Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

TƯ DUY LẨN QUẨN CỦA GS. ĐẶNG HÙNG VÕ

TƯ DUY LẨN QUẨN CỦA GS. ĐẶNG HÙNG VÕ

Chu Mộng Long
 
Báo giật tít: "Giá trị đất đai tăng thêm đang nằm trong túi người dân, nhà nước kiên quyết thu hồi lại" để cho rằng, đó là hiến kế của ông Đặng Hùng Võ.
 
Dân mạng chửi và những người tỏ ra thông minh đã bênh vực cho ông Võ, rằng ông Võ không nói nguyên văn như vậy. Người bênh vực cũng chửi không kém dân mạng, rằng dân mạng đọc hiểu ngu, hàm hồ kiểu "Chí Phèo".
 
Bài trước tôi chẳng chửi, cũng chẳng bênh vực. Tôi chỉ dẫn ra cái quá khứ thu hồi, biến báo trong chính sách đất đai mà nhà tôi và nhiều nhà khác trên đất Việt này từng là nạn nhân, từ đó đặt nghi ngờ về kế sách ông Đặng Hùng Võ hiến cho nhà nước.

Lời ông Võ đáng được mổ xẻ, vì ông là nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, tức ông từng tham mưu các vấn đề về chính sách đất đai. Báo giật tít không nguyên văn lời ông là lỗi của báo (hiện báo đã chỉnh sửa). Nhưng liệu các từ "túi dân" và "thu hồi" có sai ý ông Đặng Hùng Võ không?
 
Các ý kiến bênh vực ông quan họ Võ và mạt sát dân chúng khi cho rằng đó là hiến kế tích cực, vừa tăng ngân sách, vừa làm lợi cho dân, vừa chấm dứt đầu cơ đất. Nguyên văn ông Võ nói và báo sửa lại "túi dân" thành "nhà đầu tư dự án", người "đầu cơ đất đai" và "thu hồi" thành "thu được". Tưởng vậy là kế sách ấy không liên quan đến "dân" và chuyện nhà nước "thu được" "giá trị đất đai tăng thêm", tức lợi nhuận, khác nghĩa với "thu hồi"?
 
Ông nói trên lý thuyết mà không dựa vào thực tiễn nào về chuyện đất đai ở nước ta, thì tôi cũng bắt đầu từ lý thuyết.
 
K. Marx xác định, mọi nhà nước đều là bộ máy của kẻ thống trị, tức công cụ của quan, phục vụ cho lợi ích của kẻ thống trị. Đối lập với kẻ thống trị là tầng lớp bị trị, tức nhân dân. Các nhà đầu tư dự án, những người đầu cơ đất đai, dẫu có cấu kết với kẻ thống trị để trục lợi thì về nguyên tắc vẫn thuộc tầng lớp nhân dân. Bởi họ có làm gì đi nữa thì vẫn bị điều hành bởi các chính sách thống trị, ngay cả khi giới này tìm mọi cách lũng đoạn nhà nước. Bằng chứng, không ít đại gia bất động sản bị chính quyền bắt bỏ tù, thậm chí bị tử hình như đại gia Minh Phụng.
 
Vậy thì "giá trị đất đai tăng thêm" mà ông Võ đòi kiên quyết "thu được" từ trong túi những người này chính là phần lớn "túi dân" đấy! Trong toàn bài phát biểu, không có từ ngữ nào nói thu được từ túi quan, chẳng hạn như trong đó có đất đai của ông. Tôi dám chắc nếu kiên quyết thu được từ túi quan, ông Võ có gan hùm cũng không dám đề xuất, vì trong đó có túi ông. Mà lẽ nào kẻ thống trị, nói theo lý thuyết của K. Marx, tự móc túi mình, khác nào lấy đá ghè chân mình? Ai cũng biết, kẻ sở hữu quyền sử dụng đất nhiều nhất hiện nay phải là quan, bằng các hình thức, hoặc đứng tên chính thức hoặc trá hình. Quan không thể tạo chính sách có hại cho quan. Cho nên, báo có thay cụm từ "nhà đầu tư dự án", người "đầu cơ đất đai" thì vẫn là "túi dân".
 
Nhà đầu tư dự án là ai? Tưởng là các tập đoàn cá mập, nhưng thực chất, khi vừa mới triển khai dự án, các tập đoàn đã rao bán đất, và hiển nhiên tiền đầu tư vào đó chính là huy động vốn của dân.
 
Ngay cả "người đầu cơ đất đai", chỉ có một ít là vợ con các quan, đa số vẫn là dân, từ những người chắt chiu dành dụm đến những người có vốn nhàn rỗi đầu cơ vào đất để kiếm lời.
 
Tóm lại, cả hai vẫn là "túi dân". Khỏi cãi!
 
Bài phát biểu vừa rồi tại diễn đàn kinh tế, ông Võ hiến kế thu ngân sách từ giá trị đất đai tăng thêm, nhưng không chỉ ra một giải pháp cụ thể nào ngoài cách nói rất mơ hồ, chung chung. Chẳng hạn, "khai thác vốn tiềm ẩn trong đất" mà các quốc gia đã làm, bãi bỏ bao cấp bằng cách xóa bỏ quy định hành chính và khung giá đất. Ông không nói quốc gia cụ thể nào, cách làm ra sao để thu được giá trị đất tăng theo thị trường. Đem các quốc gia khác ra học tập và làm theo để lòe (như nhiều lãnh đạo khác vẫn nói), mặc dù mở miệng là bảo đó là "chủ nghĩa tư bản giãy chết", thế mới lạ! Đó là chưa nói hiến pháp và pháp luật của người ta về quyền sở hữu đất đai là khác biệt so với Việt Nam thì làm theo bằng cách nào? Hồn Trương Ba da hàng thịt à?
 
Tôi đọc hết bài báo không rõ cách "thu được" mà ông nói là thu kiểu gì. Đành liên kết với những phát ngôn trước đó của ông. À thì ra là áp thuế thật cao trong các thương vụ thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thu thuế đất hàng năm. 
 
Tôi dám khẳng định với ông, cách làm đó không thể vừa tăng ngân sách, vừa làm lợi cho dân, vừa chấm dứt đầu cơ đất. Giải pháp đó chỉ có thể được cái này mất cái kia, thậm chí lợi bất cập hại.
 
Thứ nhất, về thuế đất thì lâu nay vẫn đang thuế chồng thuế, trừ chính sách miễn giảm đối với doanh nghiệp. Người sử dụng đất vừa đóng thuế đất hàng năm, vừa đóng thuế chuyển nhượng, vừa đóng thuế thu nhập cao nếu có mua bán. Nay áp giá thuế cao hơn thì chỉ có thể diễn ra hai hiện tượng: 1) giá đất càng đội lên theo thuế, trong trường hợp này không có lợi cho dân nghèo, chỉ có lợi cho nhà nước và kẻ đầu cơ, 2) hiển nhiên, đúng như ông nói, giá đất sẽ tự động giảm xuống, bởi người nào sử dụng nhiều đất phải gánh thuế cực nặng cần phải bán tháo. Điều này đúng là triệt tiêu ham muốn đầu cơ đất, và tất nhiên có lợi nhất thời, người nghèo không phải sốt lên cùng giá đất.
 
Thứ hai, chính là hệ lụy ngay tức thời, ngay trong cái gọi là nhà nước thu được từ "giá trị đất tăng thêm". Nhà nước chẳng thu được lợi gì trong trường hợp đất hạ giá. Khi đất bị hạ giá hết cỡ thì căn cứ vào đâu mà nhà nước thu được từ cái gọi là "giá trị đất tăng thêm"? Ngay cả thuế cũng phải hạ theo tỉ lệ nào đó so với giá cả thị trường chứ chẳng nhẽ giữ nguyên thuế cao so với giá cả đang trao đổi? Có nghĩa là cái ý muốn thu được từ "giá trị đất tăng thêm" bị phá sản ngay từ trong trứng nước, hoặc chỉ sau vài năm khi thị trường bị đóng băng.
 
Thứ ba, chính là cái sự đóng băng thị trường đó. Thuê đất, mua bán quyền sử dụng đất mà không có lãi thì chẳng ai ngu đút đầu vào đó. Tập đoàn không dám làm dự án, doanh nghiệp không dám thuê, và hiển nhiên, người đầu tư thà giữ tiền hay gửi ngân hàng còn hơn là đầu tư thành một món nợ. Điều này tự nó phản bác cái tư tưởng bãi bỏ bao cấp theo cách của ông. Khi thị trường đất đóng băng, chỉ còn độc quyền nhà nước ôm đất để bán đất, thì còn hơn cả bao cấp. Đất khi đó chẳng đẻ ra giá trị tăng thêm nào, ngoài bỏ hoang hoặc tạo ra giá trị thấp như thời hợp tác xã.
 
Ông Võ ắt còn nhớ nhiệm kỳ ông làm Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhờ chính sách xem đất như một thứ hàng hóa mà thị trường bất động sản sôi động và giá đất mới tăng lên đấy! Đất nước phát triển mạnh mẽ cũng nhờ thị trường bất động sản sôi động, thu hút được nguồn đầu tư, điều này ông hiểu hơn ai hết.
 
Thứ tư, một hậu quả kinh khủng cho cái gọi là áp thuế cao, nếu thị trường không tồn tại giá trị thật mà chỉ là giá trị ảo do nhà nước tưởng tượng và áp đặt. Trong tình hình thị trường đất đóng băng thì tất yếu nhà nước không thu được xu nào từ mua bán, chuyển nhượng, kể cả tiền thuê đất và làm dự án. Vậy thì chỉ có thể đánh thuế vào loại đất cố định quyền sở hữu. Thành phần bị đánh loại thuế này chủ yếu là dân, vì dân vẫn chiếm đa số, cho dù quan sở hữu toàn đất to đất đẹp. Khi đất không thể mua bán, trao đổi, dân cứ thế è cổ ra nộp thuế giá cao. Đơn giản, nếu thuế tăng chỉ hai hay ba lần so với thuế cũ, mảnh đất dân đang ở trở thành một gánh nặng thật sự. Chỉ trong vòng năm mười năm, tiền nộp thuế đã bằng tiền người ta trước đây mua đất. Gọi là "thu được" như vậy khác gì "thu hồi" khi người ta không bán được đất mà chỉ có thể trả đất cho nhà nước để thoát nợ?
 
Tóm lại, báo gán vào mồm ông Võ: "Giá trị đất đai tăng thêm đang nằm trong túi người dân, nhà nước kiên quyết thu hồi lại" và dân mạng chửi ông Võ không oan tí nào. Đã gọi là thuế mà không đánh vào túi dân thì đánh vào túi ai? Các phân tích trên cho thấy tư duy của ông Đặng Hùng Võ là tư duy lẩn quẩn, lẩn quẩn như thời cách mạng tư sản của Đỗ Mười, đúng nghĩa xóa cái bẫy bình quân thu nhập để... cả nước cùng nghèo. Nếu không phải lẩn quẩn thì chỉ có thể ông Võ muốn giăng cái bẫy để người dân cả tin bị sập vào đó cho một cuộc tận thu. Những người ăn theo nói leo ông tỏ ra thông minh nhưng thực chất cũng chỉ là tư duy gà què ăn quẩn cối xay hoặc bị sập bẫy bởi thứ lý luận xuôi tai. Tôi không tin nhà nước theo kế ông Võ mà phải cân nhắc thận trọng trước khi ra chính sách.
 
Đánh thuế cao bất động sản (tệ hại hơn mọi loại thuế khác) là một cuộc tận thu, vơ vét chứ không có "giá trị tăng thêm" nào cả.
 
Đất đai cũng như mọi hàng hóa đều phải tuân theo quy luật cạnh tranh thị trường. Trong thị trường tự do, mọi nhà nước văn minh đều tư duy miễn giảm thuế để hàng hóa lưu thông,và chỉ có lưu thông mới tăng giá trị, chứ không phải áp thuế cao, trừ phi muốn ngăn chặn hàng phá giá hoặc đóng băng thị trường. Thị trường đất đai của Việt Nam không lành mạnh không phải do thuế mà do quan chức cấu kết với các tập đoàn cá mập lợi dụng pháp luât để trục lợi. Cái gọi là "sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý" đã bị lợi dụng triệt để, các quan chức địa phương cấu kết với các tập đoàn cá mập với đủ thứ nhân danh vì lợi ích chung đã thu hồi đất một cách tùy tiện và biến báo thành lợi ích riêng tư của một nhóm người. Điều này những người hiểu biết đã nói đến nhàm tai và hiển nhiên nhà nước thừa biết điều đó khi xử lý các vụ án liên quan đến đất đai. Đó mới là cái gốc của vấn đề.
 
Theo quan điểm của tôi, đến lúc cần sòng phẳng các loại quyền sở hữu. Trong tình hình Việt Nam, cứ theo thời phong kiến mà học tập và cải biến cho phù hợp. Đơn giản, thời phong kiến tồn tại đến ba loại sở hữu: 1) đất thuộc an ninh quốc phòng, bất khả xâm phạm, 2) đất công, do nhà nước quản lý, dùng để ban phát (tạm thời) bổng lộc cho quan và chia cho dân, 3) đất tư nhân, do tư nhân bỏ tiền ra mua, sở hữu và có quyền mua bán, trao đổi. Tình trạng biến của công thành của tư, kẻ có quyền lực và giàu có thôn tính đất đai biến dân nghèo thành vô gia cư, vô sản chỉ diễn ra khi triều đại đó đã đến thời mạt vận.
 
Chu Mộng Long 
 
-------
1) Link bài (đã sửa tít) ông Đặng Hùng Võ phát biểu về việc nhà nước thu "giá trị đất đai tăng thêm": https://vneconomy.vn/gs-dang-hung-vo-gia-tri-dat-dai-tang...
 
2) Link bài ông Đặng Hùng Võ đòi áp thuế giá cao đối với bất động sản: https://www.youtube.com/watch?v=uZHF4pm2qHI
 




 

1 nhận xét :