Thứ Năm, 21 tháng 5, 2020

Vụ án Hồ Duy Hải: 6 VẤN ĐỀ VIỆN KSNDTC ĐỀ NGHỊ XEM LẠI

Đại diện VKSND Tối cao phát biểu quan điểm trong phiên giám đốc thẩm 
vụ Hồ Duy Hải. Ảnh: Báo Công lý.

6 vấn đề VKS đề nghị xem lại 
trong vụ án Hồ Duy Hải
Thứ năm, 21/5/2020, 10:34 (GMT+7) 
Thời gian Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường, dấu vân tay, động cơ gây án... được cho là còn mâu thuẫn nghiêm trọng, VKSND Tối cao đề nghị xem lại vụ án.

Báo cáo Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, VKSND Tối cao cho rằng vụ án Hồ Duy Hải còn nhiều vấn đề mâu thuẫn chưa được làm rõ; đề nghị chỉ đạo, xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hôm 8/5.

Động thái này được VKS đưa ra sau một tuần kháng nghị "hủy án để điều tra lại" bị bác - tức là mức án tử hình đối với Hồ Duy Hải về tội Giết người Cướp tài sản có hiệu lực lập tức.

Theo VKS, việc sử dụng thời gian của Hải thể hiện anh ta không thể có mặt ở Bưu cục Cầu Voi (tỉnh Long An) trước thời điểm nhân chứng Đinh Vũ Thường đến gọi điện thoại lúc 19h39 - như cáo buộc của hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Bởi lúc 19h13 Hải đang có mặt tại hiệu cầm đồ cách đó khoảng 7,5 km.

Ngoài ra, quá trình khám nghiệm hiện trường cơ quan điều tra thu giữ 5 dấu vân tay - giám định không phải của Hải nhưng chưa làm rõ dấu vân tay của ai; chưa làm rõ thời điểm 2 nạn nhân chết để xác định Hải có hay không phải hung thủ; con dao bị cáo mô tả dùng gây án có khả năng gây ra vết thương trên cơ thể nạn nhân không.

Bản án sơ thẩm và phúc thẩm kết luận động cơ gây án chưa phù hợp với tình tiết khách quan; vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng khi bỏ ngoài hồ sơ nhiều tài liệu quan trọng như lời khai ban đầu của bị cáo, lời khai nhân chứng, thu giữ dấu vân tay... 

VKSND Tối cao cho rằng, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, Hải bị áp dụng mức hình phạt cao nhất nhưng chứng cứ buộc tội chủ yếu là lời khai của bị cáo và không có chứng cứ trực tiếp. Trong khi lời khai của bị cáo không nhất quán và mâu thuẫn nhau (lúc nhận tội, lúc kêu oan) và mâu thuẫn với các tài liệu chứng cứ khác. "Vụ án cần phải điều tra lại để thu thập thêm chứng cứ và khắc phục những thiếu sót, vi phạm nhằm giải quyết đúng pháp luật", báo cáo nêu.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nói về kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải, khi tiếp xúc cử tri tại TP HCM hôm 18/5. Ảnh: Hữu Công.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cũng cho rằng, kháng nghị ngày 22/11/2019 về việc giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải là "đúng luật, đúng thẩm quyền, có căn cứ và cần thiết". Bởi trước khi kháng nghị, Viện trưởng đã báo cáo xin ý kiến Chủ tịch nước, đề nghị Chủ tịch nước tiếp tục tạm dừng thi hành án tử hình để xem xét kháng nghị. Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước "đề nghị Viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải".

VKSND Tối cao cho rằng, nhận định của Hội đồng thẩm phán là "trái nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự". Đó là nguyên tắc "suy đoán vô tội", "xác định sự thật trong vụ án", "tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra", và "trọng chứng hơn trọng cung".

"Quy định của pháp luật hiện hành không có bất cứ điều khoản nào hạn chế quyền kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND Tối cao", báo cáo nêu.  

Với các nội dung trên, Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết sẽ kiến nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm theo thủ tục đặc biệt. 

Phiên giám đốc thẩm có toàn bộ 17 thẩm phán cao cấp của Việt Nam.

Trước đó, tại phiên giám đốc thẩm ngày 8/5, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã kết luận những vi phạm này chỉ là sai sót về tố tụng và không làm thay đổi bản chất vụ án 

Lý giải về những mâu thuẫn trong vụ án, Hội đồng giám đốc thẩm nhận thấy lời khai của nhân chứng về người có mặt ở hiện trường "phù hợp với đặc điểm nhận dạng của Hải khi có tóc mái dài, mặc áo ngắn tay màu xanh đen...". Lời khai của Hải đưa tiền cho một trong hai nạn nhân đi mua trái cây cũng phù hợp với việc có nhân chứng khai thấy cô làm việc này. Tại hiện trường có trái cây.

Lúc 19h30 ngày 13/1/2008, nhiều nhân chứng thấy Hải có mặt ở Bưu cục Cầu Voi. Trước đó, 19h13, Hải ở hiệu cầm đồ sau đó di chuyển và có mặt ở bưu cục vào 19h30. "Việc Hải có mặt tại hiện trường là có căn cứ", quyết định giám đốc thẩm nêu.

Tại các bản cung của Hải đều khai không bị bức cung, dùng nhục hình. Do tâm lý lo sợ, muốn kéo dài thời gian sống nên Hải bịa những lời khai mâu thuẫn. 

Các vấn đề khác như thời điểm chết của nạn nhân, kết quả khám nghiệm tử thi, lời khai ban đầu của Hải và một số nhân chứng, sửa chữa biên bản ghi lời khai... Hội đồng giám đốc thẩm cho là "không phải chi tiết chứng minh hành vi phạm tội, không ảnh hưởng tới bản chất của hành vi phạm tội". 

Hội đồng thẩm phán cũng cho rằng, kháng nghị của VKSND Tối cao là trái luật do trước đó Chủ tịch nước đã có quyết định bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải và quyết định này đang có hiệu lực.

4 nhận xét :

  1. Ông Nguyễn Hoà Bình nói đùa 2 vấn đề:
    1) Kháng nghị của Viện Kiểm sát là trái luật. Đùa là vì ông vẫn mở phiên giám đốc thẩm, có nghĩa Kháng nghị của Viện Kiểm sát vẫn đúng luật;
    2) Tố tụng có sai sót nhưng bản chất vụ án vẫn không thay đổi! Mọi người chưa hiểu ý ông nói. Thật ra ông Bình nói tố tụng có sai sót nhưng bản chất vụ án không thay đổi, vẫn là vụ án giết người. Ông quên không nói tiếp: Chỉ có thủ phạm là thay đổi: không phải Hồ Duy Hải mà là kẻ nào đó không ai biết, nó đã biến khỏi trái đất không để lại dấu vết! Thế nhưng vụ án giết người mà không có tội phạm hoá ra là vụ tự tử à? Do vậy, Hồ Duy Hải vẫn phải chịu tội, bị tử hình!
    Sau vụ này các giáo trình Luật tố tụng hình sự phải viết lại, do ông Nguyễn Hoà Bình làm chủ biên!

    Trả lờiXóa
  2. Dân là Dân, là Trời Phật không băng nhóm, phe Viện hay phe Toà. Dân cần sự thật. Xử án bằng lý luận, suy đoán là láo toét. Ủng hộ ông Lê Minh Trí!

    Trả lờiXóa
  3. Sai lầm nghiêm trọng nhất trong công tác điều tra vụ án này là các ĐTV không kịp thời thu giữ bảo quản vật chứng, vội vàng thiêu hủy vật chứng khi vụ án chưa đưa ra xét xử.
    Không giám định các vết máu và ADN của nạn nhân, trong đó có cả vết máu nghi ngờ của hung thủ để lại là việc sai lầm không thể chấp nhận.
    Khi gây án 2 nạn nhân có sự chống cự quết liệt trước khi chết.Bằng chứng là hiện trường để lại có sự xáo trộn , đồ vật bị tung tóe... Hung thủ đã bị thương chảy máu trên ở hiện trường và lối ra thoát khỏi hiện trường và có các giọt máu nhỏ trong nhà vệ sinh. Nếu các chuyên gia khám nghiệm hiện trường thu thập và làm xét ngiệm về nhóm máu và ADN, thì sẽ xác định được thủ phạm và là chứng cứ gỡ tội cho người bị oan sai (nếu có)

    Trả lờiXóa
  4. Quá nhiều điều chưa rõ ràng , quá nhiều thiếu sót ( hoặc cố tình hoặc do trình độ ) mà vẫn quyết xử chết HDH thì họ quả là ... ác độc như loài thú vậy

    Trả lờiXóa