Thứ Hai, 3 tháng 10, 2022

Nguyễn Trung: TRUNG QUỐC LÀ KẺ THÙ HAY LÀ BẠN CỦA TA?

Ông Nguyễn Trung. Ảnh: Nguyễn Xuân Diện

TRUNG QUỐC LÀ KẺ THÙ HAY LÀ BẠN CỦA TA?

Nguyễn Trung
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan và CHLB Đức
Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Câu hỏi ngàn xưa này hiện đang nóng lên. Song trong bối cảnh đối kháng thế kỷ Mỹ - Trung hiện nay, những sự kiện trên Biển Đông từ đầu tháng bẩy 2019 khiến cho mỗi chúng ta có cảm giác như đang nắm cục lửa trong tay!

Có hàng trăm lý do để nói ngay: Trung Quốc là thù!

Nhiều lắm, lịch sử chẳng quên bất cứ cái gì, không thể kể hết được!

Ví dụ, việc đánh ta trong chiến tranh 17-02-1979 với bao nhiêu tội ác tày trời, ta có thể coi đấy là quốc hận.

Việc đánh chiếm các đảo và vùng biển của ta phải gọi là xâm lược.
Sách của học sinh trước đây vẫn nói …nước ta một dải từ mục Nam Quan đến mũi Cà Mâu[1], nhưng bây giờ làm gì còn mục Nam Quan, làm gì còn thác Bản Dốc (phần chính)!…

Có đủ các lý lẽ để coi hội nghị Thành Đô là quốc sỉ về mặt ngoại giao (không phải vô lý cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã coi sự kiện này là mở đầu thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai).

Đường sắt trên cao ở Hà Nội phải được coi là tượng đài của sự ươn hèn đối với thủ đô của chúng ta!

Nào là bô-xít Tây Nguyên và hàng trăm công trình kinh tế tầm quốc gia (thuộc công nghiệp trung ương) rởm về chất lượng, đang làm điêu đứng kinh tế và gây ô nhiễm môi trường nước ta…

Nào là sự thâm nhập của hàng lậu chẳng những xói mòn nền kinh tế mà còn đem vào nước ta bao nhiêu độc hại chết người và bệnh tật mới.

Nào là sự can thiệp của quyền lực mềm Trung Quốc mà tướng Trương Giang Long đã thẳng thắn cảnh báo nhân dân cả nước, sự lệ thuộc trầm kha trên phương diện kinh tế, những lệ thuộc chính trị khác do những yếu kém của thể chế chính trị nước ta!.. Có thể nói chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam độc lập thống nhất đã lũng đoạn và góp phần quan trọng vào làm thui chột hẳn một giai đoạn phát triển của nước ta trong thế giới hôm nay. Tuy nhiên cũng phải nói rõ, nguyên nhân của thực trạng này của đất nước trước hết và chủ yếu là do hệ quả chế độ toàn trị của nước ta, không thể một chiều đổ hết mọi lỗi cho phía Trung Quốc.

Và hiện nay, những hành động xâm lược vùng biển nước ta tại khu vực bãi Tư Chính đang làm cho quan hệ Việt – Trung trở nên vô cùng căng thẳng.

Vân vân và vân vân…

- Trung quốc có những điểm gì để Việt Nam coi là bạn?

- Cũng nhiều đấy, nhiều điểm quan trọng là khác, song nhìn tổng thể danh mục bạn ngắn hơn danh mục thù. Có thể nói nhân dân ta không bao giờ quên những giúp đỡ to lớn của Trung Quốc trong 2 cuộc kháng chiến lớn của nước ta, những thành quả nước ta được thụ hưởng trong những hợp tác song phương thành công giữa hai nước… …

- Họ giúp ta vì ta đánh Mỹ cho họ, đâu có vô tư!

- Có chuyện ấy, nhưng vì là vấn đề khác, nên dẹp sang một bên lúc nào đó tính sau. Ta nên sòng phẳng, coi giúp là giúp, không vô ơn.

- Nhưng với khát vọng phục hưng đế chế Trung Hoa, muốn chia đôi thế giới để sẽ giành quyền lãnh đạo thế giới, rồi còn bao nhiêu hành động can thiệp khác.., vậy làm sao có thể coi Trung Quốc là bạn được? Thâm chí Việt Nam có xin làm bạn cũng không được! Có phải thế không?

- Đúng như vậy, song nói thế vẫn chưa đủ…

Chẳng ai thay đổi được bản chất của đế chế Trung Hoa. Trung Quốc hôm nay là vấn đề của cả thế giới chứ không phải chỉ riêng Việt Nam.

Nhìn toàn bộ, trong thực hiện giấc mộng Trung Hoa, những mưu chước và hành động trên những lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao, quân sự… mà Trung Quốc đang vận dụng đối với cả thế giới – trong đó có Việt Nam – xin đặc biệt lưu ý: Tất cả những mưu chước và hành động này có xuất xứ và bề dày kinh nghiệm từ thời Chiến Quốc (500 năm TCN), và tuy được vận dụng trong thời hiện đại, nhưng về cơ bản vẫn nằm trong khung khổ của tư duy và chiến lược thời Chiến Quốc, cho dù quy mô thâm độc, tàn ác và tàn phá có thể lớn hơn, hiện đại hơn (ví dụ như chiến lược vành đai - con đường là chùm lên cả thế giới), song vẫn không vượt qua được bản chất «zero sum game» và «mục tiêu biện minh cho biện pháp» trong tư duy và chiến lược thời Chiến Quốc. Nên hiểu rõ điều này để thấy được bản chất của vấn đề Trung Quốc hôm nay. Tuy vậy, Mỹ và phương Tây đến hôm nay vẫn còn không ít mơ hồ về thực tế Trung Quốc này! Dẫn chứng sờ sờ là họ để cho Trung Quốc trỗi dậy như hiện tại rồi mới thức tỉnh, và hiện vẫn còn không ít những điểm mơ hồ tiếp!

- Vậy Trung Quốc chỉ có thể là thù, không bao giờ có thể là bạn của Việt Nam được! Mấy chục năm nay những lời tốt đẹp của họ đối với nước ta đều là dối trá!

- Việt Nam vĩnh viễn là láng giềng của Trung Quốc. Nghĩ như vậy có nghĩa Việt Nam muốn coi Trung Quốc là kẻ thù vĩnh viễn hay sao?

- Nhưng Việt Nam bé teo thế này làm sao thay đổi được bản chất Trung Quốc!? Đương nhiên cả, thế giới và chính bản thân Trung Quốc đều biết tỏng: Việt Nam không bao giờ và càng không dại gì lại tự mình đi gây thù địch với Trung Quốc! Có hòa bình để sống là nước độc lập, tự chủ, bình đẳng bên cạnh Trung Quốc thì còn gì bằng!..

- Đúng thế. Nhưng coi Trung Quốc là thù, hay là bạn, đều không thể thay đổi được Việt Nam vĩnh viễn là láng giềng của Trung Quốc…

Sự thật là từ hàng nghìn năm nay Việt Nam vẫn là láng giềng của Trung Quốc. Từ hàng nghìn năm cho đến hôm nay sự thật cho thấy, Trung Quốc không thể chiếm đóng vĩnh viễn, không thể độ hộ, và không thể đồng hóa được Việt Nam.., chỉ vì Trung Quốc đã làm mọi cách nhưng không thể mà thôi, chứ không phải do Trung Quốc không muốn! Cũng từ hàng nghìn năm cho đến hôm nay, sự thật cho thấy Việt Nam có những khoảng thời gian nhất định có hòa bình để sống bên cạnh Trung Quốc, mà nguyên nhân cũng chỉ là Việt Nam có những thứ mà khiến Trung Quốc không thể đối xử khác đối với Việt Nam, chứ không phải do lòng tốt nào; và họ tự bào chữa theo kiểu đại Hán: Thôi, ta tha cho làm phúc!..

Đại thể bức tranh toàn cảnh quan hệ Việt – Trung hiện nay là như vậy.

*
Biển Đông hiện nay càng nóng hơn bao giờ hết, nhất là Trung Quốc đang có những bước đi nhằm vào Việt Nam để tăng cường thế mạnh áp đảo tại chỗ trong đối kháng thế kỷ với Mỹ.

Đơn thuần trả lời câu hỏi Trung Quốc là thù, hay là bạn? không phải là giải pháp cho Việt Nam. Thậm chí về lâu dài còn phải tìm cách làm cho Trung Quốc dù họ muốn hay không cũng phải chấp nhận Việt Nam là nước láng giềng có độc lập chủ quyền, phải chấp nhận có hòa bình và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam. Nói mong muốn hữu nghị với Trung Quốc là phải hiểu hữu nghị theo nội dung này, với nghĩa là nước ta phải có bản lĩnh và sức mạnh để giành lấy và gìn giữ đời này qua đời khác. Hữu nghị như thế là tiết kiệm xương máu cho cả hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời phục vụ sự phát triển thịnh vượng của hai nước. Mong muốn đòi thoát Trung là hiểu được và chính đáng, nhưng chưa đủ, và ít nhiều vẫn là tâm lý cảm tính, chạy trốn. Trong khi đó sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc đòi hỏi mỗi chúng ta hôm nay phải đứng vững vàng ngay tại chỗ trên mảnh đất địa đầu của tổ quốc mình, chứ không chạy đi đâu hoặc theo ai, và phải thoát bằng được mọi yếu kém của chính chúng ta! Mặt khác, mọi kích động sự thù hận giữa Việt Nam và Trung Quốc chỉ làm hại đất nước ta, càng làm cho phía ta dễ mắc mưu Trung Quốc mà thôi.

Đặt vấn đề như vậy, giải pháp cho vấn đề Trung Quốc của Việt Nam trong thế giới hôm nay nằm trong toàn bộ những bài học rút ra từ thực tiễn lịch sử quan hệ Việt - Trung kể từ ngày lập quốc cho đến hôm nay. Không một chủ nghĩa hay ý thức hệ, hay tình đồng chí nào có thể thay thế những bài học này.

Trong kiến nghị (tháng 5-2019) về Đại hội XIII sắp tới của ĐCSVN[2], tôi đã trình bầy với lãnh đạo ĐCSVN: Thất bại của ĐCSVN trong xây dựng và xúc tiến quan hệ Việt – Trung là thất bại ngoại giao lớn nhất của đất nước độc lập thống nhất. Nguyên nhân chủ yếu là phía ta đã bỏ qua toàn bộ những bài học xương máu vô cùng quan trọng trong thực tiễn quan hệ Việt – Trung kể từ ngày lập quốc đến nay – nghĩa là không đứng trên lập trường dân tộc và dân chủ vì đất nước, mà lại đi lấy ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng cho thiết lập và xúc tiến mối quan hệ ngoại giao quan trọng bậc nhất này của quốc gia! Thậm chí còn mơ hồ đến mức coi «sự phát triển của nước này là cơ hội của nước kia»[3]. Cả nước và dân tộc ta cho đến hôm nay đã phải trả giá đắt! Rất đắt!

Rất đau lòng, trên đây cũng là bản quyết toán đầy tổn thất mọi mặt của mối quan hệ Việt – Trung 4 thập kỷ độc lập thống nhất của nước ta, dựa trên quan điểm «giữ đại cục», để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc theo lập trường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội và kiên định với chủ nghĩa Mác – Lênin. Cũng không phải là quá lời, nếu nói «vì giữ đại cục» nên đất nước ta mới bị kìm hãm và có quá nhiều chuyện khốn khó như hôm nay. Để làm rõ kết luận này, xin thử hình dung, sau 30 năm công nghiệp hóa với nguồn lực và cơ hội rất lớn (lớn hơn của Hàn Quốc 30 năm đầu tiên công nghiệp hóa rất nhiều!), nếu Việt Nam hôm nay có một nền kinh tế và một thể chế chính trị như của Hàn Quốc, mối quan hệ Việt - Trung và tình hình trên Biển Đông hôm nay sẽ ra sao?!

Trong Kiến nghị tháng 5 – 2019 tôi đề nghị phải thay đổi hoàn toàn mối quan hệ Việt – Trung, để giành lấy mối quan hệ hữu nghị đúng đắn như đã trình bày trên, lấy phát huy sức mạnh của dân tộc và dân chủ giải phóng mọi tiềm lực của đất nước và tranh thủ được sự hậu thuẫn của cả thế giới tiến bộ để thực hiện[4]; trong khi đó ngoại giao đu dây, ngoại giao «3 không» chỉ tự trói tay mình. Có dân với tính cách là một dân tộc tự do, có sự hậu thuẫn của cả thế giới tiến bộ như thế, nước ta mới chấm dứt được thân phận con tốt, mới có thể chủ động tạo ra con đường và cùng đi được với Trung Quốc cho hòa bình, hợp tác và phát triển. Mặt khác có dân như vậy và cùng đi với cả thế giới như vậy, nước ta mới có thể làm tất cả mọi việc phải làm mà sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hôm nay đòi hỏi. Và một khi đất nước bị xâm lược, sức mạnh tự vệ của đất nước chúng ta sẽ là bất khả kháng.

Sẽ không có mấy ý nghĩa và mối nguy Trung Quốc đối với nước ta chắc chắn sẽ vẫn là nguyên vẹn, nếu như chúng ta chỉ đắm mình vào câu hỏi «Trung Quốc là thù hay là bạn?» Hơn bao giờ hết trong thế giới sang trang quyết liệt hôm nay, Việt Nam phải bằng mọi nỗ lực cao nhất sớm tạo ra cho mình khả năng chủ động như vừa trình bầy bên trên – gọi đấy là khả năng chủ động tạo ra cho Trung Quốc cái không thể trong đối xử với nước ta cũng là cùng một nghĩa!

Chưa nói đến, để tập hợp được sự hậu thuẫn của cả thế giới tiến bộ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của mình, ngoại giao Việt Nam còn phải phát triển và phát huy quyền lực mềm của mình – đó là lấy các giá trị của dân tộc, dân chủ, quyền con người và bảo vệ môi trường để phát triển toàn diện chính quốc gia mình theo tinh thần: Xây dựng một nhà nước mạnh của một dân tộc tự do; đồng thời nhờ đó có tiếng nói chính danh và có thực lực dấn thân cho những giá trị này trên thế giới, để góp phần mình cho tiến bộ kinh tế - xã hội cũng như sự phát triển của cộng đồng các quốc gia trên thế giới. Nghĩa là Việt Nam vừa phải dấn thân hết mình cho lợi ích sống còn của chính quốc gia mình, vừa phải hợp tác trung thực, hết lòng và tin cậy, quyết giữ chữ tín làm đầu với tất cả các đối tác của mình cũng như với mọi hợp tác đã cam kết! Chỉ có mình vì mọi người, mọi người mới vì mình như thế, chúng ta mới thành công, hơn nữa chúng ta lại có chính nghĩa! Kiến nghị tháng 5-2019 nhấn mạnh: Đây chính là thế mạnh tự nhiên rất lớn của Việt Nam trong thế giới quyết liệt hôm nay, rất cần phát huy, nhất là Việt Nam hôm nay không có một lợi ích chiến lược nào thù nghịch với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, Việt Nam có quan hệ kinh tế - chính trị tốt với tất cả 5 châu lục, hầu hết các nước trên thế giới đều ủng hộ Việt Nam – chỉ có Trung Quốc là ngoại lệ!

*
Hiển nhiên sự sống còn và yêu cầu phát triển của đất nước ta trong thế giới quyết liệt hôm nay đòi hỏi phải có một thể chế chính trị quốc gia và những bộ não lãnh đạo đủ sức thiết kế và thực hiện thành công một đường lối đối ngoại như thế! Đòi hỏi này đồng thời có nghĩa, muốn thay đổi mối quan hệ đối ngoại Việt Nam – Trung Quốc hiện nay, chúng ta nhất thiết phải thay đổi toàn diện và triệt để con đường phát triển hiện tại của đất nước theo các yếu tố dân tộc và dân chủ - đơn giản vì ngoại giao phải dựa trên sức mạnh của kinh tế và nội trị theo quy luật muôn đời: Có thực mới vực được đạo! Toàn bộ những việc phải làm được nói tới tại đây chính là hòn đá thử vàng đối với ý chí phấn đấu, lòng yêu nước và bản lĩnh của mỗi người Việt Nam chúng ta.

Toàn bộ những việc phải làm này trước hết là hòn đá thử vàng đối với Đại hội XIII sắp tới của ĐCSVN hôm nay./.

Nguyễn Trung
Hà Nội – Võng Thị, 08-09-2019
________

[1] Mọi người Việt Nam đều nghĩ và nói như vậy, ngày 06-09-2019 VTV1 cho thấy tại cuộc họp bàn về chuẩn bị văn kiện Đại hội XIII TBT – CTN Nguyễn Phú Trọng cũng nói như vậy.
[2] Tìm xem tại VSN (http://www.viet- studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_KienNghiDaiHoiXIII.pdf).
[3] Tuyên bố chung cấp cao Việt nam – Trung Quốc, Hà Nội 13-11-2017 https://vnexpress.net/.../toan-van-tuyen-bo-chung-viet...
[4] Xem toàn văn phần nói về xây dựng lại mối quan hệ Việt – Trung trong Kiến nghị: chương II.4., từ trang 26 đến trang 29. Tìm trên: http://www.viet-studies.net/.../NguyenTrung...

Tác giả gửi cho Viet-studies ngày 8-9-19

5 nhận xét :

  1. Bọn bành trướng Bắc kinh là kẻ thù truyền kiếp còn nhân dân Trung quốc là bạn tập đan nuôi giấc mộng Trung hoa thành bá chủ thế giới đè đầu cưới cổ thế giới - Tập là kẻ thù.

    Trả lờiXóa
  2. Kính chúc tác giả mạnh khỏe sống lâu hạnh phúc tuổi già.Hình như có hàng nghìn người cỡ tác giả về hưu nhưng họ hàng ngày "uống rượu, chơi cờ"có vẻ mãn nguyện với cuộc sống riêng, không đau đáu với nước như tác giả?

    Trả lờiXóa
  3. Nên sửa tiêu đề thành "Trung Quốc là bạn hay kẻ thù của chúng ta?"

    Trả lờiXóa
  4. Tôi đồng tình với quan điểm của bác Nguyễn Trung. Trong đối ngoại với Trung quốc phải đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hết. Không thể mang y thức hệ ra thay thế trong quan hệ đối ngoại. Không có đồng minh mãi mãi. Cũng không có kẻ thù vĩnh viễn. Cha ông ta hàng ngàn đời nay vẫn sống bên cạnh Trung quốc. Hàng ngàn đời sau vẫn vậy. Quan trọng nhất, vãn là quan điểm của lãnh đạo hiện nay. Nếu thực sự vì dân vì nước, lắng nghe tiếng nói của mọi tần lớp nhân dân. Chắc chắn sẽ đưa ra được đối sách phù hợp. Nhưng chúng la cũng phải tính đến những khó khăn của đất nước hiện nay. Lào. Campuchia đã nằm trong tay Trung Quốc. Dòng sông Mê Kông đã bị hệ thống đập thủy điện của Trung Quốc và tiền của Trung quốc. Khiến cho đồng bằng sông Cửu long khô cạn. Ngoải biển Đông Trung quốc đang tuyên bói và thực tế đã chiếm 80% biển Đông. Chưa bao giờ đất nước chúng ta lâm vào thế khó như hiện nay. Nếu không có sự đồng lòng. Muôn người như một. Sẽ rất khó đưa đất nước phát triển.

    Trả lờiXóa
  5. Có một hệ lụy rất lớn khiến Việt Nam luôn bị bấp bênh, đó là hàng ngũ Việt gian bị Tàu cài cắm và mua chuộc. Đám Việt gian này chắc chắn đang trà trộn ở mọi tầng lớp trong xã hội và ngay cả ở thượng tầng lãnh đạo đất nước, chúng luôn tạo ra bất ổn trên mọi phương diện khiến Việt Nam không ổn định và phát triển được.

    Trả lờiXóa