Thầy hiệu trưởng 30 năm ‘cõng’ bạn và duyên gặp gỡ với Ngô Minh Hiếu
VietNamnet
12/10/2020 12:58 GMT+7
Căn phòng nhỏ giữa TP Thái Bình chứng kiến cuộc gặp mặt xúc động: GS.TS Hoàng Năng Trọng, hiệu trưởng Trường Đại học Y Thái Bình, nhà thơ Đỗ Trọng Khơi - người cả đời gắn với xe lăn và Ngô Minh Hiếu, cậu học trò 10 năm cõng bạn.
Họ gặp nhau trên con đường tử tế
Hai thế hệ, hai vùng quê khác nhau, nhưng có chung một câu chuyện, một số phận mang tên: sự tử tế.
Những ồn ào về việc cậu bé Ngô Minh Hiếu “10 năm cõng bạn” thiếu 0,25 điểm để vào Đại học Y Hà Nội rồi cũng sẽ qua đi. Hiếu tiếp tục như bao thí sinh khác: nhập học vào trường mình đủ điểm - Đại học Y Thái Bình. Ước mơ trở thành bác sĩ chưa bao giờ khép lại.
Tại ngôi trường mà em vừa nhập học, có một tình bạn đẹp được viết hơn 30 năm trước. Người trong cuộc chính là thầy Hiệu trưởng của em, cũng bền bỉ “cõng” người bạn tật nguyền của mình - nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, hơn 30 năm trời.
Cuộc tương phùng của 2 thế hệ
Ngày 8/10, cha con Ngô Minh Hiếu từ Thanh Hóa ra Thái Bình để làm thủ tục nhập học. Câu chuyện của cậu bé 10 năm cõng bạn tới trường đã khiến GS.TS Hoàng Năng Trọng, Hiệu trưởng ngôi trường em vừa nhập học, xúc động.
Ông gọi Hiếu lên phòng làm việc, trò chuyện, và nói với em về việc, trường sẽ miễn giảm toàn bộ học phí cho em trong 6 năm học ĐH, được ở tại KTX của trường…
Cuộc hội ngộ hai thế hệ
“Trong nguyện vọng ĐH của Hiếu, em không đủ điểm để vào ĐH Y Hà Nội nhưng nguyện vọng 2 của em, ĐH Y Thái Bình thì đủ điều kiện. Em về nhập học tại trường chúng tôi theo đúng quy chế, sòng phẳng, minh bạch, không có sự ưu ái nào.
Còn việc miễn giảm học phí, cho em ở KTX nhà trường trong thời gian học tập, đây là quyết định của Hội đồng nhà trường. Chúng tôi mong muốn, sự tử tế, nhân hậu ở đâu, bao giờ và khi nào cũng sẽ luôn được xã hội đón nhận”, Hiệu trưởng ĐH Y Thái Bình cho biết.
Tại phòng làm việc, thầy Hiệu trưởng nói với em: “Thầy xúc động trước tình bạn đẹp của em, bởi thầy cũng có một tình bạn đẹp, với một người không được may mắn như chúng ta. Lòng tốt của chúng ta, không phải chỉ giúp họ tồn tại, mà để họ mạnh mẽ sống, có niềm tin sống, yêu cuộc sống”.
Cậu học trò nghèo xứ Thanh vô cùng bất ngờ trước câu chuyện của thầy. Và, cậu đã xin địa chỉ tự tìm đến ngôi nhà nhỏ của nhà thơ tật nguyền Đỗ Trọng Khơi – người có cùng hoàn cảnh như người bạn mà em đã bền bỉ 10 năm cõng trên lưng.
GS.TS Hoàng Năng Trọng, nhà thơ Đỗ Trọng Khơi
“Bạn của cháu có bao giờ bi quan không?”
Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi vừa bước sang tuổi 60. Ông đã có một gia đình nhỏ hạnh phúc: người vợ làm thủ thư trong một thư viện thành phố; hai cậu con trai đang học tiểu học. Đỗ Trọng Khơi vẫn bền bỉ sáng tác trên chiếc giường gắn bó với ông suốt cuộc đời, từ năm ông 11 tuổi, sau cơn sốt khiến ông bị liệt hai chân…
Gần 40 năm qua, ông đã “đi bằng đôi chân” của người bạn mang tên Hoàng Năng Trọng, bây giờ là thầy Hiệu trưởng của Ngô Minh Hiếu.
Ông theo sát câu chuyện của Ngô Minh Hiếu, rồi hoan hỉ viết trên trang cá nhân: “Tên hồ sơ dự tuyển Đại học của em là Ngô Văn Hiếu, báo chí thường gọi là Minh Hiếu, vì lý do lấy tên người bạn liệt chân Nguyễn Tất Minh ghép với tên em thành ra tên gọi Ngô MINH - HIẾU.
Trường hợp tên gọi hai em khiến tôi không khỏi xúc động nghĩ về trường hợp của tình bạn giữa tôi Đỗ Xuân Khơi với thầy Hiệu trưởng Trường Đại học Y Thái Bình Hoàng Năng Trọng. Cũng vì cảm tình bạn mà tôi đã đổi tên bút danh thành ra tên gọi như mọi người biết đến hôm nay, là Đỗ TRỌNG - KHƠI.
Đỗ Trọng Khơi hỏi Hiếu: “Người bạn của cháu có bao giờ bi quan không?”. Cậu học trò xứ Thanh cười bẽn lẽn: “Dạ không ạ. Bạn ấy rất yêu đời, mạnh mẽ”.
Ông hỏi Hiếu, cháu bắt đầu cõng bạn đi học như thế nào? Cậu bé thật thà: “Chúng cháu ở gần nhà nhau, cả hai đứa gia đình đều nghèo như nhau cả. Bố mẹ bạn ấy đi vào Tây Nguyên làm kinh tế mới, bạn ấy không có người đưa đi học, nên buổi đi buổi nghỉ. Cháu không muốn bạn phải nghỉ học nên bắt đầu đưa bạn từ khi đó”.
Bố Hiếu sinh năm 1978, mẹ sinh năm 1981. Hai vợ chồng làm nông, hết mùa thì đi phụ hồ. Việc của trẻ con cõng nhau đi học, với họ, có lẽ cũng chỉ bình thường như một việc hiển nhiên!
Cuộc đời dài lắm…
Năm 1971, cậu bé 11 tuổi Đỗ Trọng Khơi phải từ bỏ những buổi học trường làng. Đôi chân của Khơi bỗng nhiên bị liệt, và teo tóp lại. Cha hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ vào năm căn bệnh hiểm ác đổ xuống đầu anh, người mẹ trở thành quả phụ.
Nằm bất động một chỗ, Khơi làm bạn với chiếc đài bán dẫn mà người mẹ mua cho. Khơi thường mở và không bỏ qua bất kỳ chương trình “Tiếng thơ” nào của Đài tiếng nói Việt Nam. Rồi, những câu thơ ngấm vào anh từ lúc nào không biết, anh làm bạn và sáng tác thơ ca.
Năm 1987, một nhóm bác sĩ, sinh viên của trường Đại học Y Thái Bình về làng của Khơi, trong số ấy, có bác sĩ Hoàng Năng Trọng.
Một ngày tình cờ, Trọng đọc được những bài thơ Khơi viết được lan truyền tại Trạm xã xá. Biết được tác giả của những truyện ngắn, những bài thơ là một chàng trai tật nguyền từ nhỏ, Trọng bất ngờ lắm.
Rồi Trọng tìm đến khi Khơi đang nằm một mình buồn bã trên chiếc giường. Anh động viên cậu bạn cùng tuổi: “Cậu hãy tiếp tục viết, và cố gắng giữ lại những bản thảo ấy. Tôi có điều kiện gần các tòa báo, tôi sẽ mang thơ của cậu tới gửi cho họ”.
Và, tình bạn của họ bắt đầu như vậy!
Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi và cậu học trò 10 năm cõng bạn Ngô Minh Hiếu
Cuộc gặp thành định mệnh
Mùa thu năm 1993, Khơi đổ bệnh. Chạy chữa ở quê cả tháng trời mà không khỏi, Trọng về, nhìn thấy người bạn rạc đi, da tái xám, ho từng cơn như xé phổi, xót xa bảo: “Phải lên bệnh xá (trường ĐH Y Thái Bình) điều trị thôi, Khơi ạ!”.
Đỗ Trọng Khơi nói, những cột mốc đánh dấu cuộc đời anh luôn có bóng dáng của Hoàng Năng Trọng. Năm 1993, trường ĐH Y Thái Bình tổ chức một buổi bình thơ, mời nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi.
Hoàng Năng Trọng đã nhờ nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đọc giúp bản thảo 45 bài thơ của Khơi mà Trọng đã cẩn thận chép tay lại. Sau này, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi tâm sự , khi tiếp nhận tập “Con chim thiêng vẫn bay” từ Trọng, trong ông ánh lên những tia hy vọng về một tâm hồn thơ trẻ, dù người thơ ấy ông chưa gặp.
Tháng 11/1993, Trọng lặn lội từ Thái Bình lên Hà Nội tìm gặp nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, đưa cho ông 10 bài thơ mới của Khơi mà Trọng đã đánh máy sạch sẽ.
Con đường bước vào thơ ca của Khơi, cũng nhờ sự bền bỉ của người bạn Hoàng Năng Trọng.
Bên cậu học trò 10 năm cõng bạn, GS.TS Hoàng Năng Trọng bảo: “Thầy cũng như Hiếu, giúp đỡ bạn, mọi người sẽ thường nghĩ, người tật nguyền đang nhận sự giúp đỡ, nhưng không phải. Từ rất lâu, thầy ỷ vào bác Khơi, coi bác ấy như pho từ điển cất giữ giúp mình những kiến thức về xã hội, bởi mình bận chuyên môn, không có nhiều thời gian để tìm hiểu những lĩnh vực khác. Thế là có việc gì cũng chạy sang để hỏi Khơi, đó là chỗ dựa của riêng mình”.
Và bây giờ, hai người bạn đã có cơ hội ở gần nhau, làm hàng xóm của nhau, cách nhau vài trăm bước chân. Bền bỉ hơn 30 năm qua, họ đã ở bên nhau, với cậu học trò Ngô Minh Hiếu, để minh chứng rằng, cuộc đời luôn có những điều tốt đẹp!
Kiên Trung
VTV 19 giờ hôm qua đại hội đảng bộ thành phố Hà Nội, ông Trọng lại đòi "giáo dục nhân dân"! Ối giời! Ông Trọng là công dân, người khác cũng là công dân, công dân Trọng lấy tư cách gì "giáo dục" công dân khác! Hả? Công dân Trọng?
Trả lờiXóaĐúng là những tình bạn đẹp. Trong một xã hội mà quan tham có mặt ở khắp nơi,Giáo dục xuống cấp trầm trọng và đồng tiền có thể mua được tất cả thì hình ảnh của Thầy Trọng , bác Khơi, Minh và Hiếu lại càng đẹp hơn.
Trả lờiXóa