Nếu Đức Thánh Trần không phải anh hùng dân tộc thì nào chỉ có lư hương mà tượng đài cũng bị phá từ lâu rồi. Tại sao trước 1975, Hải quân Việt Nam Cộng Hoà lấy biểu tượng Đức Thánh Trần và tôn xưng ngài làm thánh tổ Hải quân?
Bởi ý thức tinh thần dân tộc đã được thể hiện mạnh mẽ trên dòng chữ dưới chân tượng đài: “Phen này nếu ta không phá xong giặc Nguyên, thề không bao giờ trở lại khúc sông này nữa”.
Bởi ý thức tinh thần dân tộc đã được thể hiện mạnh mẽ trên dòng chữ dưới chân tượng đài: “Phen này nếu ta không phá xong giặc Nguyên, thề không bao giờ trở lại khúc sông này nữa”.
74 chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong trận Hải chiến ngày 19/1/1974 khi giặc Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. 64 chiến sĩ hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh trong trận Hải chiến Gạc Ma, quần đảo Trường Sa ngày 14/3/1988. Và biết bao đồng bào chiến sĩ hy sinh trong trận chiến biên giới được Trung Quốc phát động xâm lược ngày 17/2/1979.
“Thác là thể phách còn là tinh anh”.
Họ có chung một linh hồn dân tộc. Họ chết vì tư tưởng thà chết không chịu làm quận huyện của phương Bắc, họ chết để biên giới hải đảo luôn ghi nhớ mối nợ nước này. Họ chết để hội tụ cùng hồn thiêng sông núi, để hoá thân vào làm một với Như Nguyệt, Bạch Đằng…
Có gia đình người Việt nào không có lư hương thờ Tổ tiên, anh hùng liệt sĩ. Đó không chỉ là tâm linh mà còn là văn hoá. Tượng đài Đức Thánh Trần không chỉ là tượng đài thẩm mỹ, vì thế ngay từ đầu đã có lư hương tôn kính. Để lư hương ở đó thì không ai đem thùng rác đến đặt được. Đó cũng là một nét đẹp văn hoá trong tôn kính tượng đài nhân thần của người Việt.
Văn hoá tôn kính ấy phải cao hơn chính trị thì chính trị ấy mới dân chủ, mới không độc tôn lộng quyền.
Mỗi khi thắp hương là lòng người thức tỉnh, thức tỉnh chí khí tổ tiên, thức tỉnh cả nỗi mất mát của một dân tộc bị bức hiếp trong suốt chiều dài lịch sử. Luôn luôn thức tỉnh thì mới quật cường.
Tại sao chính quyền phải sợ các nhân sĩ trí thức và nhân dân tìm đến đó dâng hoa thắp hương trong những ngày giỗ Thánh, những ngày 19/1, 17/2, 14/3? Vì họ khiếp nhược trước hội tụ tinh thần dân chủ của những Bình Than, Diên Hồng, hay họ đã quên câu nói “Ta thà làm qủy nước Nam không thèm làm vương đất Bắc”?
Một dân tộc nếu không phải mái nhà chung thân yêu của cả kẻ còn người mất, thì dân tộc ấy đâu có lư hương bàn thờ. Nhiên thần, nhân thần, anh linh tiên tổ là chí khí, linh khí non sông, đồng bào, không thể nào báng bổ, xúc phạm…
Cho nên việc trả lư hương về tượng đài Đức Thánh Trần không chỉ là hành động sửa sai mà còn nêu cao đạo lý văn hoá.
Đã có biết bao nhân sĩ trí thức kêu gọi chính quyền thực hiện đạo lý này, vì nó thuận hợp với lòng dân.
Trong lịch sử dân tộc, Hoàng Thái hậu Hiến Từ (1299-1369) từng khâm phục thầy Chu Văn An mà nói lời tâm can này: “Bậc sĩ phu sửa mình trong sạch, dẫu thiên tử cũng không bắt làm bề tôi được…”.
Khi giặc đã vào đến tận nhà, xin đừng bắt dân cúi đầu, phục tùng, nhu nhược, hèn yếu. Bởi một dân tộc hèn yếu khác nào một con thuyền không lái trước sóng to gió lớn…
P/s: Phật giáo và tín ngưỡng dân tộc Việt Nam hoà quyện không thể tách rời. Nói như Giáo sư Cao Huy Thuần, Đất nước này còn, dân tộc này còn thì người chết mới được sống!
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét