Thứ Hai, 25 tháng 5, 2020

NGHI VẤN CÔNG TY NHẬT HỐI LỘ QUAN CHỨC VIỆT NAM


Nghi vấn Công ty Nhật hối lộ quan chức Việt Nam 

Thứ hai, 25/5/2020, 16:10 (GMT+7) 

Công an Bắc Ninh đang xác minh thông tin lãnh đạo Công ty Tenma Việt Nam đã hối lộ quan chức thuế, hải quan địa phương để được miễn truy thu thuế.


Báo Asahi đưa tin, Công ty Tenma tại Nhật Bản ngày 1/4 đã khai với công tố viên tại Tokyo rằng công ty con Tenma Việt Nam (có trụ sở tại tỉnh Bắc Ninh) đã hối lộ khoảng 25 triệu yên (hơn 5 tỷ đồng) cho một số quan chức địa phương. 

Trước đó, công ty này bị điều tra dấu hiệu vi phạm luật cấm hối lộ quan chức nước ngoài và luật cấm cạnh tranh không lành mạnh. Việc điều tra do cảnh sát tiến hành và một bên thứ ba thực hiện độc lập.

Theo lời khai, Tenma Việt Nam vào tháng 6/2017 sau khi nhập lô hàng khuôn mẫu đã bị đòi khoản phụ thu gần 1,8 tỷ yên (khoảng 362 tỷ đồng). Để giảm "phụ thu", công ty đề xuất trả "phí điều chỉnh". Giám đốc Tenma Việt Nam đã đồng ý chi 2 tỷ đồng để được "miễn" khoản tiền trên.

Tháng 8/2019, Tenma Việt Nam bị yêu cầu nộp thuế thu nhập chừng 89 triệu yên (khoảng 17,8 tỷ đồng), trong đó bao gồm thuế doanh nghiệp. "Tenma Việt Nam đã đưa 3 tỷ đồng tiền mặt để hối lộ nên được giảm xuống còn 2,62 triệu yên, bao gồm cả tiền phạt", Asahi đưa tin.

Ngày 1/5, Tenma thông báo trên trang web rằng giám đốc chịu trách nhiệm việc đưa tiền này sẽ từ chức tại cuộc họp cổ đông vào tháng 6. 

Ngày 25/5, ông Trịnh Hữu Hùng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh đã nhận được đề nghị phối hợp xác minh từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam. "Thông tin trên từ lời khai một chiều, chưa thể khẳng định có hay không", ông Hùng nói. Tỉnh đã giao công an xác minh và báo cáo sớm nhất.

Cùng ngày, đại tá Phạm Văn Lương, Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết đã làm việc với những ban ngành liên quan và thu thập tài liệu ban đầu để báo cáo tỉnh vào 26/5. 
Phủ nhận thông tin từ báo Nhật, ông Phạm Chí Thành, Phó cục trưởng Hải quan Bắc Ninh cho biết, theo Luật Xuất nhập khẩu, Tenma là doanh nghiệp chế xuất, không thuộc diện chịu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng. Do đó, hàng hóa của doanh nghiệp này nhập về để sản xuất không phải chịu bất kỳ loại thuế gì.

Việc cán bộ hải quan nhận tiền của Tenma để giảm thuế nhập khẩu 400 tỷ đồng, theo ông Thành là không có cơ sở. "Cục Hải quan Bắc Ninh cũng chưa nhận được văn bản chính thức nào từ cơ quan chức năng Nhật Bản, chỉ biết đến vụ việc qua báo Asahi", ông Thành nói.

Trong khi đó, ông Ngô Xuân Tòng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh cho hay đã báo cáo Bộ Tài chính và làm việc với Công an tỉnh. "Hồ sơ kiểm tra, báo cáo giải trình của đoàn kiểm tra đã được gửi tới Bộ Tài chính và Công an tỉnh Bắc Ninh", ông Tòng cho hay.

Ông cho biết hồ sơ kiểm tra và quyết toán thuế của Công ty Tenma Việt Nam thể hiện họ hoàn toàn được hưởng ưu đãi theo luật hiện hành, không có lý do gì phải bỏ thêm chi phí khác để được hưởng ưu đãi. "Đây có thể là vấn đề nội bộ của nhân viên người Nhật", ông Tòng nói.

Cục trưởng Cục Thuế Bắc Ninh nói thêm, quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra đã làm rõ khoản thu nhập hoạt động gia công không được hưởng ưu đãi theo giấy phép ban đầu nên đã quyết định truy thu, phạt chậm nộp với tổng số tiền trên 500 triệu đồng.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 25/5, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, hôm nay Bộ đã thành lập đoàn thanh tra công vụ tại Cục Thuế và Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh để làm rõ sự việc trên, công khai kết quả thanh tra. "Đây là hành vi ăn vặt của cán bộ hải quan, thuế", ông Dũng nói.

Ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị điều tra rõ nghi vấn này, nếu đúng phải xử nghiêm khắc, nhanh nhất và xứng đáng nhất để tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng.

Tổng công ty Tenma tại Nhật Bản hoạt động từ năm 1949. Tenma Việt Nam đặt cơ sở sản xuất tại Khu công nghiệp Quế Võ Bắc Ninh từ năm 2007, hoạt động chính là sản xuất linh kiện nhựa cho thiết bị văn phòng, xe máy, ôtô và đồ dùng gia đình...

Trước đó, cơ quan tố tụng Việt Nam từng xét xử hai vụ án nhận hối lộ lớn của quan chức ngành giao thông, bắt nguồn từ báo chí Nhật. Đó là vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ (nguyên giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây, TP HCM) và vụ 6 quan chức đường sắt nhận lót tay 11 tỷ đồng của Công ty JTC.


Bá Đô - Hoài Thu - Anh Tú - Hoàng Thắng
_________

Thanh tra nghi vấn công ty Nhật hối lộ công chức Việt Nam 5,4 tỷ

VietNamnet
25/05/2020 16:28 GMT+7 
 
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết đã chỉ đạo lập đoàn thanh tra xác minh vụ việc hối lộ liên quan công ty Tenma Việt Nam.

Báo chí những ngày qua phản ánh vụ việc hối lộ liên quan đến công ty Tenma Việt Nam (công ty con của Tenma Nhật Bản đặt tại tỉnh Bắc Ninh).

Trả lời bên hành lang Quốc hội chiều nay, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đã yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẩn trương báo cáo nội dung thông tin báo chí nêu về những nghi vấn trong việc hối lộ của công ty Tenma Việt Nam, báo cáo Bộ trước ngày 26/5.

Giao Thanh tra Bộ thành lập ngay đoàn thanh tra trong hôm nay (25/5), để thanh tra Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh, Cục Hải quan Bắc Ninh và các tổ chức, cá nhân có liên quan về nội dung thông tin báo chí nêu về những nghi vấn trong việc hối lộ của công ty Tenma Việt Nam và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Bộ kết quả.

Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai, thực hiện.

Bộ trưởng Dũng khẳng định: "Bộ Tài chính sẽ làm rõ, công khai, minh bạch về sự việc. Việc này rất quan trọng, về đối ngoại liên quan tới môi trường đầu tư kinh doanh; về đối nội đây là việc phòng chống tham nhũng, đặc biệt là trong 2 lĩnh vực mà người ta nói là 'ăn vặt'".

Theo một số hãng thông tấn, báo của Nhật Bản như Asahi, Kyodo, Nikkei..., công ty TNHH Tenma Việt Nam (công ty mẹ tại Tokyo, Nhật Bản) đã khai báo 2 lần hối lộ tổng cộng 25 triệu yên (tương đương khoảng 5,4 tỷ đồng) cho một số cán bộ, công chức Việt Nam.

Các công tố viên quận Tokyo ban đầu đánh giá hành vi này của Tenma đã vi phạm luật Phòng chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản.

Theo cơ quan điều tra, khoản tiền trên được lãnh đạo công ty Tenma trực tiếp đưa thông qua khoản “phí điều chỉnh” cho các cán bộ của của một cơ quan địa phương của Việt Nam nhằm được miễn giảm khoản truy thu thuế đối với công ty con tại Việt Nam.

Trần Thường - Thu Hằng

4 nhận xét :

  1. Thường thì nghi vấn là phải có! Quá nhiều vụ nghi vấn đã thành sự thật và phải xử tù rồi! Và đã nhiều lần xấu hổ với nhân dân Nhật Bản và các nước!

    Trả lờiXóa
  2. Thông tin từ phía Nhật Bản, ông Kento Fujino- Chủ tịch Công ty này thậm chí đã từ chức để nhận trách nhiệm về sự việc và Công ty Tenma đã đăng thông tin này lên trang web.
    Có khi nào phía công ty Nhật Bản tự tưởng tượng ra câu chuyện động trời này không? Người Nhật vốn có tiếng là trung thực, dám làm dám chịu có bịa đặt ra vụ việc này để vu oan giá họa cho đối tác hay không? Phần đông ý kiến của cư dân mạng cho biết, mặc dù là sự việc mang lại hình ảnh xấu cho người Việt (nếu đó là sự thực) nhưng họ vẫn cảm thấy phía Nhật Bản là những người đáng tin hơn.
    Bởi từ những trải nghiệm thực tế, chúng ta đều biết, chuyện hối lộ một số cán bộ thoái hóa biến chất để đổi lấy những ưu đãi có lợi cho doanh nghiệp đã hoàn toàn xảy ra ở Việt Nam. Thậm chí khi các doanh nghiệp chưa kịp có ý định hối lộ thì đã có nhiều người trong cuộc tự vẽ ra kịch bản để giúp họ… hối lộ, sao cho nhanh gọn và êm thấm, nếu không nghe theo, họ sẽ bị hành cho lên bờ xuống ruộng.
    THế mà một số quan chức VN đã bắt đầu tìm cách chạy tội, đánh lạc hướng rồi. Nhưng việc này không dễ thoát vì phía Nhật bản sẽ làm đến cùng với VN.

    Trả lờiXóa
  3. "Đây là hành vi ăn vặt của cán bộ hải quan, thuế", ông Dũng nói. Thưa ngài bộ trưởng lính tráng của bộ ăn vặt gì tới 25 triệu yên(hơn 5 tỉ) vậy? Vẽ đường thí chốt...

    Trả lờiXóa
  4. Ông Dũng quên luật hay ăn vặt nhiều quá nên nói ẩu:
    Căn cứ vào Khoản 4 Điều 354 Bộ luật hình sự 2015 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
    – Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1tỷ đồng trở lên;
    – Gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên.
    Tham nhũng không phải “ăn vặt”. Nó là tội hình sự được luật định! Những cá nhân/nhóm cá nhân thực hiện hành vi phạm tội tham nhũng cần được nhận định đúng tội và xử lý nghiêm.
    Nhận định kiểu “ăn vặt” ở cấp độ Bộ trưởng như ông Đinh Tiến Dũng thì hướng xử lý sẽ ra sao? Lính “ăn vặt” tiền tỉ như thế thì “bữa ăn chính” theo ông Đinh Tiến Dũng, sẽ ở mức nào? Và giả sử cuộc “ăn vặt” trót lọt sẽ có hơn 400 tỉ đồng tiền thuế thất thoát; thì sau “bữa ăn chính”, ngân khố hay an ninh kinh tế quốc gia sẽ còn lại gì?

    Trả lờiXóa