CÀ PHÊ VỚI ÔNG NGUYỄN QUANG THIỀU
Nhà văn Trần Thanh Cảnh
Nhà văn Trần Thanh Cảnh
Hôm nọ tôi có cuộc cà phê rất thú vị, thẳng thắn với ông Nguyễn Quang Thiều , chủ tịch Hội nhà văn. Như đã nói, tại buổi hôm đó ông đã chính thức mời tôi đăng ký gia nhập Hội nhà văn Việt Nam. Trước đó, ông cũng đã từng gọi điện mời tôi tham gia sinh hoạt hội.
Tại cuộc cà phê hôm nọ, chúng tôi đã trao đổi thẳng thắn thân tình với nhau về nhiều vấn đề, dĩ nhiên chủ đề chính là câu chuyện sáng tác Văn học nghệ thuật. Và cả những vấn đề thế sự nóng bỏng của đất nước và thế giới...
Tôi và ông Thiều đều cho rằng, phàm đã là nhà văn, tức là các trí thức. Thế nhưng hiện có một con số không nhỏ các nhà văn, đứng trước những vấn đề bức xúc của nhân dân, những sai trái trong xã hội, rồi những vấn đề quốc tế liên quan đến nước nhà...hầu như họ không dám mở miệng ra bày tỏ chính kiến!
Nhà văn, như một thiên định, phải mặc nhiên đứng về nhân dân yếu thế bị chèn ép bóc lột, phải đứng về tổ quốc mình, phải bênh vực lẽ phải. Nhưng họ không dám mở mồm ra, ngay cả trên một diễn đàn mở như facebook, thì làm sao họ dám viết gì có ích cho mọi người trong tác phẩm của mình? Và nếu họ có viết gì đó thì ai thèm đọc của họ, đọc có ích gì?
Có người nói rằng, nhà văn nói bằng tác phẩm. Đúng, nhưng chưa đủ! Nhà văn, như đã nói đương nhiên là trí thức. Vậy anh phải làm trách nhiệm của trí thức: phải mở miệng ra! Nếu nhà văn không dám mở miệng lên án sai trái bất công, bênh vực người dân thấp cổ bé họng thì, ai là người đó đây?
Nhà văn không dám mở miệng là họ đã tự từ bỏ vai trò, họ không còn là trí thức nữa. Họ đang ngủ mê với cái danh hiệu hão huyền "nhà văn" của mình...
Tất nhiên một khi đã mở miệng, đã dám phản biện lại những sai trái trong xã hội sẽ gặp không ít phiền toái. Cá nhân tôi đã gặp nhiều, thậm chí cả những lời đe dọa bắt giam. Tuy nhiên tôi chỉ cười vì tin chắc vào bản thân, rằng nếu mình hành động vì cái chung, vì sự tốt đẹp lên của xã hội sẽ chẳng sợ gì. Tôi còn cười và bảo họ: "Thời bộ đội biên giới toàn cơm hẩm cá mục mà chúng tôi còn vượt qua được, thì nay có bị bắt tù cũng còn sướng hơn xưa, chuyện nhỏ! Nên đừng mang cái sự tù đày ra dọa!"
Trở lại câu chuyện với ông Thiều, tôi thấy đồng cảm với quan điểm của ông về trách nhiệm xã hội của nhà văn. Nên tham gia đồng hành với ông trong những việc giúp ích cho cái chung có lẽ là điều nên làm, cũng không cần phải cố chấp hay giữ kẽ gì nhiều...
Bởi suy cho cùng, cống hiến cho cộng đồng, chẳng phải là mục đích khi chúng ta cầm bút sao?!
- Chúng ta nên có định nghĩa "trí thức" sao cho đơn giản và dễ hiểu, nhưng chặt chẽ, chính xác (không thể hiểu sai). Luôn luôn dùng nó cho những trường hợp cụ thể.
Trả lờiXóa- Nhà văn là nhà văn. Có kiêm trí thức hay không, còn phải thêm tiêu chuẩn.
- Nhà văn (trong Hội) bị đe dọa mà Hội không tỏ thái độ thì đó là cái "hội" gì?
Tôi kính trọng hai anh
Trả lờiXóa