Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

TIN NÓNG: DANH SÁCH CÁC DOANH NGHIỆP YÊU NƯỚC

1. Công ty Du lịch Canaan Travel ra thông báo trên website của công ty như sau:
Thông báo ngưng bán tour đi Trung Quốc !
2. Công ty du lịch Côn Đảo Explorer Travel đã post lên trang web của mình thông tin về tour 3 ngày hai đêm du lịch Côn Đảo và phía bên dưới thêm vào một câu đầy can đảm nếu không muốn nói là rất gây shock!
Lưu ý: Không nhận tour đối với những người mang quốc tịch Trung Quốc.
3. Giám đốc một công ty ở Tp Hồ Chí Minh vừa gọi điện cho Nguyễn Xuân Diện đề nghị Nguyễn Xuân Diện-Blog mở cuộc quyên góp tiền để thể hiện tinh thần yêu nước, đứng bên cạnh Chính phủ trong việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang (mua vũ khí, khí tài, tăng cường vũ khí cho lực lượng tự vệ biển, ngư dân....). Vị Giám đốc này nói, nếu đọc được lời đề nghị trên Nguyễn Xuân Diện - Blog, sẽ gửi ngay lập tức, đợt đầu là 10 triệu đồng, hoặc 10 tấn gạo.
Chúng tôi tiếp tục cập nhật tại đây...

Đọc tiếp...

CẦN RA NGHỊ ĐỊNH CHO PHÉP BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI TRUNG QUỐC

Trần Đình Thu
Luật gia, nhà nghiên cứu văn học

Biểu tình là một quyền cơ bản được Hiến pháp công nhận, tuy nhiên hiện chưa có các văn bản dưới Hiến pháp quy định, chẳng hạn như Luật biểu tình. Có lẽ do nhu cầu xã hội chưa đến lúc cần thiết phải có, nên chưa xây dựng luật này. Nhưng nay thì đã đến lúc cần, để toàn thể nhân dân Việt Nam thể hiện chính kiến trước hành động ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc. Dĩ nhiên không thể chờ đợi ban hành Luật biểu tình, nhưng cũng không thể vì chưa có Luật biểu tình mà làm ảnh hưởng đến quyền thể hiện chính kiến của nhân dân Việt Nam. Khoản 2 Điều 14 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 cho phép Chính phủ ban hành ngay một Nghị định về biểu tình thật ngắn gọn mà không cần phải chờ đợi Quốc hội họp để thông qua Luật biểu tình (Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng làm như vậy trong tình hình cấp bách, Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 31 quy định ngắn gọn về việc biểu tình trong 2 dòng chữ mà thôi). Việc ra Nghị định này vừa phù hợp lòng dân, phù hợp với tình hình khách quan hiện tại, đồng thời sẽ quản lý được các cuộc biểu tình, tuần hành diễn ra trong khuôn khổ pháp luật. Nghị định không nhất thiết phải bao trùm toàn bộ vấn đề biểu tình mà có thể gói gọn trong phạm vi biểu tình vì những hành động ngang ngược của các thế lực nước ngoài xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam là đủ.

Nguồn: Trần Nhương.com.

Đọc thêm bài trên Blog MỚI của Nhà văn Phạm Viết Đào:
.

HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN BIỂU TÌNH CỦA CÔNG DÂN

Luật gia Phan Thanh Hải


Sau các cuộc biểu tình đã xảy ra tại Tp.HCM và Hà Nội, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi từ bạn bè và những người có quan tâm về vấn đề biểu tình và những hành xử của công an đối với họ. Sau đây là tập hợp những câu hỏi mà tôi đã nhận được cũng như ý kiến tư vấn Pháp luật của cá nhân tôi sau khi đã tổng hợp và đối chiếu với các quy định Pháp luật hiện hành. Tôi mạnh dạn đưa ý kiến của mình lên đây mặc dù tự biết mình chưa thể là một chuyên gia giỏi vì thế không thể có những điều còn sai sót hoặc chưa chính xác. Tôi rất vui được các bạn góp ý thẳng thắn hoặc tranh luận về những vấn đề liên quan…

1. Biểu tình chống Trung Quốc có vi phạm pháp luật không ? Vì sao ?


 -Biểu tình chống Trung Quốc là không vi phạm pháp luật, vì biểu tình là một trong những quyền công dân được Hiến pháp ghi nhận tại điều 69 "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”

2. Cụm từ “biểu tình theo quy định của Pháp luật” có ý nghĩa thế nào ?

-Điều này có nghĩa là bạn có quyền biểu tình nhưng cần phải tuân thủ các quy định Pháp luật về biểu tình.

3. Quy định pháp luật về biểu tình là những quy định nào ?

-Hiện nay Quốc hội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa ban hành văn bản nào quy định cụ thể về biểu tình.

4. Vậy thì làm sao tôi biết được là tôi đi biểu tình có đúng Pháp luật hay không ? Tôi có thể hiểu theo cách “tôi có thể làm bất cứ điều gì mà Pháp luật không cấm” hay không ?

-Hiện nay có rất nhiều hành vi của công dân chưa được Pháp luật quy định cụ thể vì thế bạn có thể áp dụng nguyên tắc “những gì Pháp luật không cấm đều có thể được phép làm”, đây là một trong những nguyên tắc quan trọng của Pháp luật mà tất cả các nước văn minh đều áp dụng. Ngoài ra hành vi được phép làm của bạn cũng phải tuân thủ nguyên tắc “không được phép xâm hại đến quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức khác”. 
Ví dụ như hành vi “câu cá” không được quy định trong bất cứ văn bản pháp luật nào nhưng bạn vẫn có thể làm một cách tự do, tuy nhiên bạn không thể câu cá tại nơi người khác đang nuôi. 
Hành vi “đi chơi dạo phố” cũng không có có nghị định nào quy định tuy nhiên bạn cũng không thể đi chơi dạo phố ở những nơi có bảng cấm hay dạo phố trên đường lưu thông của xe cộ…

5. Biểu tình và việc tụ tập đông người có sự khác nhau thế nào ?

-Việc biểu tình cũng là một tình trạng “tụ tập đông người” tuy nhiên “biểu tình” là sự thống nhất biểu đạt một ý chí tình cảm nào đó của đông người. Còn việc tụ tập đông người là một hiện tượng xã hội nói chung, ví dụ như có một vụ đánh nhau, cãi nhau cũng có thể gây sự chú ý và tụ tập đông người.

6. Như vậy thì Nghị định 38/2005/NĐ-CP có phải là nghị định quy định về biểu tình hay không ?

-Đây là nghị định của chính phủ có phạm vi điều chỉnh quy định tại điều 1 như sau :

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng; nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm trật tự công cộng.”

Rõ ràng phạm vi điều chỉnh của nghị định này không phải về việc biểu tình.

7. Vậy thì tại sao cơ quan công an lại dùng Nghị định 38/2005/NĐ-CP để áp dụng cho người tham gia biểu tình ?

Do thực tế chưa có quy định nào cụ thể về biểu tình do đó có một số quan điểm khác nhau như sau:

- Việc biểu tình phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, một số nước khác cũng có quy định này.

- Việc biểu tình không phải xin phép vì cơ quan nhà nước không có quy định này.

- Việc biểu tình cũng là hành vi “tụ tập đông người” vì thế phải áp dụng quy định trình tự thủ tục đã quy định tại nghị định 38/2005/NĐ-CP “Việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải đăng ký trước với Ủy ban nhân dân có thẩm quyền

Theo cá nhân tôi thì cần phải căn cứ vào ý chí của cá nhân, nhóm hoặc đám đông và biểu hiện cụ thể của họ để phân biệt giữa việc “tụ tập đông người” thông thường và việc “biểu tình” để biểu đạt một tình cảm nguyện vọng, là một quyền hiến định của công dân. Tôi đã nói đến sự khác biệt của nó tại câu hỏi thứ 5 trên đây.

8. Công an có thể bắt, giữ hoặc giam tôi vì lý do biểu tình hay không ?

-Việc làm này nếu có là hoàn toàn trái Pháp luật. Việc bắt giữ người trái pháp luật là một hành vi phạm tội được quy định tại điều Điều 123 Bộ luật hình sự :

“1. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người thi hành công vụ;
d) Phạm tội nhiều lần;
đ) Đối với nhiều người.
3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.”

9. Công an có thể mời tôi đến làm việc vì lý do đã tham gia biểu tình hay không ?

-Họ có thể mời bất cứ ai đến làm việc để điều tra, tuy nhiên chỉ vì lý do đã tham gia biểu tình thì chưa cụ thể lắm.

10. Tôi có thể từ chối không đến làm việc với công an hay không ? Nếu tôi không đến thì có bị cưỡng chế hay bắt giữ buộc phải đến hay không, bởi vì giấy mời rõ ràng là khác với giấy triệu tập ?

-Về nguyên tắc thì bạn có nghĩa vụ hỗ trợ cơ quan nhà nước trong việc điều tra tội phạm. Tuy nhiên Giấy mời là hoàn toàn khác với Giấy triệu tập. Theo quy định của Luật Tố tụng Hình sự thì có 3 loại người (và chỉ có 3 người này mà thôi) có thể bị áp dụng biện pháp dẫn giải nếu không có mặt theo giấy triệu tập là: bị can, bị cáo và người làm chứng. Ngoài ra không có quy định Pháp luật nào cho phép công an áp giải bạn đi nếu bạn không đến gặp công an theo Giấy mời.

Việc cưỡng chế hay bắt giữ bạn là hoàn toàn sai với quy định Pháp luật.

Tuy nhiên nếu bạn có nhiều công việc bận bịu hoặc bạn có tâm lý sợ hãi khi đến đồng công an thì có thực hiện theo những cách thức dung hòa như sau:

- Bạn có thể đề nghị cơ quan công an gửi cho bạn danh sách những câu hỏi cụ thể mà họ quan tâm để bạn thuận tiện trả lời khi có thời gian.

- Cơ quan công an có thể đến gặp bạn khi thuận tiện.

Làm việc với cơ quan công an theo giấy mời là sự trao đổi thông tin mà công an cần có sự giúp đỡ của bạn để xác minh một sự việc nào đó. Đây không phải là sự tra vấn, hỏi cung nhân chứng hay hỏi cung bị can, bị cáo vì thế bạn có thể mạnh dạn phản đối bất cứ thái độ đe dọa, cưỡng chế, ép buộc nào và bạn cũng có thể từ chối trả lời những câu hỏi nào không có tính chất thiện chí đối với bạn.

Mọi sự sự đe dọa, ép buộc, mớm cung, dụ cung, ép cung . . . đối với bạn đều là vi phạm những điều cấm của Pháp luật đối với công an.

11. Công an có thể xử phạt hành chính vì lý do đã tham gia biểu tình hay không ?

Việc xử phạt hành chính phải tuân thủ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các nghị định cụ thể về vi phạm hành chính. Nếu công an muốn xử phạt thì họ phải lập biên bản ghi rõ là bạn đã vi phạm điều khoản nào của nghị định và phải ra quyết định xử phạt theo đúng trình tự thủ tục.
Theo tôi thì việc phân biệt hành vi “tụ tập đông người” đơn thuần và hành vi “biểu tình” cần được làm rõ trước khi xử lý vi phạm.

( Nguồn: http://anhbasg.multiply.com/journal/item/23 )
       


Đọc tiếp...

VIỆT NAM NÊN TRẢ LẠI QUYẾT ĐỊNH CHO UNESCO!

Hồ Ba Bể trở thành khu Ramsar thứ 3 của Việt Nam

1:58 PM, 30/05/2011
(Chinhphu.vn) - Nhân Ngày Môi trường thế giới 5/6 và Năm quốc tế về rừng 2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trao quyết định của UNESCO công nhận Ba Bể là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) thứ 3 sau Xuân Thủy và Bàu Sấu. 
.
 
Hồ Ba Bể, Bắc Kạn, thắng cảnh tuyệt vời
 

Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn là khu bảo tồn đất ngập nước có tầm quan trọng của thế giới và là 1 trong 20 hồ nước ngọt đẹp nhất thế giới đã được công nhận là Vườn di sản ASEAN. 

Khu Ramsar quốc gia Ba Bể có hồ rộng khoảng 500ha ở trên độ cao 178m so với mặt biển. Đây là hồ tự nhiên trên núi duy nhất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở Việt Nam. Với độ sâu trung bình từ 17-23m, có chỗ sâu nhất lên tới 29m, Ba Bể là khu du lịch sinh thái, văn hoá quan trọng trong vùng du lịch miền núi Ðông Bắc...

Nằm trong quần thể Vườn quốc gia Ba Bể với 21 điểm du lịch, danh thắng đặc sắc, độc đáo kỳ thú như hang Dơi, động Puông, động Nả Phoòng, động Thẳm Kít…, hồ Ba Bể là một khu bảo vệ độc đáo trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.

Hồ có các sinh cảnh nước ngọt rất đa dạng, là nơi có các quần thể của một số loài động vật rất quan trọng trong việc duy trì tính đa dạng sinh học và là nơi duy nhất ở Việt Nam ghi nhận một loài linh trưởng có vùng phân bố hẹp là voọc đen má trắng.

Việc Ba Bể được công nhận là khu Ramsar đánh dấu một bước tiến của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước Ramsar nói riêng và trong các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học nói chung.
 
Ngày 20/9/1988, Văn phòng Công ước Ramsar đã công nhận Xuân Thuỷ (Nam Định) là Khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam. Qua đó, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á tham gia vào Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Công ước Ramsar - văn kiện được các nước tham gia ký tại TP Ramsar, Iran ngày 2/2/1971). 

Gần 20 năm sau, Bàu Sấu nằm trong Vườn quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai được công nhận là Khu Ramsar thứ 2 vào ngày 4/8/2005. 

Ngày 2/2/2011, Ba Bể được công nhận là Khu Ramsar thứ 3 của Việt Nam do đáp ứng được 5/9 tiêu chí để được công nhận là Khu Ramsar. 

Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Cơ quan thẩm quyền Ramsar tại Việt Nam sẽ tiếp tục đề cử Tràm Chim thành khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam.

Nguyễn Vũ

Nguyễn Xuân Diện:
Trước tình hình bức tử Hồ Ba Bể mà báo chí (Tuổi Trẻ, Bee.net) đã nêu trong thời gian vừa qua, thiết nghĩ, Việt Nam nên trả lại cái quyết định này cho UNESCO.



Đọc tiếp...

HẢI QUÂN MALAYSIA CŨNG ĐÃ SẴN SÀNG!

Tìm hiểu sức mạnh của hải quân Malaysia

02/06/2011 15:16:57
 
Bee.net.vn - Là một quần đảo giáp với Biển Đông, eo biển Malacca, Ấn Độ Dương, biển Andaman, biển Sulu và biển Sulawesi, có thể nói lợi ích địa chính trị chiến lược của Malaysia đều nằm trên biển. Do vậy, Malaysia đã tập trung đầu tư cho Lực lượng Hải quân của mình. Lực lượng hải quân Malaysia được đánh giá là lực lượng hải quân có tiềm lực mạnh tại khu vực.

TIN LIÊN QUAN

Hải quân Hoàng gia Malaysia được chia thành 5 hải đoàn: 1 hải  đoàn tàu ngầm; 2 hải đoàn tàu hộ tống số  22, 24; 2 hải đoàn tàu khu trục số 21 và 23; tổng quân số của lực lượng hải quân khoảng 8.000 người.

Trong trang bị của Hải quân Hoàng gia Malaysia có 2 chiếc tàu ngầm Scorpene mới mua của Pháp năm 2009 theo một hợp  đồng đã được ký năm 2002. Theo hợp đồng này, Malaysia mua tổng cộng 6 tàu, chiếc cuối cùng sẽ được bàn giao năm 2020.

Tàu ngầm Scorpene có động cơ chạy bằng diesel, có  lượng choán nước 1.740 tấn, dài 67,7m, độ lặn sâu tối đa là 350m, vận tốc 20,5 hải lý, có thể hoạt động độc lập trong 45 ngày với ekip 31 người. Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ nòng 533mm, và 30 tên lửa chống tàu.

Hải quân Hoàng gia Malaysia có 2 chiếc tàu ngầm Scorpene mới mua của Pháp năm 2009
Hải quân Hoàng gia Malaysia có 2 chiếc tàu ngầm Scorpene mới mua của Pháp năm 2009

Năm 2000, Malaysia đã ký hợp đồng với Đức để  đóng mới 6 chiếc tàu tuần tra thế hệ mới lớp Kedah được sản xuất dựa trên mẫu MEKO A-100. Tàu tuần tra lớp Kedah có chiều dài 91,1m, rộng 12m, lượng choán nước 1650 tấn, vận tốc di chuyển tối đa là 22 hải lý/giờ. Kedah được trang bị pháo Otobreda 76mm, tên lửa phòng không RIM-116, tên lửa chống hạm Exocet.

2 tàu khu trục lớp Leiku mua của Anh
Tàu tuần tra thế hệ mới lớp Kedah

Malaysia hiện cũng đang sở hữu 2 tàu khu trục lớp Leiku mua của Anh. Đây là lớp tàu được coi là nhanh và hiện đại nhất trong lực lượng hải quân Malaysia. Tàu dài 97,5m, rộng 12,8m, cao 3,6m, lượng choán nước 2.270 tấn, tốc độ tối đa 28 hải lý/giờ, phạm vi hoạt động 5.000 dặm.

Tàu được trang bị tên lửa chống hạm Axocet, tên lửa phòng không Seawolf, pháo Bofors 57mm, pháo phòng không MSI 30mm, 3 ống phóng ngư lôi Whitehead B515 324mm và các trang thiết bị tác chiến điện tử hiện đại khác.

Malaysia có  kế hoạch mua thêm 2 chiếc tàu loại này nhưng thông tin mới nhất từ phía BAE System (Anh) cho biết, kế hoạch này có thể bị hủy bỏ do thiếu kinh phí.

s
Malaysia cũng sở hữu 2 tàu khu trục lớp Leiku mua của Anh

Về thế  hệ tàu cũ, Malaysia còn đang sở hữu 4 tàu hộ tống lớp Laksamana mua của Italia. Đây là lớp tàu có chiều dài 62,3m, rộng 9,3m, lượng choán nước 675 tấn, tốc độ tối đa 36 hải lý/giờ, tầm hoạt động tối đa là 2.300 hải lý. Tàu được trang bị 1 pháo Oto DP 76mm và 1 pháo Oto Melara, 4 hệ thống phóng tên lửa phòng không Albatros (12 tên lửa), 6 tên lửa chống hạm Otomat II, 6 ống phóng ngư lôi 324mm.

Tàu hộ tống lớp Laksamana mua của Italia
Tàu hộ tống lớp Laksamana mua của Italia

Ngoài ra, trong biên chế của Hải quân Hoàng gia Malaysia còn có 4 tàu phá mình, 2 tàu đổ bộ và 17 máy bay trực thăng.
 
Hiếu My (tổng hợp) 
Nguồn: Bee.net.vn.

Đọc tiếp...

HẢI QUÂN VIỆT NAM ĐÃ SẴN SÀNG!

Hải quân Việt Nam tập luyện bảo vệ chủ quyền biển đảo

Chăm chỉ tập luyện, huấn luyện để làm chủ vũ khí hiện đại, sẵn sàng bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc là hình ảnh của Hải quân nhân dân Việt Nam.

> Xuân về trên nhà giàn ở biển Đông

Tập luyện ở Vùng 4 Hải quân.
Biên đội tàu hải quân Việt Nam.
Biên đội tàu tên lửa.
Bộ đội tên lửa Hải quân sẵn sàng chiến đấu.
Tập luyện bảo vệ chủ quyền.
Tàu tên lửa tập luyện bắn đạn thật trên biển.
Nhiệm vụ quan trọng của chiến sĩ Hải quân là huấn luyện làm chủ trang bị hiện đại.
Thủy thủ kiểm tra tàu chuẩn bị đi biển.
Chiến sĩ đảo Trường Sa chắc tay súng bảo vệ biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.
Trọng Thiết 
Nguồn: VNExpress.net.

Đọc tiếp...

CHÍNH PHỦ VN MUỐN SỚM CÓ CUNG HỮU NGHỊ VIỆT - TRUNG

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh ký Công thư trao đổi về dự án Cung Hữu nghị Việt-Trung (30-11-2009)

Sớm triển khai xây dựng Cung hữu nghị Việt - Trung

1:23 PM, 02/06/2011

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa giao UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan của thành phố hoàn tất thủ tục về đất đai để Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sớm triển khai Dự án tổng thể xây dựng Cung hữu nghị Việt - Trung tại xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện, phê duyệt Dự án tổng thể xây dựng Cung hữu nghị Việt - Trung theo quy định.

Được biết, dự án Cung hữu nghị Việt-Trung do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chủ trì xây dựng. 

Dự án có tổng diện tích xây dựng khoảng 14.000 m2 với 2 tầng trên mặt đất và 1 tầng ngầm, gồm hội trường 1.500 chỗ, phòng họp, phòng đa chức năng, phòng làm việc, phòng khám chữa bệnh Trung y…

Đức Nam
Nguồn: Chính phủ Việt Nam


Nguyễn Xuân Diện:

Thưa Chính phủ, tôi đọc tin này mà tối tăm mặt mày. Tôi uất quá! Tôi không thể hiểu nổi Chính phủ Việt Nam của tôi nữa!


Đọc tiếp...

ÔNG DƯƠNG DANH DY: KHÔNG CƯƠNG QUYẾT, TQ CÒN LẤN TỚI!

KHÔNG CƯƠNG QUYẾT, TRUNG QUỐC CÒN LẤN TỚI!

Ông Dương Danh Dy. Ảnh: NXD.
(Dân Việt) - Ông Dương Danh Dy - nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Đông, Trung Quốc đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Dân Việt chiều 30.5.
Xin ông có thể cho biết vì sao Trung Quốc lại có những hành động gây hấn với Việt Nam chúng ta vào thời điểm này tại khu vực biển Đông?
 
- Một trong những trọng tâm của Trung Quốc là ý đồ bành trướng ở biển Đông, ý đồ này đã được thể hiện nhất quán từ trước đến nay. Trong thời gian vừa qua, để thực hiện đó, họ đã có nhiều bước như cho tàu ngư chính đi tuần tra trên biển Đông, dùng tàu xua đuổi tàu đánh cá hay ra lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông, rồi thành lập tàu hải giám. Và cho đến bây giờ, Trung Quốc đã dùng tàu hải giám gây ra vụ việc nói trên.

Không cương quyết, Trung Quốc còn lấn tới!(Dân Việt) - Ông Dương Danh Dy - nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Đông, Trung Quốc đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Dân Việt chiều 30.5.
 
Hành động của 3 tàu hải giám Trung Quốc vừa rồi có phải là hành động ngẫu nhiên không, thưa ông?

- Việc làm của họ lần này không phải là sự ngẫu nhiên, mà đã có kế hoạch, tính toán nằm trong ý đồ bá quyền, bành trướng ở biển Đông nhằm giải quyết hàng loạt vấn đề cùng lúc. Tôi có thể khẳng định rằng, họ sẽ còn làm nữa, còn lấn tới nữa, họ có thế chiếm một vài hòn đảo không có người ở thuộc chủ quyền của Việt Nam, Philippines, thậm chí chiếm một hòn đảo ở Trường Sa để xem phản ứng của các nước thế nào. Cho nên, chúng ta cần phải cương quyết, không họ sẽ còn lấn tới.

Như ông nói, Trung Quốc sẽ còn có thêm hành động mới cứng rắn hơn, vậy liệu họ sẽ hành động vào thời điểm nào?
Từ 1984-1986, ông Dương Danh Dy làm công tác ngoại giao tại Trung Quốc, với chức vụ Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán VN tại Trung Quốc, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Đông. Năm 1996, ông về hưu và sống tại Hà Nội.

- Với việc phản ứng như của Việt Nam vừa rồi, chắc chắn Trung Quốc sẽ phải tính toán kỹ hơn cho những hành động tiếp theo. Tuy nhiên, theo dự báo của tôi, Trung Quốc sẽ còn có hành động cứng rắn hơn, khôn lường hơn. Thủ thuật của họ là xoa rồi đấm, đấm rồi xoa, thậm chí vừa xoa, vừa đấm. Tình hình khó có bước cải thiện lớn, mà sẽ còn căng thẳng hơn.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết vấn đề này, Việt Nam có thể đâm đơn kiện lên toà án quốc tế?

- Nếu chúng ta đưa sự việc ra kiện ở toà án quốc tế hoặc gửi đơn lên Liên Hợp Quốc, thì Trung Quốc sẽ thua, chỉ có điều sự việc có thể kéo dài mấy năm hoặc lâu hơn nữa. Song việc gửi đơn có một ý nghĩa là tranh thủ được sự đồng tình của dư luận quốc tế và nhân dân tiến bộ thế giới.

Trong trường hợp Trung Quốc tiếp tục vi phạm lãnh hải Việt Nam, chúng ta nên phản ứng như thế nào?

- Chúng ta cần phải thể hiện cho phía Trung Quốc biết rằng, những hành động ngang ngược, trắng trợn như thế là không thể chấp nhận được và nếu tái diễn, Việt Nam sẽ có những hành động quyết liệt hơn. Chúng ta phải đưa hải quân ra bảo vệ, chứ không thể để họ thích vào vùng biển của chúng ta làm gì cũng được.

Xin cảm ơn ông!

Lê Hân (thực hiện)
Nguồn: Dân Việt.
 
 
Đọc tiếp...

NGUYỄN XUÂN DIỆN LÊN TIẾNG VỀ NẠN ĐẠO VĂN HIỆN NAY

TS. Nguyễn Xuân Diện:
“Phải xem xét đạo văn như một tội phạm kinh tế"
Thứ năm, 02 Tháng 6 2011 12:12 

(GDVN) - Đó là lời nói của TS. Nguyễn Xuân Diện, Phó Giám đốc Thư viện Hán Nôm (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) khi trao đổi với PV báo điện tử Giáo dục Việt Nam về các công trình nghiên cứu khoa học và hiện tượng đạo văn hiện nay.

"Tài năng và đắc dụng" chỉ như cuốn truyện danh nhân

Thưa ông, một cuốn sách như thế nào thì được đánh giá là một công trình khoa học?

Một cuốn sách được coi là công trình khoa học khi nó đáp ứng đủ các tiêu chí như: Phải đưa ra một vấn đề khoa học cần được giải quyết, trả lời. Người thực hiện công trình khoa học không những nắm được phương pháp tối ưu nhất khi tiến hành công trình mà còn phải nắm được một khối lượng tư liệu đầy đủ, tin cậy, được sưu tập và phân loại một cách khách quan, khoa học. Điều quan trọng nhất là công trình đó đem được cái mới gì cho khoa học và có giá trị gì trong thực tiễn?

TS. Nguyễn Xuân Diện (bên trái ảnh)
TS. Nguyễn Xuân Diện (bên trái ảnh)

Về cuốn sách “Tài năng và đắc dụng”- cuốn sách được coi là nhánh của một công trình khoa học cấp nhà nước nhưng hiện nay bị coi là đạo của nhiều cuốn sách, ông nhận xét thế nào về cuốn sách này?

Theo đánh giá của tôi cuốn “Tài năng và đắc dụng” thực chất là một quyển truyện danh nhân vì nó không đáp ứng được tiêu chí gì của một công trình khoa học. Nó không đem lại một nhận thức mới, một hiểu biết mới nào trong khoa học. Chúng ta có thể đọc những lời viết ở trong cuốn sách này ở trong những cuốn sách khác. Đây là một cuốn sách có tính chất cóp nhặt, trình bày tư liệu thô chứ chưa phải là một công trình khoa học.

Ví dụ, nếu đây là một công trình khoa học thì không thể đơn thuần chỉ đưa lời kể của ông Đặng Lê Nguyên Vũ về cuộc đời của mình vào cuốn sách mà phải xem xét tính chân thực của lời kể đó. Những lời kể lể trong này giống như một quyển truyện danh nhân.

Được biết, “Tài năng và đắc dụng” là một đề tài nhánh của một công trình khoa học cấp nhà nước do GS.TSKH Đào Trọng Thi chủ trì. Vì vậy, tôi không thể ngờ ông Đào Trọng Thi dù đã từng phát biểu rằng cuốn “Tài năng và đắc dụng” không phải là một công trình khoa học mà vẫn cho nghiệm thu công trình và in ấn.

Ông nhận xét gì về tình trạng đạo văn hiện nay?

Có lẽ chưa bao giờ, hiện tượng đạo văn lại phổ biến như hiện nay, mà không chỉ đạo văn, tình trạng đạo nhạc, đạo tranh, đạo bản dịch, đạo công trình nghiên cứu khoa học càng ngày càng lan rộng. Dư luận xã hội và báo chí sau một thời gian dài dành sự quan tâm sâu sắc đến hiện tượng này, nhưng rồi cũng lại xem đó là "chuyện thường ngày" nên cũng ít khi bị sốc trước các vụ việc mới bị dư luận phanh phui.

Bởi khi dư luận báo chí chìm xuống, kẻ đạo văn chỉ xấu mặt trong một thời gian ngắn, thì lại đâu vào đấy. Các công trình vẫn đặt trên những giá sách thư viện, chức danh địa vị của những người làm việc xấu đó vẫn oai phong lừng lẫy. Và theo đó kẻ sau vẫn tiếp tục đạo của kẻ trước, thầy đạo của trò, đồng nghiệp đạo của đồng nghiệp...
.

"Bị tước chức danh giáo sư vì "đạo văn"
.
Ở thời mà đạo văn là chuyện xảy ra như ‘cơm bữa”, ông có nhìn nhận như thế nào về đạo đức của một số nhà khoa học là tác giả của những công trình đạo?

Đối với người viết, tác phẩm văn học, khảo cứu, biên khảo chính là một phần cuộc đời họ.

Đó là công phu nghiền ngẫm học thuật mà để có được nó, họ đã phải học hành, trau dồi, rèn luyện qua biết bao nhiêu cấp học của biết bao nhiêu trường lớp, thụ giáo biết bao nhiêu ông thầy. Để có được những tư liệu và vốn liếng hiểu biết, họ đã không tiếc tiền của đi thực tế, tiếp cận các nhân vật và sự kiện, mua sách báo và tư liệu. Những công trình khoa học là kết tinh của tâm huyết, nỗ lực của cả đời học thuật.

Vì vậy, những đứa con tinh thần là những tác phẩm của họ chính là một phần cuộc đời của họ. Vậy mà, nhiều người đã đang tâm ăn cắp, xào xáo, chế biến bằng những thao tác từ đơn giản đến tinh vi để hòng có được tiền bạc, danh vọng từ mồ hôi công sức của người khác.

Tiếc rằng cái công sức, mồ hôi nước mắt của những kẻ thực học, sau khi bị đạo, lại chỉ được kết thúc bằng một câu xin lỗi, hay thu xếp dàn hòa hai bên.

Bà Đoàn Thị Lam Luyến, Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam từng nói rằng, nếu câu chuyện "đạo văn" chỉ cần giải quyết bằng một lời xin lỗi thì tính răn đe còn quá nhẹ. Và bà nhận định rằng một phần lý do thực trạng đạo văn diễn ra hàng ngày trên khắp các lĩnh vực "là do chúng ta chưa có chế tài xử lý nghiêm hơn".

Theo tôi đạo văn là kẻ thù của khoa học chân chính, phải coi đạo văn như một tội phạm kinh tế. Ở nước ta cho đến thời điểm này, chỉ có trường hợp đầu tiên và duy nhất bị chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) chính thức ký quyết định tước bỏ chức danh phó giáo sư là ông Trịnh Xuân Dũng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng du lịch Hà Nội, vì đã không trung thực (lấy công trình của người làm của mình), vi phạm tiêu chuẩn đạo đức của nhà giáo".

Ngay sau khi tước bỏ chức danh PGS của ông Trịnh Xuân Dũng, tôi cũng nghe Giáo sư Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước phát biểu với báo chí rằng: "Đây là lần đầu tiên HĐCDGSNN tước bỏ danh hiệu phó giáo sư đối với một nhà giáo. Việc làm này là cần thiết bởi không thể để một con sâu tồn tại trong hàng ngũ các giáo sư chân chính. Việc làm này của HĐCDGSNN đã rất được các nhà khoa học trong cả nước vô cùng hoan nghênh".

Có vẻ như những công trình đạo văn đã góp phần đưa các TS thành PGS, các PGS thành viện trưởng, thành những nhà quản lý. Bằng chứng là sau khi bị phát hiện đạo văn, những quan chức, đang làm công tác giảng dạy, quản lý văn hóa, khoa học ở các trường đại học, viện nghiên cứu, sở VH-TT&DL đều đang tại vị, thậm chí một số vị vẫn thăng tiến trên quan lộ.

Những cuốn sách bị phát hiện đạo văn, hiện cũng chưa có cuốn nào có lệnh thu hồi. Cũng chưa có giải thưởng nào đã trao cho nó, bị thu hồi. Chúng vẫn được gửi đến các thư viện từ trung ương đến địa phương, thư viện các đại học và viện nghiên cứu và vẫn được các thư viện nước ngoài đặt mua.

Những cuốn sách đó vẫn được dùng làm giáo trình giảng dạy ở đại học, và cả sau đại học; vẫn được các thế hệ học viên học cao học, học nghiên cứu sinh trích dẫn, sử dụng trong học tập, nghiên cứu.

Ông đánh giá thế nào về việc một số Giáo sự, tiến sĩ,… có học hàm học vị cao, hiểu biết rộng mà vẫn đạo văn?

Theo tôi, những người phải "đạo" tác phẩm công trình của người khác thường là những kẻ bất tài, trình độ yếu kém nhưng lại muốn nổi tiếng, muốn thăng chức, thăng học hàm học vị, hoặc đơn giản chỉ vì muốn kiếm tiền một cách nhanh chóng.

Mấy năm gần đây, không ít các vụ đạo văn lừng lẫy đã được đưa ra ánh sáng dư luận. Riêng cuốn sách Bàn phím và Cây búa của Nguyễn Hòa (NXB. Văn học, 2007) đã chỉ ra được 6 trường hợp đạo văn, đạo công trình nghiên cứu để làm giáo trình, chuyên khảo.

Những thợ đạo được chỉ mặt, nêu tên văn ở đây toàn các đấng bậc danh giá trong làng chữ nghĩa. Nào là PGS.TS. TNT (đạo của GS Trần Quốc Vượng), TS. HXL (đạo của TS Trần Hữu Sơn), TS. TND (đạo của PGS.TS Vũ Tuấn Anh), PGS.TS NCB (đạo của GS.TSKH Tô Ngọc Thanh), nhà văn VNT (đạo của PGS.TS Trần Ngọc Vương), TS. CTTT và Thạc sĩ TTA (đạo của PGS.TS Trần Ngọc Thêm). Rồi GS. TS PL đạo của GS Trương Lập Văn (Trung Quốc)..

Có thể nói các vụ đạo văn ngày càng tinh vi. Mặc dầu người bị đạo biết mười mươi là người ta đạo của mình, nhưng cũng khó khăn lắm mới đưa ra dư luận. Có người có chứng cứ hẳn hoi, nhưng lại ngại va chạm nên cũng chẳng đưa ra công luận, rồi đành ngấm ngầm cam chịu bực tức. Bởi học thuật ở Việt Nam từ xưa đến nay vốn không sòng phẳng, và bên cạnh đó hành lang pháp lý cho những vụ việc như thế này cũng không chặt chẽ.

Đạo văn trong các công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước ảnh hưởng như thế nào tới xã hội? Ông có kiến nghị gì để làm giảm tình trạng đạo văn?

Vì chúng ta chưa có chế tài xử lí nghiêm nạn đạo văn nên rốt cuộc sách đạo văn vẫn để trên giá, lưu trong các thư viện, bán ngoài quầy, dạy trong các trường đại học và các cơ sở đào tạo sau đại học trên khắp cả nước... mà các cơ quan có trách nhiệm không hề có động thái gì. Người bị hại không được bảo vệ, còn kẻ hại người thì vẫn ung dung như chẳng có chuyện gì.

Có thể nói đây là một mối nguy hại lớn cho nền học thuật nước nhà, bởi khi dư luận báo chí qua đi, những thế hệ sau lại "hồn nhiên" trích dẫn những cuốn sách đạo văn đó, mà không biết đó chỉ là công trình, tác phẩm giả, được những kẻ lười biếng tạo nên.

Điều này dẫn đến một nguy hại khác không kém phần quan trọng là sự tụt hậu của nền học thuật, ảnh hưởng đến học phong và nền văn hóa nước nhà.

Thậm chí chúng còn làm hỏng cả một thế hệ, làm mất uy tín của khoa học nước nhà trước bạn bè quốc tế khi những vụ việc như vậy được phanh phui phát hiện.

Những tác phẩm đạo văn, đương nhiên là không có phát hiện gì mới về mặt học thuật (tư liệu không mới, kiến giải không mới, kết quả không mới, đề xuất không mới), mà chỉ là xào xáo lại các cái cũ (những kiến thức đã công bố, đã được nhà nước trả tiền, đã được nhuận bút, đã đem lại vinh dự cho người phát hiện lần đầu).

Vậy mà vẫn được in ra, vẫn được trả nhuận bút, vẫn đem lại bổng lộc và chức vị cho người xào xáo. Điều này hết sức bất công, không những làm lãng phí tiền của của nhà nước và nhân dân, mà hành vi dối trá này còn vi phạm đạo đức xã hội, đạo đức khoa học và kìm hãm làm trì trệ sự phát triển của học thuật.

Nếu chúng ta không tìm được ra ngay biện pháp xử lý với vấn nạn này, thì không thể có một nền học thuật lành mạnh, minh bạch và phát triển; và càng ngày càng làm cho học thuật suy thoái.

Một số người còn đề nghị phải xem xét tội đạo văn như một thứ tội phạm kinh tế nữa, vì cho rằng việc đạo văn không chỉ làm phương hại đến sự tôn nghiêm của học thuật và nghệ thuật, ảnh hưởng đến trình độ dân trí mà nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến kinh tế đất nước vì đã dùng tiền đóng thuế của dân để trả cho những những sản phẩm không có tính sáng tạo của những kẻ lười biếng.

Trong khi đó vấn đề này đối với nước ngoài, được họ làm một cách hết sức triệt để. Sách bị phát hiện đạo văn bị thu hồi, hủy, giải thưởng đã được trao cũng bị tước, thậm chí những công trình đó nếu liên quan đến việc người đạo văn dùng nó để xin các chức danh học hàm học vị, thì cũng sẽ bị tước.

Điều này tạo lập nên ý thức của các thế hệ nghiên cứu.

Họ càng trung thực bao nhiêu trong các công trình của mình thì càng được đánh giá cao bấy nhiêu.

Do vậy, việc nghiên cứu khoa học cũng sòng phẳng, những phát kiến mới được đánh giá cao, mặc dầu những phát kiến này không đi xa thế hệ trước là bao, nhưng sự minh bạch trong học thuật này sẽ tạo ra sự minh bạch trong khoa học và bớt đi những kẻ muốn tiến thân theo cái lối "dậu đổ bìm leo".

Xin cảm ơn ông!

Mai Khôi - Thanh Nguyên thực hiện

Đọc tiếp...

TÔI KHÔNG ĐI DU LỊCH TRUNG QUỐC

Công ty du lịch CANA ra thông báo:
Thông báo ngưng bán tour đi Trung Quốc!

Kính thưa quý khách!

Những thông tin gần đây cho thấy Trung Quốc ngày càng lấn tới và ngang nhiên xâm lấn chủ quyền của Viêt Nam. Giống như một kẻ côn đồ chạy vào sân vườn của chúng ta phá họai hoa màu  rồi còn nói đó là điều bình thường. Tuy rằng đó không phải là hành động của tất cả  người dân Trung Quốc, nhưng để nêu cao tinh  thần của người yêu nước CANA tạm ngưng tất cả các tour đi Trung Quốc và  tháo gỡ các thông tin du lịch Trung Quốc ra khỏi trang web.

Xin cáo lỗi cùng những quý khách truy cập trang web của chúng tôi để tìm hiểu thông tin về tour, cũng như một số bạn sinh viên cần thông tin về Trung Quốc. Chúng tôi sẽ mở lại tour và sẽ cập nhật lại thông tin trên trang web khi tình hình và mọi việc hòa hảo được lập lại. Đây chỉ là một cách nhỏ để chúng tôi hành động đối với tinh thần  một người Việt Nam.

Chúng tôi cũng xin cáo lỗi cùng các bạn đối tác của Trung Quốc. Các bạn là những đối tác tốt và tuyệt vời, nhưng trong tình hình hiện tại chúng tôi phải tạm thời ngừng giao dịch với các bạn. Chúng tôi hi vọng  sớm nối lại giao dịch với các bạn trong thời gian sớm nhất. Điều này không phụ thuộc vào chúng tôi hay các bạn, nhưng phục thuộc vào thiện chí của lãnh đạo của các bạn.

Chúng tôi kêu gọi khách hàng trong thời gian này nếu có nhu cầu đi tour nước ngòai hãy chọn một điểm đến khác Trung Quốc trong lựa chọn của mình. Chúng tôi tin rằng sẽ nhận được sự đồng cảm và ủng hộ của quý khách.

Nguồn: tại đây.

Nguyễn Xuân Diện:

Xin hoan nghênh công ty du lịch CANA đã ra thông báo này, bày tỏ tấm lòng của mình đối với Tổ quốc, với tư cách những công dân Việt Nam. 

Riêng tôi, từ 2006 đến nay, gần như năm nào cũng có cơ hội đi du lịch Trung Quốc, nhưng tôi không đi. Tháng 7 này cũng vậy, tôi không đi du lịch TQ. Gia đình tôi không dùng hàng Trung Quốc. Các cháu Mun và Vừng tự thấy kẹo bánh có chữ Trung Quốc là không ăn. 

Còn chư vị và gia đình chư vị, thì sao?



Đọc tiếp...

MỘT CON ĐƯỜNG MANG TÊN GIÁP VĂN CƯƠNG, TẠI SAO KHÔNG?

Một con đường mang tên Giáp Văn Cương, tại sao không? 
Ghi chép của Xuân Ba

Đêm ấy, theo hải trình ra Trường Sa, tàu HQ... lừ lừ rẽ sóng qua đảo Cô Lin. Trong màn biển đêm đen kịt, không xa quầng sáng mờ ảo của Colin là chói rực các cỡ đèn của đảo Gạc Ma. Gạc Ma hằng bao thế kỷ  vẫn chình ình trên hải đồ Trường Sa của Việt Nam và hiển hiện trước mắt tôi đây nhưng đã bị ngoại bang dùng sức mạnh chiếm cứ từ ngày 14-3-1988. 

Ngày 14-3- 1988, máu của các chiến sĩ HQVN đã loang trong biển xanh Trường Sa, trong những ngày xanh hòa bình! Trong ầm ào âm thanh xé nước của con tàu vẫn mồn một những cung bậc trong câu chuyện về  chuẩn Đô đốc Tư lệnh Hải quân NDVN, vị tướng ngoài biên ải Giáp Văn Cương trực tiếp chỉ huy chiến cuộc gìn giữ chủ quyền quốc gia mang tên CQ- 88 ( chủ quyền 1988)

Tôi như lọt thỏm trên boong tàu rộng thênh. Bên tôi là dáng dấp ấm áp tin cậy của những yếu nhân những tướng lĩnh sĩ quan của nhiều quân binh chủng... Chất giọng chắc khỏe rành rẽ của Đại tá Phạm Ngọc Chấn hồi ấy là chủ nhiệm chính trị quân chủng Hải quân... Câu chuyện của ông dẫn dắt người nghe về cái ngày tít xa cậu bé họ Giáp quê ở mạn trung du Bắc Giang  được giác ngộ CM và sau đó xung vào Vệ quốc đoàn... Thời đánh Mỹ, ông liên miên những trận mạc những vùng rừng núi miền Trung. Từng là yếu nhân của quân chủ lực của địa phương trên địa bàn Khu Tư, Khu V... Rồi những năm non sông liền một dải, tướng quân họ Giáp, như những rặng núi miền Trung tự nguyện choài mình ra biển với tố chất của ngưòi lính trước chủ quyền và toàn vẹn của lãnh hải quốc gia, ông sang phụ trách ngành hải quân với cương vị Đô Đốc Tư lệnh kiêm Tư lệnh HQ vùng IV.

Năm 1984, tướng Giáp Văn Cương được Bộ Quốc phòng điều động về làm tư lệnh hải quân lần thứ hai (lần đầu từ năm 1977-1980). Phát biểu của ông trong một cuộc họp trọng như một điềm triệu chẳng lành  Trong tương lai gần, vùng biển khu vực Trường Sa không được bình yên và sẽ là chiến trường chính của hải quân VN. Quan điểm đó  khi ấy đã may mắn giành được sự đồng thuận khá lớn!

Trong hai năm 1986-1987, Đô đốc yêu cầu bộ phận tác chiến soạn thảo gấp kế hoạch và phương án phòng thủ Trường Sa, mặt khác ông chủ động và kiên trì đề xuất với Bộ Chính trị và Đảng ủy quân sự trung ương chấp thuận kế hoạch bảo vệ chủ quyền VN ở Trường Sa và thềm lục địa phía Nam. 

Kế hoạch đó được chấp thuận. Ông ra lệnh: nhanh chóng dốc toàn lực, đặc biệt là công binh, ra Trường Sa để tăng cường, củng cố tất cả đảo nổi đảo chìm thuộc chủ quyền quốc gia. Đối với những đảo chìm chưa có quân đồn trú, ông yêu cầu kiên quyết đóng nhanh, đóng đồng thời tất cả các đảo, nếu cần có thể dùng mọi loại tàu để ủi bãi.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến tướng Hoàng Kiền. Tướng Hoàng Kiến lần ra Trường Sa ấy tôi chưa được biết. Mãi gần đây mới được diện kiến vị tư lệnh đang đảm trách con đường vành đai biên giới được coi là con đường bê tông dài nhất thế giới : hơn 10.000 km! Sâu đậm trong tâm trí vị tướng từng là Tư lệnh quân chủng công binh là những năm xa khi còn đang phụ trách Đoàn 83 Hải quân. Hơn một tháng trời ròng rã được tháp tùng chuyến công tác đặc biệt của Đô Đốc Giáp Văn Cương tư lệnh Hải Quân vào những năm tháng cam go nhạy cảm của chủ quyền cương vực quốc gia về lãnh hải... Tầm nhìn nhạy cảm chiến lược nhưng thiết thực hiệu quả của vị đô đốc ấy đã tìm thấy hiệu ứng tức thì ở viên sĩ quan phụ tá! Làm được không cậu? Báo cáo thủ trưởng, khó nhưng phải cố... Việc phải làm phải cố ấy là xây dựng gấp những công trình phòng thủ và sinh hoạt trên những hòn đảo nổi đảo chìm ở quần đảo Trường Sa. Đưa những loại vật liệu thông dụng như sắt thép, xi măng, bê tông trên lộ hải dằng dặc mấy trăm hải lý bây giờ còn đương là gian nan nữa là những năm cuối tám mươi của thế kỷ trước!

Ròng rã mười năm, từ năm 1989 đến năm 1998,   Đoàn trưởng công binh 83 hải quân Hoàng Kiền, tính sao hết những lần ra Trường Sa, cùng lính phơi mặt với sóng gió với biển mặn trên  hàng chục đảo lớn nhỏ chủ quyền. Tổ quốc ơi, tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống. Câu thơ Trần Đăng Khoa có vẻ đúng hơn cả với những người lính công binh Hải quân từng xây dựng  công trình trên những  đảo chìm Trường Sa. Phải nhìn xuống để mà lo việc, làm việc cho kỹ cho chất lượng!

Còn việc ủi bãi? Sao lại phải ủi bãi? Đại tá Chấn cố gắng làm cho chúng tôi láng máng hiểu việc ủi bãi là một tình thế bất đắc dĩ! Trong tình huống ngặt nghèo, phải cho tàu mở hết tốc lực lao thẳng lên cạn ở điểm đảo đó để khẳng định chủ quyền và chờ quân ra tiếp viện!

... Có lẽ cũng hợp khi vận cái câu tướng ngoài biên ải  vào trường hợp của tướng Giáp Văn Cương thời điểm tháng 3 năm 1988.  Nhưng kim cổ trận mạc, thường chỉ nghe câu tướng ngoài biên ải để gọi tính quyết đoán chủ động sáng tạo của việc hành binh điều binh trên bộ trên cạn ở rất xa về mặt địa lý, ở xa tầm chỉ đạo của trung ương chứ chưa từng có trường hợp nào ở đường thuỷ nhất là trên biển? Hải quân VN đầu năm 1988, trang bị hẳn còn thiếu thốn chứ chưa tạm tươm tươm như bây giờ ( cái khó cái quẫn những năm bao cấp ấy nào có tha một ai hay một lãnh vực nào) nhưng Đô đốc Tư lệnh hải quân Giáp Văn Cương kiêm luôn Tư lệnh vùng IV Hải Quân đã có mặt ở Cam Ranh lập sở chỉ huy trực tiếp chỉ huy chiến dịch mang tên CQ- 88 (Chủ quyền 1988). Người chỉ huy hải quân cao nhất vùng IV khi ấy đã quyết định chủ động (xin trân trọng cảm phục cùng kính cẩn nhắc lại hai từ chủ động ấy) cùng quân sĩ của mình quyết giữ quyết giành những hòn đảo chủ quyền quốc gia khi thế lực thù địch nước ngoài ỷ thế hạm to quân mạnh xâm lấn!
Trích từ tài liệu quân  chủng

Đầu tháng 3/1988, Trung Quốc huy động lực lượng của hai hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa, gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải hỗ trợ LSM, tàu đo đạc, tàu kéo và 1 pông tông lớn.

Dự đoán đối phương sẽ chiếm các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, Đô đốc Giáp Văn Cương chỉ đạo các tàu của Lữ đoàn vận tải 125 mang theo một số phân đội của Trung đoàn Công binh 83 và Lữ đoàn 146 nhanh chóng đến các đảo này.

Đêm 13/3, quân ta bí mật đổ bộ, cắm cờ Việt Nam trên đảo Gạc Ma. Sáng 14/3, từ tàu HQ-604 đang thả neo tại Gạc Ma, Trung tá Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 phát hiện bốn tàu lớn của Trung Quốc đang tiến lại gần. Một tổ 3 người được cử lên đảo bảo vệ Quốc kỳ.

Hải quân Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo. Lực lượng áp đảo nhưng không cướp được cờ. Quân địch bắn pháo 100 mm từ 2 chiến hạm vào tàu 604, khiến tàu bị thủng nhiều lỗ và chìm xuống biển. Lữ đoàn phó Trần Đức Thông, Đại uý thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và nhiều sĩ quan, chiến sĩ ta đã hy sinh cùng tàu 604.
Tại đảo Cô Lin, tàu HQ-505 đã cắm hai lá cờ trên đảo lúc 5h. Khi thấy tàu 604 bị bắn chìm, thuyền trưởng tàu 505 Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo, tăng tốc cho tàu ủi bãi trong làn pháo địch. Con tàu anh hùng này đã kịp trườn được hai phần ba thân lên đảo trước khi bị tàu địch bắn cháy.    Mặc dù thua kém đối phương về lực lượng, phương tiện, vũ khí, trong trận chiến đấu ngày 14/3/1988 những người lính HQND Việt Nam đã chiến đấu quên mình để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Chúng ta mất 3 tàu, 64 sĩ quan và chiến sĩ hy sinh hoặc mất tích, 11 người bị thương nhưng đã bảo vệ được chủ quyền tại các đảo Cô Lin và Len Đao. Trung Quốc chỉ chiếm được đảo Gạc Ma.
...

Tháng 3 năm 1990, Đô đốc Giáp Văn Cương mất, thọ 69 tuổi.

... Phía chân mây đã rạng dần một vệt hồng báo hiệu một ngày nắng. Đại tá Chấn đứng im lìm trên boong dõi một cái nhìn đăm đăm về phía chân trời. Tôi khẽ khàng đến bên định bộc bạch chút băn khoăn rằng, đến tận  thời điểm này, quân chủng HQ mặc dầu có nhiều nguời đeo lon tướng nhưng chỉ mỗi Thượng tướng Giáp Văn Cương được mang chức danh Đô đốc?  Chất giọng rành rẽ hồi nãy đượm chút khàn khàn có lẽ ông đang xúc động... Đại tá chỉ tay xuống khoảng đại dương xanh đen bất chợt nói anh em mình vẫn còn nằm dưới kia... Chắp nối lại những câu rời rạc xúc động của đại tá, tôi biết được cái khoảng biển hồi đêm qua đào Cô Lin không xa là đảo Gạc Ma ấy là vị trí con tàu HQ- 604 của HQVN đã bị đánh chìm vào thời điểm huyết chiến 14-3-1988. Hơn 60 chiến sĩ HQVN dũng cảm bám tàu trong chiến đấu đã quyết không rời vị trí trong lúc gian nguy. Và bây giờ có lẽ anh em mình vẫn còn trong đó!

Vẫn còn trong đó? Tôi rùng mình nghe thêm khúc nhôi của đại tá rằng quân chủng cùng Bộ Ngoại giao và các cơ quan có trách nhiệm Việt Nam nhiều năm qua đã rất quyết liệt cái việc tìm cách để đưa anh em lên nhưng vẫn chưa được! Trục trặc khâu nào vậy? Ngáng trở ngớ ngẩn khâu nào cái việc quy tập hài cốt liệt sĩ? Bất cận nhân tình  lẫn phi nhân đạo công đoạn nào vậy? Khó khăn gì cái việc điều thợ lặn và những phương tiện trục vớt đến chỗ khoảng biển và tọa độ ngay gần đảo Gạc Ma ấy? Hóa ra như cái thở dài não nuột của vị đại tá giữa biển đêm là do phía bên kia chứ không phải bên mình! Đơn giản là họ chưa đồng ý! Chỉ vậy thôi!

Chất giọng của đại tá Chấn càng khàn thêm khi ông cho biết, trong nhiều cuộc họp, bàn thảo khác nhau đã giành được sự đồng thuận cao việc quân chủng Hải quân có thể lấy một hòn đảo ở Trường Sa hoặc một con đường nào đó thuộc phạm vi quản lý của quân chủng mang tên Đô đốc Giáp Văn Cương! Quy tập hài cốt anh em CBCS Hải quân trận 14-3-1988. Một hòn đảo ở Trường Sa hoặc một con đường mang tên Giáp Văn Cương. Có lẽ đó là hai việc mà ông và nhiều đồng đội đang đau đáu từ lâu đến giờ. Và đại tá cho hay, đó cũng là nguyện vọng của ông trước khi về hưu...

Chập chờn nhớ lại thời điểm ra Trường Sa cùng đại tá Chấn là tháng 4 năm 2009. Lần gần đây nhất, qua điện thoại, giọng thiếu tướng Phạm Ngọc Chấn khá phấn chấn cho biết nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Quân chủng HQND Việt Nam, Đô đốc Giáp Văn Cương đã được vinh dự truy phong Anh hùng lực lượng vũ trang. Khi được hỏi hai việc mà ông từng đau đáu ấy đã sắp được thực hiện? Giọng  nói của thiếu tướng thoắt trở lại vẻ khàn khàn cố hữu trong buổi biển đêm Trường Sa năm ấy rằng vẫn chưa!

Tôi chỉ láng máng  hai việc trọng ấy có lẽ nằm ngoài tầm tay của thiếu tướng Chấn?

Sớm quy tập hài cốt các chiến sĩ Hải Quân tàu HQ-604 trong trận 14-3-1988. Một con đường hoặc một hòn đảo mang tên người anh hùng của HQND Việt Nam. Liệu có muộn quá không? 

Hà thành những ngày chập chờn Trường Sa
            X.B
Đọc tiếp...