Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

CẦN CÓ NGHỊ QUYẾT CỦA CP VÀ QH ĐÌNH CHỈ CÁC DỰ ÁN TƯỢNG ĐÀI


CẦN CÓ NGHỊ QUYẾT CỦA CHÍNH PHỦ VÀ QUỐC HỘI
TẠM ĐÌNH CHỈ TẤT CẢ CÁC DỰ ÁN TƯỢNG ĐÀI

Nhà báo Lưu Trọng Văn

Tình trạng xây tượng đài tràn lan và thiếu tầm văn hoá, kém cỏi tư duy chính trị tạo thành dịch khắp đất nước gây bất bình và phẫn nộ của Nhân Dân có trách nhiệm của chính phủ và quốc hội. Trong tình cảnh kinh tế khó khăn hiện nay đã đến lúc chính phủ và quốc hội phải ra nghị quyết tạm dừng tất cả các dự án tượng đài cho đến khi kinh tế đất nước phát triển và trình độ văn hoá của lãnh đạo đáp ứng được các giá trị đích thực của các tượng đài.
 
Hầu hết các tượng đài mang tính cổ động chính trị chưa cấp thiết và quá ít tác dụng thực tiễn cùng giá trị nghệ thuật kém cỏi, lạc hậu, gây bất bình lớn trong Nhân Dân.

Các công trình này đều tốn kém hàng trăm tỷ thậm chí cả ngàn tỷ tiền mồ hôi nước mắt của Dân trong lúc Dân cần các trường học, bệnh viện, giao thông, đầu tư xoá nghèo, gây phẫn nộ rất chính đáng trong Dân.

Mới đây tỉnh Thanh Hoá đã phê duyệt dự án tượng đài kỉ niệm các chuyến tàu đưa cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc với tổng mức đầu tư 255 tỷ đồng, tại TP Sầm Sơn.

Trước phản ứng của dư luận ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định:"tại thời điểm này, lãnh đạo tỉnh không có chủ trương huy động vốn để triển khai dự án bởi còn tập trung, ưu tiên tối đa cho công tác phòng chống dịch", ông Liêm nói và cho hay việc lựa chọn thời gian triển khai dự án sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng.

Ở đây không có chuyện cân nhắc nữa mà phải dẹp bỏ ngay dự án này vì ý nghĩa của nó cũng như giá trị nghệ thuật kém cỏi của nó.

Hãy nghe phát biểu của bà Trần Tố Nga một cán bộ miền Nam tập kết trên biển Sầm Sơn này:

"Chúng tôi, những người miền Nam tập kết luôn mang trong lòng một tượng đài, tượng đài của lòng biết ơn nhân dân miền Bắc, của món nợ ân tình. Nhưng nhân danh chúng tôi mà lấy tiền, lấy đất của dân để làm một tượng đài như dự định thì chúng tôi không cam lòng.

Một tượng đài gần 300 tỷ cần cho ai ? Những người miền Nam tập kết có đồng tình với việc làm này không? Xin thưa là KHÔNG. Đề nghị dừng ngay việc này".

Theo bà Nga nếu cần ghi nhận sự kiện lịch sử trên chỉ cần một tấm bia tưởng niệm là đủ. Bà nói: "chúng tôi sẽ xin được đóng góp để dựng một bia đá đẹp trên bến Sầm Sơn, cùng với những bia được dựng trên các bến Nghệ An, Thái Bình, những tấm bia thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của của người miền Nam tập kết đối với đồng bào miền Bắc.

Đất nước chúng ta chắc chắn không bao giờ có thể tri ân được hết đối với những hy sinh lớn lao của các thế hệ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, trong đó có hàng triệu người con miền Bắc trên đất miền Nam. Cũng không thể nào ghi nhớ hết những đau khổ, mất mát, chia ly… mà người mất và người còn đều gánh chịu.

Cách tri ân và tưởng niệm tốt nhất là những người đang sống làm tất cả để những hy sinh đó không trở nên vô ích.

Đó là điều chúng tôi luôn canh cánh bên lòng và cũng vì thế, chúng tôi không thể đồng tình với mọi công trình tưởng nhớ kiểu này."

Khi ở địa phương nào đó có các dự án tượng đài cùng mô hình tượng đài không thích hợp, dư luận có quyền quy kết trách nhiệm cho lãnh đạo cao nhất của địa phương từ đó có quyền đánh giá trình độ, đẳng cấp văn hoá cao hay thấp và tư duy chính trị cũ hay mới của các lãnh đạo này.

Đây là chân dung hai lãnh đạo cao nhất hiện nay của Thanh Hoá.

Đỗ Trọng Hưng, uỷ viên trung ương đảng, bí thư tỉnh uỷ, 50 tuổi, tiến sĩ triết học.

Đỗ Minh Tuấn, chủ tịch UBND tỉnh, 49 tuổi, tiến sỹ kinh tế.

Gã không khỏi ngạc nhiên với trình độ tiến sỹ triết học và tiến sỹ kinh tế tại sao hai vị này có thể chấp nhận một lối tư duy tượng đài kém cỏi và thô kệch như trên?

Tình trạng xây tượng đài tràn lan và thiếu tầm văn hoá, kém cỏi tư duy chính trị tạo thành dịch khắp đất nước gây bất bình và phẫn nộ của Nhân Dân có trách nhiệm của chính phủ và quốc hội.

Trong tình cảnh kinh tế khó khăn hiện nay đã đến lúc chính phủ và quốc hội phải ra nghị quyết tạm dừng tất cả các dự án tượng đài cho đến khi kinh tế đất nước phát triển và trình độ văn hoá của lãnh đạo đáp ứng được các giá trị đích thực của các tượng đài.

4 nhận xét :

  1. Anh Lưu Trọng Văn có giấc mơ rất đẹp, rất quý! Nhưng là mơ! Đây là nồi cơm của người ta không thể đụng vào? Họ biết hơn ta. Mấy vạn GSTS hệ thống quy đổi rất nhanh, tiền cho khẩu hiệu, hoa hoét, băng rôn, tượng đài… hàng năm là bao, bằng giá bao liều vắc xin COVID? Nếu không phân công mà chi cho các nhà khoa học thật thi khả năng tự làm vắc xin thế nào?

    Trả lờiXóa
  2. Cụ Hồ đã dặn trước khi chết "đừng tổ chức điếu phúng linh đình, khỏi tốn thì giờ và tiền bạc của Nhân Dân". Thế mà giờ đây chúng vẽ đủ thứ dự án, nhất là "theo nguyện vọng" của Nhân Dân làm tượng đài. Để làm gì? ĐỚP. Hàng ngày chúng vẫn leo lẻo học tập và làm theo...

    Trả lờiXóa
  3. Đúng là tiền của dân, họ sài dân chết. Phải trừng trị những kẻ vô cảm trước nỗi khổ của dân, đóng thuế nuôi bọn chúng, phá tiền dân cho những biểu tượng khoa trương, ngu xuẩn, cuồng tín và trên cả là tham nhũng nấp dưới các tượng đài.
    CNXH không phải hoành tráng ở những tượng đài mà là ở chất lượng cuộc sống của người dân và sự vươn kịp thời đại của một quốc gia. Đừng tự sướng với những tượng đài

    Trả lờiXóa
  4. Đa phần tượng đài quốc doanh ở Việt Nam mang nặng tính chính trị, giá trị nghệ thuật hay lịch sử rất thấp

    Trả lờiXóa