đang đem thân mình chắn sóng dữ ngoại bang, bảo vệ toàn vẹn vùng biển, vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của đất nước. Máu họ đã đổ trước sự bạo tàn, dã man của kẻ thù, như sự kiện ngày 14/3/1988 tại Cô Lin – Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, 64 sĩ quan và chiến sĩ hải quân Việt Nam đã bị tàu chiến Trung Quốc tàn sát. “Máu các anh không thể nào tan được / Giữa lớp lớp trùng khơi sóng vỗ bời bời”, tôi đã viết như vậy khi đứng trên tàu HQ 936 tưởng niệm họ trong vùng biển Trường Sa. Mỗi chúng ta, là công dân, là người cầm bút, cầm cọ, cầm đàn, đừng để cuộc sống thanh bình đầy đủ tiện nghi vật chất trên đất liền, ở các thành phố, ở giữa thủ đô, che khuất tầm nhìn về hướng biển, về những người lính, người dân đang ngày đêm vật lộn với sóng nước, chống đỡ với những mưu toan thâm độc của kẻ láng giềng nước lớn hung hãn, đang lấy thân mình che cho tổ quốc khỏi cơn cuồng phong xâm lược có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Chúng ta, các văn nghệ sĩ thủ đô, hãy có thêm những sáng tác mới cho/vì người dân người lính nơi hải đảo, giữa trùng khơi. Đó là cách chúng ta biểu lộ lòng yêu nước của mình. Đó là cách chúng ta thể hiện sự phản đối âm mưu của kẻ xấu. Đó là cách chúng ta xứng đáng với danh hiệu “Hà Nội – thành phố vì hòa bình”.

Tôi đề nghị đại hội chúng ta ngay bây giờ hãy có một hình thức cụ thể bày tỏ tấm lòng của các văn nghệ sĩ thủ đô Hà Nội đối với đồng bào và chiến sĩ ở Hoàng Sa - Trường Sa, hai quần đảo thiêng liêng thuộc chủ quyền Việt Nam.

Hà Nội 4.7.2011
Phạm Xuân Nguyên
Đọc tiếp...

DANH SÁCH KÝ TÊN VÀO BẢN TUYÊN CÁO (TIẾP THEO)


Thông báo:

Ban liên lạc ký tên vào bản TUYÊN CÁO thông báo: Hộp thư tuyencao2506@gmail.com đã hoạt động trở lại. Ban liên lạc sẽ tiếp tục cập nhật danh sách ký tên ủng hộ TUYÊN CÁO. Và xin thông báo hộp thư từ chối nhận file đính kèm, vì kẻ xấu lợi dụng cài mã độc phá hủy hộp thư và ăn hết lưu trữ của máy tính.
TIẾP THEO
1165 - Ngoan Nguyen, Ky su, DSI-Longemalle 1, 1020 RENENS-Thuy Si
1166 - Nguyễn Ánh Tuyết, cán bộ EVN.
1167 - Lê Thị Bình Minh, cựu giáo chức ở Quảng Bình
1168 - Nguyễn Thanh Phương Dung, sinh viên ở TPHCM.
1169 - Nguyễn Phương Anh, Sinh viên, United Kingdom
1170 - Nguyễn Đức Nhã, Củ Chi-TP HCM
1171 - Nguyễn Duy, du học sinh Úc, quê quán Sài Gòn
1172 - TRẦN LÊ KIM LOAN,Kế toán trưởng hiện làm việc và sinh sống tại TP.HCM.
1173 - Nguyễn Quang Hải Sinh viên Đại Học Đà Nẵng
1174 - Lê Nguyễn Anh Tuấn, Bác sỹ, Tp.HCM
1175 - Nguyễn Quốc Toản, sinh viên Đại Học Bách Khoa, Hồ Chí Minh
1176 - Lê An, Việt Kiều tại Ba Lan
1177 - Nguyễn Hoàng Dương ,kỹ sư,Hải Phòng
1178 - Đỗ Thị Quý Lan. phiên dịch (tiếng Trung)Hà Nội
1179 - Nguyễn Văn Vinh - cử nhân Quản trị Kinh doanh - T.Đồng Nai.
1180 - Nguyễn Quang Thắng, kĩ sư cntt hà tĩnh
1181 - Hồ Đức Cường, Nhân viên văn phòng, Tp.Hồ Chí Minh.
1182 - Nguyen Phu Luong, Nghe nghiep: Bac sy y Khoa. Noi o: New Mexico, USA.
1183 - Nguyễn Ngọc Hà, sn 1984, 374 Tiền Phong, Tp Nam Định
1184 - NGUYỄN VĂN THUẬT, thôn thái ninh- xã thiệu tâm, h.thiệu hóa - thanh hóa.
1185 – NGUYỄN ĐỖ BẢO – PGS.TS Nghệ thuật học, Hà Nội
1186 – Đoan Trang, Nhà báo, Hà Nội
1187 – Nguyễn Phú Hải, thợ mộc, công dân Hà Nội
1188 – Trần Minh Đức, Thanh Xuân, Hà Nội
1189 - Le Cao Nguyen - Ha noi.
1190 - Lê Thị Quỳnh Dao, nhân viên, Pháp
1191 - Ngo Binh Minh, ky su, Dong Da, Hanoi
1192 – Mai Thanh Sơn – Tiến sĩ, Viện Khoa học xã hội VN
1193 – Nguyễn Thị Hương – Thạc sĩ, Viện Xã hội học (Viện KHXH VN)
1194 –  Phạm Huy Việt, Kỹ sư. Đại tá về hưu. Cầu Giấy Hà Nội.
1195 -  Nguyễn Thanh Linh, Cử nhân Kinh tế, TP Đà Nẵng
1196 -  Nguyễn Chí Đức 1976 - kỹ sư tin học - Cty Viễn Thông Hà Nội.
1197 - Đào Xuân Tú, Kỹ sư cơ khí, Hải Dương
1198 -  Nguyễn Tất Đạt, Kỹ sư, Hà Nội.
1199 -  Nguyen Hien Vi, Budapst Hungary
1200 -  Nguyễn Văn Thái, Kỹ sư Hóa chất – KCN Nhơn Trạch, h.Nhơn Trạch, Đồng Nai.
1201 - To Quang Vinh, cong ty co phan lam nghiep Ha noi
1202 -  Đỗ Minh Hiếu - Cử nhân sử quan hệ quốc tế - HVQHQT - Hà nội
 Nguyễn Xuân Diện tổng hợp
Đọc tiếp...

TRƯỜNG CA ĐẤT NƯỚC HÌNH TIA CHỚP - CHƯƠNG 10

Mẹ sinh nhiều con trai

Trích chương 10 trường ca
ĐẤT NƯỚC HÌNH TIA CHỚP của Trần Mạnh Hảo

Vài lời phi lộ của tác giả:
Sau ngày thống nhất đất nước, cảm thấy cuộc chiến tranh với bọn kẻ thù phương Bắc gần kề, tác giả đã viết trường ca ĐẤT NƯỚC HÌNH TIA CHỚP này…Năm 1978, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi đoạn “Mẹ sinh nhiều con trai” bằng giọng đọc của nghệ sĩ Hoàng Long trên nền piano của nghệ sĩ Hoàng Mãnh. Những ngày giặc đánh nước ta dọc tuyến biên giới phía Bắc năm 1979, tác giả cũng có mặt cùng chiến hào với các chiến sĩ đánh giặc Tầu…Trong những ngày máu lửa đó, không chỉ buổi Tiếng thơ mà các buổi phát thanh quân đội, thanh niên, phụ nữ, các tin điểm tình hình chiến sự…Đài Tiếng Nói Việt Nam đều phát đoạn thơ này. Nay, tác giả xin mạn phép gửi tới bạn đọc trích đoạn “Mẹ sinh nhiều con trai” trong trường ca “Đất nước hình tia chớp” để góp phần thổi lên hào khí một thời đánh giặc phương Bắc của cha ông…)
*
Có phải mẹ Âu Cơ đã đi vòng trái đất
Để làm chỗ khai sinh con Lạc cháu Hồng
Mẹ đã tìm ra dải đất hình tia chớp  
Chọn vùng tâm bão để sinh con
*
Cái dải đất sông hoá rồng chín khúc
Hai đầu xoè những mũi đất - mũi lao
Núi mang dáng ngựa phi voi phục
Bảo ngủ rừng sâu đợi giặc vào
*
Cái dải đất giống như nàng Tiên múa
Lại có hình ngọn lửa lúc cuồng phong
Lịch sử thành văn trên mình ngựa
Con trẻ mà mang áo giáp đồng
*
Dân tộc lạ lùng lần đầu chiến đấu
Lại cử chú bé vừa sinh cưỡi ngựa sắt xông ra
Lại cử hai người đàn bà cưỡi voi cầm giáo
Tráng sĩ mà sao phải giữ nhà?
*
Không mẹ ơi những người trai khí phách
Giặc giết rồi mẹ chưa kịp sinh đâu
Mẹ chưa kịp dựng đền đài thành quách
Chưa đủ bình yên ăn hết miếng trầu
*
Mẹ ơi suốt chiều dài lịch sử
Mẹ vẫn sinh nhiều những đứa con trai
Mỗi bận chiến trường tin báo tử
Mẹ lại hoài thai bằng nỗi đau dài
*
Con thương mẹ, con thương đất nước
Áo vá vai như ruộng vá chân đồi
Mẹ mất ngủ suốt thời trận mạc
Đất nước là trán mẹ đẫm mồ hôi
*
Con thương mẹ con thương nhánh lúa
Mảnh vô cùng không đỡ nổi chân chim
Rễ lúa nhỏ đau ngầm trong rễ cỏ
Cây lúa vì con mẹ phải đi tìm
*
Con thương mẹ con thương bếp lửa
Tro trấu mà nướng chín củ khoai
Con chim khách sao mày kêu trước cửa
Có ai vào mang tin đứa con trai
*
Con thương mẹ con thương lưỡi cuốc
Suốt cả đời chưa được ngó đầu lên
Những nhát cuốc như mỏ gà bới đất
Cánh đồng sâu chân mẹ quánh phèn
*
Con thương mẹ con thương phên cửa liếp
Hở then cài đêm lọt gió mùa đông
Có chiếc ổ rơm con trâu vừa ăn hết
Những đêm dài mẹ thiếu tấm chăn bông
*
Con thương mẹ con thương chiếc guốc
Truyền bao đời chiếc guốc gộc tre
Tiếng guốc mẹ giống tiếng kêu con cuốc
Suốt năm canh kêu xác cả mùa hè
*
Con thương mẹ, con thương bàn tay mẹ
Cả đời con không đi hết hoa tay
Chắc mẹ rửa tay con bằng mồ hôi từ bé
Mà bàn tay khoẻ tựa lưỡi cày
*
Con thương mẹ thương cả đời đưa tiễn
Hết giặc này lại đến giặc kia
Mẹ cưu mang hết mọi thời kháng chiến
Những đứa con đi dầu biết không về
*
Con thương mẹ con thương đất nước
Từ ngàn xưa cho đến hôm nay
Những tên giặc phương xa vừa phải cút
Khói Cam Tuyền ải Bắc đã vờn mây
*
Chưa bao giờ mẹ sinh nhiều con trai đến thế
Chúng con đi mạnh khoẻ vô cùng
Những binh đoàn ào lên bão bể
Toả nhánh về biên giới vòng cung
*
Tất cả núi đều đổ ra biên giới
Tất cả rừng đều cuộn tới chở che
Giặc phương Bắc mà liều mình lao tới
Những đỉnh núi kia sẽ đổ xuống đè
*
Cau nhà ta không đủ mo để gói
Những nắm cơm của mẹ chật ba lô
Những chân trời cháy lên tiếng gọi
Biển cả reo một tiếng rung bờ
*
Con thương mẹ chưa nghỉ gồng nghỉ gánh
Dãy Trường Sơn vẫn trĩu đôi vai
Chúng con chẳng sợ gì bao trận đánh
Rặng tre ngà đã phủ suốt vành đai
*
Con thương mẹ còng lưng cấy lúa
Cây lúa vừa cắm xuống như chông
Những ngọn núi sẵn sàng phun lửa
Những dòng sông trữ thác ở trong lòng
*
Con thương mẹ con thương biển cả
Giấu tâm hồn nhân hậu dưới phong ba
Nếu giặc đến biển sẽ thành chảo lửa
Sao biển vẫn ngoan như chiếc ao nhà
*
Thế hệ chúng con chưa kịp tròn mười tám
Như đất nước nghìn năm chưa một kỷ nguyên già
Những quả đồi nằm theo dáng đấm
Sông Thương buồn có giặc cũng lao ra
*
Thế hệ chúng con đi như gió thổi
Quân phục xanh đồng sắc với chân trời
Chưa kịp yêu một người con gái
Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai
*
Thế hệ chúng con ồn ào, dày dạn
Sống thì đi mà chết thì nằm
Giọt lệ phần mình, nụ cười dành bạn
Đất nước là một cuộc hành quân
*
Mẹ ơi, có mẹ rồi chúng con vững bước
Chúng con lam làm, chúng con sống chúng con yêu
Chọn tâm bão mẹ sinh thành dân tộc
Sóng có nghiêng đê con vẫn bắc cầu Kiều
*
Mẹ ơi, bất kỳ từ điểm nào trên trái đất
Ai cũng thấy mẹ sinh nhiều con trai
Khi đất nước Việt Nam mang dáng hình tia chớp
Rạch chân trời một lối đến tương lai.
*
Trần Mạnh Hảo
(Trường ca này khởi viết từ năm 1976-1977, 
sửa chữa và in trên Văn Nghệ Quân Đội năm 1978, 
sau mới xuất bản thành sách)
Đọc tiếp...

CÔNG CHỨC - THÁI ĐỘ HIỆN NAY VỀ LÒNG YÊU NƯỚC

Ảnh chỉ có tính chất trang trí. Nguồn: Internet.

















Công chức-thái độ hiện nay về lòng yêu nước
Vinh Anh

1.Hôm nay gặp lại bạn bè. Bạn bè mình toàn công chức. Khi đã lọt được vào hàng ngũ công chức, bạn bè cũng rơi rụng nhiều. Không mấy người có được bạn cùng học từ ngày còn nhỏ hay là cùng trên giảng đường đại học. Nghĩa là bạn bè với nghĩa là đồng nghiệp là chính. Tính vị tha và sự cảm thông mang tình chiến hữu cùng chiến hào không nhiều. Có loại đương chức, có loại nghỉ hưu. Mình cũng từng là công chức hơn ba chục năm. Bắt buộc phải nói vậy là để cho mọi người biết, mình cũng am hiểu môi trường cuộc sống công chức..

Sau nhiều năm làm việc, mình thấy, công chức nước mình ít có chí tiến thủ và lười nhác. Sống trong môi trường không cạnh tranh, ý chí vươn lên bị thủ tiêu. Chẳng vậy mà một con số đưa ra, có đến non nửa công chức làm việc không hết công suất. Đã vậy lại rất quan cách. Chẳng mấy ông xứng đáng là đầy tớ nhân dân và mình, chắc như đinh đóng cột, không mấy ông có được cái ý nghĩ đó trong suốt cuộc đời. Tuy rằng, cái câu “vì dân” thì luôn ở cửa miệng. Chức càng to, điều đó càng chính xác. Việc cải cách hành chính chậm là do từ chính các ông bà công chức này. Mình có ngoa quá không?

Tại sao nói công chức ta ít có chí tiến thủ? Bởi một điều đơn giản, ai cũng biết nhưng không ai dám nói, đều phải làm và thực hiện theo ý cấp trên. Ý thức sáng tạo bị đóng băng. Nếu sai quy trình này, cầm chắc cái quyết định rời khỏi đội ngũ hoặc bị vô hiệu hóa, ngồi chơi xơi nước. Tức là, với công việc, không cần phải suy nghĩ động não gì hết, cấp trên đã nghĩ hộ rồi, cứ vậy mà thực hiện. Và cứ như vậy, công chức biến thành kẻ lười nhác. Bởi lười nhác nên công chức rất lười học hỏi. Họ làm được việc nhờ sự đúc kết kinh nghiệm của chính bản thân qua thời gian và cũng theo thời gian, kiến thức của họ có được những năm trên ghế nhà trường, rơi vãi hết. Với lẽ đó, công chức chỉ là một công cụ của cấp trên của họ, cấp trên nói gì nghe nấy. Điều đó có hai cái lợi cho công chức, vừa giữ được thiện cảm của sếp, vừa không mất bổng lộc.

Nói vậy để hiểu, nỗi khát khao đổi mới, vươn lên của công chức ta cũng không ghê gớm nỗi gì.

2. Nhưng có điều buộc mình phải nói, cũng chỉ để nói riêng với mình thôi bởi mình cũng đôi phần hiểu cuối đời rồi, đừng nên dối lòng nữa. Đó là sự tự lừa dối đáng khinh miệt, đáng nguyền rủa, đáng phê phán. Rất nhiều vấn đề công chức biết nhưng công chức cứ làm lơ. Tiếc rằng, điều này vẫn còn rất nhiều trong đa số công chức của ta.

Trước đây, thường chỉ nghe nói đến cái sự hèn của trí thức. Chưa thấy ai nói đến cái sự hèn của công chức. Chỉ biết là có công chức mẫn cán và có công chức lười biếng và người có chút hiểu biết, coi đó chỉ là những tay làm thuê, chẳng khác gì những người lao động cơ bắp.

Gặp bạn bè, mình bỗng thấy một sự nhạt nhẽo nhờn chán. Hóa ra, gặp gỡ chỉ để cùng nhau uống và nói những chuyện giời ơi đất hỡi, vô thưởng vô phạt và một chút thông tin về nhau. Già rồi nên cái nhìn cũng cũ kỹ, cách nói năng cũng cũ kỹ thế nào ấy. Bỗng thấy thèm cái không khí những ngày chủ nhật 5, 12, 19, 26 tháng sáu vừa qua.

Ra ngoài ấy, thấy những khuôn mặt và không khí trẻ trung, và đặc biệt là nhiệt huyết. Nhìn các bộ mặt măng tơ, thấy tương lai chúng nó còn dài và sáng lạn, chứ có đâu như bản mặt mấy công chức nhà mình, lúc nào cũng cau có, ra cái vẻ bận rộn. Có ai cho tiền để đi biểu tình đâu, cũng có biết ở chỗ nào phát nước và bánh mì miễn phí đâu, ấy vậy mà vẫn cứ đi. Đi để “sexy lòng yêu nước”(Chữ của nhà văn Thùy Linh). Lòng yêu nước của lớp trẻ nó cứ lồ lộ ra còn của công chức ta bị chìm ẩn quá, vẫn ở dạng tiềm năng.

Mình không nghĩ công chức không có lòng yêu nước. Mở luật cán bộ công chức ra xem họ định nghĩa công chức ra sao, công chức khác viên chức thế nào? Thông cảm được một phần, phần nhỏ thôi. Để thể hiện được lòng yêu nước, còn đắn đo nhiều lắm.

3.Công chức ta cái gì cũng biết nhưng lại chỉ biết sơ sơ vòng ngoài, cái vỏ, cái bề mặt, cái nổi nênh. Hỏi thử một công chức về cái hiệp định ký với Tầu khựa trên bộ có liên quan đến thác Bản Giốc, công chức ú ớ, không được như vẹt “cùng nhau khai thác” cái Bản Giốc tuyệt vời vốn dĩ của ta. Không hỏi thêm nữa, bởi càng hỏi càng đưa nhau vào thế bí, công chức phải giữ mồm giữ miệng. Một công chức khác xen vào: “Không nói chuyện chính trị”. Không hiểu người nói câu đó có biết đó chính là biểu lộ sự ngu dốt của mình. Chuyện chính trị đó là chuyện liên quan đến miếng cơm manh áo của công chức cơ mà.

Cập nhật hơn, cái việc mà hiện nay rất nhiều người quan tâm: Tầu khựa quấy rối Biển Đông của ta. Công chức ta lại thờ ơ mới chết chứ. Mình mong điều này là sự giả vờ. Mong điều này là sự tự dối lòng. Cũng quan tâm đấy nhưng chưa được phép cấp trên, vẫn bị vòng kim cô vô hình trói buộc. Nhưng lại nghe có người khuyên: “Ở nhà cho khỏe”. Nghe thấy tê tái và đau buốt lòng.

Vẫn biết nó là một vấn đề nhạy cảm. Nhưng cái điều cần nhạy cảm nhất đó phải là lòng yêu nước. Mình nói như vậy có thuần túy chính trị quá không nhỉ? Nó phá mình, nó bắn mình, nó đe mình… vậy mà lẽ nào công chức cứ mũ ni che tai, chờ cấp trên?

Thú thật, với hơn ba chục năm sống đời công chức, mình thông cảm lắm. Mình đã qua thời đó, mình thấy rất xấu hổ khi có người hỏi: “Vậy ngày xưa ông thế nào?”. Cũng đôi chỗ ngọng. Còn lòng yêu nước được thể hiện vô tư, bởi thời đó, lòng yêu nước được sexy.

Có điều, muốn thể hiện lòng yêu nước trong giai đoạn hiện tại ở nước ta cần phải có lòng dũng cảm, không được hèn. Thật đau lòng khi thể hiện lòng yêu nước trên quê hương đất nước mình mà bị cấm đoán, bị làm khó. Vậy nên, những công chức, những con người đang làm trong bộ máy của Đảng và Nhà Nước, ăn lương bằng tiền ngân sách, nghĩa là tiền thuế của dân, hãy biểu lộ và làm đúng chức trách công chức của mình.

                                                                                       Vinh Anh
                                                                                       1/7/2011

*Bài do tác giả Vinh Anh gửi trực tiếp cho NXD-Blog. 
Xin chân thành cảm ơn tác giả!
Đọc tiếp...

TIN NÓNG: ĐANG CÓ TỤ TẬP ĐÔNG NGƯỜI Ở PHỐ HUẾ (HN)





Trang Anh Ba Sàm đưa tin: 































































 

Nguồn: tại đây tại đây

Nguyễn Xuân Diện-blog không có bình luận.
Nội dung vụ việc, xin mời chư vị xem ở Mai Thanh Hải-Blog.
Đọc tiếp...

BỨC THƯ CỦA GIÁO SƯ PHẠM DUY HIỂN XUẤT HIỆN TRÊN BÁO NHẬT BẢN

Giáo sư Phạm Duy Hiển
Thưa chư vị,

Như chư vị đã biết cả rồi, nhân 100 ngày Fukushima và 100 năm khoa học hạt nhân, GS chuyên ngành hạt nhân Phạm Duy Hiển đã có thư ngỏ gửi Thủ tướng Naoto Kan. Bức thư này đã được các bạn đọc NXD-Blog dịch sang nhiều thứ tiếng để lưu truyền rộng rãi. 

Vừa qua, báo chí Nhật Bản đã đăng tải và đưa thông tin về bức thư này. Giáo sư Phạm Duy Hiển vừa gửi cho NXD-Blog hình chụp bài báo này. Xin giới thiệu dưới đây, và mong rằng các vị biết tiếng Nhật dịch giùm và đưa vào phần comments để đồng bào cả nước biết nội dung:

 
Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bức thư của GS. Phạm Duy Hiển:.
Thư ngỏ của GS Phạm Duy Hiển gửi Thủ tướng Naoto Kan

Kính thưa Ngài Thủ tướng Naoto Kan,

Tròn 100 năm trước, lần đầu tiên con người đã nhìn thấy những cấu trúc rất bé nằm sâu trong lòng vật chất gọi là hạt nhân nguyên tử. Ba mươi năm sau đó, một cơ cấu lò phản ứng ra đời chứng minh nguồn năng lượng vĩ đại trong cấu trúc ấy có thể khai thác và chế ngự được. Nhưng chưa đầy bốn năm sau, có trong tay thành quả lao động của hàng trăm nhà khoa học quy tụ quanh dự án Manhattan, quân đội Mỹ đã mang hai quả bom nguyên tử dội xuống Hiroshima và Nagasaki, chẳng phải để buộc nước Nhật của Ngài nhanh chóng đầu hàng, mà cốt phô trương sức hủy diệt bằng nguyên tử trong thời hậu chiến. Những nhà khoa học tài ba thai nghén ra hai quả bom ấy đã bất lực không ngăn được nhà cầm quyền gây ra thảm họa trên đất Nhật.


Cũng chính từ đó, người dân khắp nơi mới biết đến hạt nhân nguyên tử và đồng nghĩa nó với bom nguyên tử gây tang thương bất hạnh cho con người. Thật là oan!

.
Đài tưởng niệm Hòa bình Hiroshima được giữ nguyên trạng để nhắc nhở loài người về sức mạnh hủy diệt của bom nguyên tử.
Đài tưởng niệm Hòa bình Hiroshima được giữ nguyên trạng để nhắc nhở loài người về sức mạnh hủy diệt của bom nguyên tử. Ảnh: IE

Điện hạt nhân (ĐHN) xuất hiện vào thập kỷ năm mươi sau chiến tranh đã giải tỏa nổi oan này. Một không khí lạc quan dâng trào khiến rất ít ai trong giới khoa học lúc ấy (trong đó có người viết lá thư này) nghĩ rằng một ngày nào đó ĐHN lại sẽ mang bất hạnh đến cho con người. Song chính thói chủ quan và tự tin quá độ ấy đã dẫn đến tai nạn ở Three Mile Island, và nhất là ở Tchernobyl. Chưa lên đến cao trào, ĐHN đã phải thoái trào. Suốt hơn ba thập kỷ, nước Mỹ không xây thêm một nhà máy nào.

Trong bối cảnh ấy tôi hết sức khâm phục người Nhật. Dù đã chịu tang thương từ hai quả bom nguyên tử, lại bị vành đai địa chấn bám sát bờ biển phía đông, đa số người Nhật vẫn chấp nhận rủi ro để có ĐHN bảo đảm an ninh cho cỗ xe kinh tế nước mình. Một chương trình khoa học công nghệ ĐHN đồ sộ và tốn kém nhất được triển khai trong nhiều thập kỷ. Tôi nghĩ rằng người Nhật chấp nhận ĐHN không phải vì tin mọi thứ đều hoàn hảo như các tập đoàn năng lượng thường huênh hoang. Trên hết, họ tin vào thực lực công nghệ tiên tiến của Nhật Bản có thể giảm thiểu tối đa rủi ro xảy ra sự cố, và nếu xảy ra, sẽ hạn chế tối đa tác hại của chúng.

Đây là niềm tin vào đội ngũ khoa học hạt nhân đầy truyền thống của Nhật, bắt đầu từ H. Yukawa và Y. Nishina, hai nhà bác học đã từng để lại những phát minh lớn về vật lý hạt nhân ngay từ trước thế chiến II. Các thế hệ tiếp theo cũng vậy, Nhật Bản luôn có đội ngũ hạt nhân hùng hậu, những viện nghiên cứu ở tuyến đầu thế giới.

.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I. Ảnh: IE
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I. Ảnh: IE

Nhưng - kính thưa Thủ  tướng - một lần nữa thảm họa hạt nhân lại tìm  đến người Nhật. Một giờ sau cơn động đất và sóng thần tàn phá tan hoang vùng Đông Bắc, khi biết tin mất điện tại nhà máy Fukushima, Ngài đã thốt lên: “Đây mới thực sự là hiểm họa”. Tờ mờ sáng hôm sau Ngài bay đến tận hiện trường, chui vào boong-ke có tường bê tông cản xạ, tranh cãi với TEPCO và thúc giục họ mở van thoát khí phóng xạ ra ngoài. Những ngày sau đó, xuất hiện trước truyền hình với vẻ mặt thấm mệt bởi sức nặng đè lên vai, Ngài cúi rạp trước quốc kỳ và trước cử tọa để nhận lỗi. Có một lúc nào đó, tôi đã đọc được suy tư trên nét mặt Ngài: vì đâu ra nông nỗi này? 

Nhưng nỗi đau này  đâu phải chỉ riêng Ngài. Giờ đây, khi Fukushima tròn một trăm ngày, mọi chuyện đã sáng tỏ để rút ra bài học cho ĐHN bước tiếp khi khoa học hạt nhân đã tròn một trăm tuổi. Chế ngự năng lượng hạt nhân đã và sẽ không bao giờ là việc dễ dàng. Diễn biến ở Fukushima đã không đến mức tồi tệ nếu cả hệ thống ĐHN Nhật Bản không chìm đắm trong bản giao hưởng “mọi thứ đều hoàn hảo” do các tập đoàn năng lượng dàn dựng. Những tiếng nói chân chính đều bị xem là tiếng đàn lạc điệu. Đội ngũ khoa học tài ba của nước Nhật đã không được phát huy để ngăn chặn tai họa và xử lý các tình huống đã xảy ra. Nhà khoa học Nhật Y. Yamaguchi đã nhận xét chí lý: “động đất và sóng thần chỉ châm ngòi, chính nước Nhật mới tạo điều kiện để thảm họa xảy ra như thế”. Bài học lớn nhất rút ra từ Fukushima là con người, chứ không phải máy móc tối tân, mới chính là nhân tố quyết định bảo đảm an toàn ĐHN.

Giờ đây, khi quá  nhiều vụ việc tiêu cực, mờ ám, của những nhóm lợi ích lũng đoạn các cơ quan nhà nước được phanh phui trong nỗi tuyệt vọng mà hàng triệu con người đang nếm trải thì đại đa số người Nhật phải nói không với ĐHN. Chính vì dân mất lòng tin nên mới đây tại Pháp, Ngài đã tuyên bố đình chỉ chương trình xây hàng chục lò phản ứng mới, thay vào đó là phát triển năng lượng tái tạo. Một khi nước Nhật cam kết thúc đẩy năng lượng tái tạo, thì đây sẽ là bước ngoặt đáng mừng cho cả thế giới. Tôi chờ xem liệu đây phải chăng là chính sách nhất quán chính thức của chính phủ Nhật trong tương lai?

Kính thưa Thủ tướng,

Thảm họa Fukushima xảy ra đúng vào lúc Việt Nam vừa mới khởi động dự  án ĐHN. Dự án này đã từng nằm trong chương trình nghị sự khi Ngài công du sang Việt Nam hồi cuối năm ngoái. Dự án đồ sộ này đã được chính các tập đoàn năng lượng Nhật tham gia tư vấn và cổ vũ nó trong suốt mười năm qua. Họ cũng đã hào phóng tạo điều kiện cho nhiều người Việt Nam sang tham quan ĐHN ở Nhật để từ đó du nhập về nước bản giao hưởng mọi chuyện đều rất hoàn hảo. Nhưng đất nước chúng tôi đâu có mấy người biết công nghệ ĐHN để có thể khởi động một chương trình đồ số xây hàng chục lò phản ứng từ 2020 đến 2030?    

Cho nên tôi thiết nghĩ  nên lùi thời hạn khởi công lại khoảng mười năm để nước Nhật giúp chúng tôi đào tạo đội ngũ chuyên gia thành thạo, thúc đẩy các dự án về năng lượng tái tạo, sớm xóa bỏ tình trạng sử dụng điện năng quá lãng phí và rất kém hiệu quả như hiện nay. Việt Nam đang rất thiếu điện, nhưng những nội dung hợp tác này sẽ giúp giải quyết bài toán thiếu điện hiệu quả hơn nhiều, không nhất thiết phải vội vàng khởi công ĐHN khiến người dân phải lo âu sau khi họ đã chứng kiến những thảm cảnh ở Fukushima trong những ngày qua. 

Rất mong Ngài xem xét. 

Xin chúc sức khỏe Ngài. 

Kính thư.    

Phạm Duy Hiển - GS chuyên ngành hạt nhân
Đọc tiếp...