Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2021

Phạm Xuân Nguyên: NGUYÊN NGỌC NGƯỜI ĐI

NGUYÊN NGỌC NGƯỜI ĐI

Bài: Phạm Xuân Nguyên
5.9.2021

Hôm nay sinh nhật nhà văn Nguyên Ngọc (5/9/1932). Ông đã bước vào tuổi chín mươi. Mấy năm nay ông rời hẳn Hà Nội đưa cả nhà về sống ở Hội An. Đầu óc ông vẫn minh mẫn, văn viết ra (văn chương và văn hóa) vẫn phập phồng ảo diệu con chữ, đem lại cho độc giả rất nhiều khoái cảm. Chỉ có cái chân ông hơi yếu, đi lại phải chống gậy. Nhưng tôi vừa gọi điện chúc mừng ông hỏi thăm cái chân thì ông bảo nhờ có người cho một loại uống thuốc mà nay đã bỏ được gậy, có hôm đi bộ được một cây số. 

Ông vốn là người đi nhiều đi rộng đi sâu. Khi đã chuyển về Hội An ông vẫn thường ra Hà Nội dự hội thảo, đi nói chuyện, gặp gỡ bạn bè. Cái chân đau đã in dấu tuổi tác lên ông. Nay nghe ông bỏ gậy chống là một tin mừng. Không đi xa được nhiều nữa nhưng ông vẫn miệt mài đi trên trang sách viết và dịch. Giờ bạn bè đến Hội An lại có địa chỉ nhà Nguyên Ngọc để quây quần hội ngộ.


Chúc mừng tuối mới nhà văn Nguyên Ngọc (mà chúng tôi vẫn gọi đùa là “Chính ủy”), tôi đưa lại mấy câu thơ viết mừng ông gần mười năm trước. Những chữ trong ngoặc kép là tên sách, tên bài của ông. Sau mười năm ông đã thôi làm ở trường Phan Chu Trinh nhưng vẫn duy trì Viện Phan Chu Trinh như một gắng gỏi làm một cái gì đấy tử tế cho văn hóa nước nhà. Vì vậy tôi đưa lại một câu ông viết về Tây Nguyên nhưng cũng là về văn hóa nói chung để thấy nỗi niềm đau đáu của ông.

Sống cùng “đất nước đứng lên”
Tám mươi năm ấy “nhớ quên” những gì
Đi con “đường chúng ta đi”
“Đôi chân trần” mải miết vì dặm xa
“Rẻo cao cát cháy” đã qua
“Đường mòn trên biển” vẫn là hôm nay
“Lắng nghe cuộc sống” hàng ngày
“Rừng xà nu” vẫn thẳng ngay kiên cường
Vừa đi vừa “nghĩ dọc đường”
Tám mươi tuổi bước vào trường Châu Trinh
Đường xa muôn nỗi gập gành
Đã đi, đi tiếp, như hành quân xa.

*

“Con người Tây Nguyên là con người sống rất chông chênh, trên một ranh giới mong manh, bên này là rừng, bên kia là xã hội. Họ luôn bị níu kéo giữa hai bên. Tây Nguyên chính là sự chông chênh kia, một thế bền vững chông chênh, một thế chông chênh bền vững. Đấy là con người, đấy là văn hóa. Mà có phải văn hóa thì bao giờ cũng chông chênh không? Văn hóa nào cũng vậy, nếu quả thật là văn hóa. Bởi văn hóa là sự cố gắng bứt ra của con người khỏi tự nhiên, bứt ra nhưng vẫn cứ phải dính liền, không chìm nghỉm hẳn trong ấy nhưng vẫn còn phải nhúng rễ rất sâu trong ấy. Nếu không muốn khô khốc, cằn cỗi, chết rụi. Dường như nghệ thuật chính là biểu hiện cuộc níu kéo dai dẳng mãi mãi ấy. Và Tây Nguyên thì rất nghệ thuật.” (Nguyên Ngọc, Các bạn tôi ở trên ấy, Nxb Phụ Nữ Việt Nam, tr. 125).

.

 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét