Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

Nhật ký: THĂM THÀNH NHÀ HỒ, ĐỌC BÀI THƠ TRÊN VÁCH THÀNH

THĂM THÀNH NHÀ HỒ 

Thành Nhà Hồ do Hồ Quý Ly chủ trương xây dựng và đích thân chỉ huy công trình vào năm 1397. Ba năm sau đó, Hồ Quý Ly đoạt ngôi nhà Trần lúc ấy đã suy tàn đáng phải thay thế, lập ra triều đại nhà Hồ, đặt tên nước là Đại Ngu. Chữ "Ngu" (虞) trong quốc hiệu "Đại Ngu" (大虞) của nhà Hồ có nghĩa là "sự yên vui, hòa bình", không phải chữ "Ngu" (愚) mang nghĩa là "ngu ngốc". "Đại Ngu" có thể hiểu là ước vọng về một sự bình yên rộng lớn trên khắp cõi giang sơn. 

Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở tại Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới. Có tài liệu chép thành được xây dựng trong thời gian chỉ khoảng 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 1397). Trải hơn 6 thế kỷ, một số đoạn của tòa thành này còn lại tương đối nguyên vẹn. 

Thành Nhà Hồ được xây trong thời gian ngắn, nhân công được huy động rất đông, lao động không kể ngày đêm, nhiều người đã bị ốm đau, thương tật hoặc chết ở chân thành. Chuyện kể rằng vào cuối mỗi ngày, người ta thu gom được vài rổ (giành, sọt) những đầu ngón tay bị đứt rời của những người thợ ở đây trong quá trình lao động xây thành. 

Có một điều, tuy thành Nhà Hồ kỳ vĩ và kiên cố như vậy, mà không một mũi tên nào được bắn ra từ mặt thành và không một tên giặc Minh nào bỏ mạng dưới chân thành. 

Trải 600 năm qua, nhiều nho sỹ, thi nhân đã đến thăm thành, cảm tác thơ văn, phần lớn đều lên án Hồ Quý Ly tàn bạo, xây thành vắt kiệt sức dân. Có hai bài thơ được khắc trực tiếp vào thành ở cổng Tây, đến nay vẫn còn. 

Có một điều băn khoăn: Đoàn đến cổng Tây của Thành Nhà Hồ, thấy bài thơ khắc trên đá của cổng. Khi hỏi sao không giới thiệu, thì hướng dẫn viên xin phép không giới thiệu, vì trên nói nội dung này không hay nên không được giới thiệu.

Dưới đây, xin giới thiệu bài 1:

胡城古跡
興亡陳跡古今來
石砌胡城此舊堆
愁築樓臺多少力
弓山石路誌蒼苔

HỒ THÀNH CỔ TÍCH 

Hưng vong Trần tích cổ kim lai
Thạch thiết Hồ thành thử cựu đôi
Sầu trúc lâu đài đa thiểu lực
Cung sơn thạch lộ chí thương đài.

(Bảo Đại ngũ niên Hạ.
Hồng lô tự khanh lĩnh Thủ Quảng Hóa phủ Trần Đình Khuyến đề).


Dịch nghĩa:

DẤU CŨ THÀNH NHÀ HỒ

Dấu tích thịnh suy của nhà Trần xưa kia còn để lại đến nay.
Bây giờ còn lại là những đống đá ghép của Thành Nhà Hồ
Buồn thấy bỏ ra bao công sức của nhân dân để xây cất lâu đài
Nay chỉ còn lại dấu rêu xanh trên núi hình cung (*) và con đường đá (**).

(Mùa hạ niên hiệu Bảo Đại thứ 5 (1930)
Hồng lô tự khanh, chịu trách nhiệm giữ phủ Quảng Hóa Trần Đình Khuyến đề).


(*) Núi Đốn hay Cung Sơn (núi hình cung), cách cổng Tiền Thành Nhà Hồ khoảng 2 km. (**) Con đường lát đá hoa từ cổng Tiền đến núi Đốn có tên Hoa Nhai.

Dịch thơ:

Dấu Trần hưng thịnh vẫn còn đây
Mấy bức thành hoang đá ghép xây
Buồn dựng lâu đài hao kiệt sức
Hoa Nhai, núi Đốn phủ rêu dày.

Bản phiên âm, dịch nghĩa và chú thích bài thơ được trích từ sách “Những Bút tích Hán Nôm hiện còn ở các hang động vách núi Xứ Thanh”, Võ Hồng Phi – Hương Nao, Nxb. Thanh Hóa, 2018, trang 278-280.

 








Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét