Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2023

VỤ MẤT SÁCH CỔ - CHỦ TỊCH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM LÊN TIẾNG


Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam):
 
VỀ NHỮNG CUỐN SÁCH CỔ
Ở VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM BỊ MẤT và BỊ PHÁ HỦY 
 
Ngày 4 tháng 4 năm 2023, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện đã có thư gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập đến việc Viện Nghiên cứu Hán Nôm để mất 121 cuốn sách cổ và để hư nát hàng trăm cuốn sách cổ khác. 
 
Bức thư chính là lời yêu cầu khẩn thiết của một trí thức yêu nước với người đứng đầu Chính phủ về một di sản vô giá của dân tộc bị đánh cắp và đang bị phá hủy. Tôi tin chắc chắn rằng: Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có chỉ đạo sát sao về vụ việc vô cùng quan trọng này. 
 
Tôi không phải là người nghiên cứu Hán nôm và nhiều người khác cũng vậy, nhưng chúng tôi, đặc biệt là nhiều nhà văn, hiểu rằng: đó không chỉ là những cuốn sách quí, không chỉ là cổ vật mà đó là di sản vô giá của dân tộc. Những cuốn sách đó là "văn bản pháp lý chủ quyền" của dân tộc (lời của nhà văn Trung Sỹ) và là một phần quan trọng minh chứng nền văn hiến Việt. Gần 600 năm trước, Thi hào Nguyễn Trãi đã thay mặt người dân nước Việt tuyên ngôn: "Như nước Đại Việt ta từ trước. Vốn xưng nền văn hiến đã lâu". 

Trong nhiều năm gần đây, nhóm Nhân sỹ Hà Đông chúng tôi nỗ lực sưu tầm những đạo sắc phong bị đánh cắp để giữ gìn và trao lại cho những địa phương bị mất. Viện Nghiên cứu Hán Nôm có 2 Tiến sỹ đã tham gia và ủng hộ công việc của chúng tôi: Tiến sỹ Trương Đức Quả và Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện. 
 
Tiến sỹ Trương Đức Quả là người giúp chúng tôi giám định và dịch các đạo sắc phong đó. Còn Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện là người ủng hộ việc làm của chúng tôi và đã tham dự lễ trao tặng lại các đạo sắc phong. Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện đã viết một số bài nghiên cứu sắc phong để đông đảo người Việt Nam hiểu được giá trị của các đạo sắc phong là thế nào trong hệ thống những di sản văn hoá dân tộc.
 
Nhà văn Vũ Bình Lục cũng đã từng nói về việc nhà nước phong kiến Trung Hoa tìm mọi cách để hủy diệt những di sản văn hoá Việt. Việc hủy diệt những di sản văn hoá của một dân tộc là để huỷ diệt sự độc lập và căn cước văn hoá của một dân tộc đó. Khi một dân tộc không còn căn cước văn hoá của mình thì dân tộc đó không còn tồn tại trong tinh thần cao nhất của sự tồn tại. 
 
Tôi thực sự không hình dung nổi vì sao Viện Nghiên cứu Hán Nôm lại để mất và hư hại từng đó cuốn sách cổ. Và có lẽ chỉ khi Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện lên tiếng thì dư luận mới được biết. 
 
Chúng ta mất hàng vạn tỷ vì tham nhũng nhưng rồi nền kinh tế sẽ hồi phục. Nhưng mất đi những cuốn sách cổ hoặc để cho những cuốn sách đó bị huỷ hoại thì không bao giờ chúng ta tìm lại được. 
 
Làm thất thoát hoặc ăn cắp tiền bạc của nhân dân là có tội. Nhưng ăn cắp và phá hoại di sản văn hoá của dân tộc thì tội còn lớn hơn. 
 
Các cơ quan có trách nhiệm và cơ quan chức năng phải làm rõ điều này trong khi cả nước đang bước vào công cuộc chấn hưng nền văn hoá nước nhà. Và Viện Nghiên cứu Hán Nôm với bất cứ lý do nào cũng phải trả lời nhân dân về việc này một cách rõ ràng nhất.
 
(ảnh dưới: một số tư liệu liên quan đến việc để mất và hư hại hàng trăm cuốn sách cổ)
 
 



3 nhận xét :

  1. Có lẽ không nên gọi là 'ăn cắp' trong sự viêc này, cần được gọi là sự 'phá hoại', bởi nó phụ vụ mục đích triệt tiêu những giá trị cốt lõi của một giống dân!

    Trả lờiXóa
  2. Đất nước đến thời mạt vận

    Trả lờiXóa
  3. Lương tâm và trách nhiệm của đảng và nhà nước ở đâu

    Trả lờiXóa